Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Thursday 6 July 2017

Hoa Kỳ và Nhà Ngô:The United States and the House of Ngo

The United States and the House of Ngo
Hoa Kỳ và Nhà Ngô

Image may contain: one or more people, sky and outdoor
Lời mở đầu.
Các bạn thân mến,
Chúng tôi vừa nhận được một tập hồ sơ về những gì mà Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA đã làm tại Việt Nam từ thập niên 1940 đến giữa thập niên 1960. Sở dĩ tập hồ sơ này được thiết lập là do một sự việc như sau.
Vào tháng Sáu 2000, CIA phổ biến một tập tài liệu tiết lộ những gì mà họ đã làm tại Việt Nam từ 1954 đến 1963. Sau đó, có một số cựu viên chức cao cấp của Hoa Kỳ cho rằng tập tài liệu này có sự thiếu chính xác và thiếu sót chi tiết rõ ràng nên họ bổ túc. Chính vì sự bổ túc và cải chính này mà có thêm nhiều báo cáo nội bộ và nhiều đoạn nhật ký, sổ tay được trưng ra.
Tập hồ sơ này có đến hơn 3 ngàn trang trong đó có khoảng 80 báo cáo cá nhân và khoảng 1 ngàn trang nhật ký. Nhiều chỗ, danh tánh cá nhân đã được bôi đen để tránh phiền phức hoặc để bảo mật.
Phần đầu của tập hồ sơ này rất dài mà lại không liên quan đến cuộc đảo chánh năm 1963. Do đó, chúng tôi chỉ lược dịch tóm tắt để các bạn trẻ có thể hiểu được bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Những phần liên quan đến vụ đảo chánh, chúng tôi đã đối chiếu nhiều bản báo cáo khác nhau để có được sự chính xác nhất và đầy đủ chi tiết nhất.
Bây giờ, mời các bạn theo dõi.

Bài 1: Tại sao có trận Điện Biên Phủ?
Năm 1944, ba vị nguyên thủ quốc gia của ba siêu cường lúc bấy giờ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Teheran, thủ đô của Ba Tư. Đó là Thủ Tướng Winston Spencer Churchill của Liên Hiệp Anh, Tổng Thống Franklin Roosevelt của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, và Chủ Tịch Josef Stalin của Liên Xô. Hội nghị kết thúc sớm hơn nghị trình do cả ba đều có chủ trương khác nhau nên có sự bất đồng ý kiến giữa cả ba. Stalin chủ trương cho thuyết cộng sản lan tràn khắp Á Châu. Thủ Tướng Churchill chủ trương duy trì chính sách thuộc địa. Tổng Thống Roosevelt thì chống cả chủ thuyết cộng sản lẫn chủ nghĩa thuộc địa. Tuy nhiên, cả Nga lẫn Anh lúc đó đều cần Hoa Kỳ giúp đánh Đức Quốc Xã và Nhật Bản nên cả Churchill lẫn Stalin đều hứa với Roosevelt rằng dầu sao thì cuối cùng Đông Dương cũng được trả độc lập mà thôi. Khi hứa như thế, Churchill mưu tính những gì trong đầu, không ai dám quả quyết. Nhưng hầu như ai cũng có thể đoán được những mưu tính trong đầu Stalin: nếu Đông Dương được trao trả độc lập, chắc chắn Đảng Cộng Sản Đông Dương sẽ thống trị bán đảo này.
Không bao lâu sau đó, Roosevelt đột ngột qua đời và Harry Truman lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ. Lại cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, và Pháp muốn củng cố lại vị thế của mình tại Đông Dương. Tổng Thống Truman không ghét cay ghét đắng Tổng Thống Charles de Gaule của Pháp như Tổng Thống Roosevelt trước đó. Ông lại cũng không muốn cộng sản cai trị Đông Dương. Vì thế nên Truman sẵn sàng ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh chống cộng nhưng chưa biểu lộ công khai. Truman biết rằng Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga đã thực sự bắt đầu kể từ khi Hoa Kỳ chế tạo thành công bom nguyên tử. Ông không muốn làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Vì Truman chưa công khai hoá lập trường của mình nên Hồ Chí Minh vẫn còn hy vọng sống bám vào Mỹ. Chỉ trong vòng năm tháng từ tháng Chín 1945 đến tháng Hai 1945, Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng Thống Truman ít nhất 8 điện văn chính thức xin giúp đỡ. Phía Hoa Kỳ không chính thức phúc đáp các điện văn này. Vì không có sự phúc đáp một cách chính thức như thế nên người ta chỉ có thể dựa vào một sự việc xảy ra lúc đó để mà kết luận.
Vào thời bấy giờ, CIA chưa ra đời mà giữ vai trò điệp báo là Văn Phòng Chiến Lược Vụ (Office of Strategic Services) thường được gọi tắt là OSS. Cơ quan này đã giúp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp rất nhiều trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Điều này thì đã quá rõ ràng nên chúng ta không cần nói thêm ở đây. Ngày 26 tháng Chín 1945, người cầm đầu OSS tại Việt Nam là Trung Tá Peter Dewey bị quân Việt Minh phục kích bắn chết khi đang ngồi trên một chiếc xe Jeep ra phi trường Tân Sơn Nhứt. Dewey là quân nhân Hoa Kỳ đầu tiên hy sinh vì công vụ tại Việt Nam.
Quân Việt Minh xin lỗi, nói rằng bắn lầm, nhưng làm như thế đâu có đủ để Mỹ bỏ qua, nhất là trước đó các điệp viên của OSS đã giúp gầy dựng lực lượng võ trang mà sau này là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Vì thế nên người ta mới kết luận rằng vì vụ Việt Minh bắn chết Trung Tá Dewey mà chính phủ Hoa Kỳ không đáp lại lời thỉnh cầu của Hồ Chí Minh.
Năm 1949, Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch, nhuộm đỏ toàn Hoa Lục. Năm sau, quân Bắc Hàn vượt qua ranh giới, xâm lăng Nam Hàn và Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ. Hai sự kiện này cho Hoa Kỳ thấy hiểm hoạ cộng sản tại Á Châu đã quá rõ ràng. Vì thế nên Hoa Kỳ quyết định can thiệp bằng cách giúp Việt Nam Quốc Gia. Không rõ vì tình cờ hay vì có sự xắp xếp, vào đầu tháng Hai 1950, Quốc Hội Pháp ký kết một thoả ước mà theo đó, Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp do Quốc Trưởng Bảo Đại đứng đầu. Người Pháp làm như thế để Hoa Kỳ có thể viện trợ trực tiếp cho Việt Nam Quốc Gia, và không can dự gì đến Pháp.
Ngày 7 tháng Hai 1950, tức là ngay sau khi Pháp thừa nhận Việt Nam Quốc Gia, Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng thừa nhận tân quốc gia này.
Ngày 8 tháng Năm 1950, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson cho biết giữa Pháp và Hoa Kỳ đã đạt đến một thoả ước mà theo đó, Hoa Kỳ sẽ trợ giúp vũ khí cho lực lượng viễn chinh của Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương. Điều này nhằm mục đích chính yếu là giúp quân đội của ba quốc gia Việt Nam, Cao Miên và Lào có thể cùng chung với Pháp đánh quân Việt Minh. Sau đó, khi Pháp trao lại độc lập, ba quốc gia này có đủ thực lực để bảo vệ lãnh thổ.
Việc Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam Quốc Gia một cách đáng kể, trực tiếp và công khai chính thức bắt đầu vào ngày 3 tháng Tám 1950. Hôm đó, một phái bộ quân sự gồm có 35 người đến Sài Gòn. Đó là Toán Cố Vấn Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ (United States Military Assistance Advisory Group) được gọi tắt là MAAG. Theo sau họ là quân xa và phi cơ cùng với nhiều loại vũ khí được chở đến Việt Nam. Các cố vấn của MAAG có nhiệm vụ hướng dẫn Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cách sử dụng những loại vũ khí mới mẻ này. Cùng lúc đó, viện trợ dân sự cho ba quốc gia Đông Dương cũng được xúc tiến. Đến cuối năm đó, tổng số viện trợ của Hoa Kỳ cho Pháp tại Đông Dương, và cho ba quốc gia Việt Nam, Cao Miên, và Ai Lao đã lên đến nửa tỷ Mỹ-kim.
Ở đây, chúng ta cũng nên nhớ lại rằng Trung Cộng chính thức viện trợ quân sự cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà của Hồ Chí Minh vào tháng Giêng năm này. Viện trợ quân sự bao gồm cả những loại vũ khí tối tân nhất.
Ngày 7 tháng Chín 1951, Hoa Kỳ và Việt Nam gia hạn thoả ước tương trợ với một ít tu chính. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và nhân đạo cho Việt Nam. Vì thế nên mới có sự bàn tán giữa các chính khách Hoa Kỳ. Theo họ, Tướng Jean de Lattre de Tassigny của Pháp biết rất rõ ràng rằng Hoa Kỳ muốn biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống cộng nên đã cố tình tạo ra một bối cảnh Việt Minh có mặt khắp nơi tại miền Nam Việt Nam để Hoa Kỳ gia tăng viện trợ. Hoa Kỳ tăng viện trợ cho Việt Nam Quốc Gia có nghĩa là Pháp được người bản xứ tiếp tay mạnh hơn trong việc đánh lại quân Việt Minh.
De Tassigny tỏ vẻ bất bình và sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Pháp ngày càng trầm trọng.
Tháng Bảy 1952, Tổng Thống Truman ký sắc lệnh nâng cấp ngoại giao đoàn Hoa Kỳ tại Sài Gòn lên cấp Toà Đại Sứ. Như thế, Hoa Kỳ đã cho Pháp thấy rằng họ đã bang giao chính thức với Việt Nam và bắt đầu tranh giành ảnh hưởng với Pháp tại Bán Đảo Đông Dương.
Ngày 4 tháng Mười Một 1952, Đại Tướng Dwight David Eisenhower, một người hùng của Đệ Nhị Thế Chiến, đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Eisenhower có cái nhìn khác hẳn về tình hình Đông Dương so với vị tiền nhiệm của ông. Truman xem cuộc chiến ở đây như một sự tranh giành giữa người bản xứ và thực dân. Eisenhower thì trái lại, xem đó như là một cuộc chiến giữa phe cộng sản và thế giới tự do, điển hình là Trung Cộng ngày càng đổ nhiều chiến cụ vào miền Bắc cho Việt Minh. Hai nhân vật thân cận nhất của Tổng Thống Eisenhower là Phó Tổng Thống Richard Nixon và Ngoại Trưởng John Foster Dulles cũng có một cái nhìn tương tự và hai ông này thậm chí còn cho rằng phát động một chiến dịch ngăn chặn làn sóng đỏ tại Đông Nam Á là một điều cần thực hiện ngay.
Ngày 20 tháng Năm 1953, Đại Tướng Henri Navarre trở lại Đông Dương một lần nữa để giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại đây. Navarre nói một câu để đời, rằng việc chiến thắng quân Việt Minh giống như ánh sáng đã loé ra ở cuối đường hầm. Ba tháng sau, tình hình còn tệ hại cho Pháp hơn nữa nên đến tháng Chín thì Hoa Kỳ gia tăng viện trợ cho Việt Nam Quốc Gia. Lúc đó, ngoài miền Bắc thì Trung Cộng đem thêm quân xa, trọng pháo và cao xạ phòng không sang cho Việt Minh. Trong Nam, Hoa Kỳ chi viện cho Việt Nam Quốc Gia 1 tỷ 133 triệu Mỹ-kim, tức là một phần ba tổng số ngoại viện của Hoa Kỳ.
Đến ngày 20 tháng Mười Một năm đó, quân Pháp đánh bật Việt Minh ra khỏi Điện Biên Phủ. Tháng Ba năm 1954, quân Việt Minh lại đem quân đến bao vây Điện Biên Phủ, lần này thì đông quân hơn và được trang bị mạnh hơn rất nhiều.
Tại sao Việt Minh quay lại Điện Biên Phủ để đánh Pháp một lần nữa?
Một cuộc chiến, hay một trận đánh, đều có nguyên nhân và mục đích. Trận Điện Biên Phủ tuy rằng đạt được mục đích rõ ràng chứ không như trận Trân Châu Cảng nhưng nói về nguyên nhân thì hai trận này giống nhau.
Năm 1931, giới quân phiệt Nhật Bản gây hấn ở Viễn Đông và sau đó xâm chiếm Mãn Châu. Gần đến cuối thập niên 1930 thì quân đội Nhật đã xuất hiện ở những vùng mà Hoa Kỳ có quyền lợi. Vì thế nên sau cùng thì Hoa Kỳ ra tối hậu thư rằng nếu quân đội Nhật không rút ra khỏi những nơi này, Hoa Kỳ sẽ cắt hết nguồn cung cấp dầu hoả cho Nhật Bản.
Không có dầu hoả, Nhật Bản không thể nào điều hành guồng máy chiến tranh. Nhưng điều đình với Hoa Kỳ thì giới quân phiệt Nhật Bản lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ đưa ra những điều kiện khắc nghiệt. Giữa bối cảnh đó, Đô Đốc Isoroku Yamamoto, một người rất yêu chuộng hoà bình và rất có cảm tình với Hoa Kỳ, cố gắng thuyết phục giới quân phiệt Nhật Bản điều đình với Hoa Kỳ. Yamamoto cam kết rằng ông sẽ có cách chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng Nhật Bản có sức mạnh quân sự hơn là cần thiết để đối đầu với Hoa Kỳ. Một khi chứng minh được như thế, Yamamoto tin rằng Hoa Kỳ sẽ chịu thương thuyết với Nhật Bản mà không đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Quả nhiên, giới quân phiệt Nhật Bản đồng ý thương thuyết với Hoa Kỳ nếu như Yamamoto có cách nào đó để dằn mặt Hoa Kỳ trước, để Hoa Kỳ không dám coi thường Nhật Bản.
Vì muốn chứng minh sức mạnh quân sự của Nhật Bản, Yamamoto đã cho đánh Trân Châu Cảng mà chính ông là người chỉ huy. Ông muốn chứng minh sức mạnh của Nhật Bản để Hoa Kỳ chịu đàm phán với giới quân phiệt Nhật Bản mà không đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Mục đích của Yamamoto thì như thế nhưng hậu quả thì ngược lại. Vì trận Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản và cuối cùng thì Nhật Bản tan hoang, giới quân phiệt phá sản hoàn toàn.
Với trận Điện Biên Phủ 1954, Trung Cộng cũng có một mục đích tương tự như Yamamoto mà Việt Minh không hề hay biết. Vào đầu năm đó, đại diện của Tứ Cường là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nga đã họp tại Bá Linh để bàn về Đông Dương. Sau đó, Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai gặp gỡ Ngoại Trưởng Dulles của Hoa Kỳ mấy lần và sau cùng thì hai đại cường đi đến một thoả ước về Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ đã chứng tỏ được ý định của họ khi viện trợ ồ ạt cho Việt Nam Quốc Gia thì Trung Cộng cũng có quyền cho Pháp thấy ý đồ của họ tại miền Bắc khi họ viện trợ không ngừng cho Việt Minh. Để chứng tỏ ý đồ của mình, Trung Cộng ra lệnh cho Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ công khai của Bắc Kinh.
Sau chiến thắng tại Điện Biên Phủ, quân Việt Minh lên tinh thần, muốn đánh thêm mấy trận lớn nữa, nhưng Trung Cộng không cho phép.
Với Chiến Tranh Triều Tiên, Trung Cộng đã thấy sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ kinh khiếp như thế nào. Nếu Trung Cộng để Việt Minh đánh tiếp, chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp quân sự và đó là một điều Trung Cộng rất sợ. Chu Ân Lai biết rất rõ Eisenhower. Chu Ân Lai biết rằng mặc dù đã có thoả ước với Trung Cộng, Hoa Kỳ sẽ làm bất cứ điều gì tại Đông Dương để cản bước tiến của cộng sản và vì thế nên Eisenhower không muốn thấy Việt Minh có thêm một chiến thắng nào khác.
Chu Ân Lai chỉ thị cho Việt Minh ngưng chiến và điều đình với Pháp. Vì thế nên mới có Hội Nghị Quân Sự Trung Giã.
Với trận Điện Biên Phủ, Việt Minh được ngồi xuống đàm phán với Pháp trên vị thế bình đẳng. Trung Cộng thì đạt được mục đích riêng của họ như đã nói ở trên, và kế đến là Hiệp Định Genève.

Trong bài tới, chúng ta sẽ xem lại những nguyên do và yếu tố đưa Ông Ngô Đình Diệm trở thành nhà lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà.
Hình thứ nhất là Trung Tá Peter Dewey.
Hình thứ hai là nông dân Việt Nam chào đón phái bộ viện trợ Hoa Kỳ lần đầu tiên, 1950.
Hình thứ ba là thư Hồ Chí Minh gửi cho Tổng Thống Truman ngày 28 tháng Hai 1946, xin giúp đỡ. Hồ viết sai chính tả và sai văn phạm, hành văn luộm thuộm.

----------------
 Image may contain: 10 people, people standing and wedding
Bài số 2: Chí Sĩ Ngô Đình Diệm
Cuối tháng Bảy 1953, Chiến Tranh Triều Tiên kết thúc. Người Pháp lạc quan. Họ tin rằng kể từ đây Hoa Kỳ sẽ rảnh tay để giúp họ nhiều hơn tại Đông Dương. Họ đã lầm một cách đáng thương. Nhân dân Hoa Kỳ nói chung không thích chính sách thực dân mà Pháp là một trong những quốc gia thực thi từ lâu. Giới quân nhân Hoa Kỳ thì lại khinh bỉ giới quân sự Pháp qua việc họ hèn hạ đầu hàng Đức Quốc Xã rồi thành lập chính phủ bù nhìn Vichy. Vì thế nên viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương vẫn không có gì thay đổi. Người Mỹ chú trọng hơn đến việc giúp ba dân tộc Đông Dương.
Trong khi đó thì Trung Cộng, vốn cũng đang rảnh tay vì Chiến Tranh Triều Tiên đã kết thúc, gia tăng viện trợ quân sự tối đa cho Việt Minh. Vừa có thêm vũ khí và chuyên gia quân sự cố vấn, vừa được chính trị thúc đẩy, quân Việt Minh mở thêm nhiều trận đánh và quân Pháp mất thêm một số căn cứ. Trước tình thế đó, người Pháp chỉ còn trông mong vào hai việc.
Về quân sự, Pháp hy vọng rằng Quân Đội Việt Nam Quốc Gia vốn được viện trợ của Hoa Kỳ sẽ cố gắng đánh Việt Minh mạnh hơn để không để mất thêm lãnh thổ. Điều này thì hy vọng của người Pháp có tính cách thực tế bởi vì lúc đó Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đang đẩy mạnh các chiến dịch đánh Việt Minh trên lãnh thổ Việt Bắc. Trong hàng ngũ sĩ quan trẻ, chúng ta thấy có Thiếu Tá Phạm Văn Đỗng, Đại Uý Trần Thiện Khiêm, Đại Uý Nguyễn Văn Thiệu, Trung Uý Đặng Văn Quang, Trung Uý Nguyễn Triệu Hồng, Trung Uý Cao Văn Viên. Hầu hết các vị này là từ miền Nam ra chiến đấu chống cộng sản ngoài đó.
Về mặt hành chánh quản trị, Pháp hy vọng sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng để các vị thủ tướng của Việt Nam Quốc Gia luôn dành cho Pháp đặc quyền đặc lợi về kinh tế tại Bán Đảo Đông Dương.
Trong khi đó thì Hoa Kỳ tuy cũng có cùng một nhận định giống như Pháp về tình hình Đông Dương nhưng lại muốn giải quyết theo chiều hướng khác hẳn. Họ không muốn chủ thuyết cộng sản bành trướng tại Đông Nam Á và cũng muốn chấm dứt luôn chủ nghĩa thực dân tại Bán Đảo Đông Dương. Vì thế, Mỹ muốn Việt Nam Quốc Gia có một nhà lãnh đạo có tinh thần quốc gia dân tộc, vừa chống cộng vừa chống thực dân.
Lúc bấy giờ, Việt Nam có được mấy vị vừa chống cộng vừa chống thực dân. Tuy nhiên, theo nhận xét của người Mỹ thì những vị này chỉ có uy tín tại một vùng nào đó chứ chưa được trên phạm vi quốc gia. Những vị đó lại có khái niệm rất giới hạn về dân chủ, không am tường về thế giới tây phương cũng như thời cuộc trên toàn thế giới. Vậy nên cuối cùng thì Mỹ thấy rằng chỉ còn một người hội đủ những tiêu chuẩn mà họ xét thấy cần thiết, nhất là đủ bản lãnh để đối đầu với Hồ Chí Minh. Nhưng, người đó đang ở ngoại quốc chứ không phải đang chiến đấu ở Việt Nam. Đó là Ông Ngô Đình Diệm.
Vào năm 1933, Ngô Đình Diệm đã giữ chức Thượng Thư Bộ Lại, tương đương với chức Bộ Trưởng Nội Vụ sau này. Vừa nhậm chức, ông đưa ra một chương trình cải cách rất lý tưởng nhưng Pháp cản lại, không cho thực thi. Thấy Pháp không thực tâm trong việc cải cách xã hội Việt Nam, nâng cao đời sống nhân dân, Ông Diệm từ chức, và phản đối Pháp. Pháp cho mật vụ lùng bắt ông, và đã mấy lần ông thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.
Năm 1949, lại chính người Pháp tỏ ý muốn Ông Diệm ra làm thủ tướng nhưng ông từ chối. Ông không muốn làm một thủ tướng bù nhìn vì không tin rằng người Pháp có thật tâm. Như thế, Ông Diệm không phải là một người hám lợi hám danh mà chỉ muốn phục vụ đất nước nếu như người ta để cho ông làm việc đó một cách độc lập.
Đối với chính phủ Hoa Kỳ, điều này cho thấy Ông Ngô Đình Diệm không phải là một nhân vật bảo thủ. Ông có tinh thần dân tộc, đầu óc canh tân, và ông có lập trường chống thực dân Pháp. Quan trọng hơn nữa, ông có thiện chí dấn thân, phục vụ đất nước.
Về lập trường quốc gia, chống cộng sản, Nhà Ngô đã chứng tỏ rất rõ ràng: Ông Ngô Đình Khôi đã bị Việt Minh thủ tiêu.
Ngoài ra, Ông Ngô Đình Diệm còn là một tín hữu Công Giáo. Dân Mỹ nói chung rất ít người là Công Giáo. Đa số theo Thanh Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm. Dẫu sao, đối với họ thì một người Đông Á theo Thiên Chúa Giáo như Ông Diệm là một người gần gũi với Tây phương. Ông Diệm lại biết tiếng Anh, một điều khá hiếm có tại Việt Nam thời bấy giờ. Ông Diệm lại sống nhiều năm tại Âu Châu nên hiểu về đời sống, văn hoá tại đây. Ông cũng từng sống ẩn dật trong nhà dòng bên Mỹ từ tháng Giêng 1951 đến tháng Năm 1953 và do đó, am hiểu ít nhiều về nước Mỹ, người Mỹ. Nói tóm lại, Ông Ngô Đình Diệm được cảm tình của chính phủ Eisenhower, được cảm tình của dân Mỹ, và được sự hậu thuẫn rất tích cực của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ mà rõ ràng nhất là Đức Hồng Y Francis Spellman. Riêng chính giới Hoa Kỳ thì xem ông như là niềm hy vọng duy nhất để ngăn chận làn sóng đỏ ở Đông Nam Á. Ông Diệm được hai chính khách đang lên là Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield và Thượng Nghị Sĩ John Kennedy quý trọng rõ ràng.
Ngày 7 tháng Năm 1954, Điện Biên Phủ rơi vào tay Việt Minh. Chỉ một ngày sau, phái đoàn của chín quốc gia đến Genève để cùng hội thảo về việc chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương. Pháp công khai phản đối giải pháp chia đôi Việt Nam nhưng tại hậu trường thì lại rỉ tai với những kẻ đi đêm rằng có thể chấp nhận điều đó nếu như không còn một giải pháp nào khác khả dĩ thực thi.
Lúc đầu, người ta dự trù rằng hội nghị sẽ kéo dài hai tuần, nhưng vì Phạm Văn Đồng liên tiếp đưa ra những đòi hỏi mà Pháp không chấp thuận nên đến sáu tuần nó mới kết thúc. Tại hội nghị này, có những điểm mà các bạn trẻ nên ghi nhớ như sau.
Đại diện của Trung Cộng là Thủ Tướng Chu Ân Lai và đại diện của Liên Xô là Ngoại Trưởng Vyacheslav Molotov. Cả hai đều nghiêm trang khuyến cáo Phạm Văn Đồng rằng không được để hội nghị đi đến chỗ bế tắc.
Kế đến, Chu Ân Lai đưa ra đề nghị rằng để có thể thực thi đình chiến tại Đông Dương, Việt Minh phải rút hết quân từ Lào và Cao Miên về. Chu Ân Lai đưa ra nhận xét rằng nếu quân Việt Minh tiếp tục ở lại Cao Miên và Lào, đình chiến sẽ không kéo dài được lâu, chiến tranh lại tiếp tục trong khi Trung Cộng thì không muốn tiếp tục can dự vào cuộc chiến này lâu hơn nữa.
Các quốc gia Tây Phương thì lại chú trọng hơn đến giải pháp chia đôi Việt Nam. Theo họ, việc Pháp càng đánh càng thua có nghĩa là lãnh thổ Việt Nam sẽ mất dần vào tay cộng sản. Chia đôi Việt Nam có nghĩa là ít nhất một nửa của quốc gia này thoát được sự cai trị của cộng sản. Sau đó, Chu Ân Lai cũng đồng ý với giải pháp này. Điều này chứng tỏ rằng Trung Cộng không muốn cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trở thành một quốc gia nguyên vẹn và hùng mạnh.
Trong khi hội nghị tại Genève đang sôi nổi thì Hoa Kỳ lại bận tâm đến việc khác. Hoa Kỳ không muốn dính dáng gì đến hội nghị này là vì họ không muốn dính dáng đến việc bàn thảo để đưa ra giải pháp có thể có lợi cho cộng sản hoặc có thể có lợi cho thực dân, hoặc cả hai. Vậy nên Hoa Kỳ chỉ gửi đến hội nghị một quan sát viên là Walter Bedell Smith.
Ngày 1 tháng Sáu, Edward Lansdale, một đại tá của Không Quân Hoa Kỳ, cùng Phái Bộ Quân Sự Sài Gòn (Saigon Military Mission) đến Sài Gòn. Đại Tá Lansdale giữ chức vụ trưởng phái bộ và như thế, đương nhiên ông kiêm nhiệm luôn chức vụ Tuỳ Viên Quân Sự tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Trên thực tế, Lansdale là một tay trùm gián điệp của CIA vốn là OSS mới được cải tổ và cải danh. Nhiệm vụ của Lansdale tại Việt Nam là tái tổ chức mạng lưới chống cộng theo hình thức mới mà trong đó, tâm lý chiến giữ một vai trò quan trọng.
Ngày 18 tháng Sáu, Quốc Trưởng Bảo Đại, lúc đó đang ở Cannes, Pháp, bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm là Thủ Tướng Việt Nam Quốc Gia, thay thế Hoàng Thân Bửu Lộc.
Cũng trong ngày hôm đó, Thủ Tướng Pháp Pierre Mendès-France bay đến Berne, thủ đô của Thuỵ Sĩ, để bí mật gặp Chu Ân Lai. Mendès-France, vốn mới đắc cử thủ tướng, cho Chu Ân Lai biết rằng nếu cho đến ngày 20 mà không đạt được thoả thuận đình chiến tại Đông Dương, ông sẽ gửi thêm quân đến đó đồng thời ban hành lệnh tổng động viên, đánh Việt Minh cho đến cùng.
Chu Ân Lai trở lại Genève, gọi Phạm Văn Đồng ra dặn dò. Việt Minh thay đổi thái độ ngay lập tức và chỉ hai ngày sau, Hiệp Định Genève chia đôi Việt Nam được ký kết.
Một trong những điều khoản của hiệp định này ghi rõ ràng là trong vòng 300 ngày, tất cả mọi người Việt Nam có quyền tự do định cư tại nơi khác. Một điều khoản khác ghi rằng đúng 2 năm sau, ngày 20 tháng Bảy 1956, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức để bầu vị nguyên thủ của cả Việt Nam và thống nhất hai miền.
Chỉ mấy ngày sau khi hiệp định được ký kết, miền Bắc nhốn nháo hẳn lên về việc di cư vào Nam để trốn cộng sản. Người đứng ra khuyến khích đồng bào miền Bắc vào miền Nam chính là Đại Tá Lansdale. Rất nhiều người miền Bắc, nhất là Công Giáo, đã bỏ lại tất cả mọi thứ để chạy vào Nam.
Hoa Kỳ và Pháp đã phối hợp chặt chẽ trong việc giúp dân miền Bắc di cư vào miền Nam. Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp phương tiện chuyên chở bằng đường biển trong khi Không Quân Hoa Kỳ trợ giúp việc di chuyển bằng phi cơ. Tại Sài Gòn, Đại Tá Victor Croizat của MAAG đã đứng ra đôn đốc việc dựng các trại tạm cư để đón tiếp đồng bào.
Ngày 20 tháng Tám, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đệ trình lên Tổng Thống Eisenhower một bản đề nghị thay đổi một số điều khoản trong chính sách của Hoa Kỳ tại Viễn Đông. Theo đó, Hoa Kỳ nên yểm trợ mạnh mẽ thủ tướng của Việt Nam Quốc Gia hơn trước. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ nên yểm trợ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mạnh hơn là đối với các thủ tướng trước đó. Thủ Tướng Diệm mới thay thế Hoàng Thân Bửu Lộc ngày 7 tháng Bảy. Tổng Thống Eisenhower chấp thuận đề nghị này.
Ngày 6 tháng Sáu 1955, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trong một cuộc phỏng vấn cò mồi đã tỏ ý rằng Bắc Việt muốn thảo luận với Việt Nam Quốc Gia về việc chuẩn bị tổng tuyển cử để thống nhất hai miền vào năm sau. Đúng một tháng sau, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng Hiệp Định Genève 1954 có một bản tuyên ngôn tối hậu nhưng lại không có bên nào ký vào đó. Còn riêng về thoả thuận giữa hai bên thì đó là chuyện của Pháp và Việt Minh, không có liên quan gì đến Việt Nam Quốc Gia. Do đó, Việt Nam Quốc Gia không có bổn phận phải thi hành Hiệp Định Genève 1954.
Đến đây, tôi cũng xin nói thêm về Hiệp Định Genève 1954. Ký kết hiệp định này là Tạ Quang Bửu đại diện Việt Minh và Henri Delteil đại diện cho Pháp. Ngoài ra, còn có Bản Tuyên Bố Tối Hậu của Hội Nghị Genève nhưng không bên nào chịu ký vào. Các bạn nào muốn biết rõ hơn, có thể tìm trên internet qua mấy chữ “The Final Declaration of the Geneva Conference”.
Trong mấy tháng cuối năm 1955, có nhiều biến chuyển tại miền Nam Việt Nam. Các tổ chức hậu thuẫn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ngày càng mạnh thế hơn các tổ chức hậu thuẫn Quốc Trưởng Bảo Đại. Do đó, càng ngày thì Thủ Tướng Diệm càng bị hối thúc tổ chức trưng cầu dân ý về việc truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại, vốn ở lì bên Pháp thay vì ở Việt Nam. Vậy nên cuối cùng mới có cuộc trưng cầu dân ý đi đến truất phế Bảo Đại và thành lập nước Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 26 tháng Mười 1955.
Đến đây, có lẽ các bạn đã thấy rất rõ ràng rằng Ông Ngô Đình Diệm trở thành thủ tướng của Việt Nam Cộng Hoà là một điều mà người Mỹ mong muốn. Nó khác hẳn với luận điệu tuyên truyền rằng Ông Diệm là người Mỹ đưa lên. Có nhiều người nói rằng Ông Diệm đã vận động để được Mỹ đưa lên làm thủ tướng. Điều này hoàn toàn sai, nhưng nó bắt nguồn từ sự việc như sau. Sau khi được biết rằng chính phủ và chính giới Hoa Kỳ muốn mình làm thủ tướng, Ông Diệm có gặp gỡ một số chính khách Hoa Kỳ và nói rằng nếu ông làm thủ tướng thì cần có sự ủng hộ của họ để ông có thể chu toàn nhiệm vụ. Trong số những chính khách Hoa Kỳ cam kết sẽ ủng hộ Ông Diệm, có Thượng Nghị Sĩ Rupert Humphrey, người sau này trở thành Phó Tổng Thống Hoa Kỳ. Những kẻ có ác ý đã lợi dụng việc này để nói xấu rằng Ông Diệm xin chính khách Mỹ ủng hộ để được làm thủ tướng.
Bây giờ thì chúng ta bước sang phần chính. Đó là vai trò của CIA tại Việt Nam trong thời gian đó.
Nhiệm vụ chính của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ CIA là bảo vệ quyền lợi của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tại hải ngoại. Vì thế, CIA phải làm những gì cần làm một khi có điều gì xảy ra liên quan đến nền kinh tế, an ninh của Hoa Kỳ. CIA cũng phải làm những gì cần thiết để duy trì sự ổn định tại những nơi mà Hoa Kỳ có quyền lợi, hoặc quan tâm. Vì thế nên vào thời kỳ 1954 – 1958, CIA có nhiệm vụ yểm trợ tối đa Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, vì ông là vị nguyên thủ quốc gia mà Hoa Kỳ mong mỏi Việt Nam được có. Nhiệm vụ này đối với CIA vào lúc đó không dễ dàng bởi vì họ chưa bao giờ phải làm việc trong một tình cảnh khác thường như thế. Tại sao lại có sự khác thường ở đây?
Tuy rằng chỉ mới thành lập được mấy năm nhưng CIA đã làm được nhiều việc, nhờ vào thành phần nhân sự của tổ chức tiền thân là OSS. Năm 1948, các nhân viên của CIA tại Ý Đại Lợi đã âm thầm làm việc ngày đêm mà nhờ đó, Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo đã tái đắc cử, đám thiên tả thua to.
Năm 1950, CIA gửi thêm nhân viên sang Phi Luật Tân để giúp Tổng Thống Ramon Magsaysay về chống cộng. Nhờ vậy, đám phiến cộng Huk đã bị đánh bại.
Năm 1953, CIA đã giúp Quốc Vương Ba Tư lấy lại ngai vàng.
Đầu năm 1954, CIA đã giúp cánh hữu tại Guatemala lật đổ chính quyền thiên cộng.
Qua các sự kiện trên, chúng ta thấy rằng CIA đã ra tay tại những nơi mà chủ thuyết cộng sản là hiểm hoạ. CIA đã đạt được mục đích bằng cách yểm trợ một cá nhân hay một chính đảng. Tại Việt Nam, CIA cũng có cùng một nhiệm vụ là giúp chính quyền sở tại đối đầu với hiểm hoạ cộng sản. Thế nhưng hoàn cảnh của CIA tại Việt Nam lúc đó không giống bất cứ hoàn cảnh nào mà họ đã trải qua trước đó.
Hiệp Định Genève 1954 không hề nói rằng Việt Nam được chia đôi để trở thành hai quốc gia riêng biệt. Như thế, Vĩ Tuyến 17 không phải là biên giới quốc gia mà chỉ là lằn ranh phân chia tạm thời. Nó sẽ bị bãi bỏ một khi có tổng tuyển cử vào năm 1956. Thế mà bây giờ, với sự hậu thuẫn và thúc đẩy của các tổ chức chính trị, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã tuyên bố sự ra đời của một tân quốc gia, Việt Nam Cộng Hoà. Vì thế, việc Hoa Kỳ hậu thuẫn Thủ Tướng Diệm đã từ việc hậu thuẫn một nhà lãnh đạo trở thành việc thành lập một tân quốc gia. Vì ưu tiên tối cao của CIA là phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ nên CIA thấy rằng việc Hoa Kỳ giúp thành lập một tân quốc gia là Việt Nam Cộng Hoà không có lợi cho bằng củng cố bang giao với Pháp, vốn đang hồi phục dần dần. Do đó, CIA tại Sài Gòn không tha thiết cho lắm trong việc giúp Việt Nam Cộng Hoà trở thành một tiền đồn chống cộng, giống như chính phủ Hoa Kỳ mong muốn.
Và, CIA cũng đã bắt đầu có thành kiến với Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, đó chỉ là nói chung về CIA tại Sài Gòn. Nếu có một cái nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng có sự bất đồng giữa chính các nhân viên CIA tại Sài Gòn với nhau, có sự mâu thuẫn giữa các cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn và giới quân sự Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn. Vậy nên thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu về sự việc này.
Chính phủ Hoa Kỳ lúc đó tin rằng với Hiệp Định Genève 1954 đã được ký kết và có Uỷ Hội Quốc Tế giám sát, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chắc chắn là sẽ không dám xâm lăng Việt Nam Cộng Hoà ngay. Chính vì thế nên Hoa Thịnh Đốn muốn các cố vấn quân sự tại Sài Gòn chú tâm về việc đối đầu với đám phiến cộng. Các nguồn tin tình báo cho thấy cộng sản còn cài rất nhiều cán bộ lại miền Nam và đây mới chính là hiểm hoạ trước mắt.
Trong khi đó, các cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, căn cứ vào tình hình yên ổn tại các vùng thôn quê, báo cáo về Hoa Thịnh Đốn rằng quân phiến cộng không có được một hoạt động nào đáng kể. Vì thế, họ ưu tiên cho việc chuẩn bị chống làn sóng xâm lăng từ miền Bắc.
Bực mình, hoang mang và thất vọng, Hoa Thịnh Đốn liên tục thay đổi người chỉ huy MAAG. Lạ thay, những vị kế nhiệm cũng nhận định và báo cáo tương tự như các vị tiền nhiệm của họ. Vì thế nên Hoa Thịnh Đốn chỉ còn biết tin tưởng vào các báo cáo của CIA. Mỉa mai thay, như đã nói ở trên, đứng đầu ngành CIA tại Sài Gòn lại chính là Đại Tá Lansdale mà ông này thì thay đổi nhiệm vụ nhân viên của mình rất thường xuyên.
Trong báo cáo của mình, Orren Magill than thở rằng tuy mình là một nhân viên của CIA, Lansdale lại giao cho ông vai trò liên lạc viên cá nhân của Lansdale suốt năm 1954. Sau đó, Lansdale đẩy ông sang phần hành dịch vụ.
Tương tự, Paul Harwood được Lansdale chỉ định đặc trách các nhiệm vụ bí mật trong hai năm liền từ 1954 đến 1956. Sau đó, ông bị đẩy sang làm cố vấn cho ông Ngô Đình Nhu, một vai trò mà ông không thích hợp.
Rufus Philips thì làm trong ban tham mưu của Lansdale từ 1954 đến 1955, đặc trách về quân sự. Sau đó, ông bị đẩy sang phần hành khác.
Những nhân viên CIA nói trên cũng như các đồng nghiệp của họ đều có định kiến riêng, có cái nhìn chủ quan riêng. Vì thế nên báo cáo của họ thường khác nhau. Những điều này đã đưa đến việc Hoa Thịnh Đốn nhận được nhiều báo cáo sai lại về việc làm của chính phủ Ngô Đình Diệm, về tình hình tại Việt Nam. Cuối cùng, Hoa Thịnh Đốn đã dựa vào một số báo cáo sai sự thật đó mà quyết định cho đảo chánh vào năm 1963. Đó là những gì mà chúng ta sẽ xem đến trong các bài kế tiếp.
Hình đính kèm là Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hoà Ngô Đình Diệm và Tân Nội Các, 1955.

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.