Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 5 March 2013

Giai đoạn đấu tranh sắt máu sau 1954

 
Trận Điện Biên Phủ và Hiệp Định Geneve 1954 là hai biến cố chính khiến cho chiến dịch "Đấu Tranh Giảm Tô" được tạm ngưng. Mặc dầu sau Hiệp Định Genève, Việt cộng hoàn toàn làm chủ miền Bắc trong một khí thế đầy phấn khởi, bộ đội Việt cộng về thủ đô với một vinh dự chiến thắng, nhưng Hồ Chí Minh và giới đầu lãnh Hà Nội phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách: Phong trào di cư của gần một triệu đồng bào miền Bắc bỏ trốn cộng sản vào Nam, việc tập kết khoảng 50 ngàn bộ đội và cán bộ cộng sản từ Nam ra Bắc tạo nên nhu cầu ổn định tâm lý quần chúng cũng như củng cố an ninh. Do đó, Việt cộng đã dành một thời gian khoảng một năm để chấn chỉnh tình hình nội bộ và chuẩn bị làm nốt phần tối quan trọng của "Cải Cách Ruộng Đất" để bắt đầu công việc xây dựng cơ sở vật chất cho công cuộc xâm lược miền Nam.
Trong phạm vi bài này ta sẽ đi vào các phần chính sau đây:
 
- Giai đọan đấu tranh đẫm máu
- Phản ứng của nhân dân đưa đến quyết định sửa sai
- Cuộc đấu tranh tiếp theo của nhân dân miền Bắc
- Những đặc điểm điển hình của giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất 1951-1956 đưa đến chiến dịch sửa sai.
 

I. Giai Đoạn Đấu Tranh Đẫm Máu
 
Giai đoạn này bắt đầu vào khoảng giữa năm 1955 trên toàn thể miền Bắc với những trường hợp sau đây:
 
- Khu rừng núi không có cải cách ruộng đất (xem bản đồ đính kèm)
- Vùng đồng bằng sông Nhị Hà trước kia chưa có đấu giảm tô, thì trong giai đoạn này cả hai cuộc “đấu tranh giảm tô” và “đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất” được xúc tiến cùng một lượt (xem bản đồ).
 
Như đã trình bày trước đây, thể thức đấu tranh cải cách ruộng đất cũng giống như đấu tranh giảm tô, chỉ khác ở mức độ tàn bạo gia tăng và con số nạn nhân cũng gia tăng do sự “càn đi quét lại” và “kích tỷ lệ”.
 
Điểm căn bản là sau cuộc cải tạo nông nghiệp ruộng đất cũng như gia tài sản nghiệp của địa chủ bị tịch thu và được chia cho nông dân nghèo. Đây chính là cái mồi ngon cuối cùng mà đảng dành cho nông dân suốt trong những giai đoạn đấu tranh đã qua.
 
Cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất được Trung Ương Đảng giao cho Trường Chinh lãnh đạo qua một Trung Ương ủy viên phụ trách là Hồ Viết Thắng; dưới trung ương có các đoàn cải cách ruộng đất cho mỗi tỉnh và dưới đoàn có các đội cải cách ruộng đất cho mỗi xã. Các đội và đoàn đều trực tiếp nhận lệnh của trung ương mà không cần qua ủy ban hành chánh địa phương. Nguyên tắc chọn lựa các đội viên của đội cải cách ruộng đất phải là những thành phần cốt cán, bần cố nông, là đảng viên trung kiên đã chiến đấu trong bộ đội. Đấy là các đội viên của đợt đầu tiên cải cách ruộng đất. Sau mỗi đợt, lại có một số thành phần cốt cán bần cố nông khác được bồi dưỡng để trở thành đội viên các đợt sau. Do đó càng về sau, chính sách cải cách ruộng đất càng khốc liệt bởi phần đông đội viên toàn là những người trẻ tuổi, cuồng tín được bồi dưỡng tư tưởng đấu tranh giai cấp để căm thù thật sự; và cũng do đó mà vào năm 1956, đợt Cải Cách Ruộng Đất được phát động lấy tên là đợt Tổng tấn công Điện Biên Phủ đưa số người bị tàn sát lên đến 10 ngàn người, riêng trong đợt này; đội cải cách ruộng đất trở thành một công cụ khủng bố ghê gớm khiến nhân dân đồng thanh coi là “nhất đội nhì trời” mỗi khi đội về làng. Sở dĩ có sự tàn sát ghê gớm như vậy, vì chiến thuật kích tỷ lệ (nâng tỷ lệ) của Việt cộng. Thí dụ: cứ mỗi xã có 100 gia đình thì dù đủ hay không đủ, có hay không có, đội cải cách ruộng đất của xã đó phải tìm cho ra ít nhất là 5 gia đình địa chủ (tỷ lệ 5%) nếu hơn càng tốt, và trong số 5 gia đình này phải quy cho được 2 gia đình là cường hào ác bá để xử tử. Nếu đội không làm đủ tiêu chuẩn tỷ lệ sẽ bị phê bình là thiếu ý thức đấu tranh giai cấp, công tác kém, v.v….
 
Cuộc “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất” còn là cơ hội để đảng thực hiện một cuộc thanh trừng quy mô nội bộ Đảng cũng như hàng ngũ kháng chiến, sau khi thực dân Pháp đã bị đánh bại. Và theo chính sự thú nhận của Việt cộng khi có chính sách sửa sai, trong cuộc thanh trừng này có tới 23 ngàn đảng viên trung kiên bị “chết oan” , ngoài ra còn bao nhiêu ngàn đảng viên “không trung kiên” bị chết “một cách đích đáng” thì không thấy có tài liệu chính thức nào của đảng ghi chép cả.
 
Khi cuộc cải cách ruộng đất lên tới mức độ tàn bạo nhất, tức là đợt cải cách Điện Biên Phủ, rất nhiều người thuộc thành phần trung nông, tiểu thương bị “kích” lên thành địa chủ phản động và bị đem đấu tố. Thê thảm hơn nữa là những cán bộ cao cấp có công với kháng chiến mà cũng bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Đảng. Nhân chứng Nguyễn Văn Thân mô tả một cuộc đấu tố chụp mũ như sau:
 
…. “Cuộc đấu tố điển hình nhất mà tôi được dự là lần đấu ông Nguyễn Văn Đô, bí thư huyện ủy tại Ô Cầu Giấy ngoại thành Hà Nội…” …. “Nạn nhân Nguyễn Văn Đô là bí thư huyện ủy, rất có công với kháng chiến nhưng lại bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Đảng. Chủ tịch đoàn nói rằng ông lợi dụng chức vụ của Đảng hoạt động cho Quốc Dân Đảng. Người đứng kể tội là một nông dân trước kia đi chăn ngựa cho ông Đô. Một cụ già khác lên tố về việc cướp đất ruộng nương và cô con gái của ông lên đấu tố là đã bị ông cưỡng hiếp tất cả là 117 lần, v.v…. Đến khi ông Đô được phép lên phát biểu ý kiến nhận tội, ông đã cứng cỏi trả lời: Ông không phải là Quốc Dân Đảng, ông chỉ làm việc cho Bác cho kháng chiến mà thôi. Ông trả lời cô con gái là: “Thưa bà, bà còn quên đấy, tôi đã hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà nữa”. Câu trả lời này làm mọi người phải bật cười và làm đấu trường mất vẻ tôn nghiêm, chủ tịch đoàn vội vàng hô khẩu hiệu “đả đảo tên Đô ngoan cố” để đàn áp và che lấp tiếng nói của ông này. Sau đó họ không cho ông nói tiếp. Họ nghị án và quyết định xử tử ông ngay tại chỗ. Cuộc đấu này kéo dài từ 5 giờ sáng tới 13 giờ, tức 1 giờ trưa mới xong”. (Nguyễn Văn Thân)
 
Rất nhiều cựu cán bộ cộng sản có tham dự cuộc cải cách ruộng đất đều thắc mắc không hiểu ẩn ý của Đảng khi thẳng tay triệt hạ chính những cán bộ Đảng cao cấp và trung kiên, và triệt hạ luôn cả cơ cấu tổ chức Đảng ở nông thôn, thay vào đấy bằng những thanh thiếu niên bần cố nông từ 15 tới 18 tuổi. Rất nhiều người thắc mắc không hiểu Đảng vô tình hay cố ý giết oan người của Đảng.
 
Nhưng nếu người ta có cơ hội nghiên cứu kỹ cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, thì ẩn ý của Đảng trở thành rõ rệt. Đó là chủ trương đấu tranh liên tục trong nội bộ cộng sản bằng những cuộc thanh trừng đẫm máu. Đảng phải luôn luôn đào thải những cán bộ đảng viên cũ không thuộc thành phần vô sản, những người đã lỗi thời, có thể trở thành nguy hiểm cho đảng vì đã trau dồi những kinh nghiệm đấu tranh, đã có khả năng lãnh đạo, có uy tín, nắm vững tình hình Đảng, quy tụ được thế lực mạnh, và có thể phản Đảng. Thay vì dùng nghị đình, thông tư, sự vụ lệnh để thải hồi những phần tử này, Đảng đã mượn tay quần chúng nông dân để tiêu diệt cho hết hậu họa. Kết quả là chính nạn nhân của cải cách ruộng đất cũng không biết được thâm ý của “Hồ chủ tịch” và của “Đảng”, mà tưởng rằng cấp dưới làm sai, nên có người khi chết còn tung hô “Hồ chủ tịch”.
 
 
II. Phản Ứng Của Nhân Dân Đưa Đến Quyết Định Sửa Sai
 
Mức độ sắt máu của Cải Cách Ruộng Đất đã được chính những tên thợ thơ nô dịch của Việt cộng cổ võ để nịnh Đảng và nạt dân. Tố Hữu, một cán bộ lạnh đạo văn hóa của Việt cộng miền Bắc viết bằng một giọng khát máu:
 
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin… bất diệt.”
 
Còn Xuân Diệu cũng cuồng say với cuộc đấu tố bằng những vần thơ như sau:
 
Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đưốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi.
(trích Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, trang 22 và 23)
 
Nhưng những vụ tàn sát của Cuộc Cải Cách Ruộng Đất đã gây xúc động công phẫn mãnh liệt ở khắp mọi nơi. Mặc dầu dân chúng chưa võ trang nổi dậy quy mô, nhưng những vụ phục kích giết cán bộ đấu tố và những vụ chém giết giữa bần cố nông và thân nhân của người bị đấu tố đã xảy ra thường xuyên. Những người bị đẩy đến bước đường cùng đã liều mạng một sống một còn với kẻ thù của mình, bất chấp những đe dọa của Đoàn Cải Cách Ruộng Đất.
 
Đúng vào lúc đó, Đại Hội Đảng Liên Xô lần thứ 20 đã đem lại một biến cố làm chấn động dư luận thế giới và có ảnh hưởng đến tình hình Việt cộng miền Bắc. Ngày 20 tháng 2 năm 1956, Krushchev đọc bài diễn văn trong Đại Hội Cộng Đảng, công khai lên án bản chất khát máu của Satalin qua những vụ thủ tiêu hàng vạn đảng viên đối lập đồng thời tiết lộ nhiều tội lỗi khác của Stalin, kể cả tội bắt dân Nga sùng bái cá nhân của Stalin như một vị thánh sống.
 
Cũng trong Hội Nghị lần thứ 20, Cộng Đảng Liên Xô đã sửa đổi “chủ thuyết Stalin” bác bỏ chủ trương quá khích của Stalin đòi hỏi “Cách mạng phải bạo động và càng tiến tới xã hội chủ nghĩa thì đấu tranh giai cấp càng quyết liệt”.
 
Việc hạ bệ Stalin và việc thay đổi đường lối chính sách tại Liên Xô chỉ là một sách lược lừa địch và dụ khị địch. Trên phương diện đối nội, sau khi lật đổ Beria và Malenkov, phe của Krushchev có nhu cầu đánh gục “bọn tàn dư” của khuynh hướng Stalin để củng cố quyền lực cho phe phái của mình, chứ không hề có ý định thực hiện những cải cách dân chủ.
 
 
Trên phương diện đối ngoại, sách lược dụ khị của Krushchev nhằm quảng cáo cho món hàng “sống chung hòa bình”, lôi kéo một số quốc gia Á Phi vào một khối trung lập thân cộng gọi là “Phi Liên Kết”, đồng thời mở đầu cho giai đoạn “Hòa Dịu” nhằm ru ngủ các cường quốc Tây phương nhất là Hoa Kỳ, với mục đích chính: Mượn tiền và kỹ thuật Tây phương để phát triển kinh tế và kỹ thuật Liên Xô, tạo nên phong trào đòi giảm vũ trang tại các nước Tây phương, trong khi Liên Xô ngấm ngầm sản xuất vũ khí hạch tâm chiến lược nhằm đánh thắng trong một cuộc chiến tranh hạch tâm.
 
Với thâm ý như trên, Krushchev phái Nikoyan sang Hà Nội để giải thích cho Hồ Chí Minh và Việt cộng miền Bắc, về nhu cầu sách lược “xét lại”. Vào lúc đó, Hồ Chí Minh tâm sự với đàn em rằng “Khí thế của cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất đang phừng phừng bốc cháy, không lẽ lại dội một gáo nước lạnh vào đầu cán bộ và anh em nông dân”. Vì thế Việt cộng miền Bắc vẫn bít kín không phổ biến “chính sách mới” của Liên Xô. Tuy nhiên đứng trước những phản ứng bạo động của nhân dân, cũng như những bất mãn của tầng lớp trí thức đã từng tham gia tích cực ủng hộ Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào tháng 3 năm 1956, Hồ Chí Minh đã phải chuẩn bị kế hoạch dừng tay.
 
Những biến cố trên thế giới và phong trào chống đối trong nước liên tiếp đánh mạnh vào uy tín của Hồ Chí Minh và giới đầu lãnh Việt cộng. Ngày 26 tháng 5 năm 1956, Mao Trạch Đông công bố chính sách “Bách Gia Tranh Minh, Bách Hoa Tề Phóng” nghĩa là các môn phái tư tưởng được mặc sức phát biểu ý nghĩ của mình như trăm thứ hoa đua nở. Với chính sách mới, giới trí thức Trung Quốc được “mở mồm nói trong phạm vi có sự kiểm soát của Đảng”.
 
Ngày 28-6-1956 công nhân Ba Lan sát cánh với sinh viên bviểu tình ở Poznan chống lại chế độ độc tài và đòi Tự Do, cơm áo. Ngày 23-10-1956 công nhân Hung Gia Lợi nổi dậy làm cách mạng ở Budapest khiến Krushchev phải dùng vũ lực đàn áp một cách tàn bạo. Tại Bắc Việt, Hồ Chí Minh cố chờ cho cuộc cải cách ruộng đất kết thúc với đợt Điện Biên Phủ, mới ra lệnh đình chỉ mọi vụ hành quyết địa chủ, và tháng 10-1956 Trung Ương Đảng Việt Cộng ra nghị quyết “sửa sai”.
 
Chiến dịch sửa sai được bắt đầu bằng các đợt học tập dành cho Đảng viên về nghị quyết của Hội Nghị lần thứ 20 của Cộng Đảng Liên Xô, đồng thời, báo chí của nhà nước giải thích cho quần chúng về sự thay đổi bên Liên xô. Tiếp theo đó Hồ Chí Minh chọn Trường Chinh và Hồ Viết Thắng làm con vật tế thần (Trường Chinh mất chức Tổng Bí Thư Đảng, và Hồ Viết Thắng mất chức Thứ Trưởng phụ trách cải cách ruộng đất). Mười hai ngàn đảng viên còn sống sót trong tù vì bị kết tội là địa chủ đã được thả ra. Trong số này có nhiều người đã bị kết án tử hình. Hồ Chí Minh đã khóc lóc và đổ tội cho cấp dưới phạm phải sai lầm. Khả năng trình diễn của họ hồ rất cao khiến nhiều người dân miền Bắc tưởng Hồ khóc thật, và ít nhiều tin vào sự vô trách nhiệm của Hồ.
 
Trong Hội Nghị thứ 10 của Trung Ương Đảng, Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng đọc một bản thú nhận những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất. Hội nghị Mặt Trận Trung Ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất và chính sách sửa sai. Sự sửa sai đưa ra để xoa dịu lòng dân không có nghĩa là chính sách cải cách ruộng đất của Đảng sai lầm, và theo như Võ Nguyên Giáp nhận định trong bản báo cáo lên Trung Ương Đảng thì thắng lợi cơ bản của cuộc cải cách ruộng đất là đã đạt được mục tiêu cốt yếu đề ra, đó là đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ. Những sự sai lầm, theo Đảng nhận định, là do sự “quá tay” của cán bộ, ví dụ như:
 
- Phủ nhận thành tích kháng chiến của những người bị đấu tố.
- Không đoàn kết trung nông, liên hiệp phú nông như đã hứa mà lại đẩy họ vào hàng ngũ kẻ thù.
- Xử tử oan người ngay, đả kích bừa bãi, tra tấn đàn áp người vô tội.
- Xúc phạm tới tôn giáo.
- Không nhẹ tay với vùng dân thiểu số.
 
Hành động “sửa sai” của Việt cộng chỉ là một “sách lược” để đối phó với tâm trạng công phẫn bất mãn của nhân dân, tạo một cơ hội để cho sự công phẫn xẹp xuống, và tránh nguy cơ một cuộc nổi loạn trên toàn miền Bắc. Căn bản của cuộc sửa sai là xác nhận chính sách Cải Cách Ruộng Đất vẫn là đường lối lâu dài của Đảng và Nhà Nước Việt cộng. Nếu có những “sai lầm” trong việc thi hành chính sách, thì đó là lỗi của một vài cá nhân đã “quá tay” làm nhiều người chết oan, và những cá nhân phạm lỗi khiến hàng trăm ngàn người bị chết oan chỉ bị khiển trách một cách tượng trưng, không có ai bị truy tố ra trước tòa án, không có ai phải đền tội một cách đích đáng. Hồ Chí Minh và giới đầu lãnh Việt cộng ngang nhiên coi việc tàn sát giết người là quyền tự nhiên của Đảng, không cần phải thắc mắc, và nếu có giết oan vài chục ngàn người thì chỉ cần đổ tội cho cấp dưới “lỡ tay”, và phủi tay xin lỗi với một thái độ hoan toàn vô trách nhiệm.
Nhưng quần chúng nhân dân miền Bắc không chấp nhận thái độ đó, và họ đã nắm lấy cơ hội “sửa sai” để vùng lên.
 
 
III. Cuộc Đấu Tranh Tiếp Của Nhân Dân Miền Bắc
 
Lợi dụng hành động phủi tay của Hồ Chí Minh khi đổ tội cho cấp dưới đi quá trớn, các nạn nhân còn sống sót sau đợt đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất đã tìm những cán bộ cải cách để trả thù. Tình trạng rối loạn được mô tả trong cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” như dưới đây:
 
“Sau khi các đảng viên trung kiên được tha từ nhà tù về, được khôi phục công quyền, khôi phục đảng tịch và chức vụ thì họ tìm ngay đến các “đồng chí” đã “tố sai” để trả thù. Do đó tình trạng xung đột, giết chóc giữa đảng viên cũ và đảng viên mới lan rộng khắp mọi nơi. Uy tín của Đảng bị sụp đổ, cán bộ đâm ra hoang mang. Trong dịp này nhà văn Nguyễn Sáng có nói một cách hài hước: “Lạc quan sai; bi quan cũng sai; chỉ có hoang mang mới đúng”. Nhân dân được dịp đòi lại ruộng nương nhà cửa bị tịch thu.
 
Ở nông thôn các đảng viên đi họp phải mang búa theo để “thảo luận” với nhau. Những địa chủ được tha về, thấy tình trạng làng xóm như vậy, vội vàng chạy ra thành phố ở nhờ các gia đình “tiểu tư sản” hồi kháng chiến đã trú ngụ tại nhà mình. Các bần cố nông, chót nghe lời Đảng “tố điêu” nay sợ bị rạch mồm, cắt lưỡi, cũng vội vàng chạy ra thành phố để đạp xích-lô và đi ở thuê. Vì vậy nên dân số ở Hà Nội, Nam Định đột nhiên tăng gấp bội và không khí căm thù ở nông thôn lan ra thành phố, lây cho công nhân, tiểu tư sản, sinh viên và trí thức. Đáp lại vụ nổi loạn của nông dân ở Quỳnh Lưu, thanh niên và công nhân “Nam bộ tập kết” đập phá bót cảnh sát Bờ hồ Hà Nội (bên cạnh ga tầu điện, đầu phố Cầu gỗ)”.
 
Tại khắp các vùng nông thôn miền Bắc, đâu đâu người ta cũng thấy những vành khăn tang của thân nhân những người bị giết trong cải cách ruộng đất. Cho tới nay, không ai biết được con số chính xác những nạn nhân bị Việt cộng tàn sát. Chỉ có một yếu tố then chốt để giúp người ta ước lượng số nạn nhân đó là yếu tố “kích tỷ lệ” được đề cập ở phần đầu. Với dân số miền Bắc vào giai đoạn 1956 khoảng chừng 20 triệu người tức là vào khoảng 4 triệu gia đình nông dân, ta hãy giả sử 2% gia đình nông dân bị liệt vào giai cấp cường hào địa chủ nằm trong sổ đen của Việt cộng. Qua kỹ thuật “kích tỷ lệ”, những tên cán bộ trung kiên trong các đội cải cách đã thực hiện đúng chỉ tiêu bằng cách phát hiện và đem ra giết đủ tỷ lệ tối thiểu là 2% mỗi xã. Như vậy trên toàn miền Bắc, những gia đình nông dân có thể bị giết ít nhất là 80.000 người trong cuộc cải cách ruộng đất nếu các đội cải cách “kích tỷ lệ” theo đúng chỉ tiêu của Đảng đề ra.
 
Trong lịch sử Việt Nam, chưa ai nghe thấy có thời kỳ nào lực lượng ngoại bang thống trị đã tàn sát nhân dân một cách lạnh lùng máy móc như vậy. Nỗi căm hờn uất hận của nạn nhân cải cách ruộng đất cùng thân nhân của họ đã lên tới mức cùng cực, nhưng sau khi Hồ Chí Minh đưa ra chính sách sửa sai, thì chế độ Việt cộng đã thoát khỏi một cuộc nổi loạn bạo động lan rộng vì một số nguyên nhân chính:
 
a) Đa số những người mà tính mệnh bị đe dọa đồng thời là những người có tiềm năng lãnh đạo nổi loạn thì đã chết rồi, còn lại một số nhỏ được tha về và được khôi phục lại công quyền, tự coi là mình đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và cần được yên thân. Mặc dù có một số người liều mạng đi tìm đội cải cách để trả thù, nhưng hầu hết không dám có ý định chống lại kẻ chủ mưu đại gian đại ác là Hồ Chí Minh và Đảng Lao Động, hoặc là vì họ tưởng cấp dưới làm sai chính sách Đảng, hoặc vì họ nhìn ra Hồ Chí Minh và Đảng của họ Hồ quá nguy hiểm và quá mạnh. Nguy hiểm vì chúng ném đá dấu tay, xúi giai cấp nọ giết giai cấp kia để chúng bảo toàn lực lượng. Mặt khác, chúng quá mạnh vì có súng đạn trong tay, còn họ thì thân cô thế cô.
 
b) Phần đại đa số nông dân còn lại là phú nông, trung nông và bần nông thì như cá nằm trốc thớt. Tuy tính mạng của họ chưa bị đe dọa vì chưa bị liệt vào hàng cường hào địa chủ nhưng trông gương những vụ đấu tố chụp mũ, họ biết rằng bất cứ ai cũng có thể bị kết tội là “liên quan” hoặc “phản động” (“liên quan” là nói tắt của “liên quan với địa chủ cường hào”).
 
Vậy, cho dù có nhiều người trong lòng còn căm hận, nhưng ngoài mặt không dám ngo ngoe. Duy có một thành phần trí thức văn nghệ sĩ dám hiên ngang đứng lên chống Đảng và kể tội Đảng. Thành phần này gồm có những nhân vật đã tham gia kháng chiến từ những ngay đầu cho tới khi kháng chiến chống Pháp thành công. Đó là những người đã nằm trong lòng của cuộc kháng chiến chống Pháp và đã nhìn ra bản chất cộng sản của bọn Hồ Chí Minh. Là những người có tinh thần Quốc Gia, một số những người này đã ngây thơ lựa chọn con đường chống thực dân trước, cho tới khi thành công rồi sẽ thanh toán cộng sản sau (!!!). Một số còn lại đã tìm cớ nọ cớ kia để từ từ ngưng hợp tác với Đảng ngay từ trước khi kháng chiến chống Pháp thành công, mặc dầu họ vẫn được mọi người mến chuộng và được coi là giới trí thức và văn nghệ sĩ kháng chiến.
 
Là những người nặng lòng với đất nước, giới trí thức và văn nghệ sĩ kháng chiến về thủ đô đã rất đau lòng và căm hận chính sách tương tàn của bọn Hồ Chí Minh, và lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi khi họ Hồ đề ra chính sách sửa sai, giới trí thức văn nghệ sĩ đã vùng lên đấu tranh, tạo nên một chấn động trong dư luận thế giới sau khi có cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh lưu, Nghệ An.
 
Cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu gây một chấn động lớn vì nó xảy ra ngay tại tỉnh Nghệ An, quê quán của Hồ Chí Minh, và nó cho thấy ngay đối với nhân dân tỉnh nhà, Hồ Chí Minh là một đứa con vô liêm sỉ bị từ bỏ. Hồ Chí Minh rất căm hận hành động nổi dậy, nên đã dùng các sư đoàn Nam Bộ Tập Kết để đàn áp, giết và đày ải hơn 6.000 nông dân, đồng thời cố tình bít kín mọi tin tức liên quan đến cuộc nổi dậy này không lọt ra thế giới bên ngoài.
 
Trong khi nông dân Nghệ An nổi dậy dùng gậy gộc, dáo mác đánh Việt cộng thì văn nghệ sĩ miền Bắc dùng ngòi bút, đánh Việt cộng bằng những bài văn, những lời thơ sắc như thép:
 
Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi, ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá
(Phùng Quán trong bài Lời mẹ dặn)
 
Trong khi thế giới biết rất ít về những chi tiết của cuộc nổi loạn của nông dân Quỳnh Lưu, thì trái lại những tài liệu của cuộc nổi dậy của văn nghệ sĩ miền Bắc đã được bí mật gởi ra ngoài, bằng giấy trắng mực đen, khiến cho lịch sử văn học đã ghi được đầy đủ chi tiết về nội dung cuộc nổi dậy, những văn nghệ sĩ tham gia và đường lối đấu tranh của giới văn nghệ sĩ miền Bắc, v.v…. Nhờ đó, những văn thi họa phẩm của giai đoạn “Trăm Hoa Đua Nở” trên đất Bắc đã không bị mai một, dù cộng sản tìm cách thủ tiêu, và những tài liệu trên đã đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc, tiêu biểu cho một trong những giai đoạn văn học phản ảnh trung thực sức đấu tranh dũng mãnh của dân tộc.
 

Nội Dung Cuộc Nổi Dậy Của Văn Nghệ Sĩ Và Trí Thức Miền Bắc
 
Diễn đàn của giới trí thức văn nghệ sĩ đấu tranh khởi đầu là cuốn sách Giai Phẩm 1956 còn gọi là Giai Phẩm Mùa Xuân được xuất bản vào khoảng tháng 3-1956, trước khi có chiến dịch sửa sai . Sau khi Nikoyan sang Hà Nội giải thích chính sách của Liên Xô, đưa đến vụ sửa sai, thì phong trào nổi dậy đã bùng lên với Giai Phẩm Mùa Thu (29-8-1956) Giai Phẩm Mùa Đông (1956), tờ báo Nhân Văn (liên tiếp trong nhiều số), tờ Đất Mới, tuần báo Trăm Hoa, tờ nhật báo Thời Mới, và ngay cả báo Văn của Đảng. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất trong những tài liệu trên là báo Nhân Văn và các quyển Giai Phẩm, cho nên người ta quen gọi phong trào nổi dậy của văn nghệ sĩ là Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm.
 
Nội dung của Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm là đấu tranh chống chế độ Việt cộng trên hai lãnh vực chính:
 
- Đường lối chính sách của Đảng
- Hệ thống lãnh đạo của Đảng
 
Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm đánh vào đường lối chính sách tức là đánh tận gốc Chủ Nghĩa Cộng Sản, chĩa mũi dùi vào chủ trương giai cấp đấu tranh người bóc lột người, chính sách cải cách ruộng đất, chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành thị, đồng thời tấn công vào liên minh giai cấp đấu tranh giữa Việt cộng và Trung Quốc. Một trong những tài liệu quan trọng nhất thuộc loại này là cuốn “Nắng Chiều” của cụ Phan Khôi, gồm nhiều bài bút ký, tạp văn, bị Việt cộng cấm xuất bản, may nhờ có Đoàn Giỏi, một cán bộ Đảng đem ra mổ xẻ phê bình trên báo Văn Nghệ của Đảng số 15, xuất bản tháng 8-1958, người ta mới biết về nó. Sau đó, Đoàn Giỏi đã bị phê bình kiểm thảo là cố tình mổ xẻ chửi bới cụ Phan Khôi nhằm mục đích phổ biến tài liệu chống Đảng. Tội nặng nhất của cụ Phan khôi được phát hiện trong cuốn Nắng Chiều nằm trong các chuyện Nuôi vịt ở miền Nam”, “Tiếng Chim”, “Thái Văn Thu” và chuyện “Ba Ông Vua” (Càn Long, Quang Trung và Chiêu Thống).
 
Trong chuyện “Tiếng Chim”, cụ Phan Khôi đã thuật chuyện hai con quạ không dành nhau miếng ăn để ngụ ý mỉa mai vấn đề đấu tranh giai cấp là vấn đề căn bản của chủ nghĩa Mác Lê-nin. Trong chuyện Nuôi vịt ở miền Nam, cụ Phan Khôi thuật lại cách làm việc và cách sống của chủ và người làm thuê đều cực khổ như nhau, đồng thời chủ chẳng những trả công cho thợ mà còn chia hoa hồng cho thợ mỗi khi được mùa, vừa có ý ám chỉ rằng cảnh người bóc lột người theo quan niệm đấu tranh giai cấp là không hoàn toàn có thực mà còn có ý ám chỉ Đảng bóc lột người hơn những người chủ nuôi vịt. Trong chuyện Ba Ông Vua”, Đoàn Giỏi giải thích rằng cụ Phan có ý ám chỉ “quan hệ ngoại giao giữa Quang Trung và Càn Long ngày xưa không khác gì quan hệ hữu nghị giữa ta và Trung Quốc ngày nay, một con cáo và một con sói đồng tình vật chết một con dê”.(Xem Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, trang 94)
 
Ngoài việc đả kích tư tưởng đấu tranh giai cấp, căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm còn kêu gọi mọi người đứng lên chống lại chủ nghĩa đó. Trong bài Tiếng Hát, một vở kịch thơ ngắn, Hoàng Cầm đã cất tiếng kêu gọi qua tiếng hát của Trương Chi:
 
Nào người quả phụ trắng khăn tang
Nào đứa em mồ côi khát sữa
Nào ai sống nhục chết oan
Nào ai tan lìa đôi lứa
Nghe tiếng hát này…
 
để ám chỉ những nạn nhân của cải cách ruộng đất, và tiếp theo đó kêu gọi mọi người hãy theo “Tiếng gọi của trời cao, của đất rộng” quyết “Vượt qua tường đá” của hệ thống kềm kẹp áp bức của Việt cộng.
 
Một mặt chống đường lối chủ trương Đấu Tranh Giai Cấp của Đảng, một mặt khác Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm đánh thẳng vào hệ thống lãnh đạo Đảng gồm có con người và tổ chức. Về con người lãnh đạo, các văn nghệ sĩ đánh từ Hồ Chí Minh trở xuống cho tới các cán bộ cao cấp Trung Ương như Trường Chinh, các cán bộ lãnh đạo văn nghệ như Tố Hữu, Hoài thanh, Xuân Diệu mà mọi người gọi là những tên “cai văn nghệ”.
 
Một nhà thơ trẻ là Lê Đạt đã dám ví Hồ Chí Minh như cái bình vôi:
 
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
 
Cụ Phan Khôi còn viết bài “Ông Bình Vôi” trong Giai Phẩm Mùa Thu tập I, với một câu giải thích rằng cái bình vôi sống lâu “cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng “Ông”. Chẳng những cụ đánh thẳng vào Hồ Chí Minh mà còn đánh luôn những bọn văn nô đã tôn thờ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh nữa. Cụ Phan Khôi còn chọc quê Hồ Chí Minh là Ông Bình Vôi vì Hồ Chí Minh đã phạm tội tầy đình trong cuộc cải cách ruộng đất, mà còn giả đò ù lỳ vô trách nhiệm, phủi tay chối tội và bắt Trường Chinh chịu tội thay cho mình.
 
Bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần đã khiến nhà thơ này bị ngồi tù, bị đấu tố và đã dùng lưỡi dao cạo cứa cổ tự tử mà không chết. Trần Dần là nhà văn Đảng viên thuộc giới trẻ trong Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm, đã tham dự trận Điện Biên Phủ, sau đó vì chống Đảng mà bị đi tù ở Việt Bắc. Tới khi dư luận chống đối của giới trí thức kháng chiến trở nên quá sôi nổi, Trần Dần mới được Việt cộng đưa về miền đồng bằng và bắt đi theo chiến dịch cải cách ruộng đất. Tiếp theo đó xảy ra Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm, Hoàng Cầm là bạn của Trần Dần đã đem in một bài thơ của Trần Dần vốn được viết từ năm 1954 với nội dung đấu tranh chống đối, đồng thời đề nghị Trần Dần viết thêm một đoạn cho có “lập trường tốt” như thế mới được phép xuất bản và đặt tên bài thơ là “Nhất định thắng”. Ngay trong phần đầu có tính chất đấu tranh, Trần Dần cũng đánh bằng những đòn rất kín khiến Việt cộng dù đem ông ra đấu tố, cũng chỉ bắt bẻ bâng quơ về cách dùng chữ không ổn, “phạm húy”. Đọc bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, người ta phải đặt mình vào khung cảnh 1954 với không khí bàng hoàng của Hiệp Định Genève cắt đôi đất nước, hàng triệu người nông dân miền Bắc hốt hoảng bỏ trốn cộng sản, trong tâm tư họ còn hằn vết thương đỏ lòm của đấu tranh Giảm Tô trước 1954, rồi cảnh gia đình xé đôi vì người đi Nam kẻ ở lại Bắc (người vợ trẻ của Trần Dần lạc lõng giữa Hà Nội vì cha mẹ đã di cư), rồi cảnh bộ đội Nam bộ tập kết được sử dụng để đàn áp cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu. Có đặt mình vào hoàn cảnh 1954 người ta mới mường tượng đọc ra được những ẩn ý lên án Hồ Chí Minh chia đôi đất nước bằng cách ký Hiệp Định Genève:
 
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng, máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi dao cùn
Không giết được, mà đau
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước! Nếu mà lưng tôi lạnh
Hãy nhìn xem có phải vết dao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ Quốc hôm nay rướm máu.
 
Và kế đến là cảnh đát nước miền Bắc ngập trong điêu linh dưới chế độ mới:
 
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ….
 
Rồi bằng những câu hỏi “buộc tội” đối với trách nhiệm về phong trào di cư, Trần Dần cầm bút chỉ vào Hồ Chí Minh:
“Họ vẫn ra đi
Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc? Họ có gì thất vọng?”
Và:
“Ai dẫn họ đi?
Ai?
Dẫn đi đâu? Mà họ khóc mãi thôi”
 
Và cũng vẫn bằng những câu hỏi làm Việt cộng không trả lời được:
 
Ai có lý và ai có lực?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
 
Cuối cùng, Trần Dần phang bốn câu làm cán bộ lãnh đạo văn hóa của Việt cộng hết nhịn nổi:
 
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy
Người vẫn vội –
Người chưa kiên nhẫn mấy.
 
Trần Dần bị hạch tội đã dùng danh từ “Người” viết bằng chữ lớn xưa nay được cán bộ Việt cộng dùng để chỉ Hồ Chí Minh với sự tôn sùng tột độ. Tuy Trần Dần bị bỏ tù nhưng cán bộ Việt cộng không dám nói đích danh tội phỉ báng Hồ Chí Minh của Trần Dần cũng như của cụ Phan Khôi. Giống như dưới thời đại “cực kỳ phong kiến”, riêng việc nhắc tới những lời “khi quân” phỉ báng của người khác cũng đủ là một sự phạm thượng đại nghịch, và không một tên Việt cộng nào dám làm.
 
Ngoài việc tấn công tên đầu sỏ của Việt cộng, các văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc còn đả kích hệ thống lãnh đạo Việt cộng qua tổ chức “Hội các nhà văn”, tổ chức Mậu Dịch Quốc Doanh, đồng thời đả kích tính chất phi pháp của cải cách ruộng đất qua bài tham luận của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường mà ta sẽ có dịp đề cập tới trong một đoạn khác.
 
Trên đây ta đã tóm lược cuộc đấu tranh tiếp theo của Nhân Dân miền Bắc để chống lại sự phản bội kháng chiến của Hồ Chí Minh và cuộc tàn sát dã man qua Cải Cách Ruộng Đất. Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm tượng trưng cho một cuộc nổi dậy có tổ chức và tư tưởng chỉ đạo quy mô hơn cả. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm quan trọng và đã bị dập tắt sau khi Hồ Chí Minh ký một sắc lệnh ngày 15-12-1956 chính thức hủy bỏ quyền tự do ngôn luận, cấm lưu hành tất cả các nhật báo, tạp chí, sách vở văn nghệ phẩm chống đối.
 
Trước khi ký sắc lệnh bịt miệng văn nghệ sĩ, Hồ Chí Minh đã phóng ra một chiến dịch dùng báo chí Đảng chụp mũ tội “gián điệp” của Pháp và của Mỹ lên đầu nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, tổ chức học tập khắp nơi, và cán bộ Đảng thúc đẩy các đoàn thể công nông binh, học sinh và dân Nam bộ tập kết ký kiến nghị tự xưng là “mọi từng lớp nhân dân” đòi nhà nước trừng trị nhóm Nhân Văn. Sau khi bịt miệng văn nghệ sĩ, Việt cộng chỉ cho phép báo của Đảng múa võ một mình. Hội văn nghệ của Đảng được chỉ thị cho ra báo Văn. Nhưng múa võ một mình trong một thời gian, báo Văn trở nên nhạt nhẽo quá khiến ban chủ nhiệm cũng phải cảm thấy nản, và quay ra chống Đảng bằng cách đăng những bài của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Việt cộng bèn đàn áp thẳng tay, bắt 304 văn nghệ sĩ đi chỉnh huấn, sau đó đi “Lao Động Cải Tạo” ở những vùng rừng thiêng nước độc của Việt Bắc. Hành động bịt miệng và đàn áp thẳng tay đối với văn nghệ sĩ đã tạm thời chấm dứt một hình thức chống đối trên Mặt Trận Văn Hóa, nhưng chưa chấm dứt phong trào đấu tranh của nhân dân dưới các hình thức khác. Cuộc đấu tranh phi quy ước giữa Việt cộng và các tầng lớp nhân dân bị áp bức còn đương diễn ra trên Mặt Trận Kinh Tế qua các giai đoạn tiếp theo gồm có công hữu hóa ruộng đất vườn ao, hợp tác xã cấp thấp, hợp tác xã cấp cao,v.v…
 
Các cuộc đấu tố của giai đoạn đã qua cho tới năm 1956 mới chỉ là Màn I của tấn kịch cải cách ruộng đất.Giai đoạn đấu tranh từ 1951 đến 1956 đưa tới vụ sửa sai và Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm có một số đặc điểm rất điển hình đáng cho ta ghi chép lại đây.
 
 
IV. Những Đặc Điểm Của Giai Đoạn Cải Cách Ruộng Đất 1951-1956 Đưa Đến Chiến Dịch Sửa Sai
 
Những nỗ lực và những hoạt động của cộng sản nhằm dành giựt quyền lực hoặc từ vai trò có quyền lực trong tay để đàn áp quần chúng nhân dân, tất cả đều là những nỗ lực và hoạt động của chiến tranh mặc dầu nhiều khi không có tiếng súng nổ. Đó là cuộc chiến tranh diễn ra từ 1951 tới 1956 phối hợp hai loại đặc điểm nổi bật:
 
- Những đặc điểm có tính cách chiến tranh phi quy ước
- Những đặc điểm có tính cách Mác-xít Lênin-nít điển hình
 
Nếu ta còn nhớ những đặc điểm của chiến tranh phi quy ước trong bài nghiên cứu đầu tiên đại cương về chiến tranh quy ước và phi quy ước, ta sẽ thấy lại những đặc điểm này trong cuộc cải cách ruộng đất của giai đoạn 1951-1956.
 
 
1.     Dựa vào lực lượng quần chúng
 
Đây là một đặc điểm điển hình của chiến tranh phi quy ước cũng như của chiến dịch Đấu Tranh Chống Phản Động, Đấu Tranh Giảm Tô, Đấu Tranh Cải Cách Ruộng Đất. Để tiêu diệt mầm mống chống đối, Việt cộng đã không sử dụng biện pháp pháp lý, biện pháp hành chánh, hay sử dụng cảnh sát công an, quân đội, mà đã huy động nông dân, bằng cách nhóm Đại Hội Nông Dân, dùng các “đội đấu tố” và “đội cải cách” xâm nhập vào dân để xách động dân, làm như thể nông dân đứng chủ động đòi tiêu diệt phản động, tiêu diệt địa chủ. Việt cộng còn công khai giải tán hệ thống hành chánh xã trong giai đoạn “đội cải cách” về làng phát động đấu tranh, bề ngoài làm như đề cao quyền lực của nông dân, nhưng thực sự bên trong là gán ghép trách nhiệm cho dân, làm cho bàn tay nông dân có dây máu địa chủ, nghĩa là nếu họ không có chủ động thì ít ra cũng là kẻ đồng lõa tội ác.Tại sao họ Hồ lại cần có liên minh tội ác đó? Theo sự suy đoán của các hồi chánh viên có liên hệ tới cải cách ruộng đất thì một trong những lý do có tính cách chiến lược là tương quan lực lượng giữa Đảng và giới địa chủ, phú nông, trung nông và tất cả nông dân hữu sản cho thấy Đảng là thiểu số. Quan niệm dựa vào lực lượng quần chúng vừa là một đặc điểm của chiến tranh phi quy ước lại vừa phù hợp chủ trương cố hữu của cộng sản và kỹ thuật đấu tranh của cộng sản. chủ trương của cộng sản là tiêu diệt tư hữu, tiêu diệt tư sản, tất nhiên phải tiêu diệt địa chủ là những phần tử tư sản “ngoan cố” nhất. Kỹ thuật đấu tranh của cộng sản là “lấy mâu thuẫn giải quyết mâu thuẫn”: nghĩa là Tạo ra mâu thuẫn giữa các lực lượng thù địch đẩ các lực lượng này tiêu diệt lẫn nhau và cộng sản ngồi rung đùi hưởng lợi. Đó là chiến lược xúi Ngô đánh Ngụy để mình lấy ngon đất Kinh Châu (Tam Quốc Chí). Áp dụng vào trường hợp đấu tranh cải cách ruộng đất, “lấy mâu thuẫn giải quyết mâu thuẫn” là lấy bần cố nông giải quyết bài toán địa chủ. Nếu dùng biện pháp pháp lý để cải cách ruộng đất như các nước Á Châu khác, Việt cộng phải quốc hữu hóa hoặc mua rẻ ruộng đất của địa chủ rồi chia cho nông dân, như thế đích thân Đảng phải đối phó với khoảng 1 triệu người thuộc thành phần địa chủ phú nông và trung nông, mà trong đó có nhiều người có công với kháng chiến, có uy tín với dân. Tự lực đối phó với khoảng 1 triệu có tư sản, trong khi đảng viên nòng cốt của Việt cộng lúc đó chưa đầy 500 ngàn người là một việc nguy hiểm.
 
 
2. Bất chấp pháp lý, bất chấp quy ước hành chánh
 
Đây là đặc điểm thứ hai của cộng sản khi áp dụng hình thái chiến tranh phi quy ước vào cải cách ruộng đất. Chẳng những Việt cộng không sử dụng các biện pháp pháp lý và các quy ước hành chánh thông thường, mà chúng còn trắng trợn vi phạm các nguyên tắc pháp lý và hành chánh được coi là khuôn mẫu để duy trì trật tự quốc gia và xã hội của các nước văn minh từ 400 năm qua.
 
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, qua bài diễn văn đọc ngày 30-10-1956 trong một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội, đã nêu lên những vi phạm nguyên tắc pháp lý, trong Cải Cách Ruộng Đất:
 
a) Nguyên tắc thứ nhất: Không hành phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mới bị khám phá vì khó xác định các bằng chứng buộc tội. Khi buộc tội một người với những bằng chứng hồ đồ, xã hội sẽ tạo ra những tiền lệ bất công làm mất uy tín của cơ chế cầm quyền và gây xáo trộn xã hội. Việt cộng đã vi phạm thô bạo nguyên tắc thư nhất khi mớm cung cho những bần cố nông vu oan gia họa cho nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất về những tội đã phạm từ mấy chục năm trước, dựa vào những bằng chứng hồ đồ (như hồi chánh viên Nguyễn Văn Thân đã tường thuật).
 
b) Nguyên tắc thứ hai: Theo lời Luật sự Nguyễn Mạnh Tường: Trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có trách nhiệm chung với vợ con, của gia đình”, chỉ trong thời đại phong kiến dã man mới có luật tru di tam tộc để trừng phạt bà con họ hàng của người có tội. Nhưng riêng trong chế độ Việt cộng, không những thân nhân của người có tội phải trả nợ máu, mà ngay cả những người không có liên hệ máu mủ gì với nhau mà cũng bị chết chùm với nhau vì mang cái nhãn hiệu chung là địa chủ, phú nông. “Kích tỷ lệ” là một vi phạm thô bạo của nguyên tăc thứ hai về pháp lý.
 
c) Nguyên tắc thứ ba: Theo luật sư Nguyễn Mạnh Tường là “muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng và chắc chắn. Một nhân chứng thôi cũng chưa đủ, ít ra phải có hai nhân chứng khai phù hợp với nhau, mới được là đáng kể… Khi nêu lên nguyên tắc thứ ba trên đây, có lẽ ông Nguyễn Mạnh Tường muốn ám chỉ những vụ Đấu Giảm Tô như anh Nguyễn Văn Thân thuật lại, ví dụ: “Một cái sẹo cũ vì bị ngã từ hồi còn bé sẽ được trình bày là vết dao chém của địa chủ ác ông… Hoặc nếu một bà lão rụng hết tóc vì già hay vì bệnh hoạn thì sẽ dùng chứng tích này để tố địa chủ nắm tóc giật đánh”, (xem bài trước). Những bằng chứng cần thiết để chứng tỏ vết dao chém tối thiểu là phải trình bày được con dao có vết máu của nạn nhân. Vì bất chấp nguyên tắc thứ ba trên đây, trong giai đoạn “Đấu tranh chống phản động” đội cải cách của Việt cộng đã “mớm cung theo dây chuyền”, khiến nhiều nạn nhân đã khai lung tung ra ngoài sự dự liệu của cán bộ Đảng và làm trò cười cho đấu trường cải cách, cũng như làm trò cười cho lịch sử mai hậu.
 
d) Nguyên tắc pháp lý thứ tư: “Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, tòa phải cử luật sư bào chữa không, cho bị can… Khi điều tra, thẩm vấn, tuyệt đối không được dùng phương pháp tra khảo, đánh đập, hành hạ bị cn, mớm cung cho bị can, dọa nạt hay dụ dỗ đương sự”…
 
 
3. Thủ Tiêu Chế Độ Pháp Trị Chân Chính
 
Một chế độ pháp trị chân chính phải xác định rõ đâu là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người từ thường dân cho tới người lãnh đạo. Việt cộng chẳng những thủ tiêu quyền lợi của người dân qua việc bất chấp các nguyên tắc pháp lý căn bản, mà còn lờ luôn trách nhiệm pháp lý của cấp lãnh đạo đảng, nhất là họ Hồ, tên chủ mưu trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu. Về điểm này ông Nguyễn Mạnh Tường viết: …”Trước hết, bức thư của ông Hồ Viết Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt Trận Trung Ương chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi…” “…là một nhà luật học, tôi chưa thể nào nhận định được trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ. Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận tội lỗi của một người không đủ để quy định trách nhiệm của người ấy…”.
 
Lập luận của ông Nguyễn Mạnh Tường có ý nói rằng:
 
Thứ nhất: Giải pháp hạ tầng công tác Trường Chinh và sự từ chức của Hồ Viết Thắng chỉ là một giải pháp chính trị, và nếu ngưng ở đó, Việt cộng đã cố tình xí xóa trách nhiệm pháp lý đối với các vụ sát nhân có mưu định rõ ràng. Và ông Tường gọi đó là “chính trị lấn áp pháp lý”.
 
Thứ hai: Trách nhiệm của Hồ Viết Thắng có thể rất lớn, có thể rất nhỏ, nghĩa là nếu Hồ Viết Thắng chỉ là một kẻ thừa hành, thì cần phải truy nguyên ra cái trách nhiệm pháp lý cao chót vót là Trung Ương Đảng và Hồ Chí Minh. Không xác định quyền lợi cùa người dân và trách nhiệm pháp lý của Đảng và nhà nước Việt cộng đã thủ tiêu chế độ pháp trị chân chính. Mà thủ tiêu chế độ pháp trị chân chính là một đặc điểm có tính cách Mác-xít Lênin-nít điển hình. Và nó là nguyên nhân của bao xương máu, chết chóc và đau thương diễn ra trên đất Việt Nam từ hơn 30 năm nay.
 
Bài nghiên cứu này kết thúc một giai đoạn đặc biệt của Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, và không có nghĩa cuộc cải cách ruộng đất của Việt cộng đã chấm dứt khi ruộng đất được lấy từ địa chủ để chia cho nông dân nghèo. Không! Sau khi chia ruộng cho nông dân nghèo, Việt cộng đã từ từ lấy lại hết tất cả ruộng đất tài sản của họ qua các chiến dịch Tổ Đổi Công, Hợp Tác Xã Cấp Thấp, Hợp Tác Xã Cấp Cao,v.v… song hành với các kế hoạch kinh tế 3 năm, kế hoạch kinh tế 5 năm,v.v.. mà chúng ta sẽ nghiên cứu trong những bài tới.
 
Trong phần kết luận của bài này, chúng ta hãy đưa ra một nhận xét về trách nhiệm chính trị và pháp lý của một hành động liên quan đến trật tự công cộng và tính mạng của người dân.
 
Một người thường dân phạm tội giết người phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành động đó. Nếu việc giết người có chủ mưu, đó là một trọng tội về hình sự, và hình phạt thường là lấy mạng đền mạng. Một cấp lãnh đạo chính trị, nếu giết người có chủ mưu vì mục đích chính trị thì phải chịu trách nhiệm về pháp lý, và sau đó còn phải chịu thêm trách nhiệm về chính trị. Trách nhiệm pháp lý càng gia tăng gấp bội nếu là tội tàn sát nhiều người với sự dự mưu kỹ càng. Một chế độ, một tập đoàn thống trị phạm tội tàn sát tập thể cả trăm ngàn người cũng phải chịu trách nhiệm chính trị và pháp lý như trường hợp chế độ phát xít Đức, phát xít Ý và quân phiệt Nhật,v.v… Những kẻ lãnh đạo, tùy theo trách nhiệm và sự dự mưu đều phải đền tội cả về phương diện chính trị và pháp lý. Trước hết bị tước hết quyền hành chính trị và sau đó lấy mạng đền mạng.
 
Công lý đã được thi hành tại Đức, tại Ý, tại Nhật, sau Đệ Nhị Thế Chiến, và trật tự quốc gia nhờ đó đã được tái lập tại Đức, tại Ý, tại Nhật. Nhưng cũng kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, vì Liên Xô không bị trừng phạt về những tội diệt chủng nên các chế độ cộng sản từ Âu sang Á đã thừa kế thủ tiêu nền pháp trị chân chính. Chúng phủi tay chối bỏ mọi trách nhiệm pháp lý đối với tội ác của chúng vì nhân dân bất lực trước họng súng đàn áp, và vì công lý không có sức mạnh để thực thi.
 
Ở Việt Nam, Hồ chí Minh và đảng Việt cộng đã phạm nhiều tội ác chồng chất. Tội tàn sát trong Cải Cách Ruộng Đất chỉ là một trong nhiều tội ác tày đình của chúng trong hơn 30 năm qua. Mỗi lần gặp khó khăn vì nhân dân ta đấu tranh, chúng lại tìm cách xoa dịu, xí xóa, khi thì bằng chính sách sửa sai, khi thì bằng chính sách nới lỏng các biện pháp kềm kẹp kinh tế, khi thì bằng màn xiệc “đổi mới tư duy”. Nhưng luôn luôn có nhiều người bị chúng lường gạt, và mỗi lần như thế, Việt cộng lại chối bỏ được trách nhiệm về tội ác, và trở nên mạnh hơn khi những nhóm người hoặc thế lực ngu xuẩn giúp chúng cơ hội và phương tiện phục hồi sức mạnh để tiếp tục tội ác.
 
Ngày nay, dân ta đã thức tỉnh, và đã đấu tranh mạnh mẽ buộc Việt cộng phải "lãnh" trách nhiệm đối với tội ác của chúng. Dân ta cương quyết thì hành động công lý bằng cách lật đổ chế độ Việt cộng và thiết lập một nền pháp trị chân chính, nghĩa là bất cứ tập đoàn nào phản nước hại dân phải chịu trách nhiệm chính trị và pháp lý trước toàn dân, tức là trả lại quyền hành chính trị và chịu sự phán đoán của luật pháp quốc gia. Nhân Dân Việt Nam coi những biện pháp “sửa sai” hoặc “cởi mở” hoặc “đổi mới” hoặc “hòa giải hòa hợp” là những trò xiệc bịp bợm để bịp những nhóm người ngu xuẩn, hoặc đón gió làm tay sai cho ngoại bang.
 
Võ Trường Sơn

 http://www.vlink.com/caicachruongdat/ccrd03.html

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.