Trước nỗi đau mất nước gần kề…
Trước nỗi đau mất nước gần kề… lại tưởng tiếc một thời oanh liệt của Phật giáo VN
Các nhà nghiên cứu xưa nay, qua hai từ ngữ ” BỤT và PHẬT”, nên kết
luận rằng Phật giáo đã truyền vào VN từ đầu tây lịch, bằng hai con đường
qua Ấn Ðộ và Trung Hoa.
Do giáo lý nhà Phật về “luân hồi, nhân quả, nghiệp chướng”, rất gần
gũi với tâm tình của tầng lớp người bình dân nông thôn, miền biển và lao
động.. nên đã nhanh chóng đi vào đời sống của dân tộc. Ngoài ra những
kinh điển của Phật giáo bằng chữ Hán từ Trung Hoa truyền sang, lại đáp
ứng được nhu cầu đòi hỏi của tầng lớp quan lại trí thức trong nước thời
đó, vốn được đào tạo bằng Nho học. Chính sự hòa hợp này, đã tạo thành
Phật giáo VN với những sắc thái đặc thù phổ quát, thường trực và luôn
đồng hành với lịch sử Việt, bằng tất cả tinh hoa, hùng tâm, thần trí và
đại lực.
Ðặc tính huyền diệu cao thâm của Phật giáo VN là “cứu khổ cứu nạn
cuộc đời”, cho nên người Phật tử VN lúc nào cũng vững lòng bền chí trong
mọi hoàn cảnh, vì bên cạnh luôn luôn có sự hiện diện của “Ðức Thế Tôn”,
đầu trần chân đất, lặn lội khắp nhân gian để mà phổ độ chúng sinh. Ðây
chính là lý tưởng của Phật Như Lai ngay khi còn là Tất Ðạt Ða, luôn nhập
thế ở giữa cuộc đời, chứ không bao giờ xuất thế, nên nói “Phật tại tâm”
là thế đó.. Tóm lại tôn chỉ của Phật giáo VN là nhập thế và sinh phong
vào đời, để phụng sự dân tộc trong mọi hoàn cảnh, phát triển đất nước và
khai phóng mọi người, đến cõi chân thiện mỹ, mà nhân gian quen gọi là
chốn cực lạc.
Bởi vậy nên khắp hang cùng ngõ hẹp, qua mọi nẻo đường đất nước, không
có nơi nào không có bóng dáng ngôi chùa, cho dù ở thành thị náo nhiệt
hay chốn thôn ổ đìu hiu, ngôi chùa vẫn trầm mặc hương khói, hòa quyện
cùng tiếng chuông mõ niệm kinh, để rồi theo gió, trải ra mênh mông như
muốn xóa nhòa tất cả những phiền muộn của cuộc đời, mang lại niềm thanh
thản, hạnh phúc, trong lòng mọi người.
Sử đã viết “đời Lý lấy đạo Phật làm quốc giáo”, nên đã đạt được nhiều
thành tựu hiển hách, xây dựng Ðại Việt thành một quốc gia văn hiến bề
thế, tạo điều kiện để cho nhà Trần, qua các vị vua anh minh Thái Tôn,
Thánh Tôn, Nhân Tôn.. có đủ sức mạnh đánh đuổi được giặc Nguyên-Mông ba
lần xăm lăng nước ta. Ngoài ra đời Lý cũng là triều dại đầu tiên trong
giòng Sử Việt, đã phục hưng lại truyền thống và tập tính của dân tộc, đã
bị người Tàu nhồi sọ qua mười thế kỷ đô hộ. Qua ý thức phát xuất bằng
từ tâm của người Phật tử, các vị vua nhà Lý đã dấn thân nhập thế, cấm
chỉ việc tra tấn ngược đãi tù nhân, cung cấp đầy đủ cơm áo cho , với tấm
lòng ‘ thương người như thể thương thân.
Trong lãnh vực văn hóa, đời Lý qua các kỳ thi tuyển chọn nhần tài
phục vụ cho dất nước, nội dung thi cử vẫn là đề tài từ các học thuyết
của Tam giáo (Phật, Nho, Lão) . Với các vị Thiền sư thời Lý-Trần, đã trị
nước bằng những ứng dụng tâm thức tu hành theo giáo lý của Ðức Phật. Ðó
chính là những khải thị về không gian mà Ðức Phật đã nhập pháp giới
trong kinh Hoa Nghiêm ‘Mười phương thế giới đồng nhất thể‘ hay mở bày ý
niệm về thời gian, trong kinh Kim Cang ‘Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện
tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc‘.
Mới đây, người ta đã tìm thấy một pho Kinh Phật bằng đồng, được xem
là cổ nhất, tại chân tháp Viên Quang, chùa Phật Tích, thuộc Huyện Tiên
Du, tỉnh Bắc Ninh (Bắc phần). Pho kinh là hai lá đồng mỏng 1,5mm, khổ
11cm x 17cm, trên khắc chữ Hán, được khâu dính lại bằng một sợi dây
đồng.. Ðây là bộ Ba La Mật Tâm Kinh, một bộ kinh rất quan trọng của Phật
giáo. Ngoài ra cuối bản đồng, còn ghi rõ là cùng khắc chung, còn có
nhiều bộ kinh khác như Pháp Hoa, Lương Hoàng, Ðịa Tạng, Kim Cương Dược
Sư, Di Ðà, Quan Âm.. tất cả các bộ kinh kể trên không tìm thấy.
Theo các nhà sử học và biên khảo trong nước, thì Bộ Kinh Phật bằng
đồng trên, là một quốc bảo, có từ thời nhà Lý khi thực hiện khắc kinh
trên đồng, với tâm nguyện mong cho quốc đạo trường tồn vĩnh cửu. Theo sử
liệu, Phật tích, Chùa Dậu (Kinh đô Phật giáo Lủy Lâu, xây dựng từ thế
lỷ thứ II sau TL ) và Chùa Bút Tháp, được xem là Trung tâm Phật giáo đời
Lý.
Nói chung các đời Ngô, Ðinh, Lý, Trần.. đều mộ đạo Phật nên đã xây
dựng rất nhiều chùa chiền khắp nước. Nhiều vị cao tăng như Khuông Việt,
Vạn Hạnh, Từ Ðạo Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác.. được triều đình phong chức
quốc sư, nên đã góp phần rất lớn với quốc gia, trong việc đánh bại quân
xâm lăng Tàu và Mông Cổ, khi chúng tấn công nước ta.
Sau khi Lê Lợi bình định được giặc Minh, thành lập nhà Hậu Lê, chọn
Nho học làm quốc giáo, coi thường đạo Phật nhưng ảnh hưởng của tôn giáo
này vẫn không hề sút giảm chút nào, trái lại tín đồ Phật giáo càng lúc
càng đông, vì từ xa xưa người dân trong nước đã có quan niệm, nơi nào có
chùa là có Phật. Cho nên chỉ cần đi lễ chùa, học giáo lý và tu niệm
theo nhà Phật, đã là Phật tử của Phật môn.
Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp áp chế nhà Nguyễn, mượn lệnh triều
đình Huế để ban hành sắc lệnh, qui định Phật giáo là một tôn giáo phụ.
Tuy nhiên điều này, chẳng những không làm sút giảm uy thế ngàn đời của
đạo, mà còn tạo cơ hội để Phật giáo bành trướng mạnh mẽ thêm khắp mọi
nẻo đường đất Việt.
Ðặc điểm của Phật giáo VN, là từ lúc du nhập vào VN cho tới đầu thế
kỷ thứ XIX, đã không có một hệ thống lãnh đạo thống nhất, dù lúc đó Phật
giáo vẫn là một tôn giáo lớn và có nhiều tín đồ nhất tại VN. Năm 1931
một đại hội Phật giáo đầu tiên, do Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, nhóm
họp tại Sài Gòn. Kế tiếp là các đại hội khác cũng được tổ chức tại Trung
Việt năm 1932 và Bắc Việt năm 1934. Cả ba đại hội đều chung một mục
đích “Chỉnh đốn Thiền Môn, Vãn hồi quy giới, giáo dục tăng ni và phổ
thông đạo pháp” bằng tiếng Việt.
– Ngày 6/5/1951, nhóm họp Phật giáo toàn quốc tại Huế.
– Năm 1955, Giáo Hội Phật giáo Thống nhất VN được thành lập và chính thức hiện hửu từ ngày 4-1-1964.
Hiện nay tại VN, Phật giáo có nhiều hệ phái đang hoạt động :
– Giáo hội Phật giáo nguyên thủy (Theravada) , thuộc Phật giáo Tiểu Thừa.
– Giáo hội Phật giáo cổ truyền
– Phật giáo Hoa Tông (của Người Việt gốc Hoa).
– Thiên Thai Giáo Quán Tông.
– Tịnh Ðộ Tông
– Phật Giáo Hòa Hảo..
Từ sau ngày 1-5-1975, Cộng Sản Hà Nội dùng đạn súng hợp nhất Phật
giáo cả nước thành Giáo Hội Quốc Doanh, đặt tượng Hồ ngang hàng với Chư
Vị Bồ Tát, do cán bộ tôn giáo của Ðảng lãnh đạo. Năm 1981, Giáo Hội
PG.VN Thống nhất, bị VC xóa sổ khi ra lệnh sáp nhập vào Phật giáo nhà
nước. Tuy nhiên đó chỉ là lệnh và tuyên truyền, vì từ năm đó cho tới
ngày nay, Giáo Hội Phật Giáo VNTN (GHPGVNTN) , chưa hề tham gia vào bất
cứ một cơ cấu tôn giáo nào của đảng CSVN, nên đã bị VC đàn áp dã man và
đặt ra ngoài vòng pháp luật. Mới đây, trong kỳ Ðại Hội Ðảng lần X, lần
nữa VC lại to tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Giáo Hội PG.VNTN trong
nước. Tuy nhiên đó là lời đảng , còn dân chúng VN bao đời đã trải qua
không biết bao nhiêu lần pháp nạn, cho nên đâu có ai thèm để ý làm gì
những nghị quyết này nọ, trong lúc cuộc sống cơm áo thêm phần khó khăn,
trước thảm trạng tham nhũng từ trên xuống dưới của VC .
Tại Bình Thuận, theo tài liệu của Tâm Quang viết trong ‘Giai Phẩm
Bình Thuận Xuân Canh Thìn’ thì khoảng năm Ðinh Tỵ (1677) ở Ðàng Trong,
Thiền sư Nguyễn Triều Siêu Bạch, thuộc thiền phái Lâm Tế ở Trung Quốc,
hệ truyền thừa Vạn Phong Thời Uy (đời 21) và Ðạo Mân (đời 31), cùng các
đệ tử lập các ngôi chùa Phật giáo Lâm Tế tại Qui Nhơn, Phú Xuân. Tiếp
nối đệ tử, đồ tôn như Minh Hải Pháp Bảo lập chi phái Chúc Thánh Lâm Tế
tại Quảng Nam, còn Thiệt Diệu Liễu Quán thì khai sinh chi phái Liễu Quán
Lâm Tế ở Huế. Ngoài ra còn một hệ của Trí Thắng Bích Dung trực thuộc
Lâm Tế đời thứ 25. Tóm lại theo lịch sử Phật giáo Việt Nam thì Khai Tổ
Thiền phái Lâm Tế ở Ðàng Trong là Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch. Tại
Bình Thuận, chùa Linh Sơn Trường Thọ (Chùa Núi Cú), theo chi phái Lâm Tế
Trí Thắng Bích Dung, do Kim Tiên Tịch Ni khai đạo.
Theo Phật sử, thì sự hình thành Phật giáo tại Bình Thuận có lẽ phát
xuất từ lúc dân Ðại Việt vào lập nghiệp tại Thuận Trấn từ năm 1693, do
dân chúng và các ni sư trong đoàn người di cư. Lúc đầu chỉ mới có Ðình –
Chuà, do dân tạo lập vừa thờ Phật, thờ Thành Hoàng cũng là nơi sinh
hoạt chung của người dân lưu xứ. Riêng các ni sư, nếu có điều kiện thì
tự lập các thảo am rồi theo thời gian, đình, chùa, thiền viện phát triển
và được xây dựng quy mô đẹp đẽ như ngày nay. Tóm lại qua ba trăm năm
xây dựng, Phật giáo Bình Thuận chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Phú Yên (các
tổ Bảo Tạng, Hữu Ðức, Thái Bình, Hưng Từ, Viên Quang, Tịnh Hạnh..) và
Biên Hòa – Gia Ðịnh (Tế Tín, Chánh Trực, Liễu Thành, Liễu Ðoan..).
Năm 1800 Hòa Thượng Ðạo Chơn Quang Huy (Phú Yên) lập chùa Liên Trì
(Phan Thiết) và Ðạo Chơn Thường Trung chùa Phật Quang (Chùa Cát), hai vị
trên đều thuộc phái Lâm Tế Liễu Quán. Thật ra các chùa Cát, Liên Trì,
Long Quan.. được lập từ năm 1736 nhưng chưa có trụ trì. Riêng bản gỗ
khắc bộ kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, hiện còn nguyên vẹn tại chùa
Phật Quang, cũng được khởi công khắc từ năm 1736 và mãi 28 năm sau mới
hoàn thành. Tổ sư chùa Bửu Lâm (Phước Thiện Xuân) là Tánh Giác Trí Chất.
Riêng cao tăng danh tiếng của Bình Thuận là Hòa Thượng Thông Ân Hữu Ðức
xuất gia với Tổ Trí Chất và Phổ Quang. Hầu hết các tăng, ni tại Bình
Thuận, phần lớn là truyền thừa của Tổ Hữu Ðức, tổ sư chùa Kim Quang (Bầu
Trâm), Kỳ Viên và Linh Sơn Trường Thọ (Chùa Cú), ngài viên tịch ngày
5-10-1887 tại chùa Cú. Khoảng 1838-1839, Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng khai
sinh chùa Linh Sơn Vĩnh Hảo và chùa Cổ Thạch (Tuy Phong). Năm 1850 Ðại
Sư Như Thành Nhất Bổn, đúc chuông và trùng tu chùa Long Quang (Phan Rí).
Năm 1930, Hòa Thượng Phật Huệ khai sinh chuà Pháp Bảo. Năm 1936 Ni
Trưởng Diệu Tịnh, đệ tử chùa Chí Thiện Châu Ðốc, đến trụ trì Bình Quang
Ni Tự ở Bình Hưng, chùa này được vua Bảo Ðại sắc tứ và là tổ đình của
chư ni Bình Thuận.
Năm 1938 An Nam Phật Học Hội Bình Thuận thành lập do Ðoàn Tá, Ấm
Cương, Thừa Tiêu, Thừa Châm.. và hội trưởng đầu tiên là Ðoàn Tá. Năm
1940 chùa Phật Học được xây dựng và là trụ sở tỉnh hội Bình Thuận, nhiều
chi nhánh được phát triển tại Mũi Né, Phan Rí.. Năm 1948 giáo hội tăng
già Bình Thuận thành lập, trụ sở tại chuà Linh Thắng, Lạc Ðạo. Năm 1950
gia đình phật tử Bình Thuận thành lập. Năm 1958 lập Tòng Lâm Vạn Thiện,
đồng thời Hòa Thượng Thích Giác An lập hệ phái khất sĩ Bình Thuận, trụ
sở là Tịnh xá Ngọc Cát trên động Làng Thiềng. Tại Núi Cú, trụ trì Hòa
Thượng Thục Châu Vĩnh Thọ đúc ba tượng Phật Di Ðà cao 7m, Quan thế Âm
cao 6m và Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m. Ðây là tượng Phật lớn
nhất Việt Nam. Năm 1962 hoà thượng Thích Hưng Từ lập chùa Linh Sơn Tánh
Linh.
chùa Phật Học, Bình Thuận
Việt Nam là một quốc gia Phật giáo với 90 % tín đồ, nên nơi nào cũng
đều có đình chùa thờ cúng Phật nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những ngôi cổ
tự ở miền Bắc, vốn là cái nôi văn hóa của dân tộc Việt, đã có từ thời
lập quốc.
+ CHIM GÕ MÕ – CÁ NGHE KINH:
Hội chùa Hương là một trong những lễ hội quan trọng của Phật giáo đất
Bắc vì theo truyền thuyết, đây là chốn tu hành và đắc đạo của Ðức Phật
Bà Quan Âm. Chùa Hương cũng là một thắng cảnh với sông suối núi đèo, nên
đã thu hút nhiều tao nhân mặc khách, lưu lại cho đời nhiều thi phẩm giá
trị của Chu Mạnh Trinh, Tản Ðà, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Phạm Hàm.. trong
đó được ưa thích nhất, vẫn là bài ‘Phong cảnh Hương Sơn‘ của Chu Mạnh Trinh:
‘Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến, cá nghe kinh
thoảng bên tai một tiếng chày kình
khách tang hải giật mình trong giấc mộng. ’ ’
trẩy hội chùa Hương
Chim gõ mõ, cá nghe kinh.. không phải là giai thoại nhà Phật, mà là
chuyện có thật ở đây. Chim gõ mõ còn có tên Ðạc Ðiểu, khi cụp cánh lại,
có hình dáng như ếch, da màu xanh, thường bay vào tận các hang sâu ăn
kiến và sâu bọ. Vào những tháng đầu năm, chim thường kêu những tiếng
cốc, cốc, cốc.. giống như tiếng gõ mõ tụng kinh. Ðặc biệt chim hay kêu
từ giờ Dần trở đi, tức là khoảng thời gian gần sáng. Còn cá nghe kinh,
để chỉ loại cá chép , trên đầu màu đỏ nên cũng được gọi là cá Anh Vũ, có
rất nhiều ở các suối quanh khu vực Hương Sơn. Thường Phật tử hay du
khách vãng cảnh chùa Hương, hay quăng bỏng rang xuống nước cho cá nổi
lên mặt nước ăn, trong lúc khắp nơi vang vang tiếng tụng kinh gõ mõ.
+ CHÙA DIÊN HỰU NAY CÒN HAY MẤT ?
Hà Nội (Thăng Long), là kinh đô của nhiều triều đại trong Việt sử,
nên đã có rất nhiều biểu tượng thân thương trong tâm khảm mọi người . Ðó
là Hồ Gươm với Tháp Bút, Cột Cờ Thủ Ngữ, gác Khuê Văn soi mình xuống
giếng Thiên Quang trong Quốc Tử Giám.. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Chùa
Một Cột, đã có trên ngàn tuổi.
Chùa còn có tên là Diên Hựu, theo các nhà biên khảo, thì hiện nay đã
trở nên xa lạ, qua những chứng tích còn lại. Căn cứ vào những ghi chép
từ tài liệu cổ, cho biết ngôi chùa xưa, được kiến trúc toàn thể rất hoàn
chỉnh, bằng sự kết hợp giữa thiên nhiên và tôn giáo, xứng đáng là danh
lam thắng cảnh bậc nhất tại Thăng Long Thành, vào đời Nhà Lý. Do tính
chất đặc thù trên, nên tự ngàn xưa, Chùa Một Cột không những đã khắc sâu
trong tâm khảm của người Hà Nội, mà còn là niềm tự hào chung của nền
văn hóa VN.
chùa Diên Hựu (chùa Một Cột)
Tương truyền Lý Thái Tông (1028-1054) , một đêm nằm mộng thấy mình
được Phật Bà Quan Âm, từ trên tòa sen bước xuống, cầm tay dắt nhà vua
cùng lên ngự trên tòa sen. Tỉnh mộng, nhà vua cho tuyển tất cả thợ giỏi
tại kinh đô Thăng Long lúc đó, ứng theo điềm mộng, xây dựng một ngôi
chùa có hình dạng giống một đóa sen, được đặt trên một cột đá đứng giữa
hồ Linh Chiểu trồng toàn sen.
Chùa thờ Ðức Phật Bà Quan Âm, một vị Bồ Tát chuyên cứu nhân độ thế,
rất phù hợp với mục đích của triều đình: Cầu mong cho quốc thái dân an,
nhà Lý đời đời bền vững. Bởi vậy ngôi chùa mới được đặt tên là Diên Hựu.
Lần đầu, chùa được dựng lên cạnh Hồ Tây (Dâm Ðàm, tên gọi thời Lý) , và
liên tục được tu bổ mở rộng. Năm 1101, vua Lý Nhân Tôn cho đúc một quả
chuông , đồng thời với việc xây một giá, cao tám trượng bằng đá cẩm
thạch xanh, để treo chuông, nhưng không dùng được vì chuông quá lớn.
Năm 1102, vua lại cho xây thêm một hành lang bao quanh hồ Linh Chiểu,
đồng thời đào thêm Hồ Khang Bích và bắt nhiều cầu, thông từ khu vườn
của chùa ra hai mặt hồ trên, làm cho diện tích tăng thêm rất nhiều. Phía
sân trước của cầu dẫn vào chánh điện, vua cho dựng hai ngọn tháp lớn,
với mái lợp bằng loại ngói sứ trắng, từ xa nhìn chẳng khác nào hai đoá
hoa đại trắng, luôn tỏa rực ánh sáng mặt trời.
Ðây cũng là nơi mà hầu hết các vị vua nhà Lý, sau buổi chầu thường
ngự tại đây, để có dịp tiếp xúc với thần dân. Ðặc biệt hằng năm, vào
ngày Mùng tám tháng tư (Niên lịch cổ chỉ ngày Ðản sinh Phật Tổ), âm
lịch, Ðại lễ Phật Ðản được tổ chức tại chùa Một Cột., do chính các vị
vua nhà Lý tới chùa để làm lễ Tắm Phật. Trong dịp này, chẳng những các
vị tăng ni và dân chúng Thăng Long kéo về tham dự, mà cả các trấn khác
cũng lũ lượt tới chùa để cúng Phật. Sau đó, nhà vua đứng trên cao, tay
cầm một lồng chim, rút cửa phóng sinh. Dân chúng tham dự đại lễ, ai nấy
đều vổ tay reo hò hoan hô vang dậy và cũng bắt chước vua, thả chim làm
phước. Tóm lại, Phật giáo VN, từ ngàn năm trước, qua ngày hội thả chim
tại chùa Một Cột, suốt thời Lý, đã biểu lộ đức hiếu sinh của dân tộc
Việt, lưu truyền cho con cháu tới ngày nay, vẫn không hề thay đổi.
Ngày nay ngôi chùa cổ xưa và danh tiềng nhất của Phật giáo VN, chỉ
còn là huyền thoại, vì đã bị thực dân Pháp lẫn cộng sản Bắc Việt tàn phá
thảm thê, lấn chiếm đất đai, hủy diệt những công trình tạo dựng có từ
ngàn năm trước, để xây Dinh Toàn Quyền Ðông Dương và Lăng Hồ tại Ba
Ðình. Ðiều này cho thấy VC không khác gì bọn đầu sỏ Taliban, khi chiếm
được Afghanistan, năm 1998 đã ra lệnh tàn phá hủy diệt tất cả những pho
tượng Phật bằng đá, nằm trong thung lủng Bamiyan. Từ những trang Phật
sử, ta thấy việc dời đổi chùa đình, là chuyện bình thường trên đất Bắc
thời trước, vì mục đích cũng chỉ muốn làm cho ngôi chùa thêm uy nghi
tráng lệ hơn. Ðó là việc nhà Hậu Lê, đã dời chùa Trấn Quốc, được nhà Lý
xây dựng tại Làng Yên Hoa, ngoài bãi sông Hồng, vào địa điểm ngày nay,
vì tránh lụt lội. Còn chùa Quan Thánh thời nhà Lý, được dựng trong Hoàng
Thành, tới nhà Hậu Lê cũng được dời ra phía nam Hồ Tây, vì lý do mở
rộng thành phố.
Thời VNCH, đồng bào miền Bắc di cư, đã mô phỏng ngôi cổ tự danh tiếng
nhất nước, để dựng lên ngôi chùa Một Cột ở miền Nam, qua danh xưng “Nam
Thiên Nhất Trụ” tại Thủ Ðức, do kiến trúc sư Ngô Gia Ðức thiết kế. Chùa
hiện là một trong những ngôi Phật tự nổi tiếng nhất trong nước, thu hút
rất nhiều Phật tử du khách mọi nơi, tới vãng cảnh chùa hay cúng Phật,
nhất là vào những ngày Tết Nguyên Ðán hay Lễ Vía .
+ ÐƯỜNG LÊN YÊN TỬ MIỀN BẮC:
Cách Hà Nội 100 cây số về hướng đông bắc, hơn 700 năm trước, vua Trần
Nhân Tôn cũng là Thiền sư Ðiếu Ngự Giác Hòang, sau khi rời ngôi vua nhà
Trần, đã tới núi Yên Tử tu trì và sáng lập THIỀN PHÁI TRÚC LÂM: Trung
tâm của Phật Giáo VN.
Cũng từ đó cho tới nay, mặc cho bao đời biển dâu trầm thống, rừng núi
Yên Tử và những ngôi cổ tự, vẫn im lìm ẩn hiện trong mây khói với các
huyền thoại và di tích của Thiền Tông VN. Theo truyền thuyết, mỗi khi
nghe tiếng chuông từ chùa Ðồng trên đỉnh cao nhất của Yên Tử (1.100m),
ngân nga vang vọng, thì tất cả các loài chim Nhạn, chim Hạc, đều rời tổ
ấm nơi vách núi, bay bổng lên không trung che kín trời, sau đó tan biến
trong cảnh núi rừng tĩnh lặng.
Tên núi Yên Tử phát xuất bởi sự tích của một Thiền sư tên Yên Kỳ
Sinh, thuộc dòng Thiền của Lục Tổ Huệ Năng, ngay đầu Tây lịch,từ bên Tàu
tới đây tu hành và đắc đạo hóa Phật, biến thành đá nên được gọi là Yên
Tử. Ngoài ra, từ Dốc Ðỏ dưới chân núi, nhìn lên đỉnh thấy hình dáng núi
không khác gì một con voi đang phủ phục, nên còn có tên là Tựợng Sơn.
Rặng núi này muôn đời như bức bình phong, ngăn luồn gió Nam Nồm từ Ðông
Hải thổi vào núi, làm cho hơi gió đọng lại biến thành mây trắng lửng lơ
trên đỉnh núi quanh năm, nên Yên Tử còn được gọi là Phù vân sơn hay núi
Bạch Vân.
Sau nhiều thế kỷ Phật giáo du nhập và truyền bá vào VN, môn phái của
Thiền Sư Yên Kỳ Sinh cũng có rất nhiều đệ tử, rất được trọng vọng thời
nhà Trần. Một trong những cao tăng trên, là Quốc Sư Phù Vân, cũng chính
là sư phụ của vua Trần Nhân Tông. Ngài là chiếc cầu nổi, dẫn dắt nhà
vua, rời bỏ vinh hoa phú quý nơi cung vàng điện ngọc, để lên chốn rừng
núi Yên Tử muôn trùng, tu trì và sáng lập Trúc Lâm Thiền Phái, chủ
trương đạo đời hợp nhất, có ảnh hưởng rất lớn tại VN.
Do đó, hệ thống chùa chiền am thất tại Yên Tử, đều được khởi công xây
cất từ khi vua Trần Nhân Tông tới đây tu trì. Về sau lại được trùng tu
nhiều lần. mà quan trọng nhất vào thời Vĩnh Thịnh (1345-1358) và Vĩnh
Khánh (1729-1732). Tuy nhiên những chùa miếu còn lại tới nay trên Yên Tử
, đều được xây dựng vào thời Nhà Nguyễn, dựa vào dấu ấn kiến trúc và
điêu khắc từ các thời Trần-Hậu Lê.
Ngoài những kiến trúc xây dựng, vua Nhân Tông còn cho trồng nhiều cây
Tùng , vừa lấy bóng mát dọc theo những con đường nối liền hệ thống chùa
am từ chân lên đỉnh núi. Rễ Tùng còn được xử dụng như những bậc thang,
giúp khách hành hương lên núi, khỏi bị rơi xuống vực thẳm. Có ba loại
Tùng được trồng ở đây là Thủy Tùng (gỗ màu trắng), Thanh Tùng (gỗ màu
xanh) nhưng qúy nhất vẫn là Xích Tùng (Gỗ đỏ) . Bởi vậy đường lên Yên Tử
xưa nay, vẫn được gọi là Ðường Tùng với sự hiện hữu của 274 cây còn
xanh tốt, dù tuổi thọ của chúng đã 700 năm.
Hệ thống chùa am ở Yên Tử, đều tập trung ờ sườn núi phía nam, mà ngôi
chùa đầu tiên là Ðền Trình, coi như là cửa ngõ lên núi, còn Chùa Ðồng
là đỉnh cao nhất, từ đó có thể nhìn thấy Bạch Ðằng Giang, biển Ðông và
biên giới Hoa Việt.. Chùa Ðồng nguyên thủy được các vua Nhà Trần xây
dựng toàn bằng đồng, được coi như một biểu tượng của sự đồng nhất, giữa
đạo-đời, con người và vũ trụ. Nhưng rồi chiến tranh triền miền, kéo dài
từ thời này sang đời khác, nên chẳng những ngôi chùa nguyên thủy bằng
đồng, mà cả chùa xây dựng sau này bằng đá và xi măng, cũng bị tàn phá,
dột nát hư hại. Năm 1993, một ngôi chùa Ðồng mới đã được xây cất theo
hình chữ Ðinh với hình dáng một Bông Hoa Sen nở . Trong chùa, có tượng
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngự trên tòa sen. Bên dưới là ba pho tượng của
Tam Tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, cùng ngự trên
đài sen. Phía trước có bốn chuông đồng, một quả lớn và ba quả nhỏ, lúc
nào cũng như ngân nga trong cơn gió thoảng, lẫn trong mùi thơm ngát của
hương khói và trăm hoa chen nở .
chùa Đồng Yên Tử
Hiện còn các chùa Vân Tiêu, Bảo Xái, Thanh Long, An Tự, Hoa Yên, Giải
Oan, Cầm Thục.. cùng với nhiều di vật đặc sắc đầy huyền thoại. Theo các
nhà biên khảo xưa nay, thì nét đẹp tuyẽt mỹ của Yên Tử, chẳng những là
chùa, am, tùng bách mà còn bao gồm cả khu rừng trúc xanh ngắt, những cụm
hoa Trà My, Dành Dành có màu trắng muốt, đứng chen lẫn khoe sắc hương
với từng khu vườn Cúc, Vạn Thọ màu vàng, mái chùa đỏ ối.. thấp thoáng ẩn
hiện như sương khói muôn trùng.
Hoa Yên là ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở Yên Tử, nên còn được gọi là
chùa Cả, chùa Chính hay chùa Yên Tử, nằm trên cao độ 800m, trên một dải
đất hình đài sen, bao quanh sườn núi, từ chính điện có thể nhìn ra Suối
Giải Oan ở phía dưới, là lượt chảy giữa rừng núi xanh ngắt, đâu có khác
nào một giải lụa trắng mềm mại. Quanh chùa có năm cây đại cổ thụ to lớn
hơn 700 tuổi. Bên trong có nhiều tượng Phật toàn bằng đồng nhưng bề thế
nguy nga nhất vẫn là tượng vua Trần Nhân Tông , đặt tại Bái đường. Phía
dưới chùa là Kim Tháp, chốn an nghĩ ngàn đời của các vị Thiền Tăng Tam
Tổ và 97 Tháp khác vây quanh Tháp Tổ, phụng thờ các vị Sư đã tu hành tại
Yên Tử.
chùa Hoa Yên
Ngày nay đường lên rừng núi cheo leo Yên Tử, phần nào được rút ngắn
và bớt nguy hiểm, nhờ một hệ thống Cáp treo, đã được thiết kế từ mặt đất
lên tới chùa Hoa Yên. Nhờ vậy khách hành hương như có cái cảm giác đang
bồng bềnh trong sương khói, trong lúc có thể thưởng thức được trọn vẹn
bức tranh thủy mạc trọn vẹn của non nước VN, từ rừng núi Quảng Ninh,
biển đảo Hạ Long, khiến cho ai nấy lòng trần biến mất theo luồng gió mát
lạnh của vũ trụ miên man.
+ HỆ THỐNG CHÙA PHẬT TRÊN NÚI BÀ ÐEN:
Theo các tài liệu còn lưu trữ, thì hệ thống chùa miếu trên núi Bà Ðen
(Tây Ninh) , được hình thành đầu tiên, qua tín ngưỡng dân gian. Giống
như những di dân đầu tiên từ Thuận Quảng vào khẩn hoang lập nghiệp ở
Thuận Trấn, sống bằng nghề biển, nên đã tin thờ Nam Hải Ðại Tướng
Quân(Cá Ông), để cầu xin gia hộ che chở, trong lúc hành nghề đạm bạc
trên sông biến sóng gió . Tại Tây Ninh cũng vậy, những người tiều phu,
khai rẩy, phá rừng, cũng cảm thấy mình thật bé nhỏ, trước thiên nhiên
hùng vĩ và chúa sơn lâm, nên trong vô thức, đã bộc phát những nguyện cầu
tới các đấng thần linh và theo thời gian trở thành một tín ngưỡng, được
mọi người đồng tình chấp nhận và tồn tại tới ngày nay.
chùa Bà Đen
Khởi đầu vào thế kỷ XVII sau TL, người Việt đã bắt đầu tới Lục Chân
Lạp (Nam Phần) để lập nghiệp và đã dựng trên núi, một ngôi chùa lá không
tên, để làm nơi gởi gấm ký thác về thành tâm cầu nguyện các đấng thần
linh hộ trì giúp đỡ.
Năm 1745, có Thiền sư Thiệt Diệu (Liễu Quán), thuộc đời thứ 35 của
Thiền Phái Tế Thượng Chánh Tông, nhân đi ngang núi Bà Ðen, rung động
trước sự tĩnh lặng và phong cảnh hữu tình trong vùng, nên Ngài đã quyết
định ở lại tu trì. Cũng từ đó, chấm dứt thời kỳ tín ngưỡng dân gian tự
phát và một hệ thống chùa Phật được xây dựng tại đây.
Trải qua 252 năm thành lập, từ Tổ sư thứ 1 của Thiền Phái Tế Thượng,
tới nay đã truyền được 11 đời. (35-46) , nối tiếp nhau khai hóa hành đạo
tại núi Ðiện Bà (Tây Ninh).
Năm 1857 , Tỳ Kheo Thanh Thọ (Phước Chi ), xây dựng Ðại Hùng Bửu Ðiện
và Giảng đường. Năm 1864, Thiền sư Huệ Mạnh, khai mở Linh Sơn Long Châu
tự (Chùa Hang), cách chùa cũ chừng 300m. Năm 1871, xây dựng chùa Phước
Lâm, trên bờ con sông nhỏ, chảy ngang Ấp Vĩnh Xuân (Chợ Tây Ninh), được
xem như tiền trạm của thiện nam tín nử, trên đường lên núi hành hương
cúng Phật, nhất là ngày vía Bà mùng năm tháng năm hay Tết Nguyên Ðán.
Từ 1880-1910, Thiền sư Chơn Thoại (Trừng Tùng), xây thêm chùa Trung,
tức Linh Sơn Phước Trung, để cho khách leo núi có chổ nghỉ ngơi. Từ năm
1910 về sau, núi Bà Ðen rộng mở, thu hút khách thập phương tới cúng Phật
đông đảo. Ðây cũng thời gian Hòa Thượng Tâm Hòa, kiến tạo và mở rộng
chùa Trung.Từ 1920-1924, toàn thể khu vực quanh chùa được mở rộng, qua
hệ thống 21 tu viện chùa am lớn nhỏ . Ðồng thời một con đường, dài
1300m, rộng 6m, cũng được hoàn thành, từ chân núi lên chùa, tới nay tất
cả vẫn còn lưu dấu.
Năm 1945 , quân Nhật chiếm núi Bà Ðen, thiêu hủy toàn bộ hệ thống tu
viện trên núi. Ngày 2-11-1945 thực dân Pháp thay thế quân Nhật chiếm
đóng, ngoài việc đốt phá chùa chiền, còn bắt giết sát hại nhiều tăng ni.
Năm 1954 chia hai đất nước và Tây Ninh thuộc lãnh thổ VNCH, nên Hòa
Thượng Thích Giác Ðiền, trở lại núi, tái tạo lại hệ thống chùa Phật năm
xưa, thêm to lớn và đẹp đẽ. Nhưng Cọng sản Hà Nội lại phát động cuộc xâm
lăng Miền Nam qua cái gọi là MTGPMN công khai lộ diện từ tháng 12/1960.
Tây Ninh vì gần biên giới Kampuchia, nên được Bắc Việt, chọn đặt căn cứ
của Trung ương Cục Miền Nam., gọi tắt là cục R, cách tỉnh lỵ 64 km. Từ
năm 1960-1975, chiến tranh càng lúc thêm ác liệt, các tăng ni trên núi
Bà Ðen, phải theo Hòa thượng Thích Huệ Phương về tu tại chùa Phước Lâm
trong thị xã. Trên chùa chỉ còn hai Ni cô Thích Nữ Diệu Châu và Diệu
Nghĩa ở lại lo nhang khói. Núi Bà Ðen vắng ngắt mọi người.
Sau năm 1975, đất nước ngưng tiếng súng, cũng nhờ VC không còn phá
hoại và trên hết là tiền vàng cúng dường của Việt kiều muôn phương, tuôn
về giúp xây dựng lại chùa Phật trên núi Bà Ðen, hiện do Ni sư Thích Nữ
Diệu Nghĩa làm Viện chủ. Từ 1992-1997, trùng tu lại các ngôi chùa Linh
Sơn Long Châu tự (Chùa Hang), Linh Sơn Phuớc Trung tự (Chùa Trung) và
nhiều chùa Phật khác trên núi. Ðiện Bà lại mở rộng như từ 300 năm trứơc
với khách thập phương lên núi cúng Phật như không bao giờ dứt.
Tết vừa qua, trong lúc cả nhân loại kể cả người Việt tị nạn VC trên
mọi nẻo đường viễn xứ đều rộn rịp hoan hỉ đón mùng, thì ngay trên quê
hương VN, giặc vẫn không ngừng đàn áp tôn giáo, quyết tâm bắt ép cả
nước, phải tùng phục cái gọi là Phật giáo nhà nước, đem tượng Hồ Chí
Minh, ngồi ngang với Ðức Phật Tổ và chư vị Bồ Tát. Bởi vậy cho nên Uỷ
Ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), đã yêu cầu bộ ngoại giao Hoa Kỳ
phải đưa VC vào danh sách 10 nước, bị LHQ đánh giá là gây tổn hại cho
tôn giáo, mà Hà Nội lúc nào cũng to miệng nói rằng ở VN hiện nay rất có
tự do tôn giáo.
Như nhận xét của sử gia Hoàng Xuân Hãn ‘Ðời Lý là đời thuần từ nhất
trong lịch sử nước ta, đó chính là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo’. VN từ
1975 đến nay, qua chủ thuyết độc tài của Mác-Lê-Mao-Hồ, đã làm cho xã
hội và con người VN biến đổi, đánh mất tất cả những cao quý của Dân tộc
Việt có tự ngàn xưa, đưa đến hậu quả biến thành nô lệ của Tàu, vì không
còn chỗ dựa của tâm linh và lý tưởng ái quốc. Nhưng linh hồn đất Việt
vẩn còn đó, nhất là Phật giáo VN, suốt bao thế kỷ , luôn đồng hành chia
sẻ nỗi bất hạnh với đất nước, luôn đặt sự tồn vong của đạo với sự tồn
vong của dân tộc Việt. Bởi vậy:
“Dân tộc ta không thể nào thua chủ thuyết Cộng Sản
Ðạo Phật muôn đời sáng lạn, sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa vô thần Lê Mác
VN vẫn còn núi còn sông và ngôi chùa
Muôn đời không dời đổi”
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy
Tháng 8-2017
MƯỜNG GIANG
0 comments:
Post a Comment