Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Wednesday 19 April 2017

Bài học từ cuộc chiến Việt Nam



Khi cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất và lần thứ hai chấm dứt, các nhà lãnh đạo đã rút ra những bài học, tôi xin đan cử một số kinh nghiệm của họ như dưới đây
Bài học của Henri Navarre
Trước hết ý kiến của Tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương (1)

Tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương
Tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương

Tháng 9/1945 người Pháp theo chân quân Anh vào Đông Dương giải giới quân Nhật để chiếm lại thuộc địa này, họ còn nhiều quyền lợi như hầm mỏ, xí nghiệp, đồn điền, dinh thự, đất đai… Việt Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, được Trung Cộng viện trợ vũ khí ồ ạt và huấn luyện quân sự từ 1950. Mới đầu cuộc chiến tranh chỉ giới hạn tại Việt Nam sau  lan rộng ra các nước Mên Lào thành ra chiến tranh Đông Dương. Từ 1952 Pháp bị thiệt hại nhiều trước hỏa lực mạnh của Việt Minh, cuộc chiến của Pháp nay  không còn để chiếm lại thuộc địa vì chế độ thuộc địa đã cáo chung mà chuyển sang chống Cộng Sản. Những năm 1953, 54 Pháp nhận nhiều viện trợ của Mỹ, họ cũng cố giữ Đông Dương, trả độc lập dần dần cho Việt, Mên, Lào để đưa vào Liên hiệp Pháp.
Tháng 5/1953 Tướng Henri Navarre được cử sang Việt Nam để cứu nguy Đông Dương, một năm sau Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, Navarre được triệu về nước đầu tháng 6/1954. Năm 1956 ông viết Đông Dương Hấp Hối, Agonie de l’Indochine để biện minh cho quân đội Pháp và cho chính ông về sự thất bại này. Theo Navarre sở dĩ thua trận do ở Trung ương Paris không có chính sách rõ ràng về cuộc chiến, không yểm trợ đầy đủ, quân phí nghèo nàn, quân đội thiếu thốn về cả nhân lực lẫn hỏa lực.. trong khi đối phương được Trung Cộng viện trợ ồ ạt, họ có tinh thần và có đường hướng chính trị nghiêm chỉnh.
Tôi xin sơ lược một số nhận định của tác giả về bài học rùt ra từ cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954.  Navarre nói để có được những bài học từ sự thất bại ta phải phân tích đúng những nguyên nhân thật.Thế mà ít khi sự phân tích này được đầy đủ hoặc nó không dựa trên những dữ kiện giả mạo.  Nhất là khi các nhà lãnh đạo chính trị có sai lầm, các ông thường tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho các nhà quân sự. Đó là cách chạy tội cổ điển của các chính phủ, họ không biết chuẩn bị hoặc lãnh đạo một cuộc chiến tranh. Sự qui trách nhiệm này sẽ không quan trọng nhiều nếu nó chỉ có hậu quả là đưa các Tướng lãnh làm bung xung và cho các chính trị gia lợi dụng để phô trương. Nó quan trọng ở chỗ nó làm tổn thương đến tương lai đất nước, nó ngăn chận ta rút ra được một bài học từ sự thất bại trong quá khứ để ta có thể tránh những tai họa ở tương lai.
Sau khi đã thất bại ở Đông Dương, những người đứng đầu chính phủ đã lãnh đạo cuộc chiến tồi tệ và tìm hòa bình vụng về. Họ đã đánh lừa dư luận cho rằng nguyên nhân chính, duy nhất là do Quân đội mà thực ra theo Navarre những thất bại tất nhiên do chính trị. Sau khi đã thổi phồng vấn đề, họ lấy cớ để đình chiến trong những điều kiện mà tình trạng quân sự không được đặt ra. Những hậu quả do thất trận Điện Biên Phủ đem lại những kích thước thật, chúng ta định nghĩa thất bại thế nào?
Tại Đông Dương các Tư lệnh quân đội viễn chinh kế tiếp nhau đều đã khinh địch (2), nói riêng ra họ không nhận thức kịp thời sự thay đổi cơ bản của sự thành lập quân đội chính qui Việt Minh. Kế hoạch này có thể tham gia theo tầm vóc chiến lược và thách đố bộ máy chiến tranh quân sự của Pháp, như thề là để địch đi trước mà ta khó theo kịp. Họ không thúc đẩy việc thành lập Quân đội các nước Liên kết (tức Việt, Mên, Lào) và như thế không có phương tiện thành lập nhiều chủ lực quân cần thiết giữ nước để có tự do hành động, bằng lấy bớt những đơn vị trong Quân đoàn viễn chinh.
Người ta đã không thích nghi quân đội Pháp với tính chất của địch và với địa thế. Họ chỉ chú ý tới hỏa lực nhưng không quan tâm tới sự lanh lợi nhẹ nhàng, mưu lược, tin tức của quân đội. Họ không cần hiểu sự cần có một kế họach dài hạn được chính phủ chấp thuận cho họ những phương tiện cần thiết theo đuổi có phương pháp kiên cường.
Đó là những lời trách cứ bộ chỉ huy Sài Gòn (3) , nhưng có nhiều lý do bào chữa. Trừ trường hợp Thống chế De Lattre (vừa là Tư lệnh, vừa là  Tổng cao ủy), các Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương phải dưới quyền các công chức dân sự cao cấp: Toàn Quyền, Cao ủy, Tổng cao ủy. Tư Lệnh không chủ động trong quyết định mà phải theo một phạm vi chính trị. Chiến lược của Pháp không có chính trị trái ngược với của Việt Minh. Viện trợ Mỹ cho Pháp khiến cuộc chiến mang tính chất khác, nó cho ta hỏa lực nhưng nó cũng đăt gánh nặng cho Pháp. Một khi vào con đường này không thoát ra được.
Các nước Liên kết không lập được quân đội riêng không phải do ở ông Tư lệnh Pháp mà vì họ không muốn vào con đường bấp bênh xa vời. Nói về không có kế hoạch quân sự tổng quát là vì không có kế hoạch chính trị cơ bản, bởi thế nói cho đúng thì lỗi lầm quân sự ở Đông Dương không thể xác định được nhất là nguyên do ở chính trị.
Một trách nhiệm quân sự khác do ở Paris, Đông Dương không bao giờ được coi là trọng tâm của ưu tư trong các Cơ quan quân sự mà chỉ coi nó là một gánh nặng không muốn đóng góp mà chỉ chi tiêu một số tiền nhỏ thôi. Chiến tranh Đông Dương luôn được thực hiện rẻ tiền bằng phương pháp những khoản nhỏ, chi phí thiếu hụt, sĩ quan, chủ lực quân bộ binh yếu kém, quân đội thiếu huấn luyện, vũ khí lỗi thời không thích hợp. Không quân được cung cấp chút ít về máy bay, nhân lực và hạ tầng cơ sở, phi trường. Do đó các Tổng tham mưu trưởng kế tiếp nhau của Bộ Quốc phòng và các TMT của Lục quân, Không quân chịu trách nhiệm nhiều, nhưng họ dưới quyền Bộ trưởng và trách nhiệm sau cùng ở cấp Chính phủ.
Những ông TTMT đã không đề nghị những giải pháp thuận lợi, những quyết định hữu hiệu để nếu không tạo chiến thắng thì cũng tạo được giải pháp chính trị thuận lợi cho cuộc chiến tranh. Nếu họ làm thì chắc đã được vinh danh, nhưng không nghe nói tới. Trong hệ thống chính trị của Pháp, người ta chỉ thích dùng người dễ sai bảo. Những lý do thất bại căn bản là chính trị, từ đầu chí cuối cấp lãnh đạo Ba Lê không bao giờ biết họ muốn gì hoặc hoặc nếu biết cũng không dám xác nhận.
Họ không bao giờ dám nói cho đất nước biết có chiến tranh tại Đông Dương.
Họ không biết đưa quốc gia vào cuộc chiến cũng không tìm hòa bình.
Họ không có khả năng định nghĩa sự lãnh đạo đối với các nước Việt, Mên, Lào mà cứ xài những giải pháp lai căng cũ rich. Họ không có can đảm lựa chọn thẳng thắn giữa chế độ thuộc địa mà đã tuyên bố bỏ nhưng cũng muốn giữ những quyền lợi vật chất dưới danh nghĩa khác. Họ cũng muốn lập một Liên hiệp các nước tự do mà họ muốn nhưng thực hiện chậm.
Họ không định được vị trí liên quan giữa Pháp và Mỹ, chỉ biết xin viện trợ mà cuối cùng có hại nhiều hơn lợi, người ta cố ý phá những quyền lợi của Pháp bằng đường lối ích kỷ.
Đối với cuộc chiến mà họ không biết định nghĩa mục đích của nó, các nhà lãnh dạo chính phủ không cho nó một đặc tính quốc gia, không biết nói cho cả nước biết lý do Pháp tham chiến. Tự cấm mình không đòi họ hy sinh để chiến thắng vì thế họ cũng tự nguyện ru ngủ đất nước bằng những bài diễn văn lạc quan, dễ dãi với bọn chủ bại và cuối cùng để quân đội nhà nghề  chiến đấu một mình không được nâng đỡ về tinh thần, không đủ phương tiện vật chất.
Ngoài ra họ lại để quân đội bị đánh sau lưng (4) họ khoan dung cho những sự phản bội của đảng Cộng Sản và đồng bọn, cho báo chí được quyền bất khả xâm phạm, làm mât tinh thần các chiến sĩ có hại cho quốc gia và phổ biến những bí mật quân sự. Do dự, sai lầm, hèn nhát tích lũy từ tám năm quá nhiều không biết qui trách cho ai, cho Chính phủ nào. Đó là kết quả của chế độ tự do, nó bắt nguồn từ bản chất, hệ thống chính trị Pháp. Một chế độ làm mất uy quyền quốc gia mà tinh thần chung của quốc gia biến mất. Nó ngăn cấm sự vững chắc của chính quyền thay thế bằng chủ nghĩa kinh nghiệm rời rạc nơi mà đảng phái không thể hiện lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi. Nỗ lực bầu cử, kết hợp những nhà lãnh đạo vô trách nhiệm, bất lực về đối ngoại, nhượng bộ địch và phụ thuộc vào đồng minh.
Một chế độ hủy bỏ tinh thần quốc gia, cô lập quân đội với chính phủ, không cho quân đội một chỗ tinh thần, một nơi vật chất mà không có nó quân đội không thể tồn tại. Chế độ khuyến khích che chở những lời vu khống mạ lỵ, một chế độ mà một đảng (Cộng Sản Pháp) công khai nhận lệnh bên ngoài, phản bội tự do. Chế độ mà báo chí biến thành một công ty làm suy yếu tinh thần quốc gia và cung cấp tin cho địch. Một chế độ như thế không thể đương đầu với một cuộc chiến dù trong đế quốc của mình hay tại biên giới chính quốc (Métropole). Hệ thống chính trị trong bốn thập niên xưa đưa dất nước đã từng chiến thắng năm 1918, thành một bệnh nhân yếu đuối ở Âu châu và trong những thập niên tới sẽ suy yếu già nua.
Đó là những bài học từ cuộc chiến Đông Dương, nó thể hiện trong tất cả các lãnh vực, mọi người Pháp có thể suy nghĩ và sẽ cảm thấy một sự mâu thuẫn giữa việc giữ chế độ và giữ cho nước Pháp như một cường quốc. Nhiều người sẽ còn tự hỏi nếu kết luận này có thể áp dụng cho cả Tây phương không? Và nếu đối phó với chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Quốc gia mà người ta đang hun đúc, những chế độ dân chủ sẽ bị hủy hoại như thành La mã suy tàn hay Byzance (Hy lạp) trước quân thù mọi rợ (5). Nếu chế độ không thay đổi cùng những lý do đã mất Đông Dương hôm qua, ngày mai sẽ mất Bắc Phi và tất cả những gì thuộc về Đế quốc Pháp. Những nguyên do chống lại Pháp ở Đông Dương sẽ xuất hiện trong đế quốc nhất là tại châu Phi.
Nhìn chung, Navarre ghi nhận những nhược điểm của chính phủ Pháp trước cuộc chiến như không tha thiết, không đặt tầm quan trọng cho cuộc chiến. Người ta đã không trang bị đầy đủ về vật chất, không có một ý hướng chính trị trong khi đối phương Việt Minh, phía Cộng Sản có đường hướng rõ ràng lại có hoả lực mạnh nhờ viện trợ của Trung Cộng. Thực ra người Pháp không có chính nghĩa, quân Pháp quá tàn ác trong các cuộc hành quân,  người Việt nam tại miền quê đều biết cả. Chế độ thực dân đã lỗi thời, đó là tất cả những nguyên do đưa tới thất bại sụp đỏ Đông Dương. Nhưng Navarre  cũng quá bi quan trong nhận định về hiểm họa chủ nghĩa CS khi ông cho rằng Tây phương, chế độ dân chủ sẽ bị suy tàn trước các nước Cộng sản nghèo đói.
Bài học của Robert S. McNamara.
Tôi xin đề cập tới ý kiến của McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 1961-1968 (6). Năm 1960 nhận lời mời làm Bộ trưởng quốc phòng, McNamara được toàn quyền cai quản, sau này được TT Johnson tin tưởng cũng giao cho ông soạn thảo kế hoạch, chiến lược cho cuộc chiến VN. Người ta cũng gọi ông là Kiến trúc sư của cuộc chiến VN. Năm 1995 McNamara viết Hồi Tưởng, Thảm Kịch Và Bài Học Của Việt Nam kể lại diễn tiến cuộc chiến can thiệp tại VN giữa thập niên 60 và cũng để biện minh cho sự thất bại của mình. Hoa kỳ bắt đầu đưa nhiều quân vào miền Nam từ giữa 1965, đến cuối năm này họ có 184, 000 lính tại miền nam VN, hàng năm đều cho tăng quân, tới 1968 lên đến 530,000.

Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 1961-1968
Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 1961-1968

Cựu bộ trưởng nói Mỹ rút khỏi nam VN 1973, mất hơn 58,000 người, kinh tế bị ảnh hưởng nặng vì chiến phí , xã hội bị chia rẽ trầm trọng, có đáng phải trả giá cao như vậy không? Dean Rusk, Walt Rostov, Lý Quang Diệu… và nhiều nhà chính trị khác tới nay cho là đúng, họ nói nếu Mỹ không can thiệp vào VN, CS đã bành trướng tại các nước Đông nam Á như Nam Dương, Thái Lan và Ấn độ. Có người đi xa hơn nói Sô Viết sẽ thừa cơ gây ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới nhất là Trung Đông. Khi những văn khố của Nga, Trung Cộng, Việt Nam cho các nhà học giả tham khảo thì ta mới thấy ý định thực sự của họ. McNamara cho rằng nguy cơ CS gây hấn trong bốn thập niên thời chiến tranh lạnh là có thật, tuy nhiên suốt những thập niên 50, 60, 70, 80 Tây phương nhận định sai và phóng đại nguy cơ của phương Đông (CS) này lên.
Cho là vậy, McNamara đặt vấn đề ảnh hưởng Nga, Trung Cộng sẽ như thế nào nếu Mỹ không vào Đông Dương hoặc rút bỏ Việt Nam từ giữa thập niên 60. Ông nói điều hiển nhiên là TT Kennedy gửi cồ vấn sang VN không hiệu quả vì tình hình chính trị không ổn định và khó thực hiện và nam VN mặc dù được Mỹ huấn luyện và viện trợ tiếp liệu họ không tự vệ chống CS được.
Theo McNamara (7) Hoa Kỳ có ba cơ hội để rút bỏ VN từ cuối 1963 khi tình hình xáo trộn sau khi ông Diệm bị đảo chính hoặc cuối 1964, hay đầu 1965 khi VNCH yếu kém về chính trị và quân sự. Ông không tin nếu Mỹ rút khỏi VN và nói cho người dân Mỹ cũng như thế giới biết sẽ khiến Tây Âu và Nhật mất tin tưởng và đòi ta bảo đám an ninh cho họ vì sợ hãi. Trái lại ông cho rằng Mỹ phải rút bỏ VN để giữ lực lượng bảo vệ những nơi khác để làm cho họ tin ta hơn.
Có người cho rằng thế giới sau thời chiến tranh lạnh sẽ khác hẳn thế giới hồi xưa nên bài học cuộc chiến VN sẽ không áp dụng được, không liên hệ gì tới thế kỷ 21, McNamara bác bỏ ý kiến này. Nếu không học hỏi từ quá khứ ta sẽ đi mua thất bại, tất cả có 11 nguyên nhân đưa tới thảm họa ở VN.
1-Nhận định sai về ý đồ, tham vọng của địch, phóng đại mối nguy của địch
2-Chúng ta tưởng các nhà lãnh đạo miền nam VN khao khát và kiên quyết chiến đấu cho tự do dân chủ. Ta đã đánh giá sai hoàn toàn lực lượng chính trị trong nước họ.
3-Chúng ta đánh giá thấp tinh thần quốc gia đưa dân tộc chiến đấu đến chết cho niềm tin của họ ở đây cụ thể lả BV và VC, chúng ta vẫn tiếp tục sai lầm trên thế giới.
4-Chúng ta đánh giá sai bạn, thù chứng tỏ ta mù tịt về lịch sử, văn hóa chính trị của người dân trong vùng cũng như con người các nhà lãnh đạo của họ. Trên thực tế không có nhân vật Đông nam Á nào để ta tham khảo ý kiến trước khi quyết định về VN.
5-Chúng ta không hề nhận thức được giới hạn của của vũ khi tối tân và không có lý thuyết để đương đầu với phong trào nổi dậy bằng chiến tranh không qui ước. Ta không tranh thủ nhân tâm với dân tộc có văn hóa khác biệt ta hoàn toàn.
6- Chúng ta đã không  đưa Quốc hội , người dân vào cuộc tranh luận, bàn thảo khoáng đại để ủng hộ hay chống lại việc can thiệp qui mô của Mỹ vào Đông nam Á trước khi hành động.
7-Khi ta tiến hành việc can thiệp có nhiều biến cố buộc ta phải bỏ kế hoạch, ta thất bại không giữ được sự ủng hộ của người dân vì ta đã không giải thích đầy đủ về diễn tiến và tại sao ta can thiệp. Sức mạnh của một quốc gia không nắm ở quân sự mà ở sự đoàn kết dân tộc, ta thất bại ở điểm này.
8-Trong khi an ninh đất nước ta không bị trực tiếp đe dọa, việc quan tâm một nước khác cần bàn thảo tại nghị trường quốc tế. Chúng ta không có quyền buộc mỗi nước theo mô hình ta muốn.
9- Chúng ta không theo nguyên tắc khi Mỹ chưa bị trực tiếp đe dọa, hành động can thiệp của ta phải được nhiều nước tham gia thực sự chứ không phải chỉ tượng trưng mầu mè.
10-Chúng ta không biết trong vấn đề quốc tế có thể có những vấn đề không cần giải pháp tức thời, ta phải chấp nhận một thế giới không hoàn hảo
11-Ta thất bại vì không phân tích và thảo luận về hành động của ta tại Đông Nam Á, mục tiêu, những sự nguy hiểm, tốn kém của một đường lối khác, và phải thay đổi phương thức khi thất bại rõ ràng.
Sau đó tác giả nói về bài học VN áp dụng cho Mỹ thời sau chiến tranh lạnh, ông nói những thất bại ấy liên kết nhau, mỗi thất bại là một nút quan trọng. Lấy ra những sai lầm ấy khiến ta có một bài học của VN và sẽ áp dụng cho thời sau chiến tranh lạnh. Giữa thập niên 80 chiến tranh lạnh chấm dứt, các nước chưa xét lại chính sách ngoại giao, quốc phòng vì chưa biết tương lai sẽ ra sao.
Thế rồi Iraq tiến chiếm Kuwait, nội chiến tại Nam Tư cũ, những biến cố tại Chechnya, Somalia, Haiti, Sudan, Burundi, Armenia và Tajikistan  cho thấy thế giới trong tương lai không bao giờ hết chiến tranh, nội chiến, chiến tranh với nước khác. Xung đột chủng tộc, tôn giáo vẫn còn mãi. Chủ nghĩa quốc gia sẽ là sức mạnh trên thế giới
Thê giới tương lai sẽ không khác gì trong quá khứ, tranh chấp trong và ngoài nước vẫn y như thế, trong 45 năm qua có 125 cuộc chiến khiến cho 40 triệu người tại thế giới Thứ Ba bị thiệt mạng. Thế giới trong tương lai sẽ không khác gì ngày nay và quá khứ, nội chiến, chiến tranh giữa các nước sẽ không bao giờ hết. Nhưng tương quan giữa các nước sẽ thay đổi rất nhiều. Thời hậu chiến Hoa Kỳ sẽ là một siêu cường có thể xếp đặt thế giới theo ý mình nhưng thế kỷ sau sẽ không có khả năng làm chuyện ấy. Trong tương lai Nhật sẽ đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và Âu châu trong tương lai cũng vậy.
Thế kỷ sau các nước Thứ Ba sẽ tăng rất nhanh về dân số, kinh tế như Ấn độ, Nigeria, Ba Tây. Nếu Trung Cộng đạt mục tiêu kinh tế năm 2000 tiếp tục như thế nhưng không tăng trưởng mạnh trong 50 năm nữa, họ sẽ có lợi tức, sẽ ảnh hưởng Tây phương giữa thế kỷ 20. Tổng sản lượng sẽ vượt qua Mỹ, Tây Âu, Nhật, Nga, đó sẽ là một siêu cường đáng kể.
Mặc dù vẫn là siêu cường, nước Mỹ ở trong một thế giới đa cực, Mỹ sẽ phải thay đổi chính sách ngoại giao, quốc phòng cho phù hợp với thực tại. Trong thế giới đó cần có bang giao, quan hệ mới giữa các siêu cường Trung Hoa, Âu châu, Nhật, Nga và Mỹ, giữa các siêu cường và các nước khác. Chiến tranh lạnh chấm dứt không có nghĩa là chiến tranh sẽ chấm dứt.
McNamara cho rằng người Mỹ can thiệp vào Đông Dương từ đầu thập niên 60 và nhất là đưa quân vào Việt Nam 1965 là sai lầm, đáng lý phải rút ra từ cuối năm 1963 hay đầu năm 1964. Mục đích của ông muốn nói cuộc chiến là sai lầm để biện minh cho kế hoạch quân sự thất bại tại VN của chính mình.
Bài học của Richard Nixon
Cuối cùng tôi nói tới ý kiến của Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ từ 1969-1974 (8). Năm 1985 ông viết No More Vietnams, Không Còn Những Vietnam để kể lại quá trình của ông giải quyết cuộc chiến VN, sự thất bại do Quốc hội đối lập và kết luận đó là một bài học, từ nay sẽ không còn thất bại như tại VN.

Richard Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ từ 1969-1974.
Richard Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ từ 1969-1974.

Nixon nói thế chiến Thứ Ba, Third World War bắt đầu trước khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt, Sài Gòn thất thủ 10 năm qua đó là thắng lợi lớn nhất của Sô viết, một trong những trận cơ bản nhất của Thế chiến Thứ ba. Không một người lính Nga nào chiến đấu tại VN nhưng nó là một chiến thắng cho Moscow vì Bắc Việt đồng minh của họ thắng, Nam VN và Mỹ thua. Sau khi Hoa kỳ không ngăn chận được CS ở VN họ bị thua nhiều nơi khác. Những người theo chủ thuyết cô lập (không can thiệp) hát “Không còn có những Việt Nam” trong khi đó quân cờ domino rớt từng con một: Mên, Lào, Mozambique 1975, Angola 1976, Ethiopia 1977, South Yemen 1978, Nicaragua 1979.
Reagan lên làm TT 1981, Mỹ không bị mất thêm nước nào nhưng bóng ma VN vẫn ám ảnh những cuộc thảo luận về viện trợ El Salvador hay những người chống Cộng tại Nicaragua. Nếu ta thất bại không ngăn được Sô Viết giúp các lực lượng gây hấn ở bán cầu chúng ta, ta sẽ ít hy vọng ngăn được họ khi quyền lợi ta bị đe dọa ở các nước khác. Ta phải tự gột bỏ những ám ảnh bệnh hoạn hiện tượng Việt Nam nếu muốn tránh những thất bại khác của Thế chiến Thứ ba. Không ai muốn có một VN khác, họ sợ rằng bất cứ sự can thiệp nào trong các nước Thế giới Thứ ba sẽ có thể đưa tới một VN khác. Những người theo phái “Cô lập” cho rằng Mỹ không có quyền lợi chiến lược ở Thế giới Thứ ba nên ta không can thiệp quân sự, giới hạn viện trợ và ngoại giao. Nixon cho đó là những nhận định sai lầm, hai phần ba dân số thế giới sống trong những nước phát triển châu Á, châu Phi, Trung đông,châu Mỹ La tinh, họ có nhiều nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ các nước Tây phương. Năm ngoái (1984) ngoại thương của Mỹ với các nước Thế giới Thứ ba là 175 tỷ Mỹ kim bằng ngoại thương của cả  Nhật và Tây Âu cộng lại
Nếu ta để hàng triệu người chịu số phận của dân tộc VN và các nước Thứ Ba chịu ách độc tài là bất nhân. Thế giới Thứ ba bị đe dọa hòa bình nhiều nhất, có 20 cuộc chiến và 10 triệu người bị giết. Ta không có quyền lợi để cai trị Thế giới Thứ ba nhưng ta có lợi khi ngăn chận Sô Viết. Từ 1974 họ đã chiếm được 9 nước mà không phải đem quân qua, từ cuộc chiến Triều Tiên, Sô viết đã tiến tới biên giới nhiều nước. CSBV với súng ống Nga, Tầu viện trợ gây chiến với nam VN. Tại Cuba, Nicaragua và Sô Viết giúp bọn cướp chính quyền dưới chiêu bài chiến tranh giải phóng. Tại Angola và Ethiopia Sô Viết dùng quân ủy nhiệm Cuba giúp các nhà lãnh đạo CS cướp chinh quyền.
Nếu ta chuẩn bị cuộc chiến hiện tại bằng cách phòng vệ hôm qua ta sẽ thất bại. Nay những trận quan trọng không ở dọc biên giới mà sẽ sẩy ra tại những nước xa xôi. Sô Viết nhúng tay xúi dục, yểm trợ cướp chính quyền những nước không CS. Mặc dù có sức mạnh nguyên tử nhưng ta không tự sát mà dùng nó. Có sức mạnh về chiến tranh qui ước nhưng không thắng được kẻ thù vì chúng không đánh qui ước; ngoại giao không thể thành công nếu không có quân sự.
TT Nixon nói (9) năm 1969 rút kinh nghiệm ở VN, Mỹ có thể bất đắc dĩ lắm mới đưa quân tham chiến ở một nước thứ ba mà ông ta đã làm thành chủ thuyết Nixon. Ông chủ trương trong tương lai, trừ khi một siêu cường can thiệp vào một cuộc chiến của Thế giới Thứ ba, Hoa kỳ sẽ không gửi quân. Chúng ta sẽ cung cấp viện trợ quân sự, kinh tế cho nước ấy bằng với số viện trợ Sô Viết cung cấp cho lực lượng nổi dậy nhưng nước bị tấn công phải chịu trách nhiệm cung cấp nhân lực để tự vệ. Nếu sau khi ta đã huấn luyện và trang bị, một quốc gia vẫn không đủ khả năng và ý chí để thắng địch, dù ta có chiến đấu cho họ cũng chỉ thắng lợi tạm bợ, khi ta rút đi, kẻ địch chiếm ngay. Chúng ta sẽ không bao giờ sai lầm như đã làm ở VN. Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh đáng lẽ phải được thực hiện khi bắt đầu cuộc chiến (1965) hơn là 4 năm sau khi Mỹ đã gửi hơn 500 ngàn quân tới trận địa.
Học thuyết này không có nghĩa là Mỹ rút khỏi Á châu và các nước khác nhưng tạo cơ bản cho các nước bạn chống CS xâm lăng. Trong chương trình huấn luyện chúng ta cần phải tránh một sai lầm nữa đã làm ở VN: Thành lập quân đội cho đồng minh theo mô hình Mỹ và như thế chỉ chú trọng khả năng trong chiến tranh qui ước mà ít chú ý tới du kích chiến. Quân đội cần được trang bị và huấn luyện thích hợp. Chi tiền cần phải đúng chỗ có hiệu quả hơn thí dụ như El Salvador có máy bay phản lực tối tân đánh du kích không có máy bay.
Một sai lầm thứ ba của nhiều người Mỹ trong những năm cuối của chiến tranh VN về việc ủng hộ các nhà lãnh đạo đồng minh. Những người cấp tiến nói ta ủng hộ những nhà độc tài là có tội, họ nói sai, chính quyền độc tài áp bức nhất vẫn là CS. Ở Cuba dưới chế độ Castro quá tệ so với Batista, thời Lê Duẫn quá tồi tệ so với thời Nguyễn Văn Thiệu. Căm bốt quá thậm tệ dưới thời Pol Pot hơn thời Lon Nol. Ta có thể áp lực một chính phủ không CS đang cầm quyền (như VNCH) áp dụng nhân quyền nhưng nay thì vô phương.  Ta sẽ không bao giờ lật đổ một chính quyền để có được chút tự do nhưng ngoài ra nó chẳng mang lại gì. Đây là bài học sâu sắc của chiến tranh VN.
Tác giả nói (10) sau cùng chúng ta không nên sai lầm giúp đồng minh chống bọn phản loạn mà không biết nguồn gốc của nó, ta viện trợ cho El Salvador mà không áp lực Nicaragua và các nước khác trong khối Sô viết viện trợ cho phản loạn. Giúp một nước chống lại xâm lăng CS là điều khó, giúp lực lượng chống CS trong một nước mà CS đã nắm quyền còn khó hơn nữa. Ta phải giới hạn hành động của ta và không sai lầm như 1956 tại Hung Gia Lợi và 1961 tại Vịnh Con Heo, tại đây ta đã khuyến khích cổ võ những người nổi dậy chống chế độ CS và ta đã thất bại không giúp được họ khi bị chính quyền CS đàn áp mạnh bằng lực lượng lớn.
Ta không thể để sự thất bại ở VN che dấu một sự thật rõ ràng là nếu không có viện trợ quân sự và ý muốn xử dụng nó trong những trận quyết liệt tại các nước Thừ Ba, ta sẽ thua cuộc Thế chiếnThứ ba. Các nhà quân sự Mỹ sau bài học VN cho rằng nay ta chỉ đưa quân nếu vấn đề phải là sinh tử cho lợi ích quốc gia hay của đồng minh. Khi gửi quân chỉ có mục đích thắng, phải có đủ phương tiện và được Quốc hội, người dân ủng hộ, không phải quyền lợi của ta chỉ giới hạn tại Tây Âu, Nhật, Trung đông.
Do Thái chỉ có 4 triệu dân trong số 100 triệu người ở Trung đông, không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, khi Do Thái bị tấn công các Tổng thống Mỹ đều bảo vệ Do thái. Quyền lợi của ta đối với sự sống còn của Do Thái là vì một nước dân chủ nằm giữa một vùng toàn là những nước độc tài, vả lại Sô Viết viện trợ rất nhiều cho các nước chống Do thái.
Nếu ta định nghĩa quyền lợi ta rất nhỏ hẹp vì sợ bài học VN ta sẽ bỏ rơi nhiều triệu người rơi vào tay độc tài, sẽ thua cuộc chiến Thứ Ba. Thất bại ở VN chỉ là tạm thời lùi một bước sau nhiều thắng lợi. Ta cần phải học một bài học từ thất bại này, tại VN chúng ta đã nỗ lực vì một nguyên nhân chính đáng và đã thất bại, No More Vietnams không có nghĩa là ta sẽ không nỗ lực lần nữa. Nó có nghĩa là chúng ta sẽ không thất bại (11)
Nhận định chung 
3
Henri Navarre đưa ra bài học VN để áp dụng cho Đế quốc Pháp, một đế quốc nhỏ nhưng Nixon và McNamara đem bài học VN ra áp dụng cho Thế giới Thứ ba vì nước Mỹ là “ông Trùm”.
Navarre đưa những kinh nghiệm thất bại tại Đông Dương để áp dụng vào châu Phi khi phong trào quốc gia được CS ngầm cổ võ và lại được chính sách Mỹ khuyến khích. Theo ông, Bắc Phi gần Pháp hơn Đông Dương về địa lý và nhiều phương diện khác. Mặc dù Navarre giới hạn những bài học cho Đế quốc Pháp, những kinh nghiệm ông ta đề cập trong Đông Dương Hấp Hối cũng có thể rút ra cho người Mỹ khi họ can thiệp vào VN. Trước hết đây là cuộc chiến tranh không biên giới. Về địa lý ông cho biết VN nhiều đồi núi, rừng ruộng; về chiến thuật chiến lược, lối đánh du kích của đối phương khác hoàn toàn đối với chiến tranh qui ước của Tây Phương. Kẻ địch thống nhất ý chí, có mục tiêu rõ ràng, có tinh thần kiên quyết và sẵn sàng hy sinh nhân mạng cho mục tiêu.
Những kinh nghiệm kể trên có thể giúp Hoa kỳ khi bắt đầu có nhiều ảnh hưởng miền nam VN từ năm 1955 nhưng người Mỹ không một chút quan tâm vì họ tin tưởng vào hỏa lực, sức mạnh của mình. Người Mỹ chủ quan nghĩ rằng quân đội của họ mạnh hơn Pháp có thể áp đảo đối phương CSBV.
Giữa năm 1965 Hoa kỳ ồ ạt đưa quân vảo miền nam VN vì tình hình  tại đây đang bị nguy kịch, mỗi tuần mất một tiểu đoàn và một quận, VNCH có thể mất trong vòng 6 tháng (12). Tướng Tư lệnh Westmoreland khẩn thiết xin Bộ Quốc phòng cho tăng viện vì miền nam VN bị tổn thất nặng.
McNamara nói cuộc chiến VN khiến Mỹ chết người, tốn của, xã hội phân hóa, một sự sai lầm trầm trọng, nguy cơ CS thời chiến tranh lạnh là có thật. Ông nói tuy nhiên các thập niên 50, 60, 70, 80 Tây phương nhận định sai và phóng đại nguy cơ CS, Hoa Kỳ đầu thập niên 60 gửi cố vấn sang VN, huấn luyện và viện trợ tiếp liệu cho VNCH nhưng họ không tự vệ chống CS được mà Mỹ phải đem quân vào chiến đấu cho họ.
Ông ta nói sai sự thật, trừ năm 1973 miền Nam mạnh hơn miền Bắc nhờ Nixon viện trợ ồ ạt tháng 11-1972 (13) , không bao giờ quân viện của Hoa kỳ cho VNCH ngang bằng viện trợ của Nga, Tầu cho CSBV. Những năm 1953, 1954 Quân lưu động của Việt Minh tương đương với 9 sư đoàn, trong khi Pháp chỉ tương đương với 3 sư đoàn (14). Quân viện  của Mỹ cho Pháp (chiếm 79% chiến phí 1954) cũng thua kém xa quân viện của Trung Cộng cho Việt Minh và họ  đã thắng trận Điện Biên Phủ.
Đương đầu với kẻ địch hùng hậu, từ năm 1955 tới đầu thập niên 60 Hoa kỳ đã không viện trợ cho miền Nam tương đương khiến năm  1965 VNCH đã bị tổn thất nặng như đã nói trên. Chúng ta chưa hề thấy một nhà chính khách, quân sự Mỹ nào chịu nhìn nhận viện trợ quân sự của họ không theo kịp trang bị của CS quốc tế cho BV, VNCH luôn không đủ hỏa lực để tự vệ. Vấn đề này tôi đã đề cập trong một bài viết về quân viện của hai miền.
McNamara nhận định cuộc chiến VN là sai lầm, đáng lý Hoa Kỳ phải rút ra từ cuối 1963 hoặc  cuối 1964, đầu 1965, thật ra chỉ là chuyện  hoàn toàn không tưởng. Tháng 8-1964  Quốc hội Mỹ biểu quyết chấp thuận Nghị Quyết Vịnh BV ủng hộ TT Johnson tham chiến tại VNCH với tỷ lệ 99.60% (15) và theo thăm dò số người dân ủng hộ cuộc chiến tỷ lệ rất cao 85% (16).
Tháng 12-1964, Hội đồng quân lực VNCH đã yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sứu và Thủ tướng Trần văn Hương trục xuất Đại sứ Mỹ Taylor mà họ cho là có thái độ hống hách (17). Trong tường trình cuối năm về Tòa Bạch ốc, Taylor có đề nghị rút bỏ miền nam VN (18) nhưng không được chú ý vì hồi đó đại đa số người dân, Chính phủ, Quốc hội Mỹ đều ủng hộ chính sách  be bờ bảo vệ Đông nam Á. Nước Mỹ đang sợ hãi CS vì tin mạnh vào thuyết Domino, thử hỏi Johnson-McNamara có thể rút bỏ VNCH được không? Quốc hội và người dân có cho phép các ông rút trong khi cả nước Mỹ đang lo ngại sự bành trướng của CS tại Đông nam Á?
Duyệt qua 11 nguyên nhân đưa tới thảm họa ở VN của McNamara như trên ta thấy điểm thứ 1 ông cho thuyết Domino sai, thực ra nó chỉ sai sau này khi Nga, Trung cộng đã mệt mỏi vì phải giúp BV một lượng quân viện khổng lồ. Năm 1995 ông nói thuyết này sai vì đã yên chí lớn, Hoa kỳ đã bắt tay được với CS quốc tế từ 1972. Điểm 2 ông cho rằng các nhà lãnh đạo VNCH không kiên quyết chiến đấu cho tự do dân chủ, điểm 3 CS BV và VC có tinh thần quốc gia cao chiến đấu tới cùng vì độc lập. Những điểm vừa rồi đã được Nixon nêu ra trong No More Vietnams (trang 9, 10) và cho là hoàn toàn sai. Đó là tư tưởng của phong trào phản chiến, là người đứng đầu Bộ quốc phòng, McNamara lại dùng quan điểm phản chiến thì thật hết ý kiến. Điểm 5 ông đánh giá người Mỹ thiếu sót về chiến lược, vũ khí tối tân không đánh được du kích, sơ sót này do ông không học hỏi thêm ở người Pháp, họ đã có nhận định như vậy từ thập niên 50. Điểm 6 ông nói trước khi đem quân vào VN phải đưa ra Quốc hội và quốc dân bản thảo, chẳng lẽ ông quên rằng năm 1964, 1965  đại đa số Quốc hội và người dân Mỹ đã tin vào thuyết Domino và ủng hộ Mỹ đem đại binh vào VN ngăn chận CS xâm lăng?
Điểm 7 cựu Bộ trưởng nói về sự thiếu đoàn kết vì bị dân chống đối, sai lầm vì không giải thích cho người dân tại sao ta can thiệp. Sự thật không phải như vậy mà là kế hoạch McNamara sai lầm kéo dài chiến tranh chết nhiều lính đã khiến phong trào phản chiến lên cao đưa tới sụp đổ. Điểm 9 ông cho biết việc can thiệp tại VN phải được nhiều nước thực sự tham dự chứ không phải chỉ tượng trưng. Điều này hơi khó, sự can thiệp vào VN là vì quyền lợi của Hoa kỳ, vì thuyết môi hở răng lạnh và vì muốn giữ địa vị siêu cường, nên Mỹ phải hy sinh khó có thể đòi hỏi ở các nước khác. Điểm 11 ông nói về sự thay đổi đường lối khi đã thất bại, trong khoảng 1965-1968, McNamara nắm toàn quyền kế hoạch quân sự tại VN, mặc dù nắm trong tay hơn 500 ngàn quân, được người dân, Lập pháp ủng hộ nhưng ông đã thất bại và không hề thay đổi phương thức.\
No More Vietnams trang 81, Nixon chỉ trích kế hoạch chiến tranh giới hạn sai lầm của Johnson – McNamara những năm 1965, 1966, 1967 chỉ oanh tạc giới hạn miền Bắc và đánh hao mòn lực lượng địch ở miền Nam và không cho đánh qua hậu cần địch bên kia biên giới Mên, Lào. Nixon nói đáng lý phải đưa một lực lượng lớn đánh lên trên hoặc dưới vĩ tuyến 17 rồi tiến về phía Tây Lào tới sông Cửu Long để ngăn chận địch. Các cuộc oanh tạc của Johnson có mục đích chính trị nhiều hơn như nâng cao tinh thần VNCH và cho BV thấy sự thiệt hại để ngồi vào bàn hội nghị, đó là điều ngây thơ. Nixon nhận định chiến tranh leo thang của Johnson-Mcnamara để dụ cho địch vào bản hội nghị là sai lầm, không thể mơn trớn CS từ bỏ cuộc chiến mà phải buộc họ từ bỏ nó.
Ông Cao Văn Viên (19) cũng nhận định Johnson-McNamara đã không cho đánh phá các căn cứ hậu cần CS bên kia biên giới Mên, Lào và đã thất bại
“Bộ TTM Hoa Kỳ cùng đô đốc Sharp và đại tướng Westmoreland, đều có kế hoạch đánh ra vùng bắc khu phi quân sự, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, đánh phá các căn cứ ở Lào, Cam Bốt, và oanh tạc các mục tiêu quan trọng chung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các kế hoạch trên đều không được tổng trưởng quốc phòng McNamara và tổng thống Johnson (1967) chấp thuận”.
Ngày 6/4/1969 Tướng Westmoreland, cựu Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Ðô đốc Sharp cựu Tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson và sự cấm đánh qua Mên và Lào.
Ngày 27/4/1969 Ðô đốc Grant Sharp, cựu Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, đăng báo công kích cựu bộ trưởng Quốc Phòng McNamara vì đã ngăn cản không cho oanh tạc để phá hủy các cơ sở và tiềm lực kinh tế Bắc Việt mà chỉ cho ngăn chận sự xâm nhập, nên các cuộc oanh tạc hoá ra vô hiệu.
Người Mỹ cũng vấp phải khuyết điểm khinh địch (sous-estimé l’adversaire) y như người Pháp trước đây. Họ tưởng có thể đè bẹp đối phương bằng sức mạnh hỏa lực, vũ khí tối tân và đánh giá quá thấp sự yểm trợ của CS quốc tế. Sự thực quân viện của Nga sô, Trung cộng và các nước Đông Âu không đến nỗi tệ, từ đầu chí cuối cuộc chiến họ đã giúp Hà Nội (20)
Tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí.
Về chi tiết:  3 triệu 600 ngàn khẩu súng bộ binh; 65,626 súng chống xe tăng;  27,960 khẩu súng cối; 2, 430 khẩu pháo hỏa tiễn; 2,165 khẩu đại bác; 3,229 khẩu cao xạ; 19,836 hỏa tiễn phòng không;  2,209 xe tăng, thiết giáp; 458 máy bay chiến đấu; 82 tầu hải quân; 148 tầu vận tải….
Đầu thập niên 70, người Mỹ đã nhìn nhận phòng không BV mạnh nhất thế giới hồi đó.
Trong số những nguyên nhân gây thất bại, Tướng Navarre kể thêm: Chính phủ đã để cho quân đội bị đánh sau lưng, dễ dãi với bọn chủ bại, cho báo chí được quyền bất khả xâm phạm, báo chí biến thành một công ty làm suy yếu tinh thần quốc gia và cung cấp tin cho địch, khuyến khích che chở những lời vu cáo làm mất tinh thần quân đội. Đó là những kinh nghiệm xương máu của Pháp nhưng người Mỹ đã chẳng hề quan tâm  để rồi cuộc chiến tại đất nhà đã làm sụp đổ hầu hết mọi nỗ lực.
Chiến sự ác liệt tại VN đã được các phóng viên quay phim, chụp hình đem về Mỹ vài ngày sau đó đưa vào các chương trình TV. Phóng viên, ký giả được tự do ra mặt trận quay phim, viết bài chống chiến tranh không bị kiểm duyệt đã thổi phồng phong trào phản chiến lên cao. Chính phủ đã quá dễ dãi, đó là một lỗi lầm tai hại.
Một người đã thất bại ê chề như McNamara không thể dậy bài học cho người khác, ông chỉ có thể rút kinh nghiệm cho chính ông hơn là cho bất cứ ai. McNamara viết In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam cũng như Navarre với Agonie de l’indochine mục đích để bào chữa cho sự thất bại của mình. So với Navarre, McNamara không có lý do để bào chữa, Navarre đã không được chính phủ Pháp yểm trợ đầy đủ, trong khi McNamara  có sự  ủng hộ tích cực của Quốc hội và người dân, ông đã nắm trong tay hơn nửa triệu quân nhưng đã hoàn toàn thất bại.
Nixon tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến của Hoa Kỳ tại VN, Johnson-McNamara đã để lại cho ông một gia tài đổ nát. Khi Nixon thay thế Johnson năm 1969 thì tỷ lệ chống chiến tranh đã lên rất cao. Những năm 1969, 1970 biểu tình bạo động, đổ máu bắt đầu.
Nixon vẫn tin vào thuyết Domino và lý luận sau khi mất VN, Hoa Kỳ mất nhiều nước khác: Mên, Lào, Mozambique 1975, Angola 1976, Ethiopia 1977, South Yemen 1978, Nicaragua 1979.
Năm 1969 khi thực hiện rút quân VN hóa chiến tranh, Nixon chủ trương không can thiệp, nhưng nay 1985 ông trở lại chính sách này của Hoa Kỳ. Ông  cho rằng “cô lập” không can thiệp sẽ khiến Hoa kỳ mất quyền lợi kinh tế, chính trị, Mỹ vẫn phải tiếp tục can thiệp đừng vì bóng ma chiến tranh VN ám ảnh mà bỏ cuộc. Nay Sô viết nhúng tay xúi dục, yểm trợ bọn phiến loạn cướp chính quyền những nước không CS. Chiến tranh sẽ sẩy ra tại những nước xa xôi như trong Thế giới Thứ ba, ta phải tự gột bỏ những ám ảnh bệnh hoạn hiện tượng Việt Nam nếu muốn tránh những thất bại khác của Thế chiến Thứ ba. Nixon nói từ 1974 Nga đã chiếm được chín nước mà không phải đem quân sang, từ cuộc chiến Triều Tiên, Sô viết đã tiến tới biên giới nhiều nước.
Nixon chủ trương tiếp tục can thiệp vào các nước Thế giới Thứ ba nhưng theo đường lối Sô viết (21), chỉ gửi viện trợ vũ khí mà không đem quân sang, bất đắc dĩ lắm mới phải dùng vũ lực. Hoa kỳ sẽ viện trợ kinh tế quân sự cho nước bị tấn công ngang với viện trợ của Sô viết cho bọn phản loạn.
Lời nói của Nixon không đúng so với thực tế chiến trường, như ta thấy trong cuộc chiến tranhVN, Hoa kỳ không viện trợ cho VNCH đủ hỏa lực có thể tự vệ được. Năm 1972 nếu không có yểm trợ của B-52 , miền nam VN chưa chắc đã giữ được Quảng trị, Kontum, Bình Long, chính ông Cao Văn Viên đã công nhận như thế (22). Hoa Kỳ không bao giờ muốn cho VNCH mạnh có thể vì sợ miền Nam đánh ra Bắc, họ chỉ muốn miền Nam yếu hơn BV và cần phải yểm trợ bằng B-52 để tạo thế cân bằng. Ngay như  năm 1950 Hoa Kỳ cũng không viện trợ đầy đủ cho Nam Hàn bằng Nga sô cho Bắc Hàn nên miền Bắc với dân số ít hơn đã tràn xuống xâm lược miền Nam và chính Hoa Kỳ cũng đã phải đưa đại binh vào cứu nguy.
Nixon nói Hoa Kỳ chỉ viện trợ quân sự vũ khí, nước bị tấn công phải chịu trách nhiệm cung cấp nhân lực tự vệ. Chính phủ VNCH rất  muốn họ cung cấp quân viện đầy đủ để tự chiến đấu nhưng người  Mỹ lại muốn đích thân đưa quân vào tham chiến như tại Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003. Họ không bao giờ làm được như Sô Viết đứng ngoài giựt giây.
Cũng như McNamara và nhiều tác giả Mỹ, Nixon nói người Việt Nam mặc dù đã được Hoa Kỳ trang bị, huấn luyện nhưng cũng không tự vệ được mà phải nhờ vào sự chiến đấu của quân đội Mỹ, điều này sai lầm tận gốc rễ. Người Mỹ viện trợ cho VN ít hơn nhiều so với CS quốc tế trang bị cho Hà Nội, từ 1960 cho tới 1975 miền nam luôn yếu hơn CS . Năm 1975 trong khi VNCH bị cắt viện trợ tới xương tủy, tháng 4 chỉ còn đủ đạn đánh hai tuần (23), Hà Nội đã được Sô Viết cho tăng viện trợ gấp bốn lần từ cuối năm 1974 (24).
TT Nixon (25), ông Cao Văn Viên cũng đều đã nói đáng lý phải Việt Nam hóa chiến tranh từ 1965. Thay vì đưa quân vào chiến đấu, Hoa kỳ chỉ cần viện trợ quân sự đầy đủ cho miền nam VN, quân đội VNCH thừa sức bẻ gẫy mọi cuộc tấn công qui mô của Hà Nội. Nếu Hoa kỳ làm được như thế thì đã không có hơn 58,000 lính Mỹ bị thiệt mạng, không có phong trào phản chiến đưa tới sụp đổ tan tành.
Nhưng không bao giờ người Mỹ làm được như Sô Viết mà họ chỉ muốn đưa đại binh vào can thiệp để rồi như ta đã thấy khi chiến sự kéo dài, chết người, tốn của thì họ lại than thở đó là cuộc chiến sai lầm như tại Việt Nam, Afghanistan và Iraq.
© Trọng Đạt
Chú thích
(1) Đông Dương Hấp Hối, Agonie de l’Indochine, in năm 1956chương X, Những Bài Học của Cuộc Chiên Đông Dương, Les Lecons de la Guerre d’Indochine, trang 316 -335
(2) Sách đã dẫn, sous-estimé l’adversaire, trang 317
(3) Hồi đó Sài Gòn là thủ đô Quốc Gia Việt Nam
(4) soit frappée dans le dos, trang 320
(5) Trang 322
(6) Hồi Tưởng, Bi Kịch và Bài Học Của Việt Nam, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, in 1995, chương 11 Những Bài Học Của Việt Nam, The Lessons of Vietnam, trang 319-335
(7) Sách đã dẫn trang 320
(8) Không Còn Có Những Việt NamNo More Vietnams,  in năm 1985, chương 6 Thế Chiến Thứ Ba, Third World War, trang 212-237
(9) No More Vietnams, trang 217
(10) Trang 219
(11) Trang 237
(12) Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, in 2007, trang 16, 17.
(13) No More Vietnams trang 170,171
(14) Trang 42, 43 Agonie de l’Indochine
(15) In Retrospect, trang 139. No More Vietnams trang 75
(16) Stanley Karnow, Vietnam a History trang 390;
(17) Lâm vĩnh Thế, VNCH 1963-1967, Những Năm Xáo Trộn trang 98
(18) In Retrospect, trang 164
(19) Cao Văn Viên  Những Ngày Cuối của VNCH, in 2003, trang 292.
(20) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đăng Phong,Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(21) No More Vietnams trang 217
(22) Cao Văn Viên, NNCCVNCH trang 19
(23) Cao Văn Viên, NNCCVNCH trang 92
(24) Henry Kissinger,Years of Renewal trang 481.
(25) No More Vietnams 218

http://quanvan.net/trong-dat-bai-hoc-tu-cuoc-chien-viet-nam/

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.