Trên chiến trường, hầu hết các cấp chỉ
huy đều có một danh hiệu truyền tin riêng. Hoặc tự chọn hoặc do phòng
(ban) Truyền Tin cung cấp. Tất nhiên ai cũng muốn danh hiệu của mình
phải có một ý nghĩa đặc biệt nào đó. Có vị thích lấy tên một danh tướng
trong lịch sử dân tộc: Ngô Quyền, Quang Trung, Lê Lợi...Có vị lấy tên
địa danh nơi mình sinh ra: Nam Định, Ý Yên, Cần Thơ, Ninh Kiều, Nha
Trang, Đồ Sơn, Đà Lạt... Có vị lấy tên một con sông hay một ngọn núi
hùng vĩ: Bạch Đằng, Hồng Hà, Hạ Long, Sầm Sơn,Yên Tử... Cũng có vị lại
thích tên một cô ca sĩ (dù không chắc đã ái mộ): Thanh Nga, Thanh
Tuyền, Thanh Lan, Thanh Thúy, Phương Dung... Và cũng có vị chọn một
danh hiệu, trong đó có cái tên thật (hoặc gần giống) trong khai sanh,
như Nguyễn Đình Bảo: “Bảo Ngọc”, Bùi Quyền : “Tố Quyên”, Lê Minh Ngọc
“Ngọc Nga”, Bùi Văn Lộc: “Đại Lộc”, Lê Văn Mễ: “Mê Linh”, Võ Mộng Thúy:
“Thủy Tiên”...
Riêng ông “anh” của bọn tôi, không
biết vì sao lại chọn cái danh hiệu “Bá Hòa”. Nghe hiền khô, không oai
phong và cũng chẳng văn nghệ chút nào. Vậy mà cái tên Bá Hòa này lại
nằm mãi trong tâm khảm của đám bọn tôi, từ quan tới lính, và cũng từng
gây khốn đốn, tai họa cho đám giặc “sinh Bắc tử Nam” của các Sư đoàn
Điện Biên (còn gọi là Sư đoàn Thép), Sao Vàng, và các đơn vị khác thuộc
Mặt Trận B-3 (Tây Nguyên) trong suốt một thời “Mùa Hè Đỏ Lửa”.
Đúng ra, theo lễ nghi quân cách, bọn
tôi phải gọi “anh” là Chef, là Đại Bàng, Mặt Trời hay “bạch văn” hơn là
Trung Tá, Trung Đoàn Trưởng mới đúng. Nhưng dường như trong suốt thời
gian hơn bảy năm anh ở đơn vị này, trừ khi đứng trước hàng quân, đám sĩ
quan bọn tôi chỉ gọi anh bằng một tiếng “Anh” hay hai tiếng “Bá Hòa”!
Và ngược lại, anh gọi bọn tôi bằng tên, thằng nào thân tình lắm thì anh
gọi bằng toa và xưng moa. Chỉ trừ có mấy ông xuất thân từ Trường Võ Bị
thì gọi anh là Niên Trưởng! (Sau này tôi mới biết (và hơi ganh tỵ) là
mấy ông anh Võ Bị đã giành độc quyền cái từ “Niên Trưởng” này, nghe vừa
oai phong vừa đầy ắp ân tình, mà dường như không có trong cuốn tự điển
nào)
Anh luôn giữ tác phong nghiêm chỉnh
nhưng xuề xòa vui vẻ. Tôi chưa hề thấy anh lớn tiếng la rầy hay khiển
trách một sĩ quan nào. Khi vui anh cười (có khi hít cả mắt). Tình hình
nghiêm trọng, anh trầm ngâm, tư lự và trong đầu đang vẽ ra rất nhanh
những kế hoạch khả thi. Giận đàn em, anh nghiêm mặt một lúc rồi từ tốn
tâm tình giải thích. Đặc biệt khi đụng trận, anh rất bình tĩnh, ngay cả
những lúc đơn vị đang bị tấn công và căn cứ hỏa lực của BCH Trung Đoàn
bị hàng ngàn quả pháo. Những lúc này tiếng nói và danh hiệu Bá Hòa
trên các hệ thống vô tuyến trở nên ấm áp, thân tình nhưng lại có sức
mạnh, đanh thép, quyết liệt phi thường. Cường điệu một chút, có thể nói
như là một phép mầu làm phấn chấn và yên lòng binh sĩ.
Vậy mà bọn tôi sợ anh ra mặt. Và điều sợ nhất là làm cho anh... buồn!
Trong trận chiến Tây Bắc Kontum vào
đầu tháng 5 năm 1972. Sau khi chiếm được Dakto,Tân Cảnh, gây thiệt hại
nặng nề cho Sư Đoàn 22BB cùng với cái chết hào hùng của vị Tư Lệnh,
Đại tá Lê Đức Đạt, “thừa thắng xông lên”, tướng CS Hoàng Minh Thảo tung
cả trung đoàn tăng T-54 cùng bộ binh , đặc công của Sư Đoàn Thép 320
“hợp đồng chiến đấu”, tràn xuống, với ý đồ chiếm lấy Kontum. Không ngờ
Trung Đoàn 44 của Sư Đoàn 23BB/VNCH vừa di chuyển từ vùng duyên hải lên
Pleiku, được không vận khẩn cấp lên Kontum, trám vào tuyến phòng thủ
Tây Bắc này chỉ sáu tiếng đồng hồ trước đó, đã chặn đứng và đánh tan một
lực lượng địch đông đảo, bắn cháy hơn 10 chiến xa và bắt sống 2 chiếc
tăng T-54 cùng với tên đại đội trưởng. Trên đường tháo chạy ngược về
hướng Bắc, lực lượng bại trận và cả mấy đơn vị trừ bị của địch bị B-52
tiêu diệt. Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư Lệnh Mặt Trận B-3 bị mất chức.
Kontum và cả Tây Nguyên đứng vững cho tới ngày 14 tháng 3/1975, khi
Quân Đoàn II phải thi hành cái lệnh “di tản chiến thuật” theoTỉnh Lộ
7B, tồi tệ, oan khiên.
Trung Đoàn 44BB được tuyên dương trước
quân đội, và được Bộ TTM tuyển chọn là đơn vị xuất sắc nhất của QLVNCH
trong Mùa Hè 1972.
Chiến công lớn lao ấy tất nhiên thuộc
về tất cả những người lính tham dự cuộc chiến. Nhưng trong thâm tâm mọi
người, nhất là những sĩ quan trong đơn vị và đặc biệt là Tướng Lý Tòng
Bá, Tư Lệnh chiến trường, đều nghĩ tới Bá Hòa. Dù khi ấy anh còn là
Trung Đoàn Phó. Bởi tiếng nói và danh hiệu Bá Hòa suốt ngày đêm vang
trên hệ thống vô tuyến, bình tĩnh điều quân và hướng dẫn phi pháo yểm
trợ chính xác, tạo niềm tin và ý chí mãnh liệt cho tất cả các tiểu đoàn
trực thuộc ở tuyến đầu, mả các tiểu đoàn trưởng đều là niên trưởng
hoặc niên đệ của anh: Võ Anh Tài (Khóa16VB), Nguyễn Xuân Phán, Đặng
Trung Đức (Khóa19VB) và Hồ Đắc Tùng (Khóa 20VB). Tất cả các anh cũng đã
rất xứng đáng là những đứa con chung, cùng xuất thân từ ngôi trường Võ
Bị.
Mặc dù đây là lần đầu tiên trực chiến
với chiến xa địch, nhưng không hề nao núng, mặc cho tiếng xích sắc rú
gào đe dọa, anh Nguyễn Xuân Phán, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/44 đã
rất bình tĩnh, vừa gọi Pháo Binh tác xạ ngăn chặn, phân tán lực lượng
địch, vừa ra lệnh cho đơn vị chỉ khai hỏa khi những chiếc T-54 đến gần
trước mặt, trong tầm bắn chính xác và hữu hiệu nhất của M-72, và cả
B-40, B-41 (của địch do ta tịch thu được từ trước). Đại úy Nguyễn Xuân
Hướng, Tiểu Đoàn Phó của anh Phán là người khai hỏa và bắn cháy chiếc
T-54 đầu tiên của địch. Cả đơn vị càng lên tinh thần, bắn cháy tiếp
trên 10 chiến xa khác. Một chiếc T-54 chỉ huy với lá cờ đỏ sao vàng
treo trên cần anten, quá hốt hoảng, đâm xuống giao thông hào, bên cạnh
bộ chỉ huy tiểu đoàn, Cả xe và tên thượng úy đại đội trưởng bị bắt sống.
Tiếng cười của Bá Hòa lại vang trên máy, như một khích lệ đặc biệt làm
nức lòng những đàn em tham chiến.
Được thăng cấp đặc cách tại mặt trận,
anh rất xứng đáng, và đã chính thức trở thành một trong những trung
đoàn trưởng xuất sắc của QLVNCH.
Cũng phải công tâm mà nói, anh rất đặc
biệt chí tình với các huynh đệ Võ Bị của anh, nhưng không hề làm buồn
lòng các sĩ quan xuất thânThủ Đức, Đồng Đế, hay Đại Học CTCT. Chúng tôi
rất hiểu và tôn trọng anh về cung cách xử sự này. Bởi đó là truyền
thống tốt đẹp của trường Võ Bị. Hơn nữa khi còn là những SVSQ , các anh
đã sống với nhau một thời gian khá dài, ngoài sự hướng dẫn, huấn nhục,
giúp đỡ, tất cả đã từng xem nhau còn hơn cả tình huynh đệ.
Một sự kiện nhỏ, nhưng làm tôi khó quên. Đầu năm 1970,
khi anh còn làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2. Được mời lên gặp Trung tá
Điều Ngọc Chánh,Trung Đoàn Trưởng, cũng là niên trưởng ( Khóa 8VB) của
anh, để hỏi ý kiến đề cử anh vào chức vụ Trung Đoàn Phó, thay thế cho
một vị trung tá (nguyên CHT /ANQĐ/ QĐ IV&QK4 bị phạt ra khỏi ngành,
thuyên chuyên về đơn vị mới hơn hai tuần lễ) bị Tướng Ngô Dzu, Tư
Lệnh QĐ II cách chức tại mặt trận, trong khi chỉ huy Chiến Đoàn gồm hai
tiểu đoàn cơ hữu, hành quân tiếp ứng cho một tiểu đoàn Dù bị thiệt hại
khá nặng tại Căn Cứ 6 – Kontum.
Trung tá Chánh cho biết, theo khẩu
lệnh của Tướng Ngô Dzu, Trung Đoàn phải tìm gấp một sĩ quan cơ hữu có
khả năng để thay thế chức vụ trung đoàn phó, nếu không, ông sẽ chỉ định
một trung tá tại TTHQ/QĐ xuống đảm nhiệm chức vụ này, Trung tá Chánh
nhìn sang anh, hỏi:
Rất bất ngờ, chúng tôi nghe anh từ chối:
-Cám ơn Trung Tá, nhưng tôi khó nghĩ
quá, khi có niên trưởng Võ Anh Tài, Khóa 16, đang là Tiểu đoàn trưởng
Tiểu Đoàn 4. Tôi dù gì cũng là đàn em, e khó xử sự với anh ấy
Trung tá Chánh và cả anh em bọn tôi
phải tìm mọi cách giải thích (Cho dù lúc đó anh đang mang cấp bậc thiếu
tá thực thụ, còn anh Tài là đại úy). Đặc biệt tất cả anh em cũng đều
tha thiết được có anh, thay vì một sĩ quan lạ đến nhận chức vụ này. Cuối
cùng anh mới chịu nhận. Và sau này anh Võ Anh Tài rất nể phục người
niên đệ Khóa 17 đang là cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Tháng 6/1972,
Thiếu tá Võ Anh Tài bị thương nặng , mất cả hai chân (20 phút sau đó đã
hy sinh) trong lúc chỉ huy tiểu đoàn tái chiếm Bệnh Viên 2 Dã Chiến
(Kontum) bị Cộng quân xâm nhập . Lần đầu tiên tôi thấy Bá Hòa giấu
những giot nước mắt khi tiễn đưa niên trưởng của mình lên trực thăng
tản thương, và biết chắc là sẽ không thể nào sống được.
Vào năm 1969, một chuyện bất ngờ không
vui đã xảy ra cho một sĩ quan đại đội trưởng ưu tú. Anh tốt nghiệp
Khóa 20 VB và là người từng được thăng cấp đặc cách trung úy (nhiệm
chức) sớm nhất. Đại đội của anh hành quân biệt lập tại Quận Thiên Giáo,
một quận mất an ninh nhất của Tỉnh Bình Thuận. Nhận tin từ một niên
trưởng ở Phòng Tổng Quản Trị SĐ cho biết, anh đã có nghị định thăng
cấp đại úy. Thấy đại đội hành quân biệt lập ở một địa điểm xa và tương
đối mất an ninh, nghĩ rằng sẽ không có cấp chỉ huy nào tới để gắn lon,
nên anh đã tự động mang lon đại úy và khao lon trước đại đội . Ngày hôm
sau, Chuẩn tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn từ Ban Mê Thuột bay
xuống thăm đại đội anh, mang theo vị sĩ quan Phòng TQT/ SĐ cùng nghị
định thăng cấp và cặp lon đại úy mới toanh dành gắn cho anh. Khi trực
thăng vừa đáp xuống, Tướng Ân nhìn thấy anh đại đội trưởng đứng nghiêm
đón chào cùng với một tiểu đội an ninh danh dự, trên cổ áo đã có lon
đại úy. Ông ra lệnh cho giải tán trở về đại đội, rồi im lặng không nói
thêm một lời nào, lên trực thăng cất cánh. Đáp xuống bản doanh BCH Trung
Đoàn tại trại Lý Thường Kiệt - Sông Mao, Tướng Ân ra lệnh cho Trung
Đoàn Trưởng tìm một sĩ quan thay thế anh đại đội trưởng này ngay, đồng
thời đưa anh ra tiểu đoàn khác làm đại đội phó, kèm theo một lệnh phạt
rất nặng: 30 ngày trọng cấm và “giam” lon đại úy trong hai năm! (Tướng
Trương Quang Ân nổi tiếng là một vị tư lệnh tài ba, liêm khiết, nhưng
rất mực nghiêm khắc. Ông rất coi trọng cấp bậc của quân đội. Sĩ quan
thuộc cấp, làm việc dưới quyền ông, thường bị phạt nhiều hơn là được
khen thưởng. Và khi đề nghị thăng cấp một sĩ quan, ông rất cân nhắc,
thận trọng).
Bá Hòa thấy tội nghiệp cho niên đệ của
mình. Đúng là một tai nạn (Giống như trường hợp của anh, khi mãn khóa
từ Trường CHTM, nhận lệnh bổ nhiệm về Sư Đoàn để bổ sung cấp tiểu đoàn
trưởng, cũng bị tai nạn tương tự, khi dám thẳng thắn bày tỏ ý kiến trước
một lời nói của vị Tư Lệnh mà anh cho là ít nhiều xúc phạm đến liêm sĩ
của một sĩ quan, nên bị Tướng Ân ghi vào “sổ đen” và cho đi làm tiểu
đoàn phó). Anh yêu thương và thông cảm đàn em, nên mặc dù cũng mới về
đơn vị và đang tạm thời ở BCH Trung Đoàn, chưa được nhận chức vụ gì,
nhưng khi biết tin này, anh vội vàng lên gặp Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh,
Trung Đoàn Trưởng, xin ông trình bày riêng với Tướng Ân để thông cảm
mà rút lại lệnh phạt, bởi vì anh trung úy này là đại đội trưởng xuất
sắc, một gương sáng cho đơn vị, chỉ vì tưởng là không có cấp chỉ huy
nào tới vùng hành quân xa xôi và bất an để gắn lon sau khi đã có quyết
định thăng cấp, nên vô tình đã thất lễ và làm phật lòng Tư Lệnh. Nhưng
lệnh phạt đã ban ra và gởi về BTTM, không thay đổi được. Hơn nữa với
Tướng Ân, không có trường hợp thay đổi quyết định bao giờ. Trung Tá
Nguyễn Bá Thịnh trước khi về Sư Đoàn đã có một thời gian phục vụ tại
Trường Võ Bị QGVN, là Trưởng Khoa Chiến Thuật cho Khóa 17 của Bá Hòa và
sau đó là Liên Đoàn Trưởng SVSQ cho Khóa 20 của anh trung úy gặp
“nạn”. Cuối cùng, anh trung úy được sắp xếp làm phụ tá Ban 3 cho một
Trưởng Ban niên trưởng (Khóa 19VB), thay vì ra làm đại đội phó. Một thời
gian sau, anh được thuyên chuyển về Trưòng VBQGVN, với một lời phê rất
tốt của vị Trung Đoàn Trưởng trong đơn xin cũng như trong hồ sơ quân
bạ.
Bá Hòa đã làm hết khả năng của một cấp chỉ huy và tròn thiên chức của một niên trưởng đối với một người đàn em Võ Bị.
Tháng 10/1971, Đại úy Phạm Văn Thái
(Khóa 20VB), từ Phòng 3 Sư Đoàn được bổ nhậm vể Trung Đoàn để giữ chức
vụ Trưởng Ban 3, thay thế Đại úy Đặng Trung Đức (Khóa 19VB) ra nắm Tiểu
Đoàn 1, khi người đàn anh tiền nhiệm , Thiếu Tá Nguyễn Long Điệp (Khóa
18VB) được lệnh thuyên chuyển về BTL Cảnh Sát Quốc Gia. Đại úy Thái
nhận chức vụ Trưởng Ban 3 Trung Đoàn chưa đầy hai tuần lễ, thì Trung
Đoàn có một vị trung đoàn trưởng mới cũng từ BTL/ SĐ chuyển đến. Đại úy
Thái trông rất hiền lành, cần mẫn, nhưng không biết thời gian làm việc
ở BTL Sư Đoàn, anh có điều gì phạm thượng hay làm buồn lòng vị tân
trung đoàn trưởng hay không, mà ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông liền
cách chức Đại úy Thái và dự trù đưa ra làm đại đội trưởng. (Người viết
bài này “bị” chỉ định kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban 3 thay thế anh
Thái, đúng lúc toàn bộ Trung Đoàn nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên An
Khê để thay thế cho một Lữ Đoàn thuộc Sư Đoàn I Không Kỵ Hòa Kỳ rút quân
về nước và cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh thành lập Chiến Đoàn 44, hành
quân giải tỏa các căn cứ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn dọc theo QL-19 bị
Cộng quân vây hảm, và khai thông quốc lộ này để Pleiku, Kontum có thể
nhận được tiếp tế từ BCH 2/TV và các căn cứ yểm trợ tại Qui Nhơn).
Lúc này Bá Hòa đã có mặt trước ở An Khê. Trên đường di chuyển, tôi theo
“năn nỉ” ông Trung Đoàn Trưởng để cho Đại úy Thái được trở lại chức vụ
mà anh đã được bổ nhiệm, hoặc nếu phải ra tiểu đoàn thì cho anh giữ
chức vụ tiểu đoàn phó cho anh Đức, niên trưởng của anh. Nhưng vị Trung
Đoàn Trưởng quyết liệt từ chối. Đến An Khê, tôi lại phải cầu cứu đến Bá
Hòa. Với uy tín và lòng đùm bọc, yêu thương em út Võ Bị, anh đã tận
tình can thiệp với Trung Đoàn Trưởng. Cuối cùng, anh Thái được cấp sự
vụ lệnh hoàn trả về Phòng 3 Sư Đoàn, Sau này anh được bổ nhiệm về Trung
Đoàn 45 giữ chức vụ tiểu đoàn phó và mấy tháng sau lên làm tiểu đoàn
trưởng. Thiếu Tá Phạm Văn Thái đã tự sát tại Phan Rang vào đầu tháng
4/75, trước khi thành phố này lọt vào tay giặc
Cuối tháng 9- 1972, sau một thời gian điều trị vết
thương tại QYV Đoàn Mạnh Hoạch – Phan Thiết, Bá Hòa về trình diện
BTL/Sư Đoàn, được Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm chỉ định anh ở lại BTL đảm
nhiệm chức vụ Trưởng Phòng 3/SĐ.
Tháng 5-1973, khi cùng tiểu đoàn tái
chiếm và đang sửa sang lại hệ thống phòng thủ tại căn cứ Ngô Trang phía
Bắc Kontum, Thiếu Tá Đặng Trung Đức (Khóa 19/VB) Tiểu Đoàn Trưởng 1/44
bị tử thương bởi pháo địch. Tình hình rất phức tạp. Địch có mặt chung
quanh và rất nhiều súng phòng không. Trực thăng tải thương cố gắng rất
nhiều lần nhưng không thể đáp xuống để bốc thi thể của cố Trung Tá Đức.
Bá Hòa quá đau lòng vì mất một tiểu đoàn trưởng xuất sắc đã cùng anh
bao lần vào sinh ra tử và thương tiếc cho một niên đệ Võ Bị. Anh trình
Tướng Tư Lệnh , xin điều động chi đoàn chiến xa và một tiểu đoàn trừ bị
cùng đại đội Trinh Sát, bằng mọi cách vào lấy xác cố Trung Tá Đức. Anh
rất đỗi vui mừng khi việc lấy xác thành công, nhưng sau đó ( và cho
đến bây giờ) mỗi lần tâm tình với tôi, vì biết tôi là người bạn thân
tình của anh Đức, Bá Hòa đều nhắc tới anh và đau buồn về cái chết của
niên đệ tiểu đoàn trưởng tài ba này.
Trong suốt cuộc hành quân tại Kontum,
Bá Hòa luôn dùng hai Tiểu Đoàn 1 và 2/44 làm nổ lực chính và thi hành
những trách nhiệm cam go nguy hiểm nhất. Vì anh tin tưởng vào hai tiểu
đoàn trưởng niên đệ (Khóa 19) mà anh đã xem như anh em ruột thịt, từ khi
tất cả còn là những SVSQ Võ Bị.
Anh đặc biệt yêu thương và nâng đỡ các
niên đệ Võ Bị , nhưng cũng rất công bình khi khen thưởng, bổ nhiệm
chức vụ cho các sĩ quan có khả năng dù tốt nghiệp bất cứ quân trường
nào. Đầu năm 1974, anh đã bổ nhiệm hai sĩ quan rất trẻ, tốt nghiệp Thủ
Đức, ít thâm niên nhưng có khả năng vào các chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng
các Tiểu Đoàn 2 và 3/44: Đại úy Nguyễn Văn Pho (Khóa 25 Thủ Đức) là một
đại đội trưởng giỏi của anh lúc anh còn nắm Tiểu Đoàn 2, và Đại úy Phan
Công Minh (Khóa 27 TĐ), nguyên là đại đội trưởng Trinh Sát Trung Đoàn.
Nguyễn Văn Pho đã tự sát trên đường di tản từ Tỉnh Lộ7-B, và Phan
Công Minh bị trọng thương được anh đưa về BCH làm việc với anh tới giờ
chót.
Ngày 14/3/1975, ngay sau khi Ban Mê
Thuột thất thủ, Trung Đoàn được lệnh trực thăng vận xuống Phước An,
quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm trên QL 21, cách Ban Mê
Thuột khoảng 30 cây số về hướng Dục Mỹ. Khi anh cùng Tiểu Đoàn 3/44 và
Đại Đội 44 Trinh Sát vừa nhảy xuống Phước An, cũng là thời điểm Pleiku
và cả Quân Đoàn II có lệnh di tản. Hai tiều đoàn còn lại tại phi trường
Hàm Rồng, phải di tản cùng đoàn quân trên Tỉnh Lộ 7B. Tất cả tan hàng.
Hai anh tiểu đoàn trưởng đã tự sát không để lọt vào tay giặc.
Ngày hôm sau, đại quân Cộng sản với
từng đoàn chiến xa T-54 tràn xuống Phước An. Chuẩn tướng Tư Lệnh Lê
Trung Tường bị thương khi chiếc CNC của ông bị bắn, phải vào QYV. Đại
tá Lê Hữu Đức thuộc BTL Quân Khu 2 (bản doanh tại Nha Trang) được chỉ
định tạm thời thay thế. Vị tân Tư Lệnh dự định đáp xuống đỉnh đồi Chư
Cúc để gặp và bàn thảo kế hoạch cùng hai vị Trung Đoàn Trưởng 44 và 45.
Khi trực thăng chỉ huy của ông đang trên đường bay tới cũng là lúc
nhiều xe tăng và bộ binh địch tràn lên đỉnh đồi, nơi được phòng thủ chỉ
bằng một đại đội ĐPQ. Hơn suốt 12 năm chiến trận, với nhiều kinh
nghiệm chiến trường đã tạo nên bao chiến tích lẫy lừng, người chỉ huy
tài ba này chỉ còn khả năng duy nhất, cùng vị sĩ quan hành quân của
mình vượt thoát hiểm nguy trong gang tấc. Vừa chạy xuống đồi, anh nghe
tiếng anh Đại Đội Trưởng Trinh Sát: “báo cáo Bá Hòa, bọn tôi nướng được
hai con cua sắt”. Một chút vui vừa lóe lên bỗng dưng anh thấy lòng thắt
lại khi tiếng đại bác 100 ly và đại liên trên các xe tăng địch làm
rung chuyển cả một khu rừng. Anh mất liên lạc với các “đứa con” của
mình.
Danh hiệu Bá Hòa trên hệ thống vô tuyến lúc bấy giở chỉ
còn là âm vang đau đớn, tức tưởi như tiếng của một con đại bàng thương
tích đang tha thiết gọi đàn. Nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi
trong lòng những người đã cùng anh vào sinh ra tử, từng một thời sống
chết bên nhau.
Tháng 11/2014
Phạm Tín An Ninh
0 comments:
Post a Comment