Suốt hơn cả tháng nay, Nga hằng ngày liên tục đánh chiếm Ukraine. Với những trận dội bom ác liệt nhằm thành phố, đúng vào khu dân cư, nhưng Moscow vẫn chưa đạt được mục tiêu nào hết, như chiếm được một thành phố, trái lại đang phải đối đầu với sự kháng cự mạnh mẽ của toàn dân Ukraine, bị nhiều tổn thất về nhân sự và vật chất khá quan trọng. Điều mà Putin và bộ tham mưu của ông ta đã không ngờ trước được.
Cho tới nay, nhà cầm quyền Nga chánh thức nhìn nhận có 498 binh sĩ chết. Tờ báo Nga « Kom somolskaïa Pravda », hôm thứ hai vừa qua, loan tin tổn thất lên tới hơn 10.000 người. Tin này liền bị xóa. Đồng thời phía Ukraine cho biết có ít lắm 13.000 lính Nga thiệt mạng, với 6 Tướng lãnh và 7 Đại, Trung tá.
Theo Tướng Ben Hodges, cựu Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Âu châu, thì phải đợi những ngày tới mới quyết định, cuộc chiến mới có hồi kết. Ông giải thích Nga bị nhiều khó khăn nghiêm trọng. Họ không có nhiều lính như họ đã loan báo. Mọi tương quan lực lượng đều cùng quy về một hướng: tinh thần chiến đấu! Mà tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nga lại xuống thấp. Có không ít lính Nga đào ngũ.
Nga quyết tâm chiếm cho bằng được Ukraine, tuy gặp phải không ít khó khăn, làm cho nhiều người nghĩ Nga muốn bành trướng lãnh thổ, khôi phục đế chế thời Nga hoàng, hoặc ít ra cũng tái lập Liên-Xô cũ.
Đúng. Putin có nuôi dưỡng tham vọng đó. Nhưng đúng hơn là Putin đánh chiếm Ukraine còn có ý nghĩa về niềm tin thiêng liêng. Về tôn giáo. Đánh chiếm Ukraine, trước nhứt, để thống nhứt 3 nước Nga, Biélorussie (Belarus) và Ukraine, ba nước cùng chánh thống giáo (orthodoxes) họp thành Đế chế Nga cũ (Theo Giáo sư người Thụy Điển, bà Maria Engstrom, Đại học Uppsala).
Chủ nghĩa đế quốc mới
Liên-Xô tan rã năm 1991 đem lại niềm tin lớn, cho không riêng Liên-Xô mà cho cả Âu châu, rằng Nga sẽ đi theo con đường dân chủ, hội nhập vào thế giới dân chủ tự do. Nhưng chỉ ít lâu sau, một sự hoài niệm về đế chế Liên-Xô đã mất và một giấc mơ phục hận xâm nhập vào giới tri thức Nga, tiếp theo ảnh hưởng rộng rãi quần chúng Nga. Một chủ thuyêt mới có sức thuyết phục mạnh xuất hiện dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin. Vài năm sau, qua thời Putin, vài think-tanks bảo thủ chụp lấy lý thuyết ấy trong lúc nó đi vào quần chúng qua phim ảnh, sách vở, báo chí, bài hát, và cả thời trang.
Cái lý thuyết mới này không hoàn toàn giống dự án đế quốc trước đây chỉ nhằm bành trướng lãnh thổ, chinh phục những vùng đất khác. Chủ nghĩa đế quốc mới của Nga thời hậu Liên-Xô chủ yếu nhằm phục hận. Nó nhằm lấy lại những nơi của đế quốc đã mất. Khôi phục Đế quốc Nga!
Trong thuyết đế quốc mới này còn gồm có một phần cơ bản là niềm tin « thiên chúa giáo chánh thống ». Truyền thống và thần học được chánh trị hóa và được nhà cầm quyền Nga sử dụng chánh thức hóa sự đòi hỏi những lãnh thổ của thiên chúa giáo chánh thống. Như trường hợp chiếm lấy Crimée năm 2014. Và cũng như ngày nay, Putin xua quân đánh chiếm Ukraine. Trước nhứt, Đế chế mới Nga phải thống nhứt cho đủ 3 nước chánh thống giáo: Nga, Biélorussie và Ukraine của Đế chế Nga trước đây. Trái lại có chiếm các nước công giáo thuộc Đế chế Nga hay Liên-Xô cũ như Ba Lan, Phần Lan, các nước Baltics thì đó không nằm trong thuyết phục hận mới, mà đó là nhu cầu có tính cơ hội mà thôi.
Nga phải là một cường quốc làm vũ khí mạnh cho Thiên Chúa
Theo lý thuyết gia bảo thủ người Nga Egor Kholmorogov thì « chủ nghĩa đế quốc chánh thống giáo » mà Putin đang theo đuổi thực hiện không do Giáo hội Nga lập ra và phổ biến. Nó do một nhóm trí thức được đào tạo trên căn bản thần học và triết học soạn thảo, với sự hợp tác của nhiều tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ với Điện Cẩm Linh. Vào những năm đầu 2000, ở Nga xuất hiện nhiều think tanks bảo thủ, nhứt là những think tanks do Alexandre Douguine hoặc Alexandre Prokhanov thành lập để giúp đem lại cho Điện Cẩm Linh một ý thức hệ Nga mới.
Đặc tánh của chủ nghĩa đế quốc mới của Nga dựa theo thuyết « tận thế và tái sanh » kết hợp với khoa học hiện đại, tức muốn nói đó là « đức tin thiên chúa giáo với công nghệ cao ». Mục tiêu là nhằm đào tạo một giới ưu tú mới có khả năng nắm vững lý thuyết vế sứ mạng của Nga như là một giáo lý và hành động chánh trị đúng theo giáo lý đó. Giáo lý là một ý niệm trung tâm của chánh thống giáo chánh trị Nga. Nó chính là một trở lực ngăn cản không cho các « thế lực chống Thiên chúa » có thể chiến thắng. Nó được người Nga biết từ thế kỷ XVI như là một thứ chủ thuyết của Đế quốc Mạc Tư Khoa, coi Mạc Tư Khoa như là Thánh địa La Mã thứ ba, sau Đế chế Byzantine (Đế chế La Mã phương đông thế kỷ IV). Chủ thuyết này đến thế kỷ XIX biến thành chủ thuyết lãnh đạo những cuộc chiến chống kẻ thù bên ngoài.
Đế quốc Nga là một lực lượng quân sự luôn luôn chống những ai muốn tách Nga khỏi nhiệm vụ của Đế quốc chánh thống giáo. Vì vậy mà ở Nga tính từ « thiêng liêng » được gắn liền với chiến tranh, ngay cả chiến tranh thời Liên-Xô tuy Liên-Xô chánh thức là vô thần. Năm 1941, Nga bị Đức tấn công, quốc ca « Thánh chiến » được hát liên tục và phổ biến trên đài phát thanh mỗi buổi sáng suốt thời gian đánh nhau với Đức.
Năm 2005, lý thuyết gia bảo thủ Egor Kholmogorov viết trong một dự án có tên là « Tái lập Tương lai »:
« Nga phải là một nước lớn mạnh, không phải chỉ để nhằm thỏa mãn những tham vọng cá nhơn, mà còn để làm võ khí hữu hiệu cho Chúa... Nga phải là một cường quốc chống lại cái trật tự mới của thế giới. Vì cái trật tự này là con đẻ của những Thế lực chống Thiên chúa... »
Đối với những lý thuyết gia này, Nga phải là một đế quốc để ngăn chặn những Thế lực và cả đồng minh của chúng chống Thiên chúa. Trước kia những thế lực đó là Napoléon, là Hitler, ngày nay là Huê Kỳ, là Tây Âu và NATO.
Ông Egor Kholmogorov còn nhấn mạnh: « Người Nga luôn luôn lo phòng vệ, ngay cả lúc họ có vẻ như đang tấn công».
Chiều kích thần học về « thuyết tận thế và tái sanh » khi Nga đánh chiếm nước khác được Giáo chủ Chánh thống giáo, nhơn buổi lễ ở thánh đường Christ-Sauveur (Chúa Cứu Thế) ở Mạc Tư Khoa, nói rõ tuy ông cố tránh bênh vực Putin đang tấn công đánh chiếm Ukraine ngày 24/2/22 vừa qua «Chúng ta dấn thân vào một cuộc chiến có tầm vóc siêu hình hơn là thực chất ».
Sau cùng, điều đáng ghê sợ hiện nay ở Nga là người ta kết hợp niềm tin chánh thống giáo với nguyên tử làm một một sức mạnh như cái khiên cần thiết để chống đỡ những Thế lực và tay sai chống Thiên chúa.
Đó chính là thứ « chánh thống giáo nguyên tử » đã được phổ biến trên truyền thông Nga từ năm 2007 khi ông Egor Kholmogorov phổ biến bài báo « Chánh thống giáo nguyên tử của Putin »! Ông giải thích rõ «Trang bị tối tân quân đội không chỉ nhằm vấn đề an ninh, mà đó còn là vấn đề tâm linh. Và tái trang bị quân đội là chiến lược theo thuyết tái sanh của Nga – đế quốc Nga đã sụp đổ thì nay Nga phải trở lại là Đế quốc mới ».
Putin và Giáo chủ Kiril ở Mạc Tư Khoa là hai người cương quyết nâng nước Nga lên thành cường quốc và đẩy lui mọi cuộc tấn công về ý thức hệ và cả về quân sự chống lại chủ quyền của Đế quốc Nga.
Ý niêm nước Nga như là cái khiên chống đỡ thế lực chống Thiên chúa đã bám rễ sâu vào lịch sử và văn hóa Nga. Người Nga tin chắc là nhờ nó mà Mông Cổ đã không nhận chìm Âu châu. Những người cầm quyền Nga ngày nay cho rằng trong Đệ II Thế chiến, cũng nhờ Nga đã hi sanh quá lớn mà bảo vệ Âu châu thoát khỏi bị Nazi phá nát nền văn minh lâu đời của mình.
Điều nay cũng đang được Putin lặp lại khi xua quân đánh chiếm Ukraine.
Nếu mộng không thành
Nhiều giới chức quân sự nhận xét sau hơn một tháng giao tranh, cuộc hành quân xâm lược của Putin thiếu tính toán. Kế hoạch đánh chớp nhoáng để đạt mục tiêu không đạt được mà còn bị sa lầy.
Thất bại của Putin ở Ukraine đã ảnh hưởng không ít Xi trong giấc mơ của hắn nhằm chiếm Đài Loan chớp nhoáng bằng võ lực.
Ngày 4/2/22, ba tuần trước khi Putin đánh Ukraine, Xi trải thảm đỏ đón tiếp Putin. Hai người cộng sản độc tài còn sót lại, liên kết nhau vì mục tiêu cùng chống Huê Kỳ bành trướng ảnh hưởng, muốn thiết lập một trật tự mới cho thế giới – thế giới được cai trị bởi chế độ độc tài như ở Tàu và Nga, thay thế chế độ dân chủ tự do mà cả hai đều cho rằng nay đã tới lúc suy tàn. Xi và Putin chưa tuyên bố họ thành lập một liên minh chánh thức, mà chỉ cho thấy cả hai gắn bó nhau vì bạn đồng sàng mà thôi.
Cuộc đánh chiếm Ukraine của Putin đến nay có lẽ đã không còn đủ sức hấp dẫn Xi nữa. Giấc mơ của Xi là chiến trường Ukraine sẽ làm nhục Tây phương, phơi bày yếu kém của NATO, là bài học cho những nước còn muốn chạy theo chế độ dân chủ tự do, kết thân với Tây phương, giấc mơ đó đang bắt đầu mờ nhạt.
Những điều Xi nghĩ hoàn toàn không đúng. Người ta chỉ ưa chuộng dân chủ tự do. Ở ngay Biélorussie, chư hầu của Nga, một nhóm dân chúng vừa tự động thành lập một tiểu đoàn quân tình nguyện ái quốc võ trang 400 người tên là Tiểu đoàn chí nguyện Kalinowski (tên một vị anh hùng Ukrainien), sẽ lên cả ngàn, qua yểm trợ Ukraine vì họ cũng từng là nạn nhơn của Putin. Đồng thời, theo bà Svetlana Tikhanovskaïa, chống lại nhà độc tài Loukachenko ở Biélorussie, cho biết nhơn chuyến bà thăm viếng Paris tuần vừa qua, ở Biélorussie, một chánh phủ lưu vong vừa ra đời chuẩn bị thay thế chánh phủ bù nhìn Loukachenko khi thời cuộc tới. Dân Bielorusse không quên vụ đàn áp năm 2000 khi họ biểu tình phản đối sự thắng cử của Loukachenko do Putin dàn dựng.
Hôm 30/2/22, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov qua Tàu gặp người đồng nhiệm Wang Yi. Mục đích thật? Không biết. Tại chỗ, ông Lavrov chi loan báo thiết lập một « trật tự thế giới mới đa cực, đúng đắn, dân chủ ». Phía Tàu thì đề cao tình hữu nghị Tàu-Nga.
Trên mặt chánh trị, Tàu luôn bênh vực nguyên tắc chủ quyền. Vậy Xi làm sao ủng hộ Putin được khi hắn trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Ukraine? Mâu thuẫn cơ bản mà!
Chiến tranh Ukraine kết thúc, thế giới chắc chắn sẽ thay đổi. Hoặc theo trật tự mới của Xi và Putin thiết lập, hoặc theo thể chế dân chủ tự do. Nước Nga vẫn là một cường quốc của Âu-Á hay Nga sẽ sáp nhập trọn vẹn vào Âu châu, thành một Âu châu mạnh, tự lực, tự cường trước Tàu?
Putin vẫn sẽ làm Hoàng đế Nga hay bị xử về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhơn loại? Trong trường hợp này, Xi vẫn làm vua Tàu vạn tuế?
Nguyễn thị Cỏ May
https://gocsanchoihd.blogspot.com/2022/04/anh-chiem-ukraine-con-la-vang-y-chua.html
0 comments:
Post a Comment