Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 23 July 2021

Trường hợp Việt Nam: Robot chống dịch

 

Trường hợp Việt Nam: Robot chống dịch


Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Dẫu hệ thống công quyền tỉnh Khánh Hòa hối hả cách chức Trưởng Ban Phòng – chống dịch, rồi hứa sẽ kỷ luật ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang (1) nhưng cả tuyên bố (Bánh mì không phải là… lương thực, thực phẩm thiết yếu), lẫn cách hành xử của ông Thọ (lập biên bản, tạm giữ xe, dọa tác động để nhà thầu đuổi một công nhân vốn có giấy xác nhận được đi lại vì yêu cầu công việc, dám… ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc… mua bánh mì) vẫn… CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ!

Ngay cả khi hệ thống công quyền tỉnh Khánh Hòa chữa cháy bằng cách soạn, ban hành Hướng dẫn về… hàng hóa thiết yếu (2) khi thực hiện lệnh hạn chế đi lại, giao tiếp mà Việt Nam gọi là… giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan nhanh hơn, rộng hơn thì những tuyên bố và kiểu hành xử ấy chỉ tăng chứ không làm giảm giá trị minh họa: VIỆT NAM ĐÃ CŨNG NHƯ ĐANG DÙNG ROBOT CHỐNG DỊCH! Ông Thọ chỉ là một trong số rất nhiều robot đang được dùng để chống dịch tại Việt Nam.

Robot không thể nghĩ khác, nói khác, làm khác những gì đã được… lập trình, robot lại không tim, không cảm xúc nên mới có thể khiến thiên hạ cười ra nước mắt về đủ loại tuyên bố, đủ kiểu hành xử thiếu cả lý lẫn tình suốt từ cuối tháng tư đến giờ…

***

Hôm qua (19 tháng 7), hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam bắt đầu tường thuật về thảm cảnh xảy ra cho một gia đình ở phường 12, quận 10, TP.HCM: Một cặp vợ chồng bị phát giác nhiễm COVID-19 khi người vợ sinh đứa con thứ ba. Đứa trẻ chết khi vừa chào đời còn cha mẹ của bé bị đưa đi cách ly. Bà ngoại đem hai đứa trẻ (năm tuổi và hai tuổi) về nhà chăm sóc. Sau đó bà ngoại qua đời vì nhiễm COVID-19. Tới lượt bà nội thay bà ngoại chăm sóc hai đứa cháu và bà cũng đã qua đời vì nhiễm COVID-19 (3)…

Cũng hôm qua, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam tường thuật nhận định của ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đặt “truy vết” lên hàng đầu không còn phù hợp (4)! “Truy vết” là săn tìm những người bị nhiễm COVID-19 và những người tiếp xúc với họ để tống vào các khu cách ly. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam từng tỏ ra hết sức tự hào khi kiểm soát, kiềm chế được số ca nhiễm, ca tử vong vì COVID-19.

Diễn biến đợt dịch thứ tư bùng lên từ hạ tuần tháng tư năm nay cho thấy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thèm tìm hiểu, ngẫm nghĩ xem vì sao thiên hạ không “truy vết, cưỡng bức cách ly, khoanh vùng (cô lập khu vực nào đó)” khi dịch lan nhanh và rộng. “Tự hào” về số ca nhiễm, ca tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới đã khiến những viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cương quyết đeo bám chiến lược phòng – chống dịch đã được… lập trình!

Hậu quả không chỉ giống như đã và đang thấy mà càng ngày càng trầm trọng: Sinh hoạt xã hội tê liệt, tất cả các giới điêu đứng, tương lai hết sức ảm đạm. Tuy nhiên giống như nhiều chuyên gia y tế, dịch tễ, ông Sơn chỉ có thể trình bày… quan điểm cá nhân về việc để các F0, F1 tự cách ly tại nhà như thiên hạ từng làm. Những viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn chưa tỉnh ra! Chỉ đạo của chính phủ hồi thượng tuần tháng này:

Lấy hệ thống chính trị cơ sở làm nền tảng, là những “pháo đài” chống dịch quan trọng, có tính quyết định để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã chính quy cùng với các lực lượng khác và tổ COVID cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện hiệu quả công tác rà soát kỹ người nhiễm, nghi nhiễm (5)… vẫn còn nguyên giá trị thực thi, vẫn là… kim chỉ nam để… chống dịch.

***

Năm ngoái, sau khi phát giác người lớn tuổi là đối tượng dễ tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19, Ý – một trong những quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng, kêu gọi toàn dân hỗ trợ người già bằng cách giúp họ yên tâm ở trong nhà, không tiếp xúc, không thăm viếng dẫu đó là ông bà, cha mẹ. Trường hợp của Ý đã trở thành bài học cho nhiều quốc gia. Đó cũng là lý do đa số quốc gia ưu tiên chích vaccine ngừa COVID-19 cho người già trước tất cả các đối tượng khác.

Dường như chỉ ở Việt Nam mới có chuyện cưỡng bức phụ huynh cách ly vì nhiễm COVID-19 bất kể hoàn cảnh gia đình của họ thế nào và bà ngoại, bà nội trở thành nạn nhân, uổng mạng do COVID-19, bởi bị đẩy vào thế phải thay con chăm cháu như câu chuyện ở phường 12, quận 10, TP.HCM đang làm quặn lòng nhiều người Việt! Còn bao nhiêu những câu chuyện thê thảm như thế chưa được biết, chưa được kể để mà… “tự hào” và… “ngạo nghễ”

COVID-19 đã cũng như đang lan rộng trên toàn cầu nhưng có bao nhiêu quốc gia ra lệnh đình chỉ hoạt động của hệ thống vận tải, hệ thống thu hoạch – tiếp nhận – phân phối lương thực, thực phẩm như Việt Nam? Tại sao gần như không có quốc gia nào làm như Việt Nam? Tại sao gần như tất cả các quốc gia ưu tiên dành vaccine, chích cho những người làm việc ở các nông trại, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, giới tài xế và nhân viên làm việc trong hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu?

Những viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiều quốc gia không phải robot, không được lập trình, thành ra họ biết dùng mắt để xem, biết dùng tai để nghe, biết dùng đầu để nghĩ và trên tất cả, trong lồng ngực của họ là trái tim còn có thể rung động với khổ đau của tha nhân, nên những quốc gia ấy liên tục điều chỉnh phương thức phòng – chống COVID-19, không ban hành những chỉ thị bất trí, những chỉ đạo bất nhân, không tạo ra một hệ thống thừa hành mà diễn biến thực tế của đợt dịch hiện nay cho thấy, khả năng đánh giá, nhận định về… “thiết yếu” giới hạn đến mức phạt cả ông ra ATM rút tiền mua hàng hóa, bà bán rau, anh mua bánh mì… Nếu là NGƯỜI, chẳng ai hăm hở ghi lại sự càn rỡ của chính mình rồi bày ra nhằm… giáo dục đồng bào như trường hợp: Bánh mì không phải là… lương thực, thực phẩm thiết yếu!

 Trân Văn-VOA

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/nha-trang-xu-ly-sao-ve-vu-mua-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-thiet-yeu-20210719150510.htm

(2) https://tuoitre.vn/sau-vu-banh-mi-khanh-hoa-ra-huong-dan-ve-mat-hang-thiet-yeu-20210719203804904.htm

(3) https://plo.vn/xa-hoi/ca-gia-dinh-mac-covid19-3-nguoi-mat-trong-nua-thang-1001962.html

(4) https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/thu-truong-y-te-dat-truy-vet-covid-19-len-hang-dau-khong-con-phu-hop-757443.html

(5) https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/ket-hop-suc-manh-tong-luc-de-kiem-soat-ngan-chan-day-lui-dich-benh-covid-19-653573/

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/covid-vaccine-nha-trang-vo-tran/5972398.html

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.