Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Thursday 9 November 2017

Đằng sau người và việc trong bộ phim The Vietnam War

Đằng sau người và việc trong bộ phim 
The Vietnam War (phần 1)



https://i0.wp.com/quanvan.net/wp-content/uploads/2017/10/1-10.jpg?resize=678%2C381


Như một trùng hợp ngẫu nhiên, Mỹ đã trực tiếp tham chiến tại Việt Nam sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, và bộ phim Chiến Tranh Việt Nam đã được công chiếu vào mùa Thu 2017, dịp nhớ lại hơn nửa thế kỷ nhà lãnh đạo quốc gia đã bị sát hại trong biến cố được Mỹ hậu thuẫn này.

Bộ phim 10 tập dài 18 giờ của Ken Burns và Lynn Novick, chiếu trên PBS của Mỹ và tại cả nhiều nước trên thế giới vào cuối tháng 9, đầu tháng Mười, 2017, đã gây nhiều tranh cãi sôi nổi, khen chê lẫn lộn. Nói chung, bộ phim mới nhất về chiến tranh VN này, khá hơn những bộ phim cùng chủ để từ trước tới nay; nhờ làm sau, có nhiều tài liệu hơn, và kỹ thuật tân tiến hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có những thiếu sót, những điểm đáng tranh cãi. Vì phim đã được chiếu rộng rãi, và người chưa xem có thể tìm xem dễ dàng, nên ở đây, xin miễn kể lại nội dung tổng thể, mà chỉ đề cập tới những điểm đáng nói, “đằng sau” một số người và việc xuất hiện trong phim.



Hình ảnh và sự thật

Đúng với châm ngôn rất hay của bộ phim: “There is no single truth in war” (Không chỉ có một sự thật trong chiến tranh), nhiều người đã chê nó thiếu sót, thiên vị, như nói nhiều về Mỹ và phía cộng sản, mà rất ít về VNCH, hay trình bầy người chiến binh cộng sản can trường hơn người lính quốc gia…

Những nhận xét trên không sai. Nhưng nếu chỉ lên án mà không tìm hiểu nguyên do, sẽ chỉ gây thêm mâu thuẫn, đào sâu thêm hố chia rẽ, và tăng ô nhiễm môi trường thảo luận.

Chiến Tranh Việt Nam là bộ phim tài liệu. Lời dẫn và hình ảnh loại phim này thường phải dựa vào sự thật lịch sử, không hư cấu. Chỉ có hai trong ba phía tham chiến còn tồn tại, có thể tiếp cận tham khảo, sao chép và trích thuật tài liệu lưu trữ. Nếu hai phía hiện hữu này được trình bầy nhiều hơn phía không còn tồn tại, là điều có thể hiểu được. Phía vắng mặt bao giờ cũng thiệt thòi.

Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh được trình bầy, và những phát ngôn của người chứng, cũng có vấn đề cần xét tới.

Thí dụ tiêu biểu là cảnh Tướng Loan bắn chết Bảy Lốp trên đường phố, quá dã man, không thể chấp nhận, không được diễn ra, dù thời bình hay thời chiến. Nhưng sự thật đằng sau cảnh này, hầu như mọi người đã biết, Bảy Lốp còn dã man hơn ông Loan nhiều; anh ta đã giết cả một gia đình, trong khi ông Loan chỉ giết một người. Nói vậy không phải để bênh vực hành vi giết người không cần xét xử của ông Loan, mà chỉ muốn góp ý, nếu lời dẫn cũng đề cập tới sự thật này, có lẽ người xem phim cảm thấy thăng bằng hơn trong tình cảm của mình; vẫn nhìn thấy điều ác trong chiến tranh, từ cả hai phía, không phải chỉ riêng bên nào.

Ngoài ra, còn phải nói tới hình ảnh thật, và hình ảnh diễn lại. Người viết không có chứng cớ nào về phía Mỹ cho diễn lại các sự kiện lịch sử để chụp hình, quay phim lưu trữ như tài liệu lịch sử chính thức. Trong khi ấy, phía nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội, chuyện này hầu như là bình thường. Thí dự điển hình là bức ảnh xe tăng Việt Cộng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 04, 1975, không phải hình chụp cảnh thật đã diễn ra như thế, mà chỉ là hình chụp cảnh diễn lại vào hôm sau, để chụp hình. Chính truyền thông quốc doanh của Hà Nội đã xác nhận như vậy.

Hình ảnh các trận đánh quan trọng, như trận Điện Biên Phủ, cũng được chế độ Hà Nội cho diễn lại như thế. Trong cuốn hồi ký In The Midst of Wars (ITMOW), Tướng Edward Lansdale đã cho biết, ông được nghe các quân nhân Pháp bị bắt làm tù binh, sau khi được Việt Minh thả, kể lại rằng: “Việt Minh đã chọn các tù nhân Pháp trở lại trận địa để diễn lại trận đánh trước máy quay phim hầu làm cuốn phim chính thức về trận đánh. Khi các diễn viên đến, trận địa đã bị ngập nước! Vào thời gian trận đánh, Tướng Giáp của Cộng Sản đã ra lệnh thay đổi dòng chảy của mấy con suối chung quanh những ngọn núi, để làm lụt vùng đất thấp. Khi trời mưa, những công sự phòng thủ của Pháp như đặt dưới đáy một bồn tắm với vòi nước chảy tối đa. Hàng ngàn sinh mạng đã có thể không bị hy sinh nếu Việt Minh chỉ đợi trời mưa. Rõ ràng nhu cầu chính trị về một chiến thắng mau lẹ đã khiến Việt Minh bỏ qua việc đợi một chiến thắng qua thuỷ lực” (ITMOW, tr. 151).

Hình ảnh diễn lại tất nhiên phải có lợi cho bên liên hệ. Vì thế, những hình ành do các đạo diễn người Việt giúp lấy trong kho dự trữ của chế độ Cộng Sản Việt Nam để trình bầy trong bộ phim, chỗ nào là hình ảnh diễn lại, đương nhiên phải là hình ảnh đẹp cho quân đội của chế độ Hà Nội. Có lẽ vì thế, những trận đánh không có cơ hội diễn lại, vì quân cộng sản bị đánh bật ra, như trận Huế, Quảng Trị, An Lộc… Ít hình ảnh đẹp cho Hà Nội hơn.



clip_image004

David Halberstam (trái), Malcolm Browne, and Neil Sheehan—1963
Bộ ba nhà báo Mỹ nổi tiếng nhờ đánh… VNCH!



Dối trá sáng ngời

Trong phần giới thiệu bộ phim, Ken Burns đã nói rõ: Phim không trình bầy giải pháp, mà chỉ là những gì đã xảy ra.

Bộ phim đã làm đúng như vậy. Đó là cố gắng của các nhà làm phim. Nhưng sự thật đã không đúng như vậy, qua những chỗ chỉ là phim diễn lại, hoặc lời kể không đúng sự thật của nhân chứng. Chính vì thế, nó đã có những điểm đáng chê trách.

Thay vì tăng thêm giá trị bộ phim, nhân chứng như nhà báo Neil Sheehan, chỉ bôi bẩn công trình mười năm của các nhà sản xuất. Sheehan sang Việt Nam khi mới 25 tuổi, chuyên săn tin giật gân để được nổi tiếng. Và ông đã nổi tiếng thật nhờ tác phẩm A Bright Shining Lie (Một Dối Trá Sáng Ngời). Trong tác phẩm đoạt giải Pulitzer này, Sheehan đã ca tụng một cố vấn quân sự Mỹ tại Việt Nam, Trung Tá John Paul Vann, như anh hùng, và dựa vào những tiết lộ và quan điểm của Paul Vann, ông đã không tiếc lời nói những điều không đẹp về chính quyền và quân đội VNCH. Sheehan viết: “Vann dậy chúng tôi hầu hết, và thật sự người ta có thể nói rằng không có ông, tường thuật của chúng tôi đã không như thế… Ông đã biến đổi chúng tôi thành một băng phóng viên đưa ra cái nhìn của John Vann về chiến tranh”.

Trong chiến tranh Việt Nam, có thể nói Paul Vann và Neil Sheehan là đồng minh của nhau, giúp nhau nổi tiếng bằng cái giá VNCH phải trả. Paul Vann và Sheehan muốn đóng vai cặp bài trùng, một bên cho tin đặc biệt, bên kia viết báo đề cao mình, cả hai cùng nổi tiếng, như cặp bài trùng T. E. Lawrence (Lawrence of Arabia) và nhà báo Lowell Thomas, hồi Thế Chiến Một ở Trung Đông.

Trong những tin chiến sự quan trọng, như trận Ấp Bắc, Sheehan không căn cứ vào nguồn chính thức, mà viết theo tiết lộ và quan điểm của Paul Vann, bỏ qua khuyết điểm của ông ta, và nêu ra những chi tiết có hại cho phía VN. Ví dụ, trong khi diễn ra trận đánh, Paul Vann ngồi máy bay quan sát trên không, chỉ địa điểm đổ quân ngay tại nơi quân VC phục kích, Sheehan không nói tới khuyết điểm của Paul Vann, chỉ nói tới việc Paul Vann ra lệnh cho Đại Uý Lý Tòng Bá đem đoàn thiết vận xa tới cứu một đơn vị đang bị cầm chân, và ông Bá từ chối. Điều này khiến dư luận có cảm tưởng quân VNCH lười biếng hay hèn nhát. Sự thật là cố vấn Mỹ không có quyền ra lệnh cho sĩ quan chỉ huy VN. Ông Bá phải đợi lệnh từ cấp chỉ huy trực tiếp của mình.

Xuất hiện trong bộ phim, Sheehan nói phía Việt Mỹ đã võ trang cho quân Việt Cộng. Ông nói khoảng 1962, một đơn vị cỡ đại đội của VC chỉ có một súng máy, sau này họ có nhiều, nhờ cướp được súng Mỹ. Điều này khiến dư luận có cảm tưởng, phía VN chẳng những đánh dở, còn để lọt vào tay kẻ thù võ khí do Mỹ cung cấp. Theo tài liệu chính thức, Tướng Westmoreland yêu cầu trang bị cho binh sĩ VN súng M16 từ năm 1965. Mãi đến sau Tết Mậu Thân, khoảng giữa năm 1968, yêu cầu này mới được thực hiện. Trong khi ấy, VC đã được phía Cộng Sản cung cấp súng AK 47 từ trước, loại võ khí tốt hơn M16.

Vào cuối bộ phim, cả lời dẫn và ông Neil Sheehan đều cho rằng ông ta là vai chính trong việc đưa Tài Liệu Mật Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers) lên báo New York Times. Sự thật, công đầu trong chuyện này là Daniel Ellsberg. Trong cuốn hồi ký SECRETS: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers (BÍ MẬT: Một hồi ký về Việt Nam và Tài Liệu Mật Ngũ Giác Đài), Ellsberg đã nói rõ. Chính Ellsberg làm copy bảy ngàn trang tài liệu mật tại Rand Corporation thành ba bản, đem về cất giấu tại những nơi khác nhau, rồi liên lạc với các Nghị Sĩ và Dân Biểu, để phổ biến tại Quốc Hội hầu tránh bị trở ngại, trong số có các Nghị Sĩ Fulbright và McGovern. Ông này lúc đầu nhận lời phổ biến, sau đổi ý, khiến Ellsberg nghĩ đến đưa cho Sheehan, người từng quen biết hồi ở Việt Nam, để phổ biến trên New York Times. Ellsberg cho Sheehan đọc và ghi chép, với điều kiện không được mang tài liệu ra khỏi nơi cất giữ ờ Cambridge, ngoại ô Boston. Lợi dụng lúc Ellsberg đi vắng, Sheehan cùng vợ lén đem tài liệu đi copy, rồi âm thầm đưa cho New York Times, không hề cho Ellsberg biết. New York Times thuê nhiều suites tại New York Hilton, bí mật xếp đặt, chuẩn bị. Ngày tài liệu mật đăng trên New York Times, 13 tháng 6, 1971, Ellsberg mới biết mình bị ông “bạn quý” Neil Sheehan lừa. Dã man ở chỗ là vào ngày này, toà báo New York Times canh gác vô cùng cẩn mật, đề phòng FBI tới can thiệp, mà không hề báo cho “thủ phạm” là Ellsberg biết để thủ thân. Ellsberg gọi hai ba lần, vẫn không được Sheehan trả lời.

Văn là người. Tên sách cũng là người. Với Neil Sheehan, tất cả chỉ là “dối trá sáng ngời”! Rất tiếc, Shining Sheehan đã làm lu mờ một phần giá trị cùa bộ phim.

Gọi tên cuộc chiến

Không ai đòi hỏi người làm phim phải trình bầy giải pháp (answer) cho cuộc chiến, nhưng khi trình bầy về diễn tiến của một cuộc chiến quan trọng, diễn ra trong nhiều năm, thiệt hại hàng triệu sinh mạng, ít ra cũng cần giúp khán thính giả hiểu rõ lý do trung thực đưa tới cuộc chiến. Nhất là lý do chính tại sao Mỹ mang quân tới đánh nhau ở Việt Nam.

Trước hết, vấn đề “chính danh”. Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War) mà Ken Burns và Lynn Novick mô tả, là cuộc chiến được gọi tên khác nhau tuỳ từng phía: Mỹ gọi là Vietnam War, người Việt Quốc gia gọi là cuộc chiến Chống Cộng Sản, người Việt Cộng Sản gọi là Chiến Tranh Chống Mỹ. Thởi gian tham gia cuộc chiến cũng khác nhau tuỳ từng phía. Quân chiến đấu Mỹ chính thức tham chiến (trên bộ) từ 1965 đến 1973, kéo dài 8 năm. Với người Việt, cuộc chiến kéo dài 30 năm, từ 1945 đến 1975.

Tháng Ba năm 1945, Nhật cướp chính quyền từ tay Pháp. Ngày 15 tháng Tám 1945, Nhật chịu đầu hàng Đồng Minh. Lợi dụng tình trạng vô chính phủ, Việt Minh, lãnh đạo bởi các thành phẩn Cộng Sản chủ chốt, dựa vào phong trào quần chúng yêu nước, cướp lấy chính quyền, lập Chính phủ Lâm thời, ra Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 09, năm 1945, tại Hà Nội, đúng ngày Nhật chính thức ký văn kiện đầu hàng trên tầu U.S.S. Missouri, đậu tại Vịnh Tokyo. Cùng ngày này, cuộc đánh nhau giữa người Việt và người Pháp nổ ra tại Sàigòn, bắt đầu chiến tranh Nam Bộ. Một năm sau, cuộc chiến Việt Pháp mới nổ ra tại miền Bắc, bắt đầu là đụng độ ở Hải Phòng vào cuối tháng 11, rồi tới Hà Nội ngày 19 tháng 12, sau khi Việt Minh từ chối tối hậu thư của Pháp đòi giải tán đạo quân Tự Vệ, và trao quyền kiểm soát an ninh cho Pháp. Ba năm đầu, từ 1945 đến 1948, là cuộc chiến chống Pháp dành độc lập. Trong giai đoạn này, tuy lãnh đạo cuộc chiến là những thành phần cộng sản chủ chốt, nhưng họ đã phải nấp dưới chiêu bài chiến đấu vì nền độc lập quốc gia. Hầu hết những người tham gia, và hy sinh trong cuộc chiến, đều một lòng vì mục tiêu cao cả này.

Năm 1947, trong cố gắng dành thắng lợi về phần mình, cả Pháp và Việt Minh đều lôi kéo sự hợp tác của thành phần người Việt yêu nước không cộng sản. Vào giữa năm, Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ, trong thành phần mới có cả người không cộng sản, độc lập và Công giáo. Vào cuối năm, Pháp ký thoả hiệp tại vịnh Hạ Long với cựu hoàng Bảo Đại, hứa sẽ trả độc lập cho Việt Nam. Nhưng cả Việt Minh và Pháp đều không thật lòng. Việt Minh chỉ tìm cách che đậy bộ mặt thật cộng sản của mình, trong khi Pháp không thực tâm từ bỏ mục tiêu giữ thuộc địa cũ. Chính ông Bảo Đại tẩy chay thoả hiệp Hạ Long lần đầu, trong khi những người Việt không cộng sản bỏ vùng kháng chiến về thành thị, dưới quyền kiểm soát của Pháp, không phải để hợp tác với Pháp, mà ít nhất, thoát cảnh sống chung với cộng sản.

Giữa năm 1948, Pháp cố gắng lần nữa, lập ra chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân, kéo ra Hạ Long lần thứ nhì, dưới sự chứng kiến của Bảo Đại, Pháp công khai và long trọng cam kết trả độc lập cho Việt Nam, nhưng không có một lịch trình rõ ràng về việc chuyển quyền từ Pháp sang Việt. Bảo Đại lại tẩy chay.

Năm 1949, tháng Ba, ngày 08, lần này không phải từ Hạ Long nữa, mà tại Phủ Tổng Thống Pháp, Điện Elysée, Pháp ký thoả hiệp thừa nhận Việt Nam là nột quốc gia liên kết, thống nhất, độc lập trong Khối Liên Hiệp Pháp. Nhưng Pháp vẫn giữ lại quyền chỉ huy quân sự và ngoại giao. Lần này Bảo Đại không tẩy chay nữa, ông đã đồng ý về Sài Gòn, với tư cách Quốc Trưởng. Ngày 14 tháng 6, 1949, chính quyến Nam Kỳ tự trị đệ đơn từ chức lên Bảo Đại, hoàn tất mục tiêu thống nhất đất nước.

Ngày 1 tháng Bảy 1949, Quốc Trưởng Bảo Đại chính thức tuyên bố thành lập Quốc Gia Việt Nam. Từ đây, có hai nước Việt: Một nước do Bảo Đại đứng đầu, nước kia là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, do HCM đứng đầu. Cuộc kháng chiến chống Pháp ban đầu dần dần biến thành cuộc chiến Quốc Cộng.

Đầu năm 1950, sau khi làm chủ lục địa, Trung Cộng chính thức thừa nhận và ký thoả hiệp viện trợ quân sự cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ngày 30 tháng 01, 1950, Liên Xô cũng chính thức thừa nhận VNDCCH. Bốn ngày sau, 04 tháng 02, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại. Cuộc chiến Quốc Cộng không hoàn toàn là chuyện nội bộ của người Việt, mà có sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp từ bên ngoài.

Phía Việt Minh do cộng sản lãnh đạo núp dưới vỏ bọc quốc gia yêu nước, được cung cấp võ khí và nhân sự cố vấn đa số từ Trung Cộng và một phần từ Liên Xô, cùng theo ý thức hệ Cộng Sản. Quân đội được nhồi sọ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chống ngoại xâm, trong khi hình ảnh các lãnh tụ nước ngoài như Stalin, Mao Trạch Đông, được đặt trên bàn thờ Tổ Quốc.

Phía Quốc Gia, quân đội đã thành hình và chiến đấu trong hoàn cảnh trớ trêu. Trong khi dân chúng sống tại các thành thị hay vùng do Pháp kiểm soát, vẫn nuôi mối căm thù thực dân Pháp, quân đội Quốc Gia do Pháp huấn luyện và chỉ huy, chiến đấu chống Việt Minh bên cạnh quân Pháp, và Pháp được Hoa Kỳ chu cấp tiền bạc cùng phương tiện. Mối căm hờn người Pháp vẫn cao đến nỗi, đôi khi người dân sống dưới vùng Pháp kiểm soát cảm thấy hứng khởi, trước nguồn tin Việt Minh gây thiệt hại cho Pháp trong một trận đánh lớn, quên rằng người mình, có khi là người thân của mình, đang chiến đấu bên cạnh người Pháp.

Chủ thuyết Domino

Ngày nay, trước câu hỏi “Tại sao Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam?” câu trả lời của những người có chút hiểu biết thường nhắc tới chủ thuyết Domino. Từ năm 1952, dưới thời chính quyền Truman, Mỹ đã dự đoán có thể sẩy ra sự xụp đổ dây chuyền tại Đông Nam Á, nếu để một nước lọt vào tay cộng sản, nhưng chưa nói rõ về lý thuyết domino. Đúng một tháng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 7 tháng Tư năm 1954, trong một cuộc họp báo tại toà nhà hành pháp (Executive Office Building) bên cạnh Bạch Ốc, trước gần hai trăm ký giả tham dự, Tổng Thống Eisenhower lần đầu tiên nói tới thuyết domino (Domino theory hay domino principle) khi trả lời một câu hỏi của nhà báo Robert Richards của Copley Press, về sự quan trọng chiến lược của Đông Dương đối với thế giới tự do.

Sau khi nêu ra sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên tại các nước địa phương Đông Nam Á như thiếc, tungsten, cao su và cả khối dân chúng có thể bị rơi vào chế độ độc tài thù địch với thế giới tự do, ông Eisenhower nêu ra thí dụ: “Bạn có một dẫy con bài domino xếp cạnh nhau, bạn xô đổ con bài đầu tiên, và điều gì sẽ sẩy ra cho con bài cuối cùng là chắc chắn nó sẽ bị đổ mau chóng. Vì thế, con bài đầu tiên bị đổ có ảnh hưởng sâu xa nhất.”


Tướng Eisenhower tuyên bố rõ ràng rằng để mất những nước khác tại Đông Nam Á chẳng những tăng gấp bội sự thiệt hại mà Châu Á không kham nổi để mất trên 450 triệu dân Trung Hoa, mà Đông Nam Á còn biến vòng đai phòng thủ của Hoa Kỳ dọc theo ven biển Thái Bình Dương, và điều này sẽ đe doạ Úc và Tân Tây Lan trong khi loại bỏ Nhật Bản là một đối tác thương mại cực kỳ quan trọng.

Eisenhower có viễn kiến rõ ràng. Nhưng ông là Tổng Thống Mỹ, không phải nhà độc tài như Stalin hay Mao Trạch Đông, muốn làm gì thì làm. Muốn can thiệp trực tiếp vào Việt Nam, ông cần có sự hậu thuẫn của dân chúng, thường bầy tỏ qua các cuộc thăm dò dân ý, qua thái độ của các hội đoàn thế lực như thương mại, lao động, cựu chiến binh… và nhất là của Quốc Hội. Đồng thời, về mặt quốc tế, cần sự đồng thuận và chia sẻ gánh nặng của các đồng minh, quan trọng hơn cả là Anh. Tổng Thống Eisenhower, nhất là Ngoại Trưởng Dulles, đã cố gắng tới phút chót, trước khi Điện Biên Phủ hết hy vọng cứu vớt, cuối cùng, đành bó tay, vì không có được sự đồng thuận của cả quốc nội lẫn quốc tế.

Hai thập niên sau, Cộng Sản chiếm Nam VN, con bài domino đầu tiên đổ, chỉ có Miên, Lào, cùng đổ, các nước khác như Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore, Nam Dương, vẫn còn, khiến phe chống đối cho là thuyết Domino sai. Luận cứ này không vững, vì tới năm 1975, khối Cộng Sản quốc tế đã suy yếu và chia rẽ, trong khi các nước không cộng sản ở Đông Nam Á, một phần nhờ chiến tranh VN, đã giầu mạnh lên và đứng vững. Nếu Nam VN mất vào năm 1955, thuyết Domino vẫn có thể đúng.

Tuy thiếu hậu thuẫn để cứu Điện Biên Phủ, ông Eisenhower hy vọng Pháp vẫn tiếp tục chiến đấu ngăn làn sóng Đỏ ở Đông Dương, bằng phương tiện của Mỹ, với lời khuyên muốn thành công, Pháp phải đạt được hậu thuẫn của dân Việt. Điều này chỉ có thể đạt được khi Pháp chứng tỏ thực tâm trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam. Lời khuyên có vẻ hợp lý, nhưng với Pháp là chuyện kỳ cục, không thể chấp nhận. Dùng tiền và phương tiện của Mỹ, hy sinh xương máu dân Pháp, để cuối cùng trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam, khác nào đánh thuê cho Mỹ. Cho nên, sau khi thua đậm ở Điện Biên Phủ, với chính phủ mới thuộc phe Xã Hội lên cầm quyền, Pháp quyết định ra đi.

Mỹ lâm vào thế khó xử: Một đằng thiếu hậu thuẫn quốc nội và quốc tế để trực tiếp can thiệp cứu Đông Dương. Đằng khác, nếu để mất Đông Dương, có triển vọng sẽ mất cả Đông Nam Á, vòng đai phòng thủ của Mỹ từ Tây Thái Bình Dương (dọc theo Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương) sẽ thu hẹp và chuyển sang bờ Đông Thái Bình Dương (chạy từ Alaska tới Mexico). Ngoài ra, còn chuyện bầu cử sẽ diễn ra năm 1956. Phía Cộng Hoà từng làm khó phía Dân Chủ trước đây qua câu hỏi “Ai để mất Trung Hoa?” Bây giờ, nếu để phe Cộng sản thắng, sẽ trả lởi thế nào trước câu hỏi trả đũa của phía Dân Chủ: “Ai để mất Đông Dương?”

Trong khi ấy, phía Quốc Gia Việt Nam, ông Bảo Đại vốn dựa vào Pháp để tồn tại. Nay Pháp ra đi, chỉ còn hy vọng vào Mỹ. Ông không có hậu thuẫn tại Mỹ, nên phải tìm người có thể được Mỹ ủng hộ. Người đó, không ai khác hơn một nhân vật Cựu Hoàng từng biết rõ từ lâu, ông Ngô Đình Diệm. Ông này từng được Vua Bảo Đại cử làm quan đầu triều khi mới 32 tuổi, và đã khảng khái từ chức vì bất bình với người Pháp. Ông nổi tiếng liêm khiết, chống cộng kịch liệt, và điều quan trọng là được nhiều yếu nhân tại Mỹ ủng hộ, như Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas, các Nghị Sĩ Mike Mansfield và John Kennedy, Dân Biểu Walter Judd, và nhất là Hồng Y Francis Spellman, Tổng Giám Mục New York, Tổng Tuyên Uý Quân Đội Hoa Kỳ, bạn học cũ tại Roma của Giám Mục Ngô Đình Thục, anh ruột ông Diệm.

Tất nhiên, một người hoàn toàn phụ thuộc vào Pháp như ông Bảo Đại không thể tự mình trao quyền cho ông Diệm, mà quyết định này, phải có sự gợi ý hay thoả thuận của Pháp. Dù họ chẳng ưa gì ông Diệm, nhưng để ông cầm quyền vào phút chót, khi Pháp không còn hy vọng gi nữa, là thủ đoạn khôn ngoan. Họ có thể ra đi trong trật tự theo kịch bản không phải vì thua trận, mà vì đã trả hết quyền hành cho Việt Nam, đã hết nhiệm vụ. Nếu ông Diệm để đất nước ông mất vào tay Cộng Sản, là trách nhiệm của ông, không phải của người Pháp.

Theo Bernard Fall trong The Two Viet-Nams, Ông Bảo Đại từng nhiều lần mời ông Diệm làm thủ tướng, nhưng ông đều từ chối, vì thấy tình hình chưa chin mùi. Sau Điện Biên Phủ, Pháp đành ký thoả hiệp cuối cùng với Hoàng Thân Bửu Lộc ở Paris, ngày 4 tháng 6, 1954, trả hoàn toàn độc lập về chính trị cho Việt Nam (Chủ quyền về tiền tệ và tài chánh mãi đến ngày 02 tháng 01, 1955 mới được bàn giao cho VN). Ngày 16 tháng 6, 1954, Bảo Đại mời ông Diệm thành lập chính phủ mới. Ông Diệm đòi được trao toàn quyền về dân sự và quân sự. Sau ba ngày do dự, ông Bảo Đại chịu nhượng bộ vào ngày 19 tháng 6. Trao toàn quyền, chẳng khác gì một hình thức thoái vị. Để vớt vát, ông Bảo Đại yêu cầu ông Diệm phải thề trung thành với ông.

Thủ Tướng tân cử Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn ngày 26 tháng 6. Thành lập và trình diện tân chính phủ ngày 7 tháng 7, được kỷ niệm hàng năm với tên “Ngày Song Thất.”

(tiếp theo )

Đằng sau người và việc trong bộ phim 
The Vietnam War (phần 2)


Đám cưới chạy tang

Ông Diệm về nước cầm quyền, giống cảnh một cô dâu trưởng được rước về quán xuyến giang sơn nhà chồng trong một đám cưới chạy tang. Mọi việc diễn ra trong cấp bách, bối rối, bất trắc nhiều hơn ổn định. Đám tang chờ đợi đã diễn ra vào đêm 20 rạng 21 tháng 7, 1954, đất nước bị chia đôi tại Genève đúng hai tuần sau khi ông lập xong chính phủ.

Gánh nặng giang sơn nhà chồng giờ đây nằm trọn trên vai cô dâu trưởng họ Ngô, tuy không phải sống chung với mẹ chồng (theo Bernard Fall, ông Bảo Đại có tìm cách trở về VN, nhưng bị ngăn cản – ít nhất một lần bị chặn ngay trên sân bay Orly), được toàn quyền xoay sở, giữa một họ nhà chồng chưa biết lành dữ ra sao.

Lịch sử sang trang mới, mọi sự hoàn toàn thay đổi.

Người Việt Quốc Gia chấm dứt được cảnh trớ trêu, không ưa Pháp mà phải chiến đấu bên cạnh người Pháp, do Pháp chỉ huy, để chống lại người mình là Việt Minh.

Inline images 1

TT Eisenhower và NT Dulles đón TT Diệm tại Washington – National Airport (AP)

Người Mỹ trước đây trong thế “chẳng đặng đừng” phải giúp Pháp ngăn Cộng Sản, mang tiếng giúp thực dân, đi ngược đường lối của Mỹ sau Thế Chiến Hai. Bây giờ, tiền bạc võ khí viện trợ thẳng cho Việt Nam, không qua trung gian Pháp, chính danh ngôn thuận hơn. Một tháng sau Hiệp Định Genève, ngày 20 tháng 8, 1954, Tổng Thống Eisenhower đã chấp thuận bản ghi nhớ về An Ninh Quốc Gia, mang tên Review of US Policy in the Far East, hậu thuẫn quan điểm của Ngoại Trưởng John Foster Dulles là Hoa Kỳ nên giúp đỡ cả về quân sự và kinh tế cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam, cùng lúc khuyến khích ông mở rộng thành phần cai trị. Đồng thời, chỉ ba tuần sau, Mỹ đã cùng với bảy nước khác là Anh, Úc, Pakistan, Thái, Tân Tây Lan, Philippines và Pháp, ký thoả ước tại Manila, lập ra Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO), tạo căn bản pháp lý để có lý do ngăn chặn cộng sản bành trướng tại vùng này. Để khỏi trái với Hiệp Định Genève, Nam Việt Nam và Miên, Lào không được gia nhập như là thành viên, chỉ là quan sát viên. Nhưng tổ chức này hữu danh vô thực, không đi đến đâu.

Ý muốn giúp đỡ của Mỹ cho Chính quyền Ngô Đình Diệm đã được cụ thể hoá qua lá thư của Tổng Thống Eisenhower gửi ông Diệm ngày 24 tháng 10, 1954, có đoạn quan trọng sau đây:

    Show message history

Thái độ tích cực của Mỹ, ý chí cương quyết của ông Diệm, thủ đoạn của ông Nhu, cộng với sự hứng khởi của người dân lúc ban đầu, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã vượt qua nhiều trở ngại tưởng như không thể vượt nổi. Ông Diệm đã bị Mỹ quyết định bỏ rơi vào tháng Năm 1955. Mỹ đã thay đổi vào phút chót, và tiếp tục ủng hộ ông Diệm, nhờ ông đã thắng Bình Xuyên. Với ủng hộ tích cực của Chính quyền Eisenhower, nhất là Ngoại Trưởng Dulles. Trong năm năm kế tiếp, ông được chính quyền và giới truyền thông Mỹ coi như thần tượng, người của phép lạ, Miracle Man.

Về phía Việt Minh cộng sản, sau chín năm chiến đấu gian khổ, tuy có dịp xả hơi vào đúng lúc hơi cùng lực kiệt, giã biệt chiến khu, có được một thành phố làm thủ đô, một thành phố cảng, nhưng mục tiêu mới đạt một nửa, mới được làm chủ nửa nước. Trước đây vốn cầm cờ kháng chiến, hô hào toàn dân hy sinh chống Pháp dành độc lập, bây giờ hết Pháp, chống ai? Hà Nội bắt đầu giai đoạn mới, hướng vào mục tiêu thống nhất.

Trong khi ấy, quá tự phụ về những thành công ban đầu của mình, sai lầm tai hại đầu tiên của chính quyền miền Nam là vào tháng Bảy 1955, một năm trước hạn dự trù bầu cử để thống nhất đất nước theo bản tuyên bố sau cùng của Hiệp Định Genève, ông Diệm đã gạt phắt chuyện này. Cũng là sai lầm của Mỹ khi ủng hộ ông Diệm làm điều này. Ai chả biết Cộng Sản là thứ đại bịp, chơi trò bầu cử với họ cũng như chơi bài với những tay cờ bạc bịp chuyên nghiệp, là điều tối nguy hiểm. Nhưng nếu ông Diệm mềm dẻo hơn, cứ đồng ý thương thuyết về tiến trình bầu cử, đưa ra những đòi hỏi rất chính đáng để chắc chắn có thể bảo đảm một cuộc tổng tuyển cử thực sự tự do dân chủ ở cả Bắc lẫn Nam. Ngày nay, trên sáu mươi năm sau, Cộng Sản vẫn chưa dám cho bầu cử thực sự tự do dân chủ và có giám sát quốc tế, làm sao họ có thể chấp nhận điều này vào năm 1956? Nếu thương thuyết bế tắc, cả hai bên cùng đồng ý hoãn hay huỷ bỏ bầu cử, là quyết định chung của đôi bên, không thể đổ lỗi cho bên nào. Vì vội vàng gạt phắt, ngày nay ông Diệm vẫn bị mang tiếng vì không được lòng dân, sợ thua nên không chấp nhận bầu cử. Đó là điều đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nữa, là nếu có thương thuyết về bầu cử, có dịp để đại diện hai miền có cơ hội gặp gỡ, biết đâu chả nảy ra một cơ hội tốt đẹp hơn thảm cảnh chiến tranh.

Cộng Sản phải tạo ra lý do để người dân chịu tiếp tục hy sinh. Hết hy vọng thống nhất bằng bầu cử, Hà Nội quyết định thống nhất bằng quân sự. Tháng Năm 1955, thay vì tập kết ra Bắc theo Hiệp Định Genève, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trốn ở lại, tổ chức hàng ngũ với hy vọng dành thắng lợi qua bầu cử. Hết hy vọng bầu cử, họ ra Bắc, làm lớn, phát động chủ trương thống nhất bằng quân sự để làm chủ cả nước, đồng thời cứu hàng ngàn cán bộ còn ần náu tại Miền Nam, trước nguy cơ họ bị tiêu diệt hết.

Một việc làm khác của Chính Quyền Ngô Đình Diệm, nhìn qua tưởng như thành công lớn, nhưng thật ra là sai lầm quan trọng. Vào thời gian Ông Diệm gạt bỏ tiến trình thảo luận về bầu cử để thống nhất, Sài Gòn đã phát động “Chiến dịch Tố Cộng” rầm rộ, từ thành thị tới nông thôn. Qua sách báo và các ban văn nghệ dân vận lưu động, không khí “Tố Cộng” rất sôi nổi. Ngoài mặt có vẻ thành công, nhưng tai hại ở chỗ nhiều người dân bị dẩy vào hoàn cảnh oán ghét chính quyền. Tại sao?

Gần 900 ngàn người Miền Bắc di cư vào Nam, hầu hết đi cả gia đình. Gần 90 ngàn người từ Miền Nam tập kết ra Bắc, mỗi gia đình chỉ đi một vài người. Tổng số người ở lại trong các gia đình có người tập kết cũng đông ngang ngửa với tổng số người di cư. Rồi những gia đình có người tập kết còn có họ hàng quen thuộc nữa, kể tất cả, có thể lên tới nhiều triệu người. Đó là tập thể có cảm tình với những người tập kết. Họ mong được tái đoàn tụ trong hai năm. Đối với những người di cư từ miền Bắc, họ đã ghét cộng sản sẵn, chiến dịch Tố Cộng có thể làm họ thêm hứng khởi, nhưng không cần thiết. Với những người miền Nam có liên hệ gia đình, quen thuộc hay tình cảm với những người tập kết, vừa mất hy vọng tái đoàn tụ qua bầu cử, vừa bị đẩy vào thế thù địch qua chiến dịch Tố Cộng, có thể ngoài mặt vẫn chịu đựng, nhưng trong lòng, nếu họ nuôi căm hơn là điều dễ hiểu. Thay vì mở chiến dịch thu phục nhân tâm, chiến dịch Tố Cộng đã đẩy họ vào thế thù địch. Khi các du kích nằm vùng nổi dậy khủng bố, chính họ là những người nuôi dưỡng.

Tuy nằm vùng ở miền Nam hay công khai ở miền Bắc, tất cả lực lượng Cộng Sản đều do Hà Nội chỉ huy. Nhưng để che mắt quốc tế, Hà Nội nói dân quân Miền Nam là những người dân bất mãn nổi dậy chống chính phủ Sài Gòn. Hà Nội còn đi thêm những bước kế tiếp bằng cách lập ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam VN. Dư luận sai lầm khi gọi những người này là Việt Cộng, để phân biệt với Cộng Sản Bắc Việt. Cả hai chỉ là một.

Như đã trình bầy, trong văn thư đầu tiên ngày 24 tháng 10, 1954, tỏ ý sẵn sàng giúp ông Diệm, Tổng Thống Eisenhower đã nói rõ “Mục đích của đề nghị này là để hỗ trợ Chính quyền Việt Nam trong việc phát triển và duy trì một quốc gia mạnh mẽ, thành tựu, có thể đương đầu với muu toan nổi dậy hay xâm lấn bằng phương tiện quân sự”. Nhưng khi chính quyền của ông Diệm thẳng tay đàn áp những kẻ nổi dậy bằng phương tiện quân sự, chính quyền và truyền thông thời Kennedy đồng hoá quân du kích cộng sản với đối lập chính trị, kêu ầm lên rằng ông Diệm dùng viện trợ Mỹ để đàn áp đối lập, mất lòng dân và làm xấu mặt Hoa Kỳ trên thế giới. Cuối cùng, đi tới kết luận: Phải được lòng dân mới có thể thắng Cộng Sản. Muốn được như vậy, phải thay anh em ông Diệm.

(còn tiếp)
Đinh Từ Thức

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.