“Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc”. Đó là xác nhận của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày 24/02/2017 tại Hà Nội, do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) phổ biến.
Nhưng tại sao cho đến nay, sau 5 tháng thi hành Nghị quyết Trung ương 4/XII (30/10/2016) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ” và 10 năm áp dụng Quy định số 115- QĐ/TW, ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị về “19 điều đảng viên không được làm” mà đảng viên vẫn coi “kỷ luật đảng” là thứ nói chả ai nghe và làm theo?
Thậm chí, theo lời ông Trọng: “Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, toà án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.”
Vì vậy ông kết luận: “Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống…”
Than phiền, chê trách về công tác xây dựng đảng của ông Trọng không mới mà chỉ chứng minh đảng không còn kiểm soát được đảng viên viên nữa. Hay vì thượng đã bất chính thì hạ phải tắc lọan? Nhân nào thì sinh ra qủa nấy là lẽ tuần hòan của tạo hoá không ai cưỡng được.
Nhưng những người cầm đầu đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) từ xưa cho đến bây giờ cứ tưởng học tập lời “Bác nói” càng nhiều thì cán bộ, đảng viên sẽ biết sợ để tu thân tích đức mà cống hiến hết mình cho dân cho nước.
Khổ nỗi, ông Hồ nói nhiều điều dạy đảng viên nghe rất nổ như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hay “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nhưng chính các cháu ngoan của ông lại tham nhũng ngập đầu và tranh nhau làm chủ nhân dân để bóc lột mồ hôi nước mắt. Thậm chí có kẻ còn cam tâm cúi đầu trước ngọai bang để được yên thân mà miệng cứ oang oang kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.
Vì vậy không lạ khi thấy những khẩu hiệu như “xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh” ; “đảng ta là đạo đức, là văn minh”; “nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm’’; “trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh’’ đã được xào qua xáo lại không biết bao nhiêu triệu lần mà tham nhũng thì lúc nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng” và “tinh vi” . Tình trạng kèn cựa trong đảng, lợi ích nhóm, nịnh trên nạt dưới, vây bè kết cánh cũng đã được nói hết trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa đảng XII.
NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT
Vậy tại sao 3 công tác “kiểm tra”, “giám sát” và “kỷ luật” trong đảng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt?
Theo quy định thì: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng”.
Và nục đích của Quy định 115- QĐ/TW ngày 07/12/2007 là để “tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.”
Cả hai tài liệu cùng nhằm mục tiêu bảo vệ chặt chẽ kỷ luật đảng đối với ngót 4 triệu đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo và những người đứng đầu.
Về tư tưởng, đảng viên phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh; phải tuyệt đối trung thành với đảng; phải thường xuyên “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để rèn luyện bản thân.
Nhưng Nghị quyết Trung ương 4/XII, ngày 30/10/2016 lại thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao.”
Tại sao lại như thế nhỉ?
Có thắc mắc vì công tác này, trên nguyên tắc đã bắt đầu từ sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời năm 1969 với “khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.” (Theo tài liệu Ban Tuyến gíao 4/10/2016)
Chả ai biết chuyện học tập này có đi đến đâu không. Chỉ biết mãi đến ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX thời Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư đảng thì công tác “học Bác” mới chính thức trở thành phong trào với Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”. (Tài liệu Ban Tuyên giáo, 4/10/2016)
Tài liệu tuyên truyền này viết tiếp: ”Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Sau 2 nhiệm kỳ 10 năm, ông Mạnh về vườn “vui thú điền viên” mà công tác học Bác vẫn ngổn ngang trăm bề khiến cho người kế nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng phai lăn lưng ra yêu cầu tại khoá đảng XI “đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân.”
Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nhưng sau 5 năm thi hành Bộ Chính trị do ông Trọng cầm đầu lại thấy: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.”
Sau 5 năm xôi hỏng bỏng không, ông Tổng Trọng lại tung chưởng tại Đại hội XII để “tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Tài liệu của Ban Tuyên giáo viết: ”Mục đích, yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW. Trong đó, nhấn mạnh, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.”
Như vậy, nếu tính sơ từ thời Nông Đức Mạnh (10 năm) đến gần nửa nhiệm kỳ khóa XII của ông Nguyễn Phú Trọng (7 năm), đảng CSVN đã mất toi 17 năm học Bác mà vẫn chưa làm nên cơm cháo gì. Đấy là không ai đếm, đong được những tháng năm, thời giờ và tiền bạc của dân đã bị tiêu phí cho chuyện “học” ít mà “hành” nhiều này.
Vậy mà Tuyên giáo vẫn còn khoe: “Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức.
Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm.., với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.” (Tuyên giáo, 4/10/2016)
Thật tội nghiệp cho cái miệng Tuyên giáo cứ nói như con vẹt. Chả nhẽ họ không biết rằng cán bộ, đảng viên CSVN đã suy thoái nghiệm trọng. Nền móng đảng cũng đang rữa ra từng mảng khi Nghị quyết 4/XII, 30-10-2016 thừa nhận hiện nay, đang có “số không nhỏ cán bộ, đảng viên”:
(1) “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
(2) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
(3) Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.
(4) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.”
Trong khi ấy thì trong Quy định số 115- QĐ/TW ngày 07/12/2007 về 19 điều cấm đảng viên không được làm, có ghi:
1- Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm.
2- Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tản phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Như vậy thì tình hình hiện nay trong nội bộ đảng CSVN có rối như canh hẹ không, hay khi cá Đối đã bằng đầu thì đảng có hét lên cũng chả ai thèm nghe?
Phạm Trần
0 comments:
Post a Comment