Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 16 February 2021

Tân Sửu kể chuyện làm trâu

Tân Sửu Kể Chuyện Làm Trâu của TPK


Kính thưa qúy NT, anh chị em đồng môn cùng thân hữu. Hôm nay là ngày mồng bốn tết Tân Sửu, hương vị những ngày đầu năm vẫn còn phảng phất quanh gia đình và người t̀hân. Riêng tôi, khi tết Tân Sửu về lại nhắc tôi về một thời bị làm trâu đi cày trong trại tù cải tạo Nam Hà

Ngày 19 tháng 6 năm 1976 tôi được chuyển từ trại tù An Dưỡng, Biên Hòa ra Bắc dưới hầm tàu địa ngục mang tên Hương Giang. Vừa đặt chân dưới hầm tàu tôi gặp Phạm Bá Lộc và Lê Việt Hằng, mừng lắm. Sống cả năm trời trong cùng một trại nhưng không hề gặp nhau vì khác khu trại giam. Suốt hai ngày hai đêm dưới hầm tàu tăm tối ngộp thở vì thiếu không khí và mùi xú uế của nước tiểu vá phân người. Từ cảng Hải Phòng người ta chuyển chúng tôi lên Yên Bái bằng một đoàn tàu lửa cổ lổ sĩ. Xuống tàu ba anh em chúng tôi bám nhau mà sắp hàng nên cùng được đưa vào trại 4 liên trại 1 ở xã Việt Hồng, Huyện Yên Bình tỉnh Hoàng Liên Sơn. Vùng đất nầy là nơi lưu đày những người dân Quỳnh Lưu chống nhà cầm quyền miền Bắc năm 1956. Sau đó chúng tôi bị chuyển qua trại 3 liên trạị 4 ở xã Cẩm Nhân bên bờ hồ Thác Bà. Sau mấy năm nếm mùi muỗi rừng và con vắc của miền thượng du Bắc Việt, ba anh em chúng tôi thuộc nhóm đầu tiên chuyển về trại Nam Hà và cùng ở chung trong đội 27 ở buồng số 15. chung với đội 28.

Về Nam Hà chúng tôi thóat khỏi nạn vắc cắn nhưng xuống đồng thì bị đỉa đeo. Cánh đồng cạnh trại tù Nam Hà A là vùng đất trũng có lẽ từ thuở tạo thiên lập địa không ai khai thác nên cỏ mục chồng chất lên nhau thành một lớp đất xập xình, vì thế mà người dân địa phương gọi là “Đầm Đùn“. Công An trại bắt tù đào đất đắp bờ phân ô làm đồng ruộng. Đến mùa cấy lúa, toàn trại đổ xô xuống đồng, đội thi bì bõm cuốc ruộng, đội thì dọn cỏ be bờ rồi cấy lúa. Vụ mùa thu đông năm 1978, đội của tôi đang cuốc ruộng thì tên trung úy Lự đặc trách nông nghiệp đến đứng trên bờ, hắn đếm từng đầu người rồi gọi đội trưởng lên bảo “đội của anh đủ nhân số để thành lập đội cày bừa cho trại”.
Đội của tôi trở thành đội làm trâu đầu tiên cuả trại tù Nam Hà. Chúng tôi lạ lẫm với chiếc bừa lần đầu tiên được thấy. Một hàng răng bừa bằng sắt dài chừng 50 cm, ba sợi dây thừng gấp đôi cột vào thân bừa. Ba người quàng dây thừng qua vai làm trâu đi trước, một người đi đằng sau cầm cáng bừa. Ăn đói nên ai cũng trơ xương vai, bị dây thừng cọ xát làm trầy da rướm máu, tốì về đau nhức ngủ không được. Đó là chưa nói đến cái răng bừa bị vướng vào một rễ cây còn sót dưới ruộng, ba người kéo cày như bị giật ngược trở lại khiến kêu trời oai oái đau.
Đó là hồi ức khó quên về thân phận làm trâu của tôi trong trại tù cải tạo

Dưới đây là bài thơ tôi viết sau khi Phạm Bá Lộc gọi chúc tết và nhắc tôi về quãng đời đen tối có liên quan đến con trâu với năm Tân Sửu nầy.
Xin mời qúy NT và thân hữu đọc giải trí.

144276-DD-TrauNguoi.400 

(Hình minh họa

KỂ CHUYỆN TRÂU

Mùa xuân vừa ló dạng
Chàng Sửu bước vào nhà
Hiền lành mà dũng lực
Đuổi con Tý đi xa

Năm trâu nhớ chuyện cũ
Trong ngục tối lao tù
Đời khổ sai biệt xứ
Đường về xa mịt mù

Bao thân người xơ xác
Dưới cơn nắng chang chang
Cuốc đất làm ruộng rẫy
Mồ hôi chảy từng hàng

Đến mùa đông lạnh giá
Nước sâu ngập tới mông
Áo quần không đủ ấm
Run rẩy dưới ruộng đồng

Đọa đày vầy chưa đủ
Thêm màn kịch trả thù
Bắt làm trâu cày ruộng
Tủi hận tới thiên thu

Sắn khoai chưa đầy chén
Gầy rạc trơ xương vai
Dây thừng,còng lưng kéo
Cứa da máu chảy dài

Lòng người sao tàn độc
Xỉ nhục kẻ sa cơ
Biến người thành súc vật
Thế giới chẳng ai ngờ

Tống Phước Kiên
Xuân Tân Sửu 2021

 

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.