Báo Tuổi Trẻ một tờ báo của Thành đoàn Thanh Niên CS HCM, phát hành khắp nước, số lượng lớn nhứt, hồi tháng Giêng 2015, nói lên nỗi đau đớn phận nghèo với giọng văn của Hồ biểu Chánh, như vầy đây: nông dân nuôi gà thịt phải chịu “14 loại phí”. Còn báo Người Lao Động từ thuở 5 tháng 10 năm 2012, đã viết, trong nước VN hiện có 357 loại phí và 75 loại lệ phí khác nhau được các cơ quan của Đảng Nhà Nước các cấp truy và thu của người dân. Cấp nào, từ xã thôn, làng xóm, huyện ở thôn quê, phường khóm, quận, đô tỉnh thị cơ quan nào cũng có quyền thu phí và lệ phí, từ trẻ con mới sanh đến già lão bạc đầu, nam phụ lão ấu đều phải đóng, không một ai được miễn trừ.
Đại biểu Lê Đình Khanh, đơn vị Hải Dương, nêu thắc mắc “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không hiểu nổi.” “Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đậu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”.
Ông kể tiếp trên tờ Lao Động cho rằng, đã lập ra Bảo hiểm y tế lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh”. Như thế là “phí chồng phí” “Lệ phí cấp biển số nhà cũng thế, quy định không rõ gì cả. Chẳng lẽ tôi bỏ tiền ra làm bảng, kẻ số, đóng vào tường nhà mà cũng bắt tôi phải đóng phí hay sao”. Bà Lê Thị Nguyệt, đơn vị Vĩnh Phúc, kêu rằng hiện người dân đang phải gánh “xã phí, phường phí rồi cả... thôn phí” thật là vô lý.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 26 tháng 5, 2015, có một ký sự kể câu chuyện xã Quảng Vinh nghèo nàn ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tổng cộng có 9.500 người dân làng mà phải oằn lưng gánh chi phí lương bổng, phu cấp, chi phí điều hành, chi phí tiếp khách, v.v... cho 500 cán bộ đảng viên của xã. Trung bình 1 người dân phải đóng lệ phí để nuôi 9 cán bộ.
Người Việt trong ngoài nước nếu đọc trên báo giấy hay trên báo điện online đều lạnh xương sống, nổi gai ốc và khổ cho cái khổ người dân Việt sưu cao, thuế nặng, luật phí, lệ phí ngập đầu.
Thiết nghĩ dân bộ lạc, thổ dân du mục ở rừng rậm Amazone sông đời săn bắn hái lươm ăn cá, ăn rau củ, người Esquimaux ở Bắc cực băng tuyết trắng quanh năm ăn cá sống, uống mỡ gấu cũng không phải chịu gánh nặng nuôi tù trưởng, phù thuỷ, thầy lang và chiến sĩ như người dân Việt phải đóng thuế, lệ phí, luật phí để nuôi cán bộ đảng viên CS ở nhà mát, ăn bát vàng, thông trị nhân dân như ở VN vào đầu thế kỷ 21, thiên niên kỷ thứ ba như vậy.
VNCS suốt 70 năm qua ở Miền Bắc và 40 năm ở Miền Nam người dân đen phải quằn lưng, chai tay, nám mặt, đổ mồ hôi trán, ráng mồ hôi lưng làm việc vì sưu cao, thuế nặng của CS. Sưu cao hay làm sâu cho Nhà Nước không được trả tiền công, CS đưa ra một “từ” mỹ miều gọi là “lao động xã hội chủ nghĩa”. Thuế thì quá nặng, còn lệ phí, luật phí thì quá nhiều, quá nặng nên người dân gọi là lệ phí không tên so với lợi tức người dân kiếm được. Để Đảng CS cầm quyền đủ tiền để nuôi ba guồng máy công quyền. Ngân sách quốc gia phải tài trợ cho ba ngân sách: ngân sách của Đảng CS; ngân sách của Nhà Nước, và ngân sách của các đoàn thể như Mặt Trận Tổ Quốc, đoàn Thanh Niên, đoàn phụ nữ, v.v... là tay chân bộ hạ của Đảng CS. Vì quá tốn kém cho Đảng, Đoàn nên CS liệt ngân sách vào bí mật quốc gia. Chỉ có ngân sách Nhà Nước gần đây được công khai một phần và cho Quốc Hội “đảng cử dân bầu” thảo luận đôi chút, nên lòi chánh té bứa như trên dân chúng mới biết một phần nào.
Bên cạnh ngân sách, Đảng Nhà Nước con nhắm mắt để cho nhà cầm quyền cấp trung gian là đô tỉnh thị và địa phương là quận huyện, làng xã, cơ quan chuyên môn như trường học, bịnh viện thu lệ phí của dân chúng. Khiến sự lạm dụng quá nhiều, phi lý quá nhiều. Thế mà bây giờ Đảng Nhà Nước muốn luật hoá những thứ lệ phí ấy thành luật phí.
Một thứ hợp pháp hoá vi hiến hoàn toàn. Thí dụ hiến pháp của CSVN qui định giáo dục cưỡng bách và miễn phí cấp tiểu học và trung học đệ nhứt cấp. Nhưng lâu nay Bộ, Nha, Sở Giáo dục cứ để cho các trường “thoải mái” thu học phí rồi lệ phí. Ở VN ví thế mỗi một mùa tựu trường bây giờ phụ huynh học sinh phải chạy nợ vắt giò lên cổ để đóng học phí và lệ phí cho con được nhập học. Nào lệ phí phát triễn trường sở, lệ phí phụ đạo, lệ phí bồi dưỡng, lệ phí sách vở, lệ phí “tham quan”, lệ phí phòng thí nghiệm, v.v... Học trò và phụ huynh học sinh phải hai hàng lệ rơi với những thứ phí quá nhiều không nhớ hết nên gọi là lệ phí không tên. Thế cho nên đau đớn lắm, học trò Miền Tây trên vựa lúa của cả nước mà phải bỏ học tỷ lệ cao nhứt vì không đủ tiền đóng vô vàn lệ phí có tên và không tên, nhà trường bày đặt ra lúc nào không biết.
Thế mà Đảng Nhà Nước VNCS chưa hài lòng. Nhà Nước mới chuyển qua Quốc Hội dự luật “Luật phí và lệ phí”. Thay vì giản dị hóa, loại bỏ các khoản thu vô lý, chồng chéo lẫn nhau, cái dự luật mới lại đầy những chồng chéo, thậm chí vô lý và tận thu bừa bãi.
Tuy một số “đại biểu nhân dân” chỉ trích để kiếm phiếu, lây lòng dân, một số “báo đài” của đảng Nhà Nước phê bình để câu đọc giả, nhưng như thông lệ, như tập tục lập pháp của VNCS, Quốc Hội là đảng cử dân bầu, đai biểu nhân dân cứ “cú kêu mặc cú, xôi thịt qủi thần ăn, cán bộ đảng viên CS, Đảng Nhà Nước hưởng. Dư luật “Luật phí và lệ phí” do Nhà Nước đưa qua Quốc Hội, Quốc Hội là của Đảng, vì Đảng, do Đảng ắt sẽ “nhứt trí đồng tình” thành luật. Lệ phí lúc ấy sẽ thành luật phí giá trị cưỡng hành và phổ quát hơn lệ phí. Thì dân chúng VN lại khổ sở hơn./.
0 comments:
Post a Comment