Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday 22 November 2015

Thế giới bất an : Cuộc thảm sát kinh hồn mỗi cuối năm

Cuộc thảm sát kinh hồn mỗi cuối năm

Degdeg 11

Chuyện Phiếm Canada: cụ Chánh kể chuyện

Năm nào cũng thế, người Mỹ, từ nhiều năm nay, đều thẳng tay thực hiện hai cuộc tàn sát bi thảm làm thiệt mạng cả mấy chục triệu sinh linh mà không hề có một tổ chức nhân đạo nào trên thế giới lên tiếng để buộc phải chấm dứt việc làm vô nhân đạo, vô ích mang đầy tính diệt chủng đó.

Trong khi đó, lễ hội chém lợn ở Tiên Du, Bắc Ninh, hay hội chọi trâu ở một số nơi tại Việt Nam thì bị nhiều tiếng nói chỉ trích kịch liệt. Còn những vụ thảm sát ở nước Mỹ thì gần như không tạo được bất cứ một sự quan tâm nào. Lễ chém lợn có tàn bạo thật, nhưng cũng chỉ hóa kiếp cho vài ba con lợn. Còn hội chọi trâu thì hai ba chục “ông” trâu được nuôi cả năm, được vỗ cho béo rồi bị xúi bẩy để húc nhau một trận tanh bành mua vui cho cả mấy ngàn người xem. Những con trâu không hề thù oán nhau, không tranh chấp đồng cỏ của nhau mà cũng chẳng vì tranh nhau “ân huệ” của vài ba chị trâu nái, hay ganh ghét nhau về vẻ đẹp trai của mình, đã bị người ta bầy chuyện cho đâm nhau trí mạng rồi cuối cùng, được hay thua, cả hai đều bị phanh thây xẻ thịt bán cho khán giả ngay tại cửa vào đấu trường. Năm nào cũng diễn ra những cảnh chọi trâu kinh hoàng như thế.

Nhiều tổ chức bảo vệ thú vật trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt trò giải trí dã man đó nhưng chưa có kết quả. Dẫu vậy thì cũng đã có tiếng nói chống lại. Nhưng những cuộc tàn sát hết sức vô nhân đạo ở Mỹ thì vẫn được để cho diễn ra một cách bình thường như không hề có gì xảy ra cả. Hai cuộc thảm sát ở Mỹ đều nhắm vào loài gà tây, một sinh vật thuộc giống chim đã được thuần hóa để nuôi làm thực phẩm cho người. Nhưng nếu giết chúng để ăn thì cũng không đáng nói như khắp nơi trên thế giới người ta giết trâu, bò, lợn, cừu, dê, gà, vịt... Nhưng giết để mừng một dịp lễ hội hè nào đó thì người Mỹ cứ nhắm vào loài gà tây mà tàn sát thì tội quá.

Giết hơn 60 triệu con gà tây thì phải gọi là thảm sát ở mức diệt chủng nếu chuyện chém giết đó diễn ra ngoài thiên nhiên. Nguyên nhân đưa tới những bất hạnh này của loài gà tây là khi những người di dân Thanh Giáo từ Anh sang lập nghiệp ở tân thế giới trong thời gian đầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Đói khát, bệnh tật đã cướp đi mạng sống của một số người trong mùa Đông đầu tiên. Qua mùa Xuân, những di dân này đã được những người da đỏ sống trong vùng giúp đỡ, chỉ cách trồng bắp và vài thứ rau trái khác. Người da đỏ cũng bầy cho các di dân săn hươu nai trong rừng và những con chim thuộc bộ gà thuộc chi Meleagris họ hàng xa với loài trĩ. Những di dân Thanh Giáo nhờ những lòng tốt và những giúp đỡ của người da đỏ đã thoát được những khó khăn trong miền đất mới. Sau vụ mùa đầu tiên thành công, những người di dân cảm tạ Thượng Đế bằng một bữa tiệc mời cả những người da đỏ ân nhân đến dự. Trên bàn tiệc ngoài rau trái, còn có gà tây từng đã cứu đám di dân này qua cơn đói khát.

Thế là thay vì mời vài ba con gà tây đến dự tiệc để cám ơn chúng, ít ra thì cũng phải mời chúng vài ba thùng bắp. Nếu chúng ăn không hết thì cũng cho chúng “to go” mang về nhà ăn tiếp. Nhưng các ông bà di dân Thanh Giáo biến món thịt của những con gà ân nghĩa ấy thành một món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc của lễ Tạ Ơn mỗi năm.

Và đó là khởi đầu cho cuộc thảm sát hàng năm những con gà tây. Dân số nước Mỹ càng tăng thì số gà tây bị thảm sát mỗi năm cũng tăng theo. Không có một dấu hiệu nào cho thấy số gà tây bị thảm sát mỗi năm sẽ giảm đi.

Trong khi đó, loài chim này bị đối xử không được tử tế cho lắm. Người Mỹ coi chúng là giống vật đần độn. Gọi ai là “turkey” thì đó là cách nói người ấy rất thiếu thông minh. Loài chim này sau đó được thuần hóa, được nuôi ở nhà, hay qui mô hơn là trong các trại. Chúng được nuôi chỉ để cung cấp thịt cho người. Chúng ra đời trong một cái chuồng lớn và lớn lên ở trong đó cho đến khi đủ một sức nặng nào đó thì bị lôi ra thảm sát.

Vừa nở ra, chúng bị cắt ngay một khúc mỏ để khỏi mổ nhau. Do đó, việc ăn uống của chúng trở nên khó khăn không ít. Kế đến, chúng bị chích, bắt uống đủ mọi loại thuốc để ngừa bệnh tật và kích thích cho chóng lớn. Chúng không một lần được hưởng cái thú đi bộ như những con gà nuôi theo kiểu Việt Nam để khi vào nồi phở giúp cho tô phở ngon hơn. Chúng được cho ăn để mập nặng đến độ đôi chân của chúng cũng không đỡ nổi cái thân mình quá nặng của chúng nữa. Chúng chỉ nằm một chỗ, cố gắng lắm cũng chỉ đủ sức lết ra chỗ ăn hay uống nước. Những con gà tây nuôi trong trại để lấy thịt đã mất hẳn khả năng bay như tổ tiên của chúng. Chúng chỉ là những cục thịt chờ ngày lên bàn tiệc Thanksgiving hay Giáng Sinh. Có phải vì thế mà tiếng kêu của chúng nghe hết sức tội nghiệp hay không. Cùng là gà nhưng tiếng gáy của những con gà trống Việt Nam nghe oai biết là bao nhiêu. Ngay tiếng quang quác của những chị gà mái cũng rộn ràng một góc sân. Gà tây thì chỉ những con trống mới biết kêu nhưng tiếng kêu của chúng nghe như tiếng của một con vật bị bóp cổ: Nghẹn ngào và bi thảm.

Tội nghiệp những con gà tây hết sức.

Tôi đã quyết định không đụng vào bất cứ một con gà tây nào từ cả hơn hai chục năm nay tức là kể từ khi hiểu được những khốn khổ về cuộc đời của những con gà tây đáng thương này. Chẳng gì ông bà ta ngày xưa cũng đã nói rằng:

Dù xây chín đợt phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một... gà

Thôi hay là đợi cho đến khi “leo lên nóc tủ ngắm gà (ta) khỏa thân” cũng vui chán! Bây giờ thì tha cho những con gà tây.

Bùi Bảo Trúc

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.