Thưa bác,Nhiều
năm qua bác nhắc đi nhắc lại về chuyện Ba Mươi tháng Tư. Bác nói rằng
mỗi người đều có một ngày Ba Mươi tháng Tư cho riêng mình. Bác vẫn hỏi
một câu. Lúc ấy quý vị đang ở đâu? Thưa bác, ngày Ba Mươi tháng Tư năm
75 cháu đi nhận xác chồng ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Xin kể đầu
đuôi như sau:
Người yêu của cháu, chồng sắp cưới của cháu là Nguyễn Đông Thành, Trung
Úy Biệt Động Quân Đơn vị đóng tại Chân Thành vào thời kỳ 1975. Từ lúc ra
trường Thủ Đức, anh làm Trung Đội Trưởng Tác Chiến cho đến khi lên đến
Trung Úy Đại Đội Trưởng đã bị thương 4 lần. Một lần bị thương nặng phải
nằm nhà thương hai tháng. Còn các lần khác chỉ bị thương nhẹ.
Cháu gặp anh trong một lần nữ sinh đi ủy lạo chiến sĩ tại Tổng Y Viện
Cộng Hòa rồi quen nhau. Sau đó chúng cháu đôi khi lại còn cầu cho bị
thương nhẹ để có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Một lần anh chỉ bị trẹo chân vì
nhảy trực thăng mà được nghỉ đến gầ n một tháng.
Đó là lần bị thương hạnh phúc nhất của chúng cháu. Gia đình hai bên đã
có dịp gặp nhau sau khi chúng cháu về thưa với cha mẹ. Đầu năm 75 đã làm
đám hỏi. Chờ đến đầu tháng 5-1975 là làm đám cưới. Cháu có ông cậu làm
Trung Tá ở Sài Gòn quen biết nhiều nên hy vọng sẽ giúp cho anh Đông
Thành đổi về đơn vị hậu cứ hay về Bộ Quốc Phòng.
Tết 75, hai đứa chúng cháu đến mừng tuổi cậu và xin cậu chạy giúp Chạy
đây là nói hộ chứ không phải tiền bạc gì hết. Cậu cháu coi tướng anh
Thành và rất hài lòng để mừng cho cháu gái. Cậu khen vị hôn phu của cháu
tuy còn trẻ nhưng rất đẹp trai và tướng mạo đàng hoàng. Anh mới có 22
tuổi, còn cháu 19 tuổi vào năm 1975. Cháu cũng khá cao mà anh Thành còn
cao hơn cháu cả đầu người. Anh chơi thể thao cả xà ngang và xà dọc nên
người rất tài tử. Bạn học trường Gia Long đứa nào cũng thích Trung Úy
Đông Thành của cháu.
Tuy nhiên, khi hỏi chuyện về đơn vị của Thành thì ông cậu của cháu hơi
ngần ngại. Cậu nói rằng năm trước có xin cho con một anh bạn đóng đồn
được đổi về tỉnh. Chỉ một tuần sau anh Thiếu Úy lên thay thế bị hy sinh.
Bà mẹ anh này đi thưa Giám Sát Viện về tội ăn tiền đổi người để đưa con
bà vào chỗ chết. Vì vậy cậu cháu nói để chờ một thời gian, đơn vị rút
từ Chân Thành về hậu cứ rồi sẽ xin đổi sau.
Người yêu của cháu cũng rất tự ái nên không hề nói gì thêm, cứ bấm tay
cháu gạt đi không muốn đề cập đến việc xin thuyên chuyển nữa. Từ biệt
ông cậu xong, hai đứa ra về. Cháu giận anh ấy hết sức, nhiều lúc chỉ
muốn cho ra trận chết đi cho rồi.
Đàn ông mới hơn hai mươi tuổi mà đã muốn làm anh hùng. Gia đình anh ấy
con một, xin hoãn dịch cũng còn được chứ ai lại đi Biệt Động Quân. Quanh
năm hành quân, đôi khi ở đơn vị còn có lệnh phải cạo trọc đầu cho thêm
dữ dội. Nhưng nói gì thì nói, anh Đông Thành dù để tóc dài hay tóc ngắn
thì trông vẫn đẹp như tài tử Pháp Alain Delon. Cháu rất hãnh diện đi với
anh ở đường Nguyễn Huệ. Nhưng hai đứa đâu có được dịp đi chơi với nhau
nhiều lần. Qua tháng 3-1975, có tin địch uy hiếp Chân Thành, gia đình
hai bên và riêng cháu lo lắng ngày đêm. Rồi tin từ Bộ Chỉ Huy là đơn vị
Biệt Động Quân ở Chân Thành có lệnh rút. Quân đội cho lệnh bỏ Chân
Thành.
Chưa bao giờ cháu lại vui mừng khi được tin quân ta rút như vậy. Là một
học sinh chưa được 20 tuổi, cháu chỉ mong người yêu sớm trở về bình yên.
Quân đội muốn bỏ đâu thì bỏ. Muốn rút đâu thì rút. Nhưng đau khổ chưa,
đúng như cháu đã lo ngày lo đêm. Đơn vị cho người đưa tin về nhà để đi
nhận xác Đông Thành vào ngày 25 tháng 4-1975. Người lính ở đơn vị nói
rằng anh ấy đã chiến đấu anh dũng ra sao, hy sinh như thế nào, chẳng còn
lòng dạ nào mà nghe chuyện. Sao bao nhiêu người còn sống ở Sài Gòn
không ra mà anh dũng hy sinh.
Trời đất công bình ở chỗ nào. Đi lính có ba năm mà bị thương đến 4 lần,
rồi mới chết. Đông Thành của cháu hiền lành như thế, có làm hại ai đâu
mà phải chết oan uổng như vậy. Sau khi được tin cháu cứ như điên dại rồi
đi theo gia đình lên Nghĩa Trang Quân Đội nhận xác người yêu. Dù chưa
cưới nhưng cháu đã khai là chồng. Mấy ông đòi hôn thú vì tưởng cháu muốn
xin tiền chồng chết. Xin tiền tử tuất với 12 tháng lương. Cháu quyết
liệt nhận xác chồng dù chẳng có hôn thú.
Đất nước có còn đâu mà lãnh tiền. Anh Đông Thành nằm như ngủ. Đạn vào
ngực, vào tim, vào bụng nhưng mặt anh vẫn nguyên lành. Anh nằm đó vẫn
đẹp như thiên thần. Anh về bằng trực thăng trên băng ca đúng như trong
bài ca, đúng như trong tiểu thuyết. Bên cạnh xác anh có nhiều đồng bạn
cũng chết nhưng vì để lâu nên bốc mùi hôi thối.
Nhiều gia đình cũng đến nhận xác. Đàn bà trẻ con khóc la ầm ỹ. Cháu cũng
hòa theo tiếng khóc nức nở. Gia đình chôn xác anh ngày 27 tháng 4-1975,
buổi chiều thì ra về nhưng cháu ở lại. Cháu trốn vào khu Nghĩa Dũng Đài
nhưng người nhà lại tưởng bạn cháu chở về Sài Gòn. Suốt những ngày cuối
tháng 4 đau khổ cháu tha hồ khóc. Trên Nghĩa Trang Biên Hòa toàn là gia
đình tử sĩ nên cũng không ai chú ý. Có gia đình đem theo Radio nên mở
ra nghe tin tức chiến sự. Rồi dân di tản ở bốn phương trời kéo nhau về
tạm trú. Họ dựng lều ngay bên cạnh các phần mộ.
Khu lính chết đã lâu thì có mộ bia và tấm Ciment bên trên. Khu mới chết
thì chỉ đắp đất. Có cả trăm cả ngàn ngôi mộ. Những ngày đầu thì có nhiều
xác chở về bằng trực thăng. Về sau xác chở về toàn bằng xe nhà binh.
Sau cùng thì đủ các thứ xe chở xác về Đơn Vị Chung Sự.
Nơi để xác có máy lạnh nhưng không có điện nên trở mùi hôi thối. Nhiều
xác chở đến để ngay dưới đất, trời nắng bốc mùi làm cho các gia đình ở
gần phải dở lều di chuyển đi nơi khác. Ông sĩ quan trách nhiệm chôn cất
nóng nẩy gắt gỏng và anh em chôn cất làm việc rất vất vả. Ai cũng có mùi
rượu và dầu Nhị Thiên Đường đầy người.
Đến ngày 30 tháng 4, khi có lệnh đầu hàng thì không còn ai trách nhiệm.
Lúc đó đã xuất hiện người của cộng sản ra gom dân gom lính chạy loạn bắt
phải đào hố chôn tập thể. Một anh Công Binh của ta lấy xe đào các hố
thật lớn, rồi đưa tất cả các xác lính Việt Nam Cộng Hòa chôn tập thể. Có
gia đình cố dành lại xác người thân tự đào lỗ chôn riêng. Cháu thấy một
gia đình chỉ có người vợ trẻ với mấy đứa con tám chín tuổi ạch đụi bới
đất chôn chồng.
Cháu tìm cuốc đến giúp một tay và thấy mình đã bớt điên. Thấy cảnh hai
đứa nhỏ cùng mẹ móc đất chôn bố, cháu thấy cuộc chiến tranh vô nghĩa
biết chừng nào. Và sự đau khổ của mình cũng chẳng phải là duy nhất. Đứa
con gái chừng 10 tuổi và đứa em trai 6 tuổi vừa khóc vừa móc đất giúp
mẹ. Cháu sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này.
Sau đó qua ngày 2 tháng 5-1975, cháu quá giang xe của người ta về lại
Sài Gòn. Năm 1980, cháu lập gia đình với một anh Thủ Đức còn trẻ có 2
năm cải tạo. Chúng cháu vượt biên rồi vào Mỹ. Chồng cháu rất hiểu biết
nên tôn trọng mối tình đầu của cháu với Đông Thành.
Từ mùa Xuân 1993, chúng cháu cứ vài năm lại về Sài Gòn và lần nào cũng
lên Nghĩa Trang Biên Hòa Cháu có theo dõi chương trình tảo mộ chui của
các bác. Lần nào cũng khấn vái cho anh Đông Thành phù hộ công việc của
hội. Cháu có thuê người làm cho anh Thành tấm Ciment đúng kích thước như
các ngôi mộ khác chứ không muốn xây cho thật lớn. Anh Thành đã muốn
được chết như các chiến hữu thì phải để anh nằm giống như các bạn của
anh.
Cháu vừa thương mà vừa giận anh biết chừng nào. Người yêu của cháu là
mối tình đầu, anh chính là hình ảnh của chiến tranh Việt Nam. Cháu vừa
ghét lại vừa thương. Đã 30 năm qua rồi mà tình cảm vẫn không thay đổi.
Bác đã hỏi rằng, ngày Ba Mươi tháng Tư cháu ở đâu? Vâng, 30 tháng
4-1975, cháu đi chôn chồng ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Vậy thì phần
bác, Ba Mươi tháng Tư, bác ở đâu?
Viết tặng các con của mẹ.
0 comments:
Post a Comment