Ra mắt hồi ký “17 Năm Tù CSVN” của Tr.T Huỳnh Kim Hiếu
Nam Giao,TL
Buổi ra mắt sách “17 năm ngục tù cộng sản”
của tác giả Trung Tá Huỳnh Kim Hiếu (HKH) đã được tổ chức rất thành
công vào lúc 2:00 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 2-10-2016, tại nhà hàng Quốc
Hương, vùng Garland, Texas. Khoảng hơn 160 người tham sự.
Tham dự và chung vui với tác giả HKH gồm thân hào nhân sĩ, một số
đông cựu quân nhân các cấp, bằng hữu, thân hữu, các cơ quan truyền
thông, đồng hương trong vùng DFW và nhất là sự đóng góp phần văn nghệ
của nhóm “Thiện Nguyện Hoa Tình Thương” do cô Hoàng Lan đảm trách.
Sau phần nghi lễ thường lệ, và sau bài hợp ca “trả lại cho dân”, của
NS Duy Quốc Nam… do ca đoàn Hoa Tình Thương trình diễn, đã mở màn cho
buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Hân đại diện ban tổ chức đã chức ngỏ lời
chào mừng quan khách hiện diện, điểm sơ qua về tác giả và công trình của
ông trong việc hoàn thành cuốn hồi ký “17 năm ngục tù cộng sản”, như
một chứng tích lịch sử của một cuộc đổi đời tù tội khổ đau, nghiệt ngã,
từ khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam vào năm 1975.
Sau đó ông Nguyễn Hân, nhân danh ban tổ chức, mời TS Mai Thanh
Truyết, người đến từ Houston, là diễn giả chính, giới thiệu về tác phẩm
“17 năm ngục tù CS” của tác giả Huỳnh Kim Hiếu trước cử tọa.
Sau lời chào mừng quan khách đã bỏ thì giờ đến đây chung vui và quan tâm tới tác giả, TS Mai Thanh Truyết vào đề ngay:
“….một Sĩ Quan lên tiếng: “Xin Trung Tá và các Sĩ Quan nên di tản
trước để bảo vệ bí mật cơ quan, còn tất cả Hạ sĩ quan và anh em binh sĩ
sẽ ở lại với tôi để chiến đấu sau khi di tản gia đình, vì trong lúc nầy
mỗi quân nhân là một tay súng”. Tất cả Sĩ Quan, Hạ sĩ quan và anh em
binh sĩ dơ tay đồng ý ở lại chiến đấu”.
Ngay trong phần mở đầu, tác giả Huỳnh Kim Hiếu, Trung tá An ninh Quân
đội đã xác định tấm lòng sắc son với Miền Nam Việt Nam. Lời của một sĩ
quan dưới quyền trên đây cũng chính là lời của “người con Việt” trong
những giây phút dầu sôi lửa bỏng nầy, những ngày cuối cùng của Việt Nam
Cộng Hòa.
Từ đó, tác giả bắt đầu kể lại “câu chuyện từng ngày” từ 28/4 cho đến
ngày 15/6, ngày trình diện đi “học tập cải tạo” tại Gò Vấp. Và “cuộc
phiêu lưu ký” của Huỳnh Kim Hiếu tiếp theo sau đó, trải dài hơn 17 năm
từ Bắc chí Nam (1975-1992). Tác giả kể lại như vừa qua một giấc…kinh
kha, từ ngày vào trại với 10 bài học chính trị, rồi kê khai ba đời lý
lịch cá nhân.
Trong suốt thời gian bị đày ải, tác giả với một bản năng sinh tồn chắc nịch đã: “đi tìm triết lý đông phương:” “Tôi
đi tìm cái vui trong cái khổ. Ngồi ngắm mây bay, nhìn trăng lên, ngắm
cây cỏ xung quanh tôi. Nghe tiếng chim hót, nghe tiếng dế gáy, quan sát
sự sinh hoạt của loài kiến, loài côn trùng, nghe các bạn kể chuyện tiếu
lâm, chuyện kiếm hiệp là những trò giải trí, là thú vui để quên đau khổ
và quen sự đau khổ trong tù”.
Tác giả lại chiêm nghiệm thêm cuộc đời bằng: “Tôi đi tìm cái vinh
trong cái nhục. Việt Cộng cố tình làm nhục chúng tôi để trả thù. Họ bắt
chúng tôi ăn ở như con heo, con lợn, họ hành hạ chửi bới, mắng nhiếc
như loài thú vật. Họ bắt chúng tôi bốc phẩn người bằng tay, sống cạnh
các đống phân người, cạnh thùng nước tiểu, nhưng tôi không lấy đó làm
nhục. Cái nhục lớn nhất của đời tôi là đã để cho Cộng sản Hà Nội xâm
chiếm miền Nam, làm khổ đồng bào Việt Nam”.
Và sau cùng tác giả viết: “Tôi hãnh diện chiến đấu vì Tổ quốc, vì
hạnh phúc đồng bào, tôi có chính nghĩa, chính đạo vì dân vì nước. Trai
trung thờ một Chúa, một ngọn cờ vàng. Tổ tiên của tôi là con Lạc cháu
Hồng, con Rồng cháu Tiên, chứ không phải là loài khỉ loài vượn. Tổ quốc
của tôi là nước Việt Nam, chứ không phải là Liên Sô”.
Để sinh tồn trong cuộc sống tù đày thiếu thốn, cộng thêm nỗi hành hạ
thể xác và tinh thần qua bao cuộc thẩm tra vì tác giả là một Trung tá An
ninh Quân đội VNCH, hãy nghe lời tường thuật sau nhiều lần chuyển trại:
“Lợi dụng lúc nhàn rỗi, chúng tôi sinh hoạt tự do vừa để giải trí
vừa để giết thời gian và vừa để trau dồi trí thức như tổ chức được nhiều
lớp học tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh, học sửa radio, sửa đồng hồ,
học châm cứu, hay cứu thương, học chấm tử vi, bói toán, chỉ tay v.v… do
các Bác sĩ, các kỹ sư, giáo sư, các Sĩ quan gốc Hoa, gốc Pháp, các anh
tù biết chuyên môn giảng dạy. Do sự giảng dạy của anh Bác sĩ phó Giám
đốc Quân Y Viện Cộng Hòa, tôi đã học xong một khóa huấn luyện về Châm
cứu và bắt đầu đi thực hành điều trị cho các bạn tù bị những bịnh thông
thường”.
Tất cả những lời trên đã diễn tả tỏ rõ đoạn đường chiến binh trong
cuộc hành trình tù ngục hơn 17 năm dài từ khi rời khỏi các trại tù từ
miền Nam và làm chuyến “viễn du ra Bắc” ở tận Yên Bái (tháng 4/1978),
rồi chuyển qua trại Tân Lập K2, Vĩnh Phú (7/78), rồi K1 (1/80), rồi
Thanh Phong, Thanh Hóa (12/81).
Sau cùng tác giả lại xuôi Nam trở về Z30, Xuân Lộc từ trại A, xuống B, qua C. Và cuối cùng về lại Z30D, Hàm Tân (4/91).
Trong suốt cuộc hành trình, tác giả luôn tỉnh táo và quan sát từng
nơi, từng địa phương, cũng như trong khi di chuyển, để rồi vẽ ra một bức
tranh vân cẩu với tất cả thất tình lục dục trong cũng như ngoài trại.
Đó là:
• Một vài tình cảm hé lộ của cán bộ Cộng sản còn chút lương tri (?);
• Cảnh vượt ngục, bị bắt lại, và bị xử tử của nhiều sĩ quan gan dạ bất khuất;
• Bản năng sinh tồn của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa;
• Tình cảm của bà con đối với người lính VNCH qua việc giúp đỡ vài củ
khoai, hay vài cái bánh ngọt trong lúc chuyển trại v.v…;
• Và nhứt là, thời gian thử thách qua các cuộc “làm việc” với quản giáo, đặc biệt đối với những quản giáo từ trung ương xuống…
Tóm lại, cuốn sách nói lên tính chiến đấu kiên cường của hầu hết các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đó là:
Không chấp nhận sống NHỤC, sống HÈN.
Thà chết chứ không hề chịu KHUẤT PHỤC.
Bây giờ, hơn 41 năm sau biến cố Quốc Nhục, mỗi người trong chúng ta,
những người con Việt, những người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp
tục chiến đấu. Chiến đấu cho một Việt Nam tự do, độc lập, nhân quyền, và
nhứt là cởi trói cho hơn 90 triệu bà con đang còn chịu quá nhiều áp bức
và bị bóc lột dưới ách thống trị xuyên qua cơ chế chuyên chính vô sản
của Đảng Cộng sản Bắc Việt.
Quyển hồi ký “17 Năm Tù Cộng Sản” chắc chắn sẽ là một chứng
liệu góp phần ghi nhận những chứng tích tàn bạo và phi nhân của chế độ
hiện hành vào một giai đoạn lịch sử đen tối nhất của dân tộc. Chính sự
tàn bạo và phi nhân đó sẽ là nguyên nhân cho ngày tàn của CSVN trong một
ngày không xa… Chắc chắn chúng ta sẽ có một ngày về lại Sài Gòn trong
một tương lai gần đây.
Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý vị, quyển hồi ký “17 Năm Tù Cộng Sản” của cựu Trung tá An ninh Quân đội VNCH Huỳnh Kim Hiếu.
Tiếp theo, là một diễn giả trẻ (hậu duệ của QLVNCH), anh Phan Ngọc
Thạch, một cựu Đại úy US Army Hoa Kỳ, đã chia sẻ tâm tình với cử tọa như
sau:
• Rất cảm động khi đọc được phần nào về tập tài liệu dày cộm này. Có
đọc, mới thấy thật sự bác Hiếu đã bỏ biết bao công lao, bằng ý chí mạnh
mẽ như thế nào, mới có thể tạo được cuốn hồi ký thế này. Khi CSBV chiếm
miền Nam, tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã sống với chế độ ấy 6 năm trước khi
theo gia đình ra đi tìm tự do, nên cũng biết ít nhiều về cái chế độ đó
tàn bạo đối với các bậc cha tù tội anh như thế nào.
• Phải nói là rất hân hạnh được gặp và được tiếp xúc với bác Hiếu,
một người tù với 17 năm khổ sai, đặc biệt nhất là bác có một trí nhớ
ngoại hạng, hay nói cho đúng là sự chi li của tác giả trong tập hồi ký
này rất sống động, không khác gì những bản án (sống) dành cho một chế độ
phi nhân tính – đó là CSVN.
• Có đọc hồi ký của bác Hiếu mới thấy người lính VNCH phải chịu đựng
gian khổ như thế nào qua ba (3) giai đoạn trong cuộc đổi đời trước, sau
1075: 1) Đời lính, bảo vệ miền Nam tự do. 2) Đời tù khổ sai dưới chế độ
tàn bạo của CSVN. 3) Đời sống xa lạ nơi xứ người.
• Trong quyển hồi ký, bác Hiếu cũng đặc biệt đề cập tới những người
vợ tù, họ đã hy sinh như thế nào sau cuộc đổi đời ly loạn đầy bất hạnh
dưới chế độ CSVN. Sự hy sinh của họ vô bờ bến, đối với chồng với con… mà
trong tự đấy lòng mình ai cũng thể thấy và cảm nhận được điều đó.
• Sau cùng, tôi thành thật biết ơn bác đã để lại cho đời một tập hồi
ký súc tích, rất có chính nghĩa, không những rất có giá trị cho thế hệ
con cháu, mà còn là một di sản rất đáng được trân trọng đối với các tổ
chức văn hóa của Hoa Kỳ.
Nhân vật xuất hiện sau cùng, chính là tác giả TT Huỳnh Kim Hiếu. Ông
đã trình diện quan khách trong “quân đai áo mão” rất chỉnh tề khi bước
lên sân khấu. Cử tọa đã dành cho ông một tràng pháo tay dài. Ông Nguyễn
Hân vẫn giữ vai trò giới thiệu và đặt những câu hỏi cho tác giả trả lời:
- NH: Xin Trung tá cho biết động lực nào đã thúc đẩy ông làm được một một quyển hồi ký như thế này?
- Kính
thưa quý đồng hương, quý chiến hữu, bạn hữu và gia đình…Tôi thật cảm
động khi được tất cả quý vị đã quan tâm, đến đây, ủng hộ buổi ra mắt tập
hồi ký “17 năm tù CS” này. Thưa, động cơ khiến cho tôi có nghị lực để
hoàn thành tập hồi ký này chính là vợ tôi – người bạn đời của tôi đã nỗ
lực khuyến khích mới thực hiện được. Tâm nguyện chính là nói lên sự đau
khổ của người Viêt Nam nói chung, đặc biệt là những người tù, gia đình
vợ con họ, đã phải hy sinh chịu đựng như thế nào để sinh tồn sau cuộc
chiến tàn bạo do CSBV gây nên. Chính nhà tôi đã góp công sức, sắp xếp
nội dung rất kỹ trong nhiều năm trước đây, nhưng rất tiếc là nhà tôi đã
qua đời từ năm 2002, nên không có mặt hôm nay. Ông Hiếu nói trong cảm động, rơi nước mắt.
- NH: Thưa anh Hiếu. Một
đoạn trong tập hồi ký, anh kể lại ngày ra khỏi tù sau 17 năm dài, anh
đã quên vị trí căn nhà của mình khiến anh đi lộn qua nhà hàng xóm. Chính
người hàng xóm đã nhắc anh: “Nhà anh đằng kia kìa”. Khi bước vào căn nhà xưa, chính vợ anh phải thốt lên một câu: “Anh mê cs dữ zậy sao? Nay mới chịu về phải không?
Câu nói mang tính khôi hài của người vợ hiền ấy, quả là đã nói lên nỗi
thống khổ của những người vợ hiền bao nhiêu năm mỏi mòn đợi chồng về!
Cũng trong một đoạn văn khác, anh viết rằng, sau gần 17 năm tù, con số
tù nhân còn lại khoảng 120 người, CSVN đã hành hạ, không những chỉ thể
xác mà ngay cả tinh thần nữa, bằng cách tung tin trả tự do từng đợt nhỏ
giọt… để khủng bố tinh thần người tù. Anh nằm trong đợt cuối cùng của 20
người tù. Vậy ý nguyện của anh sau buổi ra mắt hồi ký hôm nay là gì?
- Vâng,
cám ơn anh đã đọc rất kỹ từng đoạn trong tập hồi ký của tôi. Trước
nhất, ý nguyện của nhà tôi và tôi là được phổ biến cuốn hồi ký này dến
tay mọi giới để nói lên nỗi thống khổ của người tù VNCH, hơn một triệu
quân cán chính, qua khúc quanh lịch sử đen tối nhất của dân tộc Việt
Nam. Thứ hai là bằng mọi giá, tôi sẽ nỗ lực để dịch cuốn này qua 2 thứ
tiếng Anh, Pháp để phổ biến rộng rãi hơn nữa tới những đồng minh của
người lính VNCH mà họ đã chung vai chiến đấu chống lại đám CS quốc tế.
Cuối cùng tôi xin một lần nữa, tri ân tất cả quý vị đã thương mến,
khuyến khích tôi thực hiện cho bằng được dù biết sẽ gặp rất nhiều khó
khăn.
Sau cùng trong phần
giới thiệu tác giả và tác phẩm là phần tặng hoa cho TT HK Hiếu, chụp
hình lưu niệm với ban nhạc & ca đoàn Hoa Tình Thương của cô Hoàng
Lan. Kế đó là phần văn nghệ với các tài danh địa phương rất phong phú.
Đặc biệt là chung vui bữa cơm chiều thân mật với gia đình tác giả tại
nhà hàng Quốc Hương.
Xin trang
trọng giới thiệu Hồi ký “17 Năm Tù CSVN 1975-1992” của Trung Tá Huỳnh
Kim Hiếu. Sách dày trên 400 trang, khổ lớn (Magazine), tương đương với
900 khổ sách. Quý chiến hữu, độc giả muốn ủng hộ, có chữ ký của tác giả,
xin liên lạc: Email: huynhh75@... – Cell 682-553-0412
0 comments:
Post a Comment