Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday, 10 April 2022

Tháng Tư Buồn Năm Ấy!

Tháng Tư lại sắp về. Lại một năm nữa, cộng vào cho đủ 39 năm miền Nam rơi vào tay quân Cộng. Phải can đảm lắm để không phải khóc, tôi mới viết được những dòng này, mong được sẻ chia nỗi đau, những mất mát tột cùng của những người dân, người lính, và nhất là những người đàn bà, vợ lính miền Nam.

Tôi cũng như những người vợ lính ấy. Chồng tôi, một hạ sĩ nhất lính Nhảy dù, chết trận 13 giờ hơn ngày 30 tháng Tư năm 75, lúc tôi vừa 17 tuổi. Chồng tôi chết trận khi Sài Gòn không còn mặt trận nào nữa cả. Dương Văn Minh, đại tướng đã đầu hàng rồi.!!!

Tôi lấy chồng sớm, tình cờ và nhanh khi gặp anh ấy. Tôi thương anh vì gặp anh trong lúc anh phải quấn băng quanh đầu, quanh cánh tay sau trận Thường Đức. Bằng lòng làm vợ anh ngay vì sợ sau này không còn có dịp để săn sóc vết thương cho anh, và vì có thể vết thương sau của anh sẽ không còn là một vết thương nữa, mà là một vết đau vô tận khó chữa…

Mê say, bốc đồng, ai cũng bảo tôi vậy. Nhưng không có ai trong gia đình ngăn cản được ý muốn của tôi! Tánh bướng bỉnh là thế đó. Những bà vợ lính lớn tuổi thường trách, nửa thật nửa giỡn: “Mày ngu lắm! Lấy ai không lấy, lấy chồng lính Dù. Mồ côi sớm em ạ!”

Nghe những lời như thế tôi thường cười thầm trong lòng: Không biết ai mồ côi trước ai. Các chị ấy cũng ngu như tôi, vì chồng các chị ấy cũng đơn vị với chồng tôi, đơn vị lính nhảy dù.

Gian nan lắm. Tôi sống ở trại gia binh tiểu đoàn. Những ngày buồn đau luôn nhiều hơn những ngày vui. Những lần những người lính cùng đơn vị với chồng tôi chết trận, được đưa về trại cho gia đình là cả trại lại cùng khóc với nhau, đủ kiểu khóc. Đủ kiểu vỗ về, dỗ nín cho nhau….

Năm 1975, chồng tôi nhắn tin anh đã được hải vận vào Nam, vào Nha Trang để đi Khánh Dương. Tôi không biết Khánh Dương ở đâu. Nhưng tôi biết ở đó sẽ ít cơ hội hơn là nếu anh ấy được về Sài Gòn.

Đã có lần bên nhau, vui, tôi hỏi anh: “Sao người ta lại gọi là lính Tổng trừ bị hả anh?”

Và có lẽ anh trả lời như thể để cho vợ anh an tâm: “Tổng trừ bị là lính trừ bị thôi em ạ”.

Lạy chúa! Trừ bị là lính trừ bị, vậy mà cũng giải thích cho vợ yên tâm. Rồi sau này, tôi nghe một anh cũng bạn lính của chồng, chắc say rồi nên bốc trời: “Em đừng nghe thằng Bình nói. Anh giải thích em nghe, Lính của bọn anh là cái loại lính đến những nơi người ta không thể đến, và ở lại những nơi người ta không thể ở lại!” Tôi nghe, ừ phải thế chứ. Phải vậy mấy chị vợ lính hơn tuổi mới bảo tôi ngu chứ. Rồi sau này, thi vị hóa tôi mới tưởng tượng ra, chồng tôi không khác người lính cứu hỏa, oai hùng gì đâu, chỉ đi dập những đám cháy kinh hoàng mà bọn giặc cộng miền Bắc đem vào, gieo rắc khắp miền Nam thân yêu của anh thôi…

Sài Gòn tháng Tư năm 75, một thành phố bị bao vây. Bao vây bởi những Sư, binh đoàn chủ lực miền Bắc, bị bao phủ bởi các tin đồn được tung ra từ các lực lượng phản bội “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng Sản”, làm nội ứng, tay sai, điềm chỉ phá hoại. Sài Gòn khi ấy giống như một trại tiếp nhận khổng lồ, nơi duy nhất còn lại (ngoài miền Tây) để những dòng người bị truy đuổi tìm đến nương náu, hỗn loạn và đầy những rủi ro.

Tháng Tư … tôi cũng theo một số gia đình trong trại gia binh chạy về Sài Gòn thuê nhà, vì Biên Hòa lúc đấy hàng ngày luôn phải chịu những trận pháo tàn ác của cộng quân.

Về Sài Gòn, không còn trông mong gì nữa, các chị em vợ lính chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện. Dường như tất cả những người bạn bè vợ lính của chúng tôi đều hỏi thăm, lòng ngóng về mặt trận Khánh Dương, nơi đó có những người chồng chúng tôi đang ngày đêm bảo vệ đất nước. Tôi bắt đầu mua báo về đọc “Măt trận Khánh Dương… Trung tá Bùi Quyền và tiểu sử Thủ khoa khóa 16 Đà Lạt…”. Lạy chúa tôi! Có Trung tá Bùi Quyền thì ổn rồi. Tôi thầm cảm ơn Trời Phật như vậy. Chồng tôi luôn kể tôi nghe về sự thao lược của vị sĩ quan này. Thế nhưng khi ấy, tôi nào có hiểu, biết được rằng Nhảy dù chẳng qua cũng chỉ là nút chận cho những toan tính rút chạy của những ưu tiên khác. Và Trung tá Bùi Quyền, cứu cánh cho niềm tin của tôi, chỉ là một trong những sĩ quan ưu tú lãnh nhiệm vụ làm nút chận đó cùng với đơn vị chồng tôi. Tôi không biết nên vẫn giữ chặt niềm tin và chờ đợi…

Sài Gòn gần cuối tháng Tư ngày càng hoang mang, hỗn loạn. Dân chạy xuôi ngược tìm đường thoát. Các người có chức vụ, điều kiện ngày đêm tìm cách đào thoát để tránh sự trả thù. Các bà vợ lính như chúng tôi không ai nghĩ đến điều này, dường như mọi người đều mong gặp lại chồng mình từ Khánh Dương về được lại nhà. Và cũng chẳng nghĩ là mình sẽ không bao giờ được đặt chân lên một chiếc tàu, hay một cái máy bay di tản vì chồng chỉ là một người lính, không quan trọng!

Vỡ trận Khánh Dương, chồng tôi cùng một số đồng đội thoát về được Phan Rang nhưng tôi vẫn không hề hay biết. Tôi vẫn khóc ngày đêm cầu nguyện.

Ngoài phố, không khí bàng hoàng lan khắp nơi.Những chuyện kể kinh hoàng của người chạy về đủ chuyện. Cộng sản tàn sát trên quốc lộ 7. Giết người, pháo kích đường 13.

Phanh thây, cắt cổ, vây chận quốc lộ 1, xếp thây người trên đoạn ngã 3 Bình Tuy cả cây số. Biết vậy, nhưng làm sao đây, chồng tôi cùng đồng đội giờ chưa biết ra sao?

Gần cuối tháng Tư thì chồng tôi trở về. Tôi khóc nhiều vì mừng vui. Nhưng anh chưa kịp kể hết vì anh phải cắm trại ứng chiến.

Chồng tôi chỉ là một người lính. Anh không để ý, không biết gì nhiều về chính trị. Anh cũng chưa bao giờ được học về chiến lược, chiến thuật như các cấp chỉ huy của anh. Anh chưa bao giờ, và chưa nghĩ ra được cái mà người ta gọi là lượng định tình hình. Có thể như vậy nên anh đã bỏ ngoài tai lời khuyên của tôi, vợ anh, là đừng vào trại nữa…

Có một điều bây giờ tôi mới nghĩ ra, mà chẳng còn bao giờ có cơ hội nữa để xin lỗi anh cùng các đồng đội của anh. Những người lính lúc ấy ở Sài Gòn, dường như họ chỉ nghĩ đến có một điều “Cùng chết với Sài Gòn, và quyết định của họ lúc này là bắn được thêm một kẻ thù là bớt thêm được một mối nguy hiểm cho người dân của anh ấy!”

Rồi Đại tướng Minh đầu hàng 11 giờ trưa. Tôi được tin chồng chết lúc 13 giờ hơn 30 phút hôm đó…

Hôm nay, gần đến 30 tháng Tư cũng là ngày giỗ của chồng, tôi viết những dòng này như một lời tạ lỗi với anh, với các đồng đội chiến hữu của anh. Lúc đó tôi 17 tuổi, còn khờ dại quá, không thể nào lý giải: Tại sao chồng tôi và các đồng đội của anh đã cầm súng chiến đấu trong khi vị Nguyên thủ Quốc gia đã đầu hàng? nếu vì kỷ luật thì các anh đã buông súng theo lệnh. Các anh còn cầm súng tử thủ đến viên đạn cuối cùng vì các anh còn hy vọng… còn mong muốn làm được chút gì cho đất nước miền Nam của các anh, gia đình của các anh, người dân của các anh… Chính các anh sống kiêu hùng, bất khuất, không lùi bước trước giặc thù phương Bắc xâm lăng và quên cả bản thân mình, thế mà khi ấy tôi và những bà vợ lính vẫn trách các anh sao mà dại quá! Ừ… nghĩ cho cùng anh dại thiệt. Kẻ khôn biết chọn con đường bôn tẩu, đầu hàng, cho dù “SỐNG NHỤC hơn CHẾT VINH” còn anh dại nên chọn con đường “CHẾT VINH hơn SỐNG NHỤC”

ĐỖ DŨNG

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.