Cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu cách đây 4 tuần. Nó diễn ra khác với những gì Điện Kremlin nghĩ. Quân đội tiến công chậm chạm, nhiều vấn đề về hậu cần. Chuyên gia về Nga và quân sự, ông Gustav Gressel từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) giải thích tại sao lại như vậy.
Ông cũng giải thích lý do tại sao những cuộc tấn công vào dân thường ở các thành phố như Mariupol lại tàn bạo đến vậy, những gì tương đồng với cuộc chiến Syria – và tại sao ngày 1 tháng 4 lại có tầm quan trọng lớn đối với quân đội Nga.
NTV.de: Tại sao Nga hiện đang ném bom Mariupol vô cùng dữ dội?
Gustav Gressel: Trước hết, Nga đương nhiên muốn có thành phố này. Đây là trung tâm giao thông chính cuối cùng cạnh Biển Azov, cảng lớn nhất ở đó. Và thành phố nằm trên đường nối từ Crimea đến Donbass. Thứ hai, tôi nghe những người ở Moscow nói rằng cá nhân Putin rất thất vọng vì Mariupol đã không chạy sang với quân đội Nga ngay lập tức. Vì vậy mà ông ta cảm thấy cá nhân bị xúc phạm và đó là lý do tại sao thành phố này phải biến đi.
NTV.de: Tức là sự trả thù cũng đóng một vai trò trong lần hủy diệt này?
Gustav Gressel: Vâng. Mariupol là một thành phố quan trọng mang tính biểu tượng, từng nằm trong tay những người ly khai thân Nga trong một thời gian ngắn vào năm 2014 và sau đó được tái chiếm. Kể từ đó, nó đã là một thành phố tiền tuyến và là thủ phủ thay thế của Donetsk Oblast. Đã có một số khách thăm nổi tiếng kể từ năm 2014, bắt đầu với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain. Mariupol là thành phố biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine. Vì vậy mà nó cũng làm khởi phát những cảm xúc phi lý trí.
NTV.de: Cuộc đàn áp cực kỳ tàn bạo nhằm vào các mục tiêu dân sự có phải là một chương mới trong cuộc chiến này không?
Chẳng hạn, Lực lượng Không quân Nga không hề được chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các nhiệm vụ trên không ở tốc độ cao ngay từ đầu. Thời gian sau này đã có 300 cuộc không kích vào Ukraine mỗi ngày, có nghĩa là 300 đơn vị, mỗi đơn vị gồm hai chiếc máy bay, cất cánh mỗi ngày. Đó cũng là một tốc độ mà tôi đã dự đoán.
NTV.de: Putin đã mô tả người Ukraine như là một dân tộc anh em và chính đất nước ấy là một phần của Nga. Sự tàn bạo này không đáng để cho người ta ngạc nhiên sao?
Gustav Gressel: Tôi nghĩ có thể so sánh điều này với một mẫu hình trong tội phạm tình dục khi nạn nhân bị sát hại: Trong lúc đó kẻ hiếp dâm thấy rằng nạn nhân không hề có tình yêu với hắn ta và cũng không thể bị ép buộc yêu hắn, và để trả thù cho sự sỉ nhục đó, hắn đã giết chết nạn nhân. Đây là một mẫu hình phổ biến trong các tội phạm tình dục mà thủ phạm không còn suy nghĩ có lý trí. Tôi nghĩ hình ảnh một kẻ hiếp dâm này là phù hợp, bởi vì chính Putin đã sử dụng một cụm từ trong một cuốn phim mafia của Nga khi đề cập đến Ukraine: “Dù muốn hay không, em sẽ phải phục tùng, người đẹp của tôi ơi“.
Gustav Gressel: Có những điểm tương đồng, vì quân đội Nga đã có cách thức này để chiến đấu trong thành phố kể từ Thế chiến thứ hai. Đó là dùng nhiều pháo binh để bắn nát các khả năng ẩn nấp của kẻ địch. Thành phố và những người bảo vệ nó cần phải bị phá hủy để phá vỡ sự kháng cự. Chiến thuật của người Mỹ thì ngược lại, họ tiến vào với vũ khí chính xác và cố gắng bắn đẩy kẻ thù ra bằng vũ khí nhỏ nhất có thể và bảo vệ phần còn lại của dân thường càng nhiều càng tốt. Quân đội Nga có một cách tiếp cận khác, và đó là điều xảy ra ở tất cả các thành phố cần phải xâm chiếm bằng quân sự.
NTV.de: Nhiều người, đã từng quan sát hoặc trải qua cuộc chiến ở Syria, chỉ ra nhiều tương đồng với cuộc chiến ở Ukraine, ví dụ như về cách giải quyết các hành lang sơ tán hoặc chiến lược nước đôi từ pháo kích và đàm phán. Hành vi của Nga ở Syria có phải là một mẫu mực cho cuộc chiến hiện tại?
Gustav Gressel: Tất nhiên là xã hội Ukraine khác với xã hội Syria, và quân đội Ukraine được tổ chức khác với quân nổi dậy Syria. Nhưng cũng đã có những cuộc tấn công có chủ đích của Nga, ví dụ như vào các bệnh viện và trường học ở Syria – Nga thậm chí còn cố gắng tìm ra các địa điểm chính xác từ Hội Chữ Thập đỏ. Đây là một kiểu làm nhục kẻ thù, nói với họ rằng họ không thể bảo vệ được những người cần được bảo vệ, phụ nữ và trẻ em của họ. Đã xảy ra như vậy ở Syria và bây giờ đang được lặp lại ở Ukraine.
NTV.de: Đó có phải là một phần của truyền thống quân sự Nga?
Gustav Gressel: Người Nga đã vay mượn rất nhiều từ tư duy quân sự của Mỹ mà không hiểu về nó. Trong tài liệu quân sự của Mỹ có chiến thuật “sốc và sợ”. Mục đích là tạo một cú sốc bằng một cuộc tấn công để ngăn chận đối thủ tiếp tục chống cự quân sự có tổ chức. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, người Mỹ đã tiến quân nhanh tới mức họ không cho kẻ địch có thời gian để tái tổ chức, cho tới khi kẻ địch bị xé ra thành những lực lượng riêng lẻ và sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa khi tiếp tục cuộc chiến và chết một cái chết vô nghĩa.
NTV.de: Người Nga đã làm điều đó như thế nào?
Gustav Gressel: Người Nga áp dụng điều này bằng cách là họ muốn phá vỡ sự phản kháng của xã hội, không phải của lực lượng vũ trang. Họ muốn phá vỡ sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc chiến bằng cách gây ra cú sốc thông qua các hành động nhanh chóng, tàn bạo và cố tình đưa ra con số nạn nhân thật cao. Cho đến khi người dân chống đối nói: Tôi thà có hòa bình dưới một chế độ khủng bố hơn là sự khủng bố hàng ngày của chiến tranh. Tất nhiên, đây là một cách đọc rất khác của cùng một chiến thuật.
NTV-de: Người Nga có thiếu tốc độ để sao chép người Mỹ không?
Gustav Gressel: Họ không thể sao chép người Mỹ vì họ thiếu cả tốc độ lẫn thiết bị kỹ thuật để thực hiện các hành động có chủ đích chống lại kẻ thù. Người ta có thể thấy điều đó trong vụ tấn công trung tâm mua sắm Kiev, chẳng hạn. Trong hai hoặc ba ngày đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã cất giữ xe cộ ở đó như là một lực lượng dự bị cho đến khi chúng được tập trung lại ở phía bắc thành phố để phòng thủ. Có cả những bức ảnh về điều đó nữa. Nhưng trung tâm mua sắm chỉ mới bị đánh bom gần đây, và lúc đó thì các phương tiện ấy đã không còn ở đó từ nhiều tuần rồi. Chậm trễ về thời gian rất nhiều.
NTV.de: Tại sao quân đội Nga lại tiến quân chậm đến như vậy – có sai lầm chiến lược nào không?
Gustav Gressel: Có, tất nhiên. Toàn bộ cách tiến hành cuộc chiến vào lúc ban đầu về cơ bản đều dựa trên sự mơ tưởng của Putin, sự mơ tưởng của giới lãnh đạo cao nhất ở Nga và giới tinh hoa chính trị của đất nước này. Ukraine đã bị đánh giá hoàn toàn sai lầm, thực tế xã hội và việc tạo quan điểm trong xã hội hoàn toàn bị bỏ qua hoặc hiểu sai. Về cơ bản có thể thấy trước được những thất bại, nhưng tôi không thể nghĩ rằng điều này lại có tác động mạnh như vậy đến các chi tiết hành quân và chiến thuật. Người Nga không tin rằng họ sẽ thực sự gặp phải một cuộc kháng cự có tổ chức về mặt quân sự và sự thức tỉnh của họ tất nhiên là tồi tệ tương ứng.
NTV.de: Vào đầu cuộc chiến, người ta nói đến công nghệ lạc hậu của quân đội Nga, chẳng hạn như những chiếc xe tăng cũ kỹ. Bây giờ, theo thông tin của Nga, đã có hai cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh. Công nghệ hiện đại chỉ bây giờ mới được sử dụng?
Gustav Gressel: Thành thật mà nói, tôi thậm chí không muốn đánh giá xem tên lửa siêu thanh đã được sử dụng ở đâu và như thế nào. Tôi vẫn đang chờ các hình ảnh vệ tinh về các điểm bị bắn. Cho đến nay chỉ có những tuyên bố của Nga. Vì vậy mà tôi rất nghi ngờ về số lượng tên lửa và loại thiệt hại. Trong trường hợp các cuộc tấn công bằng tên lửa Kalibr hoặc Iskander, có tài liệu tương đối tốt về những gì đã bị tấn công, ai đã tấn công và có bao nhiêu tên lửa đã được sử dụng. Cho đến nay, có thể nói rằng những vụ bắn tên lửa Kinzhal này là do người Nga tuyên bố trên Twitter. Có thể tên lửa siêu thanh đã thực sự được sử dụng, nhưng cũng có thể không phải như vậy.
NTV.de: Nga có yếu hơn nhiều về mặt quân sự so với giả định không?
Gustav Gressel: Tôi đã đánh giá quân đội Nga mạnh hơn hiện tại. Tôi đã xem xét cách tiến hành chiến thuật của quân đội Nga ở Syria và quân đội Ukraine ở Donbass. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu người ta có thể đưa ra kết luận về phần còn lại của quân đội từ những gì đã được nhìn thấy hay không.
Nhìn chung, tôi phải nói rằng người Ukraine nói chung không chỉ sẵn sàng bảo vệ đất nước của họ, họ còn giỏi về mặt chiến thuật. Mặt khác, đối với người Nga, những thành công của các đội quân tinh nhuệ ở Syria lại là những trường hợp cá biệt mà họ không thể tái tạo ở quy mô lớn hơn. Với Nga, luôn tiềm ẩn nguy cơ được đánh giá cao hơn hoàn toàn hoặc bị đánh giá thấp hơn hoàn toàn. Thực tế rồi thì nằm ở đâu đó ở giữa.
NTV.de: Bây giờ ông dự đoán sẽ có một cuộc chiến tranh chiến hào, Nga có trở nên mạnh hơn, hay thậm chí sẽ có một chiến thắng cho Ukraine hay không?
Gustav Gressel: Không thể nói được tại thời điểm này. Nga đang cố gắng tiếp tục tạo thêm lực lượng. Thêm vào đó là sắp tới ngày 1 tháng 4. Đây là một thời điểm nhập ngũ quan trọng ở Nga khi thanh niên nghĩa vụ được gọi nhập ngũ. Những người lính nghĩa vụ cũ được giải ngũ – và người ta hiện đang cố sức tuyển mộ họ làm lính chuyên nghiệp càng nhiều càng tốt, những người mà sau đó có thể sẽ được gửi đến Ukraine. Điều đó sẽ cho phép Nga tiến hành một cuộc tấn công mới vào giữa tháng Tư. Cho đến lúc đó, họ sẽ cố gắng giữ vững vị trí, tái tổ chức lại và giải quyết các vấn đề hậu cần của mình.
Vì vậy, ngoài Mariupol và các hoạt động ở Donbass, tôi hy vọng rằng người Nga sẽ không khởi động bất kỳ cuộc hành quân lớn nào cho đến lúc đó. Tôi không nói rằng chiến tranh đã kết thúc hay Ukraine đang trên đường chiến thắng. Tuy nhiên, Ukraine có cơ hội chiến thắng trong cuộc chiến này bằng cách buộc Nga đi đến một nền hòa bình vì kiệt sức. Nhưng vẫn còn chưa đến đó.
NTV.de: Ở Ukraine, cái gọi là mùa sình lầy, Rasputiza, rất nổi tiếng mà trong lúc đó địa hình rất khó có thể đi qua được. Điều này có đóng vai trò gì trong tiến trình cuộc chiến hay không?
Gustav Gressel: Điều đáng chú ý là quân Nga chỉ tiến dọc theo những con đường nhựa, đặc biệt là phía đông Kyiv, điều này tạo nên những luồng nhất định cho các cuộc di chuyển của họ. Có thể nói là họ không dám bước xuống sình lầy, xuống bùn tuyết. Nhưng thật ra thì cũng có đủ đường trải nhựa, không thể so sánh với thời Đệ nhị Thế chiến. Vì vậy mà mùa sình lầy này không đóng một vai trò lớn.
NTV.de: Thế thì tại sao nhiều xe cộ lại bị mắc kẹt nằm lại?
Gustav Gressel: Đóng một vai trò lớn trong các vấn đề hậu cần là tình trạng của các loại xe cơ giới. Nhiều cơ xưởng dã chiến, những thứ lo bảo dưỡng vật tư – thay nhớt, thay dầu bôi trơn, thay mới xích và bánh xe – đã không được mang theo cùng, chúng không thuộc trong các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn được triển khai. Và vì một số lực lượng đã tiến hành những cuộc tập trận từ tháng 10 tại biên giới với Ukraine nên xe cộ đã hao mòn tương ứng và phải được gửi trở lại cơ xưởng.
Khi người ta nhìn vào cấu trúc mà người Nga đã bắt đầu cuộc chiến này với nó, thì những dấu hiệu kiệt quệ này là đúng thôi. Nếu họ biết điều gì đã chờ đón họ thì có lẽ họ đã hành động khác đi.
0 comments:
Post a Comment