báo Nhân Dân “đối thoại”
Báo Nhân Dân của đảng Cộng sản VN (CSVN) ngày 2.12.2016 nơi mục “Bình luận-Phê phán”, bồi bút Hồng Quang trong bài “Cảnh giác và đấu tranh với luận điệu bịa đặt, dựng chuyện” đã… bịa đặt và dựng chuyện như sau:
“Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường tiến hành là khai thác một số hiện tượng rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên in-tơ-nét. Vì thế, cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh với thông tin loại này trở thành một yêu cầu cấp bách trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.”
Đội ngũ bồi bút của đảng gần đây đã có một tên mới nghe “có đầu óc” hơn: “dư luận viên”. “Dư luận viên” được dùng để chống lại những bài viết chỉ trích đảng và đòi hỏi dân chủ, tự do, nhân quyền bị kết tội là “những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.”
Tuy được mang tên mới, các dư luận viên cũng lý luận không khác gì bồi bút, cũng chỉ nhai lại những gì bồi bút đã nhai đến mòn răng, trong khi những bài viết “nói xấu đảng và nhà nước” thì ngày càng nhiều, càng sắc bén được phổ biến tràn ngập trên các trang mạng, blog, diễn đàn, FaceBook... của những người ở trong nước và cả ngoại nước.
Dù là bồi bút hay dư luận viên thì vẫn những luận điệu cũ rích như dưới đây:
“Do khả năng lan truyền, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nhiều sản phẩm từ thuyết âm mưu đến tâm lý tiếp nhận của người đọc mà nhiều năm nay, các thế lực xấu, thù địch ngày càng tỏ ra hết sức thâm độc trong việc sử dụng thuyết âm mưu làm công cụ xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện,… để gieo rắc thông tin bịa đặt, từng bước gây mơ hồ, hoang mang, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam.”
Lần này “dư luận viên” Hồng Quang đặc biệt chiếu cố tới “các thế lực thù địch, phản động” ở hải ngoại và đã nêu đích danh một số người, đầu sổ là Ký giả Phạm Trần, một lão làng với 41 năm cầm bút không ngừng nghỉ, và không có bài nào là không đả cộng.
Dưới đây là lời kết tội của dư luận viên Hồng Quang:
“Đặc biệt từ khi in-tơ-nét phát triển, bài vở xuất phát từ thuyết âm mưu ngày càng nhiều hơn, điển hình trong đó là sản phẩm của mấy kẻ như Phạm Trần, Ngô Nhân Dụng, Tưởng Năng Tiến, Kami, Bùi Thanh Hiếu (blogger Người buôn gió),… và một số “nhà báo, chuyên gia, nhà nghiên cứu” là người nước ngoài! Thủ đoạn chung trong sản phẩm của mấy người này là khai thác, tận dụng, dựa trên một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm, để ghép nối với một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề hiện tượng khác, và nhặt nhạnh một số tư liệu đã công bố bổ sung cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành vấn đề hệ trọng, khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô hình”. Để gia cố sự thuyết phục, khi trình bày, những kẻ này cố tỏ ra rất am hiểu, nắm chắc vấn đề, trích dẫn đông tây tạo vẻ uyên bác, điểm xuyết bằng loại thông tin không thể kiểm chứng như “một nguồn tin cao cấp cho biết”, “một lãnh đạo giấu tên khẳng định”, “một tài liệu mật phổ biến trong nội bộ viết”,… Sau khi công bố, những sản phẩm này thường lập tức được khai thác, đăng tải tại rất nhiều địa chỉ trên mạng, từ trang tiếng Việt của RFA, BBC, VOA, RFI,… đến blog, facebook của một số cá nhân, tổ chức xấu, thù địch với Việt Nam…”
Đọc qua đoạn trên đây, chắc nhiều người sẽ không hiểu bồi bút, dư luận viên Hồng Quang muốn nói gì vì nó tối mò mò và lủng cà lủng củng những chữ nghĩa khó hiểu, ý thì ít nhưng lời thì nhiều. Phải đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt mới hiểu đại khái.
Trước hết, “thuyết âm mưu” là gì? Đó là một loại suy nghĩ, đoán mò của những “phần tử xấu”, dựa vào những tin tức nội bộ của đảng CSVN rồi khai thác, vo tròn bóp méo, cho rằng đang có những âm mưu này nọ của các phe phái chống đối nhau trong đảng CSVN. Ông Phạm Trần được xếp đầu sổ trong danh sách những người chuyên sử dụng “thuyết âm mưu” để chống đảng.
Trong bài viết mới đây, tựa đề “Thách báo Nhân Dân và Ban Tuyên Giáo đối thoại”, Ký giả Phạm Trần đã đáp lễ bồi bút dư luận viên Hồng Quang như sau:
Nhưng đâu cần phải dựa vào “thuyết âm mưu” và cũng chẳng có ma nào vô công rỗi nghề để “xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện” khi mà tất cả những chứng hư tật xấu và suy thoái của cán bộ đảng viên đã đã được đảng vạch trần cho thiên hạ thấy tận mắt trong Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) ngày 30-10-2016.
Nội dung Nghị quyềt này, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phổ biến nói về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.”
Tài liệu chứng minh Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Trong 3 lĩnh vực tư tưởng chính trị, hành động và lối sống của cán bộ, đảng viên, Nghị quyết nêu một số biểu hiện cơ bản và quan trọng hàng đầu gồm:
1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4) Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
5) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
6) Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
Như thế thì đã nát chưa, hay chiếc áo tươi tả của đảng hãy còn tốt chán?
Chưa hết. Nghị quyết sau đó còn nói cho dân biết về lối sống xấu xa của đám “đầy tớ nhân dân” ai đọc cũng phải lắc đầu tội nghiệp cho phận dân đen. Chúng bao gồm:
1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
4) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
9) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Với một đội ngũ có nhiều người xấu như thế mà đảng chỉ nói mập mờ “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái trong tổng số trên 4 triệu đảng viên thì ai cũng biết chế độ này đã tàn tạ đến mức thê thảm chứ chẳng còn vẻ vang như đám dư luận viên Tuyên giáo đã tô son để che lấp.”
Kết luận, ông Phạm Trần thách thức:
“Tôi công khai thách đố Hồng Quang, báo Nhân Dân và Ban Tuyên giáo của chế độ CSVN đối thọai để chứng minh bài viết nào, hay những bài nào của tôi viết về Việt Nam trong suốt 41 năm qua đã có nội dung “ghép nối, nhặt nhạnh thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành vấn đề hệ trọng khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô hình”.
Tôi cam đoan đối thọai công khai, công bằng, trong sáng để minh bạch lời vu cáo của Hồng Quang, báo Nhân dân và Ban Tuyên giáo Trung ương là Tổ chức đã đăng lại và phổ biến bài viết của Hồng Quang.(hết trích)
Ký Thiệt và... Ký giả Phạm Trần vốn là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau nên đã tới gặp ông để xin phỏng vấn về trận bút chiến gay gắt này. Vì thấy ông đang bận dọn cái ga-ra để chuẩn bị đón Xuân Đinh Dậu nên chỉ xin hỏi một câu:
- Thách Hồng Quang và bè đảng Nhân Dân đối thoại, ông có nghĩ chúng sẽ nhận lời không?
- Ông nội chúng nó cũng không dám!
Ký Thiệt
----
Một mặt trận hai kẻ thù
0 comments:
Post a Comment