Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 17 March 2014

Dân Muốn Biết : Đấu tranh không phải là van xin

Đấu tranh không phải là van xin

Miền Nam Việt Nam: Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào ách cai trị của cộng sản đã 39 năm, và nếu tính thêm miền Bắc từ năm 1954 thì chủ nghĩa cộng sản đã ngự trị trên giải đất hình chữ S tổng cộng đã 60 năm. 60 năm dài dẵng nằm dưới sự cai trị của một chủ nghĩa không tưởng bởi một nhóm người giáo điều và tàn độc, đã vắt kiệt mọi tài nguyên đất nước cũng như tiềm năng dân tộc. Không người Việt Nam nào còn chút lương tri và lòng yêu nước không cảm thấy tức giận với đám người cộng sản này, và mong muốn cái bóng ma cộng sản mau cút hẳn khỏi giải đất Việt Nam thân yêu.
 
Nhưng phải làm gì để đánh đuổi chủ nghĩa độc tài cộng sản ra khỏi Việt Nam?
 
Van xin ư?
 
Hai chữ ‘van xin’ nghe có vẻ nhục nhã nhưng thật mỉa mai, đã có không ít người ưa thích. Trong công cuộc đấu tranh chống cộng sản, ‘van xin’ vẫn xuất hiện, ngay cả ở vào những thời khắc mà sự đàn áp người dân của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trở nên thô bạo hơn bao giờ hết như hiện nay. Tuy nhiên tinh thần ‘van xin’ trong đấu tranh được che dấu dưới các vỏ bọc "cao thượng" như "ôn hòa, bất bạo động, yêu chuộng hòa bình, tránh đổ máu…" Thử điểm qua một vài hình thái ‘van xin’ tiêu biểu.
 
Van xin núp dưới lời kêu gọi "cải cách
 
Các diễn biến thay đổi từ độc tài sang dân" chủ trên thế giới như  sự cải cách chính trị thần tình của Thủ tướng Miến Điện Thein Sein, đã làm không ít trí thức Việt Nam ước mơ một trường hợp tương tự như thế, được cho là phiên bản đẹp đẽ nhất cho Việt Nam. Có thể nói, chỉ cần giới lãnh đạo CSVN có một chút tinh thần dân tộc thì họ có dư khả năng để xoay chuyển đất nước như ông Thein Sein. Ước mơ tuyệt đẹp này được thể hiện qua các lời kêu gọi hay kiến nghị về các chủ đề như: "đảng CSVN hãy đặt quyền lợi đất nước lên trên hết và đề phòng Trung cộng trong mọi lãnh vực; đảng CSVN nên bài trừ tham nhũng để lấy lại danh tiếng và uy tín cho đảng; nhà cầm quyền CSVN nên giảm bớt lãnh vực quốc doanh, đồng thời cho phép gia tăng tư doanh để tạo nên một nền kinh tế có tính cạnh tranh vững mạnh; hiến pháp VN nên cho phép tự do cạnh tranh chính trị bằng cách bỏ điều 4 để trong sạch hóa hệ thống cai trị và đem lại tính chính đáng cho đảng CSVN; nhà cầm quyền nên tôn trọng tư hữu đất đai để ngăn ngừa bạo loạn xã hội xảy ra, dẫn đến sự sụp đổ chính quyền", và vân vân.
 
Trong các điều trên đây, chỉ xét riêng vấn đề chống tham nhũng cũng thấy không thể thực hiện được khi hệ thống toàn trị cộng sản còn tại vị. Nếu có ít kiến thức về chính trị cũng hiểu rằng phương thuốc trị tham nhũng phải là hệ thống cai trị có kiểm soát và cân bằng, hay nói cách khác là hệ thống cai trị tam quyền phân lập với các tiêu chí tôn trọng nhân quyền. Nếu đưa ra lời kêu gọi yêu cầu nhà cầm quyền độc tài CSVN chống tham nhũng hay thực thi nhân quyền thì chẳng khác nào kêu gọi con cáo bảo vệ con gà. Tham nhũng chính là nguồn sữa nuôi dưỡng chế độ. Diệt trừ tham nhũng thì chẳng khác nào bỏ đói viên chức chế độ và hậu quả tất yếu là làm chế độ sụp đổ.
 
Van xin núp dưới lời đề nghị "hòa giải"
 
"Hòa hợp hòa giải" thường được hiểu theo hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là giữa nhà cầm quyền CSVN với phong trào đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước và trường hợp thứ hai là giữa nhà cầm quyền CSVN với toàn dân tộc. Trong cả hai trường hợp, sự hòa giải chỉ có thể được thực thi khi kẻ có tội theo luật pháp phải lãnh án và bị trừng phạt. Cộng sản Việt Nam đã gieo biết bao đau thương và phạm biết bao tội ác với người dân Việt Nam thì họ phải đền tội. Hòa giải không có nghĩa là xí xóa mọi thứ và bắt đầu lại một ngày mới. Tha thứ cho kẻ phạm tội không phải là yêu thương hay quảng đại mà là toa rập với kẻ ác. Hòa giải phải là tìm cách đem lại một xã hội mà công lý được tôn trọng, và từ đó một xã hội hòa bình mới có thể được tái lập. Vì thế, hòa hợp hòa giải không phải là sự bắt tay thỏa thuận những điều kiện giữa hai phe mà là một tiến trình thực thi công lý để tạo dựng một xã hội hòa bình, không còn hiềm khích, chiến tranh. Những kẻ kêu gọi hòa giải với đảng CSVN, nếu không bắt đầu bằng việc đưa các đảng viên cộng sản vi phạm luật pháp hay phạm các tội ác ra tòa xét xử mà với chiêu bài thỏa thuận hay đối thoại chỉ là những kẻ ăn mày chức vụ với nhà cầm quyền cộng sản.
Van xin núp dưới quan điểm chuyển đổi ôn hòa
 
Có thể nói ‘chuyển đổi ôn hòa’ là một kịch bản vô cùng tốt đẹp cho Việt Nam để đạt được dân chủ và cũng là một ước mơ mà mọi người Việt Nam đều mong muốn. Nhưng thực tế là một chuyện bất khả thi nhất. Làm sao giới lãnh đạo cộng sản có thể từ bỏ mọi đặc quyền đặc lợi đang sẵn có, khi vẫn còn vắng bóng những lực lượng đối kháng đe dọa tới địa vị của họ? Bằng thiện tâm ư? Bằng tấm lòng yêu nước ư? Giả như giới chức chính quyền cộng sản đồng loạt từ chức, với sự bảo đảm được an toàn tính mạng và được giữ nguyên vẹn tài sản, thì ai, giới nào sẽ là người thay thế? Giới thay thế có khả năng đưa đất nước đi tới dân chủ hay không? Điều gì bảo đảm những người thay thế sẽ khởi sự tiến trình dân chủ?
 
Với suy nghĩ này, quan niệm chuyển đổi ôn hòa đã được đặt trên nền móng cảm tính, hy vọng giới lãnh đạo cộng sản biết sáng suốt thực thi dân chủ từng bước. Quan điểm này đã bỏ quên yếu tố căn bản của hệ thống dân chủ, trong đó việc điều hành quốc gia được thực thi bằng luật pháp. Ngược lại, hệ thống độc tài được điều hành bằng con người, nhà độc tài quyết định số phận của người dân. Điều này có nghĩa là muốn thực hiện dân chủ thì phải bắt đầu bằng bộ luật mà khởi đầu là Hiến pháp và cơ cấu tam quyền phân lập. Như thế, việc cho rằng người cộng sản có thể và có khả năng dần dần từng bước thực thi dân chủ là điều không thể xảy ra. Nếu có cũng chỉ là dân chủ cuội.
 
Van xin với lời kêu gọi thoái đảng
 
Gần đây, tháng 12 năm 2013, có hai đảng viên cộng sản tuyên bố "từ bỏ đảng" và đồng thời kêu gọi "các đảng viên cộng sản có tinh thần yêu nước cũng hãy can đảm tiếp theo bước". Lời kêu gọi này chỉ có thể mang chút hiệu ứng về tuyên truyền với dụng ý đánh đổ tính chính đáng của đảng CSVN, nhưng xét về mục tiêu của lời kêu gọi thì sẽ không có hiệu quả vì đa số đảng viên đều có quyền lợi gắn liền với thẻ đảng. Sẽ khó có đảng viên chịu hy sinh mất hết tài sản, mất công ăn việc làm, và đồng thời những người trong gia đình cũng sẽ bị vạ lây, để được "tiếng thơm yêu nước". Trong thời điểm hiện nay, khi phong trào đối kháng còn đang ở trạng thái ‘van xin’ nhiều hơn các hành động đối đầu thì chẳng có ai dại gì phản lại ông chủ ban phát chén cơm cho mình. Tuy rằng áp dụng phương án đấu tranh làm suy yếu đối phương bằng cách gây chia rẽ nội bộ đối phương hay lôi kéo nhiều phần tử đối phương về phe mình là một phương án tích cực, nhưng phương cách này chỉ có thể có hiệu lực ở thời điểm khi lực lượng đối kháng có sức mạnh tương đương hay hơn nhà cầm quyền.
 
Các chủ trương mang hình thức ‘van xin’ như kể trên thực ra chưa từng được chứng minh có khả năng chuyển đổi một nhà nước độc tài sang dân chủ. Ngược lại, cuộc cách mạng dân chủ nào cũng mang sắc thái đối đầu quyết liệt mà trận chiến cuối cùng bao giờ cũng xảy ra với ít hay nhiều bạo động, cho dù phương thức đấu tranh là bất bạo động. Điều này hiển nhiên phản ảnh thực tế là mọi nhà độc tài đều biết rằng họ sẽ bị trừng phạt khi mất chức vị, và vì thế họ phải chống cự tới cùng. Trong lịch sử từ cổ chí kim, không nhà độc tài nào chuyển giao quyền hành một cách êm thắm và tự nguyện. Vì thế, muốn lật đổ một chế độ độc tài thì phải sẵn sàng cho một cuộc so sánh sức mạnh. Chế độ độc tài phải bị đánh bại.
Hiện nay phong trào đấu tranh dân chủ, có thể nói, đang dần thành hình cho dù chưa thể có thống kê cụ thể các hoạt động, thế lực cũng như nhân sự. Nhưng nếu nhìn về phía nhà cầm quyền để tìm thước đo thì người ta có thể nhận ra rằng trong thời gian gần đây, nhà cầm quyền CSVN ngày càng lo sợ hiện tượng ‘diễn biến hòa bình’: họ liên tiếp cho ra nhiều điều luật để có thể bắt giam những nhà bất đồng chính kiến, họ cho lực lượng công an, cảnh sát diễn tập chống biểu tình, họ còn tìm cách thu nhận giới du đãng vào hàng ngũ bảo vệ đảng vì sợ số lượng cảnh sát công an không đủ dùng khi hữu sự. Giới lãnh đạo đảng CSVN cũng không ngớt nhắc nhở lực lượng công an về vai trò chính yếu của nó là "bảo vệ đảng". Những động thái mang vẻ đề phòng này nói lên tầm vóc của phong trào dân chủ, chứng tỏ phong trào đối kháng đang là mối lo hàng đầu của đảng CSVN.
 
       
Trong thời điểm hiện tại, khi đem so sánh lực lượng giữa phong trào dân chủ và nhà cầm quyền cộng sản thì tư tưởng đánh đổ đảng CSVN như thể khó có thể thực hiện; nhưng thực tế cho thấy không còn cách nào cứu đất nước khỏi sự suy vong ngoài việc phải đánh đuổi chủ nghĩa cộng sản ra khỏi Việt Nam. Tương lai của đất nước phải do bàn tay người dân Việt Nam trong và ngoài nước xây dựng nên, không phải do đảng viên cộng sản ban cho hay bất cứ thế lực ngoại quốc nào giúp đỡ. Tất cả phải bắt đầu từ bàn tay chính mình.
 
Van xin không phải là giải pháp cho vấn đề mà chỉ đưa tới thỏa hiệp với kẻ ác!
 
Trần Văn Minh
11/3/2014
 http://motgocpho.com/forums/showthread.php/25013-%C4%90%E1%BA%A5u-tranh-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-l%C3%A0-van-xin

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.