Ngày 7/5/1954 Diện Biên Phủ thất thủ. Hoàng Đế Bảo Đại mời ông Ngô Đình
Diệm đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng. Biết tình hình khó khăn, ông đã từ chối
mấy lần nhưng Hoàng Đế Bảo Đại vẫn năn nỉ. Sau cùng, ông đã đòi phải được
tòan quyền về dân sự cũng như quân sự ông mới nhận lời.
Ngày 7/7/1954, cụ Ngô Đình Diệm về nước chấp chính. Chưa đầy hai tuần sau,
ngày 20/7/1954, Hiệp Định Jenève được ký kết phân chia nước Việt Nam thành
hai miền Nam Bắc.
Về nước đúng lúc đất nước bị chia đôi, miền Nam lại chia năm xẻ bẩy: nào
Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, nào phe thân Pháp, phe thân Cộng. Quốc gia
thì chậm tiến, xã hội thì đầy dẫy tệ đoan, dân trí thì thấp kém. Ruộng
vườn thì bị bỏ hoang, đường xá, cầu cống thì bị Việt Cộng phá hoại. Ðó là
chưa kể đến sự phá hoại ngấm ngầm của thực dân Pháp và Việt Cộng. Ngay cả
người Mỹ cũng chưa hoàn toàn tin tưởng cụ Ngô Đình Diệm. Các chính trị gia
thì mỗi người một ý. Không những thế, ông còn phải lo cho cả triệu người
Bắc di cư vào Nam để tránh nạn Cộng Sản.
Trong bài này, chúng tôi xin trình bầy 2 vấn đề: Thiết lập nền Đệ I Công
Hoà và những thành quả của chính phủ Ngô Đình Diện trong 9 năm cầm quyền.
I/ Thiết lập nền đệ Nhất Cộng Hoà.
Noí tới vấn đề thiết lập nền Đệ I Cộng Hoà Việt Nam, chúng ta không thể
không nói tới vấn đề truất phế Hoàng Đế Bảo Đại tức cuộc trưng cầu dân ý
ngày 23/10/1955.
Tuy Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã được Hoàng Đế Bảo Đại trao toàn quyền về
dân sự cũng như về quân sự. Nhưng thực tế về quân sự, tướng Nguyễn Văn
Hinh là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội. Tướng Hinh lại là người thân Pháp,
luôn luôn chống đối Ông Ngô Đình Diệm và có âm mưu đảo chánh lật đổ Thủ
tướng Ngô Đình Diệm. Nhưng âm mưu đảo chánh bất thành và tướng Hinh bị
trục xuất khỏi Việt Nam.
Ngày 28/3/1955, Bình Xuyên nổi loạn, pháo kích vào dinh Độc Lập rồi mấy
ngày sau đó tấn công vào thành Cộng Hoà.
Trước tình thế khó khăn như vậy, vậy mà Hoàng Đế Bảo Đại lại gây khó khăn
cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bằng cách từ Cannes (Pháp Quốc) gửi ngay một
công điện vào ngày 28/4/1955, triệu hồi Thủ Tướng Diệm qua Pháp nói là để
“tham khảo ý kiến”,
Theo luật sư Lâm Lễ Trinh thì "ý đồ của Hoàng Đế Bảo Đại là để cất chức
Thủ Tướng Diệm vì ông Diệm đã khai trừ tướng Nguyễn Văn Hinh và đã đóng
cửa sòng bài Đại Thế Giới của Bẩy Viễn là nơi cung cấp tiền bạc cho Bảo
Đại và muốn thay thể bằng Lê Văn Viễn tức Bẩy Viễn, xếp sòng Bình Xuyên,
lúc đó đang nắm giữ guồng máy cảnh sát, công an..."
Bị đẩy vào chân tường, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã tham khảo ý kiến hội
đồng nội các rồi phúc đáp: “Hội đồng Nội Các không đồng ý để ông xuất
ngọai giữa tình thế rối ren của xứ sở và một Hội nghị các chánh đảng và
nhân sĩ quốc gia sẽ được triệu tập ngày 29/4/55 tại dinh Độc Lập để cho
biết ý kiến “Thủ Tướng có bổn phận thi hành lệnh triệu thỉnh của Quốc
Trưởng hay không?” Hội nghị này gồm có 18 chính đảng, đòan thể và 29 nhân
sĩ miền Nam trong đó có ba tổ chức nổi bật và có thực lực là: VN Dân Xã
Đảng (Hòa Hảo) mà bí thơ là Nguyễn Bảo Tòan, VN Phục Quốc Hội (Cao Đài) do
Hồ Hán Sơn thay mặt và Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến VN của Trịnh Minh Thế
do Nhị Lang đại diện.
Ông Nhị Lang, tác giả cuốn sách Phong Trào kháng chiến Trịnh Minh Thế cho
biết:
“Đúng 10 giờ sáng ngày 29/4/55 Hội nghị khai mạc, Thủ Tướng Diệm tiến vào
phòng họp với vẻ mặt ưu tư, sau khi ngỏ lời chào mừng Hội Nghị, ông tuyên
bố: “Để qúy ngài được tự do thảo luận” rồi ông kiếu từ đi ngay…”
Trong khi các hội viên yên lặng chăm chú đọc chương trình nghị sự, thì ông
Nhi Lang đứng lên tuyên bố: “Thưa quí vị, tôi được chỉ thị của đòan thể
chúng tôi là Mặt trận Quôc gia Kháng chiến Việt Nam đến đây gặp quí vị
không phải đề nói chuyện về việc Thủ Tuớng Ngô Đìng Diệm có bổn phận hay
không bổn phận thi hành lệnh của Bảo Đại. Mà trái lại, tôi xin thẳng thắn
đặt vấn đề, là đã đến lúc chúng ta cần trút bỏ quyền hành của ông Quốc
trưởng vô dụng kia đi. Là vì ông ta đang làm một việc trái với nguyên tắc
lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi, thành phố Sài Gòn đang có biến, dân chúng đang
xôn xao lo sợ, tại sao ông Bảo Đại lại chọn ngay lúc này để bắt buộc Thú
tướng phải bỏ nước sang bên Pháp xa xôi kia, để ‘’tham khảo ý kiến?’’ Tham
khảo cái gỉ? Phải chăng đây là mưu kế để nhắm lật đổ Chánh phủ này? Vậy
tôi xin tuyên bố dứt khoát, nếu quí vị bằng lòng thảo luận việc truất phế
Bảo đại ngay bây giờ, thì tôi ở lại. Bằng không, tôi xin phép ra khỏi
phòng hội này ngay!’’.
Trong khi cử toạ còn đang bang hoàng và sửng sốt thì đại tá Hồ hán Sơn,
đại diện tướng Cao đài Nguyễn thành Phương đứng lên và tuyên bố tiếp:
“Nhân danh Việt Nam Phục Quốc hội, chúng tôi đồng ý với mặt trận Quốc gia
kháng chiến, yêu cầu quí vị đừng bận tâm tới lệnh triệu thỉnh vô lý của
Bảo đại nữa, mà hãy đồng tâm làm một cuộc cách mạng, chấm dứt ngay vai trò
của ông Quốc trưởng Bảo Đại kia đi cho xong. Nếu ý kiến nầy không được
hưởng ứng, tôi cũng xin rút lui ngay tức khắc!’’
Phiên họp kéo dài 7 tiếng. Đúng 5 giờ chiều, Chủ Tịch Nguyễn Bảo Tòan mời
Thủ Tướng Ngô Đình Diệm xuống phòng họp để nghe kết qủa. Kết qủa gồm có 3
điểm sau:
* Truất phế Bảo Đại.
* Giải tán chính phủ Diệm và ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập Chính
phủ Cách mạng Lâm thời.
* Tổ chức tổng tuyển cử, thành lập chế độ Cộng Hòa.
Ông Nhị Lang viết: “Khi Thủ tướng nghe xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi.
Tôi chắc ông không ngờ Hội nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và
lôi kéo ông đi một bước quá xa như vậy. Thủ Tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và
nói bằng một giọng trầm mặc: “Xin qúy ngài cho tôi được có thì giờ suy
nghĩ kỹ về vấn đề quan trọng này”.
Ngay ngày hôm sau, 30/4/55, cụ Ngô Đình Diệm lại nhận được thêm một công
điện thứ 2 triệu hồi Ông sang Pháp. Đây có thể nói là giọt nước cuối cùng
đã buộc ông Diệm phải đi tới quyết định truất phế ông Bảo Đại.
Như vậy, việc truất phế Hoàng Đế Bảo Đại không phải hoàn toàn do Thủ Tướng
Diệm quyết định mà là do cả một Hội nghị gồm có 18 chính đảng, đòan thể và
29 nhân sĩ miền Nam quyết định. Ông chỉ là người quyết định sau cùng và
quyết định của ông cũng đứng trên quyền lợi của quốc gia dân tộc chứ không
phải quyền lợi của cá nhân hay phe phái.
Với cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/10/1955, Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất
phế và ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống. Tổng Thống Diệm đã cho bầu
cử Quốc Hội Lập Hiến để sọan thảo bản Hiến Pháp cho nước Cộng Hòa Việt Nam
và bản Hiến Pháp này đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày
26/10/1956.
Sau đây là:
II/ Những thành qủa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau 9 năm cầm quyền.
1/ Về Hành Chánh: Cải biến Trương Quốc Gia Hành thành Học Viện Quốc Gia
Hành Chánh.
Trường Quốc gia Hành chánh ở Đà Lạt thành lập từ năm 1952 thời Quốc gia
Việt Nam. Chương trình học là 1 năm. Đến năm 1955 thì trường được chuyển
về Sài Gòn và đổi tên là Học viện Quốc gia Hành chánh ở đường Alexandre de
Rhodes gần Dinh Độc lập sau dời về trụ sở mới ở số 10 đường Trần Quốc
Toản, Quận 3. Đây là một cơ sở giáo dục của Việt Nam Cộng hòa nhằm đào tạo
nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chương trình
học là 3 năm.
2/ Về Quân đội: Cải biến Trường Võ Bị Liên Quân ĐàLạt thành Trường Võ Bị
Quốc Gia ĐàLạt và nâng cao trình độ các TT Huấn Luyện Hải Quân và Không
Quân Nha Trang.
Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt (tiếng Pháp: École militaire Inter-armes)
thành lập năm 1950, nhằm đào tạo sĩ quan cho quân đội quốc gia Việt Nam,
thời gian thụ huấn là 1 năm. Sang thời Đệ I Cộng hòa Việt Nam, chính phủ
TT Ngô Đình Diệm cải tổ lại và kể từ ngày 29 tháng 7 năm 1959 theo nghị
định của Bộ Quốc phòng đổi tên thành Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam với
nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan hiện dịch cho ba binh chủng: hải quân, lục
quân, và không quân cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chương trình thụ huần
là 2 năm, sau tăng lên 3 năm.
Ngòai ra các Trung Tâm Huyấn Luyện Không Quân Nha Trang, Trung Tâm Huấn
Luyên Hải Quân Nha Trang …, cũng được nâng cao trình độ kiến thức để đào
tạo các sĩ quan có khả năng cho hai ngành Không Quân và Hải Quân cho quân
lực VNCH. Ai muốn vào 2 binh chủng này phải có bằng Tú Tài và phải qua một
kỳ thi tuyển.
3/ Về Giáo Dục: Việt Hóa Trung Học và Đại Học, Thành lập thêm Đại Học Huế
Trước khi ông Ngô Đình Diệm về nước, chỉ có mỗi một Viện Đại Học đó là
Viện Đại Học Hà Nội. Sau năm 1954 được di chuyển vào Nam. Không những
trường Đại Học mà hầu hết các trường Trung Học ở miền Nam lúc bấy giờ vẫn
còn giảng dậy bằng Pháp Ngữ. Tới khi Thủ Tướng Diệm về nước chấp chính,
nền giáo dục được cải tổ và Việt Ngữ được dùng để giảng dậy không những ở
cấp Tiểu Học mà cả ở cấp Trung Học. Riêng cấp Đại Học thì vì vấn để thiếu
giảng viên Việt Ngữ nên được Việt hóa dần dần.
Chỉ 2 năm sau ngày nền Đệ I Cộng Hoà được thành lập, nhiều trường trung và
tiểu học đã được thành lập thêm. Số học sinh trung học đã tăng lên 40% và
số học sinh tiểu học đã tăng lên 60%. Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc thành
lập năm 1955, sau đổi thành trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Trung Tâm Kỹ
Thuật Phú Thọ, sau đổ thành Đai Học Kỹ Thuật Phú Thọ và Viện Đại Học Huế
cũng được thàng lập vào năm 1957.
4/ Về Nông nghiệp: Thành lập Khu Trù Mật, Hữu Sản Hóa Nông Dân.
Phong trào "Cải Cách Ruộng Đất" ở miền Bắc của Cộng Sản dùng biện pháp đấu
tố, tra tấn dã man và chém giết địa chủ để cướp đất của họ, nhằm tiêu diệt
giới điền chủ và bần cùng hóa người dân, khiến cả trăm ngàn người dân vô
tội bị chết chỉ vì họ có vài ba mẫu ruộng. Trái lại, chương trình Cải Cách
Điền Địa ở miền Nam do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thực hiện nhằm hữu sản hóa
nông dân. Đối với điền chủ, Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho các viên
chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn một cách thỏa đáng,
chứ không tịch thu, đấu tố như miền Bắc. Chương trình này bị gián đoạn vì
biến cố 1/11/63 và được tiếp tục vào những năm 1971, 1972, 1973 (6).
5/ Về Kinh Tế và kỹ nghệ.
“Kế hoạch 5 năm” đầu tiên từ 57-61 được thực hiện để kỹ nghệ hoá đất nước
đã làm gia tăng sự sản xuất lúa gạo và cao su. Khu Kỹ Nghệ Biên Hoà được
thành lập. Nhiều nhà máy dệt, nhà máy giấy, nhà máy ván ép được xây cất và
các viện bào chế dược phẩm được thành lập. Đường xe lửa xuyên Việt được
tái lập.
6/ Tái thiết xã hội: Bãi bỏ chế độ đa thê, Bài trừ tệ đoan xã hội.
Năm 1961 luật Gia Đình được bàn hành, chế độ đa thê bị bãi bỏ. Các tệ đoan
xã hội như cờ bạc, hút sách … bị bài trừ khiến xã hội trở nên lành mạnh.
Đời sống kinh tế của người dân miền Nam ổn định và sung túc không như
người dân miền Bắc phải sống dưới chế độ tem phiếu.
7/ Về Tài Chánh: Thành lập Ngân Hàng Quốc Gia và Viện Hối Đóai.
Ngày 3/12/1954, Thủ Tướng Diệm ký sắc lệnh thành lập Ngân Hàng Quốc Gia
Việt Nam một cách gấp rút để có thể hoạt động từ 1/1/1955, khi Hoa Kỳ viện
trợ trực tiếp cho Việt Nam và Viện Hối Đoái để phụ trách các giao dịch về
ngoại tệ.
Ngòai những thành qủa trên, Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn cho thành lập khu
Trù Mật, khu Dinh Điền, thi hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược và phát động
Phong Trào Tố Cộng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã ra bản Tuyên Cáo vào
ngày 17 tháng 4 năm 1963 mở đầu chiến dịch Chiêu Hồi khiến cho Cộng Sản
miền Bắc lo sợ.
III/ Kết luận.
Về nước trong trong tình thế nhiễu nhương, đầy khó khăn, vậy mà ông đã ổn
định được miền Nam, thu hồi được chủ quyền từ tay người Pháp và lập lên
nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Với một thể chế dân chủ tuy không được hoàn
hảo như các nước tân tiến tây phương nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã
đem lại cho người dân được hưởng một cuộc sống tự do dân chủ, no ấm và một
nền giáo dục tốt đẹp, đầy tính cách nhân bản và khai phóng. Trong khi đó,
miền Bắc, cho tới năm 1975 người dân vẫn còn phải sống dưới chế độ ngu
dân, độc tài và đói khổ.
Có thể nói, kể từ khi Nhật đầu hàng và trao trả độc lập cho Việt Nam cho
tới bây giờ, chưa có một vị Tổng thống, Quốc Trưởng hay Chủ Tịch nước nào
đạo đức, liêm khiết và hết lòng vì nước, vì dân bằng Tổng thống Ngô Đình
Diệm. Và cũng kể từ khi Việt Nam được độc lập tới nay, cũng chưa có chính
phủ nào thực hiện được những thành quả tốt đẹp cho quốc gia dân tộc như
chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Có thể nói: Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đã tái thiết miền Nam sau
chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, đã đưa miền Nam Việt Nam trở thành một
quốc gia có một nền kinh tế tốt đẹp và một quân đội hùng mạnh. Còn ông Hồ
Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam chì lo phá hoại, lo chiến tranh và lo
khủng bố, giết hại đồng bào miền Nam vô tội.
Không phải chỉ có người Việt Nam chúng ta mới mới kính trọng Tổng Thống
Diệm mà nhiều người ngọai quốc trong đó có Giáo Sư Sử Gia Edward Miller và
Sử Gia Henry Fairbanks cũng phải cộng nhận ông là một người có hoài bão
thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị tốt đẹp nhất của
Tây Phương và khôi phục những giá trị cổ truyền tốt đẹp (của Đông Phương)
làm nền tảng cho phương thức canh tân xứ sở. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch
thì nói: “Một trăm năm nữa thì Việt Nam cũng không thể tìm được một người
như Tổng Thống Ngô Đình Diệm” và Tổng Thống Eisenhower cũng phải công nhận
ông là : Một người phi thường “He’s a miracle man”. Phó TT Hoa Kỳ Johnson
cũng đã ca ngợi rằng: “Tổng Thống Diệm là một Churchill của Á Châu…Lịch sử
xếp ông ta như là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20”.
Từ ngày miền Nam xụp đổ người dân miền Nam đã nhận thức được ông Ngô Đình
Diệm là người thế nào và đâu là nguyên do thực sự đưa đến sự xụp đổ của
miền Nam, thì hầu như khắp nơi trên thế giới, nơi nào có đông người Việt
tỵ nạn Cộng Sản cũng đều tổ chức Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm
một cách trang nghiêm và long trọng vào tháng 11 hàng năm để tưởng nhớ
công ơn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Những việc làm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phải là không có khuyết
điểm và thiếu sót. Nhưng với những thành quả mà ông đã đạt được, dân tộc
Việt Nam sẽ đời đời nhớ ơn ông. Rồi đây, khi đất nước Việt Nam thanh bình
và chế độ Cộng Sản không còn, chắc chắn sẽ có những kỳ đài, những quảng
trường, những trường học, những đại lộ mang tên NGÔ ĐÌNH DIỆM, để tưởng
nhớ vị Tổng Thổng đầu tiên của Việt Nam đã Vị Quốc Vong Thân.
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
Pray for Ukraine
God bless Ukraine! You can destroy the whole country but you can never destroy their courage bravery.
Cùng hướng về Ukraine nơi người dân đang gặp đại nạn
0 comments:
Post a Comment