Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 18 July 2014

Malaysia Airlines MH17: Chân dung một số nạn nhân xấu số

Chân dung một số nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH17 trước khi lên đường

Sau đay là một số hình ảnh chân dung về các nạn nhân có mặt trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines:


3 anh em Mo Maslin, 12 tuổi, (trái), em trai Otis, 6 tuổi, (giữa) và Evie Maslin, 10 tuổi, (phải) đã thiệt mạng trên chuyến bay MH17.

Helena Sidelik di chuyển từ châu Âu trở về quê hương Australia sau khi dự đám cưới một người bạn thân, chuyến bay MH17 đáng lẽ đã đưa bà tới nơi an toàn.

Nhà nghiên cứu sinh học, giáo sư Roger Guard là một người Australia khác xuất hiện trong danh sách hành khách trên MH17.

Giáo sư Jill Guard (vợ của Roger Guard) cũng có mặt trên chuyến bay MH17 khi di chuyển cùng chồng mình.

Sơ Philomene Tiernan (giữa), di chuyển trên chuyến bay mang mã hiệu MH17 sau khóa truyền đạo dài ngày ở châu Âu.

Cặp vợ chồng Albert Rizk (ngoài cùng bên trái) và Marie (thứ 3 từ trái sang) di chuyển từ châu Âu về Australia trên MH17.

Elaine Teoh, 27 tuổi, sinh viên của trường Đại học Melbourne là một trong số những người Úc đầu tiên được xác định có mặt trên chuyến bay MH17.
Emiel Mahler, bạn trai của Elaine Toeh cũng đồng thời di chuyển trên chuyến bay MH17.

Thủy thủ lâu năm Nick Norris cùng 3 người cháu của mình cũng được xác định đã di chuyển trên MH17.

Danh sách các thành viên trong tổ bay lần này cũng được công bố, trong chuyến bay MH17, phi hành đoàn phần lớn mang quốc tịch Malaysia này gồm 15 người, trẻ nhất 27 tuổi và già nhất 54 tuổi.


Angeline Premila, một tiếp viên của phi hành đoàn trên chuyến bay MH17.


Shazana Salleh, tiếp viên của hãng hàng không Malaysia Airlines vừa trở về sau khi theo dõi World Cup 2014 tại Brazil.

Azrina Jacob, 41 tuổi, một tiếp viên khác trên chuyến bay tử thần.

Sanjid Singh, người Malaysia cũng là một thành viên tổ bay có mặt trên MH17.

Trong chuyến bay này còn có sự góp mặt của rất nhiều chuyên gia y tế, những người di chuyển tới Úc để dự hội thảo về cách phòng ngừa căn bệnh AIDS.


Glenn Thomas, công tác tại tổ chức WHO di chuyển trên MH17 tới Úc để tham gia hội thảo về căn bệnh AIDS.

Nhà phát động chống AIDS, Pim de Juiker cũng tới dự hội thảo AIDS lần này.

Joep Lange, nhà nghiên cứu đi đầu trong việc tìm hiểu về nguyên nhân cũng như cách thức phòng ngừa virus HIV.

Neeltje Tol (trái) cùng Cor Pan (người đăng tải hình ảnh máy bay MH17 trước khi cất cánh) cũng được xác nhận có mặt trên chuyến bay này.


--------------------
 

MH17 bị bắn rơi : Thế giới bàng hoàng, đòi phải được tự do điều tra

Giá cổ phiếu của Malaysia Airlines sụt gần 20% sau tai nạn xảy ra. Bên cạnh là bảng thông báo kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân MH17.
Giá cổ phiếu của Malaysia Airlines sụt gần 20% sau tai nạn xảy ra. Bên cạnh là bảng thông báo kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân MH17.
REUTERS/Edgar Su

Vụ máy bay của Malaysia Airlines bị rơi ở miền Đông Ukraina ngày 17/07/2014 đã khiến cả thế giới bàng hoàng, một số nước kêu gọi phải được tự do điều tra về nguyên nhân tai nạn.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua, tổng thống Barack Obama đã yêu cầu điều tra” nhanh chóng “ và “không gặp cản trở” về vụ máy bay rơi. Ông Obama tuyên bố là Washington sẳn sàng hỗ trợ ngay cho một cuộc điều tra quốc tế “nhanh chóng, toàn diện, đáng tin cậy và không gặp cản trở” tại miền Đông Ukraina.
Về phần phát ngôn viên Nhà Trắng, Josh Earnest nhấn mạnh tai nạn này xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraina do sự yểm trợ của Nga cho phe ly khai, kể cả bằng việc trang bị vũ khí, thiết bị và huấn luyện.
Thủ tướng Canada Stephen Harper ra thông cáo, thẳng thừng lên án nước Nga đã xâm lăng quân sự và chiếm đóng trái phép Ukraina, và đây chính là mầm mống gây xung đột trong khu vực. Tại Hà Lan, quốc gia có nhiều nạn nhân nhất (154 người), báo chí hôm nay đồng loạt lên án “ một vụ sát nhân ghê tởm”.
Riêng Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk hôm nay tuyên bố những kẻ bắn rơi máy bay của Malaysia Airlines phải được đưa ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye. Ông cáo buộc Nga đã phạm “tội ác quốc tế này”.
Trước những phản ứng mạnh mẽ nói trên, phe ly khai thân Nga hôm nay đã hứa sẽ để cho các nhà điều tra của quốc tế được tiếp cận hiện trường một cách an toàn, theo tin từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE.
OSCE hiện đang thảo luận với phe ly khai về việc thiết lập một "hành lang” để các nhà điều tra quốc tế có thể đến nơi máy bay rơi. Trong khi đó, thủ tướng Arseni Iatseniuok hôm nay tố cáo phe ly khai thân Nga không cho các nhà điều tra Ukraina đi vào khu vực này.
Để tạo điều kiện cho việc điều tra, Hoa Kỳ kêu gọi các bên có liên quan - Nga, phe ly khai thân Nga và Ukraina - ngưng bắn ngay lập tức. Nhưng một lãnh đạo phe ly khai đã tuyên bố không chấp nhận ngưng bắn.
Các thị trường chứng khoán Châu Âu và Hoa Kỳ hôm qua đã đồng loạt sụt điểm sau khi nghe tin về tai nạn máy bay Malaysia Airlines. Các nhà đầu tư sợ rằng căng thẳng leo thang ở Ukraina sẽ gây tác hại đến việc kinh doanh của họ và đến kinh tế toàn cầu. Hôm nay, đến lượt các thị trường chứng khoán Châu Á sụt điểm mạnh. Đặc biệt tại thị trường chứng khoán Kuala Lumpur, giá cổ phiếu của Malaysia Airlines sụt gần 20%. Đây là máy bay thứ hai của hãng này gặp nạn, sau vụ chiếc phi cơ của chuyến bay MH370 mất tích một cách bí ẩn ngày 08/03/2014 trên đường bay đến Bắc Kinh.

Máy bay Malaysia trúng tên lửa ở Ukraina, toàn bộ 298 người chết

Nơi máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi ngày 17/07/2014 ở miền Đông Ukraina.
Nơi máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi ngày 17/07/2014 ở miền Đông Ukraina.
REUTERS

Một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines, bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã bị trúng một tên lửa và rơi xuống miền Đông Ukraina ngày 17/07/2014, tại một vùng do phe ly khai thân Nga kiểm soát, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng, trong đó hơn phân nửa là hành khách Hà Lan.

Theo lời một quan chức Hoa Kỳ, xin được miễn nêu tên, các chuyên gia của cơ quan tình báo Mỹ cho rằng chiếc Boeing 777 đã bị trúng một tên lửa địa đối không, nhưng họ đang nghiên cứu các dữ liệu để xác định xem tên lửa này có phải là do phiến quân thân Nga bắn lên hay không.
Ngay sau vụ rơi máy bay, chính quyền Kiev và phiến quân thân Nga tố cáo lẫn nhau đã gây ra tai nạn này, nhưng hiện giờ chưa có yếu tố nào giúp xác định trách nhiệm của ai.
Tuy nhiên, các thông tin, mà một số sau đó được nhanh chóng gỡ đi, trên các trang mạng của phiến quân thân Nga, cũng như các cuộc đàm thoại do cơ quan tình báo Ukraina ghi được cho thấy rất có thể là phiến quân đã bắn nhầm, vì tưởng máy bay của Malaysia Airlines là một phi cơ quân sự của Ukraina.
Có một chi tiết rất đáng ghi nhận: một tư lệnh của phiến quân thân Nga hôm qua 17/07/2014 đã viết trên trang Facebook của ông rằng họ vừa bắn rơi một phi cơ vận tải quân sự Ukraina vào đúng thời điểm và ở đúng địa điểm máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi.
Ngoài ra, Igor Strelkov, người tự phong là “ bộ trưởng Quốc phòng” của cái gọi là “ Cộng hòa nhân dân Donetsk”, hôm qua đã phổ biến trên Internet một đoạn video chiếu cảnh một cột khói đen bốc lên từ nơi máy bay rơi và đoạn video này rất giống với những hình ảnh nơi máy bay của Malaysia Airlines được chiếu trên YouTube.
Tên lửa địa đối không có tầm bắn xa đến 42 km và có thể được bắn lên đến độ cao 25km. Trước khi xảy ra tai nạn, một phát ngôn viên quân sự Ukraina đã khẳng định là các tên lửa như vậy đã được giao cho phiến quân thân Nga.
Nếu thật sự giả thuyết này là đúng, phiến quân thân Nga và đồng minh của họ là tổng thống Vladimir Putin sẽ bị cả thế giới lên án. Thế nhưng đối với tổng thống Nga, chính Ukraina phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tai nạn hôm qua.
Sáng nay, đội cứu hộ loan báo đã tìm thấy hộp đen của máy bay, nhưng hiện chưa biết đây là hộp đen ghi các cuộc trao đổi của phi hành đoàn, hay hộp đen ghi các thông số kỹ thuật của chuyến bay. Nhưng dù là hộp đen nào thì cũng sẽ rất khó mà từ đó xác định được phe nào đã bắn tên lửa trúng máy bay.
Theo trạm không lưu Ukraina, phi hành đoàn chiếc Boeing 777 đã không hề báo có vấn đề gì khi họ bay ngang qua không phận Ukraina.
Tại hiện trường, các phóng viên hãng tin AFP đến tận nơi tối qua đã nhìn thấy nhiều thi thể nằm vương vãi chung quanh nơi máy bay rơi. Những mảnh máy bay, trong đó có phần đuôi với logo của hãng Malaysia Airlines, đã văng xa trên một vùng rất rộng ở làng Grabove, trong vùng Donetsk.
Trong số 298 người trên máy bay bị rơi, hiện nay có thể thống kê: 154 người Hà Lan, 27 người Úc, 23 người Malaysia, 11 người Indonesia, 3 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, và 1 người Canada.
Nhiều hành khách trên máy bay bị bắn rơi là những người đi dự hội nghị quốc tế về SIDA, sẽ khai mại ngày 20/07 tại Melbourne, Úc. Trong số này, có nhà nghiên cứu người Hà Lan, Joep Lange, nổi tiếng thế giới về hoạt động phòng chống SIDA. 
Đặc phái viên RFI Damien Simonart có mặt tại hiện trường cho biết đến sáng nay, khu vực chung quanh xác máy bay vẫn chưa được phong tỏa. Phóng viên hay bất kỳ ai cũng có thể đến gần và thậm chí là mang đi các mảnh vỡ của chiếc Boeing 777:
 « Vào lúc này tôi đang đạp lên trên các mảnh vỡ của máy bay. Xác máy bay ngay trước mặt. Ở phía bên phải là một động cơ hoàn toàn cháy rụi. Ở bên trái, tôi trông thấy một phần của bộ phận hạ cánh máy bay. Tôi phải hết sức thận trọng vì xác người ngổn ngang. Có mùi xăng cháy khét. Cách chỗ tôi đang đứng khoảng 100 mét có gần một chục người cầm súng thuộc phe nổi dậy thân Nga. Họ đang thảo luận với nhau, nhưng không hề để ý tôi đang làm gì chung quanh xác máy bay.
 Thực tình mà nói, nếu tôi có đánh cắp một mảnh vỡ cũng không ai biết. Tuy nhiên một cổng rào được dựng lên ở phía ngoài, không phải ai cũng vào được gần khu vực này. Chỉ có nhà báo mới được vào tận nơi và phải có giấy phép của các nhà chức trách thuộc nước tự phong là Cộng hòa Donetsk.
 Dân cư chung quanh không ai tò mò muốn đến gần chỗ máy bay bị nạn. Đó cũng là điều kỳ lạ. Các toán cứu hộ bắt đầu công việc trên một diện tích rộng vài hecta và họ đánh dấu mỗi khi phát hiện một mảnh vỡ của máy bay hay vết tích các nạn nhân. Có rất nhiều dấu vết như vậy đã được tìm thấy trên mảnh ruộng, chỗ máy bay Malaysia bị bắn hạ ». 

Loại tên lửa nào đã bắn hạ máy bay Malaysia ?

Giàn phóng tên lửa địa đối không BUK.
Giàn phóng tên lửa địa đối không BUK.
@wikimedia

Tin chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines bị trúng tên lửa đã được xác nhận. Hai câu hỏi được đặt ra : loại tên lửa nào có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao 10.000 mét và tên lửa cướp đi sinh mạng của gần 300 con người ngày hôm qua được bắn đi từ đâu ?
 

Trước mắt chưa thể trả lời câu hỏi thứ nhì. Còn về câu hỏi thứ nhất, hiện tại các nhà quan sát phương Tây đều chú trọng vào hệ thống tên lửa BUK do Nga và Liên Xô cũ phát triển. BUK là hệ thống bắn tên lửa địa đối không tầm trung. Theo các chuyên gia quân sự, phe nổi dậy không đủ khả năng để sử dụng hệ thống này nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên viên biết rất tận tường hệ tên lửa phòng không BUK. Sử dụng hệ thống này không đơn giản, vì giàn phóng của hệ BUK bao gồm một xe chỉ huy, 1 trạm trinh sát/bắt bám và điều khiển, 6 xe phóng mỗi xe mang 4 quả tên lửa và 4 quả dự trữ, 3 xe tiếp đạn.
Mỗi vụ phóng tên lửa như vậy cần huy động nhiều chuyên gia. Do vậy theo giới quân sự, rất khó có thể tin rằng tên lửa bắn hạ chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines do phe nổi dậy ở miền Đông Ukraina tiến hành mà không có sự cố vấn của các quân sư giàu kinh nghiệm.
Theo lời ông Pierre Servent một nhà tư vấn về quốc phòng của Pháp, cả quân đội Ukraina không có trong tay loại tên lửa địa đối không có tầm bắn ở độ cao hơn 10.000 mét. Phía quân nổi dậy ở miền đông nước này cũng vậy, nếu không có sự trợ giúp của Nga. Bởi vì theo lời ông Servent, trên nguyên tắc chỉ có Nga mới có tên lửa với tầm bắn lên tới độ cao 45.000 mét.

Ukraina, vùng không phận nguy hiểm

Mảnh vỡ của chiếc máy bay MH 17 thuộc hãng Malaysia Airlines sau khi bị trúng tên lửa trên không phận Ukraina.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay MH 17 thuộc hãng Malaysia Airlines sau khi bị trúng tên lửa trên không phận Ukraina.
REUTERS/Maxim Zmeyev

Vì vấn đề an toàn, nhiều hãng hàng không Châu Á đã tránh bay qua không phận Ukraina. Cơ quan kiểm soát cơ quan không lưu Châu Âu, Eurocontrol, cấm các hành trình bay qua miền Đông Ukraina. Kiev đóng cửa không phận sau vụ máy bay Malaysia trúng tên lửa.

Chỉ vài giờ sau khi hay tin chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bán trúng tên lửa, nhiều tập đoàn hàng không Châu Á đã tìm cách trấn an khách hàng. Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana, hãng Qantas của Úc, tập đoàn China Airlines của Đài Loan lập tức thông báo, từ sau khi Nga sáp nhập vùng Crimée của Ukraina, hồi đầu tháng 3/2014, các tập đoàn này đã chuyển hành trình, tránh bay ngang qua lãnh thổ Ukraina.
Korean Air nói với AFP, những bất ổn chính trị trong vùng, khiến hãng hàng không Hàn Quốc dời hành lang bay 250 cây số về phía nam Ukraina kể từ ngày 03/03/2014. Tập đoàn Qantas của Úc cũng đưa ra thông tin tương tự. Cụ thể là chuyến bay nối liền thủ đô Luân Đôn với Dubai đã được dời hẳn lên phía bắc Ukraina. Quyết định thay đổi hành lang bay của hãng hàng không Đài Loan, China Airlines đã có hiệu lực từ hồi đầu tháng 4/2014.
Singapore Airlines, và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng cho biết không còn sử dụng hành lang bay ngang qua miền Đông Ukraina.
Riêng các hãng hàng không Thai Airways, hay của Vietnam Airlines và hai hãng Trung Quốc Chine Eastern và Air China thì chỉ mới dời hành hang bay khỏi khu vực nguy hiểm từ sau vụ máy bay Malaysia bị trúng tên lửa hôm qua.
Về phần hai hãng hàng không Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways thì cho biết không sử dụng tuyến đường bay qua Ukraina. Đây cũng là sự chọn lựa từ đầu của hãng hàng không Indonesia Garuda.
Việc thay đổi đường bay trên các tuyến Á-Âu đương nhiên đã gây thêm tốn kém cho các tập đoàn hàng không dân dụng. Lộ trình thường dài hơn so với trước.
Về câu hỏi tại sao hãng hàng không Malaysia Airlines lại không tránh né hàng lang bay nguy hiểm này, thủ tướng Malaysia Najib Razak nhắc lại là cho tới ngày hôm qua (17/07/2014) Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế vẫn xem đó là một hành trình « an toàn ».
Về phía Châu Âu, hãng Air France – KLM của Pháp cho biết đã không bay qua miền Đông Ukraina từ đầu tháng 4/2014. Hôm nay, Air France và Lufthansa của Đức, Delta của Mỹ cho biết vừa quyết định không bay qua toàn lãnh thổ Ukraina.

Rớt máy bay lần hai : Malaysia họa vô đơn chí

Đây là lần thứ hai trong năm (2014) máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp tai nạn.
Đây là lần thứ hai trong năm (2014) máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp tai nạn.
REUTERS/Olivia Harris

Vụ chiếc máy bay MH17 chở theo 298 người bị rơi hôm qua 17/07/2014 đã làm sững sờ một đất nước Malaysia, cách đây bốn tháng đã phải gánh chịu một tai nạn hàng không khác - khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích một cách hoàn toàn bí mật.

Lần thứ hai trong năm, các nhật báo Malaysia dành trang nhất cho thảm họa hàng không gây tang tóc cho đất nước. G.Subramaniam, có con trai đi trên chuyến bay MH370 bị biến mất không để lại dấu vết hôm 8/3 đau buồn nói : « Tại sao không thể nào sống yên tĩnh được trên đất nước chúng ta ? Hết thảm kịch này lại đến ngay thảm kịch khác ».
Trên chiếc Boeing 777 bị rơi tại miền đông Ukraina hôm qua, có 298 người trong số đó phân nửa là người Hà Lan, và 43 người Malaysia trong đó có 15 thành viên phi hành đoàn.
Các chuyên gia tình báo Mỹ nói rằng chiếc máy bay bị một hỏa tiễn bắn trúng. Thủ phạm là phe nào trong vùng đất đang xảy ra xung đột giữa quân nổi dậy thân Nga và quân đội Ukraina, thì còn phải xác định. Nhưng cho dù kẻ đã bắn ra chiếc tên lửa định mệnh thuộc phe nào đi nữa, cuộc khủng hoảng này đã khơi dậy những vết thương của thảm họa MH370 lên tâm tưởng người Malaysia.
Nữ vô địch cầu lông nổi tiếng Lee Chong Wei viết : « Tôi vừa mới nghe cái tin khủng khiếp ấy. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẵn sàng chấp nhận một sự kiện như thế, chỉ ít lâu sau thảm kịch MH370 ».
Sự mất tích của chuyến bay MH370 bay từ Kualar Lumpur tới Bắc Kinh cùng với 239 người đã gây ra một trận bão chỉ trích chính quyền cũng như công ty Malaysia Airlines, bị cho là vô tổ chức và nghiệp dư. Chiếc máy bay đã đổi hướng không rõ lý do một tiếng đồng hồ sau khi cất cánh, có thể đã bị rớt xuống phía nam Ấn Độ Dương, theo các dấu hiệu vệ tinh nhận được. Nhưng không có mảnh vỡ nào được tìm thấy, cho dù đã huy động nhân vật lực hết sức quy mô để tìm kiếm.
Hai thảm họa liên tiếp đã khiến người Malaysia hoang mang về đất nước đa văn hóa, được cho là thành trì ổn định trong một khu vực đầy xáo động. Ibrahim Suffian, lãnh đạo viện thăm dò chính yếu của nước này nhận định như trên. Ông nói : « Người Malaysia luôn thoát được các thảm họa. Bão tố, động đất, chiến tranh, không phải dành cho chúng ta mà là Indonesia, Miến Điện hay Philippines phải chịu đựng. Nhưng nay thì cảm giác an toàn đã không còn nữa ».
Nhiều câu hỏi gây bối rối cho chính quyền Malaysia đã được đặt ra. Nhất là vì sao công ty hàng không quốc gia tiếp tục cho bay qua vùng chiến sự, trong khi các công ty hàng không Châu Á khác đã thay đổi đường bay từ nhiều tuần qua vì lý do an ninh ?
Thủ tướng Najib Razak đã bênh vực Malaysia Airlines, cho rằng năm 2014 là « một năm bi kịch » cho đất nước. Ông nhấn mạnh, đường bay trên đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho là « chắc chắn ». Và « Hiệp hội Hàng không Quốc tế nói rằng không phận mà chiếc MH17 bay qua không chịu một hạn chế gì cả ». 
Bay tránh các không phận thường lệ trên các đường bay nối liền châu Âu và châu Á thường khiến thời gian bay kéo dài thêm và làm tăng chi phí nhiên liệu. 
Nếu phe đối lập kêu gọi người dân Malaysia đoàn kết đứng sau Thủ tướng trong thời kỳ khủng hoảng bản sắc này, một số khác nghĩ rằng thảm họa vừa rồi sẽ làm ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh của Malaysia đối với người nước ngoài cũng như công dân trong nước.
K.S.Narendran, một công dân Ấn Độ có người vợ đi trên chuyến bay MH370 bị mất tích hồi tháng Ba dự báo : « Tình cảm tự hào và thoải mái của người Malaysia đã bị rơi rụng ít nhiều bởi cách thức mà chính phủ và công ty hàng không điều hành trong tai nạn MH370, nên sẽ rất khó vượt qua vụ mới này. Họ sẽ cảm thấy bị kết tội, phải chịu trách nhiệm một cách bất công ».
----------

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.