Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Thursday 20 February 2014

NHÂN QUYỀN: NỖI BẤT HẠNH TRÊN QUÊ HƯƠNG

Sau phiên điều trần trước UPR (Universal Periodic Review) về Nhân Quyền ở Thuỵ Sĩ ngày 5-2-2014, chính quyền Cộng Sản Hanoi đã bị thế giới đưa ra 227 khuyến nghị liên quan đến tự do ngôn luận (bao gồm cả tự do internet), tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp. Những khuyến nghị này chứng tỏ cộng sản Hanoi, mặc dầu đã được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12-11-2013 với nhiệm vụ và cam kết mới về Nhân Quyền, thế nhưng họ đã không tôn trọng những gì đã cam kết. Tuy nhiên, độc giả vẫn có thể tha thứ, vì nghĩ rằng thời gian từ Tháng 11/2013 (cs Hanoi được bầu vào hội đồng nhân quyền LHQ) cho đến Tháng 2/2014 (cs Hanoi điều trần về nhân quyền trước hội đồng nhân quyền LHQ) được xem là quá ngắn để thực thi những gì đã cam kết. Như vậy, mọi người còn phải kiên nhẫn chờ đợi thêm 5 tháng nữa kể từ Tháng 2/14, để xem cs Hanoi sẽ làm gì sau khi nhận được 227 khuyến nghị, và cũng là thời hạn để họ phải phúc đáp cho Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về vấn đề Nhân Quyền trong nước.
So sánh với năm 2009, buổi họp về Nhân Quyền chỉ có 60 nước tham gia phát biểu, đưa ra 123 khuyến nghị chỉ trích Hanoi; thì năm nay, 2014 có đến 107 nước tham gia phát biểu, với 227 khuyến nghị. Rõ ràng tình trạng nhân quyền như vậy đã không giẫm chân tại chỗ, mà còn là một sự thoái bộ. Thế nhưng trong số 123 khuyến nghị được đưa ra năm 2009 thì cs Hanoi chỉ thực thi được 96 khuyến nghị, còn 27 khuyến nghị khác đã bị “chìm xuồng”. Và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người tranh đấu cho Nhân Quyền theo đó, cũng đã bị “chìm” theo! Khốn khổ! Không biết rồi đây, trong số 227 khuyến nghị của năm 2014, sẽ có bao nhiêu điều được thực thi và bao nhiêu điều bị “chìm xuồng”, và rồi cũng theo đó, sẽ có bao nhiêu người tranh đấu cho Nhân Quyền bị “chìm” theo!? Thật khó đoán! Nhưng dù sao mọi người vẫn cứ hy vọng mong manh rằng, năm 2009 cs Hanoi chưa là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cho nên họ chưa tích cực; còn năm 2014 họ đã là thành viên của Hội Đồng này, thì có thể sẽ có “đổi  mới tư duy”!?
Dĩ nhiên, tất cả mọi người Việt Nam rất mong có sự đổi mới. Nhưng nếu chỉ nhìn vào quá khứ thì thấy thất vọng, vì kinh nghiệm cho biết, người cộng sản không bao giờ giữ lời hứa, ngay cả khi họ cam kết bằng cách ký tên vào các các văn kiện quốc tế và được quốc tế chứng kiến. Chẳng hạn như khi cs Hanoi ký kết Hiệp Định Đình Chiến với Pháp ở Genève năm 1954, giải quyết chiến tranh Đông Dương, quy định lấy Vĩ tuyến 17 tức Sông Bến Hải làm ranh giới giữa hai miền Nam-Bắc; quân đội cộng sản miền Bắc phải rút hết về phía Bắc vĩ tuyến, và quân đội miền Nam phải rút hết về phía Nam. Thế nhưng đến khi thi hành Hiệp Định này, thì Lê Duẩn, ban ngày lên tàu trở ra miền Bắc nhằm đánh lừa Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, nhưng ban đêm thì ông ta lại lén lút rời khỏi tàu để ở lại với quân đội cộng sản trá hình nhân dân miền Nam với nhiều vũ khí, đạn dược đã được chôn dấu sẵn từ trước để chống phá chính quyền miền Nam. Tương tự, đến năm 1973, khi cs Hanoi vừa ký kết xong Hiệp Định Hoà Bình 4 bên ở Paris, giải quyết chiến tranh Việt Nam, thì ngay tức khắc, họ đã lợi dụng sự rút lui của quân đội đồng minh tham chiến ở miền Nam Việt Nam, để gấp rút xua đại hùng binh từ miền Bắc vào miền Nam với sự hỗ trợ tích cực -- cộng với xe tăng, pháo binh và các vũ khí rất tối tân -- của khối CS Quốc Tế để đánh phá Việt Nam Cộng Hòa. Chẳng cần quan tâm tới những gì đã cam kết, cs Hanoi nhanh chóng tiến hành âm mưu đã định sẵn, cưỡng chiếm Saigon vào Tháng 4/1975 trước sự im lặng khó hiểu của những quốc gia có trách nhiệm với bản kết ước vừa mới ký. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ phản bội lời hứa khác nữa, đã từng xảy ra vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam còn đang diễn tiến. Chẳng hạn như, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, cs Hanoi đã đồng ý với Việt Nam Cộng Hòa cùng hưu chiến để cùng ăn Tết, thế nhưng cũng chính họ đã lợi dụng hưu chiến để bất thình lình tấn công vào đối phương, mà điển hình nhất là cuộc tấn công đẫm máu, man rợ, kinh hoàng xảy ra trên khắp các thị trấn miền Nam, đúng vào đêm giao thừa Tết Nguyên Đán năm Mậu Thân 1968.
Cho nên không ai tin vào lời hứa của cs Hanoi, đặc biệt là những người Việt Nam đã có thừa kinh nghiệm xương máu. Nhưng thật đáng buồn, từ trước đến nay, các tổ chức quốc tế chưa hề có biện pháp chế tài hữu hiệu nào đối với những vi phạm trầm trọng rất hiển nhiên của cs Hanoi; mà ngược lại, các tổ chức này còn trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho những vi phạm ấy. Chẳng hạn như mới đây, sáng ngày 12-11-2013, cs Hanoi đã được bầu vào ghế của hội viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu 184/192. Mặc dầu trước đó, Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại đã gửi 2 thỉnh nguyện thư, nêu rõ tình trạng tồi tệ về Nhân Quyền ở Việt Nam để tố cáo trước dư luận: một thỉnh nguyện thư gửi cho ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon với chữ ký của các đại diện một số tổ chức hội đoàn, và một thỉnh nguyện thư khác do đài truyền hình SBTN thực hiện với hàng trăm ngàn chữ ký của đồng bào ta, nêu rõ tên tuổi những người tranh đấu cho nhân quyền đang bị cầm tù, bị đánh đập dã man chỉ vì họ muốn thể hiện lòng yêu nước chống ngoại xâm, thể hiện niềm tin tôn giáo một cách ôn hòa. Nội dung các thỉnh nguyện thư ấy cho rằng: như vậy cs Hanoi không xứng đáng được ngồi vào ghế hội viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. 
Ngoài ra, cũng còn phải kể thêm những tiếng nói của đồng bào trong nước qua những blogger,  qua điên thoại di động yểm trợ cho các thỉnh nguyện thư nêu trên. Và nếu những ai đã từng quan tâm đến vấn đề nhân quyền đều biết rõ các ông: Benjamin Ismail, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới; Phil Robertson trong tổ chức Human Rights Watch; Ed Royce, dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ và nhiều viên chức khác nữa đều đưa ra những ý kiến tương tự, lên án những hành vi dùng bạo lực của cs Hanoi trấn áp, bỏ tù, đánh đập man rợ những người bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa. Những ông này không phải là những người mang “nợ máu với nhân dân”, cũng chẳng phải là “thế lực thù địch”, họ chỉ muốn giúp Hanoi hiểu rõ vai trò của mình về vấn đề nhân quyền, làm sao để phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Nhưng rất tiếc, tất cả đều bị khước từ, bị cho là “can thiệp vào nội bộ”, trước luận điệu “tự do, dân chủ, nhân quyền còn phải tuỳ theo hoàn cảnh thực tế của mỗi nước”, “những người bị tù là những người vi phạm luật pháp quốc gia” v.v... Đáng lẽ các cơ quan và các tổ chức quốc tế cần phải hiểu rõ những luận điệu nguỵ biện cố hữu của cs Hanoi, song song với việc tìm hiểu nguyện vọng của người dân trong nước, thì họ lại chẳng cần tìm, cũng chẳng cần hiểu, và đó chính là nhược điểm quá lớn, làm mất niềm tin vào các tổ chức này. Rốt cuộc, cs Hanoi vẫn trở thành hội viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trước sự bất mãn của người Việt Nam trong và ngoài nước, trước sự vênh váo của chính quyền Hanoi.
Để bênh vực cho quan điểm riêng, một số người cho rằng, phải ủng hộ bạo quyền Hanoi vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ thì mới có cơ hội ép buộc họ thực thi nhân quyền một cách đứng đắn. Cách giải thích này tương tự như cách giải thích cách đây 24 năm, khuyến khích người Việt hải ngoại về thăm quê hương càng nhiều càng tốt để người dân trong nước thấy được tự do dân chủ ở xứ người, sẽ dễ dàng thúc đẩy cho cuộc đấu tranh chống bạo quyền, chống độc tài trong nước. Hoặc một luận điệu khác, phải ủng hộ cho việc giao lưu với VC, nếu không thì sẽ gián tiếp đẩy họ về phía Tàu Cộng thay vì tạo cơ hội cho họ đứng về phía Mỹ và Tây Phương.
Những cách giải thích này cũng đã một thời gây tranh cãi, thậm chí chửi bới lẫn nhau, gây chia rẽ trầm trọng có khi ngay trong cùng một gia đình,…đã làm lợi cho bạo quyền Hanoi không ít. Vài bộ mặt giả nhân giả nghĩa “xanh vỏ đỏ lòng” cũng đã lợi dụng thời gian này lên mặt thày đời: “ngay như Mỹ là kẻ thù chính của VC mà còn hòa giải với nhau được, huống hồ cùng là người Việt Nam với nhau.” Thế nhưng qua thực tế sau 20 năm, thật đáng buồn!  Trước hết là buồn vì ấu trĩ, lúc nào cũng ấu trĩ, vì 70 năm trước chẳng thấy ai đẩy VC về phía Tàu Cộng cả nhưng nó vẫn cứ về, và bây giờ sau 20 năm bang giao với Mỹ, nó vẫn còn đang tiếp tục về với Tàu, lúc nào nó cũng coi Tàu là sư phụ tối cao! Chẳng thay đổi được gì! Cái buồn thứ hai là nhìn vào thế hệ tính từ 1995 Mỹ-VC bang giao, đến nay đã bước vào tuổi trưởng thành trên quê hương, thế mà Nhân Quyền trên quê hương thì vẫn chưa  trưởng thành!
Còn nếu nói riêng về bang giao Mỹ-VC, thì Nhân Quyền chẳng phải là vấn đề mới mẻ gì, nó đã từng là tảng đá nằm chình ình trên lộ trình bang giao từ đầu thập niên 1990. Đến khi mọi người  tạm thời lăn được tảng đá sang một bên, bang giao giữa hai nước đã chính thức được thiết lập vào năm 1995; cho đến năm 2006 thì hai bên đã đồng thỏa thuận, mỗi năm sẽ thảo luận với nhau về Nhân Quyền một lần. Thế nhưng thảo luận thì cứ thảo luận, chà đạp Nhân Quyền thì cứ chà đạp, không ăn nhập gì đến nhau cả! Cho đến nay, Nhân Quyền: nỗi bất hạnh trên quê hương! Vẫn phát triển! Vẫn triền miên tăm tối! Buồn!
Feb. 18, 2014
Võ Phương

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.