Phạm Trần Anh
Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Thursday, 2 May 2013
“ ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ … Ở TÙ MỚI HAY !!!”
Thursday, May 02, 2013
No comments
Những ai từng ở tù từng chịu đựng nỗi đau gậm
nhấm tâm hồn từng ngày từng giờ mới thấy thấm thía câu thơ của đại thi
hào Nguyễn Du sao mà hay đến thế. Chắc hẳn ngày xưa cụ cũng có tâm trạng
giống hậu sinh chúng mình. Ôi cái cảnh đoạn trường, nỗi buồn đau ray
rứt khiến lòng ta se thắt .. quằn quại như đứt từng khúc ruột..! Có trải
qua “Đoạn đường chiến binh” của một chiến sĩ lao tù chân cùm tay xích
mới thấm thía cái cảnh ngồi vò võ một mình, suy nghĩ vẩn vơ vì cứ suy đi
nghĩ lại mãi một chuyện không giải quyết được vấn đề gì nên gọi là suy
nghĩ thực ra nghĩ chỉ để nghĩ mà thôi! Ngày nào cũng ngồi nhìn từng vệt
nắng xuyên qua khe cửa với những hạt bụi xoay vần như muôn vàn tinh tú,
chiếu lên tường di chuyển dần theo từng buổi sáng trưa chiều … hết ngày
này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác …
Thân phận một người tù với những đoạ đày
thống khổ vô cùng tận. Hai chân bị cùm nằm ngửa chờ chờ để “Nhìn những
mùa thu đi ..!”, mà không phải một hai mùa thu mà năm mười mùa thu, hai
mươi mùa thu .. Lúc mới vào tù còn tính từng ngày từng giờ rồi đến một
lúc nào đó, trong đầu óc không còn ý niệm thời gian gì nữa mà ngày hai
buổi chỉ trông mau đến giờ ăn, thế thôi .. Cuộc sống èo ọt thế mà vẫn
còn thoi thóp sống ..! Thế mới biết sức sống của con người là vô biên,
không sao hiểu nổi sức con người có thể chịu đựng được..!?
Hơn hai mươi năm tù, tôi sống được chính là
nhờ niềm tin vào lý tưởng tất thắng của chính nghĩa quốc gia dân tộc.
Đại nghĩa tất thắng hung tàn, chí nhân phải thay cường bạo. Không phải
chỉ mình tôi mà anh em ai cũng thường ngâm nga hai câu thơ của Uy Viễn
Tướng Công Nguyễn Công Trứ, nguồn an ủi sức sống vô biên cho người tù
sống còn để trở về với vợ con, sống còn để chờ ngày chiến thắng: “Còn trời còn đất còn non nước, Không lẽ ta như mãi thế này ..?”.
Trong những
tháng ngày tận cùng bằng số này, trong những lúc thập tử nhất sinh, mười
phần chết một phần sống tôi đã quyết chí, lòng nhủ lòng là bằng mọi giá
mình phải cố gắng chịu đựng, cắn răng mà chịu để sống một cách hào hùng
không chịu khuất nhục. Tôi nhớ tới câu chuyện của Khái Hưng về một đôi
vợ chồng nghèo đi vớt củi trên dòng sông Hồng, gặp cơn nước xoáy chị vợ
đuối sức khi đang bơi ở giữa dòng. Anh chồng kéo chị dìu chị bơi một
cách khó nhọc. Trong đầu óc chị vợ biết chồng thương mình nhưng nghĩ tới
cảnh ba đứa con nheo nhóc ở nhà chờ bố mẹ về … Ngộ nhỡ chồng mình cũng
đuối sức cả hai cùng chết thì sao? Chị ngoi lên mặt nước nói thều thào
với chồng: “Thằng Bò, cái Nhớn, cái bé .. Anh Phải sống, phải sống
...!” rồi buông tay khỏi người chồng, chịu chết một mình đề chồng mình
có thể sống mà để nuôi đàn con còn nhỏ dại … Ôi cao đẹp làm sao! Thế rồi
chợt nghĩ là mình cũng phải sống để còn lo cho năm đứa con bé nhỏ của
mình nữa chứ ...! Đêm đêm, hễ trời chạng vạng tối là đã ngồi cầu nguyện
xin được sống lo cho năm đứa con thơ dại chứ không ham giàu có, công
danh sự nghiệp gì … Nhiều lúc còn cầu xin chỉ cho sống đến ngày nhìn
thấy bọn CS tiêu vong thì chết cũng mãn nguyện.
Phải thú thật
một điều là những năm đầu của thời gian tù tội, lúc nào cũng nghĩ tới vợ
con như một niềm an ủi vô cùng để mình cố gắng mà sống dù bất cứ hoàn
cảnh nào. Mãi đến năm thứ ba, tôi mới được phép viết thư về nhà. Tôi đặt
bút viết thư cho nhà tôi mà đầu óc suy nghĩ lung tung, không biết vợ
tôi còn trẻ người non dạ có đủ sức để chống chỏi với những khó khăn gian
khổ, những cạm bẫy của cuộc đời để nuôi năm đứa con thơ dại cho nên
người? Nhà tôi có chút nhan sắc lại duyên dáng điểm xuyết một tâm hồn
văn nghệ, nàng theo học trường cao đẳng Mỹ thuật Huế được vài năm thì
chúng tôi yêu nhau nên về Sài Gòn bỏ dỏ việc học hành. Một con người yếu
đuối mảnh mai yếu đuối biết cảm nhận từng nỗi vui buồn nho nhỏ thì làm
sao mà chống chỏi với đời. Tôi viết cho nàng: “ … không biết bao giờ
anh trở về thôi thì, nếu em cảm thấy cuộc đời cần bước đi bước nữa thì
em cứ thanh thản ra đi vui sống, đừng bận tâm điều gì cả miễn là em cố
gắng nuôi 5 đứa con của chúng ta nên người thì dù anh có chết, anh cũng
vui lòng. Anh viết cho em những dòng này với tất cả tình yêu và sự suy
nghĩ chín chắn nên không ai, kể cả gia đình mẹ anh và các cô chú có thể
nghĩ không đúng về em, em ạ ...!”. Hơn sáu tháng sau tôi nhận được một lá thư nàng buồn phiền phân bua với tôi rằng: “vợ
chồng mình đã có với nhau năm mặt con rồi mà anh chưa hiểu lòng em à.
Anh biết không, nhận được thư anh em cảm thấy buồn bực ngỡ ngàng, buồn
vì chồng còn nghi ngờ không hiểu mình nên đang học xuất sắc tụt xuống
hạng tồi .. Anh làm khổ em nhiêu đó chưa đủ sao anh yêu...!?” Trời
ơi, không phải tôi nghi ngờ mà đó chính là lúc tôi thành thật với lòng
mình nhất, tôi đau lòng nhưng vẫn phải viết cho nàng vì tôi chỉ lo cho
tương lai của 5 đứa con tôi. Thật sự, tôi không mong muốn gì hơn nữa. Từ
đó tôi cố tình xem như nàng đã bỏ tôi không còn gì để luyến tiếc nên an
tâm vui vẻ chấp nhận thân phận của một người tù khổ sai..!
Bây giờ tuy vợ
chồng tôi đã chia tay vì hoàn cảnh ngoài ý muốn nhưng nàng vẫn về thăm
tôi và lo đám cưới cho Quỳnh Trâm con gái tôi. Trong ngày vui của con,
nàng đã lên ngâm một bài thơ “Đôi bờ” của Quang Dũng. Nàng quá xúc động
nên đang ngâm thơ bỗng dưng nghẹn ngào không ngâm được nữa, nàng bỏ lại
tất cả quan khách còn đang ngỡ ngàng xúc động để vội vã ra đi che giấu
những dòng nước mắt nghẹn ngào … Trong ngày vui của con nhưng vẫn không
cầm được nước mắt, ôi giọt nước mắt cho một cuộc tình chia xa sao mà
tuyệt vời đến thế, tạ ơn em… tạ ơn em muôn vàn ..!
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện anh về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa..!
Xa lắc rồi anh người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau ..
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Giọt lệ thơ ngây có nhạt nhoà ..!?
Tôi vẫn yêu nàng thơ xứ Huế của tôi, bài thơ
Huế thương được viết trong một giây phút chạnh lòng như để cho chính
mình, cho nàng và cho tất cả những ai có cùng một tâm trạng một nỗi đoạn
trường của riêng mình mà không thể chia xẻ được với ai:
Tóc thề che phủ bờ vai
Áo dài e ấp nụ nhài đang xuân
Huế xưa xa vẫn thật gần
Hương giang lờ lững ôm chân Ngự Bình ..!
Nụ cười hàm tiếu xinh xinh
Để ai nhớ mãi cuộc tình năm xưa ..
Huế thương biết mấy cho vừa
Trải bao dâu bể Huế xưa vẫn còn ..!
Lời thề sông núi sắt son
Hồn thiêng non nước nước non quê mình ...!
Phạm Trần Anh
-----
“ ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ … Ở TÙ MỚI HAY !!!” (2)
NGÀY THÁNG ĐÓ ..!
NHIỀU LÚC NGỒI NGHĨ lẩm ca
lẩm cẩm không chừng mà lại đúng để tự an ủi mình rằng có lẽ kiếp trước
mình cũng là tay sát thủ “Độc cước đại hiệp”chăng? Với cú đá song phi
sát thủ chắc chết nhiều người lắm nên kiếp này mới bị cùm hai chân banh
ra, cứ nằm ngửa chờ chờ không nằm nghiêng được... gần bẩy năm trời! Lồng
ngực và hai lá phổi như xẹp lép dán xuống nền ciment. Anh em ai cũng có
cảm giác như mình đang ngồi trên một phi thuyền đi vào không gian vô
định, không biết bao giờ đáp xuống hoặc bị nổ tung bất cứ lúc nào?
Lúc đó ngoài
giấc mơ chiến thắng mình còn mơ ước nhỏ nhoi là được ngủ nghiêng một
giấc, đơn giản thế thôi. Vậy mà giấc mơ đó 7 năm sau khi ra khỏi xà lim
mới thành hiện thực:“ Bẩy năm mơ giấc ngủ nghiêng, hết đêm lại sáng xích xiềng chân tay...” Ừ xích thì xích, xiềng thì xiềng có chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Máu anh hùng lại nổi lên thách thức ngạo nghễ:
“ Chân cùm tay xích đầu sao xích,
Xích sẽ có ngày xích phải tung ..!
Tư tưởng tinh thần làm sao xích,
A ha .. A ha ..!
Xích sẽ đến ngày xích phải tung ...!
Thỉnh thoảng đôi lúc thấy mình được nối gót
tiền nhân bỗng không thấy buồn nữa mà chỉ buồn năm phút thôi nên lại
rung đùi thấy khoái chí. Ngày xưa chỉ có cấp tướng mới có 1 trung đội
lính gác còn ta bây giờ “Nước mất nhà tan” rồi mà còn có cả một đại đội
Việt cộng chăm lo canh gác, cơm bưng nước rót đầy đủ còn gì sướng hơn,
bèn xụất khẩu thành thơ luôn: “Cơm bưng nước rót canh đưa, Hỏi chi sướng vậy xin thưa ủ tờ “.
Ủ tờ là ở tù đó quí vị ạ … Thế rồi một buổi sáng nọ, sau bốn tháng nằm
xà lim mới được cho ra tắm 1 lần rồi ngồi phơi nắng gần “Tứ giác đài”,
anh em thường gọi đùa như vậy vì khu xà lim có 4 phòng bê tông kiên cố,
tường dày hơn 40 cm … chỉ thua Ngũ giác đài một chút thôi. Tình cờ bạn
ta thi sĩ Tú Kếu, người một thời nổi tiếng vì xem: “Sự đời như cái lá đa, đen như mõm chó chém cha sự đời ...”
nay cũng ở tù với ta, ở đâu đi ngang qua, vẫn dáng người gầy gò, đi
đứng lều khều, mặt thì vêu lên, râu ria lổm chổm và vẫn phong độ như
ngày nào. Người đi ngang ta, mặt vẫn nhìn thẳng đọc liền một câu như đắc
ý lắm:
“Nhân dân ta rất anh hùng ..
Lát sau lại làm bộ đi ngang qua lần nữa, sợ mấy thằng chèo nhìn thấy nên mặt vẫn nhìn phía trước tỉnh bơ nói:
Đảng ta lãnh đạo .. nửa khùng nửa ngu ..!”
Tôi ngồi nghĩ mãi chẳng biết nói gì với bạn
ta, mà mấy chú cán bộ nó ngồi nhìn chằm chặp nên tôi cũng ngồi tỉnh bơ
lải nhải một mình rồi đợi bạn ta đi ngang vội đọc cho Tú Kếu nghe:
“Nhân dân ta rất cần cù …
Đảng ta lãnh đạo .. nửa ngu nửa khùng ..!”
và cứ thế cứ anh hùng rồi lại nửa khùng nửa
ngu, lại rất cần cù rồi đảng ta lãnh đạo nửa ngu nửa khùng … thế mà cũng
đã ba mươi hai năm qua đi rồi các bạn ạ. Ba mươi hai năm nhìn lại để
trong mỗi chúng ta chẳng thể nào quên:
Ngày tháng đó suốt đời ta nhớ mãi ..
Cả Sài Gòn phủ kín một màu tang ..!
Cờ hạ xuống bao hồn thiêng u uất,
Nước ngậm ngùi chứng kiến cảnh bể dâu ...!
Sáng
30 tháng tư, phố xá Sài Gòn mang một bộ mặt khác thường, người qua kẻ
lại hớt hãi vội vàng, phố xá ngổn ngang giày dép áo quần vất bỏ từng
đống trên những con đường hoang tàn xơ xác của một thành phố chết. Người
Sài Gòn vẻ mặt hốc hác sau mấy đêm dài mất ngủ, ngỡ ngàng ngơ ngác nhìn
nhau. Rồi thì mạnh ai nấy tính, kẻ lo tìm đường vượt biển, người rầu rĩ
khăn gói về quê, đổi chỗ ở tránh sự truy tìm lý lịch trả thù của Cộng
sản. Buổi sáng hôm đó, tôi như kẻ mất hồn đi lang thang khắp Sàigòn lúc
vừa đến tượng đài Thuỷ quân Lục chiến ở trước Hạ viện thì nghe súng nổ,
bà con lại xôn xao nói về người chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà nào đó đã móc
súng tự sát trước tượng đài mà sau này biết ra là Trung tá Long Cảnh
sát Quốc gia. Buổi trưa sau khi từ Dinh Độc lập đi bộ lững thững về chợ
Bến Thành, ngược trở lại Lê văn Duyệt tìm một quán cóc bên đường, kêu
một ly cà phê đá rồi ngồi nhìn cảnh tượng hoang tàn mà lòng ngổn ngang
trăm mối… Bàn bên cạnh mấy ông lớn tuổi mắt xớn xác nhìn ngang nhìn dọc
rồi kể cho nhau nghe về chuyện mấy anh em thương phế binh ở Quân y viện
Cộng hoà bị Việt Cộng đuổi ra khỏi bệnh viện đã rút kíp lựu đạn để mấy
anh em cùng chết, rồi một trung đội nhảy dù dưới quyền chỉ huy của viên
Thiếu Uý đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng và họ đã chừa viên
đạn cuối để tự kết liễu cuộc đời của những chiến sĩ hào hùng đó. Ngày
tháng đó … tôi nhớ mãi những dằn vặt thao thức, những âu lo sợ sệt,
những căm thù uất hận, những tức tưởi ngỡ ngàng:
Ta đứng đó lặng nhìn thành phố chết,
Bao hờn căm u uất bỗng dâng trào …
Lặng nghe lòng thổn thức những thương đau …
Ôm mặt khóc, Trời ơi mình chiến bại !?
Tôi mua một ổ bánh mì rồi kêu một xị “ Nước
mắt quê hương” ngồi nhâm nhi một mình … Ôi nước mắt quê hương tên gọi
của rượu đế Việt Nam sao mà thấm thía đến thế. Nước mắt quê hương đang
thấm dần vào người tôi, một cái xác không hồn, gật gà gật gù như đang
suy nghĩ đăm chiêu nhưng thực ra lúc đó có nghĩ gì được đâu dù thỉnh
thoảng một ý nghĩ thoáng qua trong cái đầu óc hoang mang. Họ là những
anh hùng, anh hùng vô danh không tên tuổi nhưng thực sự là những anh
hùng, anh hùng hơn những Tổng thống, tướng tá bỏ thành bỏ dân chạy quên
tên tuổi … còn mình ngồi đây uống rượu chẳng biết tính sao đây? Tôi
không đủ can đảm để tự bóp cò súng bắn vào đầu nhưng chấp nhận chết đứng
như một Từ Hải chứ không chịu bỏ chạy, không chịu xuống tàu khiến vợ
con sau này buồn phiền trách móc không ít và đó cũng là một trong những
lý do nàng đã chia tay mà tôi không hề phiền muộn hay trách cứ gì nàng …
Buổi sáng ngày 29 tháng tư, khi từ nhà đến chỗ vợ con tôi ở thấy dòng chữ nguệch ngoạc viết vội trên cửa “Anh xuống tàu Long Hồ ở bến Bạch Đằng gấp. Em và các con đang chờ ..!”.
Tôi choáng váng, đầu óc suy nghĩ lung tung. Nếu tôi đến không kịp thì
vợ tôi đã bỏ tôi để ra đi … Tại sao lại phải đi” Ý nghĩ lẩm cẩm đầy tự
ái của một anh chồng “Việt Nam” khiến tôi bực dọc mà sau này tôi mới
thấy là không đúng lúc của tôi. Tôi cũng ra bến Bạch Đằng khúc gần Hải
quân Công xưởng thuê một chiếc xuồng nhỏ ra cập sát vào bên hông tàu. Cả
gia đình bên ngoại vui mừng kêu tôi lên tàu nhưng thay vì bước lên thì
tôi lại chỉ tay kêu vợ tôi xuống. Cả nhà chựng lại không hiểu tại sao
tôi lại làm vậy, ngay cả bay giờ tôi cũng không hiểu nữa là … Vợ tôi
biết rõ tính tôi nên bù lu bù loa vừa mếu máo vừa bế mấy đứa con tôi
xuống. Mấy dì nó thấy vậy cũng leo xuống theo rồi ông ngoại mấy cháu
cũng xuống theo. Bước lên bến, ông ngoại và mấy dì nó chẳng nói chẳng
rằng bỏ đi một mạch. Tôi hiểu nỗi buồn giận mà chẳng biết làm sao! Mấy
năm sau gia đình bên ngoại của tôi xuống Bạc Liêu mua thuyền đi đánh cá
mới vượt biên được, vợ tôi dẫn thằng con trai lớn giả lấy củi ở bờ biển
lên ghe được, còn dì Mỹ Nhung dẫn 4 đứa con gái còn nhỏ ngồi chờ nhưng
bị động nên ông ngoại nó quyết định phải đi rồi tính sau. Nghe nói nhà
tôi thấy mấy đứa con bị bỏ lại đã nhảy xuống bể, cậu nó phải vớt lên.
Tội nghiệp vợ tôi, sang Mỹ rồi mà còn phải nằm ở bệnh viện tâm thần một
thời gian khá lâu … khiến tôi ân hận mãi cho đến năm 1990, nhà tôi mới
bảo lãnh các cháu sang bên Mỹ, tôi mới như trút được nỗi ưu phiền đeo
đẳng bấy lâu ... Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, dù đã “chia tay
hoàng hôn”, tôi gọi là chia tay hoàng hôn vì gần cuối cuộc đời mà lại
chia tay … nhưng tôi sẽ nhớ nàng suốt đời và không bao giờ quên được
những ân tình mà nàng đã dành cho tôi ..!
TRONG NHỮNG GIỜ PHÚT SÀIGÒN HẤP HỐI đó,
tôi đã quyết định ở lại. Lẽ nào cả một chế độ lại suy xụp mau chóng như
thế này sao? Tôi không tin điều đó nên quyết định cùng với một số anh
em tìm về miền Tây xem còn nơi nào chiến đấu mình sẽ vào đó chiến đấu
tới cùng. Trong khi bà con chạy ngược lên Sài Gòn ra hướng biển thì tôi
và Phan Lạc Giang Đông chạy ngược xuống Long An … để rồi cuối cùng thì
chẳng còn gì, còn gì nữa đâu khi tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát đúng
nghĩa của một viên tướng thủ thành như các danh tướng Phạm văn Phú, Trần
văn Hai, Lê văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ của quân lực VNCH.
Gươm đàn hề nửa gánh,
Sầu cố quốc khôn khuây …
Nam nhi hề chi chí,
Vuốt mặt luống đoạn trường …!
Những ngày tháng buồn phiền, hoang mang lo sợ
của anh em quân nhân công chức VNCH sau 1975, nhất là khi cái gọi là
“chính quyền cách mạng lâm thời” ra thông cáo kêu gọi đi trình diện. Anh
em chúng tôi ngồi la liệt trong sân sau của Toà Đô Chánh Sài Gòn, mỗi
người một tâm trạng không nói ra nhưng ai cũng hoang mang lo sợ. Tôi
ngồi bên mấy người bạn, anh em ngao ngán nhìn nhau. Thấy tôi ngồi hút
thuốc lá liên tục hết điếu này đến điếu khác, ai cũng hỏi Phạm Trần Anh
tính sao? Tôi cười hề hề… đã đến lúc này còn tính sao nữa. Chấp nhận
thương đau tới đâu thì tới. Khi đi trình diện mỗi người phải kê khai lý
lịch“Ba đời của gia đình” và 3 người bạn thân nhất. Trời xui đất khiến
sao đó, tôi đem ngay ông cậu em bà ngoại của tôi trước theo Việt Minh
sau trở thành đảng viên cộng sản đã chết ở Côn đảo vào lý lịch. Tôi lại
khai 3 người bạn thân thực ra là chỉ nghe tên chứ có quen biết gì đâu là
Trần Quang Long, Phan Duy Nhân và Trần Triệu Luật trước 1975 là những
sinh viên CS hoặc khuynh tả thân cộng tôi cũng không rõ lắm. Tết Mậu
Thân cả ba đã vào mật khu của MTGPMN đã chết rồi thì lấy ai mà kiểm
chứng đây?.
Chúng tôi ai
cũng ít nhiều lo lắng nhất là lúc chờ đợi gọi tên từng người vào trình
diện thật lâu mà không thấy ra nên lo sợ không biết số phận người anh em
mình ra sao? Đến lúc gọi tên tôi vào trình diện tôi mới vỡ lẽ ra. Vừa
bước vào phòng tôi thấy một anh Việt cộng xanh xao gầy còm không còn bám
cành đu đủ nữa mà ngồi chồm hổm kiểu nước lụt trên cái ghế trước mặt là
cái điếu cày thuốc lào loang lổ vết bẩn trên bề mặt ống tre. Ông ta
không nhìn tôi mà cúi mặt đọc từng chữ trên tờ khai lý lịch của tôi một
hồi lâu mới cất tiếng hỏi: “À, anh làm quản đốc coi tù hả?”.
Tôi giật mình té ra anh chàng này chắc chắn là tù Côn đảo, Phú Quốc rồi
nên bị ám ảnh bởi Quản đốc Trung tâm Cải huấn coi tù rồi, không khéo nó
trả đòn thù thì khốn nạn! Tự nhiên tôi nhớ tới ông cậu em bà ngoại đi
theo Việt Minh bị bắt giam ở Côn Sơn nên buột miệng hỏi:“Chắc là ông có ở
tù ngoài Côn đảo...?”. Anh ta gật đầu, tôi hỏi tiếp: “Vậy anh có biết ông Lưu Chí Hiếu không?” Ông ta nói ngay như một cái máy: “Ai mà không biết anh Hai Hiếu … mà sao anh biết anh Hai Hiếu?”. Tôi trả lời ngay: “Ông ấy là ông cậu ngoại của tôi”.
Nghe vậy, chắc ông ta tưởng tôi thuộc gia đình “cách mạng” đây, với tay
lấy cái ống châm điếu thuốc, rít một hơi dài rồi chậm rãi hỏi: “Anh có muốn đề nghị gì không?. Trong một thoáng tình cờ, tự nhiên tôi trở thành gia đình “cách mạng” nên đã lỡ thì chơi tới luôn, tôi nói: “Đề nghị với anh cho tôi về lại Lâm Đồng”.
Không nói gì, ông ta lúi cúi viết rặn ra từng chữ … gần mười phút sau
mới đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận trình diện rồi bước ra cửa trước của
toà Đô Chánh. Tôi lấy bật lửa châm điếu thuốc Bastos rồi móc tờ giấy ra
xem. Trên tờ giấy đánh máy quay ronéo có mấy chữ nguệch ngoạc: “Đề nghị cho anh phạm trần anh về tiếp tục phục vụ tại Lâm Đồng”.
Tôi giật mình rồi mỉm cười vỏn vẹn chỉ có mấy chữ mà tôi lại trở thành
gia đình cộng sản rồi! Quả nhiên khi tôi về lại Bảo Lộc, đến Uỷ ban nhân
dân xã Lộc Thiện trình diện thì thấy Trần Minh Thảo trước dạy ở trường
Trung học Bảo Lộc đầu đội nón cối, vai đeo túi “Xà cốt”, y ngạc nhiên
hỏi tôi: “Ông còn về đây làm gì? ”. Tôi cười trả lời tỉnh queo: “Ủa sao không về bạn?”. Y xem tờ giấy chứng nhận trình diện của tôi im lặng một chút rồi nói: “Thôi ông cứ về đi ....”.
Tôi biết y nói vậy chứ nghi ngờ và cay cú lắm, nhất là trong khi đi học
tập ngắn hạn 10 ngày ở địa phương, tôi có sơ hở khi tranh luận với tên
Ba Đạt thường vụ huyện Bảo Lộc khi y hỏi tôi là tại sao lại ghi là trí
thức vô sản chân chính. Tôi nói “Hiện giờ tôi là trí thức vô sản
chân chính, các anh cứ điều tra xem tôi có tài sản nhà cửa gì không
trong khi các anh là giai cấp vô sản thì bây giờ nhà cửa tài sản kếch xù
…”. Cuối khoá học chúng yêu cầu tôi lên phát biểu cảm tưởng thì tôi nói là:“Tôi “có tội” với nhân dân vì trong quá khứ đã “Kềm kẹp” nhân dân bằng giấy tờ khiến nhân dân “mất tự do và đói khổ hơn bây giờ…”
khiến cả hội trường phì cười một cách rất ư là đau khổ..!”. Sau này,
tôi được biết là có lần họp tên Thảo đưa ra vấn đề đưa tôi đi học tập
dài hạn vì tôi không ra cộng tác với “cách mạng” thì bà Tám, trưởng khu 4
xã Lộc Thiện trước là một bạn hàng chợ Bảo Lộc đã đấu tranh bênh vực: “Tôi
biết nó từ trước “giải phóng”, tuy nó là Trưởng ty “Ngụy” nhưng nó
nghèo, vợ nó phải bán chè cho học sinh, nó đã bênh vực cho dân nghèo
trong phiên họp bạn hàng chợ Bảo Lộc...”. Số là trong phiên họp do tòa Hành chánh tỉnh mời bạn hàng chợ về việc chỉnh trang chợ, tôi có nói rằng: “Bà
con hãy nghĩ tới lợi ích chung là xây dựng ngôi chợ mới lớn hơn, đầy đủ
tiện nghi hơn và đẹp như chợ Đà Lạt. Bà con đừng nghĩ là chính quyền
bày ra để khó dễ đòi hối lộ. Xin mời bà con cứ vào Toà Hành chánh tỉnh
gặp thẳng tôi, tôi bảo đảm trong vòng một tháng có giấy phép và không
mất một đồng nào. Nếu ai biết hút thuốc tôi còn mời một điếu Bastos nữa
...”.
Chuyện đời
nhiều khi nghĩ lại cũng thấy cảm động vui vui xem như trúng xổ số lô an
ủi vậy ... Tôi còn nhớ là khi nhận lệnh bàn giao quận Tam Bình sang Minh
Đức thì có 147 thân hào nhân sĩ, giáo chức kể cả nghị viên Hội đồng
tỉnh ký tên vào kiến nghị xin Đại tá Tỉnh trưởng giữ tôi ở lại Tam Bình
nhưng không được nên lấy nhà lồng chợ tổ chức đãi đằng ăn nhậu suốt đêm …
Hầu như mấy ông Quận trưởng nào cũng không ưa tôi vì tôi là “kỳ đà cản
mũi” nên quận nào cũng chỉ ở được hơn một năm thì bị đề nghị thuyên
chuyển. Rời quận Minh Đức sang Trà Ôn chưa được một năm lại nhận lệnh về
trình diện toà Hành chánh Tỉnh với lý do là cấp chỉ huy duy nhất ở tỉnh
Vĩnh Long không gia nhập đảng Dân chủ. Tôi về tỉnh lên gặp thẳng Đại tá
Trần văn Thì, tôi yêu cầu cho tôi biết lý do, tôi không tham nhũng như
ai đó ... Thấy tôi lớn tiếng, ông ta gọi điện thoại cho ông Phó Tỉnh
trưởng lên kéo tôi xuống. Sau đó tôi được cử đi thanh tra nghĩa là ngồi
chơi xơi nước … Khi thành lập nhóm Hà Thúc Nhơn chống tham nhũng tại võ
đường Hoa Lư của Vovinam của Võ sư Trần Huy Phong, tôi gặp nhà “Giám sát
viện tư Ngô Xuân Thọ”, người từng tố cáo với báo chí trước 1975 rằng bố
ông là Chủ tịch Giám sát viện Ngô Xuân Tích đã lấy của công 4 chiếc vỏ
xe. Anh em chúng tôi quen biết và quí mến nhau nên khi nghe tin tôi bị
trù dập đã viết thư giới thiệu tôi với anh Nguyễn Huy Hân, một người
sạch lúc đó đang giữ chức Tổng Giám đốc Thuế vụ rằng tôi là một công
chức trong sạch, có lý tưởng để cùng anh Hân chống tham nhũng. Bây giờ
nghĩ lại so với bọn cộng sản tham nhũng gấp ngàn lần chế độ Việt Nam
Cộng thì những “ngày xưa thân ái” của chúng ta cứ như chuyện phong thần
vậy!
CUỘC ĐỜI CÓ NHIỀU CHUYỆN xảy
ra bất ngờ ngoài sự tiên đoán của mình nên cũng nhờ vậy mà tôi mới đi
tìm gặp anh em cùng chí hướng để thành lập “Mặt trận Người Việt Tự do
Diệt cộng Phục quốc”. Vợ tôi lại một phen lo sợ ít nhiều buồn phiền
nhưng hiểu rõ tính khí của tôi nên âm thầm chịu đựng. Nàng chỉ nói khéo
với tôi là “Anh tính sao thì tính chứ ông ngoại coi tử vi nói số anh thế nào cũng bị ở tù”…
Quả nhiên,
chạng vạng chiều tối ngày 3 tháng 7 năm 1977, lúc tôi vừa hút xong điếu
thuốc lào trong khi các con tôi đang quây quần dưới mái tranh nghèo sau
bữa dưa muối thì cả một trung đội công an súng ống tận răng, thằng nào
thằng ấy hùng hổ đầy vẻ căm thù tràn vào nhà, đè ngửa tôi ra rồi còng
tay trước sự kinh hoàng của vợ và các con tôi. Cảnh tượng hãi hùng của
bọn đầu trâu mặt ngựa, kẻ la người hét ấy đã được thiên tài Nguyễn Du mô
tả trong truyện Kiều sao mà hay đến thế in hệt như đám công an cộng sản
đến bắt người, phá nhà đàn áp dân oan Việt Nam đang diễn ra trên quê
hương yêu dấu!: “Người nách thước kẻ tay đao, Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi ..!”.
Tôi hiểu rõ mọi việc xem như đã “thua” rồi nên thản nhiên nói “Các anh
muốn gì?” thì một tên công an nhào tới tát vào mặt tôi một cái như trời
giáng rồi hằn học nói “Mày phản động, dám chống lại chúng ông mà còn lý sự hả?”.
Tôi mỉm cười không nói gì. Thằng con trai của tôi đứng nhìn chằm chặp
vào tên này, nó đưa tay lên lau nước mắt rồi lấy thuốc lào bỏ vào điếu
cầm lên cho tôi hút. Tôi có hút được đâu khi thấy hai tay con tôi run
run sao mà thương quá! Quỳnh Trâm ngây thơ hồn nhiên leo lên hai tay
còng rồi ôm hôn tôi, Quốc Bảo con trai tôi dơ tay tát em nó một cái thật
đau, dường như bao căm thù nó dồn vào cái tát, vừa tát vừa chửi:“ Đồ mất dậy, dã man, mày làm bố đau!”. Lúc chúng giải tôi ra xe, tôi nói với con tôi “Quốc Bảo, con nhớ lời bố dặn nhé, chào tay bố đi …” Rồi tôi không đủ can đảm nhìn lại nữa…!
Trời chiều
bỗng như tối xầm lại, bóng tối bắt đầu phủ chụp xuống trên đỉnh đồi chơ
vơ căn nhà sàn nhỏ. Căn nhà sàn vừa đủ cả nhà nằm thay giường đã bị
chúng dỡ tung ra để tìm kiếm tài liệu, đào nát cả vườn để tìm súng ống.
Làm sao tôi có thể quên được cái cảnh cả nhà vợ con la khóc như ri chạy
theo khi chúng còng tay tôi dẫn ra khỏi nhà. Bóng tối phủ xuống đỉnh đồi
như che kín cả tương lai gia đình tôi … Làm sao mà người vợ trẻ đang
bụng mang dạ chửa cùng 4 đứa con thơ dại chịu đựng nổi sự kinh hoàng não
lòng đứt ruột trong bóng tối hãi hùng khi màn đêm buông xuống … rồi
cuộc đời còn lại, các con tôi sẽ no đói sống chết ra sao ..!?
Ngày tháng đó buổi ta đi em khóc ..
Ngỡ nghìn trùng sông núi cách ngăn nhau ..!
Đừng khóc nữa em yêu xin đừng khóc ..
Thêm đau lòng vương vấn bước ta đi ..!
Lời sông núi ta đi theo tiếng gọi,
Vì tự do ta quét sạch bóng thù ..
Vì hạnh phúc nhân dân thề tranh đấu,
Không có gì ngăn nổi bước ta đi ..!
Không có gì ngăn nổi chí nam nhi ..!
TÔI BỊ BỊT MẮT
hai tay còng quặt ra sau lưng rồi hai tên công an đi kè hai bên đẩy tới
trước, mình đi theo như một cái xác không hồn. Không biết cuộc đời sẽ
đi về đâu, một ý nghĩ chợt loé lên “Đã tới nước này rồi thì kệ nó tới đâu thì tới, chết là cùng chứ gì ...”. Vừa bị đẩy vào phòng thì nghe tiếng quát, giọng Bắc kỳ đặc sệt: “Địt Mẹ mày, giờ này mà còn phản động” để tao xem gan mày to bao nhiêu mà dám chống lại chúng ông, úp mặt vào tường, khẩn trương lên”.
Bất thình lình một báng súng như trời giáng vào lưng, đau nhói tá hoả
tam tinh. Chưa kịp hoàn hồn thì những cú đấm, cái đá dồn dập, tôi lảo
đảo té xấp vào tường không biết gì nữa …
Đêm xuống cái
lạnh buốt giá của hơi sắt cùng với mùi hôi tanh xen lẫn khai khai của
nước đái làm tôi tỉnh lại tự lúc nào chợt thấy người ê ẩm, hai tay bị
còng ra đằng trước, hai chân thò ra ngoài cùm run lên vì lạnh, nhìn mãi
cũng không nhận ra nằm ở đâu, định thần nhìn lại mới thấy chung quanh lờ
mờ không hơn 2 thước vuông. Tôi chợt nhận ra là mình đang nằm trong cái
thùng sắt mà ngày xưa thường gọi là cô nếch là cái thùng đựng hàng mà
bây giờ gọi là container loại nhỏ … tàn dư của “đế quốc Mỹ” đây mà!. Đêm
lạnh cóng ngày thì hơi nóng của cái hộp sắt kín mít như một lò hấp
người. Hôm sau chúng giải tôi lên Trại tạm giam Đà Lạt nguyên là trung
tâm thẩm vấn của chế độ cũ. Tôi bị đẩy vào một xà lim nhỏ khoảng 2m.1m4
và cao khoảng 2 m. Nằm ngửa chân tay xiềng xích, mắt nhìn thẳng lên cái
trần bêtông ở giữa có khoét một lỗ vừa đủ thò ra một cái bóng đèn tròn
rọi thẳng vào mắt. Tôi chợt hiểu đây chính là đòn tra tấn nhẹ nhàng cân
não làm mắt mình mỏi mệt, cộng với chính sách bao tử cho ăn cầm hơi để
cho tù đói ăn khát uống, tinh thần sẽ suy xụp để chúng dễ bề khai thác
đây mà … Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng những gì chúng biết thì mình cứ từ từ
khai như có vẻ “thành khẩn” khai báo như chữ thường dùng của Việt cộng
và một số chi tiết dự phòng khi bị tra tấn thì làm như đau quá chịu
không nổi phải khai ra để chúng cho là “thật” nhưng đã được chuẩn bị
trước. Quan trọng nhất là đã khai lý lịch rồi, khai điều gì rồi thì phải
nhớ nằm lòng, phải tử thủ, khai đi khai lại cũng trước sau như một. Chứ
trật hoặc thêm một chi tiết nào là đời khốn nạn liền. Chúng cứ nắm lấy
những sơ hở rồi lấy cung liên tục để moi ra cho bằng được. Khi chúng đưa
ra những lời khai của người khác là phải phủ nhận và đòi đối chất với
người đó ngay để chứng tỏ mình khai thật và cũng là cách để mình hoãn
binh chi kế rồi tính sau…
Tôi đắc ý mỉm
cười nhưng nằm ngửa suốt cả ngày, mệt mỏi rã rời, bụng đói cồn cào nhưng
cái cảm giác khó chịu nhất là mắt hoa lên, dường như tấm đan bêtông
trên trần nhà thấp lè tè như đang ụp xuống đè lên người tôi … Cái khó
chịu nhức nhối ám ảnh mà bây giờ sau mấy chục năm vẫn còn ám ảnh, không
thể nào quên nổi và cũng chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả được. Thế
nhưng cũng chính thời gian đó tôi làm được 4 câu thơ đầu tiên trong đời
mà tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại có thể làm thơ được..!
CHÍNH MI ..!
SAU NGÀY MẤT NƯỚC, đi đâu nhìn lên tường cũng
nhìn thấy hàng chữ đỏ lòm “Đời đời nhớ ơn bác Hồ vĩ đại” khiến nhức đầu
nhức mắt ấm ức vô cùng. Được rồi mày “ Đời đời.. nhớ bác Hồ” thì tao “
Muôn năm .. muôn năm … hận cáo Hồ” .
Hai tay còng số tám,
Chân cùm kiểu Liên Xô ..
Đái ăn nằm một chỗ ..
Muôn năm hận cáo “Hồ” ...!
Không phải chỉ riêng tôi mà hầu hết nhân dân
Việt Nam cả ngoài Bắc lẫn trong Nam sau này đều bị ám ảnh bởi 3 chữ Hồ
Chí Minh, mở miệng ra là Các Mác là Lê Nin, là Bác Hồ vĩ đại, là chủ
tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà tôi cứ nghĩ là “rồ dại”, sống mãi trong sự
“thất nghiệp” của chúng ta …! Tự nhiên tôi nhớ tới lão tướng Phan Khôi
trong Nhân văn Giai phẩm năm nào … Phải rồi Chính mi, chính mi Chí Minh
ơi ..!
Chính mi bán nước Chí Minh ơi
Chính mi cõng rắn cắn nòi Việt Nam
Chính mi gây cảnh tương tàn
Nồi da xáo thịt ngập tràn máu xương ...!
Gây bao nhiêu cảnh tang thương
Muôn dân đồ thán thê lương khốn cùng
Mai này Cộng sản cáo chung
Đào Lăng quật mộ gian hùng Chí Minh ...!
Sau khi xử án chúng chuyển anh em chúng tôi
về trại Đại Bình. Chúng tôi bị đưa vào dãy xà lim mới xây cất hết sức
kiên cố mà chúng tôi thường gọi đùa là Tứ giác đài. Tiêu chuẩn xà lim kỷ
luật là nhà nước “no” cho mỗi tháng 7 kí lô thực phẩm gồm cả gạo mốc
mủn lẫn khoai lang, bắp, khoai mì mốc meo lên màu chạy chỉ đen có, xanh
có xen lẫn vàng khè … thì làm sao mà “lo” cho được? Làm sao có thể
thưởng tượng được là trong tận cùng đau khổ, trong cái tận cùng của đáy
địa ngục nơi mà “Mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới … ra khỏi tù ..!” thế mà sống sót được cũng là một sự nhiệm màu! Chuyện kể hơi “mất vệ sinh” một chút nhưng cũng xin viết ra cho vui.
Số là, những
ngày mới vào xà lim là lo mọi chuyện trên đời kể cả việc đi vệ sinh lấy
gì mà lau đây. Mình là người văn minh lịch sự mà nên chỉ có cách lấy
răng xé cổ tay áo mà là áo cũ mới được chứ áo mới thì thông cảm đi nhưng
mấy ngày sau, cả tuần rồi 2 tuần mới đi “Tham quan lăng Bác” chữ anh em
tù thường dùng vì quá căm thù nên cũng thông cảm. Lý do thật đơn giản
là mỗi tháng chỉ có 7 ký lô gram thực phẩm, tính ra mỗi bữa chưa được
lưng chén nhỏ thì ăn bao nhiêu tiêu hoá hết lấy gì mà thải ra mà nói
ngọng kiểu dân địa phương ở miền Bắc là “no” với không “lo”...
Viết đến đây
tôi lại nhớ tới chuyện K’ Breo hồi còn nằm xà lim “Tứ giác đài” ở Đại
Bình mà cười ra nước mắt ... Chúng tôi 5 người nằm ngửa chờ chờ trong xà
lim, hai chân bị cùm bằng chiếc cùm gỗ, kiểu cùm thời Trung cổ với 2
thanh gỗ trên dưới mỗi thanh dầy 20 cm, có khoét 2 lỗ nhỏ vừa sát với cổ
chân bình thường nên ai chân to thì tha hồ mà khốn nạn. Thế rồi, mọi
việc cũng qua đi, một thời gian chân teo lại thì vừa tuốt tuồn tuột ..
khỏi lo. Khốn một nỗi, thời gian đầu mới cùm bị ngứa ngáy vô cùng, ấm ức
vì cựa quậy không được nhưng ngứa quá thì cũng phải ráng mà nhúc nhích
một chút. Đặc biệt của loại cùm này là hễ cử động nhúc nhích là bị trầy
sát chảy máu làm lở lói khiến cả phòng ngửi thấy mùi tanh. Sở dĩ phải
nằm ngửa chờ chờ vì 2 lỗ cùm cách nhau hơn nửa thước nên 2 chân banh ra,
không bao giờ nằm nghiêng được gần bảy năm trời. Thế nên kẻ hèn này mới
xuất khẩu thành thơ nhưng không phải “xuất” một lần đâu mà gần 7 năm
sau mới ra mấy câu thơ con cóc “Bẩy năm mơ giấc ngủ nghiêng, ngày qua
đêm tới xích xiềng cùm chân ..” đó quí vị ạ .. Số là mấy hôm nay cứ nghe
K’Breo nó kêu “ Ai đi tham quan lăng Bác không đậy nắp sao mà thúi quá!”.
Mỗi lần đi tham quan chúng tôi phải lấy 2 tay chống xuống sàn xi măng,
anh bạn tù bên cạnh lấy tay đẩy cái hộp gỗ vuông mỗi bề 25 cm vào, bên
trong đựng mọt cưa, cố gắng ngồi lên trên rồi tha hồ mà “làm thơ” … Xong
rồi kéo ra đậy nắp lại. Quí vị thử xem có tưởng tượng nổi không nào ..?
Chúng tôi sống
nhờ cái hộp phân trộn lẫn với mạt cưa đó. Hồi đó chúng tôi được vinh
hạnh ngày ngày 2 lần cơm canh “Đại Dương” thì cụ Phạm Xuân Thái trước lo
việc vệ sinh lấy thùng phân ra rồi đổ mạt cưa vào đem vào. Mỗi lần chỉ
khoảng 5 phút là xong, khi bọn cán bộ trực trại ra rồi thì anh em vội mở
nắp thùng phân ra, bơi móc dưới lớp mạt cưa lấy ra một khúc mì dài
khoảng 10-15 cm dính đầy mọt cưa lẫn “phân” chia nhau mỗi người một
miếng rồi ăn tươi nuốt sống, bất kể … Nói thế là quí vị hiểu rồi. Cụ
Thái, một con người lý tưởng, tiên phong đạo cốt, gầy gò như khô mộc đại
nhân và cao lỏng khỏng trước từng làm bộ trưởng Thông tin thời Tổng
thống Ngô Đình Diệm. Ông cụ chắc nay đã thành người thiên cổ rồi nhưng
tôi biết một điều là cụ rất vui và tin tưởng vào ngày chiến thắng cộng
sản vì đã thấy anh em chúng tôi đứng lên chống Cộng sản. Một buổi tối
anh Đảo tự nhiên bị “thượng thổ hạ tả” vừa ói vừa đi cầu, chú Lựu lên
tiếng báo cáo cán bộ có người đau nặng. Kêu gần khản cả tiếng mà chẳng
thấy ma nào. Chúng tôi biết là chúng nó vẫn đứng đâu đó thôi, nếu thử
trốn ra xem là nó bắn liền. Chú Lựu gào lên thì một thằng chèo mở cửa ra
chửi chúng tôi “Địt mẹ chúng mày ai cho chúng mày ốm mà thuốc với men. La nữa ông bắn bỏ mẹ bây giờ.”. Mấy anh em tức quá mình đau xin thuốc mà nó chửi ai cho mình đau, thật vô lý .. Tôi bảo “Đóng cửa lại, nếu mai xảy ra chuyện gì thì cán bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cán bộ đừng ăn nói mất dậy như thế.”.
Không biết nó
báo cáo thế nào mà sáng hôm sau tên Thái trực trại vào đánh chúng tôi.
Hai chân bị cùm thò ra ngoài, nó lay chân đạp xuống rồi đánh xuống mắt
cá, lát sau nó lại đạp chân đánh vào con khoai. Cái kiểu đánh tra khảo,
vừa đánh từ từ hỏi rồi đánh tiếp đau đớn vô cùng đến độ vãi đái ra, tức
quá nước mắt trào ra. Tôi ngồi bật dậy thì nó lấy chân đạp thẳng vào
ngực té bật ngửa xuống sàn cùm. Tôi thách thức la lớn “đồ vô nhân đạo”
hi vọng nó tức đánh vùi cho mình xỉu cho nhẹ tội nhưng không xỉu được
mới đau chứ!
Mấy anh em lo
vệ sinh đứng ngoài nghe thằng Thái đánh từng cái một theo lối tra khảo
mà đau lòng chảy nước mắt. Tôi cắn răng chịu những cái đánh bằng chốt
sắt cửa xà lim vào mắt cá, rồi con khoai. Hai chân sưng vù lên bầm tím
mà tên Thái cán bộ trực trại còn cấm uống nước 3 ngày. Chúng tôi phải
đái ra lay tay thấm vào miệng cho đỡ cơn khát và còn lấy nước đái xoa
bóp mắt cá con khoai. Ông cụ thấy tôi không chịu nhận khuyết điểm lớn
tiếng với cán bộ tối hôm qua. Đợi khi tên cán bộ đi ra, ông cụ lau nước
mắt nói vội với tôi: “Muốn lo đại sự ông phải biết uyển chuyển, linh
động một chút. Đừng bao giờ lấy gươm báu mà chém bọn ruồi muỗi tôm tép
này … ông chết đi thì ai lo đây, lúc đó ông là kẻ có tội chứ làm anh
hùng gì chấp nhất gì với bọn tép riu này..!”. Hai chân anh em tôi
ai cũng sưng vù lên nhưng thật nhiệm màu cũng nhờ nằm cùm hai chân đi dớ
dầy loại nhà binh nên không bị dập gãy gì. Cả tháng sau lấy tay ấn vào
mắt cá như dẹp ra và còn thấy đau … Tôi còn nhớ cũng ở xà lim Đại Bình
này còn có một ân nhân nữa là anh Yến, Phó Ty Thuế vụ Lâm Đồng và anh
Liễn người Huế, y sĩ thiếu tá làm y tế trại đã nói nhỏ với tôi một câu
ân tình: “Chừng nào có moi thì toi mới khai bệnh, chích thuốc nhé … Phạm Trần Anh!”. Tôi chợt hiểu và thâm tạ, vô cùng thâm tạ những quí nhân nơi tận cùng địa ngục này.
Trong xà lim
gần 9 năm trời thì nói gì đến chuyện vệ sinh hay không, đại khái 9 năm
không đánh răng đánh lợi gì cả, khoảng 1,2 tháng tắm rửa sạch sẽ một
lần. Tha hồ mà thoải mái, thoải mái đến nỗi da mấy đầu ngón tay, đầu
ngón chân do nằm trong bóng tối, không một chút ánh nắng mặt trời nên da
mỏng dính, hơi gãi một chút là máu chảy da rơi rụng liền. Đặc biệt phần
da kế cạnh móng chân cứ ngày một dầy ra và thối kỳ lạ nên hấp dẫn mấy
đồng chí dán kiến vô cùng. Có lần buổi sáng dậy, thấy hơi xót ở đầu ngón
chân, cúi xuống thì thấy chỗ da đầu ngón chân đã vạt đi một miếng. Định
thần cúi xuống nhìn cho rõ thì thấy rướm máu tươi, té ra mấy đồng chí
dán thấy mùi hấp dẫn nên đến “chiếu cố” nhấm nháp thưởng thức thế thôi
nhưng bị chúng tôi vừa tức giận vừa cười chửi: “Cha chả, chúng mày là loài sâu bọ tiếp tay cho CS hành hạ chúng ông à!”.
K’
Breo cứ kêu hoài, tìm mãi không hiểu vì sao có mùi “dễ ngửi” cho đến
một hôm khoảng 2 tháng sau, cả xà lim được đi tắm và làm vệ sinh xà lim.
Lúc làm vệ sinh hầm cầu, mở nắp ra thấy quá trời là mối. Tôi chợt hiểu
té ra là mỗi chiều tối thỉnh thoảng có mấy chú mối bay vào, vô phúc cho
chú mối nào bay gần K’ Breo là bị Breo chụp ấy đưa vào miệng sơi tái
liền. Mấy chú mối này sau khi ăn no nê ở ham phân bị nhét vào miệng nên
chỉ mình K’ Breo thấy thối nhiều vì môi dính đầy phân…!
Bây giờ mới
nghiệm ra là chuyện gì trên đời này mình tính nhưng thành bại đều do ý
trời hết. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc vượt ngục sau mấy
năm trời nghiên cứu tính toán. Tất cả đã sẵn sàng và hẹn nhau chờ trời
đổ trận mưa đầu mùa là quyết định “du lưu” liền, chấp nhận đánh đổi cuộc
đời cho số mệnh rủi may nhưng một buổi sáng, mưa đâu chưa thấy thì được
lệnh dọn đồ chuyển trại … Tôi đã để lại đầy đủ lương khô cho mấy anh em
Thượng còn lại nên họ đã vượt trại ra được ngoài rồi nhưng bị bắt lại
trong rừng sâu do quá kiệt sức vì bị cùm còng lâu ngày. Anh em quen đi
rừng mà còn bị kẹt huống chi thư sinh chân yếu tay mềm như tôi thì làm
sao mà vượt thoát được, chắc là bỏ mạng sa trường đâu đó rồi. Nhắc lại
chuyện cười ra nước mắt này lòng tôi xốn xang vì khi chuyển trại về Xuân
Lộc, mấy tháng sau thì nghe tin chú em nó bị bắn chết khi vượt ngục.
Thấy tội nghiệp nhưng cũng thấy như thế mà hay còn đỡ khổ hơn là bị bắt
lại, bị tra tấn và cùm chân tay “mút mùa lệ thủy” sống thoi thóp ngắc
ngoải trong xà lim nơi tận cùng địa ngục trần gian này … cho đến chết
..!
THỜI GIAN Ở TRONG TÙ, Tú Kếu có làm bài thơ tuy lấy tên là “Vô đề”
nhưng đó là tiếng kêu bi thương, lời phản kháng trước những hành động
phi nhân của những con người vô cảm vô hồn cộng sản. Làm sao mọi người
chúng ta có thể biết được cộng sản dã man vô nhân đạo đến chừng nào nếu
không có những chứng nhân của lịch sử. Tú Kếu là một chứng nhân sống đã từng chứng kiến cảnh chúng tử hình những người anh em của mình. Chính Tú Kếu đã
nhìn thấy cảnh anh em mình cong người lên lãnh hàng loạt đạn vào người.
Khoảng tháng 8 năm 1980, anh em tù nhân chính trị đội 21 trại Đại Bình
tổ chức vượt trại, một số anh em bệnh hoạn không đủ sức vượt trại nên
khai bệnh ở nhà trong đó có Tú Kếu. Hồi đó mỗi đội đi
lao động thường có 1 tên quản giáo đeo súng ngắn, 2 hoặc 3 tên võ trang
cầm súng AK đi theo chia ra ba khúc. Theo đúng kế hoạch, anh em đã sắp
xếp cho 2 anh em khoẻ đi kèm một tên cán bộ võ trang. Lúc toán đầu của
đội băng ngang qua cây cầu cây Đại Bình là khúc quanh, bọn công an đi
sau bị che khuất là toán cảm tử đi đầu nhảy ra chụp tên võ trang. Cũng
lúc đó 2 toán sau cũng đồng loạt bay ra chụp 2 tên còn lại. Tất cả mọi
tính toán đã thành mây khói do một thoáng do dự nên khi Long nhảy ra ôm
tên võ trang thì tên võ trang dẫn toán thứ hai đã đi qua khúc quanh, nó
nhìn thấy nên nhảy ra bắn xâu táo chết luôn tên cán bộ. Bọn công an tàn
sát thẳng tay, 6 xác anh em máu me đầy người nằm ngổn ngang, trong khi
cả đội chỉ biết nằm úp xuống nín thở phó thác số mệnh cho sự rủi may may
rủi!
Bọn cán bộ ra
lệnh tập họp dẫn đội về trại, sau khi nhập trại bọn an ninh đánh đập anh
em tàn nhẫn để khai thác. Tên giám thị Phi Sơn ra lệnh dẫn 4 người anh
em ra khỏi trại, cả đội hồi hộp đợi chờ suốt đêm không thấy về chắc là
anh em bị chúng đem đi nhốt ở xà lim. Sáng hôm sau xuất trại mới nghe
anh em lao động tự giác kể lại là họ phải đi chôn 4 người anh em, tay
chân bị cắt gân nhượng, đầu bị đập bể nát thê thảm vô cùng. Cả may tuần
sau anh em ăn không vô, làm sao nuốt nổi miếng cơm như còn đọng ngay
thực quản, không phải một con ngựa đau mà tới mười con người, mười người
anh em đồng chí hướng đã tức tưởi hi sinh thảm thiết. Tú Kếu đã
nghe chính một cán bộ có tình cảm với anh em tù chính trị kể lại kể lại
cảnh tra tấn bằng cách lấy lưỡi lê cắt gân chân để khảo tra rồi đập đầu
cho đến chết … Những cảnh tượng dã man không thể tưởng tượng được,
những hờn căm u uất nghẹn ngào đã được Tú Kếu diễn tả qua bài thơ “Vô đề” chính là bản cáo trạng của cộng sản bạo tàn trước lịch sử, trước lương tri của nhân loại văn minh tiến bộ hôm nay:
Chính đêm ấy .. mảnh trăng liềm đẫm máu
Tưởng chừng như thân thể bạn bè tôi
Uốn cong lên, khi bị bắn tơi người
Miệng nguyền rủa, nhưng không còn tiếng nói
Môi mấp máy, đúng môi còn mấp máy!
Như muốn tuôn dòng … thác đổ căm hờn
Như muốn gào to … Không thể dã man hơn!
Không thể dã man hơn … quân khốn kiếp !
Thời
gian xảy ra vụ thảm sát Đại Bình, tôi và linh mục Trần Thế Phiệt bị
giải giao lên xà lim tử hình ở Đà Lạt lấy cung vì tội âm mưu tuyên
truyền chống phá trại. Tôi viết cho linh mục Phiệt về “Đường hướng cách
mạng hoá hiện đại hoá Việt Nam”, không hiểu do sơ ý thế nào mà linh mục
Phiệt giấu trong cuốn giấy vệ sinh bị bọn cán bộ an ninh tìm thấy khi
xét phòng. Tôi được anh em thông báo nên trong lúc cung khai tôi một mực
tử thủ lời cung là chỉ viết lại để nghiên cứu bài viết chủ trương của
thủ tướng Jamaica đăng trên mẩu báo nhân dân tôi nhặt được cách đây
khoảng 1 năm. Lúc dọn phòng tôi để quên trong cuốn giấy vệ sinh chứ
không viết để gửi cho ai cả. Tôi cố kéo dài cung cán may ra thời gian có
thể cứu sống chứ lần này thì ăn gà là cái chắc …
Sau gần một
tháng trời 2 tên cán bộ an ninh thay phiên hỏi cung ngay cả giữa nửa đêm
không cho tôi một lúc nào yên ... Cuối cùng, tên Truyền “cán bộ giáo
dục” bí thư chi bộ trại tù tức quá chỉ mặt tôi nói: “Chắc Phạm Trần
Anh sợ không sống nổi trong bốn bức tường đá nên viết lại cho Trần Thế
Phiệt tiếp nối sự nghiệp chống cộng chứ gì. Tôi đã tìm đọc hết báo chẳng
có thủ tướng nào cả mà chỉ có thủ tướng Phạm Trần Anh viết ra mà thôi …
Tôi nói với anh lần chót, nếu anh thành khẩn khai báo thì tôi lấy danh
dự bảo đảm với anh là sẽ khoan hồng cho anh. Còn nếu anh ngoan cố thì
anh làm hành chánh, anh biết rồi đấy, chỉ cần vài tờ báo cáo là xong hồ
sơ…”. Tôi biết là tên này lấy vụ bắn anh Quí ở hàng rào ra hù doạ
thôi chứ bố bảo nó cũng không dám bắn vì chúng còn phải khai thác tìm ra
anh em trong tổ chức mà chúng gọi là “đồng bọn”. Tôi nói với y là “Tôi cám ơn cán bộ nếu cán bộ dám bắn tôi để mẹ tôi bớt khổ, vợ con tôi bớt khổ vì lo lắng cho tôi ...”.
Nói xong tôi xin phép đi tiểu. Tôi đánh ván bài tẩy, mình tẩy “xì” mà
nên bắt luôn tẩy “sất” của y, nó chưa khai thác được cung cán thì làm
sao mà dám bắn. Tôi đứng dậy đi ra gần hàng rào đứng đái thoải mái. Đái
xong tôi đứng đó thoải mái nhìn lên ngọn núi Đại Bình nổi bật trên nền
trời xanh như chờ đợi loạt đạn kết thúc đời mình nhưng chẳng thấy động
tịnh gì, mấy phút sau thì nghe y kêu lớn “Thôi về phòng”. Không khai
thác được gì nên Trại quyết định giải giao lên Ty Công an Đà Lạt. Tên
giám thị Phi Sơn tuyên bố trước trại là chung thân mà còn chống thì tử
hình, các anh chống mắt xem thằng Phạm Trần Anh có trở về không?
Một năm sau,
chúng tôi được đưa về lại trại Đại Bình trước sự mừng vui của anh em
trong lúc ban giám thị trại tức tối ra mặt. Mỗi lần trại báo động là bọn
võ trang chạy tới mở cửa sổ xà lim kêu tên tôi “Phạm Trần Anh ngồi dậy”
rồi chúng chĩa súng thẳng vào ngực tôi rồi lên đạn AK nghe xoạch một
cái khiến cả phòng xanh máu mặt. Bản thân tôi lúc đó cũng choáng váng
nhưng rồi chúng lại đóng cửa sổ lại, từ đó một tháng khoảng 4,5 lần
chúng khủng bố tinh thần tôi liên tục mỗi khi có tiếng kẻng báo động.
Chính vì vậy anh em nhắn vào nói tôi phải cẩn thận, có đau ốm thì đợi
bác sĩ phe ta vào chữa trị đừng khai báo gì với y tá trại .. Tôi vẫn
bình thản chấp nhận vì tin vào cái số chưa chết của mình, đã hai lần
thoát bản án tử hình trông thấy mà chính tôi cũng không ngờ là tôi có
thể qua được …
TRONG CÁC TRẠI TÙ CỘNG SẢN có
lẽ tên giám thị Phi Sơn là một tên khát máu nhất mà theo nhà tội phạm
học Lombroso thì y quả là loại người “Sát nhân bẩm sinh”. Phi Sơn là bí
danh của y còn tên thật là gì thì không ai rõ, bí danh này có từ khi y
còn là trưởng ban ám sát tỉnh Lâm Đồng, một tay y đã giết biết bao nhiêu
quân nhân viên chức VNCH và cả đồng chí của y nữa. Dáng người dị dạng
cao lều khều, lúc đi lưng hơi còng, cặp mắt đỏ ngầu sâu hoắm, đôi lông
mày rậm và gò má nhô lên, mặt lạnh như tiền, hai hàm răng lúc nói chuyện
san sát như nghiến lại nên dường như tù nhân nào cũng không dám nhìn
thẳng vào mặt y. Trong lúc uống rượu cao hứng say sưa kể lại chính tay y
đã giết không biết bao nhiêu là người … Nghe nói có lần y bắt một viên
đại uý ở chi khu Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng thì phải, sau khi đánh đập tra
tấn không khai thác gì được, y trói hai tay vào một gốc cây rồi khoét 2
mắt cho máu chảy ra để kiến bu lại, đến khi quân ta tìm được thì xác đã
thối rữa, dòi bọ bò loan nhổn, ruồi kiến bu quanh! Chính ông cựu Tổng
trưởng Thông tin Phạm Xuân Thái đã kể cho tôi nghe về cách đối xử “nhân
đạo” đầy tình người của y đối với những người tù bệnh hoạn ốm đau. Số là
phe ta ở các trại, sau một thời gian lao động khổ sai ai cũng đau ốm
không nhiều thì ít. Khi khai ốm, mang chăn mền lên phòng “tắm hơi” là
một nhà nhỏ, che và lợp bằng tôn nên buổi trưa dù ở Bảo Lộc vẫn nóng mồ
hôi nhỏ giọt. Tiêu chuẩn mỗi người được lưng chén cháo, một lon guigoz
nước mỗi ngày. Trưa hôm đó, không thấy nhà bếp phát cháo, anh em xôn xao
ngơ ngác hỏi thì biết đó là lệnh của “Ban Phi Sơn” chỉ cho anh em một
chén nước luộc củ mì. Lúc sắp điểm danh vào phòng, tên trật tự Tường
được lệnh thu hết gậy chống, mùng mền và nói ai đi được thì đi, không đi
được thì bò về phòng. Nếu không về tối nay không bảo đảm tính mạng. Ai
nghe cũng lạnh người vì vốn biết tên này giết người không gớm tay chút
nào. Thế là chẳng ai bảo ai đều nằm xuống bò lê bò lết, kẻ trước người
sau giống như cái trò thể thao “khuyết tật” bây giờ. Thật là cười ra
nước mắt, trông cảnh này ai mà không thương nhưng cũng thấy tức cười vì
trong đó cũng có một vài anh em mình cũng giả ốm để gặp nhau nói chuyện
đỡ buồn ..!.
Năm ngoái, một
anh hình như là cảnh sát đặc biệt ở tù lâu quá, khi lên cơn chửi rủa Hồ
chí Minh thậm tệ. Phi Sơn bắt lên, chính tay y lấy kìm bẻ gẫy mấy cái
răng máu me đầy mồm, anh bạn mình chỉ kịp la ối một tiếng rồi ngất đi.
Tên giám thị gian ác cười ha hả rồi chửi “Địt mẹ mày, sao mày không chửi bố mày mà chửi bác tao... !”. Anh
bạn nhà mình đau quá, tá hoả tam tinh rồi hình như từ đó bớt chửi hơn,
có chửi thì lải nhải trong miệng chứ không thấy gào lên la làng như
trước! Tên Phi Sơn này thường cúi đầu đi lầm lũi một mình, lúc nào cũng
lầm lì không nói mà đã nói ra là cùm, cùm cho nó rục xương, là giết chóc
… nghe thủ hạ của y kể lại là chưa bao giờ nghe y nói thả ai ra bao
giờ. Chính Phi Sơn đã ra lệnh cùm một anh cán binh chiêu hồi đến chết,
khi khiêng xác ra thì thấy đầu chỉ còn trơ xương trán, sau gáy ót sau
bẹt ra, người gầy ốm tong teo còn hơn dân Somali chết đói bên Phi Châu.
Trại Đại Bình còn giam giữ nhiều anh em Thượng trong đó có anh K’ Jip án
chung thân. Bị cùm còng lâu ngày, anh K Jip thường kêu tên y chửi nên
bị cúp phần ăn không cho uống nước. Chính tên Phi Sơn đã ra lệnh cùm
còng anh K’Jip cho đến chết không tháo cùm còng. Cuối cùng chịu không
nổi anh đã chết vì suy kiệt, khi anh em tù vào khiêng xác thì thấy chỉ
còn một hình nhân với bộ xương cách trí, ống quyển và chân sưng lên lở
loét đỏ lòm dòi bọ bò lổm ngổm. Lúc anh em bước vào nâng người anh ta
dậy thì nền xi măng nhám nhúa kéo lại mảng da lưng bầy nhầy máu mủ đông
đặc ... Tên cán bộ một tay bịt miệng một tay mở khoá không được vì rỉ
sét lâu ngày nên bảo anh em lấy xà beng vào tháo giỡ cả cái cùm, lấy
chiếu bó lại rồi đem đi chôn cùng với người anh em tù xấu số này …! Suốt
mấy ngày cả trại anh em ai cũng ngơ ngác đau không ai muốn nói với ai
điều gì, chỉ biết thở dài ngao ngán … Không biết bao giờ tới phiên mình
hắt hiu hiu hắt như anh bạn K’Jip thân thương của mình đây … Trên thế
gian có còn cảnh tượng nào đứt ruột hơn nơi địa ngục trần gian này hở
trời ..?
Phạm Trần Anh
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment