Duterte lập tức thanh minh
Sau khi Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tách khỏi nước Mỹ và chọn Trung Quốc với Nga làm bạn, nhiều người phụ tá và bộ trưởng trong chính phủ ông đã phải lên tiếng giải thích để giảm tầm quan trọng những lời ông nói. Bộ Trưởng Thương Mại Ramon Lopez, đang ở Bắc Kinh, đã nhấn mạnh với đài CNN rằng nước ông sẽ không cắt đứt quan hệ với Mỹ: “Ðể tôi nói rõ hơn, ông tổng thống không nói đến chuyện cắt đứt (The president did not talk about separation). Về quan hệ kinh tế chúng tôi sẽ không chấm dứt việc thương mại, đầu tư với nước Mỹ.” Hai bộ trưởng kinh tế và tài chánh ra một bản tuyên bố chung cũng nói tương tự, “Chúng tôi giữ các quan hệ với phương Tây nhưng cũng muốn tăng cường hợp tác với các lân bang.”
Tại thủ đô Manila, những lời tuyên bố “bỏ Mỹ” của ông Duterte bị nhiều người phản đối. Nghị Sĩ Leila De Lima giải thích, “Ông ta tự thổi phồng mình lên vì nuôi ảo tưởng cũng là một người hùng kiểu các ông lãnh đạo Tàu và Nga.” Có người dân ngỏ ý rằng “Chắc ông ấy nói đùa! Nước Mỹ rất thân thiện và từng là bạn thiết của người Filipinos từ lâu rồi.”
Trong dân chúng Philippines, hơn ba phần tư (76%) nói họ “rất tin tưởng” (much trust) vào nước Mỹ và chỉ có 22% tỏ ra tin tưởng Trung Quốc. Ngược lại, hơn một nửa (55%) nói họ ít tin tưởng vào Trung Cộng.
Giáo Sư Luật Khoa Jay Batongbacal, đại học University of the Philippines cho rằng “cắt đứt các quan hệ kinh tế với Mỹ là chuyện khó, vì nó cũng liên can đến các hiệp ước quốc phòng. Hành động đó có thể vi phạm Hiến Pháp, và trong thực tế, gần như không thể thực hiện.” Philippines đã ký hai hiệp ước quân sự với Mỹ, từ 1950 đến 2014. Muốn xóa bỏ, phải được Quốc Hội phê chuẩn.
Hiện nay Mỹ đứng hàng thứ ba về mua bán với Philippines, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2015, tổng số thương vụ hai bên lên từ 16.5 tỷ đến 18 tỷ Mỹ kim. Gần 3 triệu người Filipinos sống ở nước Mỹ, họ góp một phần ba trong số tiền gần 18 tỷ Mỹ kim mà người Phi ở nước ngoài gửi về nước trong năm ngoái.
Các xí nghiệp Mỹ đầu tư 4.7 tỷ vào Philippines. Hơn một triệu người Phi làm việc trong các trung tâm trả lời điện thoại và xử lý dữ kiện của các công ty Mỹ đặt tại Philippines, vì dân Phi nói thông thạo tiếng Anh. Riêng các dịch vụ này góp thêm 25 tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế Philippines năm nay.
Ông Duterte đã công nhận là cháu ba đời một di dân Trung Hoa từ Phúc Kiến. Nhưng điều đó cũng không đặc biệt, vì cựu Tổng Thống Corazon Aquino cũng dòng dõi Phúc Kiến, đời thứ ba, và năm 1988 bà đã về thăm làng gốc của gia đình họ Tô, cũng như con bà sau đó, cựu Tổng Thống Benigno Aquino, năm 2011. Ông Benigno Aquino là người đã quyết định kiện Trung Cộng trước tòa án quốc tế. Ðức Hồng Y James Sin vốn gốc Trung Hoa, là người đóng vai quan trọng trong các cuộc biểu tình lật đổ hai tổng thống Ferdinand Marcos (1986) và Joseph Estrada (2001).
Ông Duterte không phải là vị tổng thống Phi đầu tiên muốn giao hảo với Trung Quốc, nhưng ý định đó luôn luôn vấp phải một chướng ngại là những hành động xâm lấn của chính quyền Trung Cộng tại bãi đá ngầm Scarborough Shoal mà người Trung Hoa gọi là đảo Hoàng Nham (Huangyan).
Nếu dân Filipinos thấy ông Duterte nhượng bộ cho Bắc Kinh về Scarborough thì họ sẽ phẫn nộ. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo, tiếng nói bán chính thức của chính quyền Trung Cộng, đã đề nghị Manila công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên đảo Hoàng Nham, đổi lại, các ngư dân Filipinos sẽ được vào đánh cá trong vùng đó. Nhưng vấn đề chủ quyền đã nằm trong tâm khảm người Filipinos, hàng triệu người đã biểu tình hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế xử cho Philippines thắng, vào Tháng Sáu.
Scarborough Shoal là một mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, vì những căn cứ quân sự trên các tảng đá ngầm này, cộng với các căn cứ đã lập trên các hòn đảo nhân tạo gần đây, sẽ tạo thành một vùng tam giác kiểm soát tất cả Ðường Lưỡi Bò và vùng biển Ðông Nam Á. Từ đó, Bắc Kinh sẽ khống chế Philippines và nhòm ngó các đảo Guam và Hawaii của Mỹ.
Nếu không được quân đội Mỹ bảo vệ với các hiệp ước an ninh hỗ tương, quân đội Philippines sẽ quá bé nhỏ so với Hải Quân Trung Cộng. Nếu ông Duterte “nhượng” Scarborough Shoal cho Tập Cận Bình, dân chúng sẽ coi ông không khác gì Phạm Văn Ðồng công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bởi vì các chính phủ sau này sẽ mất một điểm tựa quan trọng trong việc thương thuyết với Trung Cộng, hết cả quyền hiện cáo.
Một điểm hài hước là đảng Cộng Sản Philippines cũng lên tiếng cảnh cáo ông Duterte, nói rằng họ chống hành động “Thay thế nước Mỹ bằng Trung Quốc đóng vai khai thác Philippines” là điều không thể chấp nhận! Cộng Sản Philippines đòi Trung Cộng phải bãi bỏ độc quyền đánh cá của họ tại nhiều vùng biển đang tranh chấp, chấm dứt quân sự hóa vùng biển Ðông Nam Á, và không được tiếp tục xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác trong vùng! Họ nói: Nếu quyền lợi của dân Phi không được tôn trọng thì những việc xây cầu, mở hải càng, làm xa lộ và đường xe lửa, mà Trung Cộng hứa hẹn không có ý nghĩa nào cả! Khó tin rằng đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nói lên được những lời như vậy!
Người Filipinos biết rằng nếu Trung Cộng thắng thế trên cả vùng biển Ðông Nam Á thì Philippines sẽ trở thành một chư hầu, cùng các nước khác trong vùng. Quyền tự do của người Phi sẽ biến mất. Người ta còn lo rằng ông Duterte sẽ bắt chước cựu Tổng Thống Ferdinand Marcos, người được dân chúng bầu lên nhưng sau tự biến thành một nhà độc tài; điều này chắc chắn sẽ bị chính phủ Mỹ chống nhưng sẽ được Trung Cộng hoan nghênh.
Trong vùng Châu Á, các nước đều tỏ ra dè dặt và lo ngại về những lời nói của ông Duterte. Báo Japan Times cho biết chính phủ Tokyo nhấn mạnh sẽ củng cố quan hệ với Philippines mạnh hơn, để đối đầu với ý định bành trướng của Trung Cộng. Japan Times thuật lại ý kiến của Giáo Sư Wataru Kusaka, Ðại Học Nagoya, nói rằng ông Duterte vẫn luôn luôn đề cao quan hệ với Nhật Bản, và đoán rằng ông ta sẽ thay đổi ý kiến về Mỹ vì lực lượng chính trị thân Mỹ ở Philippines rất mạnh.
Nhật báo Taipei Times tại Ðài Loan viết một bài quan điểm ví ông Duterte với ông Donald Trump ở Mỹ, về thái độ thân thiện với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, và các hành động với phụ nữ, nhưng chỉ khác là Duterte đã đắc cử. Tháng Hai năm 2016, ông Duterte đã công nhận ông có ba nhân tình và một bà vợ không cưới; nhưng ông vẫn kính trọng phụ nữ. Một điểm tương đồng khác là mỗi lần ông Trump phát biểu là nhiều chính khách đảng Cộng Hòa lại lên tiếng thanh minh, giống như các bộ trưởng của ông Duterte cũng đang làm. Báo Taipei Times cũng phản đối cuộc tàn sát hơn 3,000 người nhân danh chống ma túy, đặc biệt chú ý tới cái chết của một bé gái mới 5 tuổi khi cha em này bị bắn. Ðiều đáng quan ngại cho Ðài Loan là ông Duterte đang làm thay đổi thế cân bằng trong vùng biển Châu Á.
Tại Bắc Kinh, ông Duterte giải thích rằng ông bỏ nước Mỹ vì “Mỹ đã thua” trong vùng Ðông Nam Á. Nhưng nhiều người không đồng ý.
Nhật báo Straits Times tại Singapore nhắc lại lời cố Tổng Thống Lý Quang Diệu, nói rằng chỉ có nước Mỹ mới tạo được thế cân bằng với Trung Cộng trong vùng này. Tờ báo nhắc lại các nước Á Ðông đều đang tìm cách mở cửa cho sự hiện diện của Mỹ, để giúp các nhà lãnh đạo Mỹ dễ thuyết phục dân chúng nước họ, vì người Mỹ đang có khuynh hướng quay vào bên trong. Singapore đã cho hải quân Mỹ được sử dụng một căn cứ hải quân từ năm 1992. Nam Hàn và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ; kể cả việc đóng góp thêm vào chi phí của quân đội Mỹ đồn trú tại các nước này.
Tờ báo Straits Times phê bình Tổng Thống Duterte “vốn chỉ là thị trưởng một thành phố nhỏ ở một tỉnh xa xôi, và là một tay non trên trường ngoại giao.” Họ so sánh tổng sản lượng nội địa Philippines chỉ bằng của Singapore, 300 tỷ Mỹ kim, không thể đọ sức với Trung Cộng. Nếu không có nước Mỹ thì Trung Cộng sẽ làm chủ cả vùng Ðông Nam Á! Họ nhắc nhở rằng giới lãnh đạo quân sự Philippines rất thân Mỹ và cần Mỹ hỗ trợ, chắc chắn sẽ chống lại bất cứ nhượng bộ nào với Trung Cộng; và đa số giới chính trị ở nước này cũng chống. Straits Times kết luận Philippines không thể nào chấm dứt quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Ngày Thứ Bảy, 22 tháng 10, tại Davao ông Duterte đã “tự giải thích” sau khi từ Bắc Kinh trở về nước. Ông nói ông không hề muốn “chấm dứt” (sever) quan hệ đồng minh với Mỹ mà chỉ muốn “tách ra” (separate) thôi. Ông giải thích sever là cắt đứt liên lạc ngoại giao, và ông sẽ không làm điều đó, vì nó trái ngược với quyền lợi của nước ông! Ông nói separate chỉ là đặt ra một đường lối mới trong mối bang giao, bởi vì các đời tổng thống trước ông Mỹ bảo sao là làm theo!
Ông Rodrigo Duterte phải lập tức “thanh minh” cũng vì lo dân bất mãn. Ông đắc cử trong cuộc chạy đua năm ứng cử viên, nhờ những hứa hẹn chống ma túy và chống tham nhũng. Hiện nay ông mới đang thực hiện lời hứa thứ nhất, nhưng đã vội vàng tạo một bước ngoặt trên đường ngoại giao. Dân chúng Phillipines có thể chấp nhận cảnh tàn sát ngoài tầm kiểm soát của luật pháp trong một thời gian dài, một hoặc hai năm. Nhưng họ khó nhân nhượng cho ông Duterte xoay chiều cả nền tảng ngoại giao của đất nước. Cựu Ngoại Trưởng Albert Del Rosario nói ở Manila: “Gạt bỏ một đồng minh lâu đời đáng tin cậy để ôm lấy một nước láng giềng hung hãn từng bất chấp luật pháp quốc tế là điều dại dột và không hiểu nổi!”
Philippines đã sống năm thế kỷ dưới chế độ thực dân của Tây Ban Nha, sau đó 50 năm dưới chế độ bảo hộ của Mỹ. Năm 1944-45 quân đội Mỹ đã giải phóng Philippines thoát khỏi cuộc chiếm đóng tàn bạo của quân Nhật rồi trao trả độc lập, và điều này dân Phi còn nhớ.
Ngô Nhân Dụng
0 comments:
Post a Comment