Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 4 November 2013

Phạm Bá Hoa : Thư số 25 gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

 
http://i.ytimg.com/vi/Sdvpd_Ie5ss/0.jpg

Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Nội dung thư này, tôi giúp Các Anh nhận ra chân dung cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp của Các Anh từ một nét nhìn khác. Tôi nghĩ, từ nét nhìn đó sẽ giúp Các Anh phải suy nghĩ về vị Tướng mà khi ông chết đã tạo nên những cảm nghĩ khác nhau về ông ấy. Cố Đại Tướng Các Anh, nhìn từ góc cạnh lịch sử là vị Tướng có công hay có tội với Tổ Quốc Nhân Dân?     
Thứ nhất. Thân thế ông Võ Nguyên Giáp.
Ông Võ Nguyên Giáp chào đời ngày 25/8/1911 tại Quảng Bình, trong gia đình nghèo. Học xong lớp 3 trường làng An Xá, ông Giáp học tiếp tại trường Đồng Hới, tỉnh lỵ Quảng Bình. Tốt nghiệp bậc sơ đẳng tiểu học. Năm 1925, vào trường quốc học Huế. Năm 1927, học sinh trường Quốc học Huế cuộc bãi khóa, Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học vì tội tổ chức. Ọng  Giáp cùng với Nguyễn Khoa Văn, tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc Diểu bị đuổi học. Cuộc bãi khóa từ trường quốc học Huế lan rộng đến các trường ở Huế, trở thành cuộc tổng bãi khóa. Kết quả là ông Giáp bị bắt và bị đuổi học. Ông trở về quê.
Ít lâu sau, Nguyễn Chí Diểu đến làng An Xá tìm Võ Nguyên Giáp. Diểu mang theo một tập tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số tài liệu của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của ông  Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh). Đọc xong, ông Giáp nói: "Bài luận văn của Nguyễn Ái Quốc đã gây cho tôi một lòng căm phẫn sâu sắc như một luồng điện giật". Đó là sợi giây đầu tiên nối liền Võ Nguyên Giáp với Hồ Chí Minh.
Năm 1928, ông Võ Nguyên Giáp vào Huế làm báo và hoạt động chính trị. Năm 1930, vì liên quan đến sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt. Cuối năm 1931, nhờ Hội Hồng Thập Tự của Pháp can thiệp, ông được tự do, nhưng không được ở Huế. Ông Giáp ra Hà Nội, vào học trường Albert Sarraut. Sau đó, ông vào đại học với khoa Kinh Tế Chính Trị, nhưng vì tham gia hoạt động chính trị nên bỏ học. Trong khoảng thời gian 1936-1939, ông Giáp thành lập “Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, cùng lúc giữ chức “Chủ Tịch Ủy Ban Báo Chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia báo tiếng Pháp Notre Voix (Tiếng Nói Của Chúng Ta), Le Travail (Lao Động), biên tập báo Tin Tức, và báo Dân Chúng. Từ năm 1939, ông dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội
Thứ hai. Ông Võ Nguyên Giáp trong chiến tranh 1945-1954.
Tháng 5/1940, ông Giáp với bí danh Dương Hoài Nam, cùng ông Phạm Văn Đồng, trốn sang Trung Hoa tìm gặp ông Hồ Chí Minh. Chẳng bao lâu sau đó, lẽ ra ông học quân sự tại căn cứ Diên An của Trung Cộng, thì ông Hồ bảo ông chuẩn bị về Việt Nam vì tình hình thế giới đang thuận lợi. Ông Giáp vào đảng cộng sản cuối năm 1940, và hoạt động trong “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội”, gọi tắt là “Việt Minh”. Đầu năm 1941, ông theo ông Hồ về Cao Bằng, ẩn trong hang Pắc Bó. Tháng 12/1944, theo lệnh ông Hồ, Võ Nguyên Giáp thành lập đội “Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân” với quân số 34 người, tiền thân của quân đội Nhân nhân dân Việt Nam ngày nay. Tháng 8/1945, ông Giáp trở thành Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương, rồi Ủy Viên Thường Vụ Trung Ương. Cũng thời gian này, khai sinh tên nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, ông Giáp lần lượt giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ, rồi Bộ Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Chỉ Huy Quân Đội, kể cả Dân Quân. Ông Giáp còn là Đại Biểu Quốc Hội từ khóa 1 đến khóa 6. 
Về phần “bác” Các Anh. Dưới tên Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ đã dự đại hội “Quốc Tế Cộng Sản” lần thứ 4 năm 1923, và lần thứ 5 năm 1924 tại  Liên Xô. Trong đại hội, “bác” Các Anh được cử làm “Ủy Viên Ban Phương Đông”.  Năm 1930, theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng  Sản, ông Hồ thành lập “Đảng Cộng Sản Đông Dương”, tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam ngày nay. Theo tài liệu trong Wikipedia, “bác” Các Anh kết hợp tư tưởng cộng sản của Karl Marx & Friedrich Engels với tư tưởng của Lenin vào chủ trương cuộc cách mạng vô sản tại Việt Nam trong mục đích cuối cùng là lực lượng vô sản thống trị thế giới. (ông Karl Marx và ông Engels ra bản Tuyên Ngôn Cộng Sản ngày 21/2/1848)
Năm 1952, để thực hiện cuộc cách mạng vô sản đó, “bác” Các Anh viết 2 thư gởi cho lãnh đạo Quốc Tế Cộng Sản là ông Stalin.
Thư số 1 đề ngày 30/12/1952 với nội dung xin thuốc kí-ninh và súng đạn.  
Thư số 2 đề ngày 31/12/1952 với nội dung ngắn gọn như sau: “Xin gửi Ngài chương trình “Cải Cách Ruộng Đất” của đảng Lao Động Việt Nam. Chương trình hành động được lập bởi chính tôi, với sự giúp đỡ của đồng chí Lưu Shao Shi và Văn Sha San. Đề nghị Ngài xem xét và cho chỉ dẫn” (kèm theo thư là chương trình Cải Cách Ruộng Đất).
Các Anh thấy sự kiện thật rõ ràng và chắc chắn, là “bác” Các Anh và lần lượt là những nhóm lãnh đạo trong Bộ Chính Trị, liên tục thi hành lệnh của cộng sản quốc tế. Nếu Các Anh hỏi tôi “lệnh đó là lệnh gì?” thì tôi sẽ trả lời Các Anh cũng rõ ràng và chắc chắn vào cuối cuộc chiến 1960-1975, vì đó là mục đích mà tôi viết thư số 25 này.  
Ngày 19/12/1946, chiến tranh giữa thực dân Pháp với Việt Minh cộng sản bùng nổ. Ông Võ Nguyên Giáp với chức vụ Tổng Chỉ Huy và Tổng Chính Ủy -đứng đầu quân sự với chính  trị- và từ năm 1949 là Tổng Tư Lệnh Quân Đội kiêm Bí Thư Tổng Quân  Ủy. Ông Võ Nguyên Giáp không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, cũng không  trải qua các cấp bậc từ thấp lên cao, nhưng với Sắc Lệnh số 110 ngày 20/1/1948, ông trở thành Đại Tướng của “quân đội nhân dân” khi ông 37 tuổi. Cùng đợt “trở thành” cấp tướng với ông Giáp, cấp Trung Tướng có: Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, và Trần Tử Bình.
Trong dịp trả lời phóng viên ngoại quốc sau đó, Đại Tướng Giáp nói: “Theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nếu đánh (trận) thắng đại tá thì phong cấp Đại Tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong cấp Thiếu Tướng, đánh thắng trung tướng thì phong cấp Trung Tướng, đánh thắng đại tướng thì phong cấp Đại Tướng”.
Các Anh có buồn cười không vậy? Tư tưởng “bác” Các Anh thật lạ lùng, nếu không nói là quái đản. Cứ đánh trận mà chiến thắng, thì căn cứ vào cấp bậc của cấp chỉ huy thực dân Pháp thua trận mà thăng cấp tương đương.    
Ông Võ Nguyên Giáp chủ trương kết hợp tư tưởng quân sự của “bác” Các Anh với lý luận quân sự Mác-Lênin, lấy ít đánh nhiều. Trong 9 năm đánh Pháp (1945-1954), phái đoàn quân sự Trung Cộng gồm 30.000 cán bộ sang huấn luyện quân đội dưới quyền ông Giáp.
Điện Biên Phủ cách Hà Nội khoảng 300 cây số, dài 15 cây số và rộng 5 cây số, với sông Nậm Rồm giữa khu lòng chảo phì nhiêu đối với người Thái. Một sân bay nhỏ do quân đội Nhật xây cất năm 1944 (?) dọc theo sông Nậm Rốm. Rừng già và núi cao bao quanh, khống chế khu lòng chảo.
Ngày 2/11/1953, Tướng Navarre, Tổng Tư Lệnh quân viễn chinh Pháp, được lệnh thành lập căn cứ chiến lược khu lòng chảo Điện Biên Phủ, để án ngữ trục giao thông liên lạc của quân Việt Minh cộng sản trong vùng Thượng Lào với tây bắc Hà Nội.  Ngày 20/11/1953, Trung Đoàn 1 Nhẩy Dù chiếm xong khu lòng chảo, với tổn thất không đáng kể. Vài ngày sau đó, được tăng cường 6 Tiểu Đoàn Nhẩy Dù nữa, và tính đến ngày 15/12/1953, căn cứ này có 11 Tiểu Đoàn Dù phòng thủ.     
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, sử dụng 15 trung Đoàn gồm Bộ Binh, Công Binh, Pháo Binh, và Cao Xạ tấn công Điện Biên Phủ, do 12.000 quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của  Đại Tá De Castries. Ít lâu sau, ông thăng cấp Thiếu Tướng. Chiến trường này với những trận đẫm máu!
Năm 1954. Điện Biên Phủ bị tấn công từ ngày 13/3/1954, dữ dội và liên tục, đến ngày 7/5/1954 thì kết thúc với tổn thất nặng nề cho cả hai bên:
Tổn thất của quân Pháp: Từ 1.747 tới 2.293 người chết + từ 5.240 tới 6.650 người bị thương + 1.729 người mất tích + 11.721 bị bắt làm tù binh.
Tổn thất của quân Việt Minh cộng sản: 4.020 người chết + 9.691 người bị thương + 792 người mất tích.
Với bản chất dối trá -hơn hết là dối trá trong truyền thông- những con số về tử vong trong các trận chiến mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đưa ra, không thể nào có được con số chính xác hoặc gần gủi với con số thật, nhưng quân của Đại Tướng Giáp tổn thất trong trận Điện Biên Phủ nêu ở trên là tin được, vì ít nhất cũng là con số đó. Các Tướng Trần Canh, Lã Quý Ba, và Vi Quốc Thanh của Trung Cộng, là cố vấn vĩ đại bên cạnh Tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy mà cứ đợt xung phong này gục ngã thì đợt xung phong kế tiếp tràn lên. Đại Tướng Giáp nói “lấy ít đánh nhiều”, nhưng trận địa đã thể hiện ngược lại là ông Giáp “dùng sinh mạng thay vũ khí” mà Trung Cộng gọi là “chiến thuật biển người” trong chiến tranh xâm lăng Đại Hàn năm 1950-1953 nhưng họ  thảm bại.
Trận chiến Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hiệp Định Geneve ngày 20/7/1954 chia dãi đất hình cong chữ S làm hai quốc gia: Từ vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, theo chế độ cộng sản độc tài. Từ vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo, theo chế độ dân chủ tự do.
Tóm lại. Rõ ràng và chắc chắn là “bác” Các Anh cùng nhóm lãnh đạo mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là cánh tay phải của ông Hồ, đã dùng chiến thuật thí quân, không phải giải phóng như ông Hồ tuyên truyền mà là nhuộm đỏ một nửa nước Việt Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế.
Thứ ba. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến tranh 1960-1975.
Cuối năm 1960, ông Võ Nguyên Giáp thành lập tổ chức có tên là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” làm bình phong cho quân cộng sản hoạt động ngay trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 28/1/1968 (Tết Nguyên Đán). Chen lẫn trong tiếng pháo mừng Xuân là tiếng súng của quân cộng sản Võ Nguyên Giáp tấn công vào thủ đô Sài Gòn, cố đô Huế, và 30 tỉnh lỵ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phản công mạnh mẽ và chiến thắng trên các chiến trường, riêng chiến trường Huế kéo dài 21 ngày. Sau đó, thủ đô Sài Gòn lại bị tấn công lần 2 vào ngày 12/5/1968. Kết quả hai đợt tấn công trên khắp chiến trường từ Quảng Trị tới Cà Mau:
Tổn thất của Việt Nam cộng sản: 58.373 quân chết + 10.000 quân bị bắt + 6.000 quân buông súng đầu hàng + 17.000 vũ khí các loại bị ta tịch thu + Hơn 100 xác chiến xa do Nga sản xuất.
Tổn thất của Việt Nam Cộng Hòa: 4.954 quân nhân hy sinh + 14.300 đồng bào bị giết + 1.946 đồng bào mất tích. Quân cộng sản đã đốt khoảng 60.000 nhà dân để gây hỗn loạn mà chạy.  
Riêng tại thành phố Huế. Theo tác giả David T. Zabecki trong quyển “The Vietcong Massacre at Hue” ấn hành năm 1976, số hài cốt tìm được do cộng sản Việt Nam đã giết trong 21 ngày chiếm giữ một phần thành phố Huế, và chôn tập thể trong các hầm là 2.810 người, trong tổng số hơn 5.000 người dân bị cộng sản giết chết. Theo sử gia Trần Gia Phụng, số người tìm được trong 22 mồ chôn tập thể 2.326 xác trong tổng số dân bị giết là 5.800 người. Những con số của hai tác giả không hoàn toàn giống nhau, nhưng quá đủ để chứng minh bản chất dã man tàn bạo của quân cộng sản do lệnh của “bác” Các Anh và Võ Nguyên Giáp.   
Năm 1972. Tướng Giáp sử dụng 6 Sư Đoàn tấn công vào Quàng Trị, Dakto (Kon Tum), và An Lộc (Bình Long) của Việt Nam Cộng Hòa.
Riêng mặt trận Quảng Trị. Cuối tháng 3/1972, khoảng 40.000 quân của Võ Nguyên Giáp tấn công Quảng Trị, và 2 tháng sau chiếm đóng phân nửa tỉnh này, kể cả Cổ Thành. Ngày 28/6/1972, quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu phản công, lần lượt chiêm lại các vị trí, và dồn quân của Tướng Giáp vào Cổ Thành. Ngày 7/9/1972, tấn công dữ dội vào Cổ Thành, và đến 8 giờ sáng ngày 16/9/1972 thì quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ được kéo lên đỉnh cột cờ Cổ Thành Quảng Trị.
Sau 4 tháng 16 ngày chiếm giữ Quảng Trị, hồi ký của Tướng cộng sản Lê Tự Đồng, Tư Lệnh mặt trận Quảng Trị, phổ biến năm 1997 tại Hà Nội, thừa nhận tổn thất hơn 50% quân của 4 Sư Đoàn tham chiến. Riêng tại Cổ Thành với hơn 10.000 quân phòng thủ đã tổn thất chưa từng thấy. Báo Tuổi Trẻ ngày 26/7/1998 tại Sài Gòn, tường thật lời kể của cựu chiến binh Trung Đoàn 27 sống sót, khi vào Cổ Thành với hơn 1.500 quân, nhưng khi thoát ra khỏi Cổ Thành chỉ còn 1 tiểu đội!
Năm 1973. Hội nghị Paris bắt đầu từ tháng 5/1968, giằng co đến ngày 27/1/1973 các bên mới ký  “Hiệp Định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình”. Hiệu lực ngay sau đó.
Căn cTống Lê Chân do Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân trú phòng, án ngữ trục liên lạc và chuyển quân của cộng sản qua lại giữa “trung ương cục Miền Nam” với “khu tam giác sắt” ở ranh tỉnh Phước Long-Bình Dương. Trong trận chiến “Mùa hè 1972”, căn cứ này bị quân cộng sản bao vây từ tháng 5/1972, và liên tục tấn công ngay cả khi Hiệp Định Paris có hiệu lực cho đến ngày 11/4/1974 là 702 ngày, được lệnh rút bỏ căn cứ để hành quân lưu động. Trận chiến Tống Lê Chân, là sự kiện chứng minh lãnh đạo Các Anh không tôn trọng chữ ký của chính họ trong Hiệp Định, cũng là dối trá trong bang giao quốc tế.  
Năm 1975. Lãnh đạo cộng sản Hà Nội thật sự xóa bỏ Hiệp Định Paris khi xua toàn lực từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đánh chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa vào ngày cuối tháng 4/1975! Trong bang giao quốc tế, quân của quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, ngoài hai chữ “xâm lăng” ra không còn chữ nào đủ nghĩa để chỉ hành động đó.
Tóm tắt. Rõ ràng và chắc chắn là “bác” Các Anh và lần lượt những nhóm lãnh đạo mà cánh tay phải là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu quân đội, đã đẩy vào cõi chết ít nhất là 4.000.000 quân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để “phanh thây uống máu quân thù” là quân và dân nước Việt Nam Cộng Hòa. Tuyệt nhiên không phải giải phóng như lãnh đạo Các Anh  tuyên truyến, mà là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo lệnh của Đệ Tam Quốc Tế trong mục đích cuối cùng là thống trị toàn thế giới! (“phanh thây uống máu quân thù” là trích trong bài Tiến Quân Ca của quân đội ông Giáp, cũng là quốc ca của cộng sản Việt Nam) 
Hãy nhớ, lúc đương thời trong chức Tổng Bí Thư, ông Lê Duẫn cũng nói theo ý nghĩa như vậy: “Ta đánh đây là đánh cho Nga, đánh cho Tàu...” 
Đây là lời của lãnh đạo cộng sản quốc tế giúp Các Anh hiểu được tận gốc của củ nghĩa cộng sản: Ông Lenine khẳng định: “Nói láo nhiều lần, chuyện láo sẽ thành chuyện thật” Ông Gorbachev, người đã đưa chủ nghĩa cộng sản vào sụp đổ, đã nói: “Tôi đã bỏ nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Ông Boris Yeltsin, khi là Tổng Thống nước Nga thời hậu cộng sản, đã nói: “Cộng sản là không thể nào sữa chửa, mà cần phải đào thải nó”.   
Đó là câu trả lời mà tôi đã hứa ở phần 2.
Nhận định về Tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1977 (?) Tại Hà Nội, một phóng viên ngoại quốc nêu câu hỏi với Tướng Giáp: “Đại Tướng có hối tiếc gì về hơn 4 triệu người Việt Nam đã chết vì cuộc nội chiến ý thức hệ Cộng Sản?…” Đại Tướng Giáp của Các Anh điềm nhiên trả lời bằng tiếng Pháp: “Non, pas du tout”. “Không hối tiếc gì cả”. (con số 4 triệu quân mà ông Giáp đã thí trong chiến tranh do Đại Hội 4 CSVN năm 1976 đúc kết sơ khởi)   
Năm 1987. Tướng Peter Mac Donald trong Quân đội Hoàng Gia Anh 32 năm, sang Việt Nam  gặp Tướng Võ Nguyên Giáp để viết cuốn “GIAP, les deux guerres d’ Indochine” “Giáp, hai cuộc chiến tranh Đông Dương”  và ấn hành năm 1992. Tác giả nhận định: “Những tư tưởng của tướng Giáp được ghi lại trên giấy thường là chán ngán đến chết người”..... Để Kết luận P. Mac Donald viết: “Từ khi còn trẻ, tướng Giáp đã thấm nhuần lý thuyết Cộng Sản. Thật đáng tiếc là trải qua mấy chục năm dài, lẽ ra trí thông minh của ông đã có thể mách bảo ông rằng, cái chế độ mà ông tham gia xây dựng là sai lầm tệ hại, để từ đó tìm ra con đường khác bảo đảm hạnh phúc cho đồng bào của ông. Nhưng, ông Giáp đã mù quáng phục vụ đường lối Marx – Lénine theo như Hồ Chí Minh dẫn giải...”.
Năm 1996. Với bài viết “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là danh tướng hay hèn tướng?” của tác giả Phạm Trần Anh, ông kể chyện: “... Trong cuộc hội thảo tại  trụ sở Quốc Hội  Hoa kỳ, cựu Đại Tướng  Westmoreland nói với tác giả rằng: “Tôi công nhận tài năng của tướng Giáp, phải có tài mới ở lâu đến hơn 30 năm chiến tranh trên cương vị tư lệnh quân sự cao nhất; nhưng phải nói thật là nếu như Tướng Giáp là viên Tướng Hoa kỳ thì ông đã bị mất chức từ lâu rồi, vì Quốc Hội và xã hội oa Kỳ không thể chấp nhận những tổn thất sinh mạng của quân đội cao đến như vậy”.
Thứ tư. Thật sự Việt Nam có cần cuộc chiến tranh 1945-1975 không?
Tôi có nét nhìn khác với nét nhìn của những người khóc lóc thảm thiết khi ông Võ Ngyên Giáp từ trần. Xin nhắc để Các Anh nhớ rằng, “bác” Các Anh là Chủ Tịch đảng, mà đảng cộng sản Việt Nam là “một chi bộ” của cộng sản quốc tế, cũng gọi là Đệ Tam Quốc Tế. Từ đó, “bác” Các Anh cùng nhóm đàn em tin cậy mà ông Võ Nguyên Giáp là cánh tay phải của ông Hồ, tuyệt nhiên không phải giải phóng quê hương như họ tuyên truyền, mà là từng bước đưa dân tộc Việt Nam vào thế giới cộng sản độc tài nghiệt ngã, Đệ Tam Quốc Tế do ông Lenin thành lập năm 1919 sau khi cướp chính quyền ở Nga. Năm 1920, đại hội quốc tế quy định 21 điều cho các đảng cộng sản hội viên. Ủy Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế (ECCI), từ 10 đến 12 ủy viên, mỗi đảng lớn được hai ghế, các đảng nhỏ chỉ có quyền tham khảo chớ không có ghế. Liên Xô đương nhiên chiếm 5 ghế, cùng với chức Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành, vì Liên Xô là quốc gia tiếp nhận tổ chức. Trên Ủy Ban Chấp Hành là một Chủ Tịch Đoàn, và Chủ Tịch của Chủ Tịch Đoàn có quyền hạn rộng lớn mà ông Lenin nắm giữ từ năm 1920 đến năm 1924, sau đó là ông Stalin. Dưới đây là 5 Điêu, liên quan trực tiếp đến các đảng hội viên:
Điều 9. “Liên hệ giữa các đảng hội viên với các cơ quan trung ương của Đệ Tam Quốc Tế, theo nguyên tắc thống nhất và kỹ luât vô sản. ECCI là cấp trên, các đảng hội viên là cấp dưới. ECCI có quyền đòi một đảng hội viên trục xuất một nhóm, hay một đảng viên vi phạm kỹ luật, hoặc trục xuất một đảng vi phạm quyết định của Đại Hội Đệ Tam Quốc Tế”. 
Điều 12: "Tất cả các đảng thuộc Đệ Tam Quốc Tế phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ".
Điều 15: "Các đảng phải lập chương trình thích ứng với điều kiện của nước, và đúng với những nghị quyết của Đệ Tam Quốc Tế".
Điều 16: "Tất cả quyết nghị của các đại hội thế giới Đệ Tam Quốc Tế, cùng các quyết nghị của Ủy Ban Chấp Hành của Đệ Tam Quốc Tế, đều ràng buộc các đảng hội viên thi hành".
Điều 17: “Các đảng hội viên, chỉ là những chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế, vì Đệ Tam Quốc Tế không phải là một tập hợp của những chi bộ quốc gia, mà là một tổ chức quốc tế thống nhất".
Ông Lênin giải thích rằng, Đệ Tam Quốc Tế là "một đội quân vô sản quốc tế" mà nhiệm vụ là "thực hiện cách mạng vô sản quốc tế, thiết lập một Cộng Hòa Sô Viết Quốc Tế".
Để thi hành lệnh của cộng sản quốc tế, “bác” Hồ Các Anh dẫn dắt các nhóm lãnh đạo qua từng thời gian –trong đó Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu quân đội- thực hiện bằng được một nước Việt Nam vô sản, cho dù thiệt hại bao nhiêu triệu sinh mạng con người cũng chấp nhận. Khi nhuộm đỏ được Việt Nam, áp đặt một chế độ độc tài tàn bạo và khắc nghiệt phũ trùm toàn xã hội xã hội chủ nghĩa: (1) Bịt mắt bịt tai người dân, bằng hệ thống truyền thông của đảng. (2) Bóp nghẹt tư tưởng và trói chân trói tay bịt miệng người dân, bằng những điều luật vi phạm Hiến Pháp. (3) Bị khủng bố tinh thần bất cứ ai có suy nghĩ khác và hành động khác với đảng, bằng một lực lượng Công An Nhân Dân và thành phần côn đồ nhân dân, cộng với hệ thống nhà tù mà họ gọi là “trại cải tạo”
Song song đó, là xã hội xã hội chủ nghĩa được lãnh đạo buông thả cho mọi người ăn chơi sa đọa, để không quan tâm đến những quyền tự do căn bản của chính mình và của mọi người mà Công Ước quốc tế  công nhận.    
Thật đáng mừng cho Tổ Quốc Dân Tộc, vì một thành phần đông đảo công dâ đã thức tỉnh, gồm: Trí thức, sinh viên học sinh, giới trẻ, đảng viên, cựu đảng viên, thật sự dũng cảm tranh đấu cho quyền con người. Còn đại đa số không có điều kiện tiếp xúc với sinh hoạt hải ngoại ngang qua hệ thống internet với vô số tin tức. Đó là những tin tức liên quan trực tiếp đến Việt Nam, nhất là những tin tức ghi nhận những sự thật tồi tệ của lãnh đạo cộng sản “dội lại” từ hải ngoại. Chẳng hạn như:  Năm 1953-1956, cải cách ruộng đất đã đấu tố 172.008 người. Năm 1954-1956, cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vĩ đại lần 1 của 971.533 người chạy khỏi đất Bắc xã hội chủ nghĩa đề vào đất Nam dân chủ tự do sinh sống. Năm 1958, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi Công Hàm công nhận Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Cộng. Năm 1975, dùng phi cơ chớ 16 tấn vàng gồm 1.234 thoi của Việt Nam Cộng Hòa ra Hà Nội. Năm 2010 tại Đà Lạt, ông Trường Chinh trả lời nhà báo Đại Tá Bùi Tín rằng: “Tôi có biết chuyện này, nhưng đến nay thì hết sạch rồi...”. Năm 1975-2000, cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vĩ đại lần 2 của 989.200 người Việt Nam Cộng Hòa cũ chạy trốn cộng sản  bằng cách vượt biên vượt biển, sau khi để lại khoảng 450.000 xác chết trong rừng sâu và trên biển cả. Năm 1988, 8 đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tay Trung Cộng. Ngày 3-4/9/1990, tại hội nghị Thành Đô, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Thủ Tướng Đỗ Mười, đã thỏa thuận với ông Tổng Bí Thư Giang Trạch Giang và Thủ Tướng Lý Bằng của Trung Cộng, sẽ từng bước đưa nước Việt Nam trở thành một Tỉnh của Trung Cộng từ năm 2020. Ngày 30/12/1999, ký văn kiện giao 789 cây số vuông dọc theo biên giới cho Trung Cộng. Ngày 31/12/2000, ký văn kiện giao 11.362 cây số vuông trong Vịnh Bắc Việt cho Trung Cộng. Tính đến cuối năm 2011, có từ 150.000 - 200.000 công nhân Trung Cộng tràn ngập khắp miền đất nước dưới dạng xây dựng 90% công trình của Việt Nam. Cùng năm 2001, các tỉnh biên giới đã cho Trung Cộng mướn 300.000 mẫu rừng đầu nguồn mà không biết họ sử dụng làm gì. Và ..v..v...
Dưới nét nhìn của tôi, tất cả gộp lại là tội ác. Chỉ riêng hành động giao một vùng đất dọc biên giới và một vùng biển trong Vịnh Bắc Việt cho Trung Cộng, đã là tội ác đối với Tổ Quốc và Dân Tộc. Mà khi đã là tội ác với Tổ Quốc và Dân Tộc, nếu còn sống phải bị luật pháp trừng phạt, nếu đã chết phải ghi vào sử sách để lưu truyền mãi mãi trong dân gian.  Xin nhớ rằng, được người đời vinh danh, hay bị người đời nguyền rủa và lưu mãi trong sử sách truyền mãi trong dân gian, là chính mỗi người trong xã hội tự tạo cho mình chớ không ai khác. Riêng với đảng cộng sản Việt Nam, cho dẫu họ có thần thánh hóa "bác" Các Anh hay nhân vật lãnh đạo nào bằng cách nào bất cứ phương cách nào đi nữa, lịch sử vẫn dành bóng tối nhầy nhụa cho cộng sản độc tài, và ánh sáng lúc bình minh luôn luôn thuộc về lòng dân và bất cứ nhân vật nào hay tổ chức nào phục vụ người dân.              
Về phần Các Anh, Các Anh nghĩ sao?  
Kết luận.
Tôi hy vọng là qua hình ảnh của: Hằng trăm hằng ngàn “Đoàn Dân Oan” đòi lại công bằng liên quan đến đất đai để ổn định đời sống của họ. Hằng trăm “Đoàn Biểu Tình” đòi thực hiện  quyền con người cho dân tộc mà lãnh đạo cộng sản đã ký vào Công Ước của Liên Hiệp Quốc. Hằng trăm vụ “Tham Nhũng Lớn” trong những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước trong tay của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đến phá sản hằng loạt, đã gây lũng đoạn kinh tế tài chánh quốc gia. Hằng chục thành phố lớn thường xuyên bị “Chìm Dưới Nước Đen Ngòm” do phát triển một cách hỗn loạn, nhưng với “nhóm lợi ích” cứ phát triển nhanh càng rửa tiền nhanh, ..v..v.., sẽ giúp người dân nói cbng và Các Anh nói riêng, thấu hiểu xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản độc tài tàn bạo và khắc nghiệt đến mức nào!
Tôi thông cảm với Các Anh, là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam,  sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà hơn hết là toàn bộ các phương tiện trong hệ thống truyền thông chỉ là tiếng nói của lãnh đạo đảng mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng từ lúc nào không ai biết. 
Nhưng tôi hy vọng là Các Anh, trong một mức độ nào đó đã hiểu được tại sao tôi viết loạt thư này gởi đến Các Anh. Thật sự là tôi muốn giúp Các Anh có được nét nhìn của người tự do như chúng tôi, để Các Anh nhận ra con đường cộng sản mà Các Anh đã và đang đi là tự mình nhốt mình trong nhà tù lớn xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Các Anh hãy suy nghĩ mà chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Tôi vững tin là bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người  Cựu Lính Chúng Tôi- sẽ hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào để làm nên lịch sử.  
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
                                                        Texas, tháng 11 năm 2013
                                                                            Phạm Bá Hoa

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.