Truyện ngắn
(Riêng tặng DL, nhân một sinh nhật không còn nữa)
Tôi và Thuỷ Trúc hẹn gặp nhau ở ga xe lửa lúc mười giờ sáng. Từ nhà tôi đi bộ lên ga mất mười lăm phút. Tôi đến nơi thì đồng hồ trên nóc nhà ga đã chỉ mười giờ mười. Tới chỗ hẹn, tôi thấy Thuỷ Trúc mặt mày bí xị:
“Tưởng mày cho tao ăn thịt thỏ rồi chớ! Tao định đi về đây.”
Tôi ôm vai Thuỷ Trúc, cười làm hoà:
“Cho tao xin lỗi. Tại má tao sai chạy ra chợ mua bó rau. Phải làm bộ như không có gì gấp để má tao khỏi nghi chớ mày!”
Hôm qua, tôi nói láo với má tôi thật ngọt ngào, trơn tru:
“Má, ngày mai con lên Võ Cạnh ăn bánh xèo ở nhà dì Bảy, mốt con mới về.”
Má nhíu mày:
“Nhà người ta toàn là con trai, con ngủ lại không thấy chướng hay sao?”
Tôi vờ phụng phịu:
“Con có rủ con Thuỷ Trúc đi theo cho có bạn. Dì Bảy đã biểu anh Nhân nhường phòng ảnh cho tụi con một đêm rồi.”
Má tôi lắc đầu ngao ngán:
“Vậy ra con đã sắp xếp hết, còn bày đặt hỏi má làm chi nữa? Đi đâu đó thì đi! Lên nhà người ta liệu mà ăn với nói. Dì Bảy mà kêu má mắng vốn thì con chết với má!”
Tôi tủm tỉm cười một mình khi nhớ lại lời má tôi doạ. Thuỷ Trúc kéo tay tôi về phía phòng đợi. Ánh nắng buổi sáng rực rỡ tưới lên những đoá hoa mười giờ tươi tắn ở hai dãy bồn hoa trước nhà ga. Không khí ga xe lửa thật nhộn nhịp. Chuyến tàu hai đứa tôi sắp đi là tàu chợ nên quanh chúng tôi toàn là những kẻ đi buôn. Nào quang gánh, bao bị, gà vịt ngổn ngang khắp gian phòng đợi tàu. Tôi và Thuỷ Trúc phải đứng một góc vì những băng ghế đã bị mọi người chiếm cả. Hình như họ đã ngủ vật vờ từ đêm qua đến giờ.
Thuỷ Trúc bấm tay tôi:
“Mày giữ túi tiền cho kỹ nghe Thuỳ Linh. Để bị móc túi từ đây tới Tháp Chàm là tao với mày có nước đi xin để mua vé về lại Nha Trang đó!”
Tôi hết hồn bấu chặt lấy túi quần. Đây là lần đầu tiên tôi dám đi tàu chợ với toàn dân anh chị lăn lóc, buôn gánh bán bưng. Tôi giữ nhiệm vụ cất tiền, còn Thuỷ Trúc mang cái xắc nhỏ đựng vài bộ quần áo của hai đứa. Lỡ mà bị cướp giật thì… tôi chợt lầm bầm van vái trời phật phù hộ cho hai đứa đi đến nơi về đến chốn!
Đúng mười một giờ kém mười lăm, tiếng còi của chuyến xe lửa Tháp Chàm–Nha Trang rú lên từng hồi. Cả phòng đợi nhốn nháo hẳn lên. Đoàn tàu đang từ từ tiến vào ga. Ai nấy lo gom góp hành lý, đồ đạc và tranh nhau đổ ra sân ga. Thuỷ Trúc nói như hét vào tai tôi:
“Giữ chặt túi tiền, tay kia nắm lấy tay tao để khỏi lạc!”
Thuỷ Trúc lôi tôi đi xềnh xệch. Đoàn tàu chưa ngừng hẳn mà từ trên các toa xe người ta đã vất những gói hàng, những bó củi xuống mặt đất. Người trên xe cứ xuống, kẻ dưới đất cứ lên, không ai nhường ai cả. Tôi bấu chặt lấy cổ tay Thuỷ Trúc như một chỗ bám víu chắc chắn cuối cùng giữa rừng người hỗn độn này. Thuỷ Trúc tháo vát như một đứa con trai. Nó hùng dũng kéo tôi đi, dạt tất cả những kẻ lên người xuống và lôi tuột tôi vào bên trong toa. Tôi đi theo nó như kẻ mộng du. Hai đứa may mắn tìm được một chỗ ngồi kế bên cửa sổ. Yên vị rồi, Thuỷ Trúc đắc thắng nhìn tôi:
“Mày có bị trầy trụa gì không?”
Tôi lắc đầu, nhưng thấy ê ẩm cả người vì những va chạm lúc chen lấn. Thuỷ Trúc ung dung rút lược ra chải tóc. Tôi kêu lên:
“Mày quên là đi xe đi cộ phải cữ chải đầu sao?”
Thuỷ Trúc bĩu môi:
“Bà cụ non tin dị đoan dữ! Mày cũng nên chải lại cái tổ quạ của mày đi. Ngó mày giống bà khùng quá! Xe lửa chưa chạy, điều dị đoan của mày chưa ứng nghiệm đâu.”
Tôi miễn cưỡng đỡ lấy cái lược từ tay Thuỷ Trúc, chải sơ lại mái tóc. Toa xe nồng nặc một mùi “đặc trưng” của các chuyến tàu lửa: một tổng hợp của mùi mồ hôi người, mùi gà vịt, mùi nước mắm và cả trăm thứ mùi không tên khác. Thuỷ Trúc chun mũi:
“Thuỳ Linh nè, chuyến đi của tụi mình thơ mộng lắm đó. Về nhớ ghi hết từng tiểu tiết vô nhật ký nghe!”
Tôi mắc cỡ đánh vào vai nó một cái. Toa xe bây giờ đã đầy nghẹt người như hộp cá mòi, không còn chỗ qua lại, người lên sau phải ngồi tràn ra cả lối đi ở giữa. Vậy mà những đứa trẻ bán hàng rong thật tài tình, một tay bưng rổ bánh trái, chúng thoăn thoắt len lỏi giữa đám hành khách, liến thoắng mời chào mọi người mua hàng.
Bỗng nhiên đoàn toàn rùng mình một cái, rồi các toa xe nặng nề chuyển bánh. Nhà cửa hai bên đường rầy lùi lại dần dần, nhường chỗ cho những cánh đồng xanh ngăn ngắt. Tôi thò đầu ra cửa sổ hít hà mùi thơm trong trẻo của ruộng lúa. Vài cánh chim bay lả lướt trên các ngọn lúa non, nổi bật trên những đám mây trắng từ xa xa. Ra khỏi thành phố, đoàn tàu tăng tốc độ, chạy băng băng. Gió tạt vào trong toa mát rượi. Thuỷ Trúc ngả đầu vào thành ghế, giọng nhừa nhựa:
“Tao chợp mắt một chút đây. Mày canh cho tao ngủ nghe Thuỳ Linh!”
Tôi lơ đãng gật đầu, tầm mắt thả về phía đồng ruộng mênh mông ngoài cửa sổ. Tôi tự hỏi bây giờ ở Phước Thiện Vũ đang làm gì. Chắc anh sẽ ngạc nhiên lắm lúc thấy tôi và Thuỷ Trúc bước vào nhà. Tôi mỉm cười khi nghĩ đến cảnh đó. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng mình sẽ ngồi trên một đoàn tàu chợ như bây giờ để đi đến một vùng quê hoàn toàn xa lạ: thôn Phước Thiện. Mấy tháng trước đây, cùng với sự đổi đời chung của cả nước, cuộc sống bình lặng của riêng tôi cũng thay đổi hẳn.
Sau bảy mươi lăm, chính quyền cộng sản bắt nữ sinh học chung với nam sinh chứ không còn riêng rẽ như trước. Trong lớp, tôi bị bắt ngồi cách Thuỷ Trúc bởi một tên con trai bốn mắt tên Phạm Quốc Vũ. Mụ giáo già miền Bắc, răng vẩu, mặc áo vải quần đen vào lớp, bảo rằng xếp nam nữ ngồi xen kẽ như vậy cho tụi tôi đỡ nói chuyện. Nhưng kết quả trái ngược hẳn. Sau một tuần lễ đầu ngượng ngập, lớp tôi hầu như đứa nào cũng tương đắc với người bạn khác phái bên cạnh. Thậm chí tôi còn thấy lớp học có một không khí mới mẻ, thú vị nữa là khác. Trong lúc Thuỷ Trúc và tên con trai ngồi kế nó cứ kê nhau chan chát, chọc nhau hằng ngày, thì tôi và Vũ lại rất tâm đầu ý hợp. Cùng với mười mấy người khác trong lớp, Vũ là chủng sinh của chủng viện Sao Biển Nha Trang đã bị cộng sản đóng cửa, dồn tất cả ra học chung với những kẻ “ngoài đời” như chúng tôi. Chủng sinh có khác, hầu hết bọn họ đều học xuất sắc, ngoài ra còn đàn hay, hát giỏi. Lớp chúng tôi học sinh ngữ chính là Anh văn nhưng Vũ và tôi lại thích chuồi cho nhau những mẩu giấy nhỏ viết bằng tiếng Pháp, nói đủ chuyện vớ vẩn trong giờ học.
Lớp học bắt đầu được khoảng một tháng thì tôi đã nghe mấy mụ o nhọn mồm trong lớp xì xầm với nhau:
“Con Thuỳ Linh đang cua thằng Vũ đó tụi bây ơi!”
Một đứa khác tàn ác hơn:
“Xấu như Chung Vô Diệm, không biết thân phận mà còn đèo bòng!”
Lần đó, tôi đã bỏ giờ học cuối, chạy như
bay về nhà. Vô phòng đóng chặt cửa lại, tôi để nước mắt mặc tình tuôn
trào. Trời đất, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện “cua” Vũ, tôi chỉ
coi Vũ như bạn thôi. Tôi biết thân phận tôi lắm chứ! Tôi lết tới tấm
gương trên vách, nhìn vào một khuôn mặt đang nhoè nhoẹt nước mắt. Cái
bớt đỏ thắm to bằng một bàn tay nằm vắt ngang trên má trái của tôi như
một cái tát đau điếng của cuộc đời tặng cho tôi. Gương mặt tôi không đến
nỗi tệ, nhưng cái bớt làm cho nó trở thành khó coi, một nhan sắc bất
ổn, khó giải thích. Lũ bạn gái của tôi, trừ Thuỷ Trúc, đã lần lượt có bồ
cả rồi. Còn tôi chưa hề nghĩ đến chuyện đó. Với gương mặt kỳ cục, tôi
mặc nhiên xem mình đã ở ngoài cuộc chơi. Nỗi buồn u uẩn càng làm cho nét
mặt tôi thêm trì nặng, não nề. Cuộc sống kham khổ của mọi người chung
quanh và của chính tôi sau ngày mất nước khiến tôi chỉ còn một niềm vui
duy nhất là miệt mài học tập. Niềm vui đó, lắm lúc, cũng trở thành chua
chát vì các môn học mới mang nặng những tuyên truyền xảo trá.
Thuỷ Trúc mới chính là niềm an ủi cuối cùng của tôi. Với nó, tôi không giấu giếm một chút gì. Thuỷ Trúc tánh tình như con trai nên chưa có anh chàng nào đủ sức che chở nó. Vậy mà đối với tôi, nó là người biết lắng nghe, biết thông cảm với những điều tôi san sẻ. Chỉ mới quen nhau sau ngày mất nước, Thuỷ Trúc và tôi như đã thân nhau tự kiếp nào. Hai đứa quấn quýt nhau, lúc học cũng như lúc chơi. Biết chuyện xầm xì trong lớp Thuỷ Trúc tức giận nói với tôi:
“Mày hiền quá hoá ngu, Thuỳ Linh à. Đứa nào cả gan nói lọt tai mày những câu đó, sao mày không vả vào mồm nó?”
Tôi cười buồn:
“Mình không có như nó nói thì thôi, hơi đâu! Còn nó nói tao là Chung Vô Diệm thì đúng quá rồi, không lẽ tao đi tát cái đứa dám nói sự thật?”
Thuỷ Trúc nghiến răng:
“Phải rồi, tụi nó thì đứa nào diện mạo cũng đẹp đẽ hết, mà miệng lưỡi thì như rắn độc. Bữa nào tao sẽ chửi một mách cho xấu mặt luôn.”
Nhưng… có một đêm Thuỷ Trúc rủ tôi đi uống cà-phê ở quán Thu Vàng. Cà-phê đặc quá, tối về tôi không sao ngủ được, hai mắt cứ mở trừng trừng trong đêm tối. Tôi trăn qua trở lại trên giường, đầu óc tỉnh như sáo. Tôi nhìn qua cửa sổ. Ánh trăng vằng vặc soi qua vuông cửa. Đêm im lặng quá. Chỉ nghe tiếng đồng hồ tích tắc nặng nề trên vách. Trời đang đứng gió mà sao tự dưng lòng tôi lạnh lẽo khôn hàn. Trong đêm tối, từ những ngõ ngách sâu thẳm của hồn tôi bỗng vang lên những tiếng gọi mơ hồ như từ một tiền kiếp nào xa xôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới có một đêm không ngủ như đêm nay. Trong khoảnh khắc lắng đọng này, tôi như nghe rõ những tiếng vọng thầm thì của cuộc sống, cuộc sống mà trong đó tôi cứ trải qua từng ngày nhưng ít khi nhìn ra nó. Bên cạnh những niềm vui với gia đình, có phải từ lâu nay tôi vẫn thiếu đi một điều gì cần thiết? Trong cảm giác bơ vơ, lạnh lẽo, tôi bỗng bàng hoàng thấy hình ảnh của Vũ chợt hiện đến như một vỗ về nồng ấm. Thôi chết rồi! Mấy đứa nhiều chuyện trong lớp tôi nói vậy mà trúng phóc. Tôi ngồi dậy trong ánh trăng đang phủ đầy chiếc giường nhỏ của mình, lặng lẽ để nước mắt rơi. Tôi đã đi xa quá mức rồi. Tôi vẫn chưa quên câu chuyện hôm trước với Vũ. Hôm đó, tôi hỏi Vũ:
“‘Cách mạng’ đóng cửa chủng viện rồi, Vũ làm sao học tiếp để trở thành frère?”
Vũ mơ màng:
“Vũ không muốn trở thành frère nữa. Vũ muốn về quê lấy vợ. Cô bạn của Vũ tên Ái. Lỡ sau này Vũ chết, Thuỳ Linh có chịu thay Vũ săn sóc Ái giùm không?”
Lúc đó tôi nhớ là mình đã bật cười vì ý nghĩ kỳ cục đó của Vũ, nhưng cũng sốt sắng đáp:
“Chịu chớ! Khi nào có dịp Vũ giới thiệu Ái với Linh đi!”
Rồi tôi nhủ thầm: “Vậy là khoẻ! Mình thì xấu xí, mà Vũ thì sắp cưới vợ, làm sao có chuyện gì xảy ra được?”
“Chuyện gì” đó chính là lúc tôi nhận ra cảm xúc bàng hoàng của mình trong đêm mất ngủ, tuy là chỉ mình tôi biết, và sau đó là Thuỷ Trúc. Nó ái ngại nhìn tôi:
“Mày biết là không đi tới đâu cả, còn bày đặt làm chi cho khổ thân vậy?”
Tôi mím môi:
“Tự nó vậy chớ tao bày đặt hồi nào? Dĩ nhiên là chẳng đi tới đâu hết. Tao kể cho mày nghe chơi vậy thôi.”
Kể từ lúc khám phá ra tình cảm của mình đối với Vũ, tôi cũng bối rối lắm. Nhưng được ít lâu thì tôi bình tĩnh trở lại. Biên giới giữa tôi với Vũ, cũng như với tất cả những người khác, đã quá rõ ràng. Thôi thì suốt đời có lẽ tôi cũng chỉ quanh quẩn trong cái vòng tròn muộn phiền của mình. Tôi bị kéo vào mọi khổ đau chung và riêng của thiên hạ, nhưng lại đứng bên lề những niềm vui. Đôi lúc tôi vẫn tự an ủi mình là hãy còn nhiều diễm phúc, còn một cuộc sống tương dối thong thả giữa lúc xã hội ngày càng lầm than. Vả chăng tình bạn của tôi với Vũ cũng chẳng có gì bất ổn. Trái lại, nó còn đem đến cho tôi những niềm vui nho nhỏ, nhẹ nhàng. Mỗi sáng tôi đến lớp với tâm trạng phấn chấn. Có một hạnh phúc nhỏ nhoi đang chờ tôi trong lớp học, dẫu tôi biết nó rất đỗi mong manh, tựa sương tựa khói. Tôi phớt lờ hết những lời đàm tiếu trong lớp. Tôi hiểu cho tôi, Thuỷ Trúc hiểu cho tôi là đủ rồi.
Trước dịp nghỉ hè, nhà trường “xã hội chủ nghĩa” tổ chức bắt học sinh hai lớp cuối bậc trung học đi lao động khai hoang ở Sông Cầu, một vùng rừng rậm hoang vu ở phía bắc Nha Trang. Trong lúc những đứa khác tỏ ra bất mãn với công tác này thì tôi lại thích thú ngầm biến nó thành một cuộc picnic thú vị. Tại sao mình lại không nhìn những điều phiền toái từ một góc cạnh lạc quan được nhỉ? Con trai đi lao động thì cực thật, nhưng con gái bọn tôi đi theo chỉ để làm “thợ vịn”, làm “hậu cần”, lo nấu nướng, làm vệ sinh trong trại thôi. Không có “cách mạng”, cả đời tôi làm gì biết được những khu rừng già ở Sông Cầu này! Rừng bát ngát, cây cối chằng chịt, nhất là những cây mây cao vút đan vào nhau, chỉ có những kẽ hở rải rác đủ cho nắng len lỏi qua. Tiếng ve rừng kêu triền miên không dứt, nghe thật não nùng giữa một vùng rừng núi thâm u. Đây là trung tâm truyền bệnh sốt rét, Thuỷ Trúc bảo vậy. Nó đã chuẩn bị sẵn cho hai đứa một gói ớt hiểm và một bó nhang, để phòng sốt rét!
Lên đến Sông Cầu, sắp xếp đồ đạc xong xuôi, Thuỷ Trúc hăm hở kéo tôi ra ven suối, lựa một chỗ thật vắng vẻ. Nó bảo tôi ngồi xuống, nói giọng nghiêm trang:
“Chuyện này phải không ai thấy mới linh ứng! Trai bảy vía, gái chín vía, tụi mình con gái thì mỗi đứa nuốt trọng chín trái ớt hiểm với nước lạnh, rồi thắp nhang van vái các oan hồn vất vưỡng nơi rừng thiêng nước độc này phù hộ cho khỏi bị vi trùng sốt rét nhập vào người.”
Con quỷ sứ này cũng một cây tin dị đoan, vậy mà nó vẫn thường khích bác tôi về chuyện này. Tuy nhiên, vì sợ sốt rét, tôi cũng bặm gan, nín thở nuốt hết chín trái ớt rồi nốc nước lạnh vào. Mùi nhang thơm ngát bay phảng phất giữa vùng rừng núi mênh mông khiến tôi rùng mình tưởng tượng đang có những oan hồn về chứng giám cho hai đứa.
Cuộc sống “tập thể xã hội chủ nghĩa” có khác, mỗi sáng tinh mơ, rừng núi còn sương mù bao phủ dày đặc, tất cả chúng tôi đã bị dựng đầu dậy tập thể dục. Mắt nhắm mắt mở, chân nam đá chân chiêu, chúng tôi xuýt xoa trong lớp áo lạnh, vươn vai, vung tay vung chân theo tiếng còi thể dục nhịp nhàng. Điểm tâm với cháo trắng và muối xong, từng nhóm học sinh chia ra các ngả để đốn cây khai hoang rừng. Bọn con gái chúng tôi chỉ chờ những thân cây to lớn do bọn con trai đốn ngã xuống là xúm lại rọc bớt lá dồn lại một chỗ. Xế trưa là chúng tôi đã được về để lo cơm nước cho cả trại. Nước nôi để nấu ăn đã được bọn con trai lấy từ suối lên cung cấp đầy đủ. Con suối cách trại không xa, thơ mộng với những thân cây toả bóng mát hai bên bờ. Lòng suối trong vắt, nước mát rượi, nhưng chúng tôi không ai dám uống vì sợ sốt rét. Nước lấy từ suối lên phải đun sôi và khử bằng sả tươi, uống vào có một mùi hăng hăng thật khó chịu. Vậy mà đó là thứ nước uống duy nhất của bọn tôi trong suốt nửa tháng ở Sông Cầu, vì chẳng ai muốn lên đây sắm một cái “tủ lạnh” mang về nhà cả, chúng tôi nói đùa thế để chỉ bệnh sốt rét.
Sau những bữa cơm trưa, tôi và Thuỷ Trúc thường rủ nhau xuống suối chơi. Hai đứa xắn quần, ngồi trên một thân cây chìa ra lòng suối, ngâm chân trong làn nước mát lạnh, nói chuyện bâng quơ. Buổi tối, sau bữa cơm chiều, từng nhóm năm ba người tụ nhau bên ánh lửa hồng, đàn hát, trò chuyện. Ai cũng cố tìm vui cho khuây khoả những ngày bị đoạ đày cực nhọc này. Riêng Vũ và nhóm bạn chủng sinh thì họp riêng với nhau để đọc kinh và hát những bài hát vào đời. Âm điệu của những bài hát đó thật dặt dìu, êm ái, xoáy vào hồn tôi những ước mơ thầm kín, nhạt nhoà. Các bài hát gợi cho tôi một khoảng đời riêng của Vũ mà tôi chưa hề biết, để càng thấy Vũ thêm vời vợi cách xa, như một cánh chim chấp chới tận cuối chân trời.
Đêm Chủ nhật đầu tiên ở khu lao động, chính quyền xã kế cận tổ chức buổi chiếu phim Vĩ Tuyến 17, Ngày Và Đêm, bọn học sinh chúng tôi được “mời” đi xem. Sau bữa cơm chiều, từng nhóm lũ lượt đi qua khu chiếu phim. Đêm đó trời có trăng, rừng núi nhuộm một màu vàng ngọt ngào của ánh trăng sơn cước. Chỉ có dăm ba người tình nguyện ở lại giữ trại. Vũ bảo tôi:
“Coi chi ba cái thứ phim tuyên truyền nhảm nhí đó! Thuỳ Linh ở lại canh trại với Vũ, tụi mình nói chuyện cho vui.
Thuỷ Trúc réo tôi:
“Mày có đi coi chiếu phim không, Thuỳ Linh?”
Tôi còn đang ngần ngừ thì nó đã láu lỉnh tiếp luôn:
“Ờ, mà thôi, mày ở lại coi chừng lán của tụi mình đi, kẻo cọp về tha quần áo mất hết!”
Cả khu trại trở nên vắng lặng hẳn, chỉ còn một hai nhóm nhỏ tụ lại với nhau, nói chuyện rì rầm. Vài đứa nhóm lên một đống lửa, ngồi vây quanh và chơi đàn guitar. Tiếng đàn trong đêm khuya nghe réo rắt, mơ màng.
Vũ và tôi nằm sấp trên lán tre, tay chống cằm ngó lên vầng trăng lúc mờ lúc tỏ sau những chòm cây. Vũ đánh diêm mồi một điếu thuốc, khói thuốc nhẹ nhàng bay chung quanh hai đứa. Tôi thấy lòng dâng lên một cảm giác êm dịu, say sưa, vô cùng mới mẻ. Từng giây phút dần qua, tôi muốn thời gian đừng bao giờ trôi nữa. Một lát sau, tôi lên tiếng trước:
“Vũ nè, sao Linh thấy Vũ lúc nào cũng có vẻ xa vắng hơn những người con trai khác trong lớp mình vậy?”
Vũ quay qua nhìn tôi, gương mặt anh đẫm ánh trăng:
“Vì sao hả? Vũ chưa bao giờ kể cho Thuỳ Linh nghe chuyện của Vũ, phải không? Chẳng có gì vui đâu, Linh à! Má Vũ mất năm Vũ mới mười hai tuổi. Buổi tối đó là lần đầu tiên má Vũ đi coi cải lương ở đầu thôn, mà cũng là lần cuối cùng. Tụi Việt Cộng đặt chất nổ ám sát ông trưởng thôn. Ổng may mắn thoát chết, nhưng dân trong thôn chết nhiều lắm, trong đó có má Vũ. Ít lâu sau, ba Vũ lấy vợ khác. Mẹ kế của Vũ cũng tử tế lắm, nhưng Vũ vẫn luôn thấy có gì đó lạt lẽo nên sau này Vũ ra Nha Trang xin vào chủng viện học. Bây giờ, như Linh thấy đó, chủng viện đã bị giải tán, nên tụi mình mới gặp nhau như vầy đây.”
Tôi ngậm ngùi làm thinh, không biết nói gì, nhưng đồng thời cũng cảm thấy sung sướng khi được Vũ tâm sự. Tuy vậy, nằm bên Vũ đêm đó, tôi cũng thấy không dễ dàng gì bước vào cuộc sống của một người khác. Vũ chỉ cách tôi có vài gang tay, tôi có thể nghe hơi thở nồng ấm của anh, nhưng có một ranh giới vô hình mà tôi không sao phá vỡ được. Mỗi đứa chúng tôi đã có một đời riêng tự bao giờ, gặp nhau đây chắc không là hạnh ngộ. Có lẽ tình cảm đầu đời của mình đã làm tôi thi vị hoá tất cả những gì thuộc về Vũ. Trước kia tôi chưa bao giờ để ý tới những chủng viện, những dòng tu. Bây giờ, chỉ những tên gọi đó thôi cũng đã làm ngân lên trong tôi những âm sắc gợi cảm, êm đềm. Quê của Vũ ở Phước Thiện, nằm cách thị xã Phan Rang khoảng mười mấy cây số. Chỉ nhìn một chiếc xe đò nào mang bảng hiệu Phan Rang chạy ngang, tôi cũng thấy ngẩn ngơ, xúc động. Thật tội nghiệp cho trái tim tật nguyền của tôi! Đáng lẽ nó nên ngủ yên một giấc buồn phiền luôn mới phải.
Sáng hôm sau, tôi đã nghe những lời ong tiếng ve mới. Đang ngồi lúi húi chụm củi cho nồi nước, tôi nghe rõ ràng giọng chanh chua của con Xuân Hoài cất lên gần đó:
“Cái con đó đúng là quỷ phá nhà chay tụi bay à! Người ta tu sắp ra thầy rồi mà nó cứ đeo như sam, thiệt không biết xấu hổ!”
Con Diễm Mai rành rẽ hơn:
“Tụi mày không biết gì hết. Thầy thì cũng chẳng thầy nữa, nghe đâu người ta sắp lấy vợ rồi. Chắc nó tính giật chồng người ta đó!”
Rồi cả lũ con gái ngoa ngoắt phá ra cười hả hê. Tôi giận tím cả người, định đến hỏi cho ra lẽ, nhưng chợt nhìn vào trong lán bên con trai, thấy Vũ cũng đang ngồi nghe hết những lời độc địa đó, nên nghĩ sao tôi lại thôi. Đến bữa trưa, tôi chẳng thiết ăn uống gì, chỉ mong cả trại nghỉ trưa để tôi có dịp nói với Vũ vài lời.
Ăn uống xong, kẻ thì rủ nhau xuống suối, người thì tha thẩn vào rừng vót mây về đan rế, khu trại đã thưa thớt. Bên lán con trai, Vũ đang ngồi một mình với cây guitar. Tôi vội vã bước qua. Vũ không nhìn tôi, vờ nắn những dây đàn.
Tôi ngập ngừng nói:
“Vũ, chuyện hồi sáng…”
Vũ ngước lên, giọng lạnh lùng:
“Thôi, Thuỳ Linh à, tụi mình đừng có bạn bè gì với nhau nữa hết! Tôi cũng khổ sở nhiều lắm rồi.”
Đoạn Vũ buông cây đàn xuống, xoay mặt vào trong. Tôi sững sờ quay bước trở lại phía lán của mình. Trời nắng chang chang, đầu óc tôi quay cuồng, đất như sụt lở dưới chân tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm xúc mãnh liệt như vậy. Về tới chỗ, tôi nằm vật ra, nước mắt thi nhau chảy dài trên má. Thuỷ Trúc hốt hoảng lay tôi:
“Chuyện gì vậy, Thuỳ Linh?”
Tôi không đáp, để mặc nó đoán già đoán non. Những ngày kế tiếp ở Sông Cầu là một cực hình cho tôi. Tôi nhìn tất cả chung quanh bằng cặp mắt lạnh lùng, buồn bã. Còn Vũ thì hình như lại vui vẻ hơn trước. Anh cười nói nhiều hơn, chẳng lẽ để trêu tức tôi sao? Tôi có tội tình gì? Tôi không làm sao giấu được vẻ ủ ê của mình. Bọn Xuân Hoài, Diễm Mai lại được dịp dài mồm ra:
“Chung Vô Diệm thất tình, tụi mày ạ!”
“Đũa mốc mà chòi mâm son!”
“Đũa mốc” tôi xót xa đến tận cùng rồi, chẳng hơi đâu mà đếm xỉa đến những lời cay nghiệt đó nữa. Chỉ giận “mâm son” sao nỡ vui trên nỗi đau khổ của tôi. Thuỷ Trúc nghe tôi kể đầu đuôi, nó nổi khùng:
“Chuyện gì nghe giống con nít quá vậy? Thôi mày quên phứt hết đi! Phải thì chơi, không phải thì thôi!”
Tôi giống con nít thật. Tôi chẳng hiểu tự ái là cái gì nữa, tôi thảo một lá thư nhờ Thuỷ Trúc đưa cho Vũ. Trong đó tôi viết: “Linh không hiểu tại sao Vũ lại giận Linh. Vũ hiểu rõ tình bạn giữa hai đứa mình mà. Nhưng thôi, Vũ muốn sao cũng được. Linh chỉ muốn cho Vũ biết là, với Linh, tình cảm là một cái gì có hay không, chứ không bao giờ còn hay hết. Linh sẽ coi Vũ là một người bạn thân mãi mãi.”
Khúc cải lương cuối thư chẳng rõ tôi đã cóp ở đâu nữa, nhưng cũng làm tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm vì đã phần nào nói ra được tình cảm tội nghiệp của mình đối với Vũ, một lần cho xong rồi thôi. Thuỷ Trúc cũng tội, nó ký ca ký cóp mang thư tôi đưa cho Vũ, rồi lại lót tót mang thư trả lời về. “Lá thư tình” đầu đời tôi nhận được chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Vũ xin lỗi đã làm Thuỳ Linh buồn. Thôi Linh rán thêm vài ngày nữa, Vũ sẽ trả Linh về lại Nha Trang, với cuộc sống riêng của mình.”
Tôi cười lạt, xé lá thư ra thành từng mảnh nhỏ. Thốt nhiên, tôi nghiệm thấy những lời cay độc của bọn Xuân Hoài, Diễm Mai là đúng. Phải chi ngay từ những lời chê cười đầu tiên tôi đã biết dè chừng thì đâu ra nông nỗi ngày nay. Tôi đâu phải đứa con nít lên năm lên ba gì mà Vũ dỗ tôi “rán” vài ngày nữa rồi hắn sẽ “trả” tôi về lại Nha Trang? Tôi sẽ nghiến răng mà sống, tỏ vẻ bất cần, dù lòng đang tan nát.
Về lại Nha Trang, tôi thấy thành phố sao buồn quá đỗi. Những con đường ngập nắng hè, rưng rưng những đoá phượng đầu mùa trên những tàn cây xanh mướt lá. Vài ba cơn mưa đổ vội xuống rồi dứt, để lại mùi hơi đất nồng nồng dâng lên, mùi hương bất tuyệt của mùa hè. Tôi loanh quanh muộn phiền trong nhà suốt một tuần lễ, trong lòng không muốn dự buổi liên hoan chia tay của lớp tổ chức tại nhà Thuỷ Trúc chút nào. Tôi sợ phải chạm mặt Vũ. Con nhỏ nói mãi tôi mới xiêu lòng.
Hôm liên hoan tôi đã bình thản lại khá nhiều, tuy vẫn có cảm giác như một người vừa bệnh dậy. Tôi cố nói cười vui vẻ với lũ bạn trong lớp. Vũ cũng có trong đám đông đó, nhưng tôi rán dặn lòng đừng nhìn về phía anh. Đúng vào lúc không nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa, tôi chợt bắt gặp ánh mắt Vũ nhìn tôi chăm chăm từ đằng xa. Anh nhìn tôi không rời, và trời đất ơi, hình như anh còn đang tiến lại chỗ tôi ngồi nữa kìa! Tôi bối rối, vờ như không biết, tiếp tục ăn và nói chuyện với Thuỷ Trúc. Nhưng rồi Vũ đã đứng trước mặt tôi. Anh đưa cho tôi một dĩa bánh ngọt nhỏ:
“Bánh nè, Thuỳ Linh!”
Tôi đành đưa tay ra đỡ lấy dĩa bánh, không nỡ làm Vũ cụt hứng. Vũ trầm giọng nói tiếp:
“Thuỳ Linh cho Vũ xin lỗi thật nhiều, thật nhiều!”
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao Vũ lại giận tôi, và vì sao anh lại làm hoà với tôi. Chỉ biết hôm đó tôi xúc động vô cùng. Trái tim bị thương của tôi như được băng bó, vỗ về. Tôi nghe một cảm xúc êm dịu lẫn thổn thức ngập tràn. Niềm vui tuy mong manh, cũng đủ làm tôi thoi thóp hồi sinh. Suốt buổi liên hoan còn lại, tôi váng vất như người say rượu, một cơn say êm ái tôi không muốn tan đi chút nào. Lúc cả lớp chia tay nhau, tôi đến gần Vũ hỏi:
“Khi nào Vũ về Phước Thiện?”
Vũ ân cần đáp:
“Ngày mai, Thuỳ Linh à. Linh ở lại nghỉ hè vui vẻ nghe. Hết hè tụi mình sẽ gặp lại.”
Buổi sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, trong lòng bồn chồn, xao xuyến. Gần trưa, tôi bỗng nảy ra một ý. Sao mình không ra bến xe tiễn Vũ nhỉ? Biết đâu Vũ vẫn còn ngoài đó? Tôi vội vã dắt xe đạp, phóng như bay ra bến xe. Khi tôi đến nơi, quang cảnh đã vắng lặng lắm rồi, chỉ còn lác đác dăm chiếc xe chờ đi Ban Mê Thuột. Tôi đến quầy bán vé hỏi thăm mới biết chuyến xe Nha Trang–Phan Rang cuối cùng đã rời bến cách đó mười lăm phút. Một chút hụt hẫng dâng lên trong lòng tôi. Tôi là con bé lọ lem quên thân phận mình, cứ hoài công theo đuổi những ảo ảnh xa mờ…
*
Đoàn tàu từ từ đi vào ga Tháp Chàm mà Thuỷ Trúc vẫn còn say ngủ. Ai nấy thi nhau vất hành lý xuống sân ga và nhảy xuống qua cửa sổ. Tôi lay vai Thuỷ Trúc:
“Dậy đi Thuỷ Trúc, tới nơi rồi!”
Con nhỏ mở hé mắt, vươn vai:
“Chu cha, tàu chợ bữa nay sao chạy lẹ quá vậy? Tao mới chợp mắt đã tới rồi!”
Tôi liếc nhìn đồng hồ trên nóc nhà ga:
“Bốn giờ chiều rồi đó bà! Bà ngủ lâu thì có!”
Hai đứa dắt díu nhau xuống sân ga. Nếu không có Thuỷ Trúc cùng đi thì chắc tôi chẳng đời nào dám đến những nơi xô bồ như thế này. Bên Thuỷ Trúc, tôi hết sức yên tâm, nó bước vững chãi cạnh tôi như sẵn sàng bảo vệ tôi trước mọi bất trắc. Ra khỏi nhà ga, chúng tôi bị ba bốn người lái xe ôm ùa đến bao vây:
“Hai cô về đâu vậy? Lên xe đi!”
Thuỷ Trúc la chói lói:
“Từ từ chớ mấy ông! Làm sao tụi tôi đi hết xe mấy ông được! Có ai đi Phước Thiện không?”
Chỉ có một người chịu đi Phước Thiện nên các bác tài khác tự động giải tán. Ngã giá xong xuôi, hai đứa leo lên ngồi sau lưng ông tài xế trên chiếc Honda. Tôi ngồi chính giữa, Thuỷ Trúc bao sau. Lần đầu tiên trong đời tôi phải vòng tay ôm eo ếch một người đàn ông lạ hoắc, kể cũng kỳ, nhưng xe chạy nhanh quá, tôi đành phải nhắm mắt ôm đại. Xe quanh co một hồi lâu rồi từ từ rẽ vào một thôn nhỏ. Bác tài bảo:
“Phước Thiện đây rồi!”
Tôi bỗng thấy bồi hồi xúc động. Vũ ở nơi này sao? Đây là chỗ anh đã ra đời và sống qua hết thời thơ ấu sao? Thuỷ Trúc và tôi xuống xe, trả tiền và cám ơn bác tài. Tôi nắm chặt mẩu giấy ghi địa chỉ của Vũ, hai đứa dò tìm từng căn nhà. Dân trong thôn ngó chúng tôi bằng những cặp mắt tò mò. Nhà Vũ cũng như những căn nhà kế cận, cũng ba gian, hai chái, cũng mái ngói âm dương, trước nhà có một khoảng sân lót gạch rộng rãi. Hai đứa rụt rè bước vào. Một người đàn ông bước ra hỏi:
“Hai cô tìm ai?”
Thuỷ Trúc lẹ miệng:
“Dạ, tụi cháu là bạn học của anh Vũ. Thưa bác, bác là…”
Người đàn ông mỉm cười:
“Tôi là ba nó. Mời hai cô vào nhà. Thằng Vũ mới chạy đâu trong xóm. Để tôi cho người đi kêu nó về liền.”
Thuỷ Trúc và tôi líu ríu bước vào nhà, ngồi chờ Vũ nơi phòng khách. Một lát sau, Vũ từ ngoài tất tả bước vào. Anh lặng người đi một giây:
“Thuỳ Linh! Thuỷ Trúc! Sao bất ngờ quá vậy?”
Tôi nhìn Vũ trân trân. Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được hai giọt nước mắt trào ra. Mới xa Vũ có một tháng hè mà sao nhớ thương trong tôi đã dâng đầy ăm ắp. Nhìn Vũ bằng xương bằng thịt trước mắt, tôi nghe trong hồn một nỗi xao xuyến khó tả. Anh đứng đó, thật gần mà cũng thật xa, vời vợi như một giấc mơ chấp chới, mịt mùng. Thuỷ Trúc láu táu:
“Tụi này ghé Vũ chơi, sẵn cho biết Phước Thiện luôn. Cho tụi này ở lại một bữa, có gì bất tiện không?”
Vũ ngồi xuống ghế:
“Có gì mà bất tiện, hoan nghênh hai cô về thăm miền quê hẻo lánh này! Thuỳ Linh và Thuỷ Trúc đi xa có mệt không?”
Tôi vẫn chưa tìm ra được câu gì để nói với Vũ. Lát sau, khi hai đứa đã tắm gội xong, mát mẻ, khoẻ khoắn, Vũ bảo:
“Mới năm giờ, còn sớm, để Vũ đưa Linh và Trúc ra bờ sông chơi một chút cho mát rồi mình về ăn cơm.”
Từ lúc đó trở đi tôi cứ như sống trong mơ. Tất cả quanh tôi như bềnh bồng, hư ảo. Tôi lặng lẽ bước theo Thuỷ Trúc và Vũ. Hai người liến thoắng nói với nhau những gì, tôi cũng không để ý. Vũ chợt hỏi tôi:
“Sao Thuỳ Linh không nói gì cả vậy?”
Tôi luống cuống:
“Ơ… tại Linh còn say xe, hơi mệt.”
Vũ nhìn tôi:
“Thuỳ Linh thấy quê Vũ ra sao? Buồn tẻ lắm phải không? Ở đây là như vậy đó, chẳng có gì để giải trí hết. Thanh niên trong thôn chỉ chờ những đêm trăng sáng để ra bờ sông chơi, mua bắp nướng than hồng phết hành mỡ. Chỉ có vậy thôi, buồn lắm!”
Vũ dẫn hai đứa ra đến bờ sông. Trời đã ngả chiều. Nắng dịu và mềm như những sợi tơ vàng, phủ trên mặt sông một lớp mỏng óng ánh, lung linh. Gió từ sông đưa vào mát rượi. Trên bờ, đàn bà, con gái giặt giũ, vui cười trò chuyện. Một bầy trẻ bì bõm lội nghịch dưới sông. Khung cảnh này dường như tôi đã thấy trong một giấc mơ nào thì phải. Tôi đứng lặng, tê mê nhìn bao quát cảnh trời nước mênh mông, trong lòng chan chứa một cảm giác nhẹ nhàng, êm ái. Thuỷ Trúc thốt lên:
“Khung cảnh êm đềm quá, Vũ ơi!”
Vũ cười nhẹ. Tôi vuốt những sợi tóc mai mơn man trên má trong gió chiều, phụ hoạ:
“Linh chưa bao giờ thấy một dòng sông đẹp như thế này!”
Chúng tôi chậm rãi đi dọc theo bờ sông cho đến khi nắng chiều chỉ còn là những vạt mỏng màu tím thẫm. Gió trở lạnh và đâu đó trên sông, tiếng chim gọi bầy nghe xa vắng.
Quay về nhà, Vũ dọn lên cho cả ba một mâm cơm đạm bạc. Chúng tôi ngồi ăn bên ánh đèn dầu lung linh, chập chờn. Sau đó, ba chúng tôi ra ngồi ở bậc thềm trước nhà. Trời đêm nay không trăng, chỉ có những vì sao tuần tự từng ngôi thắp sáng bầu trời đen thẫm. Nói chuyện một lúc, Thuỷ Trúc kêu buồn ngủ, rút lui trước, ý chừng để tôi và Vũ ngồi lại với nhau. Tôi ngồi một mình với Vũ, cũng chẳng biết nói gì hơn. Vũ hỏi:
“Thuỳ Linh cũng mệt rồi phải không? Để Vũ đưa Linh vào nghỉ cho khoẻ nhé?”
Có ngồi lại nữa cũng vậy thôi. Tôi khẽ gật, uể oải đứng lên bước theo Vũ. Thuỷ Trúc đã ngủ say. Tôi nằm xuống bên nó, thao thức trong căn phòng lạ. Tại sao tôi lại đến nơi này? Bên phòng kia chắc Vũ cũng đã ngủ yên, chỉ có mình tôi nằm căng mắt nhìn bóng đêm, nghĩ về đời mình. Biên giới chập chùng hơn bao giờ hết. Dù tôi có ở nơi nào đi nữa, Vũ vẫn cứ xa vời. Tôi nằm đếm hết những tiếng động ban đêm, tiếng côn trùng, tiếng gió, tiếng chó sủa bâng quơ, tiếng lao xao của những người đi về khuya trong thôn vắng. Cuối cùng, tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Buổi sáng, tôi bảo Vũ:
“Vũ đưa tụi này qua thăm Ái một chút, rồi sau đó tụi này về luôn.”
Nhà Ái ở cách đó không xa. Cô có vẻ ngạc nhiên lắm khi thấy Thuỷ Trúc và tôi. Vũ giới thiệu:
“Thuỳ Linh và Thuỷ Trúc học cùng lớp với anh ở Nha Trang đó Ái.”
Ái đúng là con gái quê, rất rụt rè. Tôi nắm tay Ái:
“Tụi này nghe Vũ nhắc tới Ái rất nhiều. Ái có phước lắm đó, Vũ vừa đàng hoàng, vừa tài hoa.”
Ái hỏi:
“Hai chị về đây chơi bao lâu?”
Thuỷ Trúc đáp:
“Tụi này ghé thăm Ái rồi đón xe về sáng nay luôn.”
Ái nói:
“Vậy để em với anh Vũ đưa hai chị ra xe luôn thể nghe.”
Chúng tôi đi với nhau ra đầu thôn. Từ đó, tôi và Thuỷ Trúc lên xe đi Phan Rang. Đến nơi, hai đứa sẽ đón xe về lại Nha Trang. Thuỷ Trúc ngồi trong, tôi ngồi ngoài. Tôi vẫy tay với Vũ và Ái:
“Tụi này về nhé!”
Vũ nhìn tôi:
“Cám ơn hai cô đã về chơi. Hẹn tựu trường tụi mình gặp lại.”
Xe lăn bánh, Trong phút chốc, Vũ và Ái chỉ còn là hai cái chấm nhỏ. Tôi mệt mỏi ngó qua Thuỷ Trúc:
“Bây giờ tới lượt mày canh cho tao ngủ, chịu không?”
*
Tôi đếm từng ngày đến buổi tựu trường. Mùa hè dường như không muốn qua, chẳng bù với những mùa hè trước, sao mà ngắn ngủi. Ngày khai trường, tôi hồi hộp bước vào lớp. Năm nay là năm cuối của tôi ở bậc trung học. Chuông vào lớp đã lâu, mọi gương mặt năm ngoái đã đông đủ, riêng chỗ ngồi của Vũ cạnh tôi vẫn còn bỏ trống. Buổi học đầu năm trôi qua tẻ ngắt. Tan học, tôi thẫn thờ bước ra khỏi lớp. Một bóng người xuất hiện cuối hành lang.
“Thuỳ Linh!”
“Vũ! Sao Vũ không vào học?”
Vũ bước lại gần:
“Không, Thuỳ Linh ạ. Hôm nay Vũ đến rút hồ sơ, Vũ không học nữa. Linh ở lại, học thật giỏi nhé!”
Tôi nhìn sững Vũ. Một tiếng kêu thảng thốt âm thầm vỡ oà trong tôi. Vậy đó, tôi sẽ lạc mất Vũ trong dòng đời. Hệt như một nhân vật của Albert Camus đã từng nói: “… những gương mặt phiêu hốt, thoáng hiện một lúc, rồi chìm tắt trong một tấn tuồng âm u, dằng dặc.” Ừ thì thôi, người cứ ra đi. Người có ở lại tôi cũng chẳng được gì. Ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia, tất cả ngày tháng từ đây về sau sẽ mang cùng một khuôn mặt, vô hồn, lạnh lẽo. Tôi chưa từng được gì, mà sao giờ phút này tôi cảm thấy mất mát đến tận cùng. Những ngày còn lại trong lớp trôi qua lặng lờ, vô nghĩa. Thuỷ Trúc cố làm tôi vui nhưng cuối cùng nó đành chịu thua.
Những ngày nghỉ, tôi thường đạp xe một mình qua chủng viện Sao Biển gần Hòn Chồng và Bãi Dương. Toà nhà cao lớn, âm u, giờ đây cửa đóng then cài kín mít, trông buồn quá đỗi. Tôi dựng xe, kiễng chân nhìn vào bên trong. Sân trường chủng viện rộng thênh thang, hàng cây rũ bóng, không một dáng người. Nơi đây đã bao lần in dấu chân của Vũ? Hành lang im vắng kia đã bao lần vang vọng tiếng Vũ nói cười? Tôi im lặng đạp xe xuống Bãi Dương, ngồi trên bờ cát, nhìn mãi ra ngoài khơi chập chùng, xa tít tắp.
Tôi viết thêm một bài thơ vào tập Vô Ngâm Khúc của mình:
Gió chiều chủng viện mắt cay,
Hàng dừa im bóng lắt lay bên bờ.
Em từ độ đó làm thơ,
Thư yêu viết vội một tờ thương đau.
Anh từ độ đó về đâu,
Bãi Dương thôi cũng mất màu biển xanh.
Tôi có một thói quen mới: đi nhà thờ. Tôi không có đạo, nhưng tôi tìm được hình bóng Vũ trong khung cảnh này. Những bài thánh ca réo rắt trong thánh đường tôi từng được nghe Vũ và các bạn hát bao lần ngày trước. Lạy Chúa cao xa, xin cho con tìm lại được bình yên cũ, xin cho con nghĩ đến Vũ như một hình ảnh bình an nhất. Vũ bây giờ chắc đã cưới Ái, đã có con bồng con bế. Tôi vẫn kéo dài cuộc sống trầm lặng, buồn tẻ. Thuỷ Trúc đã có chồng từ năm ngoái. Tôi vẫn thân với nó, tuy không còn khắng khít như dạo còn đi học. Con nhỏ thấy vậy mà ghê, ngổ ngáo như con trai mà đùng một cái tuyên bố đi lấy chồng hồi nào không ngờ. Tụi nó chỉ gặp nhau đâu vài ba lần là tính chuyện trăm năm ngay. Tôi cũng mừng cho Thuỷ Trúc đã yên phận. Phần tôi có lẽ ở vậy đến già, cho trọn kiếp lọ lem.
Hình ảnh của Vũ rồi cũng dần phai mờ trong tôi. Dĩ nhiên làm sao tôi quên được mối tình đầu đời đó, nhưng chẳng ai đau hoài một nỗi đau. Có lẽ Chúa đã xót thương, trả lại cho tôi bình an cũ. Học xong trung học, tôi thi rớt kỳ thi tuyển đại học vì “lý lịch” gia đình tôi không được “sạch sẽ” cho lắm đối với “cách mạng”. Học tài, thi… lý lịch mà! Tôi ở nhà, phụ giúp gia đình những chuyện lặt vặt và dạy kèm con nít để kiếm tiền túi. Ngày nối ngày, tưởng như không bao giờ dứt những chuỗi ngày mang chung một khuôn mặt. Không có một dấu tích gì ghi lại một ngày đã qua. Chỉ có đêm đêm, khi tôi bình thản mắc từng sợi dây mùng lên các chiếc đinh buồn trên vách, tôi mới biết là mình vừa trải qua một ngày nữa.
Một buổi tối, tôi vừa đạp xe đi hóng mát một vòng ở đường biển về, má tôi nói:
“Thuỳ Linh à, có một cậu ở Phước Thiện ghé thăm con. Cậu ta nói một chút nữa sẽ trở lại.”
Vũ! Đã mấy năm rồi, chuyện cũ như đã chìm vào quên lãng. Nay Vũ ghé thăm, tôi hồi hộp không biết anh bây giờ ra sao. Tôi ra ngồi ở xích đu trong sân nhà, chờ đợi. Một lát sau, có tiếng chuông ngoài cổng. Tôi chạy ra, thấy một bóng người đứng trong bóng tối lờ mờ. Ngọn đèn đường vàng hiu hắt không đủ soi rõ mặt Vũ. Anh lên tiếng:
“Thuỳ Linh!”
Tôi nén xúc cảm:
“Vũ! Trời ơi, lâu ngày quá phải không? Vũ vào nhà đi.”
Vũ vừa đi vừa nói:
“Thuỳ Linh vẫn mạnh giỏi chứ? Còn Vũ bây giờ tàn tạ lắm Linh ơi. Chút nữa vào nhà đèn sáng, Linh đừng giật mình nghe.”
Dưới ánh đèn, tôi thấy rõ Vũ tàn tạ thật. Anh hốc hác, tiều tuỵ, ốm o, gầy mòn, không còn đẹp trai, phong độ thuở nào làm tôi điên đảo. Vũ nhìn tôi:
“Thuỳ Linh có gì lạ không?”
Tôi lắc đầu:
“Linh vẫn vậy. Còn Vũ kìa, kể cho Linh nghe đi!”
Vũ cười:
“Linh có thể tin là Vũ đã có ba đứa con rồi không? Một gái hai trai. Cuộc sống của Vũ bây giờ vất vả lắm.”
Anh xoè hai bàn tay ra:
“Ở quê Vũ, nguồn lợi chính là thuốc lá và mía. Thuỳ Linh coi nè, hai bàn tay Vũ chai và vàng hết vì ngày nào cũng xắt thuốc lá tươi đó.”
Không phải giờ đây vì Vũ đã xấu xí, lam lũ đi nhiều mà tôi cảm thấy bình thản, nhưng quả thật lòng tôi đã êm như mặt biển sau cơn bão. Tôi bình thản hơn bao giờ hết, ngay cả lúc ngồi uống cà-phê với Vũ ở quán vào buổi sáng hôm sau. Tôi vẫn là con bé lọ lem, nhưng không phải là con bé lọ lem yếu đuối dạo nào ở Sông Cầu, ở Phước Thiện nữa. Dẫu sao, những giây phút bên Vũ trong quán cà-phê cũng thú vị, êm đềm sau nhiều năm tháng lặng lờ của tôi. Vũ nói:
“Uống cà-phê xong Vũ sẽ ghé Dòng Chúa Cứu Thế để gặp cha xứ một chút. Sau đó Vũ sẽ trở lại để chào Thuỳ Linh trước khi về.”
Khi tôi về đến nhà, trời bỗng đổ cơn mưa nhỏ. Tôi chợt nghe một chút ngậm ngùi, tiếc nuối, những cảm xúc mà từ lâu tôi đã không còn. Vũ đi mãi không thấy quay trở lại. Tôi đoán anh không còn thì giờ nên đã về luôn. Gặp lại Vũ sau nhiều năm cách biệt không dưng làm tôi xao xuyến. Tôi đứng một mình trong căn phòng nhỏ, nghe tiếng mưa tí tách ngoài hiên. Tôi ngó qua, ngắm bóng mình trong gương. Cái tát của định mệnh vẫn còn hằn nguyên trên má trái, như một lời nguyền trăm năm. Tôi ngồi xuống giường, với tay lấy cuốn nhật ký, giở từng trang, như kẻ mất hồn, nhìn những dòng chữ cuồng nộ, khắc khoải ngòng ngoèo trên trang giấy. Từ lâu tôi không còn viết nhật ký nữa. Có lẽ tôi phải đốt hết những gì thuộc về quá khứ. Đến một trang, tôi bắt gặp bốn câu thơ của mình:
Khi bốn phía đời tôi là oan khổ,
Một nụ cười là kỷ niệm chắt chiu,
Người thoáng đến như mưa phùn qua phố,
Rồi người đi trong nắng quái đìu hiu.
Vũ đã đến, đã đi, như mưa, như nắng. Lần cuối cùng này, anh đã biến mất trong cơn mưa nhỏ. Âm vang của những ngày xưa cũ vọng về, ngân lên trong tôi những cung điệu rã rời, chua xót. Vũ của tôi hôm nay như vậy đó. Còn dòng sông trước kia tôi về giờ đã ra sao? Có còn tiếng cười đùa của những cô gái giặt áo, tiếng la hét của bầy trẻ bơi lội dưới dòng sông, hay đã cạn khô, lạnh lẽo? Có những nơi chốn người ta chỉ nên đến một lần trong đời thôi, phải vậy không Vũ?
– Trần C. Trí
Nguồn: https://vietbao.com/p301414a312723/dong-song-truoc-kia-toi-ve
0 comments:
Post a Comment