Tổng thống Volodymyr Zelensky đã xoay chuyển cuộc chiến tranh ở Ukraine thành vấn đề của các giá trị. Điều này làm cuộc chiến trở nên quan trọng hơn. Và nó khiến việc tìm ra giải pháp có thể sẽ khó khăn hơn.
Bất kể kết quả của cuộc chiến ra sao, Zelensky vẫn xuất hiện trong thời khắc lịch sử này với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của thời đại chúng ta. Gần giống như một tân Winston Churchill, thủ tướng Anh trong Thế chiến thứ hai, tổng thống Ukraine dẫn dắt đồng bào của mình vượt qua chiến tranh và khủng hoảng. Giống như Churchill, Zelensky vận dụng ngôn ngữ và đưa nó vào chiến tranh. Những lời nói thúc đẩy lòng dũng cảm của con người, lúc nó có vẻ tuyệt vọng nhất.
Xem Nga là nạn nhân
Và không kém phần quan trọng – những từ ngữ đánh thức châu Âu và phương Tây. Nó khiến người ta không thể quay lưng lại. Đây là cách mà Churchill, dưới thời của ông, đã tác động đến các chính trị gia Mỹ, những người ban đầu rất hoài nghi về việc tham gia [cuộc chiến]. Hoa Kỳ cuối cùng đã đến giúp chúng ta. Và châu Âu đã được cứu thoát khỏi Hitler.
Ngày nay chúng ta thật sự không biết mình đang đối mặt với những gì. Chúng ta không biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thỏa mãn với cuộc xâm lược Ukraine hay không. Hoặc những gì ông ta làm nếu ông ta không thành công. Một Putin, bị đẩy vào chân tường, có thể giở thêm trò gì nữa?
“Một phần của Nga “
Đối với Putin, Ukraine còn có ý nghĩa nhiều hơn so với việc quốc gia này xin gia nhập NATO. Ông ta muốn tái lập Đế chế Nga. Ukraine, với thủ đô là Kyiv, nằm ở trung tâm của đế chế cổ đại này, đã có từ rất lâu trước thời kỳ của các Sa hoàng.
Khi Liên bang Xô viết cũ được thành lập vào năm 1922, nó được tổ chức như một cái gọi là khối thịnh vượng chung của các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Phần lớn khu vực này trước kia là một phần của Đế chế Nga. Putin tin rằng, các nhà lãnh đạo cộng sản vào thời điểm đó đã mang lại cho Ukraine và các nước cộng hòa khác một địa vị mà họ đáng lẽ không bao giờ có được. Và Ukraine do đó cũng không có quyền trở thành một quốc gia độc lập và riêng biệt, mà ngược lại là một phần của Nga.
Các nền dân chủ đang suy tàn
Tôi thuộc về những người luôn tin rằng, khi mọi người giao thương xuyên biên giới quốc gia, hiểu biết lẫn nhau, và với hệ thống xã hội của nhau, thì sẽ có nhiều nền dân chủ hơn. Nhiều người có tự do hơn. Bởi vì nó quá minh bạch.
Phải thừa nhận rằng, nền dân chủ thường lộn xộn và đầy dẫy những xung đột. Nhưng đó vẫn là cách tốt nhất để giải quyết các xung đột lợi ích cố hữu trong bất kỳ xã hội nào. Bởi vì những sở thích khác nhau phát huy tác dụng và bổ túc lẫn nhau. Và bởi vì kết quả sẽ tốt hơn khi các đại diện dân cử biết cân nhắc các lợi ích mâu thuẫn khác nhau.
Nhưng bây giờ chúng ta thấy các nền dân chủ đang suy tàn trên khắp thế giới.
Anh ấy, [Zelensky] đã đánh thức chúng ta chưa?
Liên minh Châu Âu dựa trên một ý tưởng táo bạo, trên những lý tưởng cao cả. Rằng phương Tây và các nước châu Âu chia sẻ một loạt các giá trị gắn kết chúng ta với nhau. Trong thời gian quá dài, phần lớn EU mà chúng ta biết đã rơi vào tình trạng quan liêu và nhỏ nhen tệ hại. Liệu những gì đang xảy ra hiện nay có thể đảo ngược xu hướng này? Có phải Zelensky đã đánh thức chúng ta, khiến chúng ta thấy được điều gì đang bị đe dọa? Nói đến kiểu xã hội mà chúng ta muốn, kiểu châu Âu mà chúng ta mơ ước?
Zelensky đã cho chúng ta thấy những giá trị mà một phần của thế giới chia sẻ – và thách thức chúng ta. Thông điệp của ông là, nếu chúng ta không bảo vệ Ukraine, thì chúng ta cũng sẽ không bảo vệ được chính mình.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Zelensky có gây khó khăn hơn trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột hay không. Khi nói đến các giá trị như quyền tự quyết, nhân quyền và dân chủ, hầu như không thể nhân nhượng. Không quốc gia nào từ bỏ tự do.
Lòng dũng cảm và sức nặng đạo đức
Nhưng ở đây, còn có sự so sánh giữa Churchill và Zelensky. Winston Churchill đã có những bài diễn văn nảy lửa – đồng thời với việc ông tự mình thương lượng với quỷ dữ – Joseph Stalin – ở Yalta, về việc tái phân chia châu Âu. Churchill hiểu rằng cần phải có hòa bình. Ông chấp nhận những thỏa hiệp đau đớn vì không còn con đường thoát khỏi địa ngục trần gian nào khác.
Zelensky cũng đã cho thấy ông có thể nhân nhượng khi cần thiết. Tổng thống Ukraine đã phát tín hiệu ông có thể chấp nhận Ukraine trung lập, tức là không gia nhập NATO. Đó là một trong những yêu sách của Putin. Nhìn chung, Tổng thống Ukraine đã sẵn sàng đàm phán về các vấn đề gây tranh cãi lớn hơn, nếu chiến tranh có triển vọng kết thúc và người Nga rút khỏi Ukraine.
Nếu có một người có thể đưa người dân Ukraine đi đến một giải pháp thương lượng đau đớn nhưng cần thiết, thì đó chính là Volodymyr Zelensky. Với lòng dũng cảm và sức nặng đạo đức của mình, ông đã thuyết phục được cả thế giới. Ông ấy là người có thể giành lấy hòa bình cho chính người dân của mình. Và tự do.
Tác giả: Hanne Skartveit
Hoàng Thủy Ngữ, chuyển ngữ
19-3-2022
https://baotiengdan.com/2022/03/20/cuoc-chien-ve-cac-gia-tri-cua-chau-au/
0 comments:
Post a Comment