Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 18 June 2021

Happy Father's Day:Tình Cha Vẫn Mãi Theo Con

 Trong những tình cảm thiêng liêng của con người, có phải tình phụ tử là mối tình cao quý nhất, mà người đời đã gọi là “nghĩa mẹ, tình cha”? Cái tình cha mà thế hệ chúng tôi, thế hệ con em của những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã không có trong tuổi thơ, vì bị chế độ Cộng Sản (CS) vô thần cướp đoạt. Cái tình cha ấy đã luôn là nỗi khắc khoải mong chờ trong những năm tháng tuổi thơ của anh em tôi khi không có cha bên cạnh. Cái tình cha đã là món quà mà anh em tôi đã trân quý đón nhận từ người cha sau những năm dài bị giam cầm trong ngục tù CS nơi rừng thiêng nước độc ở Miền Bắc (MB) xa xôi. Và cái tình cha ấy sẽ mãi là hành trang và là hoài niệm theo bước anh em tôi trong suốt cuộc đời này, khi cha tôi đã mãi xa mẹ và anh em tôi gần 2 năm qua.

Tình cha thiêng liêng đã được ca ngợi trong tập tục văn hóa của Hoa Kỳ khi chọn ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 6 làm ngày Lễ Cha. Trong suốt những năm dài của kiếp tha hương nơi đất khách quê người, anh em tôi đã có hạnh phúc nghĩ tới, chúc sức khỏe và gởi đến cha mình những món quà vào những ngày Lễ Cha. Và những ngày gần đây, trước ngày lễ Hiền Phụ của năm 2015, trong tôi có những nỗi niềm thương nhớ ba thật nhiều, cho dù tôi đã nhớ về ông hầu như trong từng ngày tháng qua. Tôi vẫn không ngờ ông đã ra đi thật xa và về ở một cõi vĩnh hằng nào đó. Có những lúc đăm chiêu trong nỗi thương nhớ và hồi tưởng về ông, tôi đã không khéo dấu những cảm xúc khi nghe hai cô con gái nhỏ hỏi: – Ba nhớ ông nội hả ba? – Con muốn ông nội vẫn sống với ba và tụi con. Những câu nói ngây thơ và chân tình của các bé đã đưa tôi về với thực tại và cho tôi thấy được tình yêu của các cháu dành cho ba tôi, một ông nội hiền từ và luôn vui đùa với chúng.
Đêm nay, trong giấc ngủ chập chờn, tôi chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya tĩnh lặng với những cảm xúc thương nhớ ba thật nhiều. Tôi nghĩ đến sáng mai, ngày lễ Cha, mà những dòng lệ đã nhẹ nhàng lăn dài qua khóe mắt. Lại thêm một năm nữa, anh em tôi đã không còn cơ hội để thương chúc sức khỏe hay chung vui với ba mình. Trong đêm dài, tôi đang hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm với ông, hồi nhớ lại những lời dạy chỉ bảo của ông và những câu chuyện về đời lính, hay năm tháng trong ngục tù CS. Và qua những hồi nhớ này, tôi nhìn lại hết những tình cảm của ông dành cho quê hương Việt Nam (VN), cho những chiến hữu của ông, cho gia đình người thân, và cho những đứa con của ông. Tôi xin mượn những dòng chữ để ghi lại những tình cảm của ông quyện vào cái tình cha mà ông đã vun bồi cho anh em tôi.
Như các bạn trẻ đồng cảnh, anh em tôi sinh ra trong thời gian của cuộc chiến Việt Nam. Anh em tôi đã chưa thật sự đủ lớn để cảm nhận được sự phồn vinh và thanh bình của Miền Nam Việt Nam (MNVN) và chưa thật sự đón nhận đầy đủ tình yêu thương dạy dỗ của cha mình, thì ngày đen tối 30-4-1975 của cả dân tộc VN ập tới, khi Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) xua quân cưỡng chiếm MNVN. Từ ngày ấy, anh em tôi đã mãi không còn nhìn thấy ba bên cạnh, vì ba tôi cũng như hàng trăm ngàn Quân – Dân – Cán – Chính của miền Nam bị CSVN giam cầm trong các nhà tù, những địa ngục của trần gian, từ Nam ra Bắc.
Tuổi thơ lớn lên trong nỗi nhục nhằn cơ cực bên cạnh tình yêu thương và chăm sóc của mẹ, anh em tôi sớm nhận ra mình đang thiếu vắng tình cha. Tôi đã luôn khao khát mong chờ ngày cha về đoàn tụ với gia đình, để được cha yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ. Ngày vui đó đã bất ngờ đến với mẹ và anh em tôi. Sau 10 năm tù CS, ba tôi được thả về xum họp với gia đình. Và từ ngày đó, anh em tôi thật sự biết tình cha là như thế nào. Ngoài phụ giúp mẹ tôi trong công việc buôn bán, ba đã dành hết thời gian gần gũi và chỉ dạy anh em tôi. Tôi quá đỗi ngỡ ngàng nhận ra được nhiều lời chỉ dạy mới lạ từ ba mà tôi không bao giờ được nghe nói đến trong nhà trường XNCH. Ông cho anh em tôi các bài học vỡ lòng qua những khẩu hiệu trong học đường của VNCH trước đây như: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Đó là tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ hay bậc trưởng thượng và lễ phép trong cung cách ăn nói với người xung quanh.
Ba tôi còn cho chúng tôi thấy được nền giáo dục VNCH là nền giáo dục nhân bản, đã giáo dục công dân MNVN những đức tính tốt mà gói gọn qua cụm từ ngữ “nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”. Ông đã giải thích từng chữ và dạy cho anh em tôi. Ngoài ra, ông đã uốn nắn anh em tôi đi vào nề nếp qua từng việc nhỏ như giữ gìn vệ sinh, ăn ngủ đúng giờ và đi thưa về trình. Với kiến thức Anh ngữ có được từ học đường và từ nhiều năm giao tiếp với các sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Hoa Kỳ, ba tôi đã lấy đó làm vốn để dạy kèm môn học Anh ngữ cho anh em tôi. Ba tôi rất say mê đọc sách Anh ngữ và nhất là ông thường nghe các câu chuyện Anh ngữ trên đài VOA. Ngày hôm sau, ông tìm mua bản copy, đọc và dịch nghĩa để dạy Anh ngữ cho chúng tôi.
tinhchavanmai
Anh em tôi như là những đứa trẻ đang khát sữa, mà những dòng sữa ấy là những tình cha mà anh em tôi đã trông chờ trong suốt 10 năm dài qua. Và khi những dòng sữa ấy, được ba tôi đem đến, anh em tôi vui mừng đón nhận để nuôi dưỡng cho thân thể và tinh thần khỏe và lành mạnh hơn. Ba tôi đã cho tôi cảm giác ông là người cha và cũng là người thầy dìu dắt anh em tôi bước đi và đi đúng trong cuộc sống này. Ông luôn ân cần chỉ dạy chúng tôi những điều mới lạ và trả lời các câu hỏi của anh em tôi. Ông đã giúp cho tôi hiểu nhiều hơn về chính thể Quốc Gia, về quân binh chủng VNCH và về binh chủng LLĐB và Biệt Động Quân (BĐQ) mà ông đã gắn liền cả một đời binh nghiệp với gót giày sô đã in đậm trên khắp bốn vùng chiến thuật. Tôi luôn say mê nghe ông kể về đời quân ngũ của ông qua các trại LLĐB và các chiến trường. Ông đã cho tôi hiểu những cái đặc biệt của binh chủng LLĐB, từ cách hành quân, xâm nhập và phá hoại trong lòng địch. Ví dụ như những cách nghi binh đánh lừa địch, như bắn pháo binh một hướng rồi hành quân theo hướng khác để tìm chạm địch hay cách thức ngụy trang thả người nằm lại cho những điểm đã đi qua.
Năm tháng dần trôi, ba tôi đã quen dần với cuộc sống gia đình trong cương vị là người chồng, người cha, nhưng ông luôn mãi là người xa lạ trong cái xã hội CS nhiễu nhương với nhiều điều chướng tai, gai mắt. Cái XHCN đã và đang băng hoại luân thường đạo lý của dân tộc VN. Cướp giựt, đàng điếm và đâm chém diễn ra khắp nơi. Trong cái XHCN, những kẻ CS độc tài theo chủ thuyết vô thần Mac-Lê đang cai trị, cướp bóc, đày ải và giết hại chính dân tộc VN cùng dòng máu với họ. Nhìn về cái XHCN ấy và nhìn về gia đình với tương lai mịt mù cho con cái, ông luôn mang tâm trạng u buồn cho đất nước và dân tộc trên con đường bại vong.
Có những lúc buồn, ba tôi ngồi trầm ngâm khảy đàn guitar cổ nhạc, để mượn cung đàn gởi gấm nỗi buồn vào trong đó. Ông thường đàn và ca những bài cổ nhạc của MNVN trước đây như: Tình Anh Bán Chiếu, Ông Lão Chèo Đò, hay Thằng Ngốc Bán Than. Với làn hơi ca mùi, vóc dáng cao ráo và niềm đam mê, ba tôi đã có thể đi theo sở thích của mình để trở thành một nghệ sĩ cổ nhạc. Nhưng ông đã không làm thế. Như các lớp trai thời chiến, nhìn thấy đất nước điêu linh qua lửa khói chiến tranh mà CSBV đang gieo rắc khắp nơi ở MNVN, ba tôi đã gạt qua những đam mê, tình nguyện gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức khóa 14. Ông đã đến với quân đội cùng với các anh và các cháu của mình, cầm súng bảo vệ quê hương miền Nam yêu dấu trước gót giày xâm lăng của CSBV.
Ba tôi thường đem những câu chuyện trong Sử Việt, với những anh hùng dân tộc chống quân xâm lăng từ phương Bắc, kể cho chúng tôi nghe. Qua các câu chuyện, ông muốn cho anh em tôi nhìn thấy những hình ảnh nói lên tình cảm yêu thương dân tộc VN của các tiền nhân như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ . v…v… và v…v…Trong các hình ảnh ấy, tôi thấy được hình ảnh của thế hệ ba tôi, những người lính VNCH, cũng đã cầm súng chống lại sự xâm lăng của CSBV, chư hầu của CS Quốc Tế. Ông thường đọc cho chúng tôi nghe những câu nói của các vị anh hùng dân tộc, như bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý thường Kiệt. Nhưng ông tâm đắc nhất là câu nói của Nguyễn Công Trứ: “Làm trai đứng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông.”
Các câu thơ ấy nói lên cái chí khí của người trai sống có lý tưởng cho đất nước và không thẹn với giang sơn gấm vóc, mà ông cha đã ngàn đời gìn giữ. Cho dù ba tôi không nói ra, tôi đã nhìn thấy được cái lý tưởng sống cho dân tộc, cho đất nước ở trong ông.
Sống gần bên ba, tôi thường được nghe ông kể nhiều về những câu chuyện của đời lính kiêu hùng của ông, một người lính tác chiến qua các binh chủng thiện chiến LLĐB rồi BĐQ của QLVNCH, quanh năm hành quân ở biên thùy. Qua những câu chuyện đó, ông đã chỉ dạy cho anh em chúng tôi những đức tính hy sinh, chịu đựng gian khổ, trau dồi kinh nghiệm của ông và các chiến hữu trên các chiến trường lửa khói qua các địa
danh như Ashau, A Lưới, Bù Đốp, Tống Lê Chân, KaTum, Đức Huệ, An Lộc, Bình Đê… v…v… và v…v. Lồng trong các câu chuyện ấy, ông đã cho anh em tôi thấy cái tình lính, mà ông đã dành cho các chiến hữu của ông. Theo lời ông kể, khi còn ở C1 LLĐB, nhìn thấy các bạn thuộc cấp và đồng cấp của mình bị hà hiếp bởi viên sĩ quan ỷ thế cậy quyền, ông đã can đảm đứng ra khiển trách vị sĩ quan này. Ông đã dạy chúng tôi rằng, “Mình không nên ăn hiếp người yếu hoặc thấp nhỏ hơn mình. Ngược lại, nên bảo vệ cho họ.”

Chính vì tính tình bộc trực và khí khái này, ông luôn là chỗ dựa an toàn cho các chiến hữu và bạn hữu của ông từ trong quân ngũ, trong ngục tù CS và ra tới hải ngoại này. Trong ngục tù CS, ông từng quát vào mặt người tù làm ăng ten cho CS trong khi những bạn cùng phòng tìm cách tránh né người ăng ten này. Trong sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia (CĐNVQG), ông đã hai lần đứng lên bênh vực các chú bác trong hai lần sinh hoạt của Cộng Đồng trước những quậy phá thiếu ý thức của một nhóm người, chịu sự chi phối của đảng phái cho mưu đồ chính trị phe nhóm. Ba tôi đã cho anh em tôi thấy được tấm gương của con người có cái dũng, luôn bảo vệ người yếu thế trước những xấu xa của thói đời.
Nhưng đối với các chiến hữu, bạn hữu và những người thân, ba tôi luôn thương mến họ. Ông luôn tỏ ra nhún nhường, ân cần và nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, không hơn thua hay tranh giành thiệt hơn với ai. Chính vì những đức tình này, nhiều người bạn và người thân gia đình thường nói với tôi: “Ba con rất hiền và được nhiều anh em thương mến nhưng ba con rất cương trực chống lại kẻ thù CS và tay sai CS.”
Qua những cử chỉ và lời nói, ba tôi đã dạy cho anh em cái tính hiền từ và hòa nhã với mọi người thân quen. Ba tôi đã khéo đem cái tình lính của ông lồng vào trong bài học của cái tình cha để dạy anh em tôi. Ông đã dạy cho anh em tôi lòng vị tha và thương yêu các chiến hữu của mình. Với cương vị trưởng trại qua các trại LLĐB của QLVNCH, ông đã trực tiếp chỉ huy các người lính dân sự chiến đấu (CIDG) mà đa số là người dân tộc thiểu số như người thượng, nhưng trong đó cũng có những người lính là những thanh niên ngang tàng quậy phá của MN. Họ đến với lính, ngoài tình yêu quê hương đất nước, họ còn có nhiều lý do khác nhau, mà trong đó là cái hùng cái dũng của binh chủng này, lập nhiều chiến công nơi miền chiến tuyến. Vì thế, ba tôi cho biết là không dễ chỉ huy những người lính này, những người lính gan lì, đã xem nhẹ sự sống còn cho sự tự do và dân chủ của MNVN. Ông đã dùng kỷ cương quân đội để chỉ huy bên cạnh sự quan tâm và chăm lo cho binh lính và gia đình của họ. Ông sẵn sàng bỏ qua hay làm lơ những lỗi lầm nhỏ của họ nếu lần đầu vi phạm. Ông tạo ra cảm giác thương yêu nhau và bảo vệ cho nhau từ các sĩ quan, hạ sĩ quan, cho tới binh sĩ các cấp trong trại. Và chính vì thế, những người lính sẽ sống còn với ông với đơn vị, để cùng nhau lập nên chiến công, chận đứng bước chân xâm lược của đoàn quân sinh Bắc tử Nam. Ông kể, có lần một sĩ quan LLĐB trong trại của ông vì quá nhớ nhà, đã trốn đơn vị về thăm vợ con. Ba tôi cho biết tội đào ngũ bỏ đơn vị nơi miền chiến tuyến là rất nặng. Nhưng ba tôi đã hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của người sĩ quan này. Thay vì đưa sự việc ra tòa án binh, ba tôi chỉ khiển trách và phạt nhẹ người sĩ quan đó để làm gương trước đơn vị.
Ba tôi cũng thường dạy anh em tôi phải sống rộng rãi và thương yêu với tha nhân. Ba tôi hay nói, “Ai cho ba ăn một lần, ba cho ăn lại mười lần”. Câu nói nghe mộc mạc nhưng hàm chứa một nhân cách sống của ông đó là cho nhiều hơn nhận. Theo lời ông kể, khi còn ở C1 LLĐB, có những năm tháng hành quân không ngày về phép. Có lần, người bạn đồng cấp của ông được về phép thăm mẹ bị bệnh. Người bạn ấy đã tâm sự với ông:
-Đường ơi, tao được phép về thăm mẹ tao, đang bị bệnh. Tao cần một số tiền, giúp cho mẹ tao. Mày có thể cho tao mượn không? Nghe lời tâm sự của bạn mình và hình dung ra niềm vui của người mẹ gặp lại con sau bao tháng ngày dài thương nhớ, ba tôi liền nói:
-Tao còn độc thân như mày, không vợ không con, tao cũng không xài được tiền lương ở vùng rừng núi hẻo lánh này. Thôi mày cầm 3 tháng lương của tao về giúp cho mẹ mày. Từ từ rồi trả lại tao. Nhưng chiến tranh ngày một khốc liệt ở khắp nơi, nên ông và người bạn đã đi qua nhiều chiến trường lớn và mãi không hề gặp lại cho tới sau ngày rã ngũ đi tù CS.
Với cương vị trưởng trại LLĐB, có những quyền lợi gì, ông đều chia sẻ với các chiến hữu và thượng cấp của mình. Mỗi khi đơn vị lập chiến công được khen thưởng với nhiều tặng phẩm, ba tôi luôn chia sẽ số tặng phẩm này với chiến hữu các cấp. Ông cho tôi biết đời lính, sống nay chết mai, anh em đều cực khổ như mình, nên chia sẻ được vui buồn với họ là việc ông nên làm.
Ông yêu đời lính của ông, yêu các chiến hữu của mình, yêu chính nghĩa của người lính VNCH, bảo quốc an dân. Ông đã tình nguyện đến với quân đội, sống còn và trưởng thành với quân đội. Tình yêu lính và yêu quê hương mãi theo ông trong suốt cuộc đời, nó đi vào trong tận tiềm thức của ông. Tôi thường nghe ông kể về những giấc mơ của ông. Trong mơ, ông nhìn thấy mình đang chỉ huy đơn vị chạm súng nặng với quân thù hay nhìn thấy cùng đơn vị hành quân trên vùng rừng núi ngoại biên, tiến quân trong làn sương mù giăng kín khắp nơi.
Có phải cái tình cảm của người lính VNCH và cái tình cảm của người tù CS đã đem ông và các bạn ông lại thật gần với nhau hơn? Khi còn ở VN, có rất nhiều bạn lính VNCH và bạn tù CS đã tìm đến thăm ông hay kết bạn với ông. Khi rảnh rỗi, ông thường nhóm họp với các bạn, qua tách cà phê hay ly trà bàn luận với nhau về chuyện thời sự đang diễn ra, nói cho nhau nghe về chuyện đời quân ngũ và chuyện tù CS, hay những chuyện sẽ được cho ra đi tỵ nạn CS tại Hoa Kỳ trong tương lai. Qua những người bạn cũ có và mới có của ba, tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết được rất nhiều cựu sĩ quan QLVNCH sinh sống tại vùng đất Gia Định qua các con đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị, và Nơ Trang Long. Trong số họ, có nhiều vị từng nắm giữ những chức vụ lớn của quân đội VNCH trước đây, như cấp bậc đại tá trong quân đoàn, trong phủ Tổng Thống và trong cục Quân Y.
Tôi đã thầm tự hào là tôi đã là người con của vùng đất Gia Định này, nơi đã có nhiều chí sĩ yêu nước như Tả Quân Lê Văn Duyệt và nhất là vô số các chú bác, những người lính VNCH. Tôi thường được ba tôi dẫn đi thăm những người bạn của ông và nhờ đó tôi nhìn thấy tình lính, tình bạn tù thương yêu giữa họ. Những người con của nước Việt, đã từng khoác chiến y chống lại đoàn quân xâm lược theo chủ thuyết CS vong bản, đã hy sinh xương máu nhiều trong cuộc chiến, đã chịu nhiều năm bị giam cầm trong lao tù CS và hiện đang xây dựng lại mái ấm gia đình nhỏ bé, vun đắp lại tình chồng, tình cha. Tôi yêu quý và kính mến những người bạn, những cựu tù CSVN của ba tôi.
Ba tôi rất vui khi tìm lại được các chiến hữu của ông trong thời chinh chiến và trong số này có cả những thượng cấp của ông như bác Nguyễn Thành Chuẩn, bác Lê Tất Biên, hay bác Nguyễn Công Triệu. Có những thuộc cấp đã tìm tới thăm ba tôi và họ rất quý ba tôi như tình cảm ba tôi dành cho thượng cấp của mình. Ôi tình lính của họ thật cao đẹp và sống mãi trong họ cho dù vật đổi sao dời. Có lần ba tôi được mời tới dự tiệc chung, chia tay tiễn đưa bác Đặng Ngọc Quỳ và những người bạn đồng khóa 17 Võ Bị Đà Lạt của bác Quỳ ra đi theo diện HO. Ba tôi rất vui kể lại cho tôi nghe là trong buổi tiệc, bác Quỳ đã đứng lên giới thiệu ba tôi với các người bạn, đại ý : – Tôi xin giới thiệu với các bạn, đây là Thiếu Tá Nguyễn Minh Đường, anh là xếp của tôi, khi tôi là phụ tá trưởng trại LLĐB cho anh và anh đã giúp tôi nhiều trong những bước đường binh nghiệp. Ba tôi rất vui gặp lại bạn cũ và nghe những lời giới thiệu chân tình đó.
Trong những năm dài sống đời tỵ nạn CS tha hương nơi đất khách, ba tôi vẫn luôn thao thức nghĩ về quê hương VN. Ở nơi đó, ông đã có biết bao nhiêu kỷ niệm và hoài bão của tuổi thơ, của đời lính và kiếp tù đày. Ở nơi đó, có vô số những mảnh đời đang sống lây lất trong cảnh bần cùng đói khổ như cô nhi, quả phụ, và thương phế binh VNCH. Khi các chiến hữu LLĐB tại tiểu bang Washington tìm lại với nhau, ông và họ cùng đóng góp, kẻ ít người nhiều, để có món quà nhỏ gởi về VN cho bà quả phụ Lê Văn Ngôn. Tên tuổi của chú Ngôn đã gắn liền với chiến sử của QLVNCH khi chú đã anh hùng tử thủ trại Biệt Động Quân biên phòng Tống Lê Chân và chú đã gục chết trong ngục tù CS. Ba tôi thường ưu tư về những người thương binh của Biệt Kích hay Dân Sự Chiến Đấu, những người thương binh không có số quân và sẽ mãi không nhận được sự giúp đỡ của các hội thương phế binh VNCH tại Hoa Kỳ. Ông đã cho chúng tôi thấy được tấm lòng của ông, luôn thương nghĩ về đồng đội của ông năm xưa.
Cho dù tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu và mang trong người nhiều căn bệnh mà trong số ấy là những căn bệnh hậu chứng của năm tháng tù đày bị lao động khổ sai, thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu thuốc men, ba tôi vẫn luôn có một tinh thần vững mạnh, hăng say dấn thân trong các sinh hoạt của CĐNVQG hay các hội đoàn quân đội tại tiểu bang WA. Ông có mặt hầu hết ở các sinh hoạt, nêu cao chính nghĩa Quốc Gia qua các lễ hội hay kỷ niệm của VNCH, biểu tình chống lại sự hiện diện của CSVN tại điạ phương, có mặt trong các buổi tháo bỏ cờ máu CS và thay bằng cờ VNCH tại các công sở trường học. Ba tôi đã cùng với các chú bác trong CĐNVQG và các hội đoàn quân đội, xây dựng và bảo vệ CĐNVQG trước bàn tay dài lem luốc của tay sai CS. Bên cạnh đó, ba tôi luôn lấy những hiểu biết và khả năng của mình giúp đỡ những người thân quen, như việc ông hướng dẫn cho các chú, bác và các cụ trong hội cao niên sử dụng computer, chơi bóng bàn, hay chở các vị cao niên tới các lễ hội và các kỷ niệm VNCH được tổ chức tại các thành phố xa xôi.
Có lần tôi tâm sự với ba về những hành động không đúng của người quen, ông liền khuyên tôi nên bỏ qua và đừng bận tâm vào những chuyện nhỏ nhặt ấy. Đúng vậy, ba tôi luôn xem nhẹ những cái việc nhỏ nhặt như những tranh chấp hay bất đồng trong các tổ chức đấu tranh. Đối với ông, cái việc chung cần làm là xây dựng và bảo vệ CĐNVQG và cùng các tổ chức đấu tranh cho một VN không CS.
Khi những căn bệnh hiểm nghèo ập tới, ba tôi không hề lo sợ và sẵn sàng bước lên bàn giải phẫu. Ông luôn an nhiên và chấp nhận số mệnh của mình. Là người con Phật, ông luôn tin vào luật nhân quả của đạo Phật cho kiếp người mà ông đã đi qua. Trong cuộc chiến VN, ba tôi đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, thì không lẽ những cơn bệnh cuối đời sẽ mang ông đi theo nghiêp số. Với ý chí cao, ông đã vượt qua nhiều ca giải phẫu liên tiếp. Qua nhiều đêm dài chăm sóc nuôi bệnh cho ông, tôi không hề nghe ông có một tiếng than thở, cho dù trong người có những nỗi đau đớn của cơn bệnh. Cái đau về thể xác ấy sẽ chẳng là gì so với cái đau về tinh thần của ông, khi ông nhìn thấy quê hương vẫn mãi chìm đắm trong đọa đày bởi sự cai trị của loài quỷ đỏ CSVN.
Dù nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn nghĩ về các sinh hoạt sắp tới của CĐNVQG và các sự kiện đang xảy ra tại quê nhà khi vô số tàu cá ngư dân VN bị CSVN làm ngơ cho tàu CS Trung Quốc đâm chìm. Ông ngủ thật nhiều, nhưng khi tỉnh giấc, ông lại tiếp tục kể cho tôi nghe về kỷ niệm của ông với các bạn thời niên thiếu, với các người thân trong gia đình và với các chiến hữu trong binh chủng LLĐB và BĐQ mà ông đã gặp lại sau này. Tôi không ngờ, đó là những lần sau cùng tôi được nghe kể về các chiến hữu của ông. Không biết đã có bao nhiêu cái tên của các chú bác, mà ba tôi đã từng kể cho tôi nghe, như các chú bác: Ngô Minh Hồng, Nguyễn Khoa Lộc, Trần Ngãi, Nguyễn Chiêu Minh, Nguyễn Thanh Bình, Chiêm Thanh Hoàng, Thọ Râu, Trần Văn Quyền, Trần Văn Luận, Hồ Tăng Dư, Thập Lở … v…v… và v…v… Các chiến hữu đã cùng ba tôi sát cánh bên nhau qua các chiến trường lửa khói và có nhiều vị ông mới gặp lại sau hơn 40 năm, vào những dịp ông đi tham dự Đại Hội Biệt Đông Quân hàng năm.
Những bom đạn của quân thù, những đòn tra tấn hành hạ của nhà tù CS, và những căn bệnh qua các lần giải phẫu đã không lấy được mạng ba tôi, nhưng vì kiệt sức ông đã bị té quỵ, kết thúc cuộc đời mình, một kiếp đời nhân sinh phù du trong cõi ta bà này. Ba tôi đã đến với đời, sống trọn vẹn cho những cuộc tình với gia đình, với quê hương, với chiến hữu và với bạn hữu của ông. Phải chăng tôi đã là người con được ba tôi thương yêu và gởi gấm nhiều lời dạy và tâm sự nhất? Vào giờ phút cuối của ba tôi, trong thế giới tâm linh tôi không sao giải thích được, ba tôi hay các thiên sứ đã đến báo cho tôi biết là ba tôi sẽ mãi ra đi. Đêm hôm đó, sau khi người em báo tin là ba bị té và hôn mê, tôi đã thức trắng cả đêm buồn lo và cầu nguyện. Bổng chợt, tôi nghe một luồng gió lướt nhẹ qua bên ngoài cửa sổ thật nhanh và cây đèn ngủ bằng điện trong phòng chợt tắt. Lạ thật! Cây đèn này được mở lên mỗi đêm và không hề bị tắt ngoài lần duy nhất đó. Và tôi có linh tính là điềm xấu đã đến với ba tôi.
Trong đám tang của ba, tôi đã nhìn thấy được tình cảm của mọi người quen biết đến tiễn đưa ông lần cuối. Có những chú bác đến từ xa như bác Giang Văn Xẻn đến từ Texas và chú Lê Hữu Phúc đến từ Virginia. Rất nhiều các cô chú bác trong các CĐNVQG, các đảng phái VNCH, các hội đoàn quân đội và cảnh sát VNCH, và các chiếu hữu và thân hữu của ba tôi đã gọi phone, gởi vòng hoa, đăng báo hay đến nhà quàng phân ưu và chào tiễn biệt ba tôi lần cuối. Thật cảm động, khi anh em tôi nhìn và nghe được những lời phân ưu với những dòng nước mắt và lời nói nghẹn ngào. Những giọt nước mắt mãi rơi từ người thân trong gia đình và từ nhiều chiến hữu, thân hữu và bạn hữu của ông. Mọi người đã thương nhớ nuối tiếc cho sự ra đi của người chồng, người cha, người chiến sĩ chống cộng và người bạn. Một câu đối đã được các chú bác trong Hội Lực Lượng Đặc Biệt Tiểu Bang Washington làm và dựng lên cạnh quan tài của ông.
“Trời A Lưới Dọc Ngang Diệt Loài Quỷ Đỏ
Đất Seattle Thầm Lặng Níu Bước Chân Anh”

Sự ra đi đột ngột của ba tôi đã để lại cho mẹ và anh em tôi một nỗi niềm thương nhớ và hụt hẫng vô tận. Cho dù anh em tôi đã lập gia đình và cho ba mẹ những đứa cháu nội ngoại kháu khỉnh, chúng tôi luôn cảm thấy nhỏ bé và dại khờ, khi không còn được nghe những lời khuyên bảo của ba tôi. Chúng tôi đã không còn cơ hội để đón nhận thêm những tình cảm nào của ba. Nhưng, những tình cảm và những lời dạy của ông sẽ mãi theo chúng tôi trong suốt cuộc đời này. Ông đã dạy cho anh em tôi nhiều điều từ nhân cách sống, lòng thương yêu dân tộc, gia đình và người thân.
Ba ơi, con rất vui khi đã là con của ba, con rất tự hào về những hy sinh xương máu của ba trong cuộc chiến bảo vệ nền tự do và dân chủ cho MNVN, và hơn hết con rất hãnh diện có ba là người lính VNCH, đã từng sống và chiến đấu cho lý tưởng Quốc Gia và Dân Tộc tới hơi thở cuối cùng. Đúng như ai đã nói, “Vinh quang thay cho những ai được sống và chiến đấu bảo vệ nền tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc mình”.
Con không có cái vinh quang ấy, nhưng con xin hứa sẽ tiếp bước thế hệ cha anh, người lính VNCH, trên con đường đấu tranh cho một VN không CS, bằng ngòi bút hay bằng phương tiện truyền thông. Lần nữa, con xin cảm ơn ba và chúc ba được mọi sự an vui trong cõi vĩnh hằng.
Một ngày lễ Cha nữa đã đi qua. Tôi xin chúc mừng cho ai vẫn còn diễm phúc có cha bên cạnh. Bạn đang có cả một vùng trời hạnh phúc và bạn hãy nên trân quý nó. Bạn hãy thường xuyên thăm hỏi và phụng dưỡng cha mình. Hãy làm vậy bạn nhé! 
 Hùng Biên

Atlanta, 06/21/2015

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.