NGƯỜI VỢ LÍNH – bút ký của Phan Nhật Nam
bút ký của Phan Nhật Nam
Lê Thy đánh máy từ bản PDF của Kho Sách Xưa – Huỳnh Chiếu Đẳng
Hình minh họa của manhhai.
Đóng quân ở ngoại ô Sài Gòn thật dễ chịu, nhiệm vụ của chúng tôi chỉ mỗi việc làm sao chia quân tràn ngập hết khu vực trách nhiệm : Lục soát kỹ càng đừng để Việt Cộng len lỏi đột nhập hoặc đặt súng cối bắn vào Sài Gòn.
– Mày để Việt Cộng đặt súng bắn vào Sài Gòn là về nhà xách bị đi ăn mày! – Anh Ba «râu» dặn tôi hàng chục lượt như vậy.
– Anh Ba yên chí, nó làm như vậy thì hãy bước lên xác tôi, ơ… nhưng mà nó bắn vào Sài Gòn chứ bắn vào mình đâu mà sợ!
– C… nói như vậy thối bỏ mẹ.
Tuy nói vậy tôi cũng lo hết lòng, các Trung-đội được phân tán mỏng khắp vùng ngày tuần tiễu, đêm phục kích… Ra cái điều chỉ huy, tôi «chỉ thị» cho các anh Trung-đội trưởng:
– Mấy ông làm sao để cho Việt Cộng đặt «ống nhổ» bắn vào Sài Gòn thì Đại-đội tệ hơn Đại-đội Địa-Phương-Quân đấy.
Xong rồi. Ban chỉ huy Đại-đội cùng Trung-đội súng cối, lựa một cái nhà dân thật rộng, ít người, căng võng đào hố. Lính cởi áo đi bắt ếch, câu cá rô cho Đại-đội trưởng nhậu rượu. Tôi mặc áo quần bà ba đen, đội nón lá mang súng colt mượn một con ngựa kéo xe, đi lỉnh kỉnh từ Bà Điểm lên các ấp thật xa, trông như một thứ hiệp sĩ lỡ thời đi tìm một quê hương đã mất. Hết rong chơi trong đồng ruộng, tôi kéo Mễ lên chiếc xe Honda đợi đến tối phóng về Sài Gòn. Con đường đất lồi lõm gập ghềnh, chiếc xe phóng như bay trên mùi lúa nồng nàn. Hai giờ sáng trở lại, xe chạy như một cơn gió ngả nghiêng, ánh đèn dạt trên một vùng tối thăm thẳm, giọng hát nồng nặc hơi rượu vang nhừa nhựa như một cơn vui tàn tệ, đang lịm dần.
Những ngày ở Bà Điểm thật dễ chịu. Đóng ở Bà Điểm vợ con lính từ Sài Gòn hay các tỉnh gần thủ đô kéo lên nườm nượp. Từ ngày thành lập đến bây giờ Tiểu-đoàn đi không ngừng nghỉ, nay về đóng được ở ngoại ô Sài Gòn, một hoàn cảnh thuận tiện để vợ con cha mẹ đến thăm.
Những người vợ lính tay bế con, tay kia xách một gói thức ăn, thường thường ló lên một ổ bánh mì – Bánh mì một thứ quà không sang cũng không hèn, cái đáp số tội nghiệp và thích đáng biểu lộ một tình vợ chồng tầm thường, sâu kín nhưng thiếu thốn rất nhiều điều kiện vật chất. Bóng của những vợ lính đi trên con đường nắng dẫn đến nơi đóng quân của Đại-đội gây cho chúng tôi những xúc động lặng lẽ thoáng một chút đắng cay.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa của manhhai.
Trong đám vợ của những người lính đến thăm có vợ thằng Bốn –thằng lính ở tổ chỉ huy của tôi, một gã trai người Trung hiền lành có thể gọi là ngờ nghệch ; nhưng cô vợ trái lại có một vẻ ranh mãnh quỷ quyệt và ăn mặc lòe loẹt nổi hẳn lên giữa những người đàn bà nheo nhóc con cái… Có một điều lạ lùng mỗi khi tôi thức dậy đều vắng bóng nó.
– Thằng Bốn đâu rồi ?
– Dạ nó ra nhà máy xay lúa với con vợ rồi.
Vì nghĩ rằng đây chẳng qua là thái độ thông thường của những đôi vợ chồng trẻ, nên tôi bỏ qua! Tuần lễ đầu tiên đã hết chúng tôi đã dời đại đội vào trong những khu vườn hoang xa các ấp có dân chúng. Gần đến buổi trưa có một chiếc áo màu thấp thoáng đằng xa, tiến về chỗ đóng quân… Lính kháo nhau ầm ĩ.
– Đ. M. lại vợ thằng Bốn chứ không ai nữa !
Quả thật như vậy, cô ta đã đi bộ từ bến xe cuối cùng vào đến đây, gần 10 cây số đường ruộng, đôi dép Nhật nắm ở tay, quần xắn cao lên tận đùi hai vạt áo buộc trước bụng. Tôi gọi thằng Bốn, cho phép nó đưa vợ về Sài Gòn. Thấy nét mặt ngây ngô bối rối của nó khi biết được tin cô vợ đang đợi ở ngoài bờ ruộng thật tội nghiệp….
– Cho anh đi phép đưa bà vợ về, mai lên và nhớ bảo đừng theo nữa. Khi nào ra làng rồi hay.
Nó lúng túng ngượng ngập cảm ơn tôi, cúi mặt xuống đỏ gắt. Thằng Bốn vừa rời khỏi chỗ đóng quân tụi lính bắt đầu kháo chuyện…
– Tao biết con mẹ này quá, nó «mê» chồng quá cỡ rồi ! – Thằng Hùng, kẻ mồm mép nhất trong đại đội bắn quả đạn khơi mào…
– Sao mày biết rõ vậy?
– Sao không. Cứ nhìn cảnh nó lội ruộng vào thăm chồng cũng đủ biết. Còn hôm ở dưới Bà Rịa, thằng Bốn bị gác không về được, nó nổi điên…. Đ.M, nó xa thằng chồng là «ứ» thấu cái cần cổ.
Thằng Hùng chấm dứt câu nói bằng một tiếng cười khoái trá.
– Mẹ, mày chưa có vợ thì làm sao biết chuyện vợ người ta. – Anh thượng sĩ thời vụ «chỉnh» thằng Hùng.
– Sao chưa! Tôi cũng vợ một con như ai!
– Đ.M, như vậy vợ mày đéo thương mày nên nó mới không thèm để ý mày.
– Vừa thôi ông ơi, chẳng thà vậy còn hơn kiểu vợ thằng Bốn.
Nhưng sau này thì tôi thấy rằng đúng là vợ thằng Bốn «mê» nó thật. Đóng quân dù ở hốc hẻm nào – chung quanh – những cánh đồng lầy lội loáng nước mênh mông, ánh nắng chói chang phản chiếu trên mặt nước úa phèn, cô ta vẫn mò đến cho kỳ được, thấp thoáng từ một bờ ruộng ngoài chỗ đóng quân để đợi chồng đang đi lục soát vào đến những khu sình lầy miệt Xuân Thới Thượng xa tít.
– Bốn, mày coi lại chuyện vợ con đi chứ. Tao thấy kỳ kỳ thế nào ?
– Dạ em cũng biết vậy ! Nhưng nói nó không nghe, Trung-úy! – Nó nhỏ nhẹ trả lời tôi.
Tôi không phiền hà gì hết! Tôi xác định để cho nó yên lòng.. Làm sao tôi có thể phiền muộn trước cảnh lúc buổi chiều kéo quân về đại-đội vợ thằng Bốn tất tả từ một gốc cây chạy ùa vào:
– Anh Bốn, anh Bốn, em đợi đây từ sáng sớm nè !…
Tôi làm sao phiền muộn nó khi thấy người vợ bắt đầu rời chỗ đóng quân lúc trời vào hoàng hôn, bước thấp bước cao trên con đường sống trâu lầy lội sau một ngày chờ chồng dưới gốc cây trong một cánh đồng nóng cháy, có thể đó là một thôi thúc về tình dục của một tình yêu «mê» như lời thằng Hùng nói . Nhưng điều đó có gì đâu phải hổ thẹn ! Cách biểu lộ một đòi hỏi không che dấu, thái độ nồng nàn hối hả, một nét mặt bứt rứt vì thèm, muốn, dù sao vẫn là những sự thật tầm thường cao quý. Biết thế nào hơn khi cái thân thể ứa tràn sức lực đó, với kỷ niệm của những cảm giác đầy đủ đó rung động hoài hoài trên những cỏ hoa của trí não như một thứ sương núi không tan biến : Những kỷ niệm về một thiên đường có thật, một thiên đường thật rõ ràng gần gũi ở trong đó thân thể dật dờ ngây ngất như một thánh sủng được ban xuống cho cuộc đời nghèo hèn – Làm thế nào hơn được khi cơ thể như một chiếc buồm no gió dật dờ trên một đại dương xúc cảm ào ào những lượn sóng tột đỉnh điên mê ! Người vợ đó vẫn là người đàn bà với sự thụ động thật tội nghiệp của nó.
Có gì đâu đáng hổ thẹn khi đã có hàng ngàn ngày phản bội một cách thô bỉ, đã có hàng ngàn đêm lừa dối, mê muội đắm đuối bên cạnh một gã đàn ông. Một gã đàn ông không phải là chồng ! Một gã đàn ông không phải là người yêu – Gã đàn ông, cái đáp số độc nhất cho những thèm thuồng bỏng lửa, những ham muốn làm đục ngầu trí óc, dật dờ thể xác, đốt cháy từ mỗi nguyên tử li ti của tế bào trong da thịt. Những ham muốn đã phải bị che dấu dưới một vẻ hiền lương chông chênh một lớp đôn hậu rối bời mục nát, hay một thứ đứng đắn bệnh tật nên khi ngã xuống, ngã thật sâu, lún chìm trong một vũng đặc đen cảm giác đồng nghĩa tội lỗi .Với những phản ứng lâu ngày của một giống cái bị nhận chìm. Vậy thì có gì mà phải hổ thẹn cho một người con gái ít học, tất tả đi tìm chồng ở nơi xa, có gì phải hổ thẹn cho một người đàn bà phải nồng nhiệt với chồng sau những tháng ngày dài đẵng đợi chờ –Một đợi chờ thê lương của một nỗi say đắm bơ vơ.
Nhưng người vợ lính đâu có phải chỉ là một chờ đợi nặng chĩu dục tình như vậy. Đấy còn là những đớn đau lo lắng thốt không nên lời – những sợ hãi làm xanh da mặt, run đôi tay trong những sợ hãi khi nghe tin đơn vị đụng trận và có người chết. Ai ? Chết lúc nào ? Bao nhiêu người ? Chạy thật nhanh từ trại gia binh qua đến hậu cứ của tiều-đoàn.. Nhìn vào văn phòng đại đội của chồng mình, hỏi những người lính ở hậu cứ:
– Trung-sĩ, chồng tôi sao ? Có ai chết !! Lạy Chúa ! Tôi cứ tưởng ảnh vì người ta nói là Hạ-sĩ…
Lạy chúa! Chúa đã được cám ơn vì đã không gieo tai họa! Chúa đã được gọi đến như chứng nhân hào hiệp để chứng nhận dùm một hạnh phúc bình thường. Người chồng không chết và sẽ trở về ! Người lính đó còn là những cánh đồng phong ba cho cơn lốc của buồn phiền đau tủi, cho những đắng cay như hạt muối nóng đặt trên một vết thương rướm máu. Những buồn phiền đọng trên từng đầu ngón tay khi đếm những tờ bạc còn thơm mùi giấy, nhưng có một vết ố của đất đỏ hay một vết xám của bùn non do người chồng gởi về từ trận địa. Một anh lính bơ phờ gầy guộc ngồi đếm đi đếm lại những tờ giấy bạc bằng những ngón tay cáu ghét, mơ ước bỗng nhiên xấp bạc trở thành nhiều hơn – một giấc mơ nhẹ nhàng quên được cảnh đời với hai đôi chân đang ngập trong bùn và lúa cỏ ở bờ ruộng nơi ngồi xuống gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu như nỗi hèn mọn đang có thật . Những tờ bạc có được sau ba mươi ngày đo chân dọc bờ ruộng, trong rừng sâu, trên cồn cát. Ba mươi đêm ngủ võng, nằm hầm, mắt mở thật lớn sau một lớp cỏ ướt sương và toàn thân ngâm chặt dưới nước bùn lạnh giá ! Những tờ bạc chỉ đủ mua phần gạo cho một người đàn bà cùng bốn đứa con trong một tháng ! Những người đàn bà vợ lính đó còn có những buổi sáng dậy thật sớm bế đứa con nhỏ nhất, dẫn đứa bé lớn nhất ra đứng xếp hàng với những gia đình khác, đối diện một dãy xe GMC im lặng. Toán lính ùa lên xe. – Nhớ đừng đánh bạc! Mình hãy cẩn thận! Nhớ gửi thư về thăm em ! Có hàng quân tiếp vụ nhớ mua cho tui! – Một ngàn căn dặn, vạn nỗi lo, triệu triệu lần lo lắng được biến thành câu nói mộc mạc, giản dị nhưng ngậm ngùi như hai bàn tay bắt đầu rời nhau, như nụ hôn vụng về của người lính tắt dần trên má của đứa bé đang gục đầu ngủ kỹ… Mình đi bình yên! Câu nói tắt dần trong tiếng rú động cơ xe chạy như một nỗi thù hận không tên.
Người vợ lính còn có những đêm được đánh thức để nghe một câu nói lạnh buốt như mũi dao thật nhọn xuyên qua người, đâm lủng trái tim, những gân máu hai bên thái dương sẽ đập đập liên hồi, màu đen của đêm sẽ biến thành màu vàng và trở lại thành đen nhưng một màu đen có mùi máu, một màu đen nồng nặc tiếng khóc và cõi chết. Màu đen của bất hạnh theo câu nói đi đến như cơn giông lửa .
– Anh chết rồi! chị chuẩn bị mai lên văn phòng, đi với tôi tới nhận xác..
Người lính chết, chết là hết nhưng không bao giờ hết cho người vợ lính. Không hết cho một chuỗi ngày tháng dài đằng đẵng sau lưng cùng với một lũ con nheo nhóc. Những đứa bé sẽ lang thang trên các đống rác chất ngất được đổ từ những chiếc xe nhà binh Mỹ, thằng bé sẽ mặc cái áo của bố, dài đến tận đầu gối. Tóc rối, mắt khô, chân tay là những rễ cây khẳng khiu, đen đủi nổi những đường gân tím thẫm như đường giây điện chạy trên một bầu trời thê lương. Những người vợ lính và đứa con lính sẽ dự phần vào cuộc đua khốn nạn, dấu chân trần sẽ vượt thật nhanh trên những hộp sắt bóng loáng hay rỉ sét, những bước chân chạy nhanh như cơn đói, mặc những vết cắt sâu hoắm vào da… Chạy!! Chạy !! thật nhanh để xô vào một núi đồ ăn thừa, một đống rác mới, bới móc, tìm kiếm, không phải bằng mười ngón tay nhưng bằng cả khốn nạn của một kiếp người… Có suối mồ hôi nào chảy trên đống sinh lực độc hại đó, có giọt máu nào thấm vào vỏ trái cam thừa, vỡ ra như một vết thương tủi nhục. Làm sao cho hết những ngày u tối của người vợ lính sau cái chết của người chồng ?
Những ngày sau tôi đem đại-đội về đóng chung với Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn. Vợ thằng Bốn lên ở hẳn với một gia đình người dân trong làng chỗ đóng quân. Đúng cô ta quá «mê» chồng ! Tôi nhớ lại câu chuyện vợ của một anh sĩ quan, chị ta tuyên bố: Tôi yêu anh ấy, tôi không làm sao chịu nổi, nên phải phạm tội… Lẽ tất nhiên đó là một hành động xấu, nhưng tội nghiệp biết bao khi khả năng chịu đựng của cơ thể một người đàn bà với những đòi hỏi nồng nàn như rượu đỏ. Hãy tha tội và nghĩ đến ngoại tình khốn nạn, ngoại tình như một trò chơi hay một bổn phận vinh hiển trong cuộc chạy tìm vật chất với những lý do bào chữa ngạo mạn xấc xược. Hãy tha tội cho những linh hồn đơn sơ đó với những đòi hỏi nhiệt tình trên thân thể người chồng, để ném những viên đá trừng phạt trên những phần sơn rực rỡ nhưng che dấu những tàn tệ đáng hổ thẹn ngàn đời.
Phan Nhật Nam
Bà Điểm – Tháng 4-1966
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/03/15/doc-duong-so-1-phan-nhat-nam/5/
0 comments:
Post a Comment