Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 13 May 2014

Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc (30/4/1975 - 2014) P2

Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc (30/4/1975 - 2014)
(Tiếp theo và hết)
                                                                                                          
Lê Quế Lâm

C. Buổi bình minh của Dân tộc đã ló dạng:


 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Việt Cộng, có con trai từng du học ở Mỹ, có rễ là Việt kiều -con một viên chức cao cấp VNCH tị nạn cộng sản ở Mỹ, nhưng ông có tinh thần “cộng sản hơn những người cộng sản thứ thiệt”. Vì thế, theo dư luận ông được sự ủng hộ đặc biệt của ba ông ‘thái thượng hoàng” Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Việc phát triển doanh nghiệp nhà nước theo qui mô lớn của Dũng đã làm vừa lòng Đỗ Mười và nhóm lãnh tụ bảo thủ. Họ vững tin là thủ tướng đã đi đúng hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng người viết không nghĩ rằng NTD đã phản bội ông thầy của mình là Võ Văn Kiệt và người tiền nhiệm của mình là Phan Văn Khải. Mà đây là kế sách tuyệt hảo  “lấy gậy ông đập lưng ông” hoặc “lấy độc trị độc” của TT Nguyễn Tấn Dũng khi theo dõi các hành động kế tiếp của ông.

Sự việc bắt đầu từ đầu từ tháng 3/2012 khi TT Nguyễn Tấn Dũng đưa “dự thảo Luật biển VN” ra trước Quốc hội biểu quyết. Hành động này là thái độ gây hấn với TQ vì thế Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng quyết định khởi tố vụ Vinalines. Dương Chí Dũng được coi là người của thủ tướng, truy tố Dương Chí Dũng là để hạ bệ TT Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 17/5/2012, Duơng Chí Dũng biết được tin sẽ bị truy tố nên bỏ trốn. Ngày 21/6/2012 Quốc hội thông qua Luật biển với tỉ số 495/496, nghĩa là chỉ có một người không tán thành.

Luật Biển VN có 55 điều khoản, trong đó điều 1 và 2 là quan trọng. Điều 1 xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. Điều 2a là chối bỏ những văn bản nào từ trước đến nay có ghi HS và TS là của nước khác (thí dụ như Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng). Điều 2b là những điều quy định trong luật biển này nếu có khác với quy ước quốc tế thì áp dụng theo luật quốc tế. Theo nhà báo Bùi Anh Trinh nhận định “Như vậy Luật Biển VN có ý nghĩa là nước CHXHCN Việt Nam công khai đối đầu với nước CHND Trung Quốc kể từ khi hai bên bắt tay thân mật trở lại vào năm 1990”.
Từ khi HK trở lại châu Á (2009), dù họ tuyên bố không ủng hộ ai trong cuộc tranh chấp ở biển Đông, nhưng trong nội bộ lãnh đạo VN diễn ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa TT Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có khuynh hướng thân TC. Trong Hội nghị Trung ương 6 khóa XI (giữa tháng 10/2012) TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang dùng chiêu bài “kiểm điểm, phê và tự phê” để mượn tay TƯ Đảng hạ bệ đồng chí X (ám chỉ thủ tướng NTD) vì các sai phạm nghiêm trọng trong việc điều hành các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước…Nhưng bất thành  khi Nguyễn Tấn Dũng biện minh cơ chế của Đảng là “Tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”. Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là những chính sách lớn của Đảng, được toàn thể Bộ chính trị cử ông đứng ra thực hiện. Ông đã báo cáo định kỳ và xin chỉ thị của Bộ chính trị. Như vậy toàn thể Bộ chính trị và “đồng chí X” (ám chỉ NTD) đều có khuyết điểm và xin nhận một hình thức kỹ luật của Ban chấp hành TƯ Đảng.
Đây là một biến cố lớn chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Đảng CSVN. Chả lẽ BCHTƯ Đảng phải áp dụng kỹ luật và loại bỏ toàn thể Bộ chính trị hay sao? Bộ chính trị là đầu não của Đảng đã phạm khuyết điểm, tất nhiên Đảng CSVN đã phạm khuyết điểm. Như vậy, BCH/TƯ phải tuyên bố vai trò của Đảng đã chấm dứt. Thời điểm này chưa thể thực hiện được, đành phải miễn thi hành kỹ luật đối với tập thể Bộ CT và cá nhân “đồng chí X”, để chờ dịp khác thuận lợi hơn. Trong biến cố này, tham vọng của Trương Tấn Sang là loại Dũng, ông sẽ lãnh đạo Đảng lẫn Nhà nước để tiêu diệt “bầy sâu” tham nhũng, thối nát. Tệ nạn này là bản chất của chế độ CS, tiêu diệt bầy sâu này cũng có nghĩa là triệt tiêu Đảng CS.
Không loại được Dũng thì phải tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Dũng. Vì thế trong Hội nghị TƯ 7 khóa XI (đầu tháng 5/2013) TBT Nguyễn Phú Trọng đề cử Nguyễn Bá Thanh Trưởng ban Nội chính TƯ  và Vương Đình Huệ Trưởng ban Kinh tế TƯ bổ sung vào Bộ chính trị. Cả hai đều bị bác, TƯ Đảng chọn hai người khác là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó TT Nguyễn Thiện Nhân. Ông Tống Văn Công 55 tuổi đảng và 80 tuổi đời đã nhận xét: “Lịch sử 84 năm của Đảng CSVN chưa bao giờ có chuyện Tổng bí thư thay mặt Bộ chính trị đề cử 2 người vào Bộ chính trị mà bị bác bỏ cả hai và bầu hai người khác”.
Hai tân ủy viên bổ sung vào Bộ chính trị đều thuộc phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng, như vậy trong cuộc tranh chấp quyền lực, có thể nói Chính phủ đã thắng Đảng. Với tư thế đó, ngày 31/5/2013 TT Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện ở hội nghị An ninh châu Á tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue. Ban tổ chức mời TT Nguyễn Tấn Dũng làm diễn giả chính, đọc diễn văn khai mạc. Trước đó vào ngày 10/4/2013 Bộ chính trị Đảng CSVN đã thông qua nghị quyết về hội nhập quốc tế.  
Đổi mới đường lối đối ngoại:

Trước sự hiện diện của đại biểu 31 quốc gia tham dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, TT Nguyễn Tấn Dũng đã cổ vũ việc hợp tác quốc tế, xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển, dựa vào ASEAN và vai trò lớn của hai cường quốc. Đó là Trung Hoa đang trổi dậy mạnh mẽ và Hoa Kỳ -một cường quốc Thái Bình Dương). Ông Dũng tế nhị, không nêu đích danh TQ là thủ phạm gây sự ở biển Đông làm cho khu vực mất ổn định, ông chỉ nói “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Rõ ràng TT Dũng muốn ám chỉ TQ, nên ông coi trọng vai trò của Mỹ khi siêu cường này xoay trục về Châu Á.
Bài diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng được báo chí lề phải hết sức ca tụng. Ngoài ra, nhiều nhân vật từng chỉ trích những sai lầm của NTD trong vai trò thủ tướng gây tai họa cho đất nước, nay cũng lên tiếng khen ngợi. Phần người viết, tôi nhận xét bài phát biểu của ông Dũng là chỉ dấu cho thấy VN đã có chuyển hướng chiến lược. Từ hợp tác toàn diện với TQ có nguy cơ làm mất nước chuyển sang hợp tác với quốc tế để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tôi có cảm tưởng ông Dũng đã đáp ứng xu thế phát triển của thời đại và khu vực và cũng là quyền lợi tối thượng của dân tộc. Các nước ASEAN, HK và TQ sẽ đón nhận thiện chí của ông một cách tích cực vì VN quyết tâm đứng về phía ASEAN và khẳng định VN “không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không liên minh quân sự với nước này để chống lại nước khác”.
Để thực hiện việc hội nhập quốc tế, Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đã đến HK. Trong cuộc hội đàm với TT Obama ngày 25/7/2013, ông bày tỏ mong muốn của VN được hợp tác với Mỹ như ông HCM đã gợi ý trong thư gởi TT Truman hồi tháng 2 năm 1946. Trong Tuyên cáo chung, hai nước quyết định thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. HK thúc đẩy VN tích cực tham gia vào việc hoàn thành hiệp ước TPP vào cuối năm. Đó là con đường HK có thể giúp VN thay đổi chế độ vừa mang lại thịnh vượng cho dân tộc.
Đổi mới chế độ:

Ngày 01/1/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết được coi là thông điệp đầu năm của lãnh đạo nhà nước, đề cập đến việc Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Ông thừa nhận “dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại” và dân chủ là “xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”. Trong nổ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, ông Dũng vạch ra vai trò của “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình .Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, thủ tướng cho rằng “Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn ngươi đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản”. (hết trích)  
Có thể nói, bài phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5/2013 đã công khai cho thế giới thấy nhà nước VN đã chuyển hướng chính sách đối ngoại. Và bài viết đầu năm 2014 nói lên sự thay đổi thể chế trong nước. Đó là hai điều kiện thiết yếu để VN hội nhập với thế giới sau thời gian dài chỉ hợp tác toàn diện với LX và TQ, mang lại biết bao thảm họa cho dân tộc.
Theo Blogger Bà Đầm Xòe: “Thủ tướng là một trong hai người không ấn nút thông qua Hiến pháp năm 2013. Có lẽ với tâm thế đó đầu năm 2014 thủ tướng đã ra thông điệp thay đổi thể chế”. Theo Blogger này thì hiện nay “chính quyền đã suy thoái, nhân dân đã bĩ cực đến tận cùng rồi. Đảng đã lộ hết sự phản động hại dân, hại nước, chống lại xu thế tiến bộ của loài người. Nhân dân muốn phế bỏ đảng, nhưng đa số hành động như bày đàn, nên không bao giờ vùng lên thay đổi thể chế. Con đường duy nhất để Việt Nam có thể thay đổi thể chế là con đường thượng tầng phân hóa, các phe nhóm tìm cách thôn tính lẫn nhau mới có thay đổi. Sự thay đổi thể chế theo hướng một nhà nước tam quyền phân lập là xu thế của thời đại. Người có tấm lòng muốn thay đổi thể chế độc quyền toàn trị sang thể chế dân chủ đa nguyên không ai khác, chính là đương kim thủ tướng”.
Phát biểu trên đài BBC, Gs Tương Lai cho rằng: “Đã lâu lắm rồi mới được nghe một người lãnh đạo có trọng trách nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng của nhân dân”. Ông nhận xét thông điệp của TT Nguyễn Tấn Dũng: đại diện cho một tư tưởng “tiến bộ”. Đa số đồng bào thì không còn tin vào những lời nói của giới lãnh đạo CS “đừng nghe những gì cộng sản nói...” Nhưng đối với người viết, trong thời điểm có sự tranh giành quyền lực gay gắt giữa lãnh đạo đảng và chính phủ, thì chúng ta nên nghe những gì CS nói và theo dõi những gì họ làm, để chờ đón những biến động ngoạn mục sẽ diễn ra trong những ngày tháng sắp đến mà tôi tin là rất có lợi cho dân cho nước.
Đầu năm Giáp Ngọ, Chủ tịch nước TTS đã ủng hộ thông điệp Đổi mới thể chế của thủ tướng qua lời chúc Tết “Tôi kêu gọi “đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hành dân chủ rộng rãi với tư tưởng pháp quyền tiến bộ…”. Người viết nhận thấy một điểm khác thường là lời chúc Tết năm nay của Chủ tịch nước, ông không có một lời nào đề cập đến tư tưởng HCM và cũng quên luôn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chỉ nhấn mạnh vấn đề “thực hành dân chủ” và “tư tưởng pháp quyền tiến bộ”.

Tiếp đến, vào ngày 5/3/2014, trên trang Webb của Chủ tịch nước TTS lẫn Thủ tướng NTD đều xuất hiện một bài viết tựa đề “Việt Nam có cần một nguyên thủ như Putin?” Khởi đầu bài viết là câu hỏi và một câu trả lời thẳng thắng ngắn gọn chỉ có 6 chữ: Vì sao một nước yếu kém, tan rã, nước Nga trở nên hùng mạnh như ngày hôm nay? và vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì không? Câu trả lời ở ngay trong chính cơ chế của chúng ta. Sau những lời đề cao Putin của Nga, TT Ikeda Hayato (1960-1964) của Nhật, TT Park Chung Hee của Hàn Quốc, Lý Quang Diệu của Singapore, tác giả bài viết đặt thẳng vấn đề Vì sao Việt Nam có rất nhiều người tài và tâm huyết với đất nước mà chưa thể có một người xuất chúng đủ khả năng đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển thành công?
Có lẽ đây là bài viết của Chủ tịch nước để ủng hộ thông điệp cải cách thể chế của thủ tướng hoặc chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tác giả?  Người viết coi đây như là lời giải thích hoặc trả lời của người lãnh đạo nhà nước về hai vấn nạn lớn của đất nước. Vì thế tôi xin trích nguyên văn những phần chính của bài viết:
“…Nhà nước được phân tán ra làm ba nơi: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là cơ chế rất tốt cho tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay nhưng thực ra không phải như vậy. Vì mô hình nhà nước (ta) và thể chế còn nhiều bất cập: Hiến pháp quy định: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vậy thì không có một con người cụ thể nào lãnh đạo, không thể tự quyết và cuối cùng không cá nhân nào chịu trách nhiệm!
Ở Việt Nam có thể nói bốn người nắm giữ quyền lực cao nhất đó là: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Nhìn vào đây có thể thấy, 4 chức vụ này lại không phù hợp với tam quyền! Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương lãnh đạo triệt để và toàn diện quân đội có vẻ rất mâu thuẫn với quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ nhưng cũng không đủ quyền để tự quyết định chính sách mà phải thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội, của Đảng. Đôi khi không tránh khỏi việc Đảng làm thay Nhà nước. Những bất cập này dẫn đến hiện tượng chồng tréo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan ban ngành của Đảng và Nhà nước. Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền sửa đổi Hiến pháp, thế nhưng để sửa đổi Hiến pháp phải chờ nghị quyết của Đảng.
Những người lãnh đạo có tài và có tâm muốn đóng góp cho đất nước thì không thể tự quyết vì quyền lực thuộc về tập thể. Khi cá nhân đưa ra một vấn đề, phải bàn lên bàn xuống, hỏi ý kiến người này người kia, chín người mười ý dẫn đến lâu ra quyết định đánh mất nhiều cơ hội và thời cơ cho đất nước. Ở Việt Nam không có ai đủ toàn quyền để “làm và chịu trách nhiệm” như Putin, Ikeda Hayato, Lý Quang Diệu…hay ít ra được như Tập Cận Bình.
Thật là tai hại cho đất nước mà không ai chịu trách nhiệm. Khi người dân đã thực sự làm chủ đất nước của mình. Khi ấy nhân dân sẽ chọn người lãnh đạo xuất sắc nhất của mình. Các nhà lãnh đạo đưa ra các chiến lược, các chính sách để được dân chúng chọn lựa một người lãnh đạo đất nước vừa có tài, vừa có đức và đặc biệt là đủ quyền lực và tự chịu trách nhiệm để đưa đất nước đi lên. (hết trích)
Lỗi hệ thống, giải tán Đảng:

Bản văn trên đề cập đến Putin khiến người viết nhớ đến người tiền nhiệm của ông này là Boris Yelsin -tổng thống đầu tiên của nước Nga sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ (1991). Yelsin có một nhận xét thật chính xác: “Cộng sản không thể nào sửa chữa mà phải đào thải nó” (Communists are uncurable, they must be eradicated). Quả thật kinh tế nước Nga thời hậu cộng sản phát triển nhiều. Nga vẫn còn hùng mạnh nhờ có bộ máy quân sự khổng lồ của LX cũ, nhưng GDP bình quân của nước này vẫn còn thua xa Singapore, Nhật Bản và Đại Hàn, dù nước Nga có kho tài nguyên khổng lồ về dầu khí.

Tác giả bài viết trên đã nhận định thẳng “VN sở dĩ không được hưng thịnh là do cơ chế của chúng ta, thể chế này còn nhiều bất cập”. Nhận định này khiến người viết nhớ đến điều mà ông Nguyễn Văn An gọi là “lỗi hệ thống”. Ông An nguyên là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tổ chức TƯĐ và Chủ tịch Quốc hội khóa XI. Trước khi Đại hội Đảng XI diễn ra, ông An đã trao đổi với phóng viên Tuần VietNam (ngày 07/12/2010) về “sai lầm có tính hệ thống” của Đảng CS. Ông nói: “Quan sát sự tan rã của một số Đảng cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, thì thấy rằng những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội… giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu. Và như chúng ta đã biết, nhân dân ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) đã phúc quyết Hiến pháp mới để xác lập chính thể mới phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm sửa cái lỗi hệ thống của họ”. (Goggle: nguyen van an: sửa lỗi hệ thống)

Thay đổi thể chế bằng cách nào? Bài viết trên trang Webb của chủ tịch nước và thủ tướng có đề cập đến một trong những bất cập trong cơ chế của Đảng CSVN là “Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền sửa đổi Hiến pháp, thế nhưng để sửa đổi Hiến pháp phải chờ Nghị quyết của Đảng”. Như vậy, Hiến pháp chỉ là một văn kiện thứ hai của Đảng thể hiện cương lĩnh của Đảng, chứ không phải của nhân dân. Lời mở đầu của Hiến pháp 2013 sửa đổi Hiến pháp 1992 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 có đoạn viết: “…Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Cá nhân người viết là một chứng nhân của lịch sử. Theo dõi các bước thăng trầm của đất nước, tôi cho rằng 70 năm qua nhân dân ta dưới lãnh đạo của Đảng CSVN đã đi từ thất bại này này đến thất bại khác. Vì thế Đảng CS phải đổi mới để sống còn. Còn việc đưa đất nước tiến lên CNXH thì TBT Nguyễn Phú Trọng khi góp ý với Lời nói đầu dự thảo Hiến pháp mới ngày 24/10/2013 đã nói: “xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến cuối thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa?” Tôi cho rằng, đây là nhận định chân thành của ông Tổng bí thư vì trong 6 năm qua, để xây dựng CNXH, toàn đảng hậu thuẫn TT Nguyễn Tấn Dũng thành lập nhiều Tập đoàn kinh tế nhà nước như kiểu Vinashin được coi như là những “quả đấm thép” của nền kinh tế quốc doanh. Nhưng cuối tháng 10/2013, Vinashin đã phá sản, với tổng số nợ lên đến 4 tỷ đôla. Còn Chủ tịch Vinalines là Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình vì tội tham nhũng. Sau đó Dũng lại ra toà làm nhân chứng vụ người em giúp ông ta trốn ra nước ngoài, Dũng khai đã hối lộ Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Phạm Chí Ngọ nửa triệu đô la để chạy án. Ngọ đã báo cho Dũng biết sắp bị suy tố, nên tìm cách trốn đi. Phạm Chí Ngọ còn nhận một triệu đô la hối lộ của một nữ đại gia ở Sàigòn. Bộ trưởng Công an Đại tướng Trần Đại Quang cũng đã biết những vụ việc này.

Việc xây dựng CNXH thất bại, nạn tham nhũng làm suy thoái đất nước còn Lời nói đầu của Hiến pháp mới 2013 không phản ánh đúng sự thật của lịch sử, tương tự các Hiến pháp năm 1960, 1980 và 1992. Lời nói đầu đã dối trá thì nội dung Hiến pháp 2013 không có giá trị. Vì thế người viết tin lời Blogger Bà Đầm Xòe tiết lộ TT Nguyễn Tấn Dũng là một trong hai người đã bỏ phiếu bác bỏ Hiến pháp 2013. Những sự kiện trên khiến người viết có ý nghĩ là TT Nguyễn Tấn Dũng đã chơi trò “lấy độc trị độc”. Ông xây dựng các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước để xây dựng XHCN, nhưng thực chất là làm phá sản việc xây dựng CNXH. Mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa cộng sản đã thất bại thì vai trò lịch sử của Đảng CS cũng sẽ chấm dứt.

Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng NTD đề cập việc đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và “mở rộng dân chủ trực tiếp”. Tôi tin rằng trong những ngày tháng sắp tới, ông sẽ tổ chức những cuộc tuyển cử để người dân trực tiếp bầu chọn người đại diện của mình tham gia Quốc hội. Quốc hội sẽ thảo ra hiến pháp mới để xây dựng một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Một vị nguyên thủ quốc gia được nhân dân bầu chọn sẽ có toàn quyền để phát triển đất nước thời hậu cộng sản và chịu trách nhiệm trước quốc dân. Ông NTD không thể “ăn cháo đá bát” tuyên bố giải tán đảng CS, mà hãy để đồng bào quyết định qua cuộc bầu cử dân chủ tự do.

Sau đó, trên website của TT Nguyễn Tấn Dũng ngày Thứ sáu 21/3/2014 có bài viết tựa đề Non sông nối liền một dải (30/4/1975 - 30/4/2014) Làm gì để thống nhất được lòng dân? Người viết lại hồi tưởng ngày 30/4/1975 ông Dương Văn Minh mời đại diện MTGPMN vào Sàigòn để ông bàn giao chính quyền.

Năm 1960 Đảng CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần III, đề ra nghị quyết giải phóng MNVN. Một số cán bộ Việt Minh có uy tín, không tập kết ra Bắc ra sức vận động một số trí thức MN như LS Nguyễn Hữu Thọ, KTS Huỳnh Tấn Phát, BS Phùng Văn Cung…thành lập Mặt trận GPMN. Các nhân vật trên thuộc những gia đình tư sản, có ăn học thì không ngu dại làm tay sai cho CS Bắc Việt nhuộm đỏ MN, để cả giòng họ và đồng bào miền Nam trở thành bần cùng vô sản. Họ là những trí thức Tây học nhưng chống Tây chống Mỹ vì tinh thần dân tộc. Họ kỳ vọng MTGPNM với chủ trương trung lập MN, sau đó thống nhất đất nước trong hòa bình, thì BV không có lý do gì để phát động chiến tranh thôn tính miền Nam.

Trước đó, trong hội nghị Genève 1954, các cường quốc quốc chia đôi  VN vì có sự tranh chấp giữa hai phe Quốc Cộng. Còn hai nước Lào và Cam Bốt thì trung lập. Vì thế sau 1954, Giáo chủ Cao đài - Đức hộ pháp Phạm Công Tắc có chủ trương trung lập miền Nam. Đó cũng là chủ trương của ông Hồ Hữu Tường và nhóm Đệ tứ.  

Ý định của MTGPMN bất thành vì nghị quyết của Đại hội III CSVN đề ra mục tiêu chiến lược là giải phóng MNVN để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là chiến tranh tàn khốc. Trong cuộc chiến này, HK và TC đều ủng hộ MTGPMN để tổ chức này đóng vai trò lớn trong việc chấm dứt chiến tranh VN, xây dựng một miền Nam trung lập cùng với Cam Bốt và Lào. Điều đó bảo đảm quyền lợi quốc gia của TQ. Họ không muốn sau khi Mỹ rút đi, một Đông Dương Cộng sản thân LX hiện diện ở cạnh sườn phía nam của họ. Nhờ đó, MTGPMN đã góp phần chấm dứt chiến tranh và mục tiêu cuối cùng của họ là hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù, hàn gắn vết thương chiến tranh, thống nhất đất nước trong hòa bình theo tinh thần HĐ Paris 1973  

Năm 1989, ông Trần Bạch Đằng chịu mang tiếng phản bội Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ khi rời bỏ tổ chức này, hợp tác với Nguyễn Văn Linh để làm chủ biên viết quyển Chung Một Bóng Cờ viết về MTDTGPMN. Trước đó, ông đã hoàn tất tài liệu lịch sử về Thanh niên Tiền phong và Nam bộ kháng chiến nhưng bị Tố Hữu cấm phát hành. Nay qua tác phẩm Chung một bóng cờ, ông được viết phần Tổng Luận. Ông cho rằng sau khi đất nước thống nhất, MTDTGP đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng “bất kể như thế nào, Mặt trận Dân tộc giải phóng không ngừng ngang ý nghĩa giai đoạn. Những gì Mặt trận thực hiện đều khắc ghi vào lịch sử dân tộc, đồng thời đều gợi sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu Mạnh. MTDTGP đã làm được chuyện phi thường đánh bại Mỹ cũng theo gương tiền nhân- dân tộc VN duy nhất trong Bách Việt không bị Hán hóa mấy ngàn năm truớc, không bị Pháp và Mỹ hóa thời nay…Không có biểu lộ sự biết ơn nào của người đang sống với quá khứ cao đẹp hơn là tái tạo cuộc chiến đấu trước đây trong cuộc chiến đấu trước mắt”. (Chung Một Bóng Cờ, Nxb Chính trị Quốc gia, Thành phố HCM, 1993, Tr.870)

Trần Bạch Đằng qua đời ngày 16/4/2007. Ông Võ Văn Kiệt đã viết trong sổ tang: “Anh là đồng chí, là nhà cách mạng kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và giàu nghị lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoài bão của anh”. Tôi tin rằng TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ noi gương người thầy của mình là Võ Văn Kiệt thực hiện hoài bảo của Trần Bạch Đằng. Hoài bão đó là gì? Tái tạo cuộc chiến đấu trước đây trong cuộc chiến đấu trước mắt.

Trong cuộc chiến đấu từ năm 1975 đến nay MTGPMN không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì Mặt trận đã bị Hà Nội bức tử năm 1976 và từ đó chưa có một nhân vật Nam kỳ nào ngoi lên vai trò lãnh đạo đất nước. Ngày nay, vận ước đã đến, đây là thời điểm thuận lợi để MTGPMN tái tạo cuộc chiến đấu trước đây để bắt đầu thực hiện hoài bão của ông Võ Văn Kiệt là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nếu không làm, lịch sử sẽ muôn đời phê phán Mặt trận DTGPMN đã “cõng rắn cắn gà nhà”.

Ngày 30/4/1975 Đảng CSVN mang CNXH du nhập vào miền Nam tạo ra buổi hoàng hôn của Đất nước và 40 năm sau Mặt trận GPMN xây dựng CNXH làm sụp đổ XHCN mở ra buổi bình minh cho Dân tộc. Đối với thế giới, từ sau 1975 VN đã góp phần làm cho LX và khối CS Đông Âu sụp đổ. Rồi đây VN sẽ mở đưởng giúp TQ thực hiện kinh tế thị trường theo chiều hướng dân chủ tự do, chớ không còn định hướng xã hội chủ nghĩa nữa. Điều đó bảo đảm một Châu Á- Thái bình Dương hòa bình, hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21.

Chủ nghĩa CS mang lại muôn vàn đau thương cho đồng bào, đạo đức xã hội suy đồi, người viết chỉ mong TT Nguyễn Tấn Dũng có một lời tạ lỗi với đồng bào và chấn chỉnh ngay nền giáo dục quốc gia: đưa các môn học luân lý, đức dục, công dân giáo dục vào bậc tiểu học và trung học.             

Lê Quế Lâm 


0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.