Có
lẽ cả hai đều không đồng ý sự so sánh này nhưng hai ông Alexis Tsipras,
thủ tướng Hy Lạp và ông David Cameron đều ở trong trường hợp rất giống
nhau.
Cả
hai ông thủ tướng Anh và Hy Lạp đều nói mình đã được dân chúng ủy nhiệm
để đòi hỏi những thay đổi trong quan hệ của nước mình đối với Liên Hiệp
Châu Âu. Cả hai đều tính toán rằng các nước Châu Âu khác sẽ phải thỏa
mãn các đòi hỏi của họ thay vì phải đối phó với triển vọng Hy lạp rút ra
khỏi khối Euro hay là Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng cả hai
ông nay đều gặp phải một bức tường chống đối cứng rắn tại châu Âu, một
điều mà có thể dẫn đến chuyện mà họ rất muốn tránh: Grexit và Brexit -
tức là chia tay với Châu Âu.
Cả
hai vị thủ tướng Anh và Hy lạp đều thấy lý luận dựa trên kết quả bầu cử
của nước mình chẳng có giá trị đối với các nước Châu Âu khác. Khi ông
Tsipras tuyên bố ông có một ủy nhiệm của dân Hy lạp để đòi hỏi một thay
đổi tại Châu Âu, thì bộ trưởng tài chánh Đức, ông Wolfgang Schauble trả
lời ngay, “Tôi cũng được dân bầu lên.”
Nhưng
khó khăn thật sự cho việc thay đổi tại Châu Âu vượt xa những đụng độ
kiểu như nói ở trên mà nằm trong tầm mức và cơ cấu phức tạp của Liên
Hiệp Châu Âu, một tổ chức mà nay đã trở nên lớn và cồng kềnh đến nỗi hầu
như không có thể làm được một thay đổi nào có tính quá mức.
Ông
Cameron đòi hỏi phải có thay đổi thỏa hiệp Châu Âu - tức là thay đổi
trong văn kiện căn bản nhất của liên hiệp để đáp ứng với những đòi hòi
của Anh trong các lãnh vực như di dân và quyền của Quốc Hội các nước hội
viên. Nhưng một thay đổi như vậy đòi hỏi sự đồng ý của tất cả các nước
hội viên với một số nước tỷ như Ireland mọi thay đổi như vậy phải được
đưa ra trưng cầu dân ý. Và chính tiến trình thương thuyết thay đổi thỏa
hiệp cũng dẫn đến chuyện các nước hội viên khác có thể đưa ra những đòi
hỏi của họ. Thành ra thay vì xét đến cái triển vọng kinh khiếp như một
cơn ác mộng này, người ta có thể đơn giản từ chối thay đổi ngoại trừ có
thể nhượng bộ một cách tượng trưng và vô hại.
Cần
phải nhận thức được rằng sự chống đối thay đổi này không có liên quan
gì đến giá trị của các thay đổi đòi hỏi. Các chính phủ Châu Âu khác nhau
có những quan điểm khác nhau về các đòi hỏi của Hy lạp hoặc Anh có hợp
lý hay không. Đối với Hy lạp chẳng hạn, các chính phủ Pháp và Ý đều tỏ
ra đồng tình với lý luận rằng các món nợ của Hy Lạp nay quá lớn, nước
này không thể trả nổi cũng như là đòi hỏi khắc khổ thêm nữa chỉ tạo ra
phản tác dụng. Ngay cả đối với các đòi hỏi của Anh cũng có một số tại
Châu Âu đồng tình trên phương diện cắt giảm phúc lợi cũng như đồng ý với
Anh về việc trả lại một số quyền hạn cho Quốc Hội của các quốc gia. Thế
nhưng mặc dầu những sự đồng tình và ủng hộ đó không ai muốn mở lại cái
hộp của nàng Pandora ra cả.
Một điều nữa là
các vấn đề mà Anh hoặc Hy Lạp đưa ra không phải chỉ đơn thuần là pháp
luật hoặc kinh tế mà dính dáng đến chính trị một cách sâu đậm. E ngại
của người ta là những nhượng bộ đưa ra cho Anh hay Hy Lạp sẽ tạo ra một
phản ứng chống đối mạnh mẽ với các cử tri Đức hay Hòa Lan bất mãn trước
việc xóa nợ cho Hy Lạp và cử tri Ba Lan giận dữ vì giới hạn quyền tự do
đi lại và cư trú của các công dân Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra sự kiện
một đảng cực đoan cánh tả như Syriza hay một nhóm bảo thủ Eurosceptic
như cánh hữu Đảng Bảo Thủ Anh có thể dùng một hình thức dọa dẫm để lấy
được nhượng bộ từ phần còn lại của Châu Âu có thể khuyến khích các phần
tử tương tự tại tất cả lục địa Châu Âu làm theo, khiến cho Liên Hiệp
Châu Âu còn khó cai trị hơn nữa.
Hậu
quả là các chính phủ then chốt tại Châu Âu, đặc biệt là Đức nay trở
thành sẵn sàng chấp nhận một sự ra đi của Anh hay Hy lạp nhiều hơn là
người Hy Lạp hoặc người Anh nghĩ.
Chính
phủ Đức lúc này đã khẳng định rằng khu vực Euro có thể chịu đựng được
việc Hy Lạp rút ra khỏi đồng tiền chung này. Trong lúc bà Angela Merkel
có thể còn muốn tìm cách để giữ Hy Lạp ở lại vì những lý do địa lý chính
trị, bộ tài chánh Đức mà đại biểu là ông Bộ Trưởng Schauble thì muốn Hy
Lạp ra đi cho rằng điều này có thể là một bài học tốt cho các thành
viên khác của khu vực. Và dù Hy Lạp có rút ra hay không, bài học mà
người Đức rút ra là Châu Âu cần phải trở nên cứng rằn hơn nữa với khu
vực Euro đòi hỏi những kỷ luật sắt đá hơn bao gồm cả việc kiểm soát ngân
sách các quốc gia thành viên một cách chặn chẽ hơn bởi Brussels.
Vấn
đề của Anh thì không cấp bách bằng Hy Lạp và những đề nghị của Anh cũng
tạo ra được một sự đồng tình nào đó từ phía Đức. Nhưng một lối tiếp cận
tương tự như với Hy Lạp đã xuất hiện. Markus Ederer, ngoại trưởng Đức
tuyên bố với một phái đoàn của Anh sang vận động rằng, “Đức sẽ cố gắng
để ủng hộ Luân Đôn và giúp cho Luân Đôn, nhưng Đức không thể nào ủng hộ
hết được. Cho phép mỗi nước trong Liên Hiệp được quyền chọn chỉ theo
những nguyên tắc nào mình thích sẽ làm suy yếu sức mạnh của tổ chức và
còn tệ hơn là một Liên Hiệp Châu Âu nhỏ hơn nhưng thống nhất hơn.” Đây
rõ ràng là một điều cảnh cáo Anh rằng Berlin đã chấp nhận thà để cho Anh
ra khỏi Liên Hiệp chứ không để cho tổ chức mất đi tính thống nhất nội
bộ.
Cách
tiếp cận cứng rắn của Đức dựa trên một lượng định thực tế về sự khó
khăn trong việc cải tổ một tổ chức bao gồm 28 quốc gia mà quốc gia nào
cũng có đầy đủ chủ quyền. Nhưng nó cũng cho thấy nguy cơ tan rã của một
tổ chức mà đã không thể đáp ứng được trước những thay đổi bất ngờ dù là
sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp hay là việc di cư không ai tính trước
của hàng triệu người trên khắp lãnh thổ Liên Hiệp. Sự thiếu uyển chuyển
này có thể là bước đầu của một sự tan rã của chính Liên Hiệp Châu Âu.
Lê Mạnh Hùng
0 comments:
Post a Comment