Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday 28 August 2016

Dân Muốn Biết: Bia và lòng ái quốc

 Bia và lòng ái quốc
Hồi đầu hè, công ty sản xuất loại bia nổi tiếng thế giới Budweiser thông báo là bắt đầu từ cuối tháng 5 đến hết tháng 11, nhãn hiệu “Budweiser” in trên các chai hoặc lon loại 12oz sẽ được thay bằng chữ “America”, nhưng vẫn giữ nguyên nét và màu chữ như cũ.

Đây là loạt quảng cáo và tiếp thị mới của công ty được cho là rất khôn ngoan nhằm lợi dụng lòng ái quốc của người Mỹ trong khi nhiều sự kiện quan trọng liên tiếp diễn ra trong mùa hè và thu năm nay. Về thể thao thì có Thế vận hội và giải bóng đá Copa America. Về thời sự thì cuộc tranh cử tổng thống bắt đầu bước vào giai đoạn cuối với hai cuộc hội nghị toàn quốc của hai chính đảng Cộng hoà và Dân chủ, tiếp theo là những cuộc tranh luận của ứng cử viên, và cuối cùng là ngày toàn quốc đi bầu 8/11.

Trong những tháng hè nóng bức đến khô cả cổ họng thì ai lại không muốn uống một hớp “America” mát lạnh cho sung sướng cõi lòng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Budweiser quảng cáo bia của họ lấy chủ đề lòng ái quốc, nhưng tạm thời đổi tên hiệu thì đây là lần đầu và cũng là chiến lược quảng cáo mới của công ty.

Ngoài việc đổi tên thành “America”, Budweiser còn cho đổi luôn khẩu hiệu “King of Beers” (Vua của các loại bia) thành “E Plurius Unum” (nghĩa là “Trong rất nhiều, riêng chỉ một”) – đây là câu được in trên các loại tiền của Mỹ. Ngoài ra, những dòng chữ nhỏ in phía trên cao nhất trước đây mô tả cách chưng cất bia Budweiser ra sao thì nay cho in lời của bài quốc ca Mỹ. Như vậy đủ thấy công ty làm bia tận dụng đến từng chi tiết nhỏ như thế nào.

Thế nhưng, chiến lược quảng cáo này của Budweiser cũng đã gặp nhiều chống đối, trong đó có nhà bỉnh bút George F. Will của tờ Washington Post. Những tiếng nói phản đối đều có chung một lý do duy nhất: Budweiser nay không còn là của người Mỹ nữa nên không xứng đáng để được quyền kêu gọi lòng ái quốc của người dân Mỹ.

Trên thực tế, công ty mẹ sản xuất bia Budweiser là Anheuser-Busch từng là một trong những công ty lâu đời nhất ở Mỹ. Thành lập từ giữa thế kỷ 19 và nếu còn đứng độc lập thì đến nay đã hơn 150 tuổi và là công ty sản xuất bia lớn nhất nước Mỹ. Năm 1988 công ty sản xuất 50 triệu thùng nhưng nay chỉ còn sản xuất khoảng 16 triệu, một phần là do thói quen uống bia rượu của người Mỹ đã thay đổi, mặc dù vậy Budweiser vẫn là loại bia được uống nhiều nhất ở Mỹ.

Năm 2008, do ngày càng bị các công ty cổ đông tạo áp lực nên Anheuser-Busch quyết định bán cho một công ty bia rượu của Bỉ là InBev với giá $52 tỉ và kể từ đó công ty mang tên Anheuser-Busch InBev. Trên giấy tờ, công ty sản xuất bia Budweiser không còn là của người Mỹ nữa.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói đơn giản như thế thôi thì có hơi oan cho Budweiser vì cho đến nay vẫn còn hơn một chục cơ sở chưng cất bia Budweiser ở trong nội địa Mỹ, mà cơ sở chính nằm tại St. Louis, Missouri, cũng như một số cơ sở đóng chai và nhiều nông trại trồng hoa bia (hops) vẫn còn hoạt động với tổng số nhân viên lên đến hàng chục ngàn người. Nhưng người Mỹ có niềm tự hào dân tộc của họ. Vậy mà bỗng dưng một ngày một trong những công ty lâu đời nhất của Mỹ bị một công ty ngoại quốc thu mua thì bảo sao không làm cho nhiều người Mỹ cảm thấy đau lòng. Nếu nhìn vấn đề theo cách đó thì Budweiser kể ra cũng đáng tội lắm chứ. Ai bảo lại ham tiền.

Phải nói dài dòng như thế để thấy rằng người Mỹ thích uống bia và coi trọng việc uống bia, nhất là thứ bia đã có từ lâu đời như một truyền thống. Mỗi năm, số lượng bia người Mỹ tiêu thụ chỉ đứng sau những loại nước ngọt giải khát khác cộng lại, với tổng số chi tiêu là hơn $100 tỉ. Kế đến, lòng ái quốc của người Mỹ không thiếu, nhưng khi cảm thấy như bị ai đó lợi dụng thì họ phản ứng lại ngay. Và một điều khác cũng rất quan trọng là bia đã từng đóng một vai trò quan yếu trong cuộc hành trình nổi trôi theo vận nước và lịch sử của Mỹ từ ngay những ngày đầu lập quốc.

Một trong những quốc phụ của nước Mỹ là Benjamin Franklin đã từng nói: “Bia là một bằng chứng cho thấy Thượng đế yêu thương chúng ta và ngài muốn chúng ta được vui vẻ.” Điều này cho thấy vào thời đó người Mỹ đã mê uống bia và Franklin có lẽ cũng là tay uống bia có hạng.

Vào thời còn là thuộc địa, khu vực New England có loại bia đen rất nổi tiếng của những người Thanh giáo mang đến, nhờ vậy nên nhiều người đã biết tới vùng đất này. Vào tháng 9 năm 1620, chiếc tàu lịch sử Mayflower nhổ neo rời Anh Quốc chở theo khoảng 100 hành khách và rất nhiều bia – loại bia nhẹ ít chất cồn được người Anh ưa chuộng. Nhờ làm từ hops, là chất bảo quản rất tốt, nên bia mang theo đi biển giữ được lâu hơn nước, là thứ thường biến thành vị mằn mặn chỉ sau ít tuần, đó là chưa kể trong trường hợp bị ô nhiễm thì còn hư sớm hơn thế.

Khi tàu Mayflower cặp cảng Plymouth, các hành khách và thủy thủy không còn muốn đi thêm nữa mà chỉ đòi lên bờ ăn nhậu vì đã có sẵn bia mang theo để mừng thoát hiểm. Một số sử gia cho rằng đây có thể là yếu tố đưa đến quyết định thả neo tại New England thay vì đi thêm xuống phía nam.

Ở khu vực thuộc địa của Hòa Lan, kỹ nghệ sản xuất bia đã góp phần tạo nên những đô thị và những thành phố sầm uất thương mại – điển hình như New York và Philadelphia. Những gia đình mang tên họ nổi tiếng như Rutgers, Vassar và Lispenard đều có phần vốn kinh doanh bia tại đây.

Thời chiến tranh cách mạng giành độc lập, khi mà các món hàng nhập cảng trở nên khan hiếm, ngành kỹ nghệ chưng cất bia tại New York và Pennsylvania đã giúp cung cấp loại bia tươi cho cả nước. Chính cá nhân tướng George Washington, là người mê bia và rượu của Anh Quốc, cũng phải tìm đến loại bia nội hóa ở Philadelphia để khỏa lấp cơn thèm, và đã từng khen bia của thành phố này “rất ngon”.

Vì khí hậu nóng và ẩm, những đồn điền phía nam không trồng được loại lúa mạch để làm bia, nhưng người dân ở khu vực này cũng có loại bia của riêng họ làm từ loại mật đường. Một quốc phụ khác của nước Mỹ là Thomas Jefferson khi về hưu đã dành nhiều thời giờ tại ngôi biệt thự Monticello để nghiên cứu tìm một công thức làm bia mới cho dân miền nam.

Loại bia làm từ bắp của Jefferson được một số dân da đen và di dân Ái Nhĩ Lan-Tô Cách Lan ưa thích nhưng không thành công. Về sau, công thức bia bắp được cải biến để dùng chưng cất rượu whiskey, mở đường cho ngành kỹ nghệ sản xuất rượu mạnh của Mỹ.

Nhưng bia làm tại Mỹ thật sự có vị thế vững vàng là ở vùng Trung Tây, nhờ có được loại men mới và kỹ thuật chưng cất bia của những di dân gốc Đức. Tại những thành phố như St. Louis và Milwaukee, loại bia nhẹ có màu vàng nhạt của người Mỹ bắt đầu được sản xuất vào giữa thế kỷ 19 chiếm được cảm tình và khẩu vị không chỉ người Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, và kể từ đó nhiều người Mỹ đã chuyển qua uống loại bia mới này thay vì uống whiskey và bia của người Anh như trước kia.

Trong thời nội chiến, thuế đánh lên bia góp phần không nhỏ cho chính quyền liên bang trang trải các chi phí liên quan đến chiến tranh và đưa bia lên địa vị là thức uống được ưa thích ở những cuộc vui của người Mỹ trong suốt nửa thế kỷ sau đó cho đến khi một đạo luật cấm bia rượu ra đời làm cho công việc sản xuất bia bị khựng lại. Mãi đến năm 1933, khi đạo luật này được bãi bỏ, thì chỉ còn lại một vài công ty sản xuất bia loại lớn còn tồn tại và trở thành những đại công ty làm bá chủ ngành sản xuất bia cho mãi đến tận ngày nay, trong đó có Anheuser-Busch của Budseiser.

Nay thì dường như khẩu vị của người Mỹ lại đang thay đổi và có xu hướng chuộng những loại bia làm theo lối thủ công của những nhà sản xuất bia nhỏ ở địa phương. Con số những nhà sản xuất bia thủ công ở Mỹ đã leo từ vài chục nhà vào đầu thập niên 1980 lên đến hơn 4,100 nhà hiện nay, với đủ mọi loại và mùi vị mà người ta có thể tưởng tượng ra. Theo cách nhẩm tính của nhà báo George Will thì phần lớn những người Mỹ trong độ tuổi được phép uống bia đang sống trong phạm vi 10 dặm của các cơ sở sản xuất bia thủ công. Do đó, những loại bia sản xuất tại địa phương đến tay người dân dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây có lẽ là lý do vì sao bia Budweiser đã bị mất đi phần nào địa vị bá chủ trước kia và phải đưa chiêu thức mới khơi dậy lòng ái quốc của người dân Mỹ để bán bia thì quả là tội nghiệp.

Nhưng thiết tưởng bia và lòng ái quốc không nên sánh đôi cùng nhau. Nhất là khi uống bia thì chỉ nên nói những chuyện vô thưởng vô phạt cho vui, nghe qua rồi bỏ chứ không nên mang chuyện ái quốc ra bàn bạc vì thông thường ở bàn nhậu, chai đầu tiên câu chuyện còn mạch lạc, chai thứ hai thì bắt đầu lạc đề, đến chai thứ ba là đã có người nói sảng và mạnh ai nấy nói chứ đâu mấy ai chịu ngồi nghe. Ái quốc là chuyện hệ trọng, nên bàn bạc ở những nơi khác, đừng mang đến bàn bia.
Huy Lâm

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.