Mãi
đến tháng 1.1989 Erich Honecker, chủ tịch nhà nước Đông Đức vẫn còn hợm
hĩnh tuyên bố: “Tường sẽ còn đứng vững trong 50 năm tới, và cả 100 năm
nữa, khi mà những căn nguyên cơ bản chưa được giải quyết.“. Lời tuyên bố
kiêu căng của Honecker xem ra chẳng có một cơ sở vững chắc nào vì chỉ
một vài tháng sau và 28 năm sau ngày bức tường được xây dựng, sinh viên,
học sinh, công nhân, các bà nội trợ, những người hưu trí… đã đồng lòng
không dùng vũ khí, không một tấc sắc trong tay, chỉ dùng tay không phá
sập bức tường ô nhục này.

Cuộc
biểu tình lịch sử chưa có tiền lệ xảy ra vào ngày 9.10.1989 tại thành
phố Leipzig thuộc Đông Đức cũ bùng nổ, gây niềm phấn khởi cho những
người yêu chuộng tự do nhưng đồng thời cũng gây bàng hoàng lo lắng do
hình ảnh cuộc thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6 vẫn còn trước mắt người
dân Đức. Giới chính trị gia lo lắng đã đành, người dân từ trí thức cho
đến quần chúng lao động ai ai cũng cầu mong không có tiếng súng nổ sau
lời tuyên bố tanh mùi máu của Ergon Krenz[1] : “Sẽ triệt hạ tất cả những
người gây rối loạn như tại Thiên An Môn“. Chỉ cần một tiếng súng, vận
mệnh thế giới có thể đã thay đổi. Người dân căng thẳng từng giờ từng
phút hướng về Leipzig, thành phố về sau được xem là cái nôi của cuộc
cách mạng ôn hòa không đổ máu chưa từng có tiền lệ. Leipzig trở thành
một biểu tượng Tự Do của người Đức yêu chuộng Công Lý. Không những chỉ
có một thứ hai 9.10 mà hàng loạt thứ hai hàng tuần sau đó, hàng vạn
người đã xuống đường thầm lặng thắp nến cầu nguyện cho một nước Đức
thống nhất, tự do. Tiếng súng đã không nổ ra. Phải chăng là „Phép Lạ“ do
cầu nguyện mà ra hay lòng can đảm của nhân dân Đức đã chinh phục cảm
tình của quân đội và công an? Lẽ phải cuối cùng đã thắng, đúng một tháng
sau vào đêm 9 rạng sáng 10 tháng 11, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh bị chính
sức mạnh của quần chúng giật sập.

Chứng
kiến những khuôn mặt hớn hở, tươi vui, mãn nguyện của những người dân
Đông Đức khi đặt những bước chân đầu tiên sang vùng đất tự do vào đêm
09.11.1989 mới hiểu được cái giá mà họ đã bỏ ra trong hàng tháng trường,
can đảm đối đầu với hệ thống an ninh tinh vi quỷ quyệt, bất chấp bạo
lực có thể xảy ra bất cứ khi nào đến từ phía nhà cầm quyền. Ôn hòa nhưng
cương quyết, người dân Đông Đức với hai bàn tay không nhưng được trang
bị bằng những khối óc minh mẫn, bằng những trái tim rực cháy vì tự do đã
thành công giựt sập Bức tường ô nhục Bá Linh đưa đến thống nhất đất
nước.
Ngày hôm
nay, khi đi tìm lại quá khứ, người đi chỉ còn mơ hồ nhận ra những vùng
thuộc Đông Đức cũ qua một vài cơ xưởng điêu tàn không được sửa sang.
Ngoài ra, hầu như tất cả cơ sở vật chất tại vùng đất này đã được chính
quyền Berlin trợ giúp tu bổ lại. Nhà ga Leipzig với ba tầng lầu cơ sở
thương mại tấp nập người ra kẻ vào mua bán. Khu trung tâm thị tứ của
Leipzig bừng sức sống, với những tiệm cà phê bày ghế ngoài trời, với
những ban nhạc trẻ trung vui tươi trổ tài trên đường phố. Người ta không
còn nhận ra một khuôn mặt đen tối nghèo đói của một Leipzig hơn hai
mươi năm trước.
Ngày nay
người ta không còn nhận ra về mặt địa lý cũng như về mặt xã hội, con
người đâu là phần Đông Đức cũ, nơi từng được gọi là Thiên Đường của các
nước anh em xã hội chủ nghĩa, nay được cải tạo thật sự theo đúng nghĩa
của nó, trở thành xã hội đầy Nhân bản, biến đổi hàng thế hệ người cộc
cằn ích kỷ trở thành những con người bình thường, sống tử tế, nhân hòa
cùng nhau.
Lịch sử
sẽ khẳng định ai là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải
phóng Đông Đức ra khỏi bức màn sắt tăm tối. Câu trả lời chính xác nhất
có lẽ chính là khát vọng Tự Do Dân Chủ, khát vọng Thống Nhất đất nước để
cùng nhau xây dựng lại một đất nước bị Đảng và nhà nước Đông Đức phá
nát từ của cải vật chất đến Đạo Đức con người của người dân Đức.
Nhìn vào
một nước Đức thống nhất, tự tin về mặt chính trị đối nội lẫn đối ngoại,
hùng mạnh về kinh tế nhưng chan hòa nhân tính ngày nay, người ta không
khỏi chạnh lòng nhớ đến đất nước Việt Nam với hoàn cảnh lịch sử tương
tự.
Bức
tường ô nhục Bá Linh bị sụp đổ, một nước Đức độc lập hãnh diện giương
tầm mắt ngang hàng với các đại cường, bảo vệ từng quyền lợi nhỏ nhặt
nhất cho đất nước và nhân dân của họ. Một Đức quốc Dân Chủ tự tin chấp
nhận đua tranh chính trị với tất cả các đảng phái kể cả hậu thân của
Đảng Cộng Sản Đức trước đây. Người dân chung sống không phân biệt, mọi
người đều được luật pháp bảo vệ như nhau, người dân Đức đang được hưởng
những ngày thanh bình thảnh thơi. Đạo đức xã hội, nhân cách con người
ngày càng hoàn thiện trên toàn nước Đức.
Trong
khi đó một Việt Nam được xem là hùng mạnh thì nay lần lượt đánh mất
những mảnh đất, những biển đảo quý giá do tổ tiên để lại. Một Việt Nam
sau hơn 40 năm thống nhất, nay không còn một tiếng súng nhưng những
nghi kỵ vẫn còn đó, kẻ chiến thắng vẫn còn ngẩng đầu tự đắc, người thua
trận vẫn còn cúi đầu trong tủi nhục. Việt Nam lại đang bị sa lầy vào
những cuộc chiến xem chừng không lối thoát: Cuộc chiến chống tham nhũng,
nạn bè phái cửa quyền quan liêu. Cuộc chiến chống bất công, nghèo đói.
Khoảng cách giữa người nghèo kẻ giàu ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đạo
đức ngày càng tha hóa trên mọi miền đất nước. Được sống tử tế cùng nhau
là niềm mong ước hiền hòa của người dân Việt Nam hiện nay xem ra vẫn
còn quá xa vời.
9.11.1989
không phải chỉ là một ngày hào hùng của dân tộc Đức nhưng lại còn là
một tấm gương, một bài học cho những đất nước đang còn bị áp bức muốn
giật sập bức tường bạo lực đang bao phủ, ngăn cản sức tiến của dân tộc.
Không một xiềng gông nào có thể trói được niềm tin về một tương lai tươi
sáng cho đất nước, niềm mong ước được sống Tự do trong Nhân phẩm.
Lấy
Chính nghĩa mà thắng hung tàn, lấy tay không mà bẻ gãy bạo lực. Dân tộc
Đức đã làm được chuyện đó, với một dân tộc Việt Nam kiên cường thì tại
sao không?
Phương Tôn
2012 -viết lại 2016
[1] Ngày
18.10.1989 Ergon Krenz trở thành Tổng Bí Thư đãng Cộng sản Đông Đức, kế
vị Erich Honecker. Trước đó khi được hỏi cảm tưởng về vụ thảm sát tại
Quãng trường Thiên An Môn, Ergon Krenz tuyên bố: „Người ta phải làm gì
đó để tái lập trật tự“.
0 comments:
Post a Comment