Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday, 6 December 2015

Dân Muốn Biết:Khủng bố và thái độ nên có đối với người Hồi giáo

Thánh Phanxicô và người Hồi giáo
1.- Truyện kể
Khi mới trở lại, Phanxicô rất ước ao được ơn tử đạo. Năm 1219, trong thời gian cuộc Thập tự chinh thứ V thánh Phanxicô và anh Illuminatô Riêti đã sang Ai-cập, và đến Đamiétta để gặp quốc vương Hồi giáo, trong khi các đoàn quân Kitô hữu đang công phá thành này. Hai anh em đã bị một trận đòn tơi tả vì bị ngộ nhận là gián điệp. Vì hai anh cứ kêu tên quốc vương Hồi giáo, toán lính nghĩ là hai người đã đào ngũ khỏi đoàn quân Kitô hữu để sang nhập đạo Hồi, hoặc muốn thương lượng, họ đã đưa hai người đến gặp nhà vua. Một quang cảnh lạ thường: Phanxicô và quốc vương Al Kamil, một người hành khất Kitô hữu và một vị quốc vương Hồi giáo, ở ngay giữa lòng cuộc Thập tự chinh thứ V.
Quốc vương Al Kamil lắng nghe người tu sĩ lạ kỳ này, ông bị đánh động. Hai con người này chắc không thể là những người được đặc sứ Pêlagiô của Đức giáo hoàng ủy nhiệm đi, vì Pêlagiô thì rất kiêu hãnh và sống như ông hoàng, trong khi hai người này thì ăn mặc nghèo nàn đến thê thảm. Hai con người không có đoàn hộ tống này, không có ủy nhiệm thư này chắc không thể là những người đã được các bá tước phái đi để thương thảo về hòa bình. Phanxicô, con người khiêm hạ, đã không ngại nói rằng ngài được chính Thiên Chúa cử đến. Như thế, ngài đã tách khỏi đoàn quân Thập tự cũng như khỏi Đức giáo hoàng.
Ngày qua ngày, viễn tượng tử đạo càng xa. Ông vua của “các con cái thần dữ” này – đó là tên người ta gán cho người Hồi giáo không tin – dường như ngày càng tỏ ra tử tế hơn. Thế thì chỉ còn mong họ trở lại đạo Kitô giáo thôi! Nhưng nhà vua chẳng tỏ ra là bị lay chuyển.
Trong thời gian ở trong thành Đamiétta, hai anh em lại khám phá ra là người Hồi giáo rất tha thiết cầu nguyện. Mỗi ngày 5 lần, hai anh em nghe vị tu sĩ báo giờ kinh (muezzin) gọi các tín đồ Hồi giáo đi cầu nguyện. Được Thiên Chúa hướng dẫn, Phanxicô khám phá ra một khía cạnh chưa hề biết. Những con người này không chỉ là anh em vì là con cháu của Ađam, và vì Đức Giêsu đã đổ máu ra mà cứu chuộc; họ là anh em ngài còn vì có sự hiệp thông tạo ra do việc cầu nguyện với một vị Thiên Chúa duy nhất. Người Hồi giáo gọi tên Thiên Chúa là Allâh một cách kính cẩn và hết sức mong ước được đức Allâh ban ơn cứu giúp.
Khi có giờ rảnh, Quốc vương lại cùng với vị cố vấn tôn giáo là thầy Sufi Fakhr-el Din-Farisi, 90 tuổi, đến nghe Phanxicô dường như không biết mệt. Họ như bị thu hút bởi con người bé nhỏ 37 tuổi này. Nhưng họ vẫn không tỏ ra muốn bỏ tôn giáo của họ.
Một hôm, Phanxicô đề nghị họ cho ngài “thử lửa”, tức nhảy vào một đống lửa lớn, để chứng minh niềm tin thật, nhưng Quốc vương từ chối. Thế là hai anh em đã phải từ giã ra đi, không nhận các tặng vật Quốc vương ban cho. Điều nên ghi nhận là Quốc vương đã xin hai anh em cầu nguyện cho ông. Phải chăng lòng ông đã muốn theo đạo, nhưng chưa dám?

Phanxicô đề nghị “thử lửa”
2.- Nhận định
Những ngày sống giữa người Hồi giáo đã khiến Phanxicô phải xét lại các kinh nghiệm của ngài dưới ánh sáng của sứ điệp Tân Ước. Khi làm như thế, ngài đã tách khỏi những lốt bước của tinh thần thập tự chinh mà trước đây ngài đã đồng ý. Khi đặt chân đến các bến bờ Ai-cập, cho dù ngài không muốn tham gia cũng chẳng muốn thấy anh em ngài tham gia vào đoàn thập tự quân, có thể ngài thấy cách thức thánh chiến này cũng không phải là tồi. Với lại chính các Đức giáo hoàng đã thúc đẩy các cuộc thập tự chinh.
Chúng ta có thể nói rằng ngài đã đến với hai bàn tay không và đã ra đi với ý tưởng là Giáo Hội cũng nên đến với người Hồi giáo với hai bàn tay không. Nếu không thể được như thế, thì ít ra Dòng của ngài phải có thể thật sự tỏ ra huynh đệ, ngay cả đối với những người không phải là Kitô hữu.
Phanxicô là người khách hành hương đi tìm người anh em không quen biết. Là một người hành khất trước nhan Thiên Chúa và giữa loài người, ngài đã là một “người Anh em của vũ trụ”, từ lâu rồi trước khi từ ngữ này được tạo ra, cho ngài thì phải nói là “người Em của vũ trụ”. Nếu một người anh em bị hư mất, người ta phải đi cho dù đến tận cùng trái đất để tìm ra người ấy, và nói với người ấy về Đức Trinh Nữ Maria, “Đấng đã ban cho chúng ta Đức Chúa quyền uy làm anh” (2 Cel 198). Cho dù chính họ không biết, người Hồi giáo cũng là em của Đức Giêsu Kitô, nên cũng là anh em của Phanxicô.
Người anh em hèn mọn đi chân không tiến về vương quốc. Tình huynh đệ, Nghĩa hèn mọn, Tính Lữ hành, đó là những tảng đá làm nền cho đời sống anh em. Tại Đamiétta, Phanxicô đã nới rộng biên giới của ba giá trị nền tảng này để đưa lại một chiều kích mới:
- Nới rộng biên giới của Tình huynh đệ: Vào thời ấy, đỉnh cao của đức ái, của tình huynh đệ, là chấp nhận kẻ cùng đinh lang thang như là một người anh em, một người anh em hư hỏng, nhưng là một người anh em, vì người ấy cũng đã nhận bí tích rửa tội. Còn người ngoại đạo thì bị gọi là “con cái của thần dữ”, “những kẻ ngoại đạo bẩn thỉu”, “dòng giống đáng nhờm tởm”. Qua kinh nghiệm Đamiétta, Phanxicô khám phá ra rằng sự lịch thiệp mang tính Phúc âm tỏ ra với người Hồi giáo bị khinh bỉ mới là đỉnh cao của tình huynh đệ.
- Nới rộng biên giới của Nghĩa hèn mọn: Vào thời đó, đỉnh cao của sự hèn mọn là phục vụ người phong cùi, mệnh danh là các “anh em Kitô”. Phanxicô đã đưa anh em đến chỗ không chỉ phục vụ người phong mà còn sống giữa những người Hồi giáo, “đừng tranh cãi hay chống báng, nhưng hãy tuân phục mọi người vì Thiên Chúa” (L ksc 16,6).
- Nới rộng biên giới của Tính lữ hành: Vào thời đó, người ta nghĩ đỉnh cao, ranh giới cuối cùng, của đời lữ hành là tử đạo. Khi đi đến Đamiétta, Phanxicô cũng đi tìm cái ranh giới cuối cùng đó. Nhưng sau đó, ngài khám phá ra là mục tiêu, điểm tới của con đường, không phải là đổ máu ra làm vị tử đạo nhưng là một cuộc gặp gỡ. Một văn sĩ Hồi giáo lớn thuộc Phi châu Nam Sahara, tên là Hampate Ba, đã viết về Phanxicô: “Ngài đã đủ can đảm để đi đến với những người khác, bằng cách vừa đi qua đại dương địa lý vừa đi qua đại dương là sự thiếu thông cảm giữa người với người để đến ngay trung tâm của quốc gia được gọi là thù địch. Ở đó, hẳn là ngài đã có thể phỉ báng các niềm tin của những người chủ nhà, như những người khác đã từng làm, và do đó, dễ dàng chiếm được ngành thiên tuế tử đạo. Nhưng [nếu làm thế,] hẳn là ngài đã chẳng phải là thánh Phanxicô”.
Như thế, cuộc thăm viếng quốc vương Hồi giáo, một thành tích đầy ý nghĩa, đã là đỉnh cao của tình huynh đệ, của nghĩa hèn mọn và của tính lữ hành. Một cuộc gặp gỡ thật sự huynh đệ với những người Hồi giáo thì quan trọng hơn tử đạo.
Sau Đamiétta, là nơi mà ngài đã đến gần những người ở xa nhất, Phanxicô khám phá ra một quan hệ mới giữa các dân tộc, một quan hệ huynh đệ vượt quá các biên giới. “Đời-sống-huynh-đệ-ở giữa” những người khác trở thành “cách-sống-Phan-sinh”. Và phần đóng góp lớn lao của Phanxicô khi trở về không phải là những gì ngài nói rõ ràng về những các giá trị mà người Hồi giáo đang sống cho bằng là sự thinh lặng lạ lùng của ngài và đề nghị ngài đề ra cho anh em là vượt biển mà “sống giữa” họ như những người anh em và những người hèn mọn. Nói là đóng góp bằng sự thinh lặng, bởi vì trong lúc mà người ta còn coi Hồi giáo là công việc của ma quỷ và các vị mục tử Giáo Hội còn nói rất tàn tệ về Hồi giáo, những con người nổi tiếng thánh thiện như thánh Bênađô còn nói những lời lẽ rất hung hăng khiêu khích, Phanxicô lại không hé môi nói một tiếng nào, không phác một cử chỉ nào chống lại Hồi giáo. Trong bối cảnh thời đó, sự thinh lăng này rất hùng hồn.
Chỉ sau CĐ Vatican II, Hội Dòng AEHM, như là một tập thể, mới hiểu ơn gọi của mình là đến sống giữa người Hồi giáo. Và vào ngày hôm nay, Giáo Hội cũng đang ở trên cùng một làn sóng với Phanxicô trong thái độ đối với Hồi giáo.

http://hdgmvietnam.org/thanh-phanxico-va-nguoi-hoi-giao/237.107.22.aspx
---------
Khủng bố và thái độ nên có đối với người Hồi giáo

„Xin hãy ngưng, đừng đổ tội cho người Hồi giáo bởi vì họ không làm nên tội. Họ là những anh chị em cùng chúng ta. Dưới lớp da bọc này chúng ta đều là con người như nhau. Họ xứng đáng không gì hơn là được chúng ta tôn trọng. Họ cần sự chú trọng của chúng ta. Xin hãy ngưng lại, đừng xem những con người tuyệt vời này là kẻ thù, bởi vì họ không phải vậy.“

* * *

Một thời gian ngắn sau vụ tàn sát dã man tại Paris do quân khủng bố IS chủ mưu hành động, tờ Huffington Post kể lại một câu chuyện cảm động đầy tình người xảy ra tại New York giữa một người Mỹ trắng và một anh tài xế Taxi theo Hồi giáo.

Theo lời Alex Malloy kể lại cùng tờ Huffington Post, vào lúc 23 giờ đêm tại New York City anh đón một chiếc Taxi do một người theo Hồi giáo lái xe và cho rằng đây là 25 phút buồn nhất trong cuộc đời mà anh trải qua với một người lạ mặt không quen biết. Người tài xế Taxi cho anh biết, anh là người khách đầu tiên chịu đi xe của anh trong vòng hai tiếng đồng hồ vừa qua sau khi vụ khủng bố tại Paris xảy ra.

Trong vòng 25 phút, Alex Malloy phải nói với người tài xế Taxi theo Hồi giáo rằng anh ta cũng là một người như tôi với bạn mà thôi, rằng anh ta không phải là một phần tử của bọn dã man đó và rằng, tôi rất buồn vì anh ta bị những người khác nhìn với một con mắt đầy sợ hãi và thù hận.

Anh tài xế khóc suốt quãng đường làm cho Alex Malloy cũng phải khóc theo. Anh ta cứ lập đi lập lại một cách đau khổ „Người ta nghĩ rằng tôi là một phần tử cùng bọn chúng nhưng tôi không phải vậy. Không ai chịu chạy xe với tôi vì họ cảm thấy không an toàn.“

Alex Malloy nói: „Đây là một khoảng khắc đau lòng nhất mà tôi từng trải qua. Anh ta là một người trẻ rất dễ thương.“

Câu chuyện được Alex Malloy đưa lên Facebook sau đó và chẳng bao lâu sau, thông điệp đầy tình người chống lại những người xúi dục nhằm đổ tội cho Hồi giáo của anh lan truyền nhanh trên mạng.

Malloy dựa vào cơ hội này để lên tiếng chống lại những người lợi dụng các trường hợp cực đoan để khái quát hóa nhằm chống lại người Hồi giáo: „Xin hãy ngưng, đừng đổ tội cho người Hồi giáo bởi vì họ không làm nên tội. Họ là những anh chị em cùng chúng ta. Dưới lớp da bọc này chúng ta đều là con người như nhau. Họ xứng đáng không gì hơn là được chúng ta tôn trọng. Họ cần sự chú trọng của chúng ta. Xin hãy ngưng lại, đừng xem những con người tuyệt vời này là kẻ thù, bởi vì họ không phải vậy.“

Lời kêu gọi của Malloy không những mang tính người mà còn là lời nhắc nhở mọi người đừng để mắc mưu IS, kẻ thù của nhân loại. Khi tấn công Paris, khủng bố IS không những muốn tiêu diệt những giá trị căn bản của Âu châu là Tự do, Công bằng và Bác ái mà lại còn cố tình gài bẫy gây căm thù giữa toàn thế giới và người Hồi Giáo, trước mắt là những người tỵ nạn tại Âu châu hiện nay, là những người vì sự tàn ác của bọn chúng mà phải rời bỏ quê hương để đi cầu xin một cuộc sống an lành hơn. Nếu không bình tĩnh để lọt vào bẫy của bọn chúng, người ta sẽ dễ dàng căm thù những nạn nhân vô tội này, xua đẩy họ ra bên lề của xã hội. Đến khi đó quân IS chỉ cần đưa bàn tay là những người tỵ nạn Hồi giáo bị xã hội phương Tây ruồng bỏ liền nắm lấy tay xem như „ơn cứu rỗi“. Chúng không muốn gì hơn là làm cho thế giới ghê sợ, căm thù Hồi giáo. Đây cũng là một trong những chiến lược tuyển quân khủng bố của IS.

Trong bức thư gửi Tổng thống Pháp Hollande, Nicolas Hénin, một nhà báo Pháp đã từng bị quân IS bắt giam trên mười tháng rồi được phóng thích (hay giải thoát?) vào tháng tư 2014 viết: „Bị dội bom là điều mà chúng đã dự tính, cái mà chúng thực sự sợ là sự gắn bó cùng nhau. Thế giới quan của bọn chúng là xã hội phương Tây không thể sống chung với người Hồi giáo.“



Trong khi IS đang hớn hở vui mừng vì sự kỳ thị người Hồi giáo, vì người dân Âu châu và cả thế giới đang sợ người Hồi giáo, vì những bài báo lên tiếng đòi tống cổ người tỵ nạn ra khỏi Âu châu thì ngược lại bọn chúng lại đang căm thù những tình nguyện viên đang nhiệt tâm giúp người tỵ nạn Hồi giáo từng ổ bánh mì, từng ly trà ấm. Những nụ cười gây ấm lòng người tỵ nạn là vũ khí chiến lược cô lập quân khủng bố.

Đừng sợ bị tranh giành, đừng ôm hết „miếng bánh“ giàu sang phú quý của châu Âu vì „miếng bánh“ vẫn còn lớn lắm, để rồi một ngày nào đó những người tỵ nạn bị xua đuổi, bị nhục mạ đành phải nắm lấy bàn tay của IS để nhận cái áo khoác mang bom tự kích nổ.

Khi đó than tiếc, liệu có muộn không?

Phương Tôn

Tháng 12.2015

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.