Tháng Tư, Tìm Người Mất Xác
Buổi sáng hôm ấy, bầu trời trong veo. Mặt trời vừa lên khỏi rặng
tre sau vườn nhà. Những tia nắng đầu ngày rọi qua giọt sương mai lóng
lánh chưa kịp tan còn đọng trên đầu ngọn cỏ xanh mơn mởn. Tiểu thế giới
bình an và kỳ diệu lặng lẽ có mặt giữa đất nước loạn ly đang ở vào những
ngày tuyệt vọng giẫy chết!
Đó là một ngày đầu tháng 4 năm
1975, khoảng vài mươi ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Trong buổi sáng
hôm đó gia đình tôi nhận được hung tin. Người anh Thứ Bốn của tôi đã bị
Cộng Sản giết tập thể cùng với hơn một trăm hai mươi quân cán chính Việt
Nam Cộng Hòa khác tại Núi Đất, Xã Hòa Định, Quận Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên.
Cha
tôi kêu người anh Thứ Bảy và tôi cùng đi đến đó để tìm xác anh tôi mà
đem về chôn. Chúng tôi đi bộ. Con đường đất dài khoảng 3, 4 cây số. Từ
nhà tôi đi dọc theo hướng tây con mương chạy theo Đường Liên Tỉnh Lộ 7
đến Mương Số 1 thì quẹo phải rồi băng qua cánh đồng rộng để vào chân Núi
Đất.
Mới vừa tới đầu Mương Số 1 thì đã thấy nhiều người đi ngược đi xuôi.
Kẻ thì khóc than, kêu la thảm thiết. Người thì khiêng xác được bó lại
trong những chiếc chiếu hay miếng nhựa cột hai đầu treo dưới đòn gánh
bằng tre.
Lúc đến bìa rừng gần nơi bãi xác người thì bắt đầu ngửi
được mùi tử thi xông lên nồng nặc. Đến khi vào tới chỗ hiện trường bãi
đất xử bắn thì mùi tử thi bốc lên không thể nào ngửi được nữa. Cha tôi
đã đưa cho anh tôi và tôi mỗi người mỗi tấm vải và chai dầu Song Thập.
Ông kêu đổ dầu lên vải rồi bịt vào mũi để đánh tan bớt mùi hôi. Tôi làm
theo. Đổ dầu lên miếng vải rồi lấy một tay bụm vào mũi. Mới đầu thì còn
nghe mùi dầu nhưng chỉ trong chốc lát thì mùi dầu như bay hết, chỉ còn
mùi xác chết thối rữa nặng kinh khủng. Ngày thường, nếu đổ dầu Song Thập
mà hít vào mũi như vậy là ngộp thở ngay vì mùi dầu rất nồng và cay.
Nhưng vì lúc đó không còn thần trì đâu để ngại ngùng chuyện hôi thúi mà
chỉ để tâm đến việc tìm xác anh tôi, nên đành chịu trận như thế cho tới
khi về.
Trước mắt tôi một bãi đất trống rộng khoảng gần một nửa
sào đất nằm ngay bìa rừng, bao bọc là nhiều hầm dã chiến dấu đất đào còn
mới với chiều sâu khoảng nửa thước. Chung quanh miệng hầm là những vỏ
đạn văng tứ tung. Còn có cả những dây điện và mảnh vỏ trái mìn Claymore
bị nát ra sau khi nổ banh. Xác người nằm la liệt, ngổn ngang, rời rạc
hay chất chồng lên nhau. Có xác nằm úp mặt xuống đất. Có xác nằm ngửa
mặt lên trời. Có xác nằm gục lên xác người khác. Những xác này bị cột
tay tréo ra sau lưng từ người này sang người khác. Nhưng hầu như, tất cả
xác đều bị rã, không một người nào còn đủ nguyên hình dạng để nhận ra.
Thân nhân chỉ còn xem quần áo và giấy tờ tùy thân, nếu có, là chứng vật
để nhận dạng người chết. Nghe nói, họ đã bị giết trước đó khoảng mười
ngày, tức là vào đêm đầu tháng 4, và mấy ngày sau thì bị một cơn mưa lớn
làm xác chết rữa ra, không còn nguyên dạng nữa. Hôm đến đó, tôi mang
đôi dép xẹp. Khi đi tìm xác anh tôi thì đạp lên những lớp bầy nhầy, nhão
nhoẹt như bùn mà thật ra là thịt rã ra thấm vào đất, ngập cả bãi cỏ,
nên khi người đi qua thì thành lớp bầy nhầy, hôi thối không thể tả.
Những xác người chỉ còn lại xương và quần áo không nguyên vẹn, có xác,
thịt da chưa rã hết hoàn toàn đã sình lên. Những bộ xương sọ với hàm
răng hả ra thật to, có vẻ như khi chết họ la ó dữ lắm.
Ba cha con
tôi tìm mãi, lật từng xác người, xem từng bộ đồ, lục từng túi áo để xem
có giấy tờ gì của anh tôi không, mà không thấy. Tìm khắp mọi nơi trong
bãi đất xử bắn cho đến trưa xế thì chúng tôi quyết định không tìm nữa vì
không còn gì đề tìm. Cha tôi nói phải biết chính xác là anh tôi thì mới
dám đem về chôn, chứ nếu không thì mình sẽ lấy nhầm xác của người khác
là không nên. Vì vậy chúng tôi ra về. Lúc đó người vẫn còn ra vô để tìm
xác thân nhân. Nhiều người lăn lộn bên xác chết của thân nhân vừa tìm
được, khóc than thảm thiết.
Lần đầu tiên trong đời, tôi nhỉn thấy cảnh tượng kinh hoàng của sự
tàn ác do con người gây ra cho nhau. Trước đó, tôi từng đọc kinh Phật
diễn tả về cõi địa ngục mà trong đó chúng sinh chịu nhiều cực hình đau
khổ cùng cực, nhưng không hình dung ra được cảnh trạng đó thực sự như
thế nào. Hôm đó tôi nghĩ địa ngục dù có kinh hoàng tới đâu thì chắc cũng
cỡ này. Nhìn tận mắt thảm nạn bi thương tàn khốc này tôi cảm thấy chủ
nghĩa cộng sản, con người cộng sản quá tàn ác, dù lúc ấy tôi mới chỉ là
một đứa trẻ vị thành niên.
Trên đường về nhà, cả ba cha con tôi
đều im lặng không nói gì, không ai khóc, dù ruột gan tôi và chắc chắn
ruột gan cha tôi và anh tôi cũng đều đau đớn không cùng tận như bị dao
cắt đứt từng đoạn.
Người anh của tôi đã mất hôm đó tên Huỳnh Công
Ức, là người anh Thứ Bốn trong nhà. Cha mẹ tôi sinh ra mười người con,
nhưng ba người vắn số bỏ đi trước, còn lại bảy người, bốn gái, ba trai.
Lúc anh mất chừng khoảng ba mươi ba tuổi. Nhà nghèo, anh chỉ học tới lớp
ba gì đó thì phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ lo cho gia đình. Khi đến
tuổi đi lính, anh nhập ngũ vào ngành cảnh sát quốc gia. Vì không có bằng
trung học, anh chỉ là một cảnh sát viên quèn về làm việc tại trụ sở xã ở
địa phương. Anh nóng tánh nhưng rất thương yêu gia đình và các em. Anh
thay cha tôi dạy em rất nghiêm. Tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần có khách đến nhà
là lũ em chúng tôi bị anh bắt ra vòng tay, cúi đầu, thưa hỏi đàng
hoàng. Hồi bé, mấy anh chị em nhỏ chúng tôi hay gọi nhau bằng mầy tao
nên bị anh đánh đòn bắt phải xưng hô anh chị theo thứ lớp. Tôi là đứa em
trai út lúc nhỏ hay nghịch ngợm nên bị anh la và đánh đòn hoài. Anh có
gia đình được năm đứa con, ba gái, hai trai, đứa lớn nhất lúc đó chừng
6, 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sinh được mấy ngày trước khi anh đi trình
diện và bị giết.
Tôi nhớ trước cuộc triệt thoái của Quận Lực VNCH từ
Cao Nguyên xuống Tuy Hòa qua đường Liên Tỉnh Lộ 7 vào giữa tháng 3 năm
1975, hôm đó trên đường chở tôi từ nhà xuống thành phố học, anh tôi nói
như trăn trối, kêu tôi ở lại chăm sóc cho cha mẹ và gia đình, còn anh
thì chắc phải bỏ đi không thể ở lại được nếu CS vào đây. Nhưng rồi, ngày
1 tháng 4 năm 1975, khi CS chiếm tỉnh Phủ Yên thì anh vẫn còn ở lại.
Một hai ngày sau được lệnh CS kêu đi trình diện và sẽ được tha cho về
trong vòng mười ngày. Ngày đi trình diện vì nghĩ rằng mươi ngày sau là
về nên anh chỉ đem theo một bộ đồ dự phòng gì đó, tôi không nhớ rõ. Cho
đến khoảng mười ngày sau, thay vì nhận tin anh được thả về thì gia đình
lại hay tin anh bị giết cùng với khoảng trên một trăm hai mươi quân cán
chính VNCH mà trong đó gồm các viên chức dân quân cán chính xã, thôn tại
địa phương. Tin anh chết cũng không được chính quyền chính thức loan
báo cho gia đình biết mà do bà con có thân nhân đi học tập bị giết cùng
chỗ với anh lén báo tin cho nhau nghe để đi tìm xác.
Khi ba cha
con tôi về tới nhà từ chỗ tìm xác anh tôi thì thấy ở nhà mọi người đang
buồn rầu, khóc lóc bi thảm. Rồi vài ngày sau nhà tôi thỉnh Thầy về làm
lễ cầu siêu cho anh tôi. Hôm đó, trong lễ cầu siêu tổ chức nội bộ gia
đình, cha mẹ tôi nghẹn ngào vì cảnh người tóc bạc đưa người tóc xanh. Đó
là cảm trạng chung của những bậc cha mẹ trong thời chiến tranh! Có lẽ
đa phần các gia đình Việt Nam đều trải qua kinh nghiệm đau thương này.
Có gia đình mất mát tới mấy người con trai. Nhưng điều trớ trêu là anh
tôi không phải hy sinh trong chiến trận, nơi sa trường mà bị giết một
cách mờ ám và tàn ác lúc đã quy hàng và trên tay không có gì đề tự vệ,
chứ đừng nói để hại người.
Trong vụ này, gia đình người con trai
của bà Dì Năm, chị ruột của mẹ tôi, bốn cha con đều bị giết, gồm người
cha, hai đứa con trai và một người con rể.
Sau khi anh tôi chết,
cha mẹ tôi buồn rầu đến sinh bệnh. Mẹ tôi hầu như tối nào cũng khóc
thương vì nhớ và tội nghiệp cho người con trai bạc mệnh. Sức khỏe cha
tôi suy yếu dần đến năm 1981 thì qua đời ở tuổi 66.
Bằng đi một
thời gian độ mấy tháng sau vụ anh tôi chết, tức là sau 30 tháng 4 năm
1975, bỗng một hôm tôi nghe mẹ tôi nói ờ ngoài người ta đồn anh tôi đã
thoát chết trong đêm định mệnh đó và trốn chạy được. Mẹ tôi kể, dĩ
nhiên, chỉ cho gia đình nghe, có người nghe nói đêm đó anh tôi đã trốn
được và thuê xe thồ chở xuống thành phố rồi đi thẳng vào Nam. Với tâm
trạng thương nhớ anh tôi vừa mất, thì đối với gia đình tôi tin này là
một điều gì đó vừa bất ngờ, vừa vui mừng khôn tả. Cả nhà tôi bàn tán với
nhau suốt ngày về tin này và chỉ cầu mong anh tôi còn sống. Tuy nhiên,
tin đồn này lại làm cho chính quyền địa phương để ý và theo dõi. Dạo đó
tôi nghỉ học và ở nhà, nên biết rõ chuyện này. Nhiều đêm lúc về khuya
chunh quanh nhà có tiếng động và có người rình rập theo dõi. Chắc chính
quyền muốn biết có phải anh tôi còn sống thực hay không.
Sau
nhiều ngày suy nghĩ, mẹ tôi quyết định đi tìm anh tôi. Tánh của mẹ tôi
là vậy. Một khi bà đã nghe đồn về chuyện anh tôi thoát nạn trốn vào Nam
thì không tài nào bà không đi tìm. Tôi nhớ, trước năm 1975, lúc anh Bốn
tôi học cảnh sát ở quân trường Đà Lạt, mẹ tôi nhớ con mà đã lên tận đó
để thăm, dù anh ấy chỉ đi học có mấy tháng. Khi anh Bảy tôi đi lính bị
thương ở chiến trường Dakto-Tân Cảnh thuộc tỉnh Kontum, mẹ tôi cũng lặn
lội lên đó để thăm. Sau năm 1975, chính xác là năm 1985, lúc tôi bị tù
vượt biên ở Trà Vinh, mẹ tôi dù đã già yếu cũng một mình vào Sài Gòn nhờ
người quen dẫn xuống đó để thăm tôi.
Kỳ này, mẹ tôi kêu anh Bảy
tôi và tôi đi theo. Ba mẹ con khăn gói lên đường đi tìm anh tôi, dù
không biết là đi đâu để tìm. Có lẽ trong đầu mẹ tôi đã có chủ hướng đi
đâu tìm rồi. Còn tôi, đó là lần đầu tiên đi ra khỏi tỉnh mà lại đi thật
xa nữa. Với tôi đó là chuyến đi đầy thích thú và hy vọng, thích thú vì
được đi xa, hy vọng vì mong tìm được người anh. Chúng tôi xuống thành
phố, đón xe đò đi vào Nam mà trạm dừng đầu tiên là Cam Ranh. Tôi nhớ khi
tới Cam Ranh thì trời xế chiều. Ba mẹ con vào một cái vườn xoài bên
đường quốc lộ và xin ở nhờ một đêm rồi sáng mai đi tiếp. Người chủ vườn
xoài lòng dạ thật tốt đã cho chúng tôi ở tạm qua đêm. Ở đó chúng tôi hỏi
thăm người ta xem những chỗ nào có người mới đến lập nghiệp thì đi tới
kiếm. Người ở đây mách cho biết ở Bình Tuy, Long Khánh có nhiều chỗ dân
từ ngoài mới vào khai khẩn đất đai lập nghiệp đông lắm. Ba mẹ con tôi
nghe nói thế nên sáng mai lại đón xe đò xuôi Nam tiếp tục. Trên đường
đi, chúng tôi bạ đâu ăn đó, hễ tới giờ ăn mà đói bụng thì mua thức ăn
dọc đường mà ăn. Nhiều khi tới giờ ăn, bụng đói nhưng xe đang chạy không
có trạm dừng thì cũng đành nhịn đói. Cái ăn, cái ngủ vì vậy thật là
thất thường và không đầy đủ trên suốt mấy ngày đi tìm anh tôi.
Vào
đến Bình Tuy thì mặt trời đã gần xuống núi. Ba mẹ con tôi xuống xe ở
đây và đi bộ vào khu dân cư mới lập nghiệp. Nhà cửa còn sơ sài, cả vách
và mái đều làm bằng rạ. Đất đai vườn tược mới khai khẩn. Cây cối còn
thưa thớt. Những miếng đất tranh rừng bị đốt cháy đen còn chờ mưa xuống
để cày vỡ lên mà trồng trọt. Buổi chiều nhìn những cột khói bốc lên từ
những mái tranh nhà bếp thô sơ ở quê người làm tôi nhớ nhà. Vào xóm,
chúng tôi xin tá túc ở nhà một cặp vợ chồng có 2 con nhỏ cũng từ miền
Trung mới vào lập nghiệp. Có lẽ thông cảm cảnh ly hương mà họ trải lòng
dung chấp, dù chỉ một đêm ở tạm. Đêm đó mẹ tôi trò chuyện và hỏi thăm
những người ở đây để tìm tung tích của anh tôi. Ngặt nỗi, chúng tôi
không dám nói thật về tình trạng của anh tôi nên cũng chẳng tìm ra được
manh mối gì.
Sáng hôm sau, ba mẹ con chúng tôi lại đón xe đi tiếp
vào Nam. Tới Long Khánh lúc trời chiều. Chúng tôi xuống xe đi bộ dọc
theo đường quốc lộ để dọ thăm tin tức. Chỗ nào có nhà cửa mới dựng lên
thì chúng tôi đều vào hỏi thăm. Đi tới gần tối thì gặp một ngôi chùa.
Chúng tôi vào chùa xin nghỉ nhờ một đêm. Thầy trú trì, lâu quá tôi không
nhớ đạo hiệu của Thầy, hỏi thăm và biết chúng tôi từ xa đến cả ngày đói
bụng nên đã cho ăn bữa cơm chay thật ngon miệng. Khuya hôm đó nằm nghe
tiếng chuông chùa ngân vang vào thời khóa thỉnh chung buổi sáng mà nhớ
nhà, nhớ tiếng chuông chùa ở làng quê mình.
Với tình hình mấy bữa
rồi lang thang đi tìm khắp nơi mà tin về người anh tôi vẫn biệt vô âm
tín, như mò kim đáy biển, mẹ tôi quyết định không đi tìm nữa và trở về
nhà. Sau một đêm ngủ nhờ cửa Phật, sáng hôm sau chúng tôi ra đường quốc
lộ đón xe đò về nhà. Lúc ra đi chúng tôi mang theo hy vọng bao nhiêu thì
khi trở về lòng dạ buồn đau tuyệt vọng bấy nhiêu.
Tin đồn anh
tôi thoát nạn ở Lù Ba vẫn còn lưu truyền trong bà con làng xóm một thời
gian sau đó. Nhưng mẹ tôi đã không còn có ý định đi tìm anh tôi nữa.
Với
tôi, chuyện này vẫn cứ đi theo mãi. Cuối năm 1986, lúc đi vượt biên tới
được đảo Pulau Bidong ở Mã Lai Á, tôi cũng đã có thăm dò và gửi danh
sách tìm người mất tích cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhờ tìm dùm.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vào thời đó có chương trình giúp người tị
nạn tìm kiếm thân nhân mất tích. Ngay cả những năm tháng mới đến Mỹ, tôi
cũng thường nghe ngóng tin tức về anh tôi, nhất là trong các sinh hoạt
của những hội đoàn cựu quân cán chính VNCH.
Nhiều khi nghĩ đến
chuyện này tôi thấy mình như mâu thuẫn. Một mặt thì tự thân tôi cũng
biết là anh tôi khó thoát chết trong vụ thảm sát đó rồi. Hơn nữa nếu anh
còn sống thì chắc anh cũng đã liên lạc về gia đình bằng cách này hay
cách khác, chứ chẳng lẽ anh không còn nhớ đến gia đình hay sao. Nhưng
mặt khác thì dường như trong chỗ sâu kín của tâm tư tôi đôi khi cũng lóe
lên một tia hy vọng mỏng manh rằng anh tôi còn sống. Giả như lúc mấy
cha con tôi đi tìm mà thấy được xác anh tôi thì chắc chắn chuyện này đã
kết thúc ở đó.
Thế mới biết, ở cõi đời vô thường này có thứ mình muốn
quên đi mà chưa chắc đã quên được dễ dàng. Giống như trong Duy Thức học
của Nhà Phật có nói đến trường hợp “lạc tạ ảnh tử” — chủng tử kết sinh
từ cái bóng rớt lại — trong A Lại Da Thức. Chỉ một cái bóng — của cánh
hoa rơi, của ánh chiều tà, v.v… — thoáng qua ở một khoảnh khắc nào đó
trong đời, vậy mà còn mãi trong tâm, có khi mang theo từ kiếp này đến
kiếp khác nữa. Huống gì là cái chết đau thương của người anh ruột!
Nhưng
bao năm trôi qua tôi cũng không còn nghe tin tức gì về anh tôi. Mọi
thông tin về anh tôi như đã cùng với xác thân anh im lặng nằm sâu trong
lòng đất.
Chắc bây giờ anh đã tái sinh thành một gã đàn ông trung
niên bảnh bao, khí phách ở đâu đó trên cõi đời này. Biết đâu tôi đã
từng gặp người đàn ông này mà chẳng quen biết gì nhau.
Huỳnh Kim Quang
https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/th%E1%BB%9Di-s%E1%BB%B1/chuy%E1%BB%87n-30-4/10278-th%C3%A1ng-t%C6%B0-t%C3%ACm-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BA%A5t-x%C3%A1c?21195=
0 comments:
Post a Comment