
Tranh Ann Phong
Có một dấu mốc trên con đường thời gian mà đối với người dân miền Nam Việt Nam đã thành một tượng đài đau thương. 30 tháng 4.1975. Và theo nhà văn Ngô Thế Vinh, đó là – vết thương chưa thực sự lành:
… Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đầy màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một dòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ… (Ngô Thế Vinh, trong tập truyện Mặt Trận Sài Gòn.)
Tháng Tư. Chúng ta thêm một lần nhắc lại, như một mặc niệm, ghi ơn, cả triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã sống thời thanh xuân của mình trong khói lửa, đã bỏ mình ngoài chiến địa, tù đày, lưu vong. Trân trọng nhắc lại, để anh linh những người đã hy sinh được về sum vầy bên bếp lửa tình yêu đồng bào ruột thịt.
Ngậm ngùi đọc lại thơ của những người lính thời ấy, ai trong số họ còn sống sót? (Những bài thơ này trích từ https://buonvuidoilinh.wordpress.com/) – NTKM
… Hãy ngủ ngoan đừng kinh hoàng nghe con
dù đêm nay thật nhiều súng nổ
hãy ngủ yên đừng đợi chờ nghe em
dù đêm nay anh đi ra trận
dù đêm nay anh đi không về…
(Thơ Tô Nhược Châu – Lời Dặn Vợ Con Trước Giờ Hành Quân)
… thằng Vũ chết rồi trong trận Pleime đó em
khủng khiếp và khốc liệt
những lần về phép sau này em ra cửa đón anh
sẽ không bao giờ thấy nó
nó chết rồi
nó chết cho quê hương đó…
(Thơ Phan Huy Mộng – Người Chết Ở Pleime)
… Em yêu hãy hôn anh một lần trước khi anh đi lính
giữa thời đại chiến tranh cái gì cũng vội vã
phải không em
nhưng nhớ hôn anh một lần này thôi
vì không chừng anh sẽ ra đi
hoặc trong mười năm mười lăm năm
hay vĩnh viễn
bây giờ anh còn tay bây giờ anh còn chân
bây giờ anh còn mắt
bây giờ anh chưa đui mù
chưa câm điếc chưa què quặt
nhưng biết mai anh còn đủ không
và cả trái tim anh nữa
biết còn rung động hay im lìm ngừng đập
nhiều lúc anh tự hỏi chiến tranh để làm gì?
(thơ Trần Uyên Phương – Trước Khi Đi Lính)
… tao để tiểu đoàn 6 cho mày
trạm cứu thương
có thằng Khiên mù
có thằng Nhu ngọng
tao để Vũng Tàu lại cho mày
bãi trước bãi sau
gió biển ngây ngây mùi gái
hỡi thằng Y Sĩ Dù bé nhỏ của chúng tao ơi
đi chưa bao giờ biết mệt
chiến đấu chưa bao giờ biết nằm
Đêm Gio Linh xác địch chất bên miệng hầm
Chiều Cao Lãnh đạn ghìm sâu vào gối
và Dakto mảnh xước bờ vai
để một sớm mai buồn chúng tao thức dậy
lặng người đau đớn
nghe tin mày hy sinh…
(Thơ Trang Châu – Một Bài Thơ Cho Tuấn)
Ngày anh lên thiếu tá*
với chữ cố đứng đầu
em trở thành góa phụ
trầm mình trong vực sâu…
(Thơ Lê Xuân Hảo – Ngày Vinh Thăng của Anh)
… 10 năm chiến chinh vai đời pháo thủ
chồng tôi bây giờ nằm xuống cô đơn
25 tuổi đầu tôi làm góa phụ
má đỏ môi hồng còn gì nữa đâu
thu đến đông sang xuân qua hè lại
màu trắng khăn sô: tôi chít trên đầu
(Thơ Lê Xuân Hảo – Góa Phụ 25)
*Cố Thiếu Tá PB/VNCH Nguyễn Tấn Hưng, mất tích trong trận mùa hè đỏ lửa, bài thơ này của người vợ là Lê Xuân Hảo, được Phó Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương trao tặng giải nhất trong cuộc thi thơ năm 1973.
… còn ba năm nữa anh sẽ về
anh biết chắc không còn quê hương để ở
em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu
làm bằng nắp hòm người lính nghèo
chết ngoài mặt trận
anh sẽ đàn cho mọi người cùng nghe
mà không xin tiền
chỉ tìm lại …
những bước chân đi qua vỉa hè
với nụ cười
mà nhiều năm anh đã mất…
(Thơ Hà Nguyên Dũng – Khi Giải Ngũ)
… Nếu mai kia em có hỏi
Vì sao anh chưa về?
Tôi sẽ nói
Anh có đi đâu
Lòng anh chôn trên vạn đồi bom nổ
Tim anh về phố chợ
Và hồn anh
Nằm tại gốc đa xưa
(Thơ Nguyễn Hồi Thủ – Nói Chuyện Một Mình)
Sài Gòn thương nổi bềnh trong mộng/ Biết đến bao giờ hiểu được tên… (Nguyễn Hồi Thủ, 1969). Sài Gòn. Ôi. Sài Sòn. Cho chúng ta được cùng nhau gọi, Sài Gòn, thủ đô yêu dấu, và chúng ta chỉ thấm thía Sài Gòn, hiểu được tình tự Sài Gòn khi lồng nó vào thời gian những năm tháng thanh bình, cùng phận nổi trôi qua những sự kiện đau thương trong sử lịch, và qua nỗi nhớ của người Sài Gòn nay tản mác khắp các phương trời, qua thơ Du Tử Lê, Cao Đông Khánh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Hồi Thủ, Nguyễn Quang Hiện, Nguyễn Văn Ngọc,Thái Bá Tân, Nguyễn thị Khánh Minh.
*
DU TỬ LÊ (1942-2019)
Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khíu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?
(1978)
*
CAO ĐÔNG KHÁNH (1941-2000)
Uẩn tình kẻ xa xứ
tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng giọi trong đầu những trắng bao la
còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè Gia Định
ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi
em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon
tôi một bữa đợi em mòn con mắt
từ Suối Máu em về xanh như lá cây
những kẻ đã sống chết cho Độc Lập Tự Do bị xử tội phản quốc
anh bỏ đi rồi em ở với ai
phần hoa cúc dại nở trên ngọn gió
buổi chiều dưới thung lũng héo hon
tôi kể tôi đã chết mấy mươi năm về trước
bây giờ là thằng bù nhìn tơi tả thê lương
em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ
để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi
như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn
lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao
em hãy kể tôi đã tới hồi mạt vận
tuyết phủ đầy đóng đá tay chân
hồn hải điểu bay ngày đêm qua biển
bay mãi có ngày rụng cánh bơ vơ
em rớt thăm thẳm xuống vực sâu thời cuộc
sương Saigon thấm lạnh áo mồ hôi
mưa lất phất ngoài ngã năm ngã bảy
gió lọt vào em từ ngã bảy ngã ba
em ở cư xá Thanh Đa em ở chung cư Minh Mạng
em ở khắp đất trời trong thế giới tôi
em ở với Việt Nam ở với ly cà phê đá
ở với chỗ em ngồi ấm uyên ủy tôi
tôi ngủ mấy ngày đêm vẫn chưa mộng mị
thử tưởng tượng một ngày cho đỡ thê lương
em với nắng với Saigon với tôi tập họp
nắng trên Saigon, Saigon trên nắng lô nhô
em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
bỏ phế trong nhà cũng mấy năm qua
tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực
*
NGUYỄN VĂN NGỌC
Nữa mai còn ai nhớ
Chàng chết trên rừng sâu
Nàng chết dưới biển sâu
Nữa mai còn ai nhớ
Chuyện hai người yêu nhau
Trong một thiên đường đỏ
(trích từ trang CaoViKhanh)
Sài Gòn xưa, những con đường, những chiều thứ bảy thơ mộng, một chút vui vội vã hậu phương, những cơn mưa buồn, thầm thì, bao giờ nữa: Sài Gòn ngày hai buổi/ gặp nhau trên xe lam/ nhìn nhau qua nắng bụi/ hẹn nhau khi tan trường/ chia tay đầu hẻm tối/ thế mà Sài Gòn đã là nơi chúng ta yêu nhau… (Nguyễn Hồi Thủ, 1972)
Chúng ta còn đủ mơ ước để hẹn hò không?
*
NGUYỄN HỒI THỦ
Sống không trí nhớ
(Trích đoạn)
Có những con đường mang những tên
… Độc Lập -Tự do – Công Lý – Duy Tân…
Mà tôi vẫn đi ngày hai buổi
… những công trường Lam Sơn, Diên Hồng, Hòa Bình, Chiến Sĩ…
Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ quên đi
Quên mà nhớ những khoảng trời lưu lạc
Một nửa đời chắp vá vẫn so le,
chân càng đi lòng càng muốn trở về,
hết tuyệt vọng lại điên cuồng hy vọng,
hễ cời đến than lại bừng lửa sống
Nhớ mà quên rồi khóc cũng như cười
Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ quên đi
Quên cả xa xôi đường đã rẽ, quên cả nắng,
quên cả mưa, quên cả mùa xuân trong tấc cỏ,
Quên tương lai hờ, quên đau buồn cũ.
Quên từng đêm giật mình trong giấc ngủ
Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ quên đi
Như người không trí nhớ,
chẳng vùi lấp cho lòng thành nghĩa địa,
chẳng đào lên như kẻ quật mồ,
chẳng mời ai xem giờ những xác héo khô
Cứ để đấy cho thời gian gặm nhấm
Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ quên đi
Người ơi quên mà sống!
(Trích từ tập thơ Vũng Nước Bùn Lầy, 1986)
*
NGUYỄN QUANG HIỆN
Gửi nhà văn John Steinbeck
(Trích đoạn)
hoan hô sự viếng thăm của John Steinbeck sang Việt Nam
hoan hô tác giả “Chùm Nho Của Sự Căm Phẫn”
tôi không được rõ lý do nào dẫn ông tới đây
nơi sức mạnh quyết chiếm ưu thế
nơi thuốc nổ lửa đỏ
nước mắt máu mồ hôi và âm mưu đan nhau dầy đặc
nơi cũng đầy những bản anh hùng ca
giữa ánh sáng ban ngày hay trong bóng tối
…
có thể ông sang đây do tính hiếu kỳ
muốn tìm thêm đề tài viết truyện
hay có thể ông tới Việt Nam
như một du khách thường
thừa thì giờ đi ngắm các kỳ quan trên thế giới
nhưng dù với lý do nào tôi không được biết
nhân danh tôi
một thanh niên Việt Nam bình thường
một người làm thơ
cho quê hương cho tình yêu cho cuộc đời
chào mừng ông, ông John Steinbeck sang Việt Nam
dù như một du khách đi ngắm các kỳ quan
tôi xin giới thiệu Việt Nam là một kỳ quan
của khổ đau và chịu đựng.
…
Tôi xin giới thiệu thêm một lần
Việt Nam là một kỳ quan
Của chịu đựng khổ đau
Và bất khuất
(Trích từ tập thơ Sài Gòn Nơi Tôi Đã Vui Chơi Và Nhỏ Lệ,1966)
*
NGUYỄN THỊ HOÀNG
Niềm vui nhỏ
Anh về với em một chiều thứ bảy
Cofetti vung vẩy lá me
Những đốm đèn xe chập chùng xa lộ
Hơi thở khuya nào gợn gió heo may
Anh bỏ em từ sáng thứ hai
Thành phố tha ma trải dài đại lộ
Từng hạt mưa bay cửa lòng bỡ ngỡ
Anh bỏ em từ trắc trở đầu tiên
Cho em xin một chiều vui thứ bảy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
(1969)
*
NHÃ CA
Khi trở lại Sài Gòn
Khi trở lại Sài Gòn
Mùa mưa lũ với lời hứa của chàng
vết bẩn trên mũi giầy
bàn chân em yêu quý
lòng tủi hờn hay mặt tối tăm
linh hồn em một hòn đá nhỏ
Khi trở lại Sài Gòn
dĩ vãng giương mắt nhìn
vồ vập hỏi han
và nhớ lại
mỗi người thì quay, ngồi đứng hay nhìn
và sống lại
rồi trời mưa trời mưa
và tiếng cười
bàn chân trong vũng bùn hối tiếc
Bây giờ đứa con gái đã mù lòa
thân thể cùng tuổi trẻ
đã không bao giờ có
bây giờ đứa con gái đã đi qua
trên đầu mũi giầy anh
vết bẩn bàn chân yêu quý đó
một chân
Bây giờ đứa con gái không còn
không còn nữa
Lời hứa của chàng cùng với mùa mưa lũ
anh đã không quên em
chuyến xe đêm những bầy sao tình tự
trời mưa trời mưa vẫn trời mưa
má ơi má ơi
con còn sống
Ôi đáng thương và cám ơn anh
mùa mưa lũ Sài Gòn sắp dứt
(Thơ Nhã Ca, 1972)
*
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Mõ phố
Mõ phố rao buồn
Ngọng nghịu hồi chuông
Ù con gió chướng
Áy cỏ tai ương
Buồn rao mõ phố
Dựng mồ khói sương
Người ma nhí nhố
Cám cảnh âm dương
Vọng rao hồn phố
Tai nghe rất rõ
Nước mắt đang tan
Cười khan như vỡ
Chân người thấp cao
Rừng sâu hút bóng
Tượng đá chờ nhau
Buồn rao mõ vọng
Vọng phố lưu vong
Mất tên mất tuổi
Nhớ biển lưu thân
Hạt sông ngậm muối
Hạt buồn rao mưa
Phố kim phố cổ…
Chuyện kể. Đời xưa
Sài Gòn nức nở…
Nguyễn thị Khánh Minh
(4.2014)
*
THÁI BÁ TÂN
Tôi yêu Sài Gòn xưa trước 1975
Tôi là người Hà Nội
Hơn bốn chục năm nay.
Chính xác hơn – dân Nghệ.
Chính xác nữa – dân cày.
Giờ về hưu, rỗi rãi,
Thỉnh thoảng vào Sài Gòn.
Tôi nói Sài Gòn nhé
Vào Sài Gòn thăm con.
Sài Gòn, tên thật đẹp.
Con gái Sài Gòn xinh.
Tôi nói Sài Gòn nhé,
Không phải hồ chí minh.
Nếu cần, đảng cứ việc
Bỏ tiền ra mà xây
Một thành phố cực lớn,
Đặt tên cho ông này.
Còn Sài Gòn yêu quí,
Sài Gòn của muôn đời,
Thì làm ơn để đấy
Cho tôi và mọi người.
Nhớ xưa đảng có nói,
Thể nguyện theo ý dân
Mà đổi tên thành phố,
Rằng việc ấy rất cần.
Vì tôi không được hỏi,
Nên khi vào thăm con,
Ai gọi gì mặc kệ.
Tôi cứ gọi Sài Gòn.
Nhớ nhé, Sài Gòn nhé.
Chỉ cái tên này thôi.
Xin đừng gọi tên khác
Khi nói chuyện với tôi.
*
TRẦN HẠ VI
- Nguyễn Thị Khánh Minh phụ trách
- dòng sông cũ (wordpress.com)
0 comments:
Post a Comment