Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 7 October 2014

Nhân cách của quý vị Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam - Đà Nẵng

vtt-35-phamtran Sau ngày 30/4/1975,  gần hết người Việt Nam tại quốc nội cũng như ở hải ngoại đã thường nghe nói đến những “trại cải tạo” khác, nhưng lại ít có người biết đến một trại tù đã có từ năm 1960 tại Quảng Nam. Đó là “Trại cải tạo Đá Trắng”, nằm tại xã Phước Lãnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

 

Vào đầu năm 1964, sau khi Dương Văn Minh ra lệnh phá bỏ Ấp Chiến Lược, là bức thành ngăn chặn hữu hiệu sự xâm nhập của Việt cộng vào thôn làng để cướp phá và giết hại dân lành. Tại quê tôi, “Trại Đá Trắng”  là nơi đã giam giữ Bác ruột của tôi, là Ông Trần Thắng cho tới chết. Bác tôi đã bị bọn du kích Việt cộng bắt đi, cùng lúc chúng đã bắn chết Cha ruột của tôi, là Ông Trần Tăng  trước mặt gia đình của tôi, và không cho gia đình tôi được chôn cất, mà còn bắt cả nhà tôi đưa vào rừng, giam dưới hầm đất. Vì thế, vào những đêm mưa, Mẹ của tôi phải ngồi canh, thức trắng, và dùng chiếc thùng nhỏ để múc nước từ dưới hầm đem đổ ra trên mặt đất, vì nếu không, thì chị em tôi phải chết ngộp khi nước ngập hầm, mà tôi đã kể lại qua một bài đã rất lâu, song vì bài dài, nên kính mời quý vị đọc lại bài:

 


 

Về sự hiệu quả và cần thiết của Ấp Chiến Lược của thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, mà chính tên tội đồ Dương Văn Minh đã ra lệnh phá bỏ, tôi cũng đã thuật lại những gì mình đã chứng kiến vào một thời thơ ấu. Vậy, tôi cũng xin kính mời quý vị đọc thêm bài:

 


 

Và chính vì Bác ruột của tôi cùng các vị đã bị du kích Việt cộng bắt năm xưa đã bỏ mình trong “Trại cải tạo Đá Trắng”, tiền thân của “Trại T.154, tức “Trại cải tạo” Tiên Lãnh, nên trong thời gian mới sang tỵ nạn Cộng sản tại Pháp quốc, khi nghe ông Bùi Tín nói: “Nếu cụ Hồ còn sống, thì không có các trại cải tạo ở miền Nam”, thì tôi đã viết một bài: Có thật “nếu cụ Hồ còn sống, thì không có các trại cải tạo ở miền Nam hay không?” để phản bác những lời vọng ngữ của ông Bùi Tín.

 

Bài này đã được đang trên Tạp Chí Dân Văn tại Đức quốc của ông Huyền Thanh Lữ, là bào huynh của ông Lý Trung Tín, hiện giờ là Chủ nhiệm.

 

Từ “Trại cải tạo Đá Trắng” đến “Trại T.154, tức trại “cải tạo” Tiên Lãnh:

 

 

Nhân đây, tôi xin được sơ lược về sự hình thành của trại “cải tạo” này như sau:

 

Ngày 13-3-1975, khi quận Tiên Phước rơi vào tay của Cộng sản Bắc Việt. Ngày 15-4-1975, Việt cộng đã bắt thanh niên quận Tiên Phước khởi công phá bỏ trại Đá Trắng vốn nằm dưới hầm, để đưa trại tù này lên trên mặt đất. Vì thế, sau khi hoàn thành Việt cộng đã chính thức đổi tên “Trại cải tạo Đá Trắng” thành  “Trại cải tạo T.154” tại thôn 03 xã Phước Lãnh (sau 30-4-1975, đổi tên là xã Tiên Lãnh), gồm có Trại chính: Trại 1, và nhiều phân trại khác, như các phân trại Thôn 5 (Năm), Na Sơn...  Đây là “trại cải tạo” lớn nhất của Quảng Nam-Đà Nẵng, đã giam giữ hàng ngàn Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ra trình diện tại “chùa” Pháp Lâm, là nơi đã đặt “Giáo quyền” của tỉnh Giáo hội Quảng Nam  Đà Nẵng, thuộc “Giáo hội  Phật giáo Việt Nam Thống Nhất”, tức “Khối Ấn Quang” tại số 500, đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng.

 

Riêng “Trại chính” tức “Trại 1” là có số tù nhân đông hơn hết. Ở đấy, ngoài trại nam, còn có phân trại nữ nằm cách trại nam chừng 100 mét. Phân trại nữ đã từng giam giữ những nữ tù chính trị, trong số đó, có những người đã từng phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến, Dân Sự Vụ như: Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, C1 Lực Lượng Đặc Biệt, Đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương, Cảnh Sát, Biệt Chính Nhân Dân, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn... kể cả các bà, các chị vì lý do sức khỏe, hoặc lập gia đình nên đã ra khỏi đơn vị trước 1975. 

 

Sau này, khoảng từ năm 1977, Công an Đà Nẵng đã mở những  “chiến dịch truy quét”, để bắt những thành phần như: Không có hộ khẩu, trộm cắp, mãi dâm... Mỗi đợt “chiến dịch” Công an đã bắt những người này, rồi chở lên trại “cải tạo” Tiên Lãnh để “gửi tạm giam”. Những người này được giam riêng trong hai phòng, có bờ rào kẽm gai ngăn cách với nữ tù chính trị. Họ có “đội, tổ” riêng, vì không thuộc “diện tập trung cải tạo”.

 

Và vì không thuộc “diện tập trung cải tạo”, nên tất cả chỉ ở trại Tiên Lãnh không quá ba tháng. Trong vòng ba tháng đó, “Ty Công an” sẽ cho “phái đoàn y tế” lên trại, để khám bệnh và “xác minh”. Đặc biệt, là khám cho những cô gái trẻ, để nếu xét thấy cô gái nào “còn trinh”, thì sẽ được thả ngay. Cũng có một số người được gia đình gửi “Đơn xin bảo lãnh” thì họ cũng được trả tự do. Số còn lại, không quá ba tháng sau, thì tất cả đều được xuất trại, và sẽ được đưa đến “Trung tâm phục hồi nhân phẩm” thuộc “Công trường Thắng Lợi”, thuộc xã Hòa Khương, quận Hòa Vang, cuối con dốc Phú Túc, hoặc “Trung tâm phục hồi Nhân Phẩm” tại huyện Hiên, Quảng Nam, để gọi là “học nghề”, nhưng chỉ học nghề làm nông, và cũng chỉ trong vòng ba tháng, họ đều được trả tự do, rồi sau đó, tới những đợt khác. Nhưng không có một người nào phải bị “Tập trung cải tạo” cả. Vì một khi bị “tập trung cải tạo” rồi, thì tất cả đều phải ở tù ít nhất trên ba năm, nặng hơn thì phải đến trên mười năm.

 

Một điều khác, mà có lẽ cho tới giờ này, có thể các vị nam tù chính trị ở Phân trại Thôn 5 (Năm) và Na Sơn không biết được. Đó là đã có một số nữ tù từng được “Ban giám thị Trại 1” đưa lên hai phân trại này, để gọi là “cấy, gặt bổ sung”. Nghĩa là giúp cho nam tù trong công việc cấy, gặt (ở chung cùng trại nam). Nhưng mỗi đợt “bổ sung” cũng chỉ không quá ba tháng, thì lại thay “đợt bổ sung” khác, vì các cô ấy là tù “truy quét hình sự”, không phải là những người bị “Tập trung cải tạo” như đã nói ở trên.

 

Riêng tất cả những nữ tù chính trị tại “Trại chính - Trại 1”, thì lại rất thích lên phân trại Na Sơn, vì mỗi lần thấy các nữ tù từ Na Sơn về trại 1, thì ai cũng thấy các cô đều thay đổi, với làn da trắng trẻo, bởi Na Sơn ở trên núi cao, nghe nói lạnh lắm, không có nắng nhiều như các phân trại khác.

 

Nhắc lại điều này, tôi nhớ đến chị Hoàng Thy An, là ái nữ của Trung tá Hoàng Em, cả hai bố con chị Thy An đều ở chung một trại tù, chị Thy An thường nói với tôi: “làm cách nào để chị được lên trại Na Sơn hả em, chị thấy mấy người đi Na Sơn về, giống như đi sửa sắc đẹp vậy”.

 

Nghe chị Thy An nói, tôi nói với chị: Không bao giờ mình được thấy trại  Na Sơn hay Thôn 5 đâu, vì mình là loại tù chỉ biết có Trại 1 mà thôi. Và chị Thy An đã phải ở tù tại “Trại 1” tám năm mới được thả.

 

 

 Nhân cách của quý vị Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng:

 

Nói về nhân cách của các vị Cựu Tù Nhân Chính Trị. Chúng tôi, những người đã một thời đồng cảnh ngộ có lẽ sẽ không bao giờ quên những vị tù khi  đứng trước những bạo lực Công an Cộng sản, các vị đã chứng tỏ cái nhân cách lớn của mình qua câu “Uy Vũ Bất Năng Khuất”.

 

Tôi đã từng viết đến những cái chết của Thiếu tá Hồ Minh, Đại úy Nguyễn Phượng, Trung úy Trần Quang Trân... Và tôi cũng đã viết về  những nhân cách lớn của quý vị hiện vẫn còn sống như Giáo sư thượng Nghị Sĩ Bùi Văn Giải, Giáo Sư Võ Văn Dật, tức Võ Hương An, Cựu Giám học và Thanh tra Giám Sát Viện, Quân Khu 1, anh Tạ Mộng Tân, thuộc Biệt đội 9 Quân Báo, biệt phái cho Sư Đoàn 101, Nhày Dù Hoa Kỳ - Biệt đội 11 Quân Báo, biệt phái Lữ Đoàn 2 Thanh Long, Thủy Quân Lục Chiến Đại Hàn – Trung tâm Thẩm Vấn/Quân Đoàn 1- Phòng 2/Quân Đoàn 1  - Sĩ Quan Thông Dịch và Liên Lạc/Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên, Giáo sư Lưu Như Hải – Giáo sư sinh ngữ Trường Trung học Sao Mai, Đà Nẵng, anh Phạm Lộc... và còn nhiều vị từng ở trong “Nhà Biệt giam 2.79”, tức “Biệt giam Đồng Mộ - Biệt giam Nhà Trắng”. Sau đó, các vị đã “được” đưa về và chuyển đến từ các “Nhà 6 - Nhà 7 - Nhà 8 - Nhà 10 - Nhà 12... tại Trại chính: Trại 1, trại “cải tạo” Tiên Lãnh. Các vị là những vị có đủ điều kiện để cho bọn Công an trại tù cho hưởng những “ưu đãi”, để dạy cho con cháu của chúng học. Nhưng không, quý vị đã giả bệnh, giả ngơ ngác, để không làm hết những điều mà bọn Công an cần đến.

 

Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh: Một nhân cách lớn trong trại tù “cải tạo”:






Những ngày tháng đầu, khi mới nhập trại, Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh đã được “Ban giám thị” trại chỉ định cho “phụ trách phòng y tế” tại bệnh xá trại 1.

 

Phải nói rằng, suốt trong thời gian Bác sĩ Phùng Văn Hạnh phụ trách y tế tại trại, Ông đã cứu giúp rất nhiều tù nhân qua những cơn bệnh ngặt nghèo. Ông đã sống trọn vẹn cho tha nhân, không thiết tha cho riêng bản thân mình.

 

Thế nhưng, chính vì lòng thương của Ông đối với những người tù đồng cảnh ngộ, đã khiến cho “Ban giám thị” và Công an không bằng lòng. Đặc biệt nhất, là sự bất phục tùng và sự khinh thường đối với “Ban giám thị” và cả bọn Công an của trại tù, đã khiến cho Ông phải bị hành hạ đày đọa từng ngày tại trại.

 

Tôi đã chúng kiến hình ảnh của Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh khi đứng trước cổng trại nam, để “báo cáo cán bộ” sau khi hết giờ lao động về trại. Ông đã quyết liệt không chịu bỏ nón xuống, đứng nghiêm như những người tù khác khi đứng trước Nguyễn Văn Đẳng, một “cán bộ trực cổng”. Nhưng rồi bọn Công an cũng không biết làm gì, lại còn nghi ông đã ở trong vụ án của Thiếu úy Trần Quang Trân, (nghi là vì không có bằng chứng, nhưng chúng biết là có thật) nên bọn Công an đã nói Ông “điên” để khỏi phải mất mặt. Cuối cùng “Ban giám thị” trại đã quyết định buộc Bác sĩ Phùng Văn Hạnh phải đi lao động ngoài đồng, không cho phụ trách y tế nữa.

 

Kể từ đó, trạm xá của trại tù, công an trại giao cho bác sĩ Vương Ngọc Lâm một thời gian, rồi lại giao cho anh Đỗ Phạm Hiển, một cán sự ý tế trước 30/4/1975, rồi anh Hiển cũng bị “kỷ luật” vì lén đưa mấy dòng chữ ngắn cho người con trai ruột của anh ở cùng trại, vì đã ở trong vụ án “Việt Nam Dân Tộc Cách Mạnh Đảng”. Một vụ án có tới 05 (năm) vị đã bị Việt cộng xử bắn tại Hòa Khánh, con trai anh Hiển là Phạm Đỗ Thánh Thiện đang bị cùm, nên anh Hiển cũng bị chúng đuổi khỏi bệnh xá, và cũng bị cùm một tuần rồi ra ngoài lao động.  Sau đó bệnh xá giao cho các y tá trước 30/4/1975 phụ trách.

 

Sở sĩ, bọn Công an không cùm biệt giam Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh, là vì chúng rất cần Ông trong những lúc con cái của chúng bị bệnh. Mà những lúc ấy, Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh dù đang phải lao động, nhưng do từ tâm của một vị LƯƠNG Y, nên Bác sĩ  Phùng Văn Hạnh  lại không nỡ bỏ cho những đứa trẻ ấy phải chết, dù biết chúng là con của bọn Công an!

 

Tôi cũng đã chứng kiến mỗi ngày Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh phải đi bứt mây rừng, hoặc phải đi “mót sắn”. “Mót” nghĩa là phải đi tìm trên những đám sắn, mà tù “cải tạo” đã nhổ xong, rồi bươi móc, để tìm những củ sắn còn sót lại, và phải làm sao cho đúng với “chỉ tiêu” mỗi ngày là 70 (bảy mươi) ký sắn, phải gánh đem về tận kho lương thực của trại, để cân cho đúng, thì mới được nghỉ.

 

Nói đến điều này, những người không cùng chung cảnh ngộ, không làm sao hiểu hết, vì với 70 ký sắn, mà chỉ được “mót” thôi, chứ không được vào nhổ trong những đám sắn còn nguyên. Như thế, phải đi “mót” từng củ sắn, thì phải leo lên rừng từ sáng sớm cho đến lúc mặt trời xuống núi, thì mới đủ 70 ký sắn. Đó là một trong những cách để trả thù, hành hạ đối với tư cách của Bác sĩ Phùng Văn Hạnh!

 

Tôi vẫn nhớ, có một lần, khi thấy tên Nguyễn Văn Tư, là “Cán bộ giáo dục” toàn trại nam và nữ, đã bảo một “trật tự” trại : “Anh hãy đi tìm kêu anh Hạnh về khám cho con tôi; nó đang lên cơn sốt, mau lên kẻo con tôi nó chết”.

 

Nghe và thấy vậy, tôi thử tìm cách nói: “thưa cán bộ, nếu cán bộ thấy B/sĩ Phùng Văn Hạnh là cần thiết cho con cái của cán bộ trong trại, thì sao cán bộ không cho B/sĩ Hạnh trở về phụ trách y tế tại trạm xá, để mỗi lần con cái cán bộ bệnh nặng thì gọi cho nhanh hơn”.

 

Và tôi đã được nghe những lời của tên Nguyễn Văn Tư như sau:

 

“Tại chị không biết, chứ anh Hạnh này không được đâu. Ai đời mỗi lần khám bịnh cho trại viên, thì anh Hạnh đều ghi những chuyện xỏ xiên, không chấp nhận được. Chẳng hạn như trong các hồ sơ bịnh án (hồ sơ bệnh lý)  của mỗi trại viên, anh Hạnh đã ghi: “Bệnh nhân trơ xương – Bệnh nhân da bọc xương – Bệnh nhân lòi xương... cái gì cùng toàn là da với xương, tại sao ảnh không dùng những danh từ y khoa khác, mà chỉ có da với xương, đó là cách bôi bác cách mạng, nên không cho ảnh phụ trách y tế được”!

 

Những điều này, dù nhiều lần được hầu chuyện với Bác sĩ Phùng Văn Hạnh, qua điện thoại, nhưng tôi cứ quên hoài, nên chưa hề hỏi Bác sĩ Phùng Văn Hạnh, không biết Ông có ghi trong “hồ sợ bệnh án” của trại như thế hay không?

 

Nhưng vẫn chưa hết, vì ngoài hình phạt ấy, bác sĩ Phùng Văn Hạnh còn từng bị “Ban giám thị” trại tù “cúp thăm nuôi” nữa. Nhắc lại điều này, tôi nghĩ chỉ có các bà, các chị và quý thân nhân của người cựu tù “cải tạo” mới hiểu được, bởi khi đã từ các thành phố xa xôi, phải tiết kiệm những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, mới có được những món quà thăm nuôi, tiền xe, tiền ăn đi đường, còn phải gánh quà tới tận trại trù “cải tạo” để thăm chồng, thăm cha và những người thân của mình; nhưng khi đến nơi, lại bị công an trại từ chối, và nói rằng “vì trại viên đó vi phạm nội quy nên bị cúp thăm nuôi” thì mới thấu hiểu những nỗi khổ của chị Bạch Nhạn, phu nhân của Bác Sĩ Phùng Văn Hạnh, vì chẳng những không được gặp mặt Bác sĩ Phùng Văn Hạnh, mà chị Bạch Nhạn còn phải gánh quà thăm nuôi trở về trong đau buồn và nước mắt!

 

Và khi viết về những điều này, riêng tôi luôn rất vui, vì các vị Cựu tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng, đã không hề có một vị nào, cho dù có “được”  Công an trại giao cho những cái chức như “Nhà trưởng, Tổ trưởng...” Nhưng, không có một ai đối xử với những người đồng cảnh ngộ như ông Bùi Đình Thi. Không có một ai đánh mắng một bạn đồng tù “cải tạo” nào. Tôi không nói là ông Bùi Đình Thi đã đánh chết người, nhưng ít ra có thể đã đụng đến da thịt của người đồng tù “cải tạo”. Còn trại tù của chúng tôi thì hoàn toàn KHÔNG.

 

Tuy nhiên, vì lòng ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng bản thân, nên đã có những chuyện ép tù nhân “phải lao động cho đạt chỉ tiêu” hay chia sẵn những “tiêu chuẩn” cho tù nhân, chẳng hạn mỗi ngày mỗi người cả nam lẫn nữ, phải cuốc, cày, cấy, gặt và gánh phải “đạt chỉ tiêu” mỗi người là 170 m2, hoặc cuốc đất trồng sắn, vừa cuốc vừa trồng phải “đạt chỉ tiêu” là 500 hom (cây giống) sắn, cắt gánh “bổi” (là lá cành phân xanh)  phải từ 150 ký đến  300 ký, (tùy theo đồng ruộng xa hay gần) một người mỗi ngày.

 

Sở dĩ, tôi nhớ rất rõ về những “chỉ tiêu - tiêu chuẩn” này, là vì Phân trại nữ, trực thuộc “quyền” của Trại nam về mọi mặt như: từ  gạo, muối... đều do “Nhà Kho cấp dưỡng” trại nam cấp cho, cũng như mỗi ngày “Ban kỹ thuật” của nam tù giao cho trại nữ chúng tôi bao nhiêu m2, m3, thì chúng tôi phải làm sao cho “đạt”, còn nếu không, thì chúng tôi bị Công an phạt không cho tắm!

 

Đây mà một hình phạt đáng sợ nhất đối với nữ tù, vì nếu bị phạt không cho ăn một bữa, thì chúng tôi chịu đựng được. Nhưng, là nữ mà mỗi ngày dầm mình dưới ruộng, sình lầy tới ngực, tới bụng, đỉa đeo hút máu, máu thấm, máu loang đỏ trên da thịt và cả áo quần, mà không được tắm, thì khi cửa phòng tù đã bị kéo ngang thanh sắt kèm theo chiếc khóa sắt nữa, chúng tôi chỉ biết nằm trên chiếc sạp gỗ mà khóc, chứ không làm sao ăn được cái chén sắn độn cơm, và chỉ thiếp đi khi quá mệt, mong cho đến sáng, để đi làm tiếp, bù lại hôm qua, để được tắm rửa!

 

 Tôi không muốn nhắc lại những chuyện này, vì tôi biết những người này hiện có mặt tại Mỹ, nhưng họ đã biết hối hận và tự ý tìm đến những nơi xa xôi để sống, để tránh mặt quý vị Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng từ rất lâu rồi.

 

Thay lời kết:

 

Riêng tôi, với 08 (tám năm) ở trong nhà tù “cải tạo”. Tôi nghiệm thấy: nếu ai đã từng qua những nhà tù “cải tạo” của Cộng sản Hà Nội, là đã “bước” qua những cuộc khảo nghiệm về chất người. Vì ở đấy, là nơi các cựu tù “cải tạo” đã chứng tỏ được cái nhân cách của chính mình.

 

Những nơi ấy, có những chiếc cùm sắt, có nhà cùm, nhà biệt giam, có những chiếc báng súng lúc nào cũng sẵn sàng giáng xuống những tấm thâm gầy mòn của người tù không còn sức kháng cự. Và có những họng súng luôn sẵn sàng nhả đạn, để giết chết những người tù vô tội!

 

Và chính trong những nhà tù “cải tạo” của đảng Cộng sản Hà Nội, đã “rèn”, đã hun đúc nên những nhân cách lớn, như Bác sĩ Phùng Văn Hạnh, vì chính Ông, Ông đã chứng tỏ trước các Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam - Đà Nẵng qua những năm tháng dài bị tù đày, hành hạ với tinh thần Uy Vũ Bất Năng Khuất!



 

Paris, ngày 06/10/2014

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.