Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday, 7 September 2015

Nước Anh hé cửa đón người tị nạn

                                  

media
Người di cư từ Châu Phi biểu tình (ngày 05/09/2015) phản đối bạo lực cảnh sát tại Calais, thành phố cảng, chặng trung chuyển của hàng nghìn người tị nạn sang nước Anh.Reuters/Pascal Rossignol
Chịu sức ép từ cả bên ngoài lẫn bên trong, thủ tướng Anh David Cameron, hôm qua 04/09/2015, cuối cùng cũng ra tuyên bố nhận thêm người tị nạn Syria để góp phần giải quyết làn sóng người tị nạn đang tràn vào Liên hiệp châu Âu. Thông tín viên Lê Hải trình bày thêm chi tiết từ góc nhìn của London.
Chính phủ cầm quyền của đảng Bảo Thủ ở nước Anh im lặng trước đòi hỏi của các nước Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu phải chia sẻ bớt gánh nặng trong việc tiếp nhận người tị nạn Syria. Thủ tướng David Cameron cũng không thay đổi quan điểm trước sức ép của phe đối lập là đảng Lao Động, như trong phiên chất vấn hàng tuần trước quốc hội vào thứ Tư vừa rồi. Nhưng sau khi nhận được kháng nguyện thư với trên 200.000 chữ ký của người dân Anh thì ông ngay lập tức đưa ra giải pháp mang tính trung gian, là sẽ nhận thêm vài ngàn người tị nạn, để ngăn chặn tình trạng vượt biển nguy hiểm chết người đã làm chấn động dư luận trong mấy ngày qua, nhưng không phải là từ con số những người đang nhập cư lậu. 
Sau cuộc họp khẩn cấp với thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông tuyên bố nước Anh sẽ cấp thêm khoảng 150 triệu euro để giúp các trại tị nạn, mà tính ra từ năm 2012 đến nay đã giúp người tị nạn Syria gần 1,5 tỷ euro. Liên hiệp châu Âu yêu cầu mỗi nước thành viên nhận hàng ngàn người, riêng nước Anh được kỳ vọng sẽ nhận 18.000 người tị nạn, cho nên sẽ không hài lòng với ước đoán là nước Anh sẽ nhận cùng lắm là khoảng 4.000 người. Con số cụ thể sẽ được thủ tướng Anh đưa ra sau.
Những người tị nạn đang di chuyển từ Hungary sang Đức và Áo về phía biên giới nước Anh cũng sẽ không vui vì thủ tướng Anh tuyên bố chỉ nhận người trực tiếp từ các trại tị nạn ở biên giới Syria. Hiện tại đang có gần 5.000 người ở đó nộp đơn xin tị nạn vào Anh và trên 200 người đã được chuyển sang Anh định cư. Hiện đang có trên 5.000 người tị nạn Syria đang sống ở Anh, và tiêu chí nhận người sẽ ưu tiên cho các nạn nhân tra tấn, hãm hiếp cũng như là người già và người tàn tật. Thủ tướng Dameron giải thích quyết định này là để thể hiện tinh thần nhân đạo của nước Anh.
Sự thay đổi này của chính phủ Anh có ý nghĩa như thế nào cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn của Châu Âu hiện nay ?
Nhìn lên bản đồ châu Âu thì tất cả các tuyến đường vượt biên đều đổ dồn vào cảng Calais của Pháp rồi từ đó người ta chui vào xe tải trốn vào nước Anh. Có những người sẵn sàng đu ngược người gồng tay bám chặt vào gầm xe tải để vào cảng, và từng có trường hợp một người Việt chết khi mỏi tay rơi xuống đường. Bây giờ người ta còn liều lĩnh hơn, vượt rào chui vào đường hầm cho xe lửa vượt biển Manche và đi bộ hay thậm chí còn thử bám vào nóc tàu như cảnh trong bộ phim hành động của Tom Cruise. Hay đi bộ dưới đường hầm cũng nguy hiểm không kém vì thiếu oxy, và ngay sát cạnh đoàn tàu băng qua với tốc độ lên đến 300km/h, và dưới chân là đường ray cũng chính là đường điện cao thế.
Các nước châu Âu như ta có thể thấy rất rõ trong trường hợp Hungary vừa rồi, chỉ là trạm trung chuyển để người tị nạn băng ngang qua, trên đường đổ vào Anh, cho nên họ chỉ cần người tị nạn ra khỏi nước mình là thở phào nhẹ nhõm. Còn nước Anh thì khó mà đem cảnh sát sang Hungary để ngăn cản hay chưa nói gì đến chuyện truy bắt tội phạm. Mà không chỉ Hungary, người tị nạn có thể đổ vào Albania, hay từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Ý, hay thậm chí Tây Ban Nha rồi băng ngang qua Paris để kéo lên Calais. Muốn ngăn chặn di dân thì chính phủ Anh phải cùng lúc phối hợp với tất cả các quốc gia đó và xét về quyền lợi quốc gia thì không nước nào muốn chặn di dân mà ngược lại, chỉ muốn tạo điều kiện để cho họ nhanh chóng ra khỏi biên giới nước mình.
Chính quyền địa phương ở cảng Calais của Pháp xây lán trại để cung cấp chỗ ngủ cho phụ nữ và phòng tắm hay khu nấu nước nóng pha cà phê để bảo đảm cho di dân các nhu cầu vệ sinh tối thiểu, và chỗ ngủ an toàn, chứ còn cảnh sát Pháp không hào hứng trong việc bắt người vượt biên, và nếu có nhận người vượt biên bị biên phòng Anh bắt trả về thì cũng chỉ chụp ảnh lấy vân tay rồi lại thả họ ra các trại để họ tìm đường vượt biên tiếp. Tuần qua chính phủ Anh bắt đầu lập một đơn vị cảnh sát phối hợp ở Ý, thế nhưng đó chỉ là giọt muối bỏ biển để đối phó với con số mà chính phủ Anh đưa ra là có khoảng 30.000 người đang hoạt động trong các đường dây chuyển lậu di dân từ các nước liên hiệp châu Âu vào Anh.
Những biến động trong tuần qua sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người Việt đang chờ đợi quy chế tị nạn tại Anh ? 
Trước mắt những bộ hồ sơ tồn đọng của người Việt sẽ được giải quyết nhanh chóng để bộ phận chuyên trách di dân và tị nạn của chính phủ Anh rảnh tay xử lý các hồ sơ mới. Tuy nhiên, bộ nội vụ Anh có vẻ cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm về các hồ sơ Việt Nam và tập trung về một mối để giải quyết nhanh hơn. Từ góc độ khác cũng có thể thấy các nhóm người Việt rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và xây dựng lời khai để dễ được chấp nhận ở lại, qua mặt cán bộ của bộ nội vụ Anh.
Nếu cứ tin theo lời khai của họ thì ở Nghệ An và Hải Phòng có rất đông người theo đạo Hòa Hảo vì ai cũng là lãnh đạo của một xóm đạo với cả chục hay thậm chí cả trăm tín đồ trong ngôi làng nhỏ của họ. Hay con số người tham gia và số lượng các cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam ở London ngày càng đông, đòi thả các tù nhân lương tâm, nhưng mục tiêu chính là chụp ảnh để nộp thêm vào hồ sơ xin tị nạn.
Tất nhiên là có nhiều người Việt ở Anh và các nước châu Âu đang hoạt động cho lý tưởng tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam, nhưng sẽ khó phân biệt ai là thật ai là giả, hay thậm chí ai là an ninh Việt Nam được cài cắm, cũng giống như vụ thuyền nhân từ miền Bắc tràn sang Hồng Kông hồi năm 1979 có rất nhiều người mua giấy để xác nhận mình là người Hoa để đi vượt biên, có cả dân thường ở Hà Nội lẫn những người từng làm việc trong bộ máy của ngành an ninh của công an Việt Nam.
Trước mắt, chính sách ưu tiên của Anh sẽ giúp cho trẻ em và phụ nữ bị hiếp dâm mau chóng được nhận thẻ tị nạn, cho nên không ít người có đến 20-30 tuổi vẫn khai mình là trẻ con 16-17 tuổi, hay những người đã sống bất hợp pháp ở đây từ lâu, nay có thai thì ra khai là mới vượt biên vào đến nơi và bị hãm hiếp. Về lâu dài thì hệ quả của những chuyện này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của cộng đồng người Việt ở Anh và các mối liên hệ về chính trị và xã hội với Việt Nam, nhưng điều đó thì ngay trước mắt cũng không phải là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Anh.

Châu Âu chia rẽ về đối sách với làn sóng người tị nạn

Trọng Nghĩa                                              
media
Khắp nơi trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân bày tỏ tình đoàn kết với người tị nạn. Trong ảnh, tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 04/09/2015.REUTERS/Gustau Nacarino
Các diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Châu Âu đã nêu bật sự chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu giữa khối nước Trung Âu và phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Dấu hiệu điển hình là hai cuộc họp song song mở ra vào hôm qua 04/09/2015 : Tại Praha là hội nghị của Thủ tướng 4 nước Trung Âu được liệt vào diện « khước từ người tị nạn » - Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan – còn tại Luxembourg là cuộc họp Ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Châu Âu, chủ trương phân bổ một cách bắt buộc số người tị nạn cần tiếp nhận cho từng thành viên.
Theo ghi nhận của Đặc phái viên RFI Quentin Dickinson tại Luxembourg, trong cuộc họp của mình, sau khi phân tích kết quả Hội nghị diễn ra tại Praha, Ngoại trưởng các nước đã không tránh khỏi bất bình trước các bình luận hàm ý chống chính sách người tị nạn mà Liên Hiệp Châu Âu chủ trương.
« Từ xa, Ngoại trưởng các nước Tây Âu đã dành một phần của buổi tối hôm qua để phân tích kỹ lưỡng các kết quả của hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Praha của một kiểu mặt trận từ khước người nhập cư, tập hợp lãnh đạo bốn nước Trung Âu - Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc – đều là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Nội dung chủ yếu của bản tuyên bố kết thúc hội nghị Praha hầu như không có gì đáng chỉ trích, thậm chí còn có những điểm phù hợp với lập trường của chính họ.
Bốn quốc gia Trung Âu chẳng hạn, đã nhận định rằng cần phải tăng cường kiểm soát tại biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu, gia tăng nỗ lực theo dõi những mạng lưới buôn người. Các nước này cũng ghi nhận là Châu Âu còn thiếu nghiêm trọng các trung tâm tiếp nhận để đăng ký từng người nhập cư, ngay khi họ đến nơi và mở cho mỗi người một hồ sơ riêng.
Các nhận định kể trên không khác gì quan điểm được nêu bật tại Luxembourg.
Tuy nhiên, các phát biểu bằng miệng mà các lãnh đạo Trung Âu đã đưa ra sau khi Hội nghị Praha kết thúc đã không được mấy hưởng ứng. Lãnh đạo chính phủ Ba Lan chẳng hạn đã khẳng định rằng vì chủ quyền đất nước, Ba Lan phải tự mình quản lý cuộc khủng hoảng người nhập cư. Thủ tướng Slovakia thì bác bỏ mọi ràng buộc, thúc ép, trong lúc đồng nhiệm Séc của ông phản đối mọi quyết định phân bổ quota người nhập cư giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu ».

Được Hung hỗ trợ, hàng ngàn người tị nạn đổ về Áo

Anh Vũ                   
media
Dòng người tị nạn đổ sang Áo, từ thủ đô Budapest, 04/09/2015.REUTERS/Laszlo Balogh
Theo AFP, hôm nay 05/09/2015, khoảng 3.000 người tị nạn với sự giúp đỡ của chính quyền Budapest, đã vượt qua biên giới tới nước Áo dưới trời mưa rét, sau khi vào tối qua Vienna thông báo, trước « tình hình khẩn cấp » Áo và Đức chấp nhận mở cửa cho người nhập cư từ Hungary.
Sau khi Áo và Đức thông báo sẵn sàng đón nhận người tị nạn, hàng ngàn người nhập cư vào Hungary đã bằng mọi phương tiện đã đổ về nước Áo từ đêm qua. Chính quyền Budapest đã điều động hàng trăm xe bus đến chở người tị nạn đang tập trung tại nhà ga trung tâm thành phố đến biên giới với nước Áo. Cùng lúc đó khoảng hơn một ngàn người đã quyết định đi bộ từ Budapest đến nước Áo trên quãng đường dài khoảng 175 km, tạo thành một dòng người di cư lớn chưa từng có.
Theo chỉ huy lực lượng cảnh sát của bang Burgenland (đông Áo), đã có từ 2.500 đến 3.000 người tị nạn đến được đất Áo và họ đang được chính quyền sở tại thu xếp đón tiếp.
Ngoài ra khoảng 400 người tị nạn khác cũng đã được đưa tới biên giới Áo bằng tàu lửa. Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ còn một chuyến tàu nữa đưa người nhập cư sang Áo.
Theo nguồn tin của cảnh sát Đức sáng nay, khoảng 5.000 đến 7.000 người tị nạn từ Hungary sẽ đến Đức hôm nay. 
Những ngày qua, khoảng hơn 50 nghìn người tị nạn đã tràn vào Hungary để tìm đường sang các nước phía tây của Âu, chủ yếu tới Đức và Áo. Chính quyền Budapest thực sự quá tải trước dòng người dia cư lớn chưa từng có này.
Trước cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất từ năm 1945 đến nay, giữa những nước phía đông và tây Liên Hiệp châu Âu vẫn bất đồng với nhau về việc đón nhận người tị nạn. Hôm qua Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước trong Liên Hiệp mau chóng phân bổ chỉ tiêu bắt buộc nhận di dân tị nạn, hiện ước tính có khoảng 200 nghìn người.

 Lê Hải    

---
 
17 bức tranh tưởng niệm bé trai 3 tuổi Syria khiến cả thế giới rớt nước mắt


0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.