Khác với không khí tết ấm áp nơi quê nhà, ngày Tết Nguyên Đán tại Âu châu bắt đầu bằng những cơn gió rét và những bông tuyết phủ. Giữa cái lạnh mùa đông, người Việt tại Pháp chuẩn bị Tết ra sao?
Mỗi năm, khi cái lạnh của những ngày mùa đông thật sự đến, cũng là lúc mà người Việt tại Pháp râm ran đón Tết. Mọi sự chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được diễn ra bình lặng giữa cuộc sống đời thường. Người lớn không có cái tất bật của những ngày cuối năm, trẻ con cũng không có cái nôn nao chờ khoe áo mới. Tuy nhiên, không vì thế mà nó mất hẳn cái trang nghiêm cần phải có cho không khí Tết. Dù ở Pháp đã hơn 30 năm, gia đình anh Tài vẫn giữ đúng phong tục ông bà, dù là ông Táo bếp điện hay ông Táo bếp ga cũng được gia đình anh tiễn về Trời với những nghi lễ cần thiết. Anh Tài nói:
Thường thường trước Tết 2 tuần thì gia đình chuẩn bị đưa ông Táo, có nghĩa là 23 tháng Chạp. Theo phong tục cổ truyền thì mình cúng bánh kẹo để đưa ông Táo, sau đó thì dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho nó tươm tất, mua bông mua hoa để trên bàn thờ. Sau khi cúng giao thừa xong thì chính cá nhân tôi đi ra ngoài theo hướng mà mình lựa chọn, sau đó thì tôi cũng hái vài cái lộc, sau đó thì đốt nhang lạy Phật. Chính mình, mình xông nhà của mình.
Và với một người chỉ mới ở Pháp có hai năm, thì ông Táo lại càng không thể bị bỏ quên. Dù không xe, không mũ, ông Táo vẫn được chị Quý trang trọng gửi về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế. Chị Quý cười nói:
Bọn em lên lịch ngày 23, ông Công, ông Táo em cũng thắp hương như bình thường thì mình làm một mâm cơm như bên Việt Nam. Ở bên này thì nó không có cái mũ, đồ cúng ông Công, ông Táo giống như bên Việt Nam…..(cười).
Đúng ngày 23 tháng Chạp ông Táo về trời rồi, nhà cửa lại được dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị đón Ngài trở lại và cũng để bắt đầu cho một năm mới, với những hy vọng mới. Tuy không có cây nêu chơi vơi trước ngõ, không có tràng pháo đỏ đong đưa trong gió, nhưng mâm ngũ quả là điều không thể thiếu trên bàn thờ Việt Nam ngày Xuân, dù là Xuân trong cái lạnh mùa Đông xứ người, anh Tài nói:
Ở trong nhà thì vấn đề đó tôi rất là tôn trọng, trên bàn thờ vẫn được bày biện giống như ở bên nhà của mình : cầu (mãng cầu) vừa (trái dừa) đủ ( đu đủ) xài (trái xoài). Trong nhà thì trang trí những nhánh hoa như bông mai, hoặc những cây có trái để cho có không khí của mùa Xuân mặc dù bên Pháp này không phải là mùa Xuân giống như ở bên nhà, bên Việt Nam nhưng mà tôi cũng ráng thay đổi thời tiết mùa đông ở bên đây thành mùa Xuân trong phạm vi gia đình của chúng tôi.
Mâm ngũ quả của gia đình chị Vĩnh thì được Âu hóa bằng những thứ trái cây địa phương khác:
Tuy tôi không ở nhà 3 ngày Tết nhưng tôi cũng kiếm mua hoa cúc về chưng, đĩa ngũ quả ở Việt Nam thì vú sữa, thơm, mãng cầu, ở đây thì pomme (táo) nho cũng đầy đủ nhưng khi mình ra chợ Tàu thì cũng có nhiều trái cây của Trung Quốc, thấy nó quá tốt nên mình sợ mình không dám mua."
Dù ngày Tết chỉ là một ngày thường trong năm ở Pháp, chị Kim Anh vẫn sắm sửa quần áo mới cho các con:
Trang trí nhà cửa, đó là điều đương nhiên ạ, rồi sắm sửa quần áo mới cho trẻ con, đó gần như là một phong tục tập quán của gia đình nhà em rồi.
Bao lì xì đầu năm cũng là một phong tục không thể thiếu. Ngoài màu đỏ thắm ngộ nghĩnh xa lạ với đứa trẻ Việt Nam được sinh ra Âu châu, những tờ giấy bạc được ủi thẳng thớm cũng đem lại niềm vui không nhỏ cho các trẻ con. Chị Vĩnh nói:
"Thứ bẩy, chúa nhật các con về thì tôi cũng tổ chức một chút chút cho mấy đứa cháu. Thì cũng mua bao lì xì rồi tập cho nó biết như thế nào là Tết Việt Nam để cho nó hiểu cái thuần túy của người Việt Nam."
Nhưng, không chỉ riêng trẻ nhỏ được lì xì, có gia đình, người lớn cũng được hưởng "ké" niềm vui này. Chị Quý cho biết :
"Riêng từ ngày mùng một chồng em đi làm xong cũng đến chúc Tết cô chú gọi là lì xì đầu năm."
Ở hải ngoại, những đứa con lớn lên là những con chim trưởng thành rời tổ ấm. Cái phong tục tràn đầy niềm vui này có muốn, cũng không còn giữ được, như anh Tài chia sẻ :
Cái phong tục lì xì thì thực ra tôi cũng rất là muốn nhưng đối với gia đình chúng tôi thì thực ra vấn đề đó hơi khó khăn vì các con ở xa, vì công an việc làm của nó, nó cũng không về được.
Tại Việt Nam mới tháng 1 là người ta đã râm ran bàn về những trái dưa đỏ thắm hay những cành mai nhiều nụ. Riêng tại Pháp, cái Tết đến khá âm thầm trong mỗi gia đình, khi các siêu thị Á châu tràn ngập các hộp bánh mứt sặc sỡ, bung xung các cây thần tài xanh mướt thì trong nhà mọi người vẫn chưa nghĩ đến chuyện lau lá dong gói bánh. Chị Kim Anh cho biết gia đình chị chỉ bắt đầu gói bánh trước Tết khoảng 2 tuần:
Cho đến bây giờ thì mới là bắt đầu vào tháng Tết thôi mà em cũng đã dành thời gian để chuẩn bị mốt số thức ăn ví dụ như là mứt, cuối tuần bọn em sẽ mua lá chuối, lá dong về gói bánh chưng ạ.
Nhung-mon-an-tu-lam-ngay-tet_-by-chi-Quy-400 Những món ăn chị Quý tự làm ngày Tết. Hình do chị Quý gửi RFA Tuy vậy, những cái bánh chưng được sinh ra tại Âu châu ấy vẫn phảng phất rất nhiều âm hưởng quê hương bởi những nguyên liệu được mang đến từ bên kia bờ đại dương, chị Quý cho biết :
Bây giờ thì bọn em chuẩn bị nguyên liệu thôi. Bánh chưng thì gần như hôm ấy em mới luộc. Em chỉ có chuẩn bị các nguyên liệu để làm chả quế. Ngó sen thì bọn em phải mua, em đặt một số ở bên Việt Nam gửi sang cho em, lá dong cũng gửi từ Việt Nam sang.
Nhưng trễ không có nghĩ là thiếu. Chị Kim Anh cho biết năm nào chị cũng nấu đầy đủ những món ăn ngày Tết theo phong tục miền Bắc, nghĩa là :
Cái mứt là phụ thôi, còn cái chính thức là tất cả những món ăn truyền thống nhất của Việt Nam dành cho những ngày Tết, ví dụ như bánh chưng là không thể thiếu được. Cái văn hóa Văn Lang ngày xưa bánh chưng tượng trưng cho sự ấm no, no đủ thì nhất định là em phải có bánh chưng. Em cũng sẽ làm xối gấc là món xôi mang đến may mắn. Màu đỏ của món xôi đem đến may mắn cho cả năm cũng không bao giờ thiếu được, thịt đông, củ kiệu..…là những món ăn truyền thống em đều có làm hết.
Nếu Tết ở Việt Nam, ngoài đường tràn ngập người đi lễ Chùa thì ở Pháp, cái Tết chỉ là một ngày như mọi ngày. Chị Kim Anh so sánh:
Bên này nếu mình đi ra đường thì cũng chẳng ai biết ngày đấy là ngày gì, trẻ con bên này vẫn phải đi học, người lớn vẫn phải đi làm, cho nên không khí đã cho mình thấy sự khác biệt hẳn.
Hoặc nó diễn ra nhỏ bé, thân mật trong một vài gia đình. Chị Quý nói :
Tết năm này thì ngoài cúng Tất niên ở nhà thì bọn em có mấy chị em rủ nhau tổ chức Tết Việt bởi vì có một số anh chị em có chồng người nước ngoài, bọn em có khoảng 5 gia đfinh tập trung ở một ngôi nhà rộng nhất của một người bạn. Cũng đầy đủ tất cả các món : có giò, có nem, có bánh chưng, canh măng, giò thủ cũng như là nem chua, y như ở Việt Nam mình.
Năm nay, Pháp trải qua hai cuộc khủng bố đẫm máu, hẳn nhiên nó cũng ghi lại dấu ấn trong tâm tưởng mọi người và không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, chị Kim Anh chia sẻ :
Nước Pháp là nước đã đem đến cho mình một cuộc sống rất là tốt đẹp. Đã sống ở Pháp, đã yêu nước Pháp, đã gắn bó với nước Pháp thì cũng coi như đây là đất nước thứ hai. Và khi đất nước Pháp đã bị đau thương như thế thì thực sự mình thấy rất là bị tổn thương. Đối với em thì cái Tết năm nay về truyền thống Việt Nam thì em vẫn tổ chức, nhưng mà để háo hức, tụ tập bạn bè vui vẻ thì em nghĩ là không.
Bên cạnh đó là nỗi lo sợ, hoài nghi, anh Tài cho biết :
Sau cuộc khủng bố vừa qua thì cũng ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng tôi rất là nhiều, chúng tôi cũng giới hạn vấn đề đi lại ở những nơi đông người. Chúng tôi không đi đến những khu chợ quá đông người. Không được đi chùa hoặc chợ một cách dễ dàng vì lý do đó gia đình cũng giới hạn khoảng 1-2 tuần nữa mới đi sắm Tết cho năm nay.
Tuy nhiên, với chị Quý, cái Tết Việt Nam chỉ diễn ra trong gia đình, nên ảnh hưởng của các cuộc khủng bố vừa qua hầu như không nhận thấy, chị nói :
Hầu như Tết năm nào ngày 30 và mùng một Tết đều có múa lân, rất là đông người. Năm nay em không biết lượng người ra đường có hạn chế hay không, cái đó thì em không biết, nhưng với em thì em thấy nó chẳng ảnh hưởng là vì mấy anh chị em tập trung ở nhà. Tết là cho gia đình, mình không có đi ra bên ngoài giống như Tết của Tây.
Và, nếu ở Việt Nam, Tết là dịp để mọi người tụ họp về gia đình như những con chim tìm về tổ ấm thì ở Tây phương, cái Tết đôi khi diễn ra âm thầm, lạnh lẽo và cô độc như cuộc sống tại đây. Hai chữ « Xuân về » không hẳn mang lại niềm vui mà còn nhắc nhở đến sự cô đơn của tuổi già, nhắc đến những hoài niệm về quá khứ, chị Vĩnh ngậm ngùi :
Mỗi năm tôi vẫn làm những mà các con nó lớn hết, nó ra ngoài nó sống, mà Tết thì rơi vào những ngày không có ngày nghĩ nên Tết chỉ là họp những bạn già rồii đi đến một nơi nào đó để chơi thôi. Sợ nhất, sợ nhất là những ngày Tết, đặc biệt là gia đình tôi là gia đình Cha Mẹ anh em đông nên ở đây rất là cô đơn, rất là buồn, mình sống quá buồn đi, cho nên mình phải đi tìm những bạn già mình đi chỗ khác mình chơi….(sụt sùi)…
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không?
( Trích từ bài thơ « Xuân tha hương » của thi sĩ Nguyễn Bính)
Tường An (RFA)
0 comments:
Post a Comment