Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 22 March 2022

Mother's Day: Mẹ Hiền Yêu Dấu & Tình Thương Của Mẹ

Mẹ già như chuối ba hương

như xôi nếp một như đường mía lau

"Mẹ" là tiếng gọi thương yêu, "Mẹ" ban cho con cái tình thương vô bờ bến trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là "Mẹ" đương đầu với những thử thách khó khăn, những cơn nguy khốn, những nhọc nhằn đầy lo âu và "Mẹ" luôn nhấp nhận những vô lý nhất của cuộc sống. Nhưng trái tim của "Mẹ" vẫn là sự thủy chung với cha và sự lan tỏa hơi ấm cho đàn con thơ dại. Tôi đọc chuyện "Mẹ Tôi" của tác giả Chinh Nguyễn trong say sưa, trong nỗi đoạn trường của nước mắt sầu vơi. "Mẹ" của tác giả là một phụ nữ miền Bắc sống trong vùng nông thôn, mà khi nông thôn hiền hòa, chất phác ấy bị đe dọa bởi bom đạn chiến tranh giữa giặc Tây thực dân và phe Việt Cộng tàn ác (núp bóng dưới danh nghĩa Việt Minh) xâu xé và tranh giành quyền kiểm soát người dân và lãnh thổ. Sự tàn ác khi giặc Tây bắn giết bừa bãi, hãm hiếp gái tơ, bọn Việt Cộng cưỡng ép dì Chúc làm bé, chúng chặt đầu những ai không tuân lời chúng, sự khủng bố đe dọa người dân thấp cổ bé miệng, bao nhiêu chuyện thê lương, bạn tác giả là một đứa trẻ thơ ngồi khóc bên xác mẹ vì bị trúng bom giết chết. Nỗi nghiệt ngã trong gia tộc là người chú ruột của tác giả theo CS, cha tác giả theo QG, nhiều lúc anh em tranh cãi như muốn tàn sát nhau, ông bà nội tác giả là chứng nhân của sự thực khổ sở. Cả chú và cha ra đi biền biệt theo kháng chiến.

"Mẹ" lo cho 3 con thơ dại những ngày tấm bé, khi chiến tranh tàn phá nông thôn "Mẹ" đành dắt díu con thơ về thành làm nghề phụ thợ hồ khuân vác xi măng làm kế sinh nhai. Vì quá cực nhọc nên "Mẹ" đau nặng, những đứa con thơ dại chạy đó đây lạy lục xin thuốc men cứu "Mẹ". Tôi chợt ngó tủ thuốc nhà tôi trong thoáng buồn trong ý nghĩ. "Mẹ" bị cảm, nhưng vì lao lực quá sức làm "Mẹ" kiệt sức. Tôi biết tác giả viết lại hoài niệm về "Mẹ" trong ngậm ngùi, xót xa, hãy đọc tiếp:

"Đêm lạnh mẹ ôm lấy anh em tôi trong nước mắt yêu thương che chở và nỗi buồn riêng thở dài thâu canh, sáng mẹ đã đi thật sớm trong khi anh em chúng tôi còn đang co quắp ngủ trên chiếu lạnh, chiều muộn mẹ về với quần áo đầy hồ xi măng và chân tay mẹ xước da chảy máu. Sau này hỏi ra tôi mới biết rằng mẹ tôi đã làm phu hồ, một công việc nặng nhọc của đàn ông nhưng mẹ tôi cố xin cho được công việc này hầu có chút tiền đem về nuôi anh em tôi."

Tâm sự của trẻ thơ trong gia đình nghèo khổ khi miếng ăn không đủ thì làm sao dám mơ ước đến trường, "Mẹ" đau lòng lắm chứ, "Mẹ" đã khóc vì bất lực trong tình huống khó khăn. Vì nhà nghèo, có những hôm tác giả phải ăn cắp rau muống từ bờ ao của chùa gần nhà cho bữa cơm ngon miệng. Tôi quý tất cả những đoạn văn mà tôi trích dẫn, vì chính nó cho thấy tâm tư, sự can đảm và lòng thành thực của tác giả khi nhắc về cái dĩ vãng đầy nghiệt ngã, thương đau, cái thuở hàn vi non tuổi đời của mình. Vì chính sự thực có những giá trị riêng của nó:

"Vì mẹ nghèo nên tôi và hai em đã không còn được đi học như khi còn ở trong làng quê. Mỗi lần mẹ nhìn đám trẻ cắp sách đi học là mẹ lại nhìn chúng tôi với hai dòng lệ chảy trên gò má khô cằn vì đói khổ và nắng mưa đơn độc một mình làm nuôi ấp ủ ba con trong cảnh Hà-Nội xô bồ kiếm sống.

Mẹ tôi dạy tôi nấu cơm cho hai em ăn và dặn tôi phải bảo vệ thương em. Tuy nhiên tôi chỉ nấu cơm còn thức ăn là vại cà muối mặn và hũ mắm tôm mà mẹ đã làm sẵn cho ba anh em ăn cả năm. Đôi khi em tôi đòi ăn rau muống và chỉ xuống ao của chùa, tôi đành nhìn quanh để phòng ngừa có ai đang đi tới, và bảo hai em chạy về nhà nấp trong lều. Trong khi hai em tôi kéo tay nhau vội vã chạy về nhà, tôi nhẩy xuống bờ ao hái vội vàng một ôm rau rồi leo lên bờ chạy thục mạng. Đôi khi tôi theo ông đánh lưới ven sông Hồng xin vài con cá long tong dính lưới đem về nhà kho mắm tôm mẹ làm sẵn, những bữa ăn có rau cá như thế đã làm anh em tôi vui và ăn cơm thật ngon miệng."

Để đỡ bớt vất vã của nghề phu khuân vác cho thợ hồ, "Mẹ" học được nghề làm bánh cam. Chính những chiếc bánh cam "Mẹ" làm đã nuôi con từ Hà Nội vào Nam. Tôi thật sự trân quý hết tất cả các bà mẹ buôn thúng bán bưng trên khắp nẽo đường đất nước, tôi chứng kiến nhiều bà mẹ Bắc 54 đã đến bán trong khu cư xá nơi tôi ở, họ giới thiệu tôi những món ăn ngon do họ làm, nào là những bà mẹ bán bún riêu, bán bánh ướt chả lụa, bán xôi cúc, xôi gấc và xôi bắp, bán bánh gai, xu xê, bánh cam,... Món bánh cam là loại bánh mà tôi mê từ thuở tấm bé. Trên đôi vai gầy guộc của những bà mẹ hiền đã gồng gánh các thứ lỉnh kỉnh của gánh hàng rong đó là tương lai của đàn con bước vào trường, rồi bước vào đời cùng xây dựng miền Nam, trong số đó có tác giả bạn tôi, Chính Nguyễn, một sĩ quan Không Lực VNCH.

Nay "Mẹ" quá lớn tuổi rồi, "Mẹ" không còn thấy rõ nữa, khi thanh xuân tuổi trẻ "Mẹ" sống tại miền bắc trông tin chồng mà có những chiều tác giả kể lại nước mắt "Mẹ" buồn rơi khi nhớ chồng. Rồi khi tác giả đi "học tập cải tạo" thì "Mẹ" lại trông đứng trông ngồi. Khi tác giả vượt thoát ra xứ ngoài, dù "Mẹ" biết con mình bình yên, nhưng tình "Mẹ" thương nhớ con để nước mắt mẹ già lại tiếp tục rơi từ bên kia Thái Bình Dương.

"Mẹ tôi bây giờ đã chín mươi với những nếp nhăn nhọc nhằn hằn trên gương mặt già nua cằn cỗi theo tháng năm, và mắt đã kém luôn mờ lệ nhắc tên từng đứa con và ước ao trở lại quê nội ngoạị khi nằm xuống. Tay mẹ tôi đã run không cầm được đũa để ăn, đôi chân đã yếu chậm chạp bước đi trong patio, nhưng mẹ vẫn không yên được nỗi lo cho mấy đứa con còn lại bên kia biển Đông...

Lòng mẹ tôi đã chia hai trong nỗi sầu xa xứ, thương con mỏi mòn trên nước ngoài, xót đoạn trường cho những đứa con còn lại quê nhà:

Bao giờ con khóc ôm chân mẹ,

Là lúc mẹ hiền khuất chia ly

Luôn mãi đời con sầu đất lạ,

Đâu còn ai nữa dẫn con đi…!

Những năm tháng dài trong cuộc đời, tôi cũng chưa làm được gì cho chính tôi…! Mẹ tôi cũng đã có những bước đi run rẩy, lúc nhớ lúc không, lúc nói thật nhiều, lúc ngồi yên như tĩnh tâm và nhìn đời bằng đôi mắt lạc thần cằn cỗi…!

Đời mẹ đã bao lần đi tỵ nạn Cộng Sản, chiến tranh…!

Mẹ tôi đã không có mùa xuân…!

Mẹ, Mẹ đời con nghèo thân vất vưởng

Nợ quê hương gánh mãi tuổi xế chiều

Ba mươi năm lẻ vẫn mang hận lụy

Đời bèo trôi sông lạ tủi nhục nhiều

Mẹ, Mẹ ba mươi tháng tư rồi đấy

Thân mẹ gầy cúi mãi mỏi lưng còng

Con lưu lạc tìm đường về cố quốc

Mẹ đừng buồn, cùng đừng đứng chờ mong

Mẹ, Mẹ con quì đây, đầu vái lạy

Quay hướng nhìn con dõi mắt hướng đông

Khóc thương mẹ, tủi quê nghèo vận nước

Ước một ngày đường hoa chợt đơm bông...

Mẹ đó, con đây… Cánh tay nào vươn ra cho con nắm được tay Mẹ, trong khi lòng Mẹ, lòng con như biển động sóng gào, và nước mắt Mẹ, nước mắt con đã làm cho biển mặn thêm…!

Mẹ ơi…! có mùa Xuân nào sẽ đến để cho con vui hát bên Mẹ những bài ca đồng dao quê nội xứ Bắc. Có mùa Xuân nào sẽ tới cho con được ôm chân Mẹ, để con được Mẹ dỗ dành bằng tiếng hò yêu dấu ngàn đời trên sông Hương, vang vọng núi Ngự. Có mùa Xuân nào thanh bình để con về tắm giữa dòng Cửu Long, hầu rửa sạch những đớn đau chua xót hận thù một kiếp…!

Mẹ…! Lưng Mẹ còng, còm cõi nhưng vẫn dựa vào cha hùng tráng bên dãy Trường Sơn, mặt Mẹ vẫn trông ra biển Đông và tóc Mẹ vẫn rũ xuống trải dài trên biển vắng về khuya để khóc đợi con về…

Mẹ… Mẹ ơi…! Chúng con vẫn gọi Mẹ… Mẹ Việt Nam ơi… muôn đời và muôn kiếp không thôi…!"

Tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm "Mẹ Tôi" của tác giả Chinh Nguyễn, bằng văn phong của nhân chứng sống qua những năm tháng chiến tranh của hai cuộc chiến chống Pháp và Quốc Cộng, và qua tâm sự đời anh gói ghém nhiều chi tiết sống động lồng trong sự trải dài lịch sử khổ đau của dân tộc. Sách cho thấy bối cảnh người dân quê quá nhọc nhằn, quá tội nghiệp, và quá thương tâm khi tranh tối tranh sáng giữa hai lằn đạn, mà những thế hệ con cháu chúng ta tại hải ngoại này có thể xem đây là chuyện hoang tưởng. Ngoài chuyện "Mẹ Tôi" được dùng làm đề tựa ra còn có (9) tác phẩm khác nữa như: Trở Giấc, Nỗi Buồn Mang Theo, Nỗi Băn Khoăn, Mùa Xuân Trong Lòng, Những Mùa Noel Cũ, Bạn Tôi, Anh Em Tôi, Bay Vào Lòng Mẹ, và Niềm Riêng. Tôi thấy rằng mỗi bài có những nét hay riêng, mỗi bài làm lòng tôi bâng khuâng, chùng xuống trong ý nghĩ man mác như khi đến đoạn cuối của bài "Nỗi Băn Khoăn", tác giả kể về dì Chúc, tức người em ruột của "Mẹ". Khi "Mẹ" đau dì bán chiếc khuyên vàng lo thuốc thang cho "Mẹ", vào những ngày hàn vi trước 54, như chi tiết trong bài "Mẹ Tôi" kể lại. Tôi muốn để chữ Mẹ trong ngoặc kép như tên gọi, cùng ám chỉ một danh từ riêng thân thương. Trong ý tưởng chung hay riêng thì lòng Mẹ bao la, tình Mẹ bao giờ cũng chứa chan nhân ái; Với tôi, tôi thích đọc tất cả những bài văn tri ân đấng sinh thành. Hôm anh email tôi bản thảo để đọc. Bài viết đầu tiên thu hút những ấn tượng đáng nhớ lắm về "Mẹ Tôi", đã khiến tôi vô cùng xúc động với những gì tác giả ghi nhận từ ký ức cũ của mình.

Điểm sau cùng là người bạn đời Mỹ Thanh của tác giả, chị đã chia sẻ tất cả những nỗi khổ đau của đời anh, và chính chị đã khuyến khích anh viết lại và xuất bản sách này. Hôm Tết Nguyên Đán 2006 tôi gặp anh trong buổi tiệc liên hoan của Thời Luận, anh kể tôi chị Mỹ Thanh đôn đốc anh hãy viết lại những tháng ngày hàn vi nơi đất Bắc. Giờ đây anh đã hoàn tất một tuyển tập truyện ngắn dầy khoảng 150 trang như lời cổ động của người hiền thê. Hình bìa sách là bức tranh mẫu rất đẹp mắt, vẽ cò mẹ cùng đàn cò con dại như chuyện gia đình của cụ Tú Xương thuở trước. Riêng với "chị cò" Mỹ Thanh, tôi xin dâng đóa hoa hồng để cám ơn những khuyến khích đáng quý và nó cũng là nổ lực cần thiết của chị để anh hoàn thành văn tập này vậy.

Xin chân thành giới thiệu tác phẩm thứ hai là "Mẹ Tôi" của nhà văn Chinh Nguyễn.

Việt Hải Los Angeles

oOo

Lòng Mẹ Bao La

Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh.Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp,tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết trung học đệ nhất cấp, cậu thi đậu vào trường trung học đệ nhị cấp, một trường xuất sắc của địa phương. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh tai biến mạch máu quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra bây giờ.

- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ, mẹ đã khổ đủ rồi. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nỡ…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng học vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầy Hùng phòng học vụ nhìn chị, nói:

- Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

- Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được.

Thầy Hùng vừa nói vừa lắc đầu.

-Nhận vào.

Thầy nói mà không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 5 đồng, thầy có thể nhận thêm vào cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

- Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

Đầu tháng sau,chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng như ác cảm:

- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế !

Người phụ nữ trông bối rối.

- Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị mở lời lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

~*~

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.

Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại

- Thưa với thầy,gạo này là do tôi... Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm... Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế.Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng, ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn mình biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ:

- Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận gạo. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường cho qui chế được học bổng giúp đỡ học sinh nghèo vượt hoàn cảnh khó khăn.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đầy đủ như các bạn nhưng tôi sẽ cố lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một mối ơn lớn, đưa tay quệt nước mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối bậc trung học đệ nhị cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của thủ đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc, không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.

Cả trường lặng đi vì xúc động.Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng trưởng phòng học vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, Tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc.Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại.Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

- Chúng tôi biết, khi kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng,tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và tràn đầy xúc động.Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, dáng gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời ca ngợi tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.

Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà lệ tràn bở mi, trong giọng nức nở:

- Mẹ ơi ! Mẹ bao la của con…

Linh Đan

(dịch từ truyện ngắn xứ ngoài)

Việt Hải Los Angeles

Vu Lan 2011

*************************************************************

Nhân dịp ngày Vu Lan sắp đến lại một dịp để chúng ta, những nhân tố trong vũ trụ này bày tỏ lòng tri ân những hiền mẫu hay những không gian chung của văn hóa Việt Nam nói lời vinh danh vai trò của người mẹ. Hằng năm người Huê Kỳ có ngày Mother's Day, thì Việt Nam có Ngày Vu Lan. Trong phạm vi văn chương tôi vô cùng thích đọc hoặc viết về bài vở có chủ đề mẹ cha. Xem lại thư khố (archive) của mình, tôi súc động khi viết về người mẹ đất Bắc của nhà văn Chinh Nguyên, tôi đọc tác phẩm của anh mà tâm tư dâng lên nỗi nghẹn ngào:

http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=20493

Tôi viết về bà mẹ Trung của nhà văn Trần Trung Đạo, tôi thích nhiều chuyện mà Đạo viết, nhất là ý tưởng mẹ là một kỳ quan trong cuộc sống để cho Đạo "Đổi Cả Thiên Thu Lấy Tiếng Mẹ Cười":

http://www.ninh-hoa.com/VietHai-MotherDayNhoMe.htm

Rồi trong bài văn khác, tôi được dịp viết về bà mẹ miền Nam khi nhà văn Nhất Phương, dù thương mẹ vô bờ bến, nhưng cái quyết định đưa mẹ về Việt Nam là một quyết định khó khăn đối với chị, ý nguyện của mẹ già được gởi gấm nắm xương tàn nơi cố hương, và sự do dự, phân vân giữa ý muốn của mẫu thân và sự việc không nhìn nhận cái thể chế chính trị nơi cố hương đã đi ngược lại lòng dân khiến cho người cầm bút như chị khó xử. Tôi hiểu tâm tình của nhà văn Nhất Phương, trong tác phẩm "Cỡi Sóng", chị dành nhiều trang để trang trọng tâm tình về mẹ mình:

http://www.ninh-hoa.com/VietHai-TienMe.htm

Trong tủ sách của tôi có quyển sách khác nữa, cũng ghi nhận về mẹ. Đúng vậy, nhà thơ Nguyễn Hữu Lý đã bỏ công sưu tập một tác phẩm gồm nhiều bài thơ vinh danh bóng dáng người mẹ hiền, tuyển tập mang tên "Tình Mẹ Trong Thơ Văn Việt Nam", sách song ngữ, dầy trên 200 trang. Trong trang 104 là thơ Mẹ của thi sĩ Vũ Hối:

"Tha Hương nhìn nắng phù du

À ơ! đứt ruột lời ru mẹ hiền

Chiều chiều nắng đổ nghiêng nghiêng

Bóng em ngã hướng về miền trời quê"

Còn ở trang 47 là bài Nhớ Mẹ của thi họa sĩ Hồ Thành Đức như sau:

"Con ở Hoa Kỳ, mẹ ở Việt Nam

Một vạn đêm thâu, mấy vạn nỗi sầu

Cánh chim bạt gió theo mùa đông rét

Thương nhớ mẹ hiền từng phút từng giây..."

Sau đây tôi xin giới thiệu hai bài viết về mẹ Việt, một bà mẹ Việt ở tại cố hương và một bà mẹ Việt sinh sống ở Huê Kỳ, người viết là hai nữ tác giả Trúc Hạ và Từ Uyên. Với văn hóa Việt Nam ta vẫn thường ví von là "Nước mắt chảy xuôi", trong tâm tình như vậy hai hai nữ tác giả này đưa ngòi bút trải rộng đề tài như lòng mẹ thương con vẫn là những ý tưởng biển rộng sông dài. Xin mời theo dõi các bài viết:

Nước Mắt Chảy Xuôi

Tôi trở về nhà với mẹ. Đây là nơi để tôi ẩn nấp mỗi khi buồn phiền, thất vọng, chán chường… Mẹ tôi đã già, sống một mình trong ngôi từ đường thênh thang vắng lạnh. Và bao giờ cũng vậy, mẹ đón tôi với vẻ mặt bình thản lạ lùng:

- Tắm rửa rồi nghỉ đi con!

Chỉ có vậy, mẹ không tỏ vẻ mừng rỡ và cũng không hỏi lý do vì sao tôi về, dù đã thấy mắt tôi sưng húp lên vì khóc nhiều. Đó cũng là điều tôi mong muốn, thật sự tôi cũng không muốn kể lể và cũng không muốn mẹ nhìn thấy tôi khóc. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật dài.

Thức dậy khi trời đã nhá nhem tối, nghe tiếng mưa rơi đều đặn trên mái ngói, trên lá cây trong vườn một dòng âm thanh đơn điệu, tẻ nhạt. Mẹ lặng lẽ ngồi ở cuối giường nhìn tôi, chẳng biết mẹ đã ngồi đấy tự bao giờ:

- Dậy ăn cơm đi con! Có bông bí luộc với cá rô chấm nước mắm gừng con thích đó.

Tôi uể oải ngồi dậy và xích lại gần mẹ:

- Chưa bao giờ con ngủ ngon như vậy.

Mẹ cười thật hiền. Tôi nhớ ngày trước, mỗi khi mẹ cười, hai lúm đồng tiền in sâu trên má thật duyên. Tôi vẫn thường vòi vĩnh “Sao mẹ không cho bớt con một đồng tiền”, mẹ nói: “Thì mẹ cho hết các con chứ mẹ giữ lại làm gì”. Và bây giờ, hai lúm đồng tiền đó đã đi về đâu, để lại trên má mẹ tôi những dấu chấm phẩy thật buồn.

- Mệt mỏi quá hở con?

Bỗng dưng nước mắt tôi vỡ òa, tôi không nén được nữa rồi, tôi phải khóc, tôi thèm được khóc với mẹ, nước mắt sẽ cuốn trôi muộn phiền, uất ức… Những vất vả, lo toan đời thường, những giờ lên lớp căng thẳng với hồ sơ, giáo án, học trò nghịch ngợm, về nhà với việc cơm nước, quần quật suốt ngày… Rồi những thất bại trong công việc làm ăn… Chồng tôi hiền lành, ít nói nhưng chẳng bao giờ chia sẻ với tôi những buồn vui của anh và cũng chẳng bao giờ lắng nghe những ưu phiền của tôi. Cứ thế mỗi ngày một ít, tôi gắng gượng vượt qua, cho đến ngày tôi kiệt sức, lúc nào cũng thèm ngủ, lúc nào cũng thấy mình nhuốm bệnh, muốn thở than… Lời nói thật vô tình của con gái tôi “Sao lúc nào cũng thấy mẹ than ngắn thở dài, mỗi ngày mẹ đau một bệnh” cũng là giọt nước tràn ly… Thế là tôi bỏ tất cả, về với mẹ.

Tiếng mẹ tôi thật nhẹ trong bóng đêm:

- Con cứ khóc đi cho nhẹ lòng. Những gì con đang phải chịu thì ngày xưa mẹ đã trải qua. Có những lúc quá sức chịu đựng mẹ muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi thương các con nheo nhóc, mẹ lại tiếp tục đứng dậy đi tiếp. Nước mắt chảy xuôi con à... Chẳng lẽ mẹ mong con giận chồng con để về với mẹ, chớ ở một mình thế này mẹ thấy trống trải lắm! Có lúc nghĩ thật buồn cười, ước các con nhỏ lại để quanh quẩn bên mẹ như ngày xưa…

Nước mắt trong tôi đã khô đi tự bao giờ. Ôi mẹ tôi! Sao tôi chẳng bao giờ nghĩ đến nỗi buồn phiền, cô đơn của mẹ? Tôi chỉ nghĩ đến mình. Tôi đem nỗi buồn về để trút lên mẹ cho nhẹ lòng. Tôi cầm bàn tay của mẹ, bàn tay búp măng xinh đẹp của cô gái hát hay múa dẻo nổi tiếng ở làng Thanh Thủy ngày xưa mà ba tôi - chàng trai học giỏi, tài hoa, con cưng của ông thầy đồ đem lòng si mê. Tám anh em tôi đều có bàn tay giống mẹ, chúng tôi hay đùa: “Chỉ cần nhìn bàn tay là biết con mẹ”. Vậy mà giờ đây bàn tay mẹ chai sần, thô ráp. Chúng tôi chỉ về nhà vào dịp lễ tết, giỗ chạp cho phải đạo chứ có đứa nào chịu về với mẹ trong đêm mưa lạnh giá thế này đâu. Mẹ lại giục:

- Ăn cơm đi con, chắc con đói lắm rồi phải không?

Tôi lò dò đi theo mẹ. Điện cúp, mẹ thắp một ngọn đèn hột vịt mờ mờ. Tôi bật cười:

- Mẹ ơi! Sao con có cảm giác giống như ngày xưa quá, phải chi có ba và các anh mẹ nhỉ?

- Ừ.

Mẹ xới cơm từ trong cái nồi đồng của nội ngày xưa, tất cả những vật gì của nội để lại mẹ đều giữ khư khư. Anh tôi cứ đùa là mẹ thích sưu tầm đồ cổ nhưng tôi hiểu, mẹ rất thương và quý nội. Những câu chuyện của mẹ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mà các anh tôi không đủ kiên trì để nghe vì “Phim này mẹ chiếu nhiều lần quá”. Mẹ về làm dâu khi mới 17 tuổi; ông bà ngoại nghèo, thấy con mình được nương tựa vào gia đình khá giả cũng mừng nhưng bà con bên chồng cứ tiếng ra tiếng vào dè bỉu. May mắn cho mẹ là bà nội rất hiền hậu, nhân từ. Nội bày dạy, che chở cho mẹ như con gái của mình. Tôi còn nhớ ngày tôi đi lấy chồng mẹ rưng rưng nước mắt: “Con gái dòng họ Trần ai cũng khổ, nhưng mẹ tin là con sẽ hạnh phúc vì bà nội con ăn ở có đức, cháu gái được hưởng phúc bà nội”. Tôi có hạnh phúc hay không? Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi suốt cả thời con gái cho đến khi làm vợ, làm mẹ…

Mẹ gắp thức ăn bỏ vào chén giục tôi ăn, bông bí ngọt bùi, cá rô béo ngậy, thơm lừng, cơm của mẹ sao mà ngon đến vậy!

- Mẹ ơi con về ở luôn với mẹ, mẹ nghe?

Mẹ cười:

- Được ba bảy hăm mốt ngày rồi lại nhớ chồng nhớ con bỏ mẹ chạy đi thôi. Làm thân đàn bà là vậy đó con, phải biết chịu thương chịu khó thì mới giữ ấm cho gia đình của mình được. Thôi ăn xong con nghỉ đi, mẹ nấu cho con nồi bồ kết lá bưởi để sáng mai con gội đầu.

- Bồ kết lá bưởi hở mẹ? Tuyệt quá! Ngày xưa mẹ cho con gội đầu với bồ kết nên tóc con mướt ghê, bây giờ toàn gội với đủ thứ dầu gội nên tóc khô queo.

Mẹ cười:

- Chứ mẹ có gội đầu bằng dầu gội đâu mà tóc cũng khô?

- Chịu mẹ. Mẹ bao giờ cũng đúng, không lý sự nổi với mẹ đâu. Thôi con ngủ nhiều rồi, ngồi chơi rồi cùng đi ngủ với mẹ.

Mẹ lắc đầu:

- Mẹ đau nhức trằn trọc cả đêm, con không ngủ được đâu. Con cứ ngủ trên giường, mẹ nằm trên phản được rồi.

Tôi sửng sốt, mẹ tôi đã có thói quen thức với bệnh tật tự bao giờ, sao bây giờ tôi mới biết?

- Mẹ… mẹ cứ đau cả đêm vậy sao?

- Thì… cũng có khi chuyển trời vậy mà. Ối chà! Bệnh già mà con!

Tôi xót xa ôm cái lưng gầy của mẹ chập chờn trong giấc ngủ. Tôi mơ giấc mơ về thời thơ ấu… Mẹ tôi ngồi bên bếp làm rim dừa, má mẹ đỏ hồng, tóc mẹ đen mướt, mẹ cười má lúm đồng tiền duyên dáng. Tám anh em tôi ngồi quanh mẹ để chờ xin vét những hạt đường cháy dưới đáy chảo. Ngoài vườn bầy chim sẻ trở về trong nắng ấm ríu rít trên vòm hoa bưởi trắng tinh khôi. Và tôi thức dậy cùng với tiếng chim chào đón bình minh. Mẹ đã dậy và đi đâu mất. Tôi bước ra vườn tìm mẹ. Đêm qua mưa nên sáng nay vườn cây xanh mướt, lóng lánh trong nắng mai. Mẹ tôi đang lúi cúi bên luống rau:

- Mẹ ăn có bao nhiêu đâu mà làm cho vất vả hở mẹ?

- Thì mẹ cũng làm cho vui, có cái rau trong vườn cũng tiện, lâu lâu có đứa nào về có làm quà cho con cháu cũng vui con à. Rau vườn ăn bao giờ cũng yên tâm hơn, rau ngoài chợ người ta phun thuốc trừ sâu độc lắm.

- Mẹ cắt làm gì nhiều vậy?

- Thì con đem về để dành ăn!

Tôi bật cười:

- Vậy là mẹ đuổi con rồi phải không?

- Thôi đi về cơm nước cho cha con nó, để cha con nó ăn cơm bờ cơm bụi mẹ không yên lòng. Hơn nữa con phải về để ngày mai còn lên lớp nữa chứ, bỏ học trò cũng tội lắm con à.

- Con biết rồi, mẹ cho con ăn một bữa cơm trưa có canh cá nấu khế nữa thôi rồi chiều con về được chưa? Đúng ý mẹ rồi phải không?

Mẹ phì cười, lắc đầu:

- Cứ như đứa con nít. Thôi vào nhà nghỉ đi, để mẹ đi chợ mua cho con ít cá đồng, mùa này cá đồng ngon lắm.

Mẹ tất tả đội nón đi, tôi một mình lang thang trong khu vườn yên tịnh. Từng bờ cỏ đất, từng gốc cây, từng ngóc ngách của khu vườn dường như đều in dấu chân của anh em tôi thời thơ dại. Bất giác tôi nhìn thấy chiếc chõng nằm chơ vơ dưới gốc thầu đâu, hoa thầu đâu nở tím ngát một khoảng vườn. Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên. Những ngày xa xưa ấy, tôi vẫn nhớ như in. Khi ban mai vừa ló dạng, nội tôi đã dậy lò mò nấu nước chè xanh với gừng rồi xách ấm nước chè nóng hổi ra ngồi trên chiếc chõng này chờ những người đi làm đồng sớm ngang qua để đon đả mời: “Uống chén chè cho ấm bụng rồi hãy đi làm”. Chờ cho họ uống xong, nội tôi nói tiếp: “Mai mốt tau chết nhớ khiêng tau một vai nghe”. Ai cũng phì cười, họ đùa lại với nội: “Khi nào bà chết? Bà mà chết cả làng này khiêng bà, bà yên tâm đi”. Chao ơi! Nội tôi đã chuẩn bị cho mình một cái chết thật đẹp. Tôi làm sao mà sống được như nội, như mẹ…

Buổi chiều nhạt nắng, mẹ đưa tôi đi qua con đường làng đầy bóng râm của tre xanh để ra đường cái đón xe về thành phố. Mẹ đẩy tôi lên xe cùng với chiếc làn tre đầy rau vườn với cá đồng, vội vàng như sợ tôi ở lại. “Đi đi con, khi nào mệt mỏi quá thì về với mẹ”. Xe chạy mà tôi cứ ngoái đầu nhìn lại, dáng mẹ gầy gò đứng chơ vơ bên cánh đồng vừa gặt xong. Người ta đang đốt những gốc rạ để chuẩn bị cho mùa gặt sau. Những sợi khói lam chiều bay lên như quấn quýt quanh bóng mẹ. Nước mắt trong tôi lại dâng đầy. Mẹ ơi! Con sẽ để cho nước mắt chảy xuôi như mẹ đã từng dạy con…

Trúc Hạ

oOo

Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược

Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả, thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh. Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp.

Ðã lâu lắm rồi nhỉ, từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học, hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được.

Nhưng khi ấy con còn nhỏ, trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm. Giáo dục học đường ở bên này, mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành.

Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa, con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con. Mà vì bận sinh kế suốt ngày, mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con, mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con. Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường, dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng. Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải.

Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được, bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con.

Buổi tối, con về, mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn.

Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi. Thay vì cám ơn, con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng, “mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con, bài vở của con mẹ để đâu hết rồi, mọi khi con vẫn để ở chân giường mà… Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả. Con tự lo lấy được mà.”

Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó.

Con ơi, con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không. Mẹ ân hận vì đã làm con không vui! Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ. Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình. Mẹ lo lắng vì tính nết hoang toàng của con như thế thì khi lấy chồng, người chồng nào chịu cho nổi… Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay.

Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ. Bây giờ con ra trường, có công ăn việc làm, con đi về thất thường, có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần. Mẹ cũng chẳng dám hỏi con.

Ðến một ngày, hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day, con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ. Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ. Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu. Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm. Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến. Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con.

Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món, con đã thản nhiên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi, ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già, có người trông nom hằng ngày. Mẹ không phải lo gì cả. Ðến bữa có người dọn cho ăn. Ðau ốm có y tá săn sóc. Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ, mẹ nhé.”

Bể hạnh phúc đã vỡ tan. Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm. Nó đó phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó.

Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ, “Nước mắt chảy xuôi, con ạ.”

Từ Uyên

oOo

Trong những câu thơ hay bài viết được trích dẫn như trên, tình thương cho con cái, bóng dáng mẹ hiền bao la như vũ trụ, bài văn của Trúc Hạ phản ảnh cái văn hóa quê hương, bài của Từ Uyên nêu lên cái thực tế đau lòng vì có những mẹ già rất cô đơn nơi xứ người. Những cảm nghĩ kết luận bài viết xin dành cho độc giả, và tôi xin ghi lại đôi dòng của nhà văn Trần Trung Đạo viết về hiền mẫu:

"Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyết đối của tinh thần Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là người mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc."

Việt Hải Los Angeles

Vu Lan 2011

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.