1* Mở bài
Ngày 5-9-2014, Bộ Tư lịnh Quân khu 9 làm
lễ ra mắt lữ đoàn 950 “để bảo vệ đảo Phú Quốc trong tình hình mới”. Câu
hỏi được đặt ra là bảo vệ Phú Quốc để chống lại ai?
Cụ thể trước mắt là để chống lại lực
lượng tấn công phát xuất từ Campuchia (CPC), thế nhưng một mình nước CPC
không đủ khả năng quân sự để tấn công Việt Nam ở đảo Phú Quốc, vậy thì
nguồn gốc đe dọa phát xuất từ Trung Cộng. Hơn nữa, lãnh tụ đảng đối lập ở
Campuchia, Sam Rainsy đã nhiều lần tuyên bố “Việt Nam đã chiếm đất CPC”
và ông sẽ “đòi lại chủ quyền lãnh thổ ở đảo Phú Quốc”
Trước kia, ba ngày sau khi Cộng Sản Bắc
Việt chiếm miền Nam, tức là ngày 3-5-1975, Cộng Sản Miên Khmer Đỏ của
Pol Pot đã tấn công đảo Phú Quốc, và 6 ngày sau đó đánh chiếm đảo Thổ
Châu, đem ra giết 500 thường dân VN trên đảo. Sự việc to lớn như thế mà
người dân Sài Gòn không hay biết gì cả.
Đó là âm mưu của Trung Cộng là chia cắt
lực lượng quân sự của CSVN, một mặt cầm chân ở biên giới phía Tây Nam,
một mặt đe dọa biên giới phía Bắc, đồng thời bao vây Việt Nam.
Nguồn gốc đe dọa phát xuất từ Trung Cộng
và phương tiện thực hiện là CPC. Như vậy, cần phải xem xét lại quan hệ
giữa Hun Sen với VN, Hun Sen có đáng tin cậy hay không? mặc dù ngày
27-12-2013 Hun Sen đã đến Hà Nội cam kết là không để cho quốc gia nào
xử dụng lãnh thổ CPC làm mất an ninh Việt Nam. Không để nước nào xen vào
công việc nội bộ của CPC.
Hun Sen cũng nhắc lại lòng biết ơn không
dời đổi đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt
Nam, đã giải phóng cho người CPC.
Mở rộng hơn nữa, cũng cần xem xét Trung
Cộng sẽ chọn phe nào trong hai phe đang đối lập nhau ở CPC để làm tay
sai thực hiện ý đồ đe dọa VN. Hun Sen hay Sam Rainsy?
2* Lữ đoàn 950
Lữ đoàn 950 gồm tiểu đoàn xe tăng 357,
đại đội pháo binh 85, đại đội công binh 356. Chỉ huy trưởng lữ đoàn là
đại tá Nguyễn Trung Kiên.
Lữ đoàn có nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, nói chung là bảo vệ Tổ quốc trong “tình hình mới”.
3* Hun Sen có đáng tin cậy hay không?
3.1. Phản trắc
Mặc dù Hun Sen do CSVN dựng lên để lãnh
đạo chế độ bù nhìn trong 10 năm Việt Nam chiếm đóng. Mặc dù Hun Sen luôn
luôn lên tiếng tỏ lòng biết ơn VN, nhưng trên thực tế ông nầy đã thực
hiện những màn độc chống lại quan thầy VN.
Đó là ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, với
vai trò chủ tịch luân phiên, Hun Sen đã vâng lời Hồ Cẩm Đào nhất định
không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự, mặc dù
đã có 5 bản dự thảo đã đệ nạp.
Trung Cộng sợ rằng các quốc gia Đông Nam Á và thế giới thừa cơ hội đó để lên án, chỉ trích bành trướng bá quyền của Hán tộc.
3.2. Hun Sen chơi đòn độc, quyết hạ Việt Nam
Hun Sen cho xây một loạt các sòng bài dọc theo biên giới Miên Việt,
cho đó là một phần trong chiến lược bí mật bảo vệ lãnh thổ chống lại VN.
Hảng AFP dẫn lời của Hun Sen: “Tôi không thích sòng bạc nhưng mục tiêu
lớn nhất là bảo vệ biên giới. Người ta có thể tháo gở cột móc biên giới
nhưng không thể phá hủy một khách sạn 5 tầng”. Hàng chục sòng bạc phục
vụ cho con bạc VN, trong khi đó, người dân CPC bị cấm cờ bạc một cách
nghiêm nhặt.
Ngày 6-4-2012, Cục Cảnh sát Hình sự VN cho biết, ước tính trung bình
mỗi ngày, có trên 3,000 người Việt sang CPC đánh bạc, phần lớn đều thua
cháy túi, đưa đến những hệ lụy nhức nhối cho gia đình và xã hội.
3.3. Đòn độc của Hun Sen
Hun Sen tung ra một chiêu mà đạt được hai mục đích: bảo vệ biên giới và phá hoại văn hoá, xã hội, gia đình và cả kinh tế VN nữa.
25 sòng bạc, khách sạn, mãi dâm phục vụ cho con bạc VN, mỗi năm thu vào
20 triệu đô la tiền thuế cho nhà nước. Nhiều con bạc thua cháy túi, thế
thân từ 3,000 đến 5,000 đô la để gở vốn, nhưng rồi cũng sạch túi, phải
chịu giam cầm và hành hạ, khủng khiếp nhất và chặt ngón tay, chụp hình
gởi về thân nhân đòi tiền chuộc mạng. Nhiều cha mẹ phải bán nhà, chịu
cảnh màn trời chiếu đất, đem tiền chuộc con.
Thảm kịch xúc động nhất là người cha lừa đem con gái 13 tuổi để gán
nợ cho chủ sòng. Ông Nguyễn Văn Lâm, 41 tuổi, ở Củ Chi, sau nhiều ngày
xả láng ở casino, đã sạch túi, nợ chủ sòng 110 triệu đồng, bị bắt giam
trong “phòng chết” hành hạ, chờ tiền chuộc mạng.
Con gái 13 tuổi tên Nguyễn Thị Thúy Kiều thuật lại như sau, em đang ở
trường thì nhận được điện thoại của cha. Ông Lâm khóc nức nở yêu cầu con
gái đem cầm chiếc xe đạp, mang tiền sang chuộc cha. Ông hướng dẫn cặn
kẽ đường đi nước bước đến sòng bạc. Tuy nhiên, trên đường đi, em Thúy
Kiều bị người lái xe ôm và một thanh niên của casino lừa gạt lấy 300,000
đồng.
Khi Thúy Kiều bị giam giữ, thì người cha biệt vô âm tín.
Ngày 28-12-2012, bà Đinh Thị Hoa, 42 tuổi, mẹ của em Thúy Kiều cho
biết, nhiều cú điện thoại của sòng bạc hối thúc đem tiền chuộc con, nếu
chậm trễ thì con bà sẽ bị đem bán vào động mãi dâm ở Thái Lan.
Bà Hoa vay nợ 30 triệu đồng với tiền lời 10%, mượn khắp nơi đem tiền đến chuộc con.
Sòng bạc Hun Sen gây biết bao thảm cảnh cho gia đình và xã hội VN.
Thua bạc giết người cướp xe ôtô, con giết cha mẹ lấy tiền trả nợ và đánh
bạc, trộm cắp, cướp giật do cờ bạc.
Độc nhản long Hun Sen lợi hại thật. Chơi cạn tàu ráo máng với quan thầy VN đã dựng ông lên cầm quyền mới có ngày nay.
4* Triều đại Hun Sen còn kéo dài
Cuộc bầu cử quốc hội Campuchia ngày
28-7-2013 đảng Nhân Dân Campuchia (CPP=Cambodian People’s Party) còn
chiếm đa số ghế (63/55) nên Hun Sen vẫn tiếp tục làm thủ tướng, thủ
tướng lâu đời nhất Đông Nam Á.
Hun Sen đã từng tuyên bố, ông muốn cầm
quyền cho đến ngày nghỉ hưu, sau 70 tuổi. Và hiện tại, ông đang chuẩn bị
cho con sẽ lên “kế vị”, ông đã thăng chức cho ba người con trai để nắm
giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ, quân đội và quốc hội.
- Hun Manet (22-10-1977) tốt nghiệp Viện Đại học quân sự quốc gia Hoa
Kỳ, West Point ngày 29-5-1999. Đã nhận bằng cử nhân từ Đại tướng Dennis
J. Reimer. Lấy bằng tiến sĩ của Đại học Bristol, Anh Quốc. Trung tướng
Hun Manet hiện đang giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia
Campuchia, kiêm chỉ huy trưởng cơ quan chống khủng bố thuộc Bộ quốc
phòng.
- Hun Manith (17-10-1981), thiếu tướng giữ chức Phó Giám đốc Tình báo Quân đội.
- Hun Many (27-11-1982) là chính trị gia, đại biểu quốc hội CPC. Đứng
đầu tổ chức thanh niên trong đảng cầm quyền CPP. Du học Mỹ, Pháp, Úc. Vợ
là con gái của Phó Thủ tướng Yim Chay Li.
5* Biểu tình chống Việt Nam
5.1. Biểu tình do Đảng Cứu Nguy Dân Tộc tổ chức
Ngày 8-7-2014, khoảng 200 người Khmer
biểu tình trước sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh. Cuộc biểu tình do phong
trào sinh viên và trí thức tổ chức.
Những người biểu tình đòi quan chức sứ
quan VN là tham tán Trần Văn Thông phải công khai xin lỗi vì đã phát
biểu rằng vùng đất đồng bằng sông Mekong mà người Khmer đang sinh sống
đã thuộc về VN từ rất lâu trước kia.
Cuộc biểu tình bị cảnh sát giải tán,
không có ai bị thương hay bị bắt cả, nhưng ban tổ chức cuộc biểu tình
cho rằng một số người, bao gồm các sư sãi bị đánh đập.
5.2. Biểu tình của cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia
Ông Thạch Setha, đại diện cộng đồng Khmer
Krom, ở CPC tổ chức biểu tình, đốt cờ đỏ sao vàng và xé hình Hồ Chí
Minh đòi được tự do tôn giáo, vì chánh quyền VN đã xử dụng Hội đoàn Kết
kết Sư sãi, thuộc Mặt Trận Tổ quốc (quốc doanh) dể xen vào nội bộ người
Khmer Krom. Đòi công an Sóc Trăng phải thả hai sư sãi và 2 thanh niên bị
bắt đi mất tích.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Trần Văn
Thông cho biết “Cuộc biểu tình nầy là trái luật, và ông khẳng định “Nam
bộ là lãnh thổ không thể tách rời của VN, đã được quốc tế và cả Vương
Quốc CPC công nhận”.
Ông Mao Kises, lãnh đạo phong trào sinh
viên và trí thức cho biết “Ông Trần Văn Thông không biết gì về lịch sử
của khu vực đồng bằng sông Mekong nầy cả”. Ông nầy yêu cầu ông Thông
phải công khai xin lỗi về việc ông không hiểu lịch sử của người Khmer
Krom.
Nhiều nhà quan sát cho rằng thật ra vấn đề đất đai chỉ là chiêu bài của đảng đối lập để chống lại Hun Sen vì đã lệ thuộc vào VN.
Những cuộc biểu tình chống Việt Nam khiến
cho cộng đồng VN sống ở CPC bị kỳ thị, phân biệt đối xử và họ lo ngại
cho sự an toàn của họ.
Những cuộc biểu tình chống CSVN ở CPC và ở
một số sứ quán VN trên thế giới, thật ra không có tác dụng nào đáng kể
khiến cho CSVN phải lo ngại cả.
6* Xô xác vì sắc tộc
6.1. Một người Việt Nam bị đánh hội đồng đến chết
Tối thứ bảy, lúc 9:45 một người gốc Việt
tên Trần Văn Chiến bị một nhóm người Campuchia đánh hội đồng đến chết
tại huyện Meanchay, Phnom Penh, chỉ vì một mâu thuẩn nhỏ là đậu xe gắn
máy làm cản trở lối đi.
Số là vào lúc tối ngày nói trên, anh Trần
Văn Chiến nhận được điện thoại của một người quen cho biết anh ta bị
tai nạn giao thông trên quốc lộ 2. Khi anh Chiến đến nơi thì nạn nhân đã
được chở đi bịnh viện.
Do hấp tấp nên anh Chiến đã đậu xe làm
cản trở lối đi. Cãi cọ xảy ra. Thì bổng nhiên có tiếng người la lớn
“Youn đánh nhau với người Khmer” (Youn (Duồng) là tiếng chỉ sự miệt thị
người Việt). Thế là một nhóm 6 người CPC lao vào tấn công anh Chiến. Họ
đánh vào đầu và vào mặt khoảng 10 phút làm anh chết liền tại chỗ.
Cảnh sát cho biết, họ đã bắt người CPC tên Von Chanvutha (50 tuổi), người đã hô lên câu nói kích động chống người Việt.
Sứ quán Việt Nam cho biết, anh Trần Văn
Chiến sinh ra, lớn lên và mang quốc tịch CPC. Anh có tên CPC và tiếng
mẹ đẻ là tiếng Khmer.
Sau vụ sát hại anh Trần Văn Chiến, ông
Sam Rainsy, lãnh tụ đảng đối lập (CNRP=Cambodia National Rescue Party)
ra thông cáo như sau: “Sau khi được thông báo về vụ giết người tàn nhẩn
trên đường phố, CNRP kêu gọi toàn dân chấm dứt mọi hình thức bạo lực
trong xã hội, và thực hành văn hóa đề cao nhân quyền, yêu thương, khoan
dung và tôn trọng mọi người, bất kể tôn giáo, sắc tộc người Khmer hay
người ngoại quốc”. Đó chỉ là thủ đoạn chính trị của Sam Rainsy.
6.2. Một thanh niên Campuchia bị bảy người Việt Nam tấn công
Tâm lý chống người Việt Nam hiện đang
dâng lên cao ở Campuchia. Báo chí đưa tin một vụ xô xác xảy ra ở một
làng nhỏ gần thủ đô Phnom Penh đưa đến việc biểu tình chống Việt Nam vào
ngày 1-9-2014.
Một thanh niên CPC tên Keo Sotheara, 16
tuổi, bị một đám đông người Việt Nam tấn công trong khi Keo đang chơi
bóng đá với các bạn. Bảy người Việt Nam dùng dao, mảnh chai bể vây đánh
Keo.
Sau đó cảnh sát hốt hết 8 người về bót.
Vụ việc đưa đến một cuộc biểu tình khoảng 30 chống VN bên ngoài đồn cảnh
sát. Những người biểu tình đòi đưa Keo đi bịnh viện. Bà Kong Sotheara,
cô của Keo nói: “Tôi muốn cảnh sát đánh bọn chúng để xem máu trong người
của họ có phải là máu của người Khmer hay không”.
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy lập tức tung
video cuộc biểu tình nầy lên Facebook của ông khiến cho hàng trăm người
bình luận bài xích Việt Nam trên mạng.
Hiện nay, tâm lý bài người Việt đang lên cao ở Phnom Penh.
6.3. Một cơ sở kinh doanh của người Việt bị đập phá
Ông Sok Min: “Nhìn cảnh đập phá ngổn ngang, tôi chỉ biết ngửa mặt kêu trời.”
Lúc 4 giờ chiều ngày chủ nhật
3-1-2014, khi cuộc biểu tỉnh của công nhân may mặc CPC đòi tăng lương
tối thiểu đang diễn ra thì một nhóm người đi xe gắn máy ập đến quán cà
phê Hoàng Anh Minh do ông Sok Min và vợ Việt Nam làm chủ.
Đoàn biểu tình la lớn “Lính Việt Nam bắn chết người biểu tình nên họ phá quán để trả thù”, ông Sok Min kể lại.
Trong cuộc biểu tình, lực lượng an ninh CPC đã bắn chết 4 người và làm bị thương nhiều người khác.
Quán cà phê kinh doanh trên 10 năm nay. Làm ăn phát đạt thì bổng nhiên bị đập phá tan tành.
Các clip quay bằng điện thoại cho thấy
đám người CPC hung hăng đập phá bản hiệu, phá tường, đập gãy bàn ghế,
TV…đồ gì lấy được thì họ mang đi hết. Thiệt hại lớn nhất là cái két sắt
đựng tiền đã bị cướp mang đi. Theo ước lượng thì thiệt hại khoảng
40,000USD.
“Nhìn cảnh bị đập phá ngổn ngang tôi chỉ biết kêu trời”, ông Sok Min rơm rớm nước mắt thuật lại như thế.
6.4. Trục xuất sáu người Việt Nam
Hồi cuối tháng 8 năm 2014, sáu người Việt
Nam bị trục xuất về nước vì lý do nhập cư trái phép. Vụ trục xuất xảy
ra ở tỉnh Ratanakiri trong vụ điều tra dân số thanh lọc người Việt sống
bất hợp pháp của chính phủ.
Ông Meung Sineath, phát ngôn viên của
tỉnh cho biết, trong cuộc rà soát giấy tờ, đã phát hiện 6 trường hợp vi
phạm vì nhập cư trái phép. Đợt kiểm tra bắt đầu từ những tỉnh có đông
người Việt như tỉnh Pursat, kế đến là Kampong Chhnang.
Một số nhà hoạt động chưa hài lòng với con số trục xuất 6 người, họ muốn có nhiều hơn nữa.
7* Nguyên nhân mâu thuẩn sắc tộc giữa Việt Nam và Campuchia
7.1. Về lịch sử
Giáo sư sử học người Pháp, ông Henri Locard, người đã nghiên cứu về Campuchia gần nửa thế kỷ, nêu nhận xét như sau.
Gốc rễ mâu thuẩn sắc tộc giữa Việt Nam và
Campuchia đã nằm trong một quá trình gần 1,000 năm. Trong 100 năm cuối
cùng, toàn bộ khu vực châu thổ sông Mekong, trong đó có làng chài của
người Khmer Krom tên Prey Nokor, sau đổi thành Sài Gòn, đã trở thành
lãnh thổ của người Việt Nam.
Cho đến năm 1954, ba nước Việt-Miên-Lào
đã được độc lập từ chế độ thực dân Pháp, thế mà CPC vẫn còn đòi đất vùng
đồng bằng sông Mekong và một số đảo như Phú Quốc (tên Khmer là Koh
Tral) và đảo Thổ Châu.
“Nạn bài người Việt thực ra là thuộc phạm vi chính trị chớ không phải là phạm vi xã hội”.
Người Việt ở Campuchia ngày nay đã hội
nhập hoàn toàn vào xã hội CPC. Họ lấy tên Khmer, nói tiếng Khmer, lấy vợ
lấy chồng người CPC.
“Những gì chúng ta thấy hiện nay bắt nguồn từ sự cạnh tranh về chính trị chớ không phải người CPC ghét người Việt Nam”
7.2. “Giọt nước cuối cùng làm tràn ly”
Sau khi lật đổ Pol Pot, VN còn ở lại 10 năm. Đó là đầu mối của vấn đề, đưa đến việc Hun Sen bị cho là làm tay sai của CSVN.
Hun Sen do CSVN dựng lên, cai trị độc tài
theo kiểu Cộng Sản. Tham quyền cố vị, gia đình trị. Tàn bạo. Dân chúng
nghèo đói. Tệ nạn xã hội phát sinh như tham nhũng, trung tâm ấu dâm của
thế giới.
GS Henri Locard nêu lên sự kiện mà ông
gọi là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”, đó là “Truyền hình chiếu lại
cảnh Hun Sen đi thăm VN ngày 27-12-2013, trong đó ông đọc diễn văn bằng
tiếng Việt, nói sành sõi tiếng Việt như người Việt Nam. Ông còn có tên
Việt Nam là “May Phước”.
Thế rồi khi về nước ông lại đàn áp đẩm máu công nhân biểu tình làm chết 4 người và nhiều người khác bị thương.
Các đảng đối lập lợi dụng cơ hội đó
thường xuyên nhắc đến “Việt Nam chiếm đất Campuchia”, “Việt Nam cướp
đoạt tài nguyên của CPC”.
7.3. Người Việt Nam mới
Một trong những điều gây tức giận trong
người bản xứ là sự hiện diện của “người Việt Nam mới” sinh sống, làm ăn ở
CPC mà không có ai quản lý. Nhiều người đã sống hơn 10 năm mà không có
giấy tờ nào hợp lệ cả.
Con số ước lượng là có khoảng từ 700 ngàn đến 800,000 người.
Campuchia là sân sau của tình báo Việt
Nam. Họ hoạt động tung hoành ở nước nầy như bắt cóc, thủ tiêu những nhà
dân chủ của VN đào thoát sang nước nầy và khám phá những vụ xâm nhập vào
Việt Nam của những tổ chức chống Cộng dành tự do dân chủ cho dân tộc..
8* Tranh chấp lãnh thổ: Người Khmer Krom và lịch sử
8.1. Người Khmer Krom
Người Khmer Krom là người Khmer hiện đang
sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam mang quốc tịch VN, ở đồng bằng sông
Mekong, thuộc miền Tây Nam bộ.
Trong ngôn ngữ Khmer, chữ “Krom” có nghĩa là thấp, ở dưới, miệt dưới, tức là hạ lưu sông Mekong.
Người Khmer cho rằng khu vực nầy trước
kia là một phần của đế quốc Khmer. Theo tài liệu kiểm tra dân số năm
1999 thì hiện có 1,055,174 người gốc Khmer ở Việt Nam.
8.2. Về lịch sử của người Khmer Krom
Người Khmer là một sắc dân thiể̀u số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam
Một số tài liệu cho biết, vào thế kỷ 17,
đế quốc Khmer suy yếu do chiến tranh kéo dài liên tiếp với Thái Lan, cho
nên không kiểm soát chặt chẽ được khu vực hạ lưu sông Mekong nầy.
Trong tình trạng đó, nhiều người Việt Nam
chạy lánh nạn chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, đổ xô về vùng
nầy. Làn sóng lánh nạn ngày càng gia tăng, người Việt định cư càng to
lớn khiến cho người Khmer thu hẹp co cụm lại, họ sống ở làng chài Prey
Nokor, sau được đổi thành Sài Gòn.
Năm 1698, chúa Nguyễn ở Huế cử Nguyễn Hữu
Cảnh vào tổ chức việc quản lý, tách khu vực nầy ra khỏi chính quyền ở
Campuchia và sát nhập vào chính quyền Việt Nam. Việt Nam tiếp thu tỉnh
Psar Dèk và đổi thành tỉnh Sa Đéc. Người Khmer ở vùng nầy hoàn toàn bị
cắt đứt liên hệ với chính quyền bản xứ Campuchia. Và được gọi là Khmer
Krom.
Lịch sử ghi tổng quát như thế. Rõ ràng là
khu vực nầy trước tiên có người Khmer sinh sống. Nhưng không biết rõ
người Việt đã “lấn áp” và “xâm chiếm” bằng cách nào. Đó là vấn đề đã
được kích động về dân tộc chủ nghĩa là “người Việt chiếm đất người Miên”
đang gây tranh cãi hiện nay.
Tranh chấp về lãnh thổ giữa người Việt và
Campuchia đã có từ lâu được thể hiện qua những vụ “Miên dậy” cáp duồng
người VN, tức là Miên nổi dậy chặt đầu người VN thả trôi sông.
9* Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho triều đình nhà Nguyễn
9.1. Mạc Cửu (1655-1735)
Mạc Cửu là một thương gia trẻ người Trung
Hoa gốc ở tỉnh Quảng Đông. Vì không khuất phục triều đình nhà Thanh nên
chạy xuống phương Nam, cư trú tại Nam Vang. (Cao Miên). Vì Nam Vang bất
ổn nên Mạc Cửu xuống phía Nam sống tại phủ Sài Mạc (Hà Tiên)
9.2. Lập quốc tại Hà Tiên
Vốn là người có óc tổ chức Mạc Cửu chiêu
mộ dân chạy nạn người Việt, người Hoa, mở phố xá, xây dựng thành lũy,
đẩy mạnh việc khai hoang lập ấp, đã lập ra 7 thôn trải dài từ ven biển
Compongsom (Chân Lạp-Cao Miên) đến tận Cà Mau.
Chủ trương cho dân khai hoang tự do,
không thu thuế mà chỉ tổ chức mua sản phẩm của họ rồi bán lại cho khách
thương buôn. Chẳng mấy chốc Hà Tiên phát triển rất nhanh. Buôn bán sầm
uất. Quy tụ cư dân đến mỗi ngày càng đông, ghe thuyền thương buôn tới
lui tấp nập.
9.3. Sự thịnh vượng mang đến tai họa.
Năm 1688, quân Xiêm La (Thái Lan) vào cướp Hà Tiên và bắt Mạc Cửu đem về nước họ. Sau đó Mạc Cửu trốn thoát được.
Mạc Cửu tiếp tục lập ấp rải rác từ Kompongsom đến Rạch Giá, Cà Mau, Hà Tiên.
Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn đã xây dựng xong thành Gia Định, tổ chức đời sống rất ổn định.
9.4. Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên thần phục chúa Nguyễn
Nhận thức được muốn tồn tại thì phải có
thế lực đủ mạnh để tự bảo vệ, Mạc Cửu sai hai thuộc hạ là Trương Cầu và
Lý Xá dâng biểu lên kinh đô Phú Xuân xin nạp đất thần phục và khẩn cầu
được đứng đầu trông coi vùng đất nầy.
Năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho
Mạc Cửu làm tổng trấn Hà Tiên và phong chức Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu không
ngừng khai hoang phát triển, xây thành đắp lũy, tổ chức ổn định xã hội
và đời sống.
9.5. Vùng đất đồng bằng sông Mekong thuộc về Việt Nam
Tóm lại vùng đất hạ lưu sông Mekong ban
đầu thuộc về Chân Lạp (Cao Miên) nhưng nước nầy không hội đủ điều kiện
để trở thành một quốc gia. Đó là 3 yếu tố cần thiết là: Lãnh thổ – Dân
tộc – Chính quyền.
Về lãnh thổ thì đó là một vùng hoang vu,
không có người ở. Dân tộc là người Việt và người Hoa chạy nạn đến trú
ngụ. Về yếu tố chính quyền thì nước Chân Lạp không có lực lượng bảo vệ
dân cư và bảo vệ lãnh thổ.
Trái lại tổng trấn Mạc Cửu và lực lượng
của triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức được việc cai trị chu đáo và đời
sống cư dân rất ổn định.
Tóm lại, vùng hạ lưu sông Mekong đã chính thức trực thuộc vào Việt Nam kể từ đó.
10* Đối lập cáo buộc Hun Sen làm tay sai cho Việt Nam
Tờ báo độc lập, tiếng Anh, Cambodia Daily
dẫn lời của Sam Rainsy dưới tựa đề: “Việt Nam có ảnh hưởng quá mức đối
với Hun Sen”, cho rằng “Chúng tôi ngờ rằng chính phủ Việt Nam chắc chắn
có lời khuyên Hun Sen nên dùng vũ lực đối với người dân và công nhân
Campuchia (CPC). Khi thủ tướng Hun Sen từ VN về thì ra tay đàn áp đẩm
máu làm 4 người chết và nhiều người bị thương trong việc giải tán cuộc
biểu tình đòi tăng lương của công nhân ngành may mặc”.
Và sau đó, Nguyễn Tấn Dũng sang Phnom Penh để chúc mừng Hun Sen đã làm theo lời của họ.
Tờ báo cho biết, Hun Sen nói rằng VN đã
đầu tư vào CPC, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc mà thôi, nhưng trên
giấy tờ cho biết đầu tư của VN đứng thứ 10 hay 11.
11* Trung Cộng đổ hàng tỷ đô la vào Campuchia
Trong vòng 6 năm qua, kể từ 2006, quan hệ giữa CPC và TC trở nên chặt
chẽ hơn bao giờ hết, trong đó, Bắc Kinh đầu tư nhiều tỷ đô là vào quốc
gia nghèo nhất Đông Nam Á nầy. Chính quyền Phnom Penh đã phê chuẩn 10 dự
án đầu tư trị giá 6 tỷ USD và những khoản tiền viện trợ không hoàn trả.
Đó là những số tiền rất to so với một đất nước mà tổng sản lượng GDP
(Gross Domestic Product) chỉ có 10 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2011, TC đầu tư 1.92 tỷ USD. Con số nầy cao gấp 10 lần số đầu tư của Mỹ.
Trung Cộng đầu tư vào các lãnh vực năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ
sở, như xây nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhà máy thép, đường sá cầu
cống, bến cảng, trường học, bịnh viện, mở những khu cờ bạc, du lịch, mở
kênh truyền hình hiện đại…
Ngày 13-3-2012, hảng Reuters cho biết, các nhà đầu tư Trung Cộng đã đổ
tiền ra mua quyền khai thác rừng, và chính phủ CPC đã nhượng quyền khai
thác 7,631 km2 đất, chủ yếu là rừng. Các nhà đầu tư TC đã khôn ngoan
chọn những điểm chiến lược quân sự, đồng thời chọn những nơi có mỏ vàng
và khoáng sản khác song song với việc khai thác gỗ rừng.
11.1. Xây dựng một “Angkor Wat trên biển”
Angkor Wat và Angkor Thom là hai ngôi đền có kiến trúc tinh vi, vĩ
đại, là khu du lịch của CPC. “Angkor Wat trên biển” là khu du lịch mà TC
sẽ mở ra ở ven biển gần với vịnh Thái Lan.
Công ty Union Group Thiên Tân của Trung Cộng đã thuê 45,000 hecta đất ở
Botum Sakor trong thời gian 99 năm để mở một thành phố du lịch xem như
một “Angkor Wat trên biển”. Khu giải trí nầy bằng phân nửa diện tích của
nước Singapore, bao gồm một hệ thống xa lộ, sân bay quốc tế, hải cảng
cho du thuyền cở lớn, các khách sạn, bịnh viện, sân golf, sòng bạc, các
khu chung cư hiện đại. Một đường cao tốc 4 làn xe xuyên qua rừng già,
được xây dựng với phí tổn 1.1 triệu USD/mỗi dặm.
Dự án 3.8 tỷ USD nầy, đương nhiên là dành cho người Hoa di dân đến ở
để khai thác và điều hành việc kinh doanh. Nó cũng giống như khu Đông Đô
Phố ở Bình Dương (VN), đó là một cộng đồng riêng biệt của người Hoa với
ngôn ngữ, phong tục tập quán và cả luật lệ riêng của người Hoa. Một
nước Tàu trên đất của nước ngoài.
Thành phố “Angkor Wat trên biển” còn là một vị trí chiến lược vì nó
dễ dàng tiếp cận với Vịnh Thái Lan. Vị trí chiến lược nầy là một trong
những địa điểm của Chiến lược Chuỗi Ngọc trai (Nhất phiến trân
châu-String of Pearls) là một vòng đai từ đảo Hải Nam xuống Hoàng Sa,
Trường Sa, CPC, Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka (Tích Lan), quần đảo
Maldives và Pakistan.
11.2. Bề trái của viện trợ và đầu tư của Trung Cộng ở Campuchia
Miến Điện đã kịp thời nhận ra bộ mặt thật của Trung Cộng, là chiếm
đoạt tài nguyên, dùng tiền bạc hối lộ tạo ra tham nhũng, phá nát văn hoá
dân tộc, hủy hoại xã hội và tín ngưỡng, độc tài, tàn bạo…
Những công trình của các dự án đầu tư đều do người Hoa thực hiện nhằm giải quyết tình trạng lao động của TC.
Tiền bạc mà Trung Cộng bỏ ra, cuối cùng cũng lọt về tay của các công ty TC.
Quỹ Tiền Tệ QT IMF (International Monetary Fund-IMF) lo ngại về việc
CPC hứa mua toàn bộ điện sản xuất từ những con đập được xây dựng trên
đất nước của họ, làm mất quyền tự chủ về nguồn điện và phải trả tiền mua
trong một thời gian vô hạn định, đưa đến tốn kém, ảnh hưởng đến nổ lực
xoá đói giảm nghèo của nước nầy. Tiền mua điện tính ra thành hàng trăm
triệu USD mỗi năm.
12* Campuchia trở thành tiền đồn của Trung Cộng ở Đông Nam Á
Giới quan sát nêu nhận xét, Trung Cộng đã bỏ tiền ra mua chuộc Hun Sen,
và qua những hiệp ước hợp tác chiến lược, làm cho CPC trở thành một tiền
đồn của TC ở ĐNÁ.
12.1. Lệ thuộc về kinh tế
Hàng chục công trình mọc lên như nấm, rõ rệt nhất là ngành dệt may. Ở
đất nước 14 triệu dân nầy, dệt may cung cấp 300,000 công nhân giá rẻ,
luật lệ đầu tư đơn giản và dễ dàng đã hấp dẫn các nhà đầu tư TC. Người
Trung Hoa làm chủ, quản lý 80% nhà máy dệt may.
Sáu con đập thủy điện, hàng chục khu mỏ do người Hoa nắm giữ. Người
ta còn thấy quân đội Trung Cộng canh giữ các khu khai thác mỏ. Cấm người
lạ vào. “Đây là Trung Quốc”.
Ngoài kinh tế, CPC còn chịu ảnh hưởng về văn hoá của TC. Tiếng Hoa là
ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh. Trong 70 kênh truyền hình ở CPC có 50
kênh tiếng Hoa, vì CPC có 700,000 người gốc Hoa. Tại CPC, từ thành thị
đến những nơi hẻo lánh xa xôi, tại các xưởng may, các nhà máy, nhan nhản
những hàng chữ tiếng Tàu ở khắp nơi.
“Trung Cộng đã đầu tư 11 tỷ USD cho nên CPC là sân sau của nước nầy”, theo tờ Le Figaro.
12.2. Lệ thuộc chính trị
Giới phân tích cho rằng Hun Sen đã bắt đầu lệ thuộc vào Trung Cộng là
nước nầy chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên quan điểm đàm
phán song phương. Trước Hội Nghị ASEAN, Hồ Cẩm Đào đến yêu cầu Hun Sen,
với tư cách chủ tịch luân phiên, không đưa vấn đề Biển Đông vào chương
trình nghị sự. Vì thế, Hun Sen khăng khăng nhất định không đưa vấn đề
Biển Đông vào Bản Tuyên Bố Chung của Hội Nghị, mặc dù đã có 5 bản dự
thảo được đệ trình.
Ngày 13-7-2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 được
tổ chức tại Phnom Penh, chấm dứt trong không khí chia rẻ gay gắt, và
thái độ của Hun Sen làm mọi người kinh ngạc. Hun Sen bị tố cáo là làm
tay sai cho Trung Cộng.
Hun Sen đã tiếp tay cho TC một cách rất thành công, là phá vở được sự đồng thuận của ASEAN về Biển Đông.
GS Carl. Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, cho rằng hành động nầy phá hoại nghiêm trọng uy tín và sự đoàn kết của ASEAN.
12.3. Trục quân sự Bắc Kinh-Phnom Penh: Thêm mối lo ngại cho Thái Lan và Việt Nam
Ngày 23-1-2013, hảng Reuters đưa tin, Trung Cộng và CPC đã ký một
thỏa thuận hợp tác quân sự song phương, theo đó, TC sẽ tài trợ nhiều
trăm triệu đô la để CPC mua vũ khí của họ, đồng thời, TC tiếp tục huấn
luyện quân đội CPC.
Trong khuôn khổ thỏa hiệp vừa ký, CPC sẽ có tiền để mua ngay 12 trực
thăng Zhi-9 do TC chế tạo, trong đó có 4 trực thăng chiến đấu. Hồi năm
2010, TC cũng đã cung cấp cho CPC 250 xe jeep và xe vận tải.
Sự việc nầy làm cho Thái Lan và Việt Nam lo ngại. Thái và CPC từ lâu đã
có những cuộc đụng độ quân sự trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ
chung quanh ngôi đền ở biên giới hai nước là đền Preah Vihear.
Việt Nam thì lo ngại rằng CPC sẽ trở thành một vị trí chiến lược ở phía
Tây Nam bộ nhằm làm áp lực và đe dọa, buộc CSVN phải vâng lời cống nạp
tài nguyên vùng biển đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.
13* Vài nét về Campuchia và Hun Sen
Di sản của thế giới “Điệu múa Hoàng gia”
Quốc vương Norodom Sihamoni Angkor Wat
Thời Pháp thuộc, 3 nước Việt-Miên-Lào nằm
trong Liên Bang Đông Dương. Người dân 3 nước tự do đi lại và cư trú.
Thái tử Norodom Sihanouk, đã theo học trường trung học Lycée Chasseloup
Laubat, ở Sài gòn.
Nước Campuchia.
Diện tích: 181,040 km2 * Dân số: 13,388,910 (2008) * Lợi tức đầu người: 2,066 USD/năm 2008.
Nhà vua: Norodom Sihamoni * Thủ tướng: Hun Sen * Thủ đô: Phnom Penh
13.1. Quân đội hoàng gia Campuchia
Gồm có Lục quân, Hải quân, Không quân và lực lượng bán quân sự là Cảnh sát, Công An.
Quân số: 130,000 và 7,800 cảnh sát.
Đại bác các loại: 415 khẩu. Xe tăng và xe bọc thép: 521 chiếc gồm T-54, T-55, T-59.
Không quân: 1,000 người. Chỉ có 10 trực thăng.
Hải quân: 2,800 người. Chỉ có 5 tàu tuần trên sông và 170 canot lái bằng tay.
Lực lượng cảnh sát, công an: 7,800 người.
13.2. Thủ tướng Hun Sen
Tên đầy đủ là Samdec Akeakmohasenapadey Decho Hun Sen, sinh ngày 4-4-1951. Lãnh đạo đảng Nhân Dân Campuchia.
Quốc vương Sihamoni phong cấp Thống tướng (5 sao) cho ông năm 2009.
Hun Sen gia nhập đảng Khmer Đỏ của Pol Pot năm 1967.
Tháng 4 năm 1975, Hun Sen giữ chức Trung đoàn phó của QĐ Khmer Đỏ.
Tháng 5 năm 1977, Hun Sen sống ở Hà Nội. Đây là một bí mật có nhiều tranh cãi.
– Hun Sen tuyên bố, đào ngũ vì không thích Khmer Đỏ
– Dư luận cho rằng Pol Pot thanh trừng những cán bộ thân CSVN, cho nên Hun Sen sợ bị thanh trừng nên bỏ trốn.
– Nguồn tin cho rằng Hun Sen bị CSVN bắt trên mặt trận, đánh với Khmer Đỏ.
Nhưng dù lý do nào, thì trên thực tế, Hun Sen được CSVN đào tạo, huấn
luyện để lãnh đạo chính phủ bù nhìn do CSVN dựng lên trong thời gian
chiếm đóng Campuchia.
Hun Sen bị thương 5 lần, bị hư một con mắt phải.
14* Gián điệp Việt Nam tung hoành ở Campuchia
14.1. Trường đào tạo điệp viên hoạt động ở Campuchia
Sau năm 1975, Học viện Cảnh sát Quốc gia
nằm bên hông Trường Bộ Binh Thủ Đức, trước kia do Đại tá Trần Minh Công
làm chỉ huy trưởng, được mang tên trường K-7 để đào tạo gián điệp hoạt
động ở Campuchia (CPC).
1). Chương trình học
Chương trình học 2 năm gồm học tiếng
Khmer, văn hóa, phong tục Khmer và nghiệp vụ tình báo. Học viên là những
cán bộ đảng viên trẻ, được tuyển chọn, cùng ở chung phòng, cùng ăn
chung bàn, cùng học chung lớp với người CPC. Bước chân vào trường thì
tuyệt đối phải nói tiếng Miên. Mỗi học viên được mang tên Miên.
2). Mục đích đào tạo
Đào tạo để làm cố vấn cho các đơn vị hành
chánh, quân sự. Các đơn vị từ sư đoàn đến trung đoàn đều có cố vấn VN
đi kèm. Mỗi bộ trưởng chính phủ cũng thế.
Lâu dài hơn nữa, những người nầy mang quốc tịch CPC dự trù là sẽ ra ứng cử vào các chức vụ trong bộ máy chính quyền CPC.
3). Địa bàn hoạt động của gián điệp Cộng Sản Việt Nam trên đất Campuchia
Ngoài điệp vụ tổng quát bao trùm lên đất
CPC, hai địa bàn quan trọng là trại tỵ nạn của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ
(UNHCR=United Nations High Commissioner for Refugees) và Thái Lan mà đối
tượng là những tổ chức chống Cộng xâm nhập vào VN.
4). Mạng lưới gián điệp
Kỹ sư Bạch Ngọc Dương Anh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007.
Người đứng đầu mạng lưới gián điệp là
Nguyễn Phước Tân, tên thật là Nguyễn Văn Chấn, trung tướng Công an. Chức
vụ công khai là Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ (Bộ Công An) VN ở
Campuchia.
Một gián điệp nổi tiếng tàn ác là Nguyễn
Công Cẩm, còn tên khác là Nguyễn Cẩm Công, Ly Heng. Chức vụ công khai là
trung tá an ninh của phủ thủ tướng CPC.
Công Cẩm đội lốt người tỵ nạn hoạt động trong trại tỵ nạn.
5). Hoạt động của gián điệp Việt Cộng
- Vào trại tỵ nạn tuyển mộ người làm gián điệp cho Việt Cộng khi đến định cư ở nước thứ ba.
- Bắt cóc người đào tỵ đưa về VN giam giữ.
- Bắt cóc thủ tiêu những người bất đồng chính kiến đào tỵ sang Campuchia.
6). Những hoạt động điển hình
Ông Thạch Nhỏ, một người gốc Khmer Krom,
quốc tịch VN đã viết thơ lên Cao Ủy Tỵ Nạn (HCR) và FBI của Hoa Kỳ, tố
cáo hành động tàn bạo của tên Nguyễn Công Cẩm. Những hành vi tàn bạo như
là:
Bắt cóc nhà sư Thích Trí Lực (2002). Bắt
cóc Hồ Long Đức đưa về VN lãnh án tù 18 năm. Bắt có thủ tiêu nhà dân chủ
trẻ là Lê Trí Tuệ khi đào tỵ sang CPC. Bắt cóc nhà sư Khmer Krom Tim
Sokhun đưa về VN giam giữ.
Ngoài ra gián điệp CSVN còn bị cáo buộc
là có trách nhiệm trong vụ mất tích của nhà dân chủ đào tỵ sang CPC là
kỹ sư Bạch Ngọc Dương.
15* Kế hoạch CM-12
CM-12 là tên một chiến dịch phản gián
chống lại “Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt
Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh lãnh đạo.
CM là chữ đầu của Cà Mau. 12 là con số chỉ ngày xuất phát của mặt trận là 12-5-1981.
15.1. Phát xuất từ Campuchia
Tháng 12 năm 1980, Nguyễn Phước Tân,
người cầm đầu tình báo CSVN ở Campuchia báo cáo, ông đã cài người vào
“tổ chức phản động” và họ cho biết là đã tham gia vào việc đưa một nhóm
người Việt ở nước ngoài xâm nhập vào VN.
Lập tức, Bộ trưởng Nôi vụ (Bộ Công An)
Phạm Hùng chỉ thị cho thứ trưởng Cao Đăng Chiếm (Thiếu tướng) thành lập
ban chuyên án chống xâm nhập, mang tên CM-12. Địa bàn hoạt động của
CM-12 mở rộng từ Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sài
Gòn, Tây Ninh và các tỉnh ven biển miền Trung.
15.2. Hoạt động của “Mặt Trận Thống Nhất” Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh
Tổ chức nầy lập những trạm liên lạc ở
Thái Lan và Campuchia, tổ chức những nhóm người dẫn đường xâm nhập vào
VN bằng đường bộ và bằng đường biển sau khi lên bờ. Đến các trại tỵ nạn
tuyển mộ kháng chiến quân đem qua huấn luyện ở Thái Lan.
Lập những căn cứ bí mật trong nước để cất
giấu vũ khí, thiết lập điện đài. Tổ chức những nhóm tuyên truyền, móc
nối với các lực lượng khác thuộc Cao Đài và Hòa Hảo.
Mật vụ VC đội lốt tỵ nạn ở CPC đã được cài vào tổ chức, một số trinh sát được lịnh thâm nhập vào cơ sở đầu tiên ở trong nước.
Suốt 3 năm xâm nhập, Mai Văn Hạnh cũng có
vài lần về nước để xem xét các căn cứ bí mật được thiết lập tại các
cánh rừng thuộc huyện Trần Văn Thời.
15.3. Mặt trận bị phá vở
Trong suốt 3 năm, gián điệp Việt Cộng xâm
nhập vào gần như hầu hết các bộ phận của Mặt Trận Thống Nhất. Họ đóng
vai trò đạo diễn trong các bước hoạt động.
Những căn cứ bí mật cất giấu vũ khí đã được thành lập, ba điện đài hoạt động, trong nước đã móc nối được 10 nhóm tham dự.
Ngày 9-9-1984, khi hai chiếc tàu của
chuyến thứ 18 đã xâm nhập vào Hòn Đá Bạc (Cà Mau) thị bị bao vây, và
toàn thể bị bắt. Riêng Lê Quốc Túy vì bịnh nặng nên không có mặt trong
chuyến đi nầy, và được biết là đã qua đời vào ngày 25-1-1988.
Trong suốt 3 năm xâm nhập, 148 người bị
bắt, 300 tấn vũ khí và 14 tấn tiền Việt Nam giả. 16 điện đài, 10 tổ chức
nội địa với 9 “đối tượng” đầu mối. Toàn bộ gồm 996 người có liên hệ
với Mặt Trận Thống Nhất.
15.4. Các thành viên của Mặt Trận Thống Nhất Giải phóng Việt Nam
Lê Quốc Túy: Chủ tịch
Mai Văn Hạnh: Chủ tịch quốc ngoại
Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Tấn Khoa: đồng chủ tịch quốc nội
Trần Văn Bá: Tham mưu trưởng
Những thành viên khác: Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Huờn, Hoàng Đình Mỹ, Thạch Sanh, Nguyễn Văn Trạch …
15.5. Tòa án
Trần Văn Bá và Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch
Phiên tòa từ 14 đến 18-12-1984.
Tử hình 5 người: Mai Văn Hạnh, Lê Quốc
Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch và Trần Văn Bá. Ngày 8-1-1985 Trần
Văn Bá, Lê Quốc Quân (Hòa Hảo) và Hồ Thái Bạch bị xử tử ở sân bắn Long
Bình.
Tù chung thân: 3 người. Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Huờn và Hoàng Đình Mỹ.
Tù từ 8 đến 20 năm: 13 kháng chiến quân.
Mai Văn Hạnh mang quốc tịch Pháp, chính phủ Pháp can thiệp nên được thả về Pháp sau vài năm tù.
Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do tướng Yongchaiut Tham mưu trưởng Lục quân tích cực giúp đỡ tổ chức nầy.
Những người con kiên cường của dân tộc đã
từ bỏ cuộc sống êm ấm để dấn thân vào con đường đầy gian nan, nguy hiểm
trùng trùng chỉ vì cái chính nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ cho dân
tộc.
Sự hy sinh của họ đã viết thêm những
trang sử oai hùng của người Việt Nam. Anh hùng Trần Văn Bá đã được Sáng
Hội Tượng đài Nạn nhân của chế độ Cộng Sản (VOCMF=Victims of Communism
Memorial Foundation) trao tặng Huy chương Tự do Truman-Reagan. Buổi lễ
được tổ chức tại tòa đại sứ Hungary ở thủ đô Washington, D.C. vào ngày
15-11-2007. Thân nhân anh được mời đến dự lễ và nhận huy chương.
Ở Falls Church, Virginia (Mỹ) có một con đường mang tên Trần Văn Bá.
Tại Liège (Bỉ), một mộ bia được dựng lên để vinh danh và tưởng niệm anh hùng Trần Văn Bá.
16* Trung Cộng sẽ chọn ai làm tay sai: Hun Sen hay Sam Rainsy?
16.1. Tổng quát về Sam Rainsy
Sam Rainsy sinh ngày 10-3-1949. Du học
Pháp nhận được nhiều bằng đại học về kinh tế, tài chánh và chính
trị…Người lập ra Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP=Cambodia National
Rescue Party)
Các nhà phân tích nêu nhận xét, ông là một nhà chính trị thời cơ và hoang tưởng.
Trước kia, ông tham gia những tổ chức dân chủ của Đài Loan chống lại độc tài Cộng Sản. Bị Trung Cộng cảnh cáo.
Sau nầy tuyên bố rất hãnh diện về mối
liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc vì tổ tiên nhà ông là người Trung Hoa.
Ông là người Miên có máu Tàu.
Ông tuyên bố những đảo đang tranh chấp ở
Nam Hải (Biển Đông) là thuộc về Trung Quốc. Việt Nam đang nổ lực cướp
đoạt. Việt Nam xấu lắm vì đã cướp đất của người Khmer. Nếu đắc cử ông sẽ
lấy lại toàn bộ đất Nam Kỳ và trả lại cho nhân dân. Đắc cử sẽ đuổi tất
cả Youn (duồng) ra khỏi CPC.
“Trung Quốc là một cường quốc, không ai có thể bỏ qua. Trung Quốc là tương lai”
Cho đến nay chưa thấy Trung Cộng có lời phát biểu chính thức nào ủng hộ ông cả.
16.2. Lợi thế của Hun Sen
Mặc dù Hun Sen do CSVN dựng lên nhưng quá
khứ đã chứng tỏ rằng ông nầy rất dễ sai bảo và biết vâng lời. Ưu thế
của Hun Sen là gia đình ông cùng với các suôi gia đang nắm giữ những
chức vụ quan trọng như quân đội, tình báo, truyền thông từ trung ương
đến địa phương. Chế độ cai trị hiện tại ở CPC cũng tương tự như ở Bắc
Kinh, là độc tài.
Trong khi đó, Sam Rainsy không có một tí
quyền lực nào cả. Nếu như đảng CNRP chiếm đa số ghế trong quốc hội, ông
sẽ ra làm thủ tướng mà trong tay không có binh quyền thì dễ đưa đến
tranh chấp nội bộ, đảo chánh xảy ra. Ông không được một cường quốc Tây
phương là đồng minh cả nên không có chỗ dựa.
17* Kết luận
Việc thành lập lữ đoàn 950 bảo vệ Phú
Quốc cho thất CSVN không hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của Hun
Sen. Dù sao thì phòng thủ trước cũng an tâm hơn.
Mặc dù Sam Rainsy nhiều lần tuyên bố ủng
hộ và theo Trung Cộng nhưng bản tánh con người của ông không đáng tin
tưởng cho nên khó được Trung Cộng chọn làm tay sai.
Thật ra, Trung Cộng không có ý định tiêu
diệt đảng và chế độ hiện nay ở VN. Họ chỉ làm áp lực để chiếm tài nguyên
mà thôi, bởi vì khi đảng và chế độ hiện nay bị tiêu diệt, và một chế độ
dân chủ tự do thật sự thì kể như Trung Cộng trắng tay. Ở CPC cũng bậy,
có thể lợi dụng Sam Rainsy để làm áp lực buộc Hun Sen ngoan ngoản vâng
lời mà thôi.
Trúc Giang
Minnesota ngày 24-9-2014
http://baotoquoc.com/2014/09/24/truc-giang-mn-thanh-lap-lu-doan-phong-ve-dao-phu-quoc-de-chong-lai-ai/
0 comments:
Post a Comment