Lê Quế Lâm
Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Thursday 19 March 2015
Nhắc chuyện 40 năm trước, hối tiếc một thời cơ lịch sử bị bỏ lỡ
Thursday, March 19, 2015
No comments
Nhắc chuyện 40 năm trước, hối tiếc một thời cơ lịch sử bị bỏ lỡ (I)
Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris. Đúng một tháng sau, ngày 28/2/1973 Hội nghị Quốc tế về VN được triệu tập tại Paris gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An, bốn nước thuộc Ủy hội Quốc tế kiểm soát và giám sát việc ngưng bắn và bốn bên trong cuộc chiến VN. Sau ba ngày thảo luận, bộ trưởng Ngoại giao 12 nước cùng ông TTK/LHQ Kurt Waldheim long trọng ký bản Định ước của Hội nghị quốc tế về VN.
Các bên ký kết Định ước trịnh trọng ghi nhận, tuyên bố tán thành và ủng hộ hiệp định: đáp ứng các nguyện vọng và các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước VN; quyền tự quyết của nhân dân MNVN và đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hòa bình của tất cả các nước trên thế giới. Các bên ký kết Định ước trịnh trọng ghi nhận những cam kết của các bên ký kết hiệp định là tôn trọng triệt để và thi hành nghiêm chỉnh hiệp định.
Theo tinh thần hiệp định Paris 1973, nhân dân MNVN được quyền quyết định tương lai chính trị của MN thông qua một cuộc tuyển cử tự do và dân chủ có giám sát quốc tế. Hội đồng Quốc gia Hòa giải và Hoà giải Dân tộc (HĐQGHGDT) gồm ba thành phần ngang nhau là Việt Nam Cộng Hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Giải phóng Miền Nam) và Lực lượng thứ ba, là cơ quan sẽ đứng ra tổ chức cuộc tuyển cử. Do đó từ ngày 19/3/1973 hai phái đoàn VNCH và CHMNVN đã gặp nhau tại hội nghị La Celle Saint Cloud ở Pháp để bàn vấn đề nầy, nhưng lập trường đôi bên hoàn toàn cách biệt.
Chánh phủ VNCH vẫn khăng khăng đòi CSBV phải rút hết quân về Bắc và nhất định không liên hiệp với Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN. TT Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận cho MTGPMN tham gia vào đời sống chính trị MN bằng đề nghị tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng hai hoặc ba tháng sau khi quân BV rút khỏi MN, để nhân dân MN bầu tổng thống và HĐQGHGDT. Chánh phủ Cộng hòa Lâm thời Cộng hòa MNVN bác bỏ đề nghị nầy, họ không chịu thảo luận những vấn đề nào không được ghi trong văn bản hiệp định. Họ đòi hai bên chọn người tham gia HĐQGHGDT chớ không bầu. Sau đó Hội đồng đứng ra tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến và Quốc hội nầy sẽ soạn thào hiến pháp cho MNVN. (Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa VN xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, Tr 155)
Đề nghị của MTGP bị VNCH bác bỏ vì TT Thiệu không chấp nhận thành phần thứ ba. Ông cho rằng thành phần thứ ba chỉ là một nhóm chính trị có khuynh hướng thân cộng. Ông coi những ai chống lại ông, phản đối sự can thiệp của Mỹ và đòi hòa bình đều là những phần tử CS hoặc bị cộng sản giật dây.
Về phần HK, trong tuần lễ đầu sau khi hiệp định hòa bình được ký kết, để thực hiện điều 21 giúp Bắc Việt hàn gắn vết thương chiến tranh, TT Nixon đã chuyển đến thủ tướng Phạm Văn Đồng hai bức thư đề nghị thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế (Joint Economic Commission) và đóng góp vào chương trình tái thiết nước VNDCCH với số tiền 3250 triệu đô la trong thời gian 5 năm. Ngoài ngân khoản trên, chính quyền Nixon còn dự trù viện trợ thêm cho Hà Nội từ 1 đến 1,5 tỷ đô la thực phẩm và những nhu cầu khác. (Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of War 1940-1975, Unwin Papersbacks, Sydney, 1985, P.447)
Cuối tháng 2/1973, Kissinger đến Hà Nội gặp Lê Đức Thọ để thảo luận việc thực hiện HĐ Paris. Ông yêu cầu Bắc Việt rút quân khỏi Lào và Cam Bốt, đồng thời thảo luận với Thọ việc HK viện trợ kinh tế giúp chính phủ VNDCCH hàn gắn vết thương chiến tranh. Ủy ban hỗn hợp kinh tế mà Nixon đề nghị đã được thảo luận trong chuyến đi nầy…Nhưng sau đó sự việc không xúc tiến được vì những vi phạm hiệp định của Hà Nội. Trong hồi ký, Kissinger tiết lộ mục đích chuyến đi Bắc Việt của ông là để nhắc nhở giới lãnh đạo Hà Nội phải chọn lấy một trong hai con đường: Một là thi hành nghiêm chỉnh hiệp định để nhận viện trợ của Mỹ. Hai là không thi hành hiệp định, khước từ sự viện trợ của Mỹ. (Henry A. Kissinger, Years of Upheaval, Little & Brown, Boston, 1982, P. 23/43)
Việc hòa hợp hòa giải giữa hai chính phủ ở MN bất thành, vì thế từ ngày 17/5/1973, theo đề nghị của HK, Kissinger và Lê Đức Thọ trở lại bàn họp ở Paris “để tìm cách cải thiện việc thi hành hiệp định Paris”. Trong thời gian nầy, TT Nixon đã gởi nhiều thư khuyến cáo TT Thiệu không nên vi phạm những thỏa ước đã ký và phàn nàn thái độ cứng rắn của phái đoàn VNCH ở hội nghị La Celle Saint Cloud. Để thuyết phục VNCH đến Paris ủng hộ bản Thông cáo chung Mỹ/Bắc Việt trong đó xác định quyết tâm của hai bên sẽ thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, TT Nixon đã nhắc nhở TT Thiệu: “Tôi xin lại lập rằng ước vọng duy nhất của chúng ta là muốn thấy bản hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh và thắt chặt tình liên đới với VNCH. Tôi không tin rằng Ngài muốn tôi phải ra trước dân chúng HK để giải thích sự bế tắc của cuộc thương thuyết hiện nay ở Paris. Điều nầy chắc chắn sẽ đưa tới sự cắt đứt ngân khoản cho Lào và Cam Bốt và cuối cùng là MNVN. Khi ở San Clemente tôi đã nói với Ngài về việc quốc hội HK viện trợ đầy đủ sẽ khó khăn như thế nào. Tuy nhiên tôi cũng đã trình bày với Ngài rằng chúng tôi sẽ dồn mọi nổ lực không những xin đầy đủ cho những nhu cầu hiện tại của VNCH mà còn yểm trợ cho những kế hoạch kinh tế dài dạn mà Ngài vừa công bố. Nỗ lực nầy đang tiến hành tốt đẹp và được đặt vào hàng ưu tiên đầu” (Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Checter, Hồ sơ mật Dinh Độc lập, C&K Promotion, Los Angeles, 1987, Tr.330)
Đây là lá thư đề ngày 21/5/1973 của TT Nixon được Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao William Sullivan mang sang Sàigòn để yêu cầu TT Thiệu chấp nhận bản Tuyên cáo chung Kissinger/Lê Đức Thọ. Lần nầy sự chống đối của TT Thiệu còn mãnh liệt hơn hồi đầu năm 1973 khi hiệp định Paris chưa ký. Trong 3 tuần lễ từ 21/5 đến 13/6/1973, TT Nixon đã gởi cho TT Thiệu 9 lá thư. Lúc đầu Nixon còn dùng lời lẽ nhẹ nhàng để khuyến dụ TT Thiệu: “Bản tuyên cáo đó không có điều kiện nào đi ngược lại nguyện vọng của Chính phủ VNCH. Một bản tuyên cáo có chữ ký của đại diện VNCH bên cạnh chữ ký của tiến sĩ Kissinger sẽ giúp ích tôi vô cùng. Chúng tôi cần một cử chỉ như vậy để Quốc hội thông qua những chương trình tái lập hòa bình và ổn định tình thế như chúng ta đã bàn ở San Clemente”.
Lập trường của TT Thiệu vẫn cứng rắn thể hiện qua lời phát ngôn viên chính phủ “VNCH sẽ không nhượng bộ một ly nào nữa”, ngày 8/6/1973 TT Nixon viết thư cảnh cáo Thiệu: “Quyết định không ký vào bản tuyên cáo sẽ dẫn đến biến cố, Quốc hội Mỹ ngăn cản việc dùng ngân khoản viện trợ cho những cuộc hành quân ở Đông Dương, sẽ gây ra thảm họa cho chính Ngài và chính phủ của Ngài”.
Ngày 12/6/1973 trong thư gởi Nixon, TT Thiệu phàn nàn vụ Kissinger điều đình để chia miền Nam VN ra thành “hai lãnh thổ dưới hai chính phủ”. Điều nầy trái với lời cam kết của HK khi trước là chỉ công nhận chính phủ VNCH là chính phủ duy nhất hợp pháp ở MNVN. Nixon liền trả lời trong lá thư đề ngày 13/6/1973: “Kính thưa tổng thống, lá thư của Ngài đề ngày 12/6, là một đòn giáng trả mạnh vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta. Căn cứ vào những hy sinh và rủi ro mà HK phải gánh chịu vì Ngài, tôi không thể ngờ Ngài có thể trả lời một cách tiêu cực như vậy. Tôi chẳng cần dấu diếm sự căng thẳng trong mối bang giao giữa chúng ta vì Ngài đã hoàn toàn phủ nhận những cam kết của tôi trong việc việc ký kết Bản Tuyên cáo nầy. Nếu Ngài tiếp tục từ chối thì coi như Ngài từ khước toàn bộ chính sách của tôi vẫn hằng ủng hộ Ngài, quí chính phủ và quí quốc. Nếu Ngài lựa chọn đường lối tiêu cực nầy, thì chính Ngài đã vạch ra chính sách tương lai của HK đối với VN. Tôi sẽ chiều ý Quốc hội và công luận HK chỉ yểm trợ đầy đủ những nhu cầu có tính nhân đạo cho nhân dân Miền Nam VN.
Chẳng cần phải nói dài dòng, nổ lực của chúng tôi trên toàn cỏi Đông Dương sẽ chấm dứt. Tôi coi sự lựa chọn của Ngài như là chống đối sự phán đoán và cam kết của chính bản thân tôi.. Đây là vấn đề giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài…Xin Ngài hiểu cho rằng tôi sẽ coi những hành động của Ngài tỉ như đề nghị giải thích, sửa đổi bản văn này nọ, trì hoãn hay những xoay sở khác của Ngài là một hành động cố tình chấm dứt mối bang giao hiện hữu giữa hai chính phủ HK và VNCH” (Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Schecter, Sđd, Tr. 341-343)
Đây là lá thư cuối cùng trong 29 lá thư của TT Nixon gởi TT Thiệu. Lá thư đầu đề ngày 31/12/1971 Nixon thông báo cho TT Thiệu biết ông sẽ đến thăm TQ trong tháng 2/1972. Với lá thư cuối cùng nầy, Nixon đã thuyết phục được Thiệu. Bản Tuyên cáo chung Lê Đức Thọ và Kissinger được đại diện bốn bên ký kết tại Paris ngày 13/6/1973, gồm 14 điểm mà HK và VNDCCH đã thỏa thuận để thi hành đúng đắn 21 điều khoản của HĐ Paris.
Dù có thỏa thuận mới, song cuộc chiến vẫn tiếp diễn, tình thế ngày càng bất lợi cho VNCH. Ngày 15/10/1973, Bộ Chỉ huy Quân sự GPMN (Cục R) chấp hành chỉ thị 21 của TƯ Đảng ở Hà Nội, ban hành mệnh lệnh tấn công. Họ cho rằng những hành động lấn chiếm của Quân đội Sài Gòn vào các vùng giải phóng ngày càng gia tăng, bắt buộc họ phải ra lịnh đánh trả, kể cả việc pháo kích vào Sài Gòn, đầu não điều khiển chiến tranh.(Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1974-1975: Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, 1980, Tr. 269) Dù cộng sản đã công khai tuyên bố mở rộng các hoạt động quân sự ở MNVN, nhưng ngày 15/11/1973 Hạ viện Mỹ ấn định mức viện trợ quân sự tối đa cho VNCH là 1126 triệu đô la so với 2270 triệu của tài khóa trước. Nhưng khi chung quyết, Quốc hội lại cắt giảm thêm chỉ còn 900 triệu.
Theo tinh thần của HĐ Paris về chấm dứt chiến sự, kể từ 24 giờ -giờ GMT ngày 27/1/1973, các lực lượng vũ trang của hai bên Miền Nam VN sẽ ở nguyên vị trí của mình, phải ngừng mọi hoạt động tấn công nhau. Đây là cuộc ngưng bắn “da beo” hai lực lượng đối nghịch đóng quân xen kẻ với nhau và đều được lịnh “lấn đất giành dân”. Vì thế, không thể có ngưng bắn thực sự để giải quyết vấn đề chính trị, hòa giải hòa hợp dân tộc.
Ngày 20/2/1974 Kissinger lại sang Paris gặp Lê Đức Thọ. Trong cuộc mật đàm lần nầy có sự hiện diện của Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Kissinger yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ để thúc đẩy hai bên MNVN ngồi lại với nhau. Ông đề nghị bước đầu Việt Cộng ngưng bắn ở vùng 3 và 4, VNCH sẽ công nhận ranh giới Việt Cộng kiểm soát ở vùng 1 và 2, vì ở hai vùng nầy VC kiểm soát được nhiều đất thì sẽ nhường cho VC, chỉ trừ Huế và Đà nẵng. Sau đó HK sẽ áp lực chính quyền Sài Gòn thành lập Hội đồng QGHGDT.
Trở lại Sài Gòn, Đại sứ Graham Martin thúc hối TT Thiệu thành lập HĐQGHGDT và thừa nhận việc phân chia lãnh thổ mà Kissinger đã đề nghị với Lê Đức Thọ. Ngoài ra được sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc, Martin nhờ đại sứ Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ngưng bắn, chuyển đến Hà Nội một điệp văn kêu gọi giới lãnh đạo CS Bắc Việt hưởng ứng đề nghị của Kissinger để chấm dứt cuộc chiến tại MN. (Nguyễn Khắc Ngữ, Sđd, Tr. 161/162) Đại sứ Martin cũng đánh điện về Hoa Thạnh Đốn, trình bày nhu cầu và sự hợp lý của việc cắt đất nhường cho Việt Cộng khi tiền viện trợ đã bị cắt (Snep W. Frank, Decent Interval, Random House, NY, 1977, P.109)
Ngày 19/12/1973 Thiếu tướng John Murray -Tùy viên Quân lực HK ở Sài Gòn tức cơ quan DAO nhận được công điện của Ngũ Giác Đài cho biết Quốc hội sẽ cắt giảm nhiều viện trợ cho Đông Dương trong 6 tháng còn lại của tài khóa 1974 chấm dứt vào cuối tháng 6/1974. Tướng Murray liền báo động VNCH cần phải tiết kiệm đồ tiếp liệu nhất là đạn dược vì việc xin viện trợ gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, Murray hợp tác chặt chẽ với Trung tướng Đồng Văn Khuyên -Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận QLVNCH phân tích các mức độ quân viện của Mỹ để đúc kết một bản phúc trình TT Thiệu về khả năng phòng thủ của VNCH. Theo đó, mức độ quân viện 1,4 tỷ đôla, VNCH có thể giữ được các vùng đông dân khắp 4 vùng chiến thuật. Viện trợ 1,1 tỷ thì phải bỏ Vùng 1. Nếu 900 triệu thì khó giữ được Vùng 1 và 2. Viện trợ 750 triệu thì chỉ phòng thủ được một vài vùng chọn lọc. Nếu 600 triệu thì VNCH chỉ giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long (Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Checter, Sđd, Tr.383 & 392)
Ngày 9/8/1974 TT Nixon từ nhiệm vì vụ Watergate. Ngay sau đó, Quốc hội Mỹ lại cắt giảm viện trợ tài khóa 1975 cho VNCH chỉ còn 700 triệu đô la thay vì 1 tỷ như TT Nixon đã đề nghị 4 ngày trước khi từ chức. Chưa tính việc lạm phát số tiền nầy chỉ đủ cho nhu cầu đạn dược. Ngày 16/8/1974, tướng Murray chấm dứt vai trò Tùy viên Quân lực Mỹ ở Sài Gòn, trước ngày rời VN, ông khuyến cáo Bộ TTM/QLVNCH nên suy tính kỹ việc cắt giảm viện trợ để thu gọn tuyến phòng thủ.Trung tướng Đồng Văn Khuyên -Tổng cục trưởng Tiếp vận vừa được TT Thiệu cử kiêm nhiệm chức vụ TMT Bộ Tổng Tham Mưu đã đệ trình TT Thiệu bản phân tích của DAO và kế hoạch rút bỏ miền Trung. Tướng Khuyên là một vị tướng trong sạch được cựu Đại tá Vũ Văn Lộc (bút hiệu Giao Chỉ) đề cao là “vị nội tướng của QLVNCH trong suốt 10 năm đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác nuôi một quân một triệu lính, một người được sự tin tưởng của phái bộ viện trợ Hoa Kỳ”.
Theo dõi tình hình lúc bấy giờ, nhiều người đã thấy rõ “còn Thiệu sẽ mất nước”. Tại Quốc hội Mỹ, các thượng nghị sĩ kêu gọi VNCH phải thích nghi với Việt Cộng, Adlai Stevenson còn nói rõ hơn là ‘Thiệu phải từ chức và sau đó nếu Bắc Việt gây hấn thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp”. (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr.410) Vì sự sống còn của MN, Phong trào chống tham nhũng do Linh mục Trần Hữu Thanh chủ xướng được phát động từ tháng 9/1974 nhằm vận động trưng cầu dân ý bất tín nhiệm TT Thiệu. Thượng tọa Thích tâm Châu thuộc khối Việt Nam Quốc Tự luôn ủng hộ chính phủ, nay cũng lên tiếng yêu cầu TT Thiệu hãy vì quyền lợi quốc gia mà từ chức. Đó cũng là yêu cầu của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Thượng viện từ trước đến nay vẫn ủng hộ TT Thiệu, nay cũng biểu quyết một quyết nghị yêu cầu Thiệu từ chức và Thiệu phải chịu trách nhiệm về sự thất bại khi ông chỉ nghĩ đến những biện pháp quân sự để giải quyết một cuộc chiến nặng về chính trị.
Lợi dụng tình thế bất ổn ở Sài Gòn, Cộng quân mở cuộc tấn công có tính thăm dò chiến lược: đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long (6/1/1975) để đo lường phản ứng của VNCH và HK. Đây là lần đầu tiên, cả một tỉnh lọt vào tay CS kể từ khi BV xâm lăng MN. TT Thiệu quyết định không tái chiếm Phước Long vì thiếu quân. TT Ford cũng không có một phản ứng nào, B52 vẫn không cất cánh để trả đũa như sự e ngại của Hà Nội. TT Ford chỉ yêu cầu Quốc hội khẩn cấp quân viện 300 triệu đô la cho VNCH. Ngân khoản nầy đã bị Quốc hội cắt giảm hồi tháng 8/1974. Cuối tháng 2/1975 một phái đoàn lưỡng viện Quốc hội Mỹ được gởi sang VN để duyệt xét lời yêu cầu của TT Ford. Sau khi đi thăm các tỉnh, phái đoàn trở về Sài Gòn họp với TT Thiệu. Các dân biểu, nghị sĩ gay gắt hỏi Thiệu “Ông muốn quân viện và kinh viện mãi sao, chừng bao lâu nữa?” (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr.431)
Bộ Chính trị Đảng CS ở Hà Nội tin rằng Quốc hội Mỹ đã bỏ rơi VNCH nên quyết định mở cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975, trái với dự định sẽ đánh lớn để dứt điểm MN trong năm 1976 là năm có tổ chức bầu cử ở Mỹ. Lê Duẩn nhận xét “Ngoài thời cơ nầy không có thời cơ nào khác, nếu mười, mười lăm năm sau bọn Ngụy gượng dậy lại được, các thế lực xâm lược được hồi phục, bọn bành trướng mạnh lên thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”. (Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1982, Tr.362) Chỉ hai tuần sau khi phái đoàn Quốc hội Mỹ về nước, vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975 Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây nguyên. Theo ý đồ của Bộ Chính trị, từ Ban Mê Thuột, Cộng quân sẽ tiến xuống vùng duyên hải Phú Yên, chia hai miền Nam, giành phân nửa lãnh thổ phía Bắc.
Để chống lại âm mưu chia cắt của Lê Duẩn, ngày 14/3/1975 TT Thiệu bay ra Cam Ranh chỉ thị Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lịnh Quân đoàn II bỏ ngỏ cả vùng Cao nguyên. Ông cho rằng QLVNCH không còn đủ khả năng bảo vệ toàn thể lãnh thổ, phải rút bỏ những vùng kém trù phú, gom lực lượng về cố thủ vùng duyên hải đồng bằng. Ngày hôm trước, TT Thiệu cũng triệu hồi Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lịnh Quân đoàn I về Sài Gòn và ra lịnh bỏ Vùng 1. TT Thiệu giải thích việc tái phối trí lực lượng với chiến thuật mới mà ông gọi là “đầu bé đít to”. Ông cho rằng thà mất rừng núi về tay CS còn hơn phải sống liên hiệp với chúng. Theo TT Thiệu, đây là kế hoạch hết sức bí mật, không nên để cho người Mỹ biết. (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, Tr.445) Nhưng thực ra ý kiến này do Mỹ vạch ra, đó là John Murray trưởng cơ quan DAO và Ted Serong một cựu tướng lãnh Úc sau làm việc với CIA. Serong đề nghị TT Thiệu nên bỏ phân nửa lãnh thổ phía Bắc, vì nơi đây QLVNCH phải bố trí 7 trong số 13 sư đoàn chủ lực chỉ để bảo vệ 1/6 dân số MN.
Trong quyển Tâm Tư Tổng thống Thiệu xuất bản năm 2010, trong Chương 2: Ai cố vấn Tổng thống Thiệu rút quân? Ts Nguyễn Tiến Hưng có đề cập đến tướng Ted Serong, từng là trưởng đoàn cố vấn quân sự đầu tiên của Quân lực Hoàng gia Úc sang giúp VNCH trong giai đoạn 1962-1965. Sau đó ông làm việc cho CIA trong cuộc chiến VN. Ông Hưng tiết lộ: đầu tháng 1/1975, tướng Serong đến gặp Thủ tướng Trần Thiện Khiêm qua người liên lạc là Ngô Khắc Tỉnh (Ghi chú của người viết: Ông Tỉnh là dược sĩ, tổng trưởng Bộ Giáo dục trong Nội các Trần Thiện Khiêm và là cậu ruột TT Thiệu). Serong đề nghị một chiến thuật mà ông gọi là “Một kế hoạch mổ xẻ” (A Surgery Plan), Ông phân tích tình hình chiến sự bất lợi của VNCH ở Quân đoàn I và II, và đi đến kết luận “Phải bỏ Quân đoàn I và II và phải bỏ ngay bây giờ”. Ông Khiêm đề nghị nói thẳng việc này với TT Thiệu. Serong đồng ý và ngày hôm sau, TT Thiệu đã có trên bàn một đề nghị với tựa đề “Đã tới lúc mổ xẻ” (A Time for Surgery). Serong khuyến cáo VNCH phải thực hiện kế hoạch này nội trong hai tuần.
Trong hồi ký, Serong tiết lộ “Vào ngày 14/2/1975 thì ông Thiệu chỉ còn một ngày trước hạn chót mà tôi đã đưa ra, đó là giữa tháng 2”. Trước đó Serong đã nói với Thiệu, cách tốt nhất là “Nên rút toàn bộ lực lượng chính quy của VNCH ra khỏi Quân đoàn I và II”. Đầu tháng 3/1975, ông Ngô Khắc Tỉnh đến thăm Serong với tư cách là người trung gian của TT Thiệu để hỏi ý kiến. “Xin ông nói với tổng thống là cuộc chiến đã kết thúc rồi. Nó đã kết thúc từ ba tuần nay” (Tell him the war is over. It has been over for three weeks). Và chỉ “48 giờ sau, Sư đoàn Bắc Việt 320 đã chọc thủng phòng tuyến Ban Mê Thuột, thủ đô của dân tộc thiểu số”. Đêm hôm trước ngày quân CSBV tấn công Ban Mê Thuột, TT Khiêm lại hỏi Serong nếu tiến hành kế hoạch rút quân thì đã quá muộn chưa? Serong trả lời “đã quá muộn rồi, nhưng dù sao cũng vẫn phải tiếp tục tiến hành kế hoạch của tôi, hy vọng may ra có chuyện gì mà mình không đoán trước được sẽ xảy ra để làm cho sự tiến quân của Bắc Việt chậm lại. Thực ra họ (VNCH) chẳng còn sự lựa chọn nào khác” (Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng thống Thiệu, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, HK, 2010, Tr. 40-47)
Lê Quế Lâm
Lê Quế Lâm
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment