Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 31 October 2016

SÂN KHẤU CHÍNH TRỊ :Tổng Thống Mỹ cách chức Giám Đốc FBI James Comey?


Tổng Thống Obama công bố đề cử ông James Comey vào chức vụ Giám Đốc FBI năm 2013
Quyết định của Giám Đốc FBI James Comey, “mở lại cuộc điều tra bê bối về email của Hillary Clinton”, đã tạo nên những chấn động dữ dội, sâu rộng và hết sức bất ngờ trong xã hội Mỹ. Bốn TNS Đảng Dân Chủ đã gửi thư cho Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch và Giám Đốc FBI James Comey, yêu cầu Thứ Hai 3 tháng 11, phải cung cấp chi tiết những emails hiện FBI đang điều tra. Trong khi đó, Tuỳ viên báo chí Toà Bạch Ốc, Eric Schultz, thú nhận, chỉ hay biết tin “mở lại cuộc điều tra bê bối về email của Hillary Clinton” qua “press report”, và cũng không biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Ngay cả TT Obama, mặc dù vẫn tiếp tục vận động tranh cử cho bà Clinton, cũng không giấu được nỗi bàng hoàng ngạc nhiên, và từ chối trả lời các câu hỏi của báo chí, khi ông đến University of Central Florida, vào Thứ Bảy, 29 tháng 10 vừa qua.
Trước những tác hại do Giám Đốc FBI gây ra cho bà Clinton, người được TT Obama hậu thuẫn tối đa, bất chấp vai trò khách quan của một vị Tổng Thống đương nhiệm, nhiều người thắc mắc: Trong cương vị Tổng Thống, đồng thời là người đã bổ nhiệm ông Comey vào chức vụ Giám Đốc FBI từ năm 2013, liệu TT Obama có quyền cách chức Comey với lý do “toan tính ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống” hay không? Cũng cùng lý do này, nếu Hillary Clinton thắng cử, trở thành Tổng Thống, liệu bà có quyền cách chức Comey hay không?
GIÁM ĐỐC FBI VÀ LUẬT PHÁP HOA KỲ
Theo luật pháp liên bang Hoa Kỳ, hiệu lực từ năm 1968, giám đốc FBI phải được tổng thống Mỹ bổ nhiệm và Thượng viện chấp thuận, giống như chánh án Toà Án Tối Cao hoặc các bộ trưởng trong nội các Hoa Kỳ. Nhưng khác với chánh án được bổ nhiệm suốt đời và không bị cách chức (ngoại trừ bị quốc hội đàn hặc – impeached by congress), hoặc bộ trưởng trong nội các được bổ nhiệm không thời hạn, giám đốc FBI chỉ được bổ nhiệm một nhiệm kỳ 10 năm và có thể bị tổng thống cách chức. Thời hạn 10 năm được áp dụng kể từ năm 1976, 4 năm sau khi Giám Đốc FBI 48-năm-liên-tục Edgar Hoover qua đời.
Theo báo cáo, “FBI Director: Appointment and Tenure” đề ngày 19 tháng 2 năm 2014, của Congressional Research Service, “luật pháp không quy định những điều kiện về quyền hạn của Tổng Thống khi bãi nhiệm Giám Đốc FBI” (there are no statutory conditions on the President’s authority to remove the FBI Director). Nói cách khác, Tổng Thống Mỹ có quyền cách chức Giám Đốc FBI mà không cần viện dẫn luât. Ngoài ra, Giám Đốc FBI cũng có thể bị bãi nhiệm qua thủ tục đàn hặc (the impeachment process) của quốc hội.
William Sessions, Giám Đốc FBI duy nhất bị TT Mỹ cách chức
Trong số những giám đốc FBI kế nhiệm Hoover, nhiều vị từ nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ 10 năm, như  Clarence Kelly về hưu khi 67 tuổi, Louis Freeh từ chức năm 2001 sau vụ nhân viên FBI Robert Hanssen làm gián điệp cho Nga. Riêng giám đốc FBI William Sessions bị TT Clinton cách chức năm 1993, vì sử dụng công xa cho việc riêng.
JAMES COMEY PHẠM LUẬT?
Trong cương vị Giám Đốc FBI, vì an ninh và quyền lợi quốc gia, James Comey có quyền thực hiện bất cứ cuộc điều tra nào, đối với bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, nếu không có bất cứ sự mờ ám nào, James Comey không hề vi phạm luật pháp khi ông quyết định mở lại “mở lại cuộc điều tra bê bối về email của Hillary Clinton”. 
Tuy nhiênMatthew Miller, cựu nhân viên Bộ Tư Pháp, ký giả Washington Post, nhận định,khi đưa ra quyết định này trong lúc cuộc bầu cử TT chỉ còn 10 ngày nữa, một thời hạn quá ngắn để kết thúc cuộc điều tra,  chắc chắn James Comey đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả bấu cử. Điều này rõ ràng đã đi ngược lại nguyên tắc bất thành văn của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ: FBI không được làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, nhất là trong thời hạn 60 ngày trước ngày bầu cử.
Nguy hiểm hơn, James Comey đã không hề hỏi ý kiến Bộ Tư Pháp, và quyết định của ông cũng không hề được sự chấp thuận của Bộ Tư Pháp.
Matthew Miller cũng cho biết, xưa nay trong giai đoạn tiền bầu cử, Bộ Tư Pháp đã trì hoãn việc gửi giấy đòi hầu toà (triệu hoán trạng – subpoenas) đối với các ứng cử viên, cũng như tự chế không có những nhận định ảnh hưởng tới sự chọn lựa của cử tri khi bỏ phiếu.
Tất nhiên, trong cương vị Giám Đốc FBI, James Comey dư biết tất cả những khó khăn nguy hiểm ông phải đối diện. Biết nhưng ông vẫn dám làm, vì ông hiểu: 1. Nguyên tắc bất thành văn không có tính cưỡng chế; khác với LUẬT, có tính cưỡng chế và chế tài. 2. Có thể tầm quan trọng và sự khả tín của những bằng chứng ông có trong tay, đã khiến ông quyết định mở lại “mở lại cuộc điều tra”, để tránh cho nước Mỹ nguy cơ, phải truy tố hoặc đàn hặc một vị tân tổng thống vì tội đại hình.
TT OBAMA / CLINTON CÁCH CHỨC JAMES COMEY?
Như trên đã trình bầy, tổng thống có quyền cách chức giám đốc FBI mà không cần viện dẫn luât. Nhưng cho dù bảo vệ bà Clinton tối đa, chắc chắn TT Obama không thể hành xử quyền hạn này, vì mấy lý do.
Thứ nhất, cho đến nay, TT Obama vẫn không biết rõ, những bằng chứng mới James Comey đã có hoặc sẽ có, là những bằng chứng gì. Nếu những bằng chứng đó quả thực ảnh hưởng đến an ninh, quyền lợi quốc gia, thì rõ ràng, quyết định mở lại “mở lại cuộc điều tra” của James Comey là hợp lý, hợp pháp, và có thể nói ông có công với nước Mỹ.
Thứ hai, cho dù không phải viện dẫn luật khi cách chức James Comey, TT Obama vẫn phải trình bầy lý do hợp tình hợp lý, biện minh cho việc làm của mình trước công luận. Cụ thể, ông phải chứng minh được, quyết định của James Comey quả thực đã ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Điều này chắc chắn không dễ dàng có được, ngay cả sau ngày bầu cử nhiều tháng, thậm chí cả năm. Khi đó, đã hết nhiệm kỳ tổng thống, làm sao ông Obama có thể cách chức được James Comey.
Trong trường hợp Hillary Clinton đắc cử tổng thống (điều rất khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay), chưa chắc bà đã dám cách chức hay yêu cầu James Comey từ chức. Vì với sự thắng cử của bà, làm sao bà có thể chứng minh, quyết định của James Comey, “mở lại cuộc điều tra bê bối về email của bà”, đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử?
Hữu Nguyên (huunguyen@saigontimes.org)

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.