Công tác xây cất trường tiểu học Sao Mai tại làng Hà Bằng được thành công nhanh chóng là nhờ sự hiện diện của đoàn quân tăng cường cho đồn Ty Hạ. Sở dĩ nhiều người khẳng định như vậy là vì trước khi đơn vị tăng cường cho đồn Ty Hạ được chuyển đến đây – tuy có đồn Nghĩa Quân nơi đèo Quảng Cau – mọi công trình kiến tạo của chính phủ V.N.C.H. đều bị Việt Cộng phá hoại.
Trước lễ khánh thành trường Sao Mai, hội đồng xã tận dụng được một số nhân công tình nguyện để trang hoàng khuôn viên ngôi trường. Nhóm người này ghép gỗ thành một khán đài “dã chiến”. Nhóm người kia chặt lá dừa, xén lại cho gọn, bọc chung quanh mấy trụ gỗ cho có vẻ tươi mát. Nhóm người nọ treo cờ, giăng giây điện để cắm micro. Nhóm người khác đem băng ngồi của học trò sắp ngay ngắn trước khán đài để hôm khánh thành quan khách và phu huynh học sinh ngồi.
Sáng sớm của ngày khánh thành trường Sao Mai, nơi mái hiên, các cô giáo duyên dáng trong những chiếc áo dài tha thướt. Các thầy giáo mặc quần đậm màu, áo dài tay, gài nút ở cổ tay và thắt cà- vạt. Vài thầy hướng dẫn toán học sinh vào giàn chào, dọc theo lối vào từ cổng trường. Vài thầy lăng xăng dợt lại bài Quốc Ca cho toán học sinh phụ trách hành lễ, ngay cột cờ, giữa sân.
Trên gương mặt của mỗi người như toát ra sư vui tươi, trang trọng mà từ lâu lắm người dân tại làng Hà Bằng hằng mong đợi.
Khoảng chín giờ, dân chúng trong làng đều quần áo chỉnh tề, cùng nhau đến trường Sao Mai dự buổi lễ quan trọng. Một số nông dân vẫn ra đồng, ra rẫy, làm công việc thường lệ. Riêng Thêm và đứa em trai – viện lý do là ngày giỗ – không tham dự lễ khánh thành.
Nhân ngày giỗ, Thêm mời người yêu, tên Duệ – hiệu thính viên của đại úy Phong, chỉ huy trưởng đoàn quân tăng phái cho đồn Ty Hạ – đến nhà ăn giỗ. Duệ từ chối, vì biết ngày đó Phong bận đón phái đoàn của ông Quận Trưởng đến dự lễ. Thêm năn nỉ rồi giận hờn làm cho Duệ khó xử. Duệ đành xin phép Phong.
Nhận thấy buổi lễ dự trù kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, không có gì quan trọng phải cần đến hiệu thính viên; nếu trường hợp khẩn cấp Phong có thể dùng máy truyền tin của ông Quận Trưởng, Phong cho phép Duệ vào làng dự đám giỗ.
Khi Duệ vừa qua khỏi hàng rào bông bụp thì nghe tiếng em trai của Thêm hát: “…Các anh đi, đến bao giờ trở lại…Các anh về, tưng bừng trước ngõ. Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau. Mẹ già bịn rịn áo nâu. Vui đàn con ở rừng sâu mới về…”(1) Dù là một người không chơi nhạc, Duệ cũng thoáng giật mình vì câu “…đàn con nhỏ rừng sâu mới về!” Duệ tự hỏi “Đàn con nào mà ở rừng sâu? Chỉ có đàn con Việt Cộng mới ở rừng sâu.” Hơi khó chịu trong lòng, Duệ chưa kịp đến hỏi đứa bé thì Thêm xuất hiện, niềm nở chào hỏi và mời Duệ vào nhà. Duệ hỏi “hai bác” đâu? Thêm đáp Ba Má của Thêm phải đi xuống đầm Ô- Loan mua lác về dệt chiếu gấp. Duệ chẳng để ý, miễn được gặp và ăn cơm cùng người yêu là Duệ vui trong lòng.
Trong khi Duệ chia xẻ những giây phút ấm cúng với Thêm thì trước sân trường Sao Mai, dân làng tề tựu rất đông. Các bô lão mặc áo dài đen, đội khăn đóng, được mời ngồi nơi hàng ghế đầu tiên.
Chiếc Jeep “lùn” và một chiếc Dodge chở lính hộ tống dừng lại bên lề quốc lộ. Toán lính hộ tống từ chiếc Dodge nhảy xuống. Ông Quận Trưởng và Phong – được ông Quận Trưởng ưu ái ghé đồn Ty Hạ đón, đưa đến nơi hành lễ – từ chiếc Jeep bước xuống trong khi quý vị trong ban tổ chức từ trong trường đi nhanh ra cổng, đón tiếp hai vị thượng khách.
Khi ông Quận Trưởng, Phong cùng toán binh sĩ theo đại diện của ban tổ chức vào nơi hành lễ thì mọi đôi mắt chăm chú nhìn theo. Trong lòng mỗi người dân hiện diện tại buổi lễ đều nảy sinh mỗi ý nghĩ khác nhau. Người thì thở dài, thầm ước: Phải chi con trai của họ đi “lính Cộng Hòa” thì sẽ được sống tự do, ăn mặc tươm tất, oai phong chứ không phải sống chui rúc, rách rưới nơi xó xỉnh, hầm cống nào đó; thỉnh thoảng mới lẻn về xin gạo, xin tiền! Kẻ thì thầm tiếc, phải chi đơn vị của Phong về đây sớm hơn, chắc chắn đồn Nghĩa Quân đã không bị Việt Cộng dùng chiến thuật biển người “đánh úp” để con của họ phải chết! Có người lại buồn; vì từ ngày đồn Ty Hạ được thành lập – và nhất là từ ngày đơn vị của Phong tăng phái cho đồn Ty Hạ – thằng con của họ cứ trốn miết trong rừng, không dám về!
Sau phần nghi lễ thông thường, ông Hiệu Trưởng trường Sao Mai, đại diện ban tổ chức cảm tạ sự hiện diện của quan khách và đồng bào. Tiếp theo, ông Quận Trưởng – đại diện chính quyền – ngõ lời cùng đồng bào. Sau khi một vị bô lão nói lên cảm tưởng của dân làng đối với sự lưu tâm của chính phủ V.N.C.H. dành cho con em của làng Hà Bằng, một đại diện học sinh cũng lên khán đài bày tỏ lòng biết ơn và niềm tin tưởng tốt đẹp của các em vào chính thể Quốc Gia.
Người cuối cùng được ban tổ chức mời lên khán đài là đại úy Phong. Phong được giới thiệu như là một người đã đem yên bình cho thôn làng; người được cảm tình của hầu hết dân làng và – quan trọng hơn cả – chính Phong chủ xướng và đề nghị lên Quận về công tác thiết yếu để xây trường Sao Mai. Ngoài ra, Phong còn liên lạc với đại úy cố vấn cũ – Gary Card, hiện là cố vấn cho ông Quận Trưởng – để xin xi- măng, tôn và các vật dụng xây cất.
Đây không phải là lần đầu tiên Phong xuất hiện trước đám đông, cũng không phải là lần đầu tiên chàng ban huấn từ; nhưng tại sao lần này Phong cảm thấy xúc động lạ thường!
Nhìn quanh, Phong thấy như gốc chuối này, bờ tre nọ, khóm sậy đong đưa, bụi cam đường oằn trái, khóm lan leo tím nhạt bên bờ rào thưa, v.v… vẫn còn vương vấn bóng dáng thằng bé “đầu cá trê”! Danh từ “đầu cá trê” được dân làng dùng cho những đứa bé – vì gia đình đơn chiếc và nghèo quá – suốt ngày Mẹ phải bỏ đứa bé nằm trong một cái thúng, gánh theo để đi mót lúa, mót khoai hoặc bán dạo những thứ vặt vảnh như kẹo thèo lèo, đậu phọng rang, ổi, cốc, v.v… vì vậy, đầu của đứa bé bị dẹp ở phía sau, trông giống “đầu cá trê”.
Người dân làng Hà Bằng không thể nào tìm thấy vết tích của thằng bé “đầu cá trê” năm xưa qua nhân dáng vạm vỡ, đạo mạo và thái độ lịch lãm của Phong. Nhưng, quanh đây, nhìn đâu Phong cũng tưởng như thấy lại cu Phong với những trưa lang thang dưới gốc vong đồng, rình bắn mấy con chim sẻ với chiếc ná bằng giây thun; những buổi chiều chơi “u mọi” dưới bóng cây đa già; những buổi sáng – với đôi bàn chân cáu bẩn, đầy ghẻ – bước nhè nhẹ, rón rén trên khóm đá cuội im lìm bên con suối cạn để bắt mấy con chuồn chuồn kim…
Không ai có thể tìm lại để sống với quá khứ của mình. Nhưng, tại Hà Bằng, Phong đã tìm lại được chàng. Từ lúc tìm lại được chính mình, Phong cảm thấy thương yêu mảnh đất này như thương yêu tuổi thơ đã mất. Và Phong thầm nguyện sẽ bảo vệ an ninh tuyệt đối cho ngôi làng này!
Ý tưởng của Phong vừa đến đây và bước chân của Phong còn cách micro một khoảng ngắn thì nhiều và rất nhiều trái đạn pháo kích của Việt Cộng rơi ngay địa điểm khánh thành trường tiểu học Sao Mai!
Phong quỵ xuống. Trong cảnh hỗn loạn của đạn rơi, của tiếng nổ, của tiếng la khóc, của bụi đất và mảnh đạn bay mịt mờ, Phong không hiểu tại sao chàng không thể gượng dậy được! Trước khi chìm vào hôn mê, Phong tưởng như chàng thấy rõ hình ảnh cu Phong đứng chàng hãng, giăng hai tay ngang cửa, không cho cán bộ Lục vào nhà…
Trong số những cán bộ cao cấp cùng đơn vị với ông Thưởng – Bố của cu Phong – đến nhà học Pháp văn do ông Thưởng dạy, cu Phong không hề thấy Lục. Nhưng mỗi khi ông Thưởng đi công tác thì Lục lại đến thăm bà Thưởng! Lần nào cũng vậy, Lục mặc quân phục màu “cứt ngựa”, bên hông đeo “súng lục”, chân mang dép Bình Trị Thiên và cởi ngựa – chứ không đi xe đạp hoặc đi bộ như ông Thưởng và các “đồng chí” cùng đơn vị với ông Thưởng. Sau khi vào sân nhà bà Thưởng, Lục xuống ngựa, cột giây cương vào gốc tre trước nhà rồi thong thả đi vào.
Thấy cu Phong vẫn trong tư thế đứng chàng hãng ngang cửa chứ không né tránh, Lục gọi: “Chị Thưởng ơi!” Bà Thưởng từ bếp chạy ra: “Dạ, chào cán bộ. Ông nhà tôi không có ở nhà.” Lục cười: “Biết rồi. Chị khỏe chứ? Tôi muốn ghé thăm chị.” Trước khi bà Thưởng kịp đáp lời Lục, cu Phong nhìn thẳng cán bộ, hỏi: “Ba tui hỏng có ở nhà mà sao bác cứ tới thăm Má tui ‘wài’ dậy?” Đã bị cu Phong cản trở nhiều lần, lần này, Lục chuẩn bị trước, lấy từ túi quần viên đường thẻ màu nâu đậm, gói trong lá chuối, trao cho cu Phong: “Hôm nay bác có cái này, ngon lắm, cháu cầm đi.” Cu phong nghênh mặt: “Hỏng thèm!” Mẹ xoa tóc cu Phong: “Con phải trả lời bác một cách lễ độ.” Cu Phong uất quá, òa lên khóc! Bà Thưởng khom xuống, ôm con, hôn con như thầm cảm ơn con trong khi Lục hơi chần chừ một chốc rồi quay gót, đến bên con ngựa.
Con ngựa đưa Lục đi xa nhưng hệ lụy do Lục để lại thì không thể nào ông bà Thưởng – và cả cu Phong – có thể ngờ được!
Ông Thưởng bị thuyên chuyển lên Chùa Lầu, một vùng núi thâm u, chỉ dành riêng cho những nhân vật thiếu tinh thần giác ngộ! Vì Chùa Lầu là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối” cho nên chỉ có ngôi chùa cổ cạnh con suối cạn. Sư trù trì là ni sư Mẫu Đơn. Ni sư Mẫu Đơn phải “tình nguyện ủng hộ” chánh điện để bộ đội cư ngụ và phục vụ cho Đảng và bác Hồ; còn ni sư Mẫu Đơn và các ni cô khác phải dọn dẹp hậu liêu rồi thỉnh tượng Phật xuống thờ nơi hậu liêu!
Vì điều kiện sinh sống ở vùng núi quá khó khăn, “đồng chí” nào đem theo vợ con thì tự tìm cây rừng và tranh để dựng lên những túp lều trống trước hở sau. Trong thời gian chờ dựng lều tranh, gia đình cu Phong được ni sư Mẫu Đơn cho tá túc dưới mái hậu liêu. Cu Phong theo ông Thưởng chặt cây rừng, gặt tranh để dựng lều.
Lều chưa dựng xong, ông Thưởng phải đi công tác xa. Bà Thưởng trông em gái của cu Phong. Cu Phong lén bà Thưởng âm thầm đi gặt tranh.
Đến tối vẫn không thấy cu Phong về, bà Thưởng bế em bé đi quanh chùa, vừa khóc vừa gọi tên Phong.
Đến khuya, vẫn nghe tiếng gọi đã khàn của người Mẹ mất con, các đồng chí từ chánh điện quát: “Có im đi để người ta ngủ hay không?” Bà Thưởng vẫn gào khóc: “Các đồng chí làm ơn tìm giùm con tôi.” Một giọng vang lên: “Ai đồng chí với chị? Toàn dân vùng lên chống thực dân Pháp mà vợ chồng chị cứ dạy con học tiếng Tây; thế mà đòi là đồng chí với chúng tôi à!” Chợt nhớ, từ khi tản cư đến Hà Bằng, bà Thưởng đã nghe đồn Chùa Lầu và đèo Quảng Cau là hai nơi cọp nhiều nhất, bà Thưởng van lơn: “Các ông tìm giúp con tôi chứ ở đây cọp nhiều lắm!” Không nghe trả lời, bà Thưởng thất vọng, trở về hậu liêu khi tiếng niệm kinh của các ni cô cũng vừa dứt.
Ni sư Mẫu Đơn bước ra sân, thấy bà Thưởng đang khóc ngất trong khi đứa bé gái ngủ say trong lòng Mẹ. Ni sư Mẫu Đơn hỏi nguyên nhân.
Sau khi biết nguyên nhân, ni sư Mẫu Đơn đưa Mẹ con bà Thưởng vào hậu liêu và dặn bà Thưởng không được ra ngoài. Ni sư Mẫu Đơn cùng các ni cô thắp bốn ngọn đèn lồng, cầm theo giây dừa, gậy gộc và một “phèng la”.
Ni sư Mẫu Đơn cùng các ni cô vừa rời hậu liêu một tý, bà Thưởng nghe tiếng “phèng la” vang lên cùng tiếng la hét của những người con của Phật đã quen chống chọi với thiên nhiên để tồn tại. Lúc này bà Thưởng mới nghĩ – có lẽ – tiếng “phèng la” và tiếng la hét là để dọa cho cọp sợ.
Đi dọc con suối cạn, không thấy dấu vết gì lạ, ni sư Mẫu Đơn chợt nhớ giếng lạng – giếng cạn, không xây thành – gần vườn xoài. Ni sư Mẫu Đơn vội ra dấu cho nhóm ni cô theo ni sư rẻ phải, đi lên vườn xoài.
Đến vườn xoài, ni sư Mẫu Đơn ra dấu im lặng. Đang vạch cỏ và tranh để bước đi, cả nhóm người cùng nghe tiếng kêu khóc văng vẳng. Ni sư Mẫu Đơn ra dấu cho nhóm ni cô tiến về giếng lạng – đã bị tranh phủ đầy. Càng đến gần giếng lạng, tiếng khóc la nghe đã khàn hẳn.
Sau khi ra dấu cho các ni cô cẩn thận và đứng xa bờ giếng, ni sư Mẫu Đơn một tay vin vào cành xoài, một tay thòng đèn lồng khỏi bờ giếng, hỏi lớn: “Có ai dưới đó không?” Tiếng cu Phong khóc òa: “Dạ, con! Cứu giùm con!”
Được ni sư Mẫu Đơn và nhóm ni cô thòng giây dừa, kéo lên khỏi miệng giếng, người cu Phong tái ngắt và run lặp cặp…
Nhớ ơn cứu tử ngày xưa và cũng vì tình hình quân sự tại Chùa Lầu rất căng thẳng, sau khi đem đơn vị đến tăng cường cho đồn Ty Hạ, Phong tổ chức cuộc hành quân truy lùng toàn vùng Hà Bằng và Chùa Lầu.
Đến Chùa Lầu, Phong gặp lạ ni sư Mẫu Đơn. Ni sư Mẫu Đơn vẫn nhớ từng chi tiết. Chính lúc đó ni sư Mẫu Đơn mới cho Phong biết rằng: Ông bà Thưởng đã khuyên ni sư Mẫu Đơn nên cùng gia đình ông bà Thưởng trốn về Thành; nhưng ni sư không thuận. Đã không thuận mà ni sư cũng không hề tiết lộ cho bất cứ ai về việc gia đình Phong trốn về lại “vùng tạm chiếm”.
Trong khi tâm trí của Phong cứ miên man chìm vào quá khứ thì Duệ chạy “như bay” khi được tin Việt Cộng pháo kích ngay vào buổi lễ khánh thành trường Sao Mai. Chiếc xe Lam chạy cùng chiều với Duệ dừng lại. Bác Sáu Nhỏ – chủ và lái xe Lam – chồm ra, hỏi:
– Tụi nó pháo kích ở đâu dẩy?
Nhận ra người dân làng tốt bụng, Duệ thở gấp:
– Tụi nó pháo vô chỗ khánh thành trường Sao Mai. Bác cho tôi “quá giang” tới đó giùm.
Vì vội vàng – và cũng vì biết bác Sáu Nhỏ lúc nào cũng cho “lính Cộng Hòa” “quá giang” mà không nhận tiền – đến nơi, Duệ không kịp cảm ơn bác Sáu Nhỏ, vội chạy vào tìm Phong.
Nhìn hiện trường la liệt xác thường dân và trẻ em, Duệ uất đến lặng người! Trong đời lính, thấy biết bao xác người, bạn có, thù có, nhưng toàn là những người có liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến cho nên trong lòng Duệ chỉ thương tiếc, ngậm ngùi, ngao ngán chứ không có cái ghê tởm, uất nghẹn như bây giờ! Đang phụ khiêng xác chết của một bé trai gom chung một chỗ với những xác chết khác, Duệ bị thiếu úy Cảnh – người vừa đem quân từ đồn Ty Hạ đến – vỗ vai:
– Ổng đâu, mày?
– Ý, chết tui! Bị thấy con nít chết nhiều quá, tui nổi “xùng”, tui rối trí, quên ổng luôn!
Cảnh và Duệ đi nhanh đến chỗ đông người và thấy ông Quận Trưởng bị thương nhẹ, đang tựa vào gốc cây bàng để được chăm sóc; Phong nằm im trên đất với đôi chân bê bết máu và được kẹp bằng hai thanh tre nhỏ. Duệ và Cảnh cùng khom xuống, sờ vào ngực Phong, thấy nhịp tim vẫn đập – nhưng yếu. Thấy Phong hé mắt, Duệ hỏi:
– Ông thầy! Ông thầy biết em là ai không”
– Biết. Duệ.
– Dạ. Ông thầy làm em “teo” wá! Em cứ sợ dại…
Nghe tiếng trực thăng văng vẳng xa xa, Cảnh và Duệ đều thầm mừng, vì nghĩ rằng văn phòng Quận đã biết tin và gọi trực thăng tải thương.
oOo
Sau khi thăm viếng, vấn an, đại úy cố vấn Gary Card bắt tay kiếu từ ông Quận Trưởng. Gary vừa xoay lưng, ông Quận Trưởng chợt nhớ, vội gọi:
– Gary!
Gary quay lại “Vâng”. Ông Quận Trưởng tiếp:
– Anh nhớ đại úy Phong mà cách nay vài tháng đã xin dụng cụ xây cất để xây trường Sao Mai không?
– Vâng. Hồi trước Phong cùng trong Lực Lượng Đặc Biệt với tôi.
– Đúng rồi! Phong cũng bị thương cùng ngày với tôi.
– Vậy sao? Hiện tại Phong như thế nào? Đang điều trị tại đâu?
– Cũng điều trị tại bệnh viện này, cách phòng tôi khoảng vài phòng; tiếc rằng tôi không nhớ số phòng.
– Tôi sẽ tìm Phong. Cảm ơn. Giữ gìn sức khỏe.
Gary vừa đi chầm chậm vừa nhìn vào từng phòng. Đến phòng số 9 Gary nhận ra Phong ngay. Hai người xúc động, nắm tay nhau thật lâu. Phong cười, mai mỉa:
– Gary thấy không? Tôi đúng là “đi sông đi biển không chết, về nhà sụp lỗ chân trâu”!
Vừa nhìn đôi chân của Phong được băng bột, trở nên to, cứng và sậm màu, Gary – tay phải vẫn nắm tay Phong – đưa tay trái vỗ vỗ lên tay Phong:
– Vì bạn là con hổ dũng mãnh!
Phong cười, chưa kịp nói gì thì Phong chợt cảm thấy như đang bị say sóng, nghe tiếng “u u” bên tai và hơi nóng hừng hực nơi cổ.
Thái độ của Phong và hơi nóng hâm hấp từ cơ thể của Phong lan qua bàn tay của Gary khiến Gary lo ngại, nói với Cảnh và Duệ:
– Nắm tay Phong, tôi biết Phong đang bị sốt. Nhiệt độ cao, có thể vết thương đã nhiễm trùng. Hai bạn nghĩ mình có nên đưa Phong ra tàu bệnh viện của Đệ Thất Hạm Đội để chữa trị hay không?
Duệ nhìn Cảnh vì Duệ chẳng hiểu gì. Cảnh đáp lời Gary:
– Sorry, tôi không dám có ý kiến trong việc này; vì việc này thuộc pham vi chuyên môn của các bác sĩ thuộc quân y viện này.
– Thôi được, tôi sẽ hỏi ý kiến Phong. Nếu Phong đồng ý, tôi sẽ can thiệp bằng mọi cách.
Gary khom xuống gần tai Phong, gọi nhỏ:
– Phong! Tỉnh dậy đi, Phong! Tỉnh dậy đi, Phong!
Nghe gọi, Phong cố mở mắt. Rất trầm tỉnh, Gary hỏi từng tiến:
– Phong! Anh tỉnh chưa? Anh nghe tôi rõ không? Tôi có một việc hệ trọng, muốn hỏi anh. Anh tỉnh chưa?
Phong nhìn Gary, môi cười méo xệch:
– Có gì quan trọng quá vậy, Gary?
– Tôi muốn đưa anh ra tàu bệnh viện của Đệ Thất Hạm Đội nhờ chữa trị. Anh nghĩ thế nào?
Phong giật mình, tỉnh hẳn, không ngờ Gary dành cho chàng nhiều ưu ái đến như vậy! Trong khi mọi người đang chờ sự quyết định của chàng thì Phong nhớ lại – trong lần đầu tiên Phong đưa quân càng quét vùng Hà Bằng, Chùa Lầu và biết mắt của ni sư Mẫu Đơn bị lòa – Phong đã thầm nguyện là sẽ gặp lại ni sư Mẫu Đơn và sẽ tìm phương tiện giúp ni sư chữa bệnh mắt. Bây giờ, nghe những lời chân thành của Gary, Phong biết điều khấn nguyện của chàng đang trở thành hiện thực. Phong đáp lời Gary với giọng đầy xúc động:
– Không ngờ Gary tốt với tôi đến như vậy! Tôi xin ghi ơn bạn suốt đời. Có điều, tôi xin Gary hãy giúp đỡ một người thiếu phương tiện hơn tôi. Người ấy rất xứng đáng nhận đặc ân của bạn. Xin bạn hãy giúp người ấy.
Gary ngạc nhiên, nhìn Phong:
– Phong! Anh thật là lạ! Anh bị thương nặng, vết thương đang làm độc. Tôi ngại bác sĩ ở đây không đủ dụng cụ, thuốc men, rồi anh sẽ mất đôi chân; vậy mà anh lại từ chối để nhường cho người khác. Tại sao?
Phong nhìn vào mắt Gary; trong ánh nhìn đó Gary đọc được tất cả sự khẩn khoảng của Phong:
– Nếu Gary có lòng giúp tôi thì xin Gary giúp người ấy. Tôi ở đây có bác sĩ; vả lại, bạn nhớ rằng tôi “sẽ không chết vì lổ chân trâu” đâu!
– Người ấy là ai? Cha Mẹ, vợ con của bạn, phải không?
– Không. Người này không họ hàng gì với tôi.
– Anh nói gì? Không họ hàng với anh mà tại sao anh lo cho người đó hơn là lo cho anh?
– Người ấy cũng như Mẹ tôi; vì người ấy đã cứu tôi thoát chết khi tôi còn bé. Người ấy là một ni sư.
Gary lập lại nho nhỏ:
– Một ni sư!
Giọng của Phong trở nên khẩn thiết vô cùng:
– Gary! Làm ơn cứu ni sư. Tôi thề sẽ làm tất cả những gì Gary muốn để Gary giúp ni sư thấy được ánh sáng mặt trời.
– Bà ấy bị mù à?
– Chưa mù hẳn; nhưng nếu Gary không giúp thì bà sẽ…
Gary nhíu mày, ra vẻ khó nghĩ vừa khi bác Sáu Nhỏ đến thăm Phong. Thấy nét mặt mọi người quanh Phong đều có vẻ nghiêm trọng, bác Sáu Nhỏ lặng lẽ đến bên Duệ.
Phong tiếp:
– Kỹ thuật giải phẫu mắt tại Việt Nam còn phôi thai lắm, Gary ạ! Hơn nữa, cuộc đời của một ni sư thì làm thế nào bà ấy có tài chánh để trang trải cho cuộc giải phẫu tốn kém như vậy. Please, Gary!
– Phong đưa tên họ và địa chỉ của ni sư cho tôi. Tôi không dám hứa gì cả. Tôi sẽ cố gắng trong khả năng của tôi.
Gary cười, vỗ vỗ vào vai Phong. Phong bảo Cảnh viết vào mảnh giấy nhỏ: Ni sư Mẫu Đơn, Chùa Lầu, Hà Bằng. Nhìn mảnh giấy, Gary ngạc nhiên:
– Sao không thấy tên đường và số nhà?
Bây giờ Cảnh mới dám lên tiếng:
– Trời ơi! Chùa Lầu là “ổ” Việt Cộng mà ai dám một mình lên đem ni sư đi, đại úy?
Vì Cảnh nói tiếng Việt, Duệ hiểu cho nên Duệ góp ý:
– Lên Chùa Lầu phải cỡ trung đội mới dám lên đó, ông Thầy.
Bây giờ Phong mới thấy sự hiện diện của bác Sáu Nhỏ, vội vẩy mấy ngón tay:
– Chào bác Sáu. Cảm ơn bác đã đến thăm tôi.
– Chu cha! Nhiều người muốn đi thăm đại úy lắm mà tui hỏng dám cho đi; vì tui hỏng biết mình tui có thăm đại úy được hay không mà chở “cả đám”, rủi “nẫu” hỏng cho vô thăm thì làm sao!
Quay sang Gary, Phong trở lại đề tài lúc nãy:
– Gary! Nếu có người đưa ni sư ra Qui Nhơn, bạn nghĩ bạn có thể giúp ni sư được không?
– Tôi sẽ cố gắng. Tôi sẽ liên lạc trực tiếp với anh về việc này.
– Xin đa tạ lòng nhân đạo của anh. Khi nào anh lo xong thủ tục, giấy tờ, xin cho tôi biết. Tôi sẽ nhờ người đưa ni sư đến Qui Nhơn, nghỉ tạm nhà bà con của tôi rồi tôi sẽ liên lạc với anh, cho anh địa chỉ của ni sư – tại Qui Nhơn.
– Tốt! Bạn có thể tin tưởng rằng ước nguyện cao cả của bạn sẽ được Đức Chúa trợ giúp. Bây giờ tôi cần tên họ, ngày, tháng, năm sinh của ni sư. Khi nào có những chi tiết cần thiết này, bạn liên lạc với tôi.
Sau khi Gary từ giã, Phong nhìn bác Sáu Nhỏ:
– Bác Sáu! Có lẽ bác đã biết bệnh tình của ni sư Mẫu Đơn rồi, phải không, bác?
– Dạ, biết.
– Nhờ bác lên Chùa Lầu thưa với ni sư Mẫu Đơn là tôi cần biết ngày, tháng, năm và nơi sinh của ni sư.
– Dạ, dễ mà. Tui dân dả đi lên Chùa Lầu hỏng sao đâu. Để tui lo.
– Cảm ơn bác. Sau này, bác có thể giúp đưa ni sư Mẫu Đơn từ Chùa Lầu xuống Hà Bằng; rồi bác chở ni sư đến Qui Nhơn, gửi ni sư ngụ tại nhà người bà con của tôi, mọi phí khoảng tôi sẽ ứng trước hoặc hoàn lại cho bác, được không, bác Sáu?
– Cái gì chớ cái đó có gì khó khăn đâu! Đại úy cứ tịnh dưỡng cho mau lành. Bất cứ lúc nào đại úy cần, cứ nói chú Duệ cho tui hay thì mọi việc đều xong. Tiền nong mình tính sau, nhen, đại úy!
– Cảm ơn bác Sáu vô cùng! Tôi sẽ không để bác Sáu thiệt thòi đâu. Thôi, chiều rồi Bác Sáu, Cảnh và Duệ về đi.
oOo
Trên đường đến chỗ xe Lam đậu, bác Sáu Nhỏ chợt nhớ một chi tiết lạ, vội hỏi Duệ:
– Nè, chú Duệ! Chú là “đệ tử” của Ổng, tại sao hôm Ổng bị thương chú không ở bên Ổng mà chú lại chạy ngơ ngơ ngoài đường dậy?
– Tại bữa đó cô Thêm mời tôi ăn giỗ.
– Con Thêm bà con với chú hả?
– Không phải. Thêm là “bồ” của tôi.
– Chú “bồ” với con Thêm hả? Chết cha! Coi chừng nghe, chú!
– Dạ. Sao, bác Sáu?
– Bữa đó nhà con Thêm giỗ ai?
– Dường như tôi nghe Thêm nói giỗ bà Ngoại thì phải.
Bác Sáu Nhỏ dừng bước, nhìn Duệ:
– Bà Ngoại của con Thêm còn sống sờ sờ đó mà ai nói với chú là giỗ bà Ngoại của nó? Chú cẩn thận, đừng để ông đại úy bị liên lụy, nhen, chú!
Duệ hoang man, nhớ lại câu hát của thằng bé “…Vui đàn con ở rừng sâu mới về…” Và, hôm đó, Duệ thấy một cụ bà lưng còng, ngồi trên phản, lặng lẽ têm trầu chứ không ăn cơm; mà bữa cơm cũng chẳng có gì ra vẻ là bữa giỗ! Lại cũng chẳng thấy nhan, đèn, vàng bạc gì cả! Mà bữa giỗ thì tại sao Ba Má của Thêm lại đi mua lác dệt chiếu? Duệ lại nhớ, mỗi lần “hai đứa” hẹn nhau bên bụi dù dẻ hoặc bên gò mối, Thêm cứ hỏi dò Duệ: “Cái máy gì mà anh cứ đeo trên lưng rồi ‘nẫu’ nói ra, anh nói dô trong đó dậy?” Duệ tìm cách không đáp lời Thêm.
Bây giờ, nhận ra được nguyên nhân của sự việc, Duệ – dù rất thương Thêm – cũng cảm thấy uất trong lòng vì chàng đã bị lợi dụng và lừa dối! Duệ bật lên tiếng chửi thề:
– Chết mẹ rồi!
Cảnh hỏi:
– Cái gì vậy, Duệ?
– Dạ, không có gì, thiếu úy.
Đáp lời Cảnh như vậy, nhưng trong lòng, Duệ đã quyết định: Sau khi Phong xuất viện, Duệ sẽ trình bày mọi việc và xin Phong cho chàng được thuyên chuyển đến đơn vị khác!
ĐIỆP MỸ LINH
----------
Cái Hòm Thiếc
(truyện có thật, tác giả hư cấu vài chi tiết)
“Một chàng phiêu lãng
Ôm đàn tới giữa đời…”
(Tà Áo Văn Quân – Phạm Duy Nhượng)
oOo
Gần cuối tháng Tư/ 1972, từ miền Tây, tôi trốn phép về thăm nhà. Vừa gặp nhau, vợ tôi nói ngay:
– “Anh L. vừa từ Đà Nẵng gọi về. Anh ấy nói tình hình Quảng Trị không êm, Việt Cộng đã vượt Bến Hải, không chắc giữ được Quảng Trị. Anh ra ngoài ấy đi.”
Nếu Quảng Trị chạy loạn thì nhiều khó khăn lắm. Gia đình tôi, bên ngoại và gia đình nội-ngoại bên vợ tôi đều là dân Quảng Trị cả. Không biết bà con chạy cách nào, chạy đi đâu!
Hôm sau nữa, xin được máy bay quân sự, mới sáng sớm, tôi nhờ xe trực ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp đưa vô phi trường Tân Sơn Nhứt.
Ở trạm hành khách, một số đông người đang chờ lên máy bay. Phần đông là quân nhân, mặc đồ lính. Binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan cấp úy. Một số là dân sự: đàn ông, đàn bà. Không có trẻ em. Tôi nghĩ thầm: Toàn dân nhà nghèo không! Mấy ông lớn chắc là đi Air Việt Nam, khỏe hơn.
Chờ chưa được nửa tiếng, một anh Trung sĩ Không quân, đứng ngay cửa ra phi đạo hô lớn: “Ai đi chuyến bay số xxxx, theo tôi lên máy bay.”
Nhiều người sắp hàng đi ra. Tôi đi gần chót, trước mặt là hai ông bà già, có lẽ vợ chồng nhà quê. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, màu cháo lòng, lưng áo lỗ chỗ nhiều vết thâm, vết chất dơ giặt không đi. Vậy mà cũng “áo bỏ vô thùng”, quần tergal hay dacron gì đó, màu xanh sẫm, chân mang đôi “dép mũ” màu trắng.
Bà vợ áo kiểu bà ba, mầu nâu nhạt, quần đen, chân mang dép Nhật. Ông chồng thì xách cái va-li bằng thiếc, không to lắm, thứ hàng nội hóa, Chợ Lớn sản xuất, chợ Việt Nam nơi nào cũng có bán.
Cái va-li còn mới lắm, mới dùng lần đầu. Người vợ xách cái bị vải lớn, hơi nặng. Có lẽ đựng áo quần. Cả hai đều già, khoảng gần 70 tuổi. Người nhà quê lam lũ, thường già trước tuổi. Sau lưng tôi là mấy anh lính trẻ.
Tới gần cửa máy bay, mấy anh lính chen lên, cố giành lên trước. Tôi cũng dợm tranh với họ, nhưng hai ông bà già trước mặt, vẫn đi bình thường, làm tôi thấy kỳ, nếu tôi vượt mặt họ, nên thôi.
Tấm bửng sau chiếc C-119 hạ thấp xuống để mọi người vô trong máy bay. Một anh Trung sĩ Không quân khác, đứng ngay chỗ mép cửa, hỏi giấy phép lên máy bay từng người. Ông già nhà quê đưa giấy tờ ra, ông đã cầm sẵn ở tay. Bà vợ đứng bên cạnh im lặng.
Anh trung sĩ coi giấy tờ xong, đưa mắt nhìn vào cái va-li thiếc hơi lâu một chút. Tôi không rõ vì sao. Xong, anh bảo: “Lên đi”. Hai người đi vào. Tôi là người lên máy bay sau cùng.
Vào tới bên trong, tôi thấy chỉ còn một cái ghế vải sát cạnh hai ông bà già. Tôi liền ngồi xuống đó. Tiếng động cơ đang chạy ầm ầm, có lẽ chuẩn bị cất cánh.
Loại ghế trên máy bay quân sự là loại ghế xếp dã chiến, nằm sát thân tầu. Ngồi xuống thì cũng có giây “beo”, cũng gài vào móc một cái cạch như ghế xe hơi bên Mỹ vậy. Trong máy bay, ai muốn thắt giây “beo” thì thắt, còn không thì thôi. Mấy ông trung sĩ phục vụ trên máy bay chẳng nhắc nhở ai, không như ở Air Việt Nam, tiếp viên hàng không đi nhắc nhở và kiểm soát từng người.
Tiếng động cơ gầm rú mạnh hơn, rồi thân máy bay giựt mạnh một cái. Nhìn qua ô cửa tròn nhỏ, tôi thấy ngôi nhà kế phi đạo đang chạy lui. Vậy là máy bay ra phi đạo.
Tới cuối đường để ra phi đạo rồi, tiếng máy bay lại gầm rú. Tôi nghĩ là phi công chuẩn bị cất cánh. Nhưng tiếng động cơ lại rú lên, lại xuống, lại rú lên, lại xuống, mấy lần như vậy. Cuối cùng, tôi có cảm tưởng như máy bay quay lui. Máy bay dừng lại. Tôi nhìn ra qua ô cửa tròn, mái nhà lúc nãy lại hiện ra. Có nghĩa là máy bay không cất cánh, trở về chỗ cũ.
Mọi người vẫn ngồi yên trong phi cơ. Tôi lại nghe tiếng xe hơi ngừng lại bên ngoài máy bay. Cửa phía phi hành đoàn mở. Hai người mặc đồ không quân lên chỗ phòng lái. Lại có tiếng động cơ gầm rú hai ba lần như thế. Cuối cùng, hai người mới lên lại xuống. Tiếng động cơ gầm lên. Máy bay lại di chuyển. Có lẽ lại ra đầu phi đạo.
Cũng tới ngay chỗ cũ, hồi nãy, tôi lại nghe tiếng động cơ gầm rú. Tiếng rú lại hạ xuống, lại gầm rú lần nữa. Mấy lần như thế. Cuối cùng, máy bay ra đầu phi đạo. Tiếng động cơ rú lên, dài hơn, và máy bay cất cánh. Nhìn qua cửa ô tròn nhỏ, tôi thấy những cái dấu mốc hai bên phi đạo chạy lui rất nhanh.
Máy bay đã rời mặt đất. Bây giờ nhìn ra phía ngoài, chỉ thấy trời và mây. Máy bay lên chưa cao lắm, tôi có cảm tưởng máy bay nghiêng vòng. Chắc là để lấy hướng, tôi nghĩ vậy. Nhưng không phải. Tiếng động cơ kêu nhỏ trở lại. Một chốc tôi lại nghe tiếng bánh xe chạm phi đạo, và tiếng bánh xe đang chạy. Máy bay lại hạ cánh. Tôi không rõ chuyện gì.
Khi máy bay dừng lại chỗ cũ, chỗ đầu tiên lên máy bay. Mọi người được lệnh xuống, không nói rõ vì sao! Cánh quạt đã ngưng quay. Hành khách kẻ đứng người ngồi xổm bên cạnh thân phi cơ. Tôi thấy người Trưởng phi hành, mang “loon” thiếu tá, tên ở ngực là Lan, có thể là Lân – Đàn ông ít ai có tên đàn bà, – đến trước mặt tôi. Tôi tưởng ông ta muốn nói gì với tôi, nhưng không. Ông nhìn ông già tôi nói ban nãy, đang đứng cạnh tôi, tay đang ôm cái va-li.
Thiếu tá Lân hỏi xẵng giọng:
-“Ông có giấy phép không?”
-“Dạ có.” Ông già trả lời lí nhí.
-“Giấy phép cái va-li kìa!” Thiếu tá Lân vẫn gằn giọng.
Ông già lập cập lấy trong túi áo một tờ giấy quay rô-nẹ-ô, có chữ viết tay. Xem xong, Thiếu tá Lân trả lại cho ông già, bỏ đi. Ông già gần như khóc, hai mắt đỏ hoe. Bà vợ khóc thút thít, không dám khóc to.
Tò mò, tôi hỏi:
-“Cái chi dzậy?”
-“Dạ! Ông Thiếu tá hỏi giấy phép đem hài cốt lên tàu bay. Tui có giấy đó.” Ông già trả lời, giọng nhỏ, từ tốn.
-“Bác bốc mộ cho ai?” Tôi lại hỏi.
-“Con trai tui. Nó đi lính Nhảy Dù, tử trận.”
Tôi im lặng. Dân “Quảng Trị tui” có cái lạ! Đi lính, ưa đi “thứ dữ”. “Hùng móm” em út tôi cũng vậy. Ra trường, cố đi cho được Nhảy Dù. Cẩm, bạn tôi, em Đại tá Bé, là “dân Biệt Động Quân”, trước đó là “Nha Kỹ Thuật.” Ông Lô, cũng Nhảy Dù. Dục, bạn tôi và hai ông em nó, Dưỡng, Lữ đều Thủy Quân Lục Chiến.
Rồi tôi nghĩ tới việc ông Thiếu tá Lân hỏi giấy phép mang hài cốt đứa con của ông già. Dân xứ tôi hay tin dị đoan. Đem hài cốt lên xe đò, xe hàng hay lên máy bay là xui. Có khi tài xế không cho mang hài cốt lên xe, nên thân nhân phải giấu. Chỉ đi xe lửa là không ai hỏi.
Thân phụ tôi “đi kháng chiến” qua đời trên chiến khu năm 1948. Năm 1954, hòa bình rồi, anh em tôi lên chiến khu bốc mộ đem về. Tới nhà, mẹ tôi phải dựng một cái chái tranh bên kia đường, chỗ đất trống để cái va-li thiếc đựng hài cốt ở đó. Theo tục lệ, người ta cử đem hài cốt vô nhà. Anh Xạ Thử, lý trưởng phường tôi, nói với mẹ tôi: “Nể tình chị, chớ tục của mình, đem về làng, người ta cũng cấm.”
Nghĩ tới đó, nhìn lại, tôi thấy ông bà già có vẻ sợ hãi chớ không như lúc đầu, khi tôi mới gặp ông. Có lẽ ông sợ người ta sẽ không cho ông đem hài cốt con ông lên máy bay. Một lúc sau, mọi người được hướng dẫn lên một chiếc C-119 khác. Người ta đổi máy bay nhưng cũng toán phi hành cũ. Chuyến bay bình thường, cất cánh rời phi đạo, êm ru.
Ngồi trên máy bay lâu quá, tôi hơi bồn chồn. Tôi nghĩ sao máy bay chưa hạ cánh. Họ có bay lạc không? Tôi có cảm tưởng như máy bay đã ra tới Đồng Hới, không chừng Việt Cộng bắn lên mà rớt máy bay như không. Hỏi ra, anh Trung sĩ Không quân cho biết “Mới tới Quảng Ngãi.” Máy bay chi mà chậm như rùa, như “Chuyến Xe lửa mồng năm” của Trần Văn Trạch.
Suốt trong chuyến bay, có lúc tôi hỏi chuyện ông già. Một là vì thấy ông là người cùng quê: Quảng Trị. Quê ngoại tôi ở đó, bên kia sông, làng Nhan Biều. Bên nầy sông là thị xã Quảng Trị.
Tôi sinh ra, lớn lên, học hành thời thơ ấu là ở thị xã. Năm 16 tuổi, tôi trốn nhà đi xa, làm một kẻ, như các bạn tôi thường gọi: “Thằng lãng tử”. Vậy là gần hai mươi năm, tôi từ miền Tây Nam Bộ, cực nam của nước Việt Nam Cộng Hòa, về thăm Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17, cực Bắc Việt Nam Cộng Hòa. Vậy là không biết, trong đời nầy, có ai đi xa hơn tôi?
Thứ hai, tôi thấy tội nghiệp cho hai ông bà già. Lặn lội đường xa, từ ngoài kia, “về Thủ Đô”, không phải để làm một du khách, thưởng ngoạn mà làm kẻ bốc mộ cho con, đem về quê.
Tôi hỏi:
-“Con bác chôn ở đâu?
-“Ở nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp.” Ông già trả lời.
-“Tui tới đó rồi. Nghĩa trang đó cũng đẹp lắm, để nó ở lại đó cho có bạn bè, đem về quê làm chi?” Tôi lại nói.
-“Đem về cho nó nằm chung với ông bà, cho ấm mồ ấm mả thiếu úy à!” Ông già nói. Ông gọi tôi là thiếu úy vì thấy tôi đeo trên cổ áo một bông mai vàng.
-“Quê bác ở mô?” Tôi hỏi.
-“Ở Lai Phước. Thiếu úy biết làng đó không?”Ông già hỏi lại tôi.
-“Làng đó có cây cầu trên Quốc lộ 1. Còn có cây cầu sắt trên đường xe lửa nữa, phải không?” Tôi hỏi.
-“Thiếu úy rành lắm!” Ông già trả lời tôi.
-“Hồi còn nhỏ, tui học ở thị xã mà, hay ra Đông Hà chơi! Con gái Đông Hà đẹp lắm! Ông biết không?” Tôi vừa cười vừa nói chuyện với ông.
-“Tui quanh quẩn trong làng, không biết chi hết. Ngày mô (nào) đi làm củi, tui đi dọc theo đường từ cầu ván, lên cầu sắt rồi lên rú.”
Tôi hiểu cầu ván là cầu xe hơi trên Quốc lộ, còn cầu sắt là cầu xe lửa.
Cuộc nói chuyện với ông già không có gì hứng thú; một là vì tiếng động cơ kêu đều nhưng cũng to, nhiều khi không nghe rõ ông ta nói gì, tôi chỉ đoán chừng. Thứ hai, tôi cũng thấy buồn ngủ. Khi còn ở đơn vị, tôi ít ngủ. Hai hôm về nhà thì một hôm đưa vợ đi nghe nhạc ở Queenbee, về khuya. Sáng nay lại dậy sớm ra phi trường.
Xuống máy bay, vô tới “trạm hành khách” thì tình hình náo động lắm. Kẻ lui người tới vội vã, người nầy người nọ bàn tán xôn xao.
Té ra là Quảng Trị đã mất hôm qua, ngày 1 tháng 5. Quân đội đang trên đường rút lui. Bấy giờ chưa mấy ai biết lệnh Tổng Thống buộc binh sĩ phải dừng lại bên nầy sông Mỹ Chánh, lập tuyến phòng thủ.
Đồng bào Quảng Trị chạy tán loạn về Huế. Việt Cộng từ trong núi pháo kích ra, hàng ngàn người chết trên “Quốc Lộ mới”, đoạn phía Nam Cầu Dài, phía dưới kia, trên Quốc lộ 1 cũ là cầu Bến Bá, còn gọi là cầu Trường Sanh, trên sông Trường Sanh, còn có tên là sông Diên Trường (1). Mấy hôm sau, báo chí đưa tin, đặt tên cho đoạn đường nầy là “Đại Lộ Kinh Hoàng”.
“Đại Lộ Kinh Hoàng” 1972
Huế cũng hoảng loạn theo. Chợ Đông Ba bị đốt cháy. Dân Huế tranh nhau vượt đèo Hải Vân, chạy trốn vào Đà Nẵng.
Tôi lo lắng, băn khoăn, lúng túng không biết phải làm gì bây giờ. Tôi tìm một chỗ ít ồn hơn, ở phía góc trong của “trạm hành khách”, bình tĩnh một chút, tôi nghĩ thầm để coi phải làm gì trong khung cảnh náo nhiệt hỗn loạn và đầy lo lắng nầy.
Tới góc phòng, tôi thấy hai ông bà già đang ngồi lọt thỏm trong góc nhỏ. Ông già vẫn còn khư khư ôm cái va-li thiếc trước ngực. Thấy tôi, ông nhìn tôi, như muốn hỏi gì đó mà không dám hỏi.
Tôi thấy ái ngại cho ông, lên tiếng trước:
-“Bác nghe tin gì chưa?”
-“Dạ, nghe rồi!” Ông già trả lời.
-“Không chắc về Quảng Trị được đâu. Tình hình nầy là chạy hết rồi, làm “răng” (sao) về?” Tôi nói.
-“Tui ở “già” (nhà) quê, chắc không phải chỗ hai bên đánh “dau” (nhau), về được.” Ông già trả lời.
-“Không chắc có xe mà về. Người ta chạy vô, có ai chạy ra.” Tôi giải thích.
-“Dạ! Không biết răng!” Ông già nói. Giọng nói nhỏ và yếu, tưởng nhưng không mấy hy vọng.
Bất thần có người gọi tôi “Cậu”. Nghe giọng quen, tôi quay lại. Té ra Tịnh, một người cháu gọi tôi bằng cậu, sáng nay nghe vợ tôi gọi điện thoại ra, cho biết “Cậu ra Đà Nẵng rồi” nên lái xe đến đón tôi. Anh làm tiểu Đoàn Phó cho Tiểu Đoàn Truyền Tin, được cấp xe Jeep riêng. Trước khi quày đi theo người cháu, tôi nói với ông già: “Bác liệu tìm xe ra ngoài đó. Nhớ tránh mấy chỗ đang đánh nhau.” Chưa kịp nghe ông già trả lời gì, tôi len vào đám đông đi mất.
Tối hôm đó, tôi định mượn xe gắn máy của Tịnh để đi tìm thân nhân chạy loạn từ ngoài kia vào. Tịnh nói:
-“Cậu không đi được đâu! Hai bữa nay, Đà Nẵng giới nghiêm 6 giờ chiều. Để Tịnh đưa cậu đi. Xe cháu có phép đi trong giờ giới nghiêm.”
Hôm đó, nhờ Tịnh, tôi đi thăm vài nơi. Em gái tôi, cùng mấy đứa con, chạy từ Huế vào tạm trú nhà bà con ở đường Bạch Đằng, người chồng nó phải ở lại với đơn vị, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương Huế; chị và anh rể vợ tôi từ Quảng Trị chạy vào tạm trú bên Sơn Chà. Gia đình anh tôi và mẹ tôi thì đã chạy vào Qui Nhơn. Nhiều người nữa, nhưng không liên lạc được, không biết địa chỉ…
Sau khi đưa tôi về nhà, Tịnh lại vào doanh trại.
Khuya lắm, anh ta mới về. Tôi vẫn còn thức, đang băn khoăn, lo lắng, không ngủ được. Chúng tôi ngồi ở phòng khách uống nước. Tịnh nói:
-“Lệnh Tổng thống không cho quân đội rút lui nữa, phải lập phòng tuyến chận địch ở sông Mỹ Chánh. Tin còn mật, nhưng vài người ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã biết: Tướng Trưởng ra thay Tướng Lãm – (2). Mai cháu phải đi Huế. Nhiều đơn vị Tổng Trừ Bị đang trên đường ra Đà Nẵng. Khuya nay hay sáng mai họ đến. Phải giữ Huế, không được mất. Lệnh Tổng Thống đấy.”
-“Có chuyện chi gấp không mà phải đi trong tình hình nầy?” Tôi hỏi.
-“Vừa quan trọng vừa gấp. Tiểu đoàn ở đây, (3) lo việc liên lạc giữa Quân Đoàn với Saigon. Tịnh phải ra củng cố và phát triển một đài truyền tin của Tiểu Đoàn ở Huế, giữ nhiệm vụ truyền tin, không được trở ngại hay gián đoạn của các đơn vị đang đánh nhau liên lạc với Quân Đoàn. Truyền tin mà có chuyện gì thì mệt lắm!”
Một lúc, tôi nói:
-“Tui đi với được không?”
-“Được thì được, nhưng cậu ra làm gì ngoài? Về tới Huế thôi, không về Quảng Trị mình được.”
-“Dĩ nhiên, dù sao ở Huế cũng gần hơn, hỏi thăm được tin tức, coi có ai còn kẹt lại.” Tôi nói.
-“Không an toàn lắm đâu!” Tịnh giải thích.
-“Ông ở truyền tin, ông biết chỗ nào đánh nhau, chỗ nào không. Biết thì tránh được. Chắc không can gì!” Tôi nói.
-“Chỉ sợ bắn sẻ, nhất là ở trên đèo (4). Mới rồi, một người bà con bên mợ bị bắn sẻ ngay trên đèo. Trúng ngay đầu.” Tịnh nói.
Sáng hôm sau, Tịnh vô đơn vị sớm. Chị tôi, mẹ của Tịnh cũng dậy sớm, nấu bún bò cho tôi ăn sáng. Khi đó hai vợ chồng Tịnh đã đi rồi. Tịnh vô trại, còn vợ Tịnh đi làm.
Bún bò bà chị tôi nấu không có giò heo, giống như ở quê tôi hồi trước, nhưng thịt bò xào lăn thì hết sẩy. Biết tôi thích ăn những món do bà nấu, chị ấy bảo tôi: “Cậu ở chơi vài “bựa” (bữa) chị kho cá nục cho ăn.” Tôi không chắc chị tôi biết nấu những món cao lương mỹ vị, nhưng cá nục kho, cá ngừ kho, rau muống luộc, tôm chua thịt heo, v.v… thì ăn một bữa, một đời khó quên.
Gần trưa thì Tịnh về, ăn qua loa vài chén cơm cùng với tôi rồi hối tôi mặc quần áo quân nhân đi gấp. Tịnh nói đùa:
-“Đi với cháu là đi hành quân, không phải vô lớp giảng bài đâu mà thắt cà vạt.” (5)
-“Mặc xi-vin dễ thành mục tiêu cho tụi nó bắn sẻ, ông sợ tôi chết trước ông chớ gì. Còn lâu! Số tôi thọ lắm. Nhưng có chuyện gì cũng mệt đấy.”
-“Mệt gì?” Tịnh hỏi.
-“Tui trốn phép, lỡ có bị thương hay gì, khó khai báo. Đơn vị ở trong Nam mà tôi bị thương ngoài Trung, lại không có giấy phép hay công tác gì cả.” Tôi nói.
-“Kệ! Không can gì đâu. Có gì cháu lo.”
Xong, chúng tôi lên đường. Thấy tôi nhìn chiếc xe Dodge, không đi xe Jeep, có vẻ ngạc nhiên, Tịnh nói ngay:
-“Cháu phải đi xe Dodge vì có thêm mấy chuyên viên, chở theo linh kiện. Cậu ngồi phía sau, ngay sau lưng cháu.”
Thế rồi chúng tôi lên đường, sau khi chào bà chị, Tịnh thì chào mẹ. Vợ Tịnh đi làm chưa về. Xe có tất cả 7 người: Tài xế, Tịnh, mấy trung sĩ chuyên viên truyền tin và tôi.
Xe bon bon ra hướng Liên Chiểu. Tới ngã ba Cây Lan, chỗ Quốc lộ 1 có đường rẽ đi về phía Nam, xe và người đông quá, nên tài xế chạy chậm lại. Tôi chợt nhìn qua bên đường, thấy ông già và vợ ông, người đồng hành hôm qua, đang đứng bên đường. Tay ông vẫn khư khư ôm cái va-li thiếc ở ngực, tôi chợt nói: “Ông bà già!”
Tịnh hỏi ngay:
-“Ông bà già cậu kể hồi tối hả?”
Tôi nói: “Đúng họ.”
-“Chắc họ không kiếm được xe ra Huế. Bây giờ làm gì có xe ra!”
Rồi Tịnh ra dấu cho tài xế biểu ngừng xe lại.
-“Tịnh cho ông ta quá giang hả?” Tôi hỏi.
-“Để cháu hỏi lại coi.” Xong, Tịnh bảo tài xế cho xe “de” lui.
Thấy ngại, tôi nói:
-“Ông ta có cái hài cốt đấy. Tịnh có ngại không?”
-“Cháu biết! Cháu muốn làm phước cậu à. Để cái đức cho con. Tin dị đoan làm gì.” Tịnh giải thích.
oOo
Chúng tôi ra tới Huế, trời cũng còn sáng. Trời mùa hè! Tịnh cho xe chạy thẳng ra bến xe Nguyễn Hoàng, nói với ông bà già: “Hai bác xuống đây. Không có xe về Quảng Trị đâu, hai bác phải liệu cách.”
Hai ông bà già xuống xe, tôi xuống theo. Tôi nói với Tịnh: “Để chỉ đường cho ông ta đi, họ không biết đường đâu!”
Tôi đứng trước mặt ông già, nghiêm trọng nói:
-“Từ đây, bác có thể ra Mỹ Chánh bằng xe ôm. Không có xe đò gì đâu! Từ Mỹ Chánh ra, bác không thể đi theo Quốc lộ được. Hai bên đang đánh nhau. Vô đó là chết. Đi đường nầy may ra êm hơn: Từ Mỹ Chánh, bác đi dọc theo con đường bên sông Ô Lâu mà về làng Vân Trình. Từ đó, bác ra ngã làng Trung Đơn mà về Ngô Xá. Từ Ngô Xá, băng qua Vân Hòa, Đại Hào, rồi qua sông Thạch Hãn mà qua Trung Kiên. Từ đó mà về Lai Phước thì dễ lắm.”
Ông già cứ ôm cái va-li thiếc vào mình, nói luôn miệng:
-“Cám ơn thiếu úy. Cám ơn ông Đại úy. Cám ơn mấy thầy. Thiệt phúc hậu quá. Vợ chồng tôi gặp may.”
Tôi hơi bực mình, nói:
-“Cám ơn chi nói hoài. Mấy cái làng tui nói tên, bác có nhớ mà đi qua không?”
-“Dạ nhớ! Mấy làng đó tui biết.” Ông già trả lời.
Tịnh hỏi tôi:
-“Sao cậu rành địa thế vậy? Đi chơi khi nào mà biết hết!”
-“Đi chơi đâu!” Tôi nói, “Hồi chạy tản cư, vùng đó tui có chạy qua. Dân Quảng Trị mà!”
Tôi quay qua nói với ông già:
-“Mình người cùng quê giúp nhau. Ông Đại úy nầy, – Tôi chỉ Tịnh – người làng Cổ Thành. Ngoại tui là bên Nhan Biều, gần làng bác đó!”
Ông già vẫn cứ khư khư ôm cái va-li thiếc vào ngực, mặt mếu máo, nói:
-“Thiệt là hai vợ chồng tui gặp may. Ông bà với con tui phù hộ mới gặp được mấy thầy. Cám ơn Trời Phật, Cám ơn Trời Phật.”
Tịnh nói: “Thôi bác vô trong bến xe tìm xe ôm đi đi. Ra tới Mỹ Chánh là trời tối lắm. Lại còn đi theo con đường cậu tôi chỉ, không dễ lắm đâu.”
Ông già nói: “Dạ! Cám ơn Đại úy. Tui biết đường!”
Khi ông già tính quay đi, Tịnh nói theo:
-“Vừa đi vừa hỏi dò đường người ta. Nghe chỗ nào có lính, có súng nổ thì đừng tới. Nghe chưa?”
Ông già lại “dạ, dạ” thêm mấy tiếng nữa, rồi đi nhanh vô bến xe.
Tịnh nói với tôi: “Con sống cũng khổ, con chết cũng khổ. Thiệt làm cha mẹ…”
hoànglonghải
………………………………..
(1)-Sông Trường Sanh, còn gọi là sông Diên Trường, có “bến đò Diên Trường”, chỗ có câu hò:
Trăm năm “diều” (nhiều) nỗi hẹn hò,
Cây đa bến “cộ” (cũ) con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn “lưa” (còn lại)
Con đò đã “thác” (chết) năm xưa “tê” (kia) rồi.
(2)-Tịnh là em rể Tướng Lãm, có lẽ vì vậy nên anh ta biết tin ấy sớm hơn những người khác.
(3)-Tiểu Đoàn 610 Truyền Tin, đóng ở Đà Nẵng – đơn vị của Tịnh
(4)-Tôi đi dạy 10 năm trước khi nhập ngũ.
(5)-Đèo Hải Vân, xe Quân Đội qua đèo, thường bị bắn sẻ.
0 comments:
Post a Comment