Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Saturday, 17 September 2022

Thế giới có tới 50 triệu ‘nô lệ hiện đại’


 Du khách tham gia nghi lễ ném cánh hoa để tôn vinh những người châu Phi chết trên biển trong cuộc buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương trong Lễ kỷ niệm Đổ bộ châu Phi năm 2019, vào ngày 24 Tháng Tám, 2019 tại Hampton, Virginia. Sự kiện này đánh dấu sự xuất hiện những người nô lệ châu Phi đầu tiên đến Bắc Mỹ vào năm 1619. (ảnh: Zach Gibson / Getty Images)

Các nhà nghiên cứu từ Geneva Thụy Sĩ cho biết số người hiện đang bị bắt làm nô lệ trên thế giới đã tăng thêm 10 triệu người trong năm năm qua.


Các kiểu nô lệ hiện đại


Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc hợp tác với Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và Walk Free Foundation, một nhóm nhân quyền vừa đưa ra những ước tính mới nhất về chế độ nô lệ hiện đại (modern slavery). Thuật ngữ này đề cập đến một loạt các hành vi bóc lột như lao động cưỡng bức, cưỡng ép kết hôn và buôn người. Tính đến năm 2021, có khoảng 50 triệu người phải chịu đựng những cảnh như vậy. Báo cáo cho thấy, một số hình thức nô lệ hiện đại tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

“Theo một số cách, chế độ nô lệ thích nghi và có hình thức thay đổi, nhưng tình trạng bóc lột vẫn diễn ra trên quy mô lớn chưa từng có,” Grace Forrest, người sáng lập tổ chức Walk Free Foundation, nói với NPR. “Không có khu vực nào trên thế giới miễn nhiễm với chế độ nô lệ hiện đại.”

Nô lệ hiện đại thường đề cập đến hôn nhân cưỡng bức và lao động cưỡng bức, khi một người không thể từ chối tuân thủ hoặc chạy trốn vì bị đe dọa, bạo lực và lừa đảo. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại hơn 180 quốc gia và đưa ra kết luận trên. Nhiều người được coi là nô lệ hiện đại khi bị “lao động cưỡng bức”, kiểu có việc làm nhưng không thể bỏ việc vì chủ giữ thu nhập, hoặc mắc nợ chủ, đa số là người nhập cư bị chủ đe dọa trục xuất.

Vào năm 2021, ước tính có 28 triệu người đang làm việc trong các điều kiện lao động cưỡng bức như vậy, trong đó 1/8 là trẻ em. Theo báo cáo, phần lớn các trường hợp được tìm thấy trong khu vực tư nhân, trong khi khoảng 14% trường hợp chính phủ áp đặt các yêu cầu công việc như một hình thức trừng phạt, trong số các lý do khác. Tỷ lệ lao động cưỡng bức phổ biến nhất là ở các nước Ả Rập, tiếp theo là châu Âu và Trung Á.

Báo cáo cũng ước tính khoảng 22 triệu người đang sống trong các cuộc hôn nhân cưỡng bức vào năm 2021. Số người kết hôn không tự nguyện tăng 6.6 triệu so với năm 2016. Gần 2/3 trong số các cuộc hôn nhân cưỡng bức được phát hiện là ở châu Á và Thái Bình Dương, tiếp theo là châu Phi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc hôn nhân cưỡng bức là do các gia đình tuyệt vọng về tài chính, coi hôn nhân là phương tiện để bảo đảm một tương lai ổn định cho con cái của họ. Nhưng sau khi kết hôn, phụ nữ bị ép buộc có nguy cơ trở thành nô lệ tình dục, bạo lực, bạo hành gia đình.

“Các nước giàu cũng có nhiều khả năng có nhu cầu và nguồn lực để thực hiện các biện pháp cưỡng chế lao động,” Angela Me, trưởng nhóm nghiên cứu tại văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm, nói với NPR. “Lấy ví dụ về một người giúp việc gia đình,” cô nói. “Ở các quốc gia giàu có, người ta sẽ thuê lao động ở các nước nghèo sang làm việc.”

Me nói, số liệu về những người này rất thấp, trong khi nhiều người bị cưỡng bức lao động mà không dám báo cáo. “Điều quan trọng là nạn buôn người không phải là chuyện chỉ xảy ra ở những vùng sâu vùng xa hay những quốc gia có chiến tranh. Nó có thể xảy ra quanh quẩn đâu đây,” Me nói.

Khoảng 86% trường hợp lao động cưỡng bức được phát hiện trong lĩnh vực tư nhân ngành sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, với châu Á và Thái Bình Dương chiếm hơn 50% tổng số toàn cầu.

Một người nhập cư Somali. (ảnh minh họa: Jan Sochor / Latincontent / Getty Images)

Đại dịch làm trầm trọng thêm chế độ nô lệ hiện đại

“Đại dịch COVID-19 làm phức tạp thêm các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng lao động cưỡng bức: Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người mắc nợ chủ lao động hơn, trong khi virus khiến người lao động phải chịu nhiều rủi ro về sức khỏe,” Forrest nói.

Theo Forrest, trong cơn khủng hoảng, điều đầu tiên phải làm là quyền lợi của những người dễ bị tổn thương nhất. Vì lẽ đó, đại dịch cản trở một số tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ hiện đại, báo cáo kết luận. Ví dụ, vào Tháng Sáu, Hoa Kỳ thông qua luật buộc các công ty phải chứng minh rằng hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu tạo ra “sự gián đoạn chưa từng có” về việc làm và giáo dục, dẫn đến tình trạng đói nghèo, nhập cư không an toàn và bạo lực giới tính gia tăng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng “không có gì có thể biện minh cho sự lạm dụng nhân quyền dai dẳng này”.

Báo cáo nhận định có thể giảm đáng kể, hoặc chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại trong tương lai bằng luật pháp tốt hơn, sự bảo vệ pháp luật mạnh hơn và tăng cường ủng hộ phụ nữ, các bé gái, người dễ tổn thương.

“Chúng ta biết cần phải làm gì và có thể làm được gì. Các chính sách và quy định quốc gia hiệu quả chính là nền tảng. Nhưng các chính phủ không thể làm việc này một mình”, ông nói.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/the-gioi-co-toi-50-trieu-no-le-hien-dai/

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.