Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Thursday 21 June 2018
Nghèo hay giàu cũng đều khóc cả!
Thursday, June 21, 2018
No comments
Cả thế giới đã hồi hợp theo dõi cuộc họp thượng đỉnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Có người gọi đây là cuộc đối đầu giữa Chí Phèo và Bá Kiến. Nhưng cái chết của 2 nhân vật nổi tiếng của Mỹ là nhà nữ thiết kế thời trang Kate Spade và nhà đầu bếp Anthony Bourdain lại gợi lên cho tôi một hình ảnh khác: đó là cuộc gặp gỡ giữa một nước cùng đinh và đệ nhứt siêu cường thế giới. Nói cho cùng, đó là sự giáp mặt giữa người nghèo và người giàu. Và trong kiếp người thì giàu nghèo gì cũng đều chia sẻ chung một thân phận: khóc cười cũng giống nhau và chết cũng giống nhau!
Cuộc quyên sinh của nhà thiết kế thời trang Spade và nhà đầu bếp Bourdain đưa tôi đi vào một trong những bức tranh buồn thảm nhứt của thế giới hiện nay là cảnh con người tự kết liễu cuộc sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (Who), cứ mỗi 45 giây thì ở một nơi nào đó trên thế giới có một người tự tử. Nhưng trong 25 nước được xem là có tỷ lệ tự tử cao nhứt thế giới, đứng đầu danh sách dĩ nhiên là những nước nghèo. Nghèo khổ thường đẩy con người vào chỗ tuyệt vọng và dẫn đến tự tử.
Vào giữa lúc Chủ tịch Kim Jong-un đang được cả thế giới quàng lên đầu hào quang của một lãnh tụ làm nên lịch sử thế giới khi ông ngồi đồng bàn với Tổng thống Trump và ngay cả nhởn nhơ dạo phố và chụp hình “tự sướng” trên các đường phố ở Tân Gia Ba thì trong vương quốc “kín cổng cao tường” của ông, tuyệt đại đa số dân chúng đang quằn quại trong nghèo đói và khốn khổ trăm bề. Không lạ gì thiên đàng xã hội chủ nghĩa này đứng thứ nhì trong danh sách 25 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhứt thế giới. Nhân quyền bị chà đạp, sự đàn áp dã man của chế độ, tình trạng nghèo đói cùng cực và căng thẳng thần kinh là những nguyên nhân khiến cho mỗi năm có đến hơn 10.000 người dân Bắc Hàn tìm đến cái chết như lối thoát duy nhứt. Có những trường hợp nguyên cả gia đình phải quyên sinh để tránh bị chế độ tàn ác của Kim Jong-un trù dập .
Nếu như nghèo đói, áp bức, khốn khổ…là những nguyên nhân đưa Bắc Hàn lên hàng thứ hai trong danh sách 25 nước có tỷ lệ tự tử cao nhứt trên thế giới, thì tại đệ nhứt siêu cường Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi có thừa mứa của cải vật chất và chẳng hề có bất cứ một sự đàn áp nào, ngày càng lại có nhiều người tự đi tìm cái chết. Cái chết của nhà thiết kế thời trang Spade và nhà đầu bếp Bourdain khiến cho nhiều người Mỹ phải giựt mình tự hỏi không hiểu sao trong vòng 17 năm qua, tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ đã tăng vọt thêm 30 phần trăm. Theo các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ gọi tắt là CDC (Centers for Decease Control and Prevent), trung bình cứ trong 100.000 người Mỹ sẽ có 16 người đi tìm cái chết. Chỉ trong năm 2016, đã có gần 45.000 người Mỹ tự tử, bất luận phái tính, tuổi tác, giàu nghèo, địa vị xã hội hay chủng tộc. Tự tử không kỳ thị ai hết!
Nghèo thì ở đâu cũng có. Giàu như Hoa Kỳ nhưng cũng đầy dẫy người nghèo. Có khi khoảng cách giàu nghèo tại nước này còn rộng lớn hơn tại nhiều nước khác. Cho nên số người nghèo ở Mỹ tự tử chết không phải là ít. Nhưng điều khiến cho các chuyên gia y tế, tâm lý và xã hội học tại siêu cường này quan tâm nhiều hơn vẫn là tỷ lệ tự tử nơi người giàu có và nổi tiếng ngày càng tăng.
Cái chết của đầu bếp Bourdain là một trường hợp điển hình. Với những chương trình du lịch ẩm thực của ông, ông nổi tiếng và được yêu mến trên khắp thế giới hơn bất cứ danh nhân tài tử hay chính trị gia nào. Không những người Việt Nam trong nước mà có lẽ cả thế giới khó quên được cảnh ông ngồi đồng bàn với Tổng thống Barack Obama, vừa thưởng thức tô bún chả vừa uống bia trong quán Hương Liên ở Hà Nội hồi năm 2016. Theo các nhà bình luận, qua các chương trình du lịch ẩm thực, ông đã mang vào từng gia đình trên khắp thế giới không những văn hóa ẩm thực mà còn cả cuộc sống, nhứt là cuộc sống lầm than khốn khổ, khốn khổ vì nghèo đói, khốn khổ vì bị áp bức của không biết bao nhiêu người trên thế giới. Với nụ cười thân thiện và nhân ái luôn nở trên môi của ông, không ai nghĩ rằng trong nội tâm sâu thẳm của nhà đầu bếp nổi tiếng này lại là cả một bầu trời u ám được bao phủ bởi những đám mây đen của trầm cảm. Trong một chương trình truyền hình hồi năm 2016, chính ông đã thú nhận rằng ông phải chiến đấu chống lại trầm cảm và nỗi cô đơn.
Trầm cảm, cô đơn…có thể là nguyên nhân dẫn đến tự tử nơi người Mỹ nói chung. Thật ra tự tử là một hành động phức tạp và đa diện. Các chuyên gia liệt kê một số yếu tố có thể đẩy đưa con người tìm đến cái chết: 42 phần trăm những vụ tự tử liên quan đến những vấn đề về quan hệ tình ái, 29 phần trăm vì gặp khủng hoảng hay căng thẳng trong cuộc sống, 28 phần trăm vì sử dụng các chất kích thích, 22 phần trăm vì bệnh thể lý hay tâm thần, 16 phần trăm vì công ăn việc làm hay vì tài chính, 4 phần trăm vì mất nhà cửa.
(x.https://www. psychologytoday.com/au/blog/ view-the-mist/201806/suicide- about-the-numbers).
Cũng theo theo các chuyên gia, tự tử cũng chẳng khác nào một căn bệnh lây lan. Một cuộc nghiên cứu được cho công bố trên báo PLOS One mới đây cho thấy cái chết của tài tử Robin Williams, danh hài nổi tiếng mang lại tiếng cười cho cả thế giới, hồi năm 2014 đã khiến cho tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ tăng thêm 10 phần trăm.
Theo các chuyên gia, mẫu số chung của các cuộc tự tử trong những xã hội dư dật thường là sự trầm cảm. Ông bà ta thường nói: “càng cao danh vọng càng dầy gian nan”. Con người cố gắng leo lên đỉnh danh vọng. Nhưng từ đỉnh cao nhìn xuống, con người lại dễ thấy mình đứng chơ vơ một mình và cô đơn. Tiền bạc, danh vọng, sự nổi tiếng…thường không phải là khiên thuẫn chống đỡ cho con người trước nỗi cô đơn. Những người nổi tiếng, dù họ có giàu có hay được mộ mến đến đâu, cũng đều chia sẻ chung một thân phận con người như tôi. Hoàn cảnh bên ngoài của họ có thể ngoại hạng và khác thường, nhưng kinh nghiệm nội tâm của họ cũng giống như mọi người: họ cũng phải chiến đấu như mọi người! Họ cũng có những cảm xúc giống như tôi. Và dù cho họ có tiền rừng bạc bể và thành công cỡ nào, họ cũng không thể trốn chạy khỏi những thực tại của cuộc sống mà một người có trí não như tôi cũng phải đương đầu. Nhưng dù có chia sẻ chung một kiếp người, mỗi người vẫn là một thế giới riêng với những mảng tối riêng mà không một thứ ánh sáng nào có thể chiếu rọi vào được. Dù có những yếu tố chung đẩy con người đến chỗ cô đơn, tuyệt vọng và tự tử, mỗi một người vẫn có một lý lẽ riêng để tự kết liễu cuộc sống của mình.
George Eastman, cha đẻ của chiếc máy ảnh Kodak nổi tiếng một thời và là một nhà từ thiện hào sảng, đã kết liễu cuộc sống một cách khó hiểu ngày 14 tháng Ba năm 1932, hưởng thọ 77 tuổi, sau nhiều năm đau đớn vì bệnh đau lưng. Trong ngày cuối cùng, người độc thân già nua này đã ký những văn kiện cuối cùng để để lại tài sản cho nhiều người. Khi những người này vừa bước xuống khỏi thang lầu của ngôi nhà nguy nga đồ sộ của ông, các luật sư của ông đã nghe một tiếng nổ vang trời. Eastman đã dùng súng bắn vào trái tim của ông.
Đây là một hành động tự vẫn cương quyết và có tính toán. Trên bàn làm việc của ông, người ta đọc được vỏn vẹn mấy chữ: “Gởi các bạn của tôi. Công việc của tôi đã hoàn tất…Tại sao phải chờ đợi?” Ông đã không chờ đợi ai trả lời. Có thể có nhiều lý do để chờ đợi, ngay cả khi chúng ta thấy mình đã làm xong công việc và ngay cả khi chúng ta đau đớn yếu nhược. Về phần cha đẻ của máy hình Kodak chẳng hạn, có thể ông đã “ngộ” ra một điều gì đó mà ông cảm thấy lớn lao hơn những phát minh mà ông đã có. Chẳng ai biết được.
Mỗi một cuộc tự tử là một hành trình bí ẩn. Hầu hết những người tìm đến cái chết đều là những bệnh nhân. Không đau đớn trong thể xác thì cũng quằn quại trong tâm hồn. Nhưng cũng không thiếu những người, nhìn từ bên ngoài, lại là những người khỏe mạnh cả thể xác lẫn tinh thần và có cuộc sống xem ra hạnh phúc hơn ai hết. Không ai biết được tại sao và lúc nào họ sẽ tự kết liễu cuộc sống.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, có lẽ tôi cũng có quyền nói rằng mình cũng đã trải qua nhiều thử thách và khổ đau trong cuộc sống.Thật ra đã là một người Việt Nam sống trong chế độ độc tài cộng sản, bị đày đọa trong chốn ngục tù và đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do trong cuộc vượt biên cũng đủ để vỗ ngực nói rằng mình đã trải nghiệm đủ mọi thứ yếu tố có thể dẫn đến tự tử. Có lẽ một số rất ít người Việt Nam đã tìm đến tự tử như một lối thoát. Nhưng với cá nhân tôi, cho tới giờ phút này, có lẽ vì chưa nếm đủ mùi khổ lụy chăng, ý nghĩ tự tử chưa một lần thoáng hiện lên trong đầu óc tôi. Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ hiểu thấu được tại sao người khác tự tử. Chính vì vậy mà khi đứng trước một vụ tự tử, tôi chỉ biết tự nhủ rằng chỉ có một thái độ đúng đắn nhứt là cảm thông.
Cảm thông trước cái chết vì tự tử cũng là cả một cuộc hành trình lâu dài của tôi. Tôi vẫn nhớ mãi lúc nhỏ trong xóm đạo của tôi thỉnh thoảng cũng xảy ra một vụ tự tử. Thời đó và mãi cho tới thời gian gần đây, luật của Giáo hội Công giáo vẫn còn xem tự tử là một “tội trọng”; tự tử là tiếm quyền làm chủ sự sống của Đấng Tạo Hóa và là một hành động xúc phạm đến Ngài; người chết vì tự tử không được mang vào nhà thờ để “hưởng” những nghi thức cuối cùng và nhứt là không được chôn cất trong nghĩa trang vốn được gọi là “đất thánh”. Tôi đã biết buồn khi nhìn đám tang của một người đồng đạo mà cánh cửa thiên đàng dường như đã được khép kín để chận lại. Đám tang nào cũng buồn. Nhưng có lẽ đám tang của một người bị loại ra khỏi cộng đồng chỉ vì tự tử lại càng buồn thảm hơn.
Ngày nay khi tự tử ngày càng trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong tại rất nhiều nước trên thế giới, nhứt là những nước thịnh vượng giàu có, tôi thấy cần phải nuôi dưỡng lòng cảm thông. Đứng trước cái chết của một người tự tử, tôi thấy mình cần có sự kính trọng và lòng cảm thông hơn bao giờ hết. Với tôi đây chính là ý nghĩa của thành ngữ “nghĩa tử nghĩa tận”. Xét cho cùng, đâu chỉ có cái chết vì tự tử mới khó hiểu và đòi hỏi lòng cảm thông. Cõi lòng của bất cứ một con người nào cũng đều là một vũ trụ bí ẩn cần được tôn trọng và cảm thông.
Chu Thập
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment