Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 20 May 2022

ĐÊM GIÃ TỪ TUỔI NHỎ

 

(30 tháng Tư 2022 – Tưởng niệm 47 năm ngày mất nước)

Mỗi người Việt chúng ta cảm nhận cuộc chiến tranh Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau. Đối với riêng tôi, nhận thức về cuộc chiến Việt Nam bắt đầu bằng một câu hỏi của một thiếu niên vừa lớn, mới có trí khôn, dành cho Ba tôi: “Ba ơi, tại sao người Mỹ ở một nơi xa xôi lại đến Việt Nam như vậy?” Câu trả lời của ông vẫn còn rõ trong trí nhớ của tôi: “Cũng giống như nhà mình bị cháy mà người hàng xóm giúp mình chữa để nhà họ khỏi bị cháy lan qua vậy, con à.”

Hình ảnh của một căn nhà đang cháy có người hàng xóm qua phụ giúp đó đã làm tôi tạm hiểu vì sao người Mỹ lại chịu gian khổ, chết chóc để giúp người Việt. Lớn lên chút nữa, tôi mới thấm ý, “nhà cháy” chính là chủ nghĩa cộng sản, và cuộc nội chiến ở Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ của những người cùng máu mủ.

Gia đình tôi sống ở thành phố, trong khi cuộc chiến thường sôi động nhiều hơn ở vùng nông thôn, rừng núi. Trong suốt thời gian chiến tranh, tôi chỉ được chứng kiến chiến trận lan tràn đến thành phố vỏn vẹn có hai lần: một lần là biến cố Tết Mậu Thân, và lần thứ nhì là ngày Sài Gòn thất thủ. Ngoài ra, chiến tranh đối với tôi chỉ là những gì nghe trên truyền thanh, truyền hình, hay đọc trong sách báo.

Vào một ngày tháng Ba năm 1975, lúc đó tôi còn là cậu học sinh lớp 10 bậc trung học. Đang đứng thơ thẩn trong sân trường, tôi nghe tiếng dì Mười gọi tên mình từ dãy hành lang lớp học. Dì Mười là em út của má tôi, mà cũng là giáo sư Việt văn dạy ở trường tôi đang theo học. Tôi chạy lại phía dì đang đứng.

Dì Mười nói với tôi, giọng đẫm lo âu:

“Trí nghe gì chưa cháu? Ban Mê Thuột mất rồi!”

Tôi còn đang ngỡ ngàng trước cái tin đó, chưa biết nói sao, thì dì Mười lại hỏi, chắc không phải hỏi tôi mà như để hỏi chính mình:

“Bây giờ phải làm sao đây?”

Cố nhiên là tôi biết gì mà trả lời nên chỉ làm thinh. Tôi nhìn dì Mười. Dì đang có mang đứa con thứ hai, bụng dì to lắm – chắc là dì gần đến ngày sinh rồi – tôi nghĩ thầm như vậy. Hình ảnh của dì Mười đang kỳ thai nghén, đầy vẻ lo lắng, đứng bên đứa cháu hết là con nít, nhưng cũng chưa là người lớn, bỗng dưng trở thành một bức ảnh buồn bã được tình cờ chụp lại, nằm trong biết bao nhiêu bức ảnh khác của chiếc album quá khứ, một trong những hình ảnh vẫn còn sống động trong ký ức của tôi.

Thế rồi chỉ hai tuần lễ sau, ngôi trường trung học của tôi đã đầy nhóc đồng bào tị nạn từ Đà Nẵng và những thành phố lân cận, sau khi những địa phương đó lọt vào tay quân cộng sản. Cuộc sống đột nhiên trở nên ngột ngạt bất ngờ. Chưa đến hè mà tôi không còn đi học nữa. Đại gia đình tôi bắt đầu có những buổi họp của người lớn với nhau, bàn tán về tình hình chiến sự và tính toán có nên di tản hay không. “Di tản”, đó là lần đầu tiên tôi nghe đến hai chữ xa lạ này.

Gia đình bên ngoại tôi, cũng như nhiều gia đình ở miền Nam Việt Nam thời đó, có nhiều người lớn trong phục vụ trong quân đội Cộng Hoà. Từ trên xuống dưới là như thế này: Ba tôi (dượng Ba) là đại uý Quân Tiếp Vụ (đã giải ngũ từ 1972), cậu Năm là trung tá quận trưởng trong Sài Gòn, dượng Sáu là đại uý Cảnh Sát Quốc Gia, dượng Bảy là trung tá Tiếp Vận 5, dượng Chín là đại uý Quân Nhu và dượng Mười là đại uý kiêm bác sĩ Quân Y (toàn là “kẻ thù của nhân dân”, theo giọng lưỡi của những người cộng sản!) Trong nhà chúng tôi chỉ có cậu Tư và cậu Tám là theo “phe dân sự”, cậu Tư làm cho hãng Esso, còn cậu Tám làm giám đốc điều hành cho công ty phân phối dược phẩm do ông ngoại tôi thành lập.

Khi nhiều vùng do phe quốc gia kiểm soát đang từ từ vỡ ra từng mảng như những con cờ domino xô nhau ngã xuống, lần lượt lọt vào tay cộng sản, ai cũng nghĩ đến Sài Gòn, thủ đô của miền Nam, thành trì cuối cùng của tự do – chắc người Mỹ không để mất vào tay cộng sản đâu – lũ con cháu chúng tôi trong nhà nghe mấy người lớn nói vậy. Dượng Bảy tôi quen lớn trong quân đội nên đã xin cho toàn bộ gia đình khoảng ba chục người, kể cả ông bà ngoại tôi, được “di tản” vào Sài Gòn trên một chiếc máy bay quân sự C-130. Thành phố Nha Trang đượm vẻ u ám, nặng nề. Tôi còn nhớ lúc ấy phi trường Nha Trang đã đóng cửa, chỉ cho những gia đình nào được phép đi Sài Gòn lọt qua được cổng kiểm soát. Những người lính lầm lì, lạnh lùng xem giấy tờ do dượng tôi đưa ra, cuối cùng đã cho chúng tôi vào. Đó là lần đầu tiên tôi được đi máy bay quân sự, ngồi ngay xuống sàn máy bay chứ không được ngả người êm ái trên ghế nệm của Air Vietnam như trước.

Khi chiếc C-130 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi tuần tự đi ra khỏi máy bay ở phía đuôi. Cảnh tượng đầu tiên tôi thấy ở đây thật khác với ở Nha Trang. Đó là không khí thanh bình của một nơi chiến tranh chưa tràn đến. Vài người lính ra đón chúng tôi ở máy bay, nói cười vui vẻ chứ không căng thẳng như những người lính ở Nha Trang. Một người trong bọn họ hỏi đùa chúng tôi:

“Ủa, sao không ở Nha Trang tắm biển cho sướng mà vô Sài Gòn làm chi vậy há?”

Tôi hồi đó cũng láu lỉnh lắm, vừa đi vừa đáp lại:

“Vô đây tắm piscine!”

Với “sĩ số” trên dưới ba chục người từ Nha Trang vào lánh nạn, hai cậu tôi ở Sài Gòn phải lo chỗ ăn ở sao cho đầy đủ. Cậu Năm mượn được của chính phủ một căn nhà liền vách trong khu nhà ở bến Bạch Đằng cho một nửa chúng tôi đến ở, nửa còn lại tá túc tại nhà cậu Tư ở Quận 5. Thế là chuỗi ngày “tị nạn cộng sản” của chúng tôi bắt đầu. Ba tôi còn ở lại Nha Trang. Lúc ấy, ông đang làm kế toán trưởng của ngân hàng Việt Nam Thương Tín, không còn dính líu đến quân đội nên có phần ít sợ hơn là các cậu và dượng tôi. Ba tôi bảo má tôi và chị em chúng tôi cứ yên tâm vào Sài Gòn trước với cả nhà, rồi ông sẽ kiếm cách vào sau.

Những ngày cuối cùng của tháng Ba và tháng Tư năm đó qua nhanh, bồng bềnh như trong một giấc mơ lạ đối với tôi, bởi vì quanh tôi không phải là thành phố Nha Trang quen thuộc nơi tôi lớn lên nữa. Mọi sinh hoạt chung chạ với các anh em họ cũng làm đảo lộn nề nếp của cuộc vốn dĩ êm đềm của tôi ở quê nhà. Để thoát khỏi bầu không khí ngộp thở trong căn nhà của cậu Tư đang chứa mấy chục người, tôi thường ra ngoài đi thơ thẩn dọc theo con đường trước nhà cậu, hay chỉ quẹo phải và quẹo trái một lần thôi để khỏi bị lạc. Vốn mê sách vở, trong những ngày tháng sôi động đó, tôi vẫn chưa quên được các tạp chí tuổi nhỏ mà thiếu niên thời ấy ai cũng say mê đọc. Tôi đã tìm mua những ấn bản cuối cùng của các tờ Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi… trong những ngày tháng Tư ấy, như một bám víu tuyệt vọng vào một cuộc sống thanh bình của miền Nam tự do mà về sau không bao giờ còn tìm thấy nữa.

Nếu ở Nha Trang chúng tôi có một ông trung tá đầy quyền uy là dượng Bảy—người đã đưa chúng tôi vào Sài Gòn—thì ở đây chúng tôi lại có cậu Năm, không những từng làm trung tá quận trưởng mà còn dính líu tới CIA nữa. Cậu Năm xin được cho đại gia đình chúng tôi, lúc đó đã lên đến năm mươi mấy người (kể cả gia đình hai cậu ở Sài Gòn), đầy đủ vé máy bay chính thức để đi Mỹ. Lúc này ba tôi cũng đã vào được Sài Gòn, chỉ vài ngày trước khi Nha Trang thất thủ. Má tôi khóc hết nước mắt khi nghe tin đó. Bà chỉ hoàn hồn lại khi cuối cùng biết được ba tôi đi theo con tàu Việt Nam Thương Tín đến tận Phú Quốc. Từ đó ông lên lại Sài Gòn gặp lại chúng tôi, trong khi con tàu này tiếp tục chuyến hải hành đến đảo Guam!

Các tấm vé máy bay đi Mỹ đã sẵn sàng cho gia đình chúng tôi ra đi vào đầu tháng Năm. Những người lớn rất yên tâm, còn lũ con cháu chúng tôi thì vẫn vô tư. Ba tôi và các cậu rủ nhau vào phi trường Tân Sơn Nhất để xem người ta ra đi như thế nào—để đến lượt nhà mình sẽ biết đường đi nước bước cho rành rẽ—cậu Năm nói như vậy. Chiều chiều, vài đứa chúng tôi ở nhà cậu Tư được cậu Năm chở qua căn nhà ở bến Bạch Đằng chơi cho đỡ cuồng tay cuồng chân. Lúc này, rất nhiều người đã bắt đầu được đi tàu chuyển ra Đệ Thất Hạm Đội của người Mỹ đang túc trực ngoài khơi. Lũ nhỏ chúng tôi hiếu kỳ nhìn hai ba con tàu chất đầy người, bao quanh là lưới sắt, trông như những cái chuồng khổng lồ, từ từ đi trên con sông Bạch Đằng, hướng ra cửa biển. Nhiều người trên tàu vẫy tay chào tạm biệt bất cứ ai trên bờ đang nhìn thấy họ. Chúng tôi cũng vẫy tay chào đáp lại, không ngờ đó là những cái chào vĩnh biệt quê hương của những người trên tàu.

Cậu Năm cũng đứng nhìn cảnh tượng đó, ra vẻ trầm ngâm. Cậu ngoảnh nhìn chúng tôi và bảo:

“Đi tàu như vầy ngó cực quá. Nhà mình sẽ được đi máy bay, sướng hơn nhiều!”

Lúc bấy giờ chỉ còn có non mươi ngày nữa là hết tháng Tư. Tình hình chiến sự càng ngày càng căng thẳng. Theo truyền thông, quân đội cộng sản càng ngày càng tiến gần vào miền Nam. Khi Xuân Lộc thất thủ, bầu không khí ở Sài Gòn dường như ngột ngạt hơn. Những người lớn trong nhà chúng tôi đang trú ngụ tại căn nhà ở bến Bạch Đằng được lệnh phải rời nơi ấy để nhà chức trách phong toả lại, không cho ai ra vào nữa. Thế là căn nhà hai tầng của cậu Tư phải chứa đến cả gần bốn, năm chục người, kể cả gia đình riêng của cậu Tư đã đến chục người. Hồi tưởng lại, tôi không thể nào hình dung ra ngần ấy người phải sống chen chúc nhau, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt như thế nào trong căn nhà chỉ có một phòng vệ sinh ấy. Cậu Tư tôi vừa qua đời năm ngoái, còn mợ Tư cũng đang đau yếu vì tuổi già, sống cùng thành phố với tôi ở Mỹ, thường xuyên đau yếu. Nhân đây, tôi xin kính gởi đến gia đình cậu mợ lời cám ơn chân thành đã cho đại gia đình chúng tôi tá túc trong những ngày tháng gian nan đó. Tôi cũng xin cám ơn tất cả các cậu, các dượng đã hết lòng lo lắng cho tất cả chúng tôi, ông ngoại, bà ngoại, các dì, các mợ và lũ cháu trong thời gian đó.

Buổi chiều ngày 30 tháng Tư, tình hình đã căng thẳng lắm rồi. Cậu Tư và cậu Năm cho chúng tôi biết là nhiều gia đình các cậu quen biết ở Sài Gòn đã rời Việt Nam, hoặc bằng máy bay, hoặc bằng tàu thuyền. Các tấm vé máy bay do toà đại sứ Mỹ cấp cho gia đình tôi là vào tháng Năm, coi bộ không có gì bảo đảm nữa. Ba tôi cùng các cậu, các dượng ngồi bàn tán hồi lâu rồi cuối cùng quyết định sẽ đưa cả nhà ra chỗ toà đại sứ Mỹ xem có cơ hội nào không. Thế cả cả mấy chục người chúng tôi, mỗi người chỉ được xách một cái xách nhỏ tối đa, chồng chất lên nhau trên một chiếc xe van và hai chiếc xe du lịch, rời khu xóm nhà cậu Tư trước những cặp mắt tò mò và soi mói của những người hàng xóm.

Ba chiếc xe nối đuôi nhau chạy qua những đường phố khá vắng vẻ. Nhiều chiếc xe khác hay những người bộ hành trên lề đường đều có vẻ hối hả lẫn hoang mang. Tôi còn nhớ quang cảnh phố phường Sài Gòn hôm đó không khác gì một cảnh trong những cuốn phim chiến tranh mà tôi đã từng xem. Gần đến toà đại sứ, chúng tôi đã thấy một rừng người hỗn loạn tranh nhau, dẫm đạp lên nhau, cố vượt qua bức tường của toà nhà đã đóng kín cánh cổng chính. Thật là một cảnh tượng kinh hoàng, chẳng khác gì những con kiến đang bám đen nghịt trên một cái bánh dựng đứng. Một chiếc trực thăng từ từ cất cánh, rời sân thượng của toà đại sứ, chất đầy người trên đó. Những người lớn trong xe tôi nhìn nhau, tuyệt vọng. Chiếc xe đầu tiên trong ba chiếc của chúng tôi chạy qua khỏi toà đại sứ, và hai chiếc còn lại cũng buồn bã đi theo sau, cả ba cùng quay trở lại những con đường cũ để về nhà cậu Tư.

Hai trong ba chiếc xe phải đậu ở ngoài đường, vì nhà chỉ có một chỗ đậu cho chiếc xe thứ ba. Khi cả nhà chúng tôi tiu nghỉu dắt díu nhau đi bộ vào nhà, tay xách hành lý, ngang qua những người hàng xóm khi nãy đã thấy chúng tôi ra đi. Nhiều tiếng xầm xì lẫn tiếng cười chế nhạo vang lên, cả một giọng ai đó nghe rõ mồn một:

“Ủa, không đi Mỹ nữa sao mà về vậy ta?!!!”

Đến lúc đó, nhà cậu Tư đã hết chứa nổi tất cả mọi người , vì có thêm chín người của nhà cậu Năm nữa. Cậu Năm chưa dám về lại nhà nên mọi người trong nhà cậu ở luôn tại nhà cậu Tư. Sau bữa cơm chiều vừa hỗn loạn, vừa buồn rầu của cả nhà, cậu Tư qua căn nhà hàng xóm đối diện, xin họ cho một số trong chúng tôi qua ngủ nhờ đêm đó trong garage của họ. Những người hàng xóm tốt bụng này bằng lòng. Thế là một lũ chúng tôi, lớn có nhỏ có, ôm mền gối qua garage để ngủ đêm cuối cùng của chế độ cộng hoà.

Đó là lần thứ nhì, và cũng là lần chót, tôi nghe và cảm nhận được cuộc chiến Việt Nam. Lũ chúng tôi nằm san sát nhau trên nền nhà xe của người hàng xóm, như những con cá mòi ngơ ngác trong một cái hộp tối đen, vì chủ nhà không cho bật đèn. Trời càng về khuya, tiếng súng lác đác đâu đó bên ngoài càng trở nên rõ ràng. Đến khoảng nửa đêm, chúng tôi bỗng nghe đồng loạt tiếng trực thăng vần vũ trên bầu trời bên ngoài. Dư âm của những tiếng máy bay đó, cách đây đã bốn mươi mấy năm trời, tôi vẫn không thể nào quên được. Lũ chúng tôi cùng nằm thin thít trong bóng tối, không ai nói với ai tiếng nào. Giấc ngủ không thể nào đến trong một đêm kinh hoàng như thế. Trong trí tưởng tượng của tôi, của thằng bé  vừa chớm lớn, tôi hình dung ra một cuộc trốn chạy trên không của những người Sài Gòn. Còn dưới đất, tôi cũng mường tượng ra hình ảnh những người dân thành phố, của chế độ miền Nam, đang tìm mọi cách để trốn thoát đội quân cộng sản đang tiến vào thành phố. Trong những khoảnh khắc giao thời đó, tự dưng tôi thấy rõ ràng đây là một trò chơi của người lớn, một bên thua cuộc bỏ chạy, nhường chỗ cho bên kia là kẻ thắng cuộc. Người lớn bày ra một cuộc chơi vô cùng khó hiểu, lũ nhỏ chúng tôi không thể nào thấm thía được ý nghĩa của nó. Chẳng biết các anh chị em đang nằm cạnh tôi trong đêm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà lúc đó đang suy nghĩ ra sao. Về phần tôi, mấy mươi năm sau hồi tưởng lại, tôi thấy rằng trong cái đêm dài tưởng chừng như vô tận đó, tôi đã ngậm ngùi chia tay với ấu thời yêu dấu.

Trần C. Trí

 https://gocsanchoihd.blogspot.com/2022/05/em-gia-tu-tuoi-nho-tran-c-tri.html#more

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.