Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Wednesday, 21 April 2021
Home »
Chuyện Đời Lính
» BÁC-SĨ TRONG TÙ!
BÁC-SĨ TRONG TÙ!
Wednesday, April 21, 2021
No comments
Crack!
Tiếng cơ bẩm đẩy viên đạn lên nòng súng nghe gai nhọn và lạnh lùng như tiếng gằn giọng của tử thần! Một luồng cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống, làm toàn thân tôi nổi ốc. Tôi chưa kịp định thần thì một giọng nói chát chúa vang lên:
- Ðứng lại, không tôi bắn!
Tôi vội vàng cố khép hai vạt áo mưa đang phần phật bay trong gió, quay mình lại. Một tên "Cán bộ" sát khí đằng đằng lạnh lùng chĩa mũi súng vào tôi và nhìn tôi không chớp mắt. Tôi vội nói:
- Báo cáo Cán bộ, tôi, Y tế trại, đi cấp cứu.
- Vậy đèn đóm đâu hết?
- Bị gió lùa mới tắt!
Tên Cán bộ nhìn tôi gằn giọng:
- Lần sau đi không có đèn thì tôi bắn! Thôi anh đi đi!
Tôi gật đầu chào nó, vội quay đi mà lòng còn ấm ức.
Tôi đi trong cái lạnh và cô đơn vô cùng của đêm khuya ở trại Z 30D Hàm Tân, khoảng 2, 3 giờ sáng, giữa hai hàng cây so đũa đưa đẩy cùng bóng tối, đang chập chờn uốn éo và cất tiếng hú xào xạc dưới cơn mưa lất phất nghe như tiếng rên xiết thở than của linh hồn những người tù ở trại đã bỏ mình quá nhiều vì bệnh tật, vì lao động khổ sai! Tôi thốt nhiên rùng mình xốc lại túi cứu thương nặng trĩu một bên vai, hai tay khép chặt tà áo mưa cúi mình rảo bước.
Xa xa, lẫn trong tiếng gió, văng vẳng tiếng la lớn của một tù nhân:
- Báo cáo Cán bộ, buồng 9 có người bệnh nặng, xin cấp cứu!
Tiếng kêu được lập đi lập lại nhiều lần, thống thiết, khẩn cầu và khổ sở nhưng chứa chan tình đồng đội. Tôi chạy vội lại hướng đó.
Đêm khuya lắm rồi, trời lạnh thấu xương, cả trại Hàm Tân đang đắm chìm trong giấc ngủ đầy giá buốt và ác mộng, một giấc ngủ dật dờ không đầy giấc để tờ mờ sáng hôm sau, nghe kẻng báo thức, tất cả lại phờ phạc thức dậy, lại đi lao động, lại kéo dài cuộc sống khổ sai!
Đến buồng 9, qua chấn song sắt của khung cửa hẹp, tôi thấy một số anh em còn thức, ngồi quây quần ở bục xi măng cuối phòng. Dưới ánh đèn le lói, khoảng giữa một số mùng đã được cuốn lên nhăn nhúm, có một thân hình bọc kín trong hai ba lớp chăn đang run lên từng chập, cất tiếng rên hừ hừ giữa hai hàm răng đánh lập cập. Mọi người chung quanh đang lo lắng, kẻ thoa dầu, người bắt gió. Trông thấy tôi, ai nấy đều thở phào, nhẹ nhõm:
- Y tế đến rồi, yên tâm đi, có gì thì khai với Bác sĩ.
Tôi vội hỏi người trưởng buồng:
- Ai bệnh vậy, anh Ngọc?
- Anh Loan đó anh.
Mọi người chung quanh vội đẩy anh Loan đến sát bờ cửa sổ vì cửa chính đang bị đóng kín với vòng xích sắt khổng lồ được khóa bằng một khóa Virex to tổ bố. Trong lúc đó, tôi cởi áo mưa, ngồi xổm xuống, mở túi cứu thương, lùa tay qua chấn song, kẹp nhiệt người bệnh, sờ trán thấy nóng như lửa, tốc mền bệnh nhân ấn chẩn, thấy đau vùng gan lách, bắt mạch thấy nhanh, đều, đọc nhiệt kế thấy 40 độ C. Tôi bảo bệnh nhân ngồi dậy để nghe tim, phổi, không có tiếng thổi bệnh lý, tuy nhịp có nhanh hơn vì đang sốt. Bệnh nhân khai sốt về chiều, rét run và đổ mồ hôi, ăn không ngon, miệng đắng, nhức đầu.
Tôi trấn an anh Loan, bảo anh đang lên cơn sốt rét và sau khi ra mồ hôi, thân nhiệt sẽ hạ và khỏe lại, không có gì đáng ngại. Tôi nhờ anh em vén cao tay áo anh Loan, làm garrot và dưới ánh đèn leo lét, tôi vỗ, vuốt, nắn, tìm veine mediane và chích ống Quinoserum vào tĩnh mạch một cách nhẹ nhàng và đầy kinh nghiệm, cái kinh nghiệm đắng cay và đầy linh động tính của một thầy thuốc trong trại tù thường khi phải hành xử những thủ thuật Y khoa trong mọi điều kiện thiếu thốn về vệ sinh, thuốc men, y cụ...
Mỗi lần phải cấp cứu trong đêm khuya, thường phải chẩn bệnh qua song sắt, mà khi chích thuốc, anh em tù nhân thường phải đứng nhón mông lên đúng giữa hai chấn song, và thầy thuốc định vị xong cũng phóng kim nhanh như chớp. Cái khó là chích gân (veine) qua khe cửa vì lấn cấn, tuy nhiên lâu ngày cũng quen dần nên mọi sự vẫn trôi chảy.
Chích thuốc xong, tôi đưa thêm anh Loan vài viên Quinine, Perymethamine và một viên an thần. Dặn anh cách sử dụng xong tôi về Phòng y tế. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ hồ nhớ lại hồi ở trại miền Trung.
***
Hồi ở trại Tiên Lãnh, tù nhân có ba Bác sĩ là các anh Phùng Văn Hạnh, Vương Ngọc Lâm và tôi. Tuy nhiên, trại bảo chúng tôi là thành phần trí thức Tiểu tư sản nguy hiểm nên cả ba anh em chúng tôi không ai được làm Y tế. Tên trại trưởng chỉ định một anh cán sự Y tế (anh Hiển) lên làm Y tế trại để định bệnh và trị bệnh cho hàng ngàn tù nhân. Anh Hiển làm việc rất tận tâm và cũng được anh em thương mến, tuy nhiên vì bệnh nhân quá nhiều và có những trường hợp vượt quá khả năng của một Y tá nên thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Trong khi đó thì những Bác sĩ vẫn phải đi lao động khổ sai!
Anh Phùng Văn Hạnh đi nhổ mạ, tăng gia sản xuất. Anh Vương Ngọc Lâm theo đội 11 lên rừng đốn củi, một công việc rất nặng nhọc và theo chỉ tiêu tăng dần.
Có bữa đi lao động ngoài, gặp Lâm. Nhìn anh trong bộ Treillis tơi tả, lưng đeo túi cải thiện (vỏ đựng mìn Claymore), tay xách lon gô (Guizgo), vai vác cây rựa cùn, mặt mày đen nhẻm, tôi cười bảo: Sao, ngày nay lại lên rừng khám bệnh cho khỉ à? Anh nhìn lại tôi, nói: Anh lại ra ruộng nghiên cứu chất Heparine chống đông máu à? (chất của đỉa tiết ra làm loảng máu để dễ hút). Hai thằng chua chát cười xòa rồi tôi vội đi nhanh cho kịp đội ra ruộng đàn piano - mò cỏ lúa - làm bạn với đỉa, với ếch nhái và rắn nước.
Bầu trời xanh lồng lộng gió nhưng tôi không thấy bầu trời theo hướng bình thường mà chỉ thấy một bầu trời đục nhờ nhợ, nhăn nhó lộn ngược phản chiếu trong mặt nước đục ngầu tanh tưởi dưới chân tôi. Tất cả bọn tù đều chổng mông, đầu cúi xuống, hai tay khuấy, mò, rứt những chòm cỏ mọc gần thân lúa. Thỉnh thoảng chớp được con nhái con ếch thì reo mừng cho vào túi cải thiện. Nếu gặp được bầy dế nhủi thì thật là béo bở. Chúng tôi đàn piano suốt ngày, khi nghe kiểng bãi, mừng rỡ bước lên bờ thì mặt nặng, chân phu, sưng vì dồn máu, lưng chồn gối mỏi, đĩa đeo đầy kẻ móng chân, có vài con lại mò lên hút máu gần chỗ bí hiểm, ngứa ngáy cùng mình, cảm thấy cuộc đời tù tội là cả một chuỗi ngày dài thê thảm và quá ảm đạm!
Một thời gian sau vì tù nhân chết quá nhiều, giao mùa Hè - Thu là thời gian sốt rét hoành hành song song với cường độ lao động căng thẳng thi đua sản xuất để thu hoạch vụ mùa. Tù nhân đi lao động mà như đang đi vào cõi chết, lừ đừ, mệt nhọc, tay chân làm mà tai chỉ lóng nghe tiếng kẻng bãi! Tai nạn lao động xảy ra liên miên: người bị tre đâm, kẻ bị sập nhà, người bị rắn cắn, kẻ bị cây đè, có bữa anh em lại đạp phải mìn bị thương nhiều người nên trại phải điều động Bác sĩ Hạnh lên phụ trách Y tế. Anh nguyên là Thiếu tá BS, trưởng Khoa xương ở bệnh viện Ða Khoa và Giám đốc một Bệnh viện tư ở Đà nẵng. Anh làm việc tận tụy bất kể ngày đêm. Việc anh khoái nhất là nhổ răng cho anh em và các tiểu phẩu; (BS Giải Phẩu, nên thấy máu là nhớ nghề lắm).
Trong thời gian đó anh Lâm bị tai nạn lao động vì khiêng cây quá nặng, vấp té ngồi trên một chồi cây đã vót nhọn làm rách toát hậu môn máu tuông xối xả. Anh em vội cõng về Bệnh xá cấp cứu và chính B.S. Hạnh đã khâu nhiều lớp trong ngoài rất đẹp và rất thành công. Một thời gian sau anh Lâm cũng được điều lên Bệnh xá. Tuy nhiên sau đó ít lâu thì nghe nói hai anh Hạnh và Lâm bị chế tài phải ra lao động lại vì phát biểu linh tinh.
Tôi, sau một thời gian lao động chết bỏ, cũng được điều lên Na Sơn, trại lẻ cách đó mười tám cây số đường núi, làm Y tế. Ở trại này là nơi sơn cùng thủy tận, đầy sương lam chướng khí, đêm đêm trong cái lạnh tê người, nằm nghe tiếng suối chảy róc rách lẫn với tiếng thác dội ì ầm, tiếng chim gõ mõ, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng bóp bóp, bóp thì bóp của đôi chim đỗ quyên suốt đêm cô đơn đi tìm nhau mà hừng sáng là chấm dứt: một chuyện tình, một lời nhắn gọi đầy bi thảm, quyến luyến, thi vị và đầy kịch tính.
Có một lần, trong đêm, cả trại hầu như thức dậy xôn xao, sợ hãi vì một tiếng gầm rung chuyển cả núi rừng. Tiếng của chúa sơn lâm, đang giận dữ tìm mồi lẩn quẩn đâu đây gần doanh trại. Tôi rùng mình mơ màng, không tin rằng mình đang ở hậu bán thế kỷ 20, gần đầu thế kỷ 21, thời gian mà nền khoa học vũ trụ đang phát triển tột đỉnh với những trạm không gian có người ở, với hệ thống vệ tinh và những tàu con thoi tuyệt hảo mà thân phận những tù nhân Việt Nam phải còn ở nơi rừng xanh núi thẳm làm bạn với rắn rít, với hổ dữ, một kiếp sống nô lệ không tương lai, một cuộc sống cô lập với thế giới bên ngoài, hoàn toàn bị bưng bít sau bức màn sắt.
Ở trại tù, tình trạng lao động nặng, lại thêm suy dinh dưỡng của anh em đã đến cực độ, thân mình chỉ còn da bọc xương, hoặc phù thũng vì thiếu ăn, thiếu sinh tố.
Anh em bị bệnh sốt rét rất nhiều (tôi cũng trải qua mấy cơn), kế đến là lao phổi, kiết lỵ, dạ dày, gan, thấp khớp và tim mạch, v.v. và v.v... Thuốc men giới hạn, thiếu ăn, đói khát, nên có lần tôi phải xin Cán bộ chăn nuôi cho một ít cám heo (thường hàm chứa một số Vitamine B1) để phát cho anh em quá suy dinh dưỡng đang bị phù thủng. Nhìn anh em nhận lon cám heo, đôi mắt rực sáng sung sướng tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến cái nhân vị con người ở mức độ không thường dưới chế độ Cộng sản.
Trong trại tù, đau răng là một bệnh hầu như mọi người đều mắc phải. Theo thống kê, đau răng khi lên cơn nhức thường có cường độ cao hơn khi đau đẻ. Khi chịu không nổi, anh em thường nhờ tôi nhổ (cũng nhờ tôi thưòng xem BS. Hạnh nhỗ cho các bạn tù, chính tôi cũng được anh nhỗ cho ba cái răng sâu). Tôi soạn dụng cụ nhổ răng gồm có hai thanh sắt nhỏ dẹp đầu, một cái dùng để nạy (tôi thường gọi là thanh xà beng), một cái sắc cạnh hơn dùng để tách và rọc nếu răng. Ngoài ra còn có một cây kềm mỏ cong như mỏ chim ưng, để nhổ.
Thấy tôi bày đồ ra anh em cứ tưởng tượng là dụng cụ sửa xe đạp thì hết hồn. Nhưng sau khi nấu sôi dụng cụ cùng với bông gòn để sát trùng, chích thuốc tê, tiếp đó bảo bệnh nhân ngồi trên chiếc ghế, dựa lưng sát tường, đầu ngẩng cao, lại nhờ một anh bạn mạnh bạo giữ thật chặc đầu bệnh, không cho lắc! Sau đó tôi dùng thủ thuật róc, tách nướu ra và lấy kềm mỏ cong (nhờ thợ rèn trong trại làm) kẹp chính xác, nhổ răng ra nhẹ nhàng thì anh em như cất được gánh nặng cám ơn rối rít. Có nhiều lúc, vì răng cấm quá chắc nên thầy thuốc, bệnh nhân cùng người kềm giữ đánh vật với nhau gần nữa tiếng mới xong, và cả ba đồng cưòi xoà và thở ra nhẹ nhỏm! Vì vậy, hầu như ngày nào cũng có người đăng ký nhổ răng.
Có những khi trại hết thuốc tê mà anh em đau quá, tôi phải dùng nước cất chích vào nướu răng để bệnh nhân yên trí là có thuốc tê (Phương pháp dùng thuốc tâm lý placebo) và tôi cũng nhổ được răng mà người bệnh quả nhiên không thấy đau bao nhiêu.
Có một thời gian thuốc thông thường, trụ sinh đều thiếu trầm trọng, Cán bộ Y tế chỉ cho được vài chai Xuyên tâm liên và quảng cáo đó là thuốc trị bá bệnh của nhà nước ta, vì vậy, đau đầu, nhức răng, khó ngủ, đau bụng, nhiễm trùng... tất cả đều được cấp phát Xuyên tâm liên mà sau này tôi gọi đùa là Xuyên tâm tiễn.
Có đôi lúc khâu vết thương rách toạt vì tai nạn lao động mà không có kim mỗ, tôi phải lấy kim may và chỉ may quần áo nấu sôi sát trùng và khâu vết thương, cho thêm trụ sinh và cắt chỉ năm hay bảy ngày sau.
Tóm lại, làm Y tế trại tù là phải quyền biến, thường phải dùng xuyên tâm trị liệu kết hợp với vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, cùng với thuốc tây, thuốc nam (cỏ mực để cầm máu, vỏ cây xoài để trị nhức răng, lá ổi nấu nước uống để cầm tiêu chảy...) Phải biết làm thầy mằn để trị bong gân, trật xương, phải biết châm cứu để trị đau lưng, mất ngủ, di tinh... Vì vậy tôi nhắn người nhà gởi lên cuốn châm cứu thực hành của cụ Thượng Trúc để biết thế nào là nhâm mạch, đốc mạch cùng 12 đường huyệt đạo chính trên cơ thể: thủ thái âm, thủ thiếu âm, túc khuyết âm, túc thiếu dương... hiểu thế nào là bá hội huyệt, phong phù, phong trì, thiếu dương, quan xung, đan điền v.v...
Cũng nhờ vậy mà tôi biết những tay viết kiếm hiệp thường dùng từ đả thông huyệt nhâm đốc, sinh tử huyền quan, kinh kỳ bát mạch và những tay xạo có hạng thường chế thêm ra chưởng thế này thế nọ, dùng cách không điểm huyệt cách sơn đả ngưu, câu hồn đại nã di tâm pháp. v.v... là cũng dựa vào tên các huyệt đạo này để lòe độc giả, làm mọi người say mê đến quên ăn bỏ ngủ một thời (trong đó cũng có tôi).
***
Hơn 12 năm trời rồi cũng trôi qua, lần tay đếm lại thấy số đậu trắng rất nhiều mà số đậu đen hầu như rất ít. Mừng, vì mình làm đuợc nhiều việc hữu ích cho anh em, 12 năm trời qua đi như một giấc mộng đớn đau ở chín tầng địa ngục, bây giờ mới thấy ánh bình minh!
Cuối cùng tôi cũng hết hạn tù, ra về với tâm hồn thanh thản vì đã sống được một cuộc sống đẹp và hết lòng với anh em, một cuộc sống không chút bợn nhơ, được anh em thương mến. Tôi ra về, anh em chào giã từ trong thương yêu và ngậm ngùi, có một vài bác già, bệnh nặng kinh niên, khi tôi về các bác mừng cho tôi nhưng lại lo lắng vì không biết ngưòi kế tiếp có nắm vững bệnh lý của các bác mà chữa trị không?! Tôi trấn an và bồi hồi chào giã biệt các bác.
Trên đường ra khỏi cổng trại, ngoảnh mặt lại, bùi ngùi vẫn thấy anh em vẫn lao động miệt mài khổ ải ở hiện trường, tôi bâng khuâng đưa tay vẫy anh em một lần nữa, anh em lưu luyến khẻ vẫy tay chào lại và trong ngấn mắt mờ lệ, tôi thoáng nhớ đến câu nói của một Văn sĩ nào đó: "Trại tù không phải là nơi anh ăn ở suốt đời, sẽ có một ngày nào đó anh sẽ được trở về với gia đình, với xã hội. Ðiều quan trọng là anh ăn ở làm sao mà khi ra đời, gặp lại bạn tù, người ta vui vẻ chào anh, mời anh một điếu thuốc, chứ đừng để cho người ta phải tránh né anh, hoặc nhổ vào mặt anh một bãi nước miếng!".
●Bs.Tôn-Thất-Sang
●Fb Minh Anh Jessica
Tôi tự nhiên cảm thấy sung sướng thật sự vì mình đã không nằm ở vế thứ hai!!!
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment