Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Wednesday 21 October 2015
Home »
Dân Muốn Biết
» Đừng theo ‘gót chân Achilles’ của Trung Quốc, tương lai của đất nước ở đâu?
Đừng theo ‘gót chân Achilles’ của Trung Quốc, tương lai của đất nước ở đâu?
Wednesday, October 21, 2015
No comments
Tương lai của đất nước ở đâu?
Tôi hoang mang sợ hãi giữa cả đống tin tức ập vào trong cùng một thời
điểm, của bạo lực, của chết chóc mà nạn nhân là trẻ em, từ rất rất nhỏ
đến dưới tuổi vị thành niên. Khắp nơi trên đất nước này, ngày ngày những
buổi chiều tôi vẫn nghe ong ỏng tiếng loa phường vang mãi câu ca “trẻ
em hôm nay, thế giới ngày mai.” Mà đau lòng làm sao, tôi thấy mình vẫn
đang sống trong một đất nước mịt mờ chẳng có ngày mai khi những mầm
tương lai của đất nước đang bị hủy hoại bởi bàn tay của người lớn, của
chính quyền, một cách dã man và vô nhân đạo.
Không ai có thể quên đi những hình ảnh gây chấn động dư luận tại
trường mầm non tư thục Phương Anh, thành phố Hồ Chí Minh, khi các cô
giáo hành hạ trẻ em như một sở thích cá nhân với đủ các hình thức dọa
nạt, bóp mũi, tát vào mặt, cầm 2 chân dí ngược các em xuống bình nước.
Rồi một năm sau đó, một bé trai 15 tháng tuổi tại trường mầm non ở Quảng
Bình bị trói chân tay, nhét giẻ vào mồm vì bé không chịu ngủ trưa. Tại
Lạng Sơn, một bé gái khóc quấy bị nhốt ngoài cửa. Còn biết bao nhiêu
những vụ bạo hành tuổi thơ đằng sau những cánh cửa trường mầm non kia,
được cho là nơi mà các em có những trải nghiệm đầu tiên về xã hội bên
ngoài, về cuộc sống xung quanh mình, về những người bạn thân tuổi nhỏ,
về những người lớn không phải là ông bà bố mẹ. Tâm hồn các em như một tờ
giấy trắng tinh bị những nét bút đen đúa nguệch ngoạc vẽ nên, hình
thành những cảm xúc đầu tiên không phải là niềm vui mỗi ngày đến lớp, là
sự kỳ vọng thích thú khi học được điều hay, gặp được người bạn mới, mà
đó là nỗi sợ hãi, sự ám ảnh mãi đeo đuổi các em từ tấm bé. Những vết bầm
trên cơ thể rồi sẽ mờ, vết xước rồi sẽ lành da, nhưng tổn thương về tâm
hồn sẽ để lại dị tật vĩnh viễn. Nhân cách, thói quen của trẻ em là sự
phản ánh của mọi người xung quanh mình, cứ mỗi lớp mầm non được đào tạo
từ bạo lực, vô nhân tính, thử hỏi những công dân tương lai của đất nước
sẽ là những con người như thế nào?
Các vụ việc được phơi bày ra công chúng, bị xã hội lên án rầm rộ,
liên tục kêu gọi cần phải trừng trị những kẻ ác nhân kia. Rồi sau khi họ
nhận được những bản án thích đáng, chúng ta hả hê rồi cho qua mọi việc
một cách nhanh chóng. Vậy còn biết bao nhiêu những em nhỏ khác, có thể
cũng đang bị bạo hành trong bóng tối, một cách tinh vi, được che giấu kỹ
càng hơn thì sao? Các bậc cha mẹ sau khi đọc những tin tức trên báo rồi
cũng phải thầm mong rằng “chắc chúng nó chừa con mình ra”, hoặc có
những gia đình chọn lựa cách tự nuôi nấng con mình tại nhà. Nhưng các
ông bố, bà mẹ chẳng nhẽ không nhận ra một điều là chúng ta không thể mãi
bao bọc con trong vỏ, các con cần được ra ngoài để phát triển toàn diện
nhất. Và điều chúng ta cần mang lại cho những thế hệ mầm non là một môi
trường tích cực, trong lành thực sự.
Trong tình trạng chung hiện nay đó là các trường mẫu giáo công, nơi
có thể kiểm soát được trình độ, bằng cấp của giáo viên thì quá tải hết
mức. Một lớp học hiện nay tại các trường công có thể lên tới khoảng 30
em/lớp mà mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% số trẻ em tại nhiều khu vực.
Cha mẹ muốn con được học trường mầm non có uy tín thì hoặc phải chạy
tiền “xí” chỗ tại các trường công thật sớm, hoặc bỏ thật nhiều tiền vào
các trường tư thục quốc tế. Rõ ràng, việc không đủ địa điểm, cơ sở vật
chất cung cấp cho việc giáo dục trẻ em thuộc về trách nhiệm của nhà
nước. Chưa kể các trường tư thục nhỏ lẻ không biết từ đâu mọc lên, có
được cấp giấy phép thành lập hay không, chẳng có một ai kiểm chứng. Tuy
nhiên, cũng chính bởi sự dễ dãi của không ít các gia đình khi gửi gắm
con mình vào những cơ sở ngẫu nhiên vô tình góp phần vào hệ quả của
những sự bạo hành đáng tiếc kia. Tôi có nghe anh bạn kể về một người bà
con của mình vô tình được hàng xóm nhờ trông con hộ mà rất “mát tay”,
con mau ăn chóng lớn, bụ bẫm. Thế là tin lành đồn xa, từ một nhà gửi con
đến 5,6 nhà khác cũng nhờ vả, rồi dần dần là thành một nhà trẻ lúc nào
không hay. Người bà con kia cũng bỗng dưng được gọi là “cô giáo dạy
trẻ”. Khu nhà tôi ở cũng có các cô các bác nghỉ hưu rỗi việc tự “rêu
rao” nhận trông trẻ, mỗi tháng chỉ nhận vài trăm ngàn một bé. Thế mà các
gia đình xung quanh cũng gật gù giao con cho họ trông. Rõ ràng những
hình thức “tự phát” như vậy ở Việt Nam là không hiếm. Chưa hết, để có
được môi trường an toàn cho con, cha mẹ phải bỏ tiền ra “mua”, bằng cách
nịnh cô giáo, quà cáp các dịp lễ tết, mong cô quan tâm chú ý và “nhẹ
tay” với cháu. Vậy tôi hỏi, nếu con cái của các bậc cha mẹ đã “gửi gắm”
cô phải chứng kiến những đứa trẻ khác bị bạo hành tại lớp, hàng ngày đến
lớp vẫn thấy bạn A bị đứng góc, tét tay, bạn B bị nhốt ngoài hành lang,
thì các con sẽ vẫn cảm thấy vui vẻ được chăng? Vẫn lớn lên với một tâm
lý khỏe mạnh được chăng?
Có quá nhiều bất cập trong giáo dục nước ta từ cấp mầm non lên tới
đại học. Trẻ em lớn lên tại Việt Nam hẳn phải trải qua một “tuổi thơ dữ
dội” hơn trẻ em tại nhiều nước khác. Tuy nhiên, một khi nhà chức trách
đang sống một cách vô cảm, bàng quan với tương lai của đất nước, hay
không cần quan tâm, nghĩ ngợi đến thế hệ mầm non đang dần lớn lên, thì
bản thân mỗi gia đình cần phải làm khác đi, nghĩ khác đi và nhìn xa hơn
lợi ích cá nhân của riêng mình. Chỉ cần mỗi người cha người mẹ cẩn trọng
hơn trong cách chọn trường lớp, lắng nghe con cái mình thay vì giao phó
hoàn toàn cho người trông trẻ, quan sát tìm hiểu môi trường con đang
học, những người con gặp hàng ngày… thì tôi tin rằng mầm mống của những
nguy hiểm xảy đến với các em sẽ không còn cơ hội phát triển. Như một
vườn cây được chăm sóc hàng ngày, sẽ không có cỏ dại mọc cản trở những
nhánh mầm lớn lên khỏe mạnh từng ngày.
Hoàng Giang
-----
Đừng theo ‘gót chân Achilles’ của Trung Quốc
Thời gian gần đây, hiện tượng mù sương bắt đầu xuất hiện với tần suất
dày hơn tại Sài Gòn. Báo chí và các cơ quan dự báo thời tiết mới đây
tiếp tục cho biết hiện tượng sương mù độc hại bao phủ Sài Gòn, đe dọa
sức khỏe con người. Đến tận trưa, các cao ốc trong thành phố vẫn còn mù
mịt màu khói trắng đục ngầu, trông nên thơ và lãng mạn nhưng thực tế
chẳng phải “chuyện để đùa”.
Nhìn ta lại nhớ đến người!
Tôi nói “ta” ở đây chính là nước mình, còn “người” chính là nước bạn –
ông hàng xóm Trung Quốc vốn khá đồng điệu với Việt Nam về mô hình và cơ
chế phát triển thị trường. Những năm qua, Việt Nam, trong đó trọng tâm
là Sài Gòn, đã và đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa để phát triển
kinh tế, làm động lực cho tăng trưởng GDP và phát triển đời sống - xã
hội nói chung. Tuy nhiên, hệ lụy của công nghiệp hóa - nếu không biết
kiểm soát và làm đúng cách - thì sẽ rất nghiêm trọng.
Nhìn sang Trung Quốc, suốt hàng thập kỷ, mức trưởng kinh tế không khi
nào dưới hai con số, khiến cả những gã khổng lồ về kinh tế như Mỹ, châu
Âu, Nhật Bản, cũng phải thừa nhận Trung Quốc đích thực là một “con rồng
châu Á”. Các chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc luôn luôn là ước mơ của
không ít quốc gia, nhưng không phải ai cũng cứ muốn là làm được. Tuy
nhiên, môi trường chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh đang đau đầu
nhất do hậu quả của việc phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung
Quốc trong nhiều năm liền.
Các con sông chết, những bầu không khí mù sương khô, độc hại, lượng
khí độc trong không khí vượt chuẩn… là những cụm từ thường xuất hiện
trên báo đài Trung Quốc. Việc chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua
yếu tố môi trường khiến Bắc Kinh phải trả giá bằng các gói ngân sách
triệu đô vẫn không thể cứu vãn và phục hồi môi trường sống trong sạch,
bảo vệ sức khỏe của người dân. Không ít người dân Trung Quốc vốn sở hữu
triệu đô phải tìm cách ra nước ngoài sinh sống vì môi trường trong nước ô
nhiễm đến mức không thể chấp nhận. Những người theo chủ nghĩa lạc quan
tin rằng sự phát triển khoa học kỹ thuật sẽ giúp chính phủ kiểm soát ô
nhiễm; tuy nhiên, trong các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Trung Quốc,
mọi hệ thống nhà máy công nghiệp Bắc Kinh đều phải ngừng hoạt động đồng
loạt để… giảm tối đa ô nhiễm. Điều này cho thấy sự bất lực của một nền
kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc bảo đảm môi trường sống trong
lành – yêu cầu cơ bản nhất mà một chính phủ phải cam kết bảo đảm đối với
dân chúng.
Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tuy mức ô nhiễm trên thực tế ở Việt Nam chưa nặng nề như ở Trung
Quốc, nhưng những “triệu chứng” gần đây cho thấy người dân có quyền lo
lắng về tương lai của Sài Gòn. Trước hết, việc quy hoạch của Sài Gòn
cũng như nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang có vấn đề về quy hoạch,
khi hệ thống cây xanh ở Việt Nam đang bị chặt hạ liên tục, còn việc
trồng phục hồi thì dường như không kịp nhu cầu lọc khí cho cả thành phố,
trong khi tại các quốc gia khác các công trình xây dựng phải ra sức né
tránh thiên nhiên. Trong tương lai trung hạn lẫn dài hạn, nếu vẫn quy
hoạch theo kiểu “mở đường, công trình đến đâu thì chặt, cưa, hạ cây xanh
đến đó” thì chẳng bao lâu Sài Gòn sẽ trở thành một khối bê tông cốt
thép không hơn không kém. Việc thiếu cập nhật các mô hình phát triển đô
thị xanh của các quốc gia khác là một thiếu sót của các nhà quản lý, mà
thời gian tới buộc phải khắc phục nếu không muốn khí hậu thành phố càng
trở nên tệ hại hơn.
Thứ hai, hệ thống luật pháp quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm
về môi trường tại Sài Gòn vẫn chưa có hiệu quả. Không chỉ tại thành
phố, không ít các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình kinh doanh
lại chịu mức phạt không tương xứng với lợi nhuận mà họ nhận được. Đó là
lý do doanh nghiệp cứ bị phạt rồi sẵn sàng cầm tiền đi đóng phạt; rồi
lại tiếp tục tái phạm nhiều lần. Nhìn thử sang châu Âu hay các nước phát
triển lân cận, các vi phạm về môi trường bị phạt nặng, thậm chí bị truy
cứu trách nhiệm hình sự không kém gì các tội danh kinh tế như trốn
thuế, gian lận, kinh doanh mặt hàng cấm… Doanh nghiệp phá sản vì làm ăn
không tuân thủ luật môi trường là điều không phải khó hiểu.
Thứ ba, các tiêu chuẩn về môi trường của các hệ thống máy móc, kỹ
thuật, hay phương tiện giao thông gần như thiếu sự quan tâm kiểm soát.
Vụ án ông khổng lồ xe hơi Volkswagen vi phạm lượng khí thải vượt chuẩn ở
Mỹ và châu Âu khiến không ít người Việt đặt câu hỏi tại Việt Nam, có
quản lý khí thải hay không? Hay Việt Nam là điểm đến của hàng tá công
nghệ thiếu thân thiện với môi trường? Số xe máy và ô tô tăng chóng mặt,
nhà nước đã tiến hành thu phí môi trường, ngay cả với số xăng xe. Tuy
nhiên, hàng triệu xe máy, ô tô mỗi năm tạo ra lượng phát thải không phải
là nhỏ; càng đáng nói khi khói xe vượt chuẩn ngày càng trở nên quá mức
chịu đựng (chưa kể đến các tiêu chuẩn về tiếng ồn…). Thế nên nếu không
có kế hoạch quản lý bgay từ bây giờ, trong tương lai hiện tượng hiệu ứng
nhà kính hoặc mù sương khô sẽ tiếp diễn và tác động ngày càng mạnh tại
Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề môi trường bị ô nhiễm là một trong những “gót chân
Achilles” của Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế, định hướng
công nghiệp hóa và xuất khẩu. Dù vấn đề môi trường ở Việt Nam chưa trở
nên tồi tệ, nhưng nếu chính sách không được điều chỉnh kịp thời thì
trong dài hạn, Việt Nam cũng sẽ mắc phải “gót chân Achilles” mà Trung
Quốc đang phải đối diện, và vẫn sẽ bất lực trong công tác xử lý.
Cao Huy Huân
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment