Trung Quốc ngày càng hung hăng, không biểu lộ ý định dàn xếp hòa bình ở Biển Đông.
Hãy hình dung rằng Trung Quốc sẽ xây một phi trường quân sự ở Biển Đông, nơi ngó vào Đà Nẵng hay Nha Trang... nghĩa là, khi hữu sự, căn cứ quân sự Không quân đó sẽ là nơi xuất phát mưa bom.
Họ không giấu ý định ăn dầm nằm dễ ở Biển Đông: Ông Yi Xianliang, 1 thứ truởng ngoại giao của Trung Quốc, khẳng định với nhà báo rằng Trung Quốc có quyền xây dựng tại các hải đảo vì nhu cầu cải thiện đời sống – ông Yi nhấn mạnh “Không ai có thể thay đổi lập trường của Trung Quốc” và lưu ý là các nước khác hành động tương tự từ nhiều năm, nay đặt vấn đề là chủ trương “nuớc đôi”.
Truyền thông Hong Kong đã báo tin: Bắc Kinh định kiến thiết phi đạo tại đảo đá ngầm Fiery Cross - nhưng thứ trưởng Yi nói là không hay biết.
Trong khi đó, bản tin RFI cho biết rằng Philippines khẳng định có được sự ủng hộ về kế hoạch hành động ở Biển Đông.
Bản tin RFI viết:
“Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Diễn đàn an ninh khu vực Châu Á – ARF, sẽ được tổ chức tại Miến Điện vào tuần này, Philippines đã chuẩn bị một kế hoạch ba phần để làm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Hôm nay, 04/08/2014, Manila cho biết đã thuyết phục và có được sự ủng hộ của Việt Nam, Indonesia và Brunei về kế hoạch này.
Kế hoạch của Philippines kêu gọi ngừng mọi hoạt động có nguy cơ gây căng thẳng và thực hiện Tuyên bố chung về Biển Đông, nơi có tầm quan trọng đặc biệt về giao thông hàng hải và có nguồn hải sản, trữ lượng dầu khí rất lớn.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, trong các chuyến công du vừa qua tại Brunei, Việt Nam và Indonesia, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã «nêu ra kế hoạch hành động bao gồm ba phần và tất cả những nước này đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến nói trên». Mặt khác, Ngoại trưởng Rosario và các thành viên phái đoàn Philippines sẽ đề cập đến dự thảo kế hoạch hành động của Manila trong các cuộc thảo luận của ASEAN trong thời gian tới...
...Trong tuần này, có nhiều hoạt động ngoại giao đáng chú ý tại Miến Điện, nước hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN: Đó là cuộc gặp của các Ngoại trưởng ASEAN với các đối tác thương mại quan trọng trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Diễn đàn đối thoại về an ninh khu vực, ARF, bao gồm 27 quốc gia thành viên, trong đó có cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc.”(hết trích)
Bản tin khác của RFI ghi nhận khuyến cáo từ một viện nghiên cứu chiến lược.
Bản tin hôm Thứ Hai RFI nói rằng:
“Trong hai ngày, 10 – 11/07/2014, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS – đã tổ chức một cuộc hội thảo về Biển Đông và sau đó cho công bố một tài liệu 22 trang với tựa đề: «Xu hướng gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ».
CSIS là một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chính quyền Obama thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á.
Sau khi nhắc lại các sự kiện trong năm qua, như các vụ đối đầu nguy hiểm giữa tàu bè Trung Quốc và Việt Nam, Philippines, vụ Manila kiện Bắc Kinh lên tòa án trọng tài quốc tế, việc Mỹ ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines, các chuyên gia của CSIS cho rằng, Washington cần phải cứng rắn hơn và tập trung vào hai việc: Thiết lập cơ sở pháp lý để bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh và gia tăng sự hiện diện quân sự trong vùng....
...CSIS kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ thiết lập một bản đồ các tranh chấp trong vùng, bao gồm các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa chồng lấn giữa các nước duyên hải, các quyền hàng hải của những hòn đảo đang có tranh chấp.
Mặt khác, CSIS kêu gọi ngưng tất cả các hoạt động xây dựng, san lấp, tại những khu vực đang có tranh chấp. Hoa Kỳ và Philippines lo ngại là Trung Quốc tiến hành các hoạt động này trong quần đảo Trường Sa nhắm biến các bãi đá thành đảo, thực hiện chính sách mở rộng lãnh thổ.
Trước thái độ hung hăng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, CSIS chủ trương là Hoa Kỳ đẩy mạnh sự hiện diện về quân sự trong vùng qua việc gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam và Philippines.
Các chuyên gia CSIS cho rằng cần phải xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội, qua đó hỗ trợ Việt Nam trở thành «một vật cản khả tín chống lại sự hung hăng của Trung Quốc». Ngày 17/06 vừa qua, ông Ted Ossius, người vừa được Tổng thống Obama bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam, đã phát biểu tại Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng không có lúc nào thuận lợi hơn năm nay do việc Việt Nam muốn tăng cường quan hệ đối tác với Hoa Kỳ...”(hết trích)
Trong khi đó, bản tin báo Người Lao Động nói rằng màn diễn giàn khoan vẫn chưa dứt nổi.
Báo NLĐ hôm Thứ Hai kể:
“Theo báo Wall Street Journal (WSJ), các công ty Trung Quốc, từ Tập đoàn dầu khí quốc gia cho đến những doanh nghiệp nhỏ hơn đều đang đặt làm thêm nhiều tàu và giàn khoan mới để phục vụ cho hoạt động khai thác xa bờ. Tổng trọng tải tàu và giàn khoan Trung Quốc đặt hàng trong 6 tháng đầu năm nay đạt 126.300 tấn, vượt quy mô cả năm nếu tính từ 2010 tới nay – theo Cơ quan tư vấn thông tin hàng hải - IHS Maritime.
Trung Quốc đã yêu cầu xây dựng giàn khoan Hải Dương 982 trọng lượng 30.000 tấn để vận hành ở biển Đông và còn 2 chiếc nữa đang được sản xuất theo kế hoạch. Những giàn khoan này có quy mô tương tự giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vừa rút khỏi vùng biển Việt Nam hôm 15-7 sau thời gian đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Được biết, Giàn khoan Hải Dương 982 có khả năng khoan sâu 1.500 m và chịu được bão, biển động. Theo WSJ, giàn khoan này được thiết kế chuyên dùng ở biển Đông, dự kiến hoạt động vào năm 2016. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đặt thêm 40 tàu hộ tống – tăng cường sức mạnh cho hơn 100 tàu hiện có.”(hết trích)
Hung hiểm vậy. Lẽ ra phải thấy từ nhiều thập niên trước.
0 comments:
Post a Comment