Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Monday 30 January 2017
Home »
Dân Muốn Biết
» Dân Muốn Biết: Hương vị ngày Tết
Dân Muốn Biết: Hương vị ngày Tết
Monday, January 30, 2017
No comments
Hoa có năm cánh đỏ
Nhìn cả cây rực hồng
Giống như nong xôi gấc
Đã dấu năm người con (Nguyễn Văn Thương)
Ngày xửa, ngày xưa, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ chết sớm, không có con, ông xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Người nào học cũng khá và tài múa kiếm nổi tiếng khắp nơi. Ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, ai cũng dễ nhận được họ. Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ.
Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc, mỗi lần ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng, sai mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo muốn sống thì phải giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi học chữ xa làng, lập tức đeo gươm vào người về nhà. Người cha khuyên họ đợi rổi đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to, vay ba gánh nếp trắng, xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo rồi mang lại cho tướng giặc. Bên trong nồi dấu năm người con, đúng lúc vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Hắn chỉ có thì giờ chém ông thầy dạy võ rồi ngã vật xuống chết. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất ông thầy rất chu đáo rồi đắp cho ngôi mộ ông thầy cao lên. Thương cha nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người cha cũng lần lượt nở hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy, giống như một mâm xôi gấc, rực rỡ không kém hoa cây phượng vĩ Delonix regia với những quả phượng dài như những thanh gươm năm cánh của năm người con trai thời trước. Tin chắc trong Lề hội Hoa phượng Hải Phòng, món xôi gấc được thưởng du khách vui thích thưởng thức.
Mỗi mùa phượng thắm đầy mơ mộng
Nỗi nhớ trào dâng ngập cả lòng
Nguyễn Kim (Mùa hoa phượng)
Năm 1750, nhà thực vật học người Bồ Đào Nha Joao de Loureiro đã đặt tên khoa học cây gấc là Muricia cochinchinensis, năm 1826 bác sĩ thực vật học người Đức KurtSprengel đổi tên thành Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, họ Bầu bíCucurbitaceae. Còn gọi mộc tất, mộc miết (Trung Quốc), má khâu (Thái), mắc khâu (Tày), mak kao (Lào), đìa tả piêu (Dao), kushika (Nhật Bản), hakur (Ấn Độ), teruah (Mã Lai), cây gấc mọc trên khắp khu vực từ nam Trung Quốc đến đông bắc Úc, bao gồm Lào, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Cam Pu Chia. Các lương y Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã biết dùng tác dụng rễ cây chữa ung nhọt, nhọt đầu đinh, viêm tuyến hạch; màng đỏ hạt gấc chữa bệnh trẻ em chậm lớn, khô mắt, quáng gà, kém ăn, mệt mỏi; hạt gấc chữa quai bị, trĩ, làm tan khối tụ máu do chấn thương… Ruột trái và màng đỏ hạt gấc cũng là nguyên liệu tuyệt vời để làm thành món xôi gấc cổ truyền dân tộc.Trong số các thảo mộc, trái gấc có lẽ là đề tài nghiên cứu khoa học lâu đời nhất ở nước ta. Từ năm 1941, hai nhà khoa học Guichard người Pháp và Bùi người Việt ở bộ môn dược liệu Đại học dược Hà Nội đã xác định hột gấc chứa đựng một tỷ lệ dầu thảo mộc cao. Sau đó, họ còn phát hiện gấc còn chứa lycopen, beta-caroten, vitamin C, vitamin E, axit béo rất cần thiết, cryptoxanthin và một loạt các khoáng chất, các chất dinh dưỡng chưa từng thấy. Chiến tranh tạm thời ngăn chặn cuộc khảo cúu. Từ vài chục năm nay, nhiều nhà khoa học Việt Nam như Bùi Đình Sang, Nguyễn Văn Đàn, Phạm Kim Mãn…đã tích cực nghiên cứu và chiết được một lượng dầu gấc từ màng đỏ cùi gấc. Gần đây hai nhà khoa học Đinh Ngọc Lâm và Hà Văn Mạo đã tiến hành nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước tạo ra chế phẩm Gacavit từ màng đỏ cùi gấc có tác dụng khắc phục tác hại của dioxin đối với cơ thể con người, phòng, chữa xơ gan và ung thư gan nguyên phát, giảm tác hại của những bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng hóa chất và tia xạ.
Năm 1961, Gs Nguyễn Văn Đàn qua nghiên cứu bên Đức, xác định ngoài beta-caroten màng đỏ hột gấc còn chứa lycopen, một chất caroten sắc tố thực vật tạo màu vàng, cam, đỏ cho rau củ quả, một chất phản oxy tìm ra trong ổi, bưởi, dưa hấu, đu đủ, nhất là cà chua Solanum lycopersicum từ đấy có tên lycopen. Lycopen có nhiều nhất trong cà chua nấu vì nhiệt lượng giải phóng nguyên tử lycopen ra khỏi tế bào. Lycopen có nhiều trong các món ăn chế biến từ cà chua như nước ép, canh xúp, món nghiền, nước xốt kể cả ketchup. Lycopen là chất carotenoid phản oxy mạnh nhất nhờ tính chất dễ tan trong mỡ mà những gốc tự do lại tập trung trong các lớp mỡ lipid của tế bào. Gốc tự do là một phân tử mất một electron. Sử dụng điểu hòa những thức ăn chứa đựng lycopen là một phương pháp gỉam hạ những bệnh cơ mạch, tiểu đường, loãng xương, ung thư miệng, thực quản, ruột kết. Tổ chức quốc tế khảo cứu ung thư khuyên nên dùng lycopen để phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến. Trong khuôn khổ chương trình trọng điểm quốc gia nghiên cứu về các chất dinh dưỡng do Gs Từ Giấy làm chủ nhiệm (1988-1989), Ts Phan Quốc Kinh và các nhà cộng sự đã nghiên cứu các chế phẩm từ quả gấc để làm các chất bổ sung dinh dưỡng. Từ đó, ngành dược Việt Nam đã sản xuất một số chế phẩm có chứa dầu màng gấc làm thuốc bổ, điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em và một số bệnh về mắt. Vào thời gian đó, cô Vương Thủy Lệ đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu về tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ em nông thôn Việt Nam những năm đầu thập kỷ 90. Dù tình trạng sức khỏe trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể do sự tăng trưởng của nền kinh tế và những cố gắng của chính quyền, trẻ em ở các vùng nông thôn vẫn thiếu vitamin A theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức y tế thế giới (WHO).
Thành phần beta-caroten (tiền vitamin A) có nhiều trong các loại trái có màu vàng, da cam, đỏ và các loại rau xanh. Những loại rau, trái này rất sẵn có ở Việt Nam. Gấc vẫn là đại diện số một về hàm lượng beta-caroten (trong 100 g màng đỏ hạt gấc có tới 38 mg beta-caroten tương đương với 50.000 đơn vị vitamin A). Ngay cả so với cà rốt một trong những loại thực phẩm vẫn được coi là giàu tiền vitamin A nhất, hàm lượng beta-caroten trong trái gấc vẫn cao gấp 14 lần. Để đánh giá chính xác hơn kết quả nghiên cứu cuối năm 1997, cô Vương Thúy Lệ ở California đã về thực hiện một cuộc thử nghiệm ở hai xã Tân Trào và Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Trong thời gian 30 ngày, 193 trẻ từ 31 đến 70 tháng tuổi được chia thành 3 nhóm: nhóm ăn dầu gấc, nhóm ăn beta-caroten tổng hợp, nhóm ăn xôi có nhuộm thực phẩm màu giống gấc. Kết quả thu được cho thấy trẻ ở nhóm 1 ăn xôi gấc, lượng hồng cầu, beta-caroten, vitamin A trong máu tăng lên rõ rệt so với 2 nhóm trẻ không ăn xôi gấc. Phấn khởi với những kết quả thu được, trở về Mỹ, cô đã viết các báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Không dừng lại ở những kết quả đó, cô tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ với mong muốn thực hiện một dự án nghiên cứu làm thế nào để người dân Việt Nam có thói quen dùng dầu gấc trong các bữa ăn hằng ngày. Trái gấc mang tính thời vụ, chỉ có từ trước Tết đến sau Tết Nguyên đán. Làm thế nào đề quanh năm người dân có được dầu gấc để ăn? Năm 1998 cô bảo vệ tại viện Đại học California, Davis, một luận án tiến sĩ Dinh dưỡng học trên đề tài Xôi gấc, nêu cao tính chất nuôi dưỡng của loại cây đến từ thiên đàng, như được vinh danh bên Mỹ, cống hiến màu đỏ thắm xôi chính là caroten trong cây.
Được quỹ Tầm nhìn thế giới ủng hộ, cuối năm 2000, cô tân tiến sĩ Vương Thúy Lệ trở về lại Việt Nam với những kiến thức đã thu lượm được trong quá trình nghiên cứu về gấc trước đây và hai giàn máy ép dầu gấc trong hành trang. Tại hai xã Tân Minh và Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn, cùng với các cộng sự Việt Nam, cô giải thích cho bà con nông dân tác dụng và cách sử dụng dầu gấc trong các bữa ăn hằng ngày. 20 gia đình ở Tân Minh có trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng, mỗi gia đình được phát 1 lít dầu gấc để dùng theo hướng dẫn. Kết quả thu được sau hai tháng khiến cô và các cán bộ y tế cùng tham gia quá trình thực hiện dự án hết sức vui mừng vì hầu hết các bà mẹ đã cho con mình sử dụng dầu gấc đúng cách nấu xôi, xào nấu với thức ăn, trộn với cơm nóng… Có chị còn dùng dầu gấc bôi vào vết thương do bị bỏng, ngã. Tuy nhiên, việc biến dầu gấc thành thực phẩm có thể sử dụng thường xuyên cho bữa ăn hằng ngày mới là cái đích nghiên cứu của cô lần này. Cây gấc dễ trồng, có thể để gấc leo quanh bờ rào hay làm giàn cho gấc ở cổng, sân nhà, vừa tạo cảnh quan, lấy bóng mát, vừa cho thu hoạch trái gấc. Trung bình một giàn có thể cho từ 50 đến 200 trái tùy theo mức độ chăm sóc. Gấc vừa dễ trồng, vừa tận dụng được đất và nếu trên thương trường giá cả chắc chắn và ổn định, gấc cũng sẽ là một mối thu nhập đáng kể cho người nông dân. Gấc có thể một ngày mai đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhất là gấc cũng đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chú ý, vì ngoài tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, gấc còn có hàm lượng đáng kể lycopen, chất thường được dùng để chế biến các sản phẩm kem dưỡng da, son môi làm đẹp. Nếu được sự quan tâm thích đáng của ngành chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp dược, việc chế biến và xuất khẩu dầu gấc sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Ba bộ phận gấc được dùng là : hột gấc, còn gọi mộc miệt tử, lấy ở trái gấc chín Semen Momordicae ; dầu gấc tức Oleum Momordicae chiếc hay ép từ màng đỏ hột gấc, cả hai đều được ghi vào Dược điển Trung Quốc và Dược điển Việt Nam ; rễ gấc, còn gọi phòng kỷ nam, là rễ cây gấc Radix Momordicae phơi khô. Gấc mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Trồng bằng hột hay giâm cành vào các tháng 2 – 3, trồng một năm có thể thu hoạch hàng chục năm. Ngay năm đầu đã có trái nhưng ít, càng về sau càng nhiều quả. Mua thu hái từ tháng 8 – 9 đến tháng 1 – 2 năm sau. Trái gấc chứa hàm lượng chất phản oxy rất cao, cao hơn gấp nhiều lần những loại củ quả đã được biết: 100g thịt gấc (màng đỏ) chứa 16 mg lycopen, 15 mg beta-caroten, trái gấc càng chín hàm lượng lycopen càng tăng và hàm lượng beta-caroten càng giảm. Nếu để nấu xôi thì dùng tươi trộn với gạo (có thể thêm ít rượu). Nếu để chế dầu gấc thì phải sấy hay phơi khô tới khi không còn dính tay, bóc lấy màng đỏ tươi rồi lại phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp (60-70°C). Tán nhỏ màng rồi áp dụng một trong hai phương pháp chiết hay ép. Chiết thì dùng dung môi ete dầu hỏa rồi đun cách thủy để thu hồi ete, dầu gấc là cặn còn lại, năng suất 8%, trung bình 100 kg trái gấc cống hiến 1,9 l dầu. Giữ lâu, dầu để lắng một lớp tinh thể caroten thô ở dưới, bên trên nổi một lớp dầu no caroten. Dầu gấc có tác dụng như những thuốc có vitamin A, dùng bôi lên các vết thương, vết loét, vết bỏng làm cho chóng lành, lên da. Uống dầu gấc, người bệnh mau lên cân, tăng sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể, do chất caroten dưới tác dụng của men carotenase có nhiều trong gan sẽ tách caroten thành hai phần tử vitamin A. Dùng cho trẻ em chậm lớn, trong bệnh khô mắt, quáng gà. Hột gấc khô, ngoài vỏ cứng đen, mép có răng cưa, trong có nhân trắng ngà, có dầu, chứa đựng momordin (một loại saponin), 6 % nước, 2,9 chất vô cơ, 55,3 chất béo, 16,6 chất protid, 2,9 đường toàn bộ, 1,8 tanin, 2,8 cellulose 11,7 chất khoáng không xác định được và các men phosphatase, invectase và peroxydase. Theo Đông y, hột gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, dùng chữa các chứng bệnh ung thũng, mụn nhọt độc, tràng nhạt, eczema, viêm da thần kinh trĩ, phụ nữ sưng vú. Có thể chế thuốc viên hay tán bột uống. Liều uống từ 0,8-1,2g. Nhưng thường dùng đắp ngoài da đồ mụn nhọt. Nhân dân ta còn dùng để đắp chữa chai bàn chân. Sao vàng rễ gấc, tán mỏng, dùng uống chữa tê thấp sưng chân gọi là phòng kỷ nam. Viện Đông y dùng lá gấc với tầm gửi đắp ngoài ra làm thuốc tiêu sưng tấy. Có bài thuốc : chữa sưng vú, giã nhân hột gấc với ít rượu đắp chỗ sưng.
Trước đây, gấc được xem là là một loại cây bán hoang dại, giá trị của cây chưa được chú ý. Được đánh giá như một thứ gia vị, cây được dùng chủ yếu vào dịp lễ tết, giỗ chạp với các món truyền thống là xôi gấc, một số dùng chế biến bánh kẹo như bánh cáy. Ngày nay, được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc với thành phần vitamin A và E, cây gấc bắt đầu có vị thế đặc biệt và trở thành một cây quý báu cho dân nghèo. Là một loại cây trồng có sức chống chịu tốt, chưa thấy sâu bệnh hại, chim chuột ít phá, thân lá gấc lại có mùi hôi nên trâu bò không ăn. Giống gấc cho năng suất quả cao, nhiều hạt đã được trình diễn là giống gấc Diễn, quả to, chín có màu đỏ tươi, ngoài ra có một số giống khác có màu vàng, quả nhỏ. Gấc không kén đất và chỉ cần một khoảng đất nhỏ đã có thể trồng được một gốc, một gốc có tuổi thọ 15-20 năm, đầu tư rất thấp, nhưng hiệu quả cao. Một số vùng trồng gấc xen vải, trồng tận dụng, hoặc trồng ở ruộng cao, bạc màu, làm cọc tre, chăng dây thép cho dây gấc leo, thu nhập cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Nếu trồng bằng hột thì cần chọn trái lấy hạt ở những cây có trái to, sai trái, đợi cho trái chín đỏ hoàn toàn mới cho thu trái và nên để cho trái chín rực thêm vài ngày sau đó dùng tay bóp lấy hạt. Trước khi gieo thì cần chà rửa thật sạch lớp nhớt bọc quanh vỏ hạt để hạt dễ nẩy mầm. Nêu chọn giống băng hom thì chọn những cây mẹ sai quả, quả to, chín đẹp làm cây lấy hom giống. Chọn dây gấc bánh tẻ cắt thành từng đoạn dài 30 – 40cm (gọi là hom). Ươm cành có 2 cách:hoặc cắt bằng đầu, bôi vôi hai đầu, đem giâm xuống khu vực cát ẩm, hoặc cắt bằng đầu, bôi vôi hai đầu, đem giâm trong bầu. Bầu có thể là túi nilon, trong chứa đất bột trộn với lượng nhỏ phân chuồng ủ mục và trấu để tăng độ xốp. Mỗi bầu có thể giâm được 3 hom gấc. Bầu đặt tại nơi có bóng mát hoặc có mái che. Bảo đảm đủ nước tưới thường xuyên, giữ ẩm và che bớt nắng trong thời gian ban đầu cũng như chỗ đất giâm cành cần phải được thoát nước tốt. Khoảng 2-3 tuần chồi sẽ mọc, đem trồng ở hố đã chuẩn bị sẵn.
Xôi gấc là một món ăn đẹp mắt lại có hàm lượng vitamin cao, nhất là vitamin A. Có nhiều cách nấu xôi gấc. Sau đây là vài cách thường thấy.
– Ngâm gạo nếp trong một đêm, cho thêm một nửa muỗng cà phê muối, trút nếp ra. Bóp tan thịt đỏ gấc, ướp với rượu trắng và chút muối. Trộn thịt gấc và nếp, cho hấp một nửa giờ, xới xôi cho chín đều. Rưới nước dừa lên xôi, cho hấp thêm 30 phút nữa, tiếp tục rưới nước dừa cho đến khi mềm dẻo. Đợi cho xôi bốc hơi bớt đi, rắc đường và trộn đều trước khi xới xôi vào khuôn.
– Ngâm nếp khoảng ba giờ, cho ráo nước, thêm vào 2 muỗng cà phê muối. Lấy phẩn nạc và hột gấc cho vào 50cc rượu trắng, bóp nhuyễn vào nhau đến dậy màu (nếu màu không đẹp thì đổi trái gấc khác), cho trộn với nếp và đảo thật đều, hấp chín, cứ 10 phút đảo nếp mỗt lần cho chín đều, thêm dầu mỡ cho xôi đủ láng và đường cho ngọt vừa ý.
– Ngâm nếp 7 giờ, cho ráo nước; bóp tan thịt đỏ gấc cho đều, ướp với rượu trắng, thêm ít mưối, để qua đêm. Trộn gấc, nếp và muối trong xửng, hấp khoảng 30 phút, mở xửng, lau khô nắp, sới xôi cho xốp. Rưới nước cốt dừa hay dầu ăn lên xôi, hấp thêm 30 phút nữa, có thể thêm nước cốt dừa hay dầu ăn cho đến khi xôi mềm dẻo. Đợi xôi bốc hơi đi bớt, nguội xuống mới thêm đường là xong.
– Ngâm nếp qua đêm với chút ít muối, trộn thịt gấc vói một muỗng rượu trắng để qua đêm. Vớt nếp ra, trộn vói thịt gấc ngâm rượu, thêm muối, trộn đều. Đổ vào xửng, hấp khoảng 10 phút, mở nấp xửng, rưới nước cốt dừa và dừa sợi bào vụn, xới đều xôi, đậy nắp khoảng 5 phút, mở nắp thêm đường vào, nhẹ tay trộn đều, nấu tiếp khỏang 5-7 phút, canh đến khi thấy xôi chín mểm.
Bên cạnh hội thảo về trồng cây gấc dược liệu ỏ huyện Đồng Phú trên địa bàn tỉnh, trường Đại học Dược Hà Nội đã thành công tổ chức hội thảo về gấc và dầu gấc với sự tham gia của Ts Vương Thúy Lệ, tập đoàn Pharmanex của Mỹ và đông đảo các giáo sư của trường nhằm giới thiệu quả gấc Việt nam ra thế giới. Công ty Tuệ Linh đă chuẩn bị khởi công nhà máy tinh luyện dầu gấc đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam với năng suất 5000 tấn gấc quả một năm, mạnh dạn đưa dầu gấc ra các thị trường nước ngoài như Nga, Nhật, Đức, Bellarus, Mỹ, là những thị trường có nhu cầu sử dụng cao nhưng lại không trồng được loại quả mang danh đến từ thiên đường này. Thực hiện được những việc lớn lao nầy là cũng nhờ công lao của những cá nhân như Bs Nguyễn Công Suất, bác sĩ quân y, tự nguyện xin giải ngũ để theo đuổi việc trồng, chế biến và đưa cây gấc thành một thứ dược liệu quý. Trong luôn 15 năm qua, ông vua gấc đã đem những hạt gấc đi phổ biến cho người dân khắp nơi để gieo trồng, rồi ông lại thu mua gấc để làm nguyên liệu chế biến ra dầu gấc. Những tác dụng ngăn chặn bệnh, chống lão hóa và tăng cường sinh lực và sức khỏe của dầu gấc thì không phải ai cũng không biết. Tuy vậy, khi nói đến gấc, người Việt không luôn nghĩ ngay thương hiệu dầu gấc Vinaga mà Bs Nguyễn Công Suất xây dựng giờ đã nổi tiếng trên cả thế giới mà thường nhớ đến món xôi gấc đỏ thắm, béo ngậy, thơm lừng; các cô gái ăn xôi gấc xong ai cũng thấy má đỏ hồng hào, mắt sáng long lanh và môi đỏ thắm, hết nứt nẻ vào mùa hanh kho. Nghe nói có nhiểu nơi còn muốn lấy xôi gấc làm biểu hiệu cho thành phố của mình.
(*) Ảnh lấy trong bài Thuy-Le Vuong : Gac, a Fruit from Heaven và phim Nu Skin V3 Gac Fruit from Heaven VN Dr Vuong Thuy Le
Thành Xô
Mừng Tết Đinh Dậu
– Thuy-Le Vuong, Gac: a Fruit from Heaven, 10.2003 dẫn
– Vuong L., Nguyen H., Keen C, Grivetti L. Dietary Habits, Consumption Patterns and the Problem of Goiter: A study in Hai-Hung, Northern Vietnam. The FASEB Journal, p.A165, Abstract 180-224, 1995.
– Grivetti L., Bui L., Vuong L. Nutrition in Vietnam: Historical Topics and Contemporar, Research Opportunities. International Child Health: A Digest of Current Information. Vol. VI, No.1, 1995
– Mạc Xuân Hòa, Luận văn Khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất trích ly dầu gấc, 123doc.org luanvan.net.vn
– PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Gấc – loại quả đến từ thiên đường, tuelinh.vn
– GS.TS. Bùi Minh Đức PGS.TS Nguyễn Công Khẩn Th.s Bùi Minh Thu, Gấc – nguồn thực phẩm chức năng, thuốc bổ vô giá, gacnep.vn
– TS. Vương Thuý Lệ, Gấc Việt Nam – loại dược phẩm quý, muivi.com/canhnong – Viện nghiên cứu y dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh Hà Nội, Gấc – loại quả đến từ thiên đường, slideshare.net
– Công dụng tuyệt vời của trái gấc Việt Nam và những điều chưa biết, daugac.com
– Sự tích hoa phượng – xôi gấc, van hoc.xitrum.net 123tailieu.com
– Gấc Việt Nam loại dược phẩm quý, facebook VIGACAS 14.10.2012 Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment